VÌ SAO ẤN ĐỘ LO NGẠI TRUNG QUỐC
Đăng bởi anhbasam on 23/11/2009
http://anhbasam.com/2009/11/23/374-vi-sao-%e1%ba%a5n-d%e1%bb%99-lo-ng%e1%ba%a1i-trung-qu%e1%bb%91c/
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
VÌ SAO ẤN ĐỘ LO NGẠI TRUNG QUỐC
Thứ Hai, ngày 9-11-2009
Newsweek 10/2009
Ngày 12/6, hai chiếc máy bay trực thăng quân sự của Trung Quốc đã sà thấp xuống Demchok, một làng nhỏ của Ấn Độ nằm trên dãy núi cao Himalaya chạy dọc theo vùng biên giới phía Tây Bắc tiếp giáp với Trung Quốc. Những chiếc máy bay này đã thả thực phẩm đồ hộp xuống một dải đất khô cằn và sau đó quay trở lại các căn cứ ở Trung Quốc. Giới quân sự Ấn Độ đã đột ngột điều động những chiếc máy bay trực thăng quân sự đến địa điểm trên nhưng dường như lệnh báo động được đưa ra không kịp thời. Kiểu trò chơi mèo vờn chuột này vốn hay xảy ra trong thời Chiến tranh Lạnh đã diễn ra dọc theo 4.057 km đường biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, vụ việc này đã làm giới truyền thông điên đầu về cái gọi là “con rồng Trung Quốc”. Bắt đầu từ tháng 8/2009, các câu chuyện về những cuộc xâm nhập mới và bất ngờ của Trung Quốc vào lãnh thổ Ấn Độ đã chi phối các mạng lưới tin tức của hệ thống truyền hình trong suốt 24 giờ và trên các tiêu đề báo chí.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90.000 km2 thuộc lãnh thổ Ấn Độ. Và hầu hết những lời khẳng định chủ quyền trên đã trở nên rối tung cùng với vấn đề Tây tạng. Những dải đất lớn trên các dãy núi miền Bắc Ấn Độ có thời là một phần của Tây tạng. Một số dải đất khác thuộc về những vương quốc bán độc lập từng trung thành với Lhasa. Do Bắc Kinh hiện coi Tây tạng là một phần của Trung Quốc, nước này trong một chừng mực nào đó đã tìm cách tuyên bố chủ quyền đối với một phần lãnh thổ Ấn Độ mà Bắc Kinh coi là thuộc Tây Tạng theo lịch sử, một tuyên bố đã trở nên ngày càng dễ gây ra xung đột trong những tháng gần đây.
Kể từ khi xảy ra tình trạng bạo động chống Trung Quốc ở Tây Tạng vào năm 2008, tiến bộ nhằm tiến tới giải quyết tranh chấp về vấn đề biên giới đã bị trì trệ, và tình hình đã chuyển sang một bước ngoặt nguy hiểm. Việc xuất hiện những băng video quay cảnh người Tây Tạng đánh đập những chủ cửa hàng người Hán ở Lhasa và các thành phố khác ở Tây Tạng đã gây ra sức ép nội bộ lớn đối với Bắc Kinh đòi phải ra tay đàn áp. Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc lo ngại rằng tâm trạng bối rối của người Tây Tạng sẽ chỉ khích lệ tình trạng bạo động của các dân tộc thiểu số khác của nước này, chẳng hạn như những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hoặc những người thuộc sắc tộc Mông Cổ ở Nội Mông, đe doạ sự toàn vẹn của Trung Quốc. Susan Shirk, cựu quan chức thuộc chính quyền Clinton và chuyên gia về Trung Quốc, nói rằng “trong quá khứ, Đài Loan là vấn đề nòng cốt về mặt chủ quyền”, như họ gọi nó, và Tây Tạng không phải là vấn đề thật nổi bật trước công chúng” . Ngày nay, Shirk cho rằng Tây Tạng được coi là một “vấn đề nòng cốt về chủ quyền dân tộc” ngang hàng với vấn đề Đài Loan.
Những ngụ ý về sự an toàn của Ấn Độ – cũng như của thế giới – là đáng lo ngại. Nó biến những gì một thời từng là cuộc tranh luận mơ hồ về các đường biên giới được vẽ trên một bản đồ năm 1914 và một vài đỉnh núi đá khô cằn hầu như không đáng giá để giao tranh trở thành một điểm nóng có thể làm nổ ra một cuộc chiến giữa hai nước láng giềng được trang bị vũ khí hạt nhân. Và điều đó làm cho cuộc tranh chấp về đường biên giới Ấn – Trung trở thành một vấn đề quan ngại của nhiều bên chứ không chỉ của hai bên liên đới. Mỹ và châu Âu cũng như các nước còn lại của châu Á cần phải biết đến điều đó – một cuộc xung đột liên quan đến Ấn Độ và Trung Quốc có thể dẫn đến một cuộc chiến hạt nhân. Và nó có thể lôi kéo phương Tây vào vụ việc này – hoặc như một đồng minh nhằm bảo vệ nền dân chủ châu Á hoặc là giống như trong trường hợp của Đài Loan, hoặc như một người hoà giải đang cố tách rời hai bên.
Bắc Kinh tỏ ra ngày càng lo ngại về nơi ẩn náu an toàn mà Ấn Độ dành cho Đạtlai Lạtma và hàng chục nghìn người lưu vong Tây Tạng, bao gồm ngày càng nhiều những người ủng hộ việc giành lại độc lập cho Tây Tạng. Những thanh niên Tây Tạng trẻ tuổi này, với nhiều người sinh ra ở bên ngoài Tây Tạng, đang trở nên thiếu kiên nhẫn trước giải pháp “trung dung” của Đạtlai Lạtma – sẵn sàng chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc để đổi lấy quyền tự trị thực sự – và cam kết sẽ không sử dụng bạo lực. Nếu những nhóm người này sử dụng Ấn Độ như một căn cứ nhằm khởi nghĩa vũ trang chống lại Trung Quốc, như những người lưu vong Tây Tạng đã thực hiện trong suốt những năm 1960, khi đó Trung Quốc có thể trả đũa Ấn Độ. Bằng vũ lực hoặc yêu sách, Bắc Kinh có thể cũng tìm cách giành lại quyền sở hữu các tu viện Phật giáo Tây Tạng quan trọng nằm trên lãnh thổ Ấn Độ gần đường biên giới trên. Cả về mặt chính trị lẫn văn hoá, những tu viện này hiện được coi là những điểm nút quan trọng trong sự nổi lên của người Tây Tạng chống lại nhà nước cầm quyền Trung Quốc.
Bắc Kinh đã mở một cuộc tấn công ngoại giao nhằm cắt xén chủ quyền của Ấn Độ đối với những khu vực mà Trung Quốc khẳng định là của mình, đặc biệt là bang Arunachal Pradesh ở Đông Bắc Ấn Độ và một trong những thành phố chính của nước này, thành phố Tawang, nơi sinh ra Đạtlai Lạtma thứ 6 trong thế kỷ 17 và là nơi xây dựng nhiều tu viện Tây Tạng quan trọng. Tây Tạng đã nhượng lại Tawang và khu vực xung quanh đó cho Ấn Độ dưới thời Anh thống trị vào năm 1914. Trung Quốc mới đây đã cấp visa rời cho các cư dân của bang này; chuyển công hàm phản đối chính thức sau khi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới thăm bang trên vào năm 2008; và cố ngăn cản việc Ngân