Monday, November 23, 2009

MỘT VỤ BẮT CÓC KIỂU XÃ HỘI ĐEN

Một vụ bắt cóc kiểu xã hội đen
Yoani Sánchez
Trần Quốc Việt dịch
24/11/2009 3:01 sáng
http://www.talawas.org/?p=13910
Gần Đường 23, ngay đoạn vòng cung Avenida de los Presidentes, chúng tôi thấy một chiếc xe hơi màu đen, sản xuất tại Trung Quốc, dừng lại với ba người lạ lực lưỡng. “Yoani, hãy lên xe ngay,” một gã vừa ra lệnh, vừa chụp mạnh cổ tay tôi. Hai gã kia vây quanh chị Claudia Cadelo, anh Orlando Luis Pardo Lazo, và một người bạn cùng đi chung cả nhóm để đến dự cuộc tuần hành chống bạo lực. Mỉa mai thay, ngày tuần hành trong hoà bình và hoà hợp giờ bị thay bằng đêm đen chứa đầy những cú đấm, những tiếng la thét và lời chửi thề tục tĩu. Chính những “kẻ tấn công” này gọi một chiếc xe công an tuần tra tới chở hai người bạn đường khác của tôi đi, để Orlando và tôi ở lại chịu trận với chiếc xe mang bản số vàng đó, thế giới kinh hoàng của sự bất chấp luật pháp và sự miễn tội trong trận sống mái cuối cùng.
Tôi từ chối bưóc vào chiếc xe sáng loáng do hãng Geely sản xuất này và đòi họ cho xem giấy tờ công tác hay trát bắt. Dĩ nhiên họ không cho chúng tôi xem bất kỳ giấy tờ nào chứng minh tính hợp pháp của việc bắt giữ người. Thấy những người hiếu kỳ xúm quanh lại xem nên tôi la to, “Bà con ơi giúp dùm, những người này muốn bắt cóc chúng tôi.” Nhưng họ ngăn cản những ai muốn can thiệp vào khi họ la to, “Đừng dính vào chuyện này, đây là bọn phản cách mạng.” Tiếng la đó đã bộc lộ rõ ràng toàn bộ bối cảnh ý thức hệ của sự thi hành lệnh này. Thấy chúng tôi lớn tiếng cãi lại, họ liền gọi điện thoại nói với người nào đó có vẻ là cấp trên, “Chúng tôi làm gì bây giờ? Bọn này ngoan cố không chịu lên xe.” Tôi hình dung ra câu trả lời từ phía bên kia là rất rõ ràng, vì sau đó là trận mưa đấm đá và xô đẩy; họ ghì đầu tôi xuống, cố đẩy tôi vào xe cho được. Tôi bám vào cửa xe… thế là họ đấm vào các khớp đốt ngón tay… tôi giật được một tờ giấy từ trong túi của một gã và vội nhét vào miệng. Lại thêm một cơn mưa đấm nữa nhằm buộc tôi trả họ tờ giấy.
Orlando đã lọt hẳn vào trong xe. Anh bị một thế karate ghì chặt xuống sàn, không cựa quậy được. Một tên ép đầu gối lên ngực tôi, còn tên ngồi trên ghế trước thì thụi vào vị trí thận và đấm vào đầu để tôi phải há miệng nhổ tờ giấy ra ngoài. Có lúc tôi tưởng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi chiếc xe này. Tên ngồi cạnh tài xế giật tóc tôi nói: “Mày giở trò vậy đủ rồi, Yoani,” “Tao chán các trò hề của mày lắm.” Ở băng ghế phía sau là một cảnh tượng hiếm thấy: hai chân tôi chổng lên trên, mặt đỏ bừng do sức ép đầu gối, toàn thân đau đớn; phía bên kia, anh Orlando bị khoá chặt bởi một tay đánh người chuyên nghiệ. Trong cơn tuyệt vọng, tôi suýt nắm được hòn dái của y qua vải quần.Tôi bấu móng tay vào, nghĩ rằng y sẽ đè vỡ ngực tôi cho tới hơi thở cuối cùng. “Các người giết tôi đi,” tôi kêu thét sau khi cố hít vào chút hơi tàn cuối cùng. Gã ngồi phía trước cảnh cáo tên trẻ hơn, “Hãy để cho nó thở.”
Tôi nghe Orlando thở hổn hển; Các cú đánh tiếp tục trút tới tấp xuống người chúng tôi; tôi định mở cửa lao xuống nhưng chẳng có tay cầm nào bên trong xe. Chúng tôi đành phó mặc họ muốn làm gì thì làm; nghe tiếng Orlando khiến tôi vững lòng hơn. Sau này anh bảo tôi anh cũng cảm thấy như vậy khi nghe những lời nói tắc nghẹn của tôi… Những lời nói đó cho anh biết là “Yoani vẫn còn sống.”
Chúng tôi bị vất nằm bỏ mặc trên đường ở Timba, mình mẩy ê nhức. Một phụ nữ bước đến hỏi, “Chuyện gì xảy ra vậy?”… “Bị bắt cóc,” tôi gắng gượng nói. Hai chúng tôi ôm nhau khóc giữa hè phố; tôi chỉ nghĩ đến Teo. Trời ơi, làm sao tôi giải thích cho con biết các vết đánh bầm tím này? Làm sao tôi có thể bảo con rằng con đang sống trong một nước nơi chuyện này lại có thể xảy ra, làm sao tôi sẽ nhìn thẳng vào mắt con mà nói rằng mẹ của con, vì viết blog và bày tỏ ý kiến trên mạng, đã bị người ta đánh giữa đường như vậy. Làm sao tả được những bộ mặt tàn bạo của những kẻ đã cưỡng ép chúng tôi lên xe, niềm vui thấy rõ của họ khi đánh chúng tôi, việc họ vén váy tôi lên khi họ kéo tôi gần như trần truồng lên xe.
Tuy nhiên, tôi cũng thấy được mức độ hoảng sợ của những kẻ đánh người này, sợ hãi về những điều mới, về những gì họ không thể hủy diệt được bởi lẽ họ không hiểu, sự khiếp sợ ồn ào của kẻ biết rằng ngày tàn của mình đang gần kề.

Nguồn:
www.desdecuba.com/generationy (Bài đăng ngày 7.11.2009)
Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog


Đổ lỗi tại nạn nhân
Yoani Sánchez
Trần Quốc Việt dịch
24/11/2009 3:02 sáng
http://www.talawas.org/?p=13916
Sau một vụ tấn công, sẽ có những kẻ thiển cận nào đó trách chính nạn nhân nữ về chuyện đã xảy ra. Nếu đó là một phụ nữ bị hãm hiếp, ai đấy sẽ giải thích rằng tại váy chị mặc quá ngắn hay dáng đi sao khêu gợi. Nếu đó là vụ cướp giật, có nhiều kẻ cho rằng cái ví sặc sỡ hay đôi bông tai sáng lấp lánh chị mang đã kích thích lòng tham của tội phạm. Với những trường hợp nạn nhân là đối tượng của sự đàn áp chính trị, cũng không thiếu người biện minh cho cuộc tấn công đó; họ nói rằng sự thiếu thận trọng là nguyên nhân dẫn đến những phản ứng “mạnh” như thế. Đối mặt với những thái độ này, nạn nhân cảm thấy bị bạo hành đến những hai lần.
Hàng chục con mắt theo dõi khi Orlando và tôi bị các cú đấm cưỡng ép lên xe hẳn không muốn ra làm chứng, và như thế họ đã đặt mình về phía tội phạm.
Vị bác sĩ không làm bệnh án về vụ bạo hành, do bị cảnh cáo trước rằng với “ca bệnh” này, không được có bất kỳ giấy tờ chứng thương nào, đang vi phạm lời thề Hippocrates và, với hành động giả ngơ đó, mặc nhiên thành kẻ đồng lõa với thủ phạm.
Những kẻ thấy cần phải nhiều vết bầm tím hơn, thậm chí phải gãy xương, thì mới cảm thấy thương người bị đánh: không những họ đong đếm nỗi đau của người khác, mà còn như thể họ đang nói với kẻ thủ ác, “có đánh thì phải để lại nhiều dấu vết hơn, phải hung hăng hơn chứ.”
Cũng không thiếu những kẻ luôn khăng khăng rằng nạn nhân tự mình gây ra thương tích, những kẻ bịt tai trước tiếng la hét hay lời khóc than ngay sát bên mình, nhưng lại đi nhấn mạnh và rêu rao những chuyện xảy ra cách chỗ họ hàng ngàn dặm, dưới một chính thể khác với một ý thức hệ khác. Họ chính là những kẻ vô đạo tưởng rằng các trại cưỡng bức lao động
[1] là chốn lạc thú, nơi ta vừa học quân sự vừa vui với việc đồng quê. Những kẻ tiếp tục tin rằng vụ hành hình ba người[2] là hợp lý để duy trì chủ nghĩa xã hội, và coi việc những người không chịu khép mình vào khuôn khổ bị đánh là do họ tự chuốc họa vào thân khi lên tiếng chỉ trích. Chẳng có bằng chứng nào, thậm chí ngay cả mấy chữ Nơi an nghỉ cuối cùng trên bia mộ trắng [của nạn nhân] có thể thuyết phục được những kẻ cả đời chỉ biết biện minh cho bạo lực. Với họ, nạn nhân chính là nguyên nhân, còn kẻ tấn công chỉ là người thừa hành một bài học bắt buộc, một chánh án đơn thuần và là người uốn nắn các lệch lạc của chúng ta.

Bệnh án vắn tắt
Các vết thương từ vụ bắt cóc vào thứ Sáu vừa qua đang lành dần. Các vết bầm giờ đã đỡ hơn, song điều tôi lo nhất là cơn đau nhói ở vùng thắt lưng khiến tôi đi lại phải dùng nạng. Tối qua tôi có đến bệnh viện và họ điều trị các chỗ bị viêm đau. Không có gì mà tuổi trẻ và sức khoẻ của tôi không vượt qua được. May là trong lúc ghì đầu tôi xuống sàn xe, họ đánh tôi nhưng không trúng mắt, chỉ trúng vào xương gò má và lông mày. Tôi hy vọng sẽ lành hẳn trong vài ngày tới.
Tôi cảm ơn bạn bè và gia đình đã săn sóc và ủng hộ tôi. Nỗi đau nào cũng phai dần, ngay cả nỗi đau tâm lý thường khó vượt qua nhất. Chị Claudia và anh Orlando vẫn chưa hết bàng hoàng, nhưng hai người đều rất cứng cỏi và rồi cũng sẽ vượt qua được. Chúng tôi đã bắt đầu tươi cười trở lại, vì đó vị thuốc hay nhất để chữa căn bệnh bạo hành. Liệu pháp chính cho tôi vẫn là blog của mình, và là hàng ngàn chủ đề còn đang chờ đưọc đề cập đến.

Chú thích của biên tập (trang desdecuba): bài này được ghi lại qua điện thoại.
Nguồn:
www.desdecuba.com/generationy (Bài đăng ngày 8.11)

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog
-------------------------------------------

[1] Trại cưõng bức lao động, tên chính thức là “Những Đơn vị quân đội trợ giúp sản xuất”, được thành lập ở Cuba vào năm 1965 dưới ngọn cờ cải tạo ý thức hệ. Người tù ở đây bao gồm đủ loại “phần tử chống xã hội” cũng như các tu sĩ và những người đồng tính nam. (Chú thích của người dịch từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh.)
[2] Vụ hành hình ba người: Vào ngày 2 tháng Tư năm 2003, một nhóm người Cuba cướp một chiếc phà với khoảng 50 người trên phà, với dự định chạy thẳng sang Mỹ. Chỉ hơn một tuần sau đó, ba người bị bắt là Lorenzo Copello, Barbaro Sevilla và Jorge Martinez đã bị tử hình vì có “những hành động khủng bố nghiêm trọng.”



No comments:

Post a Comment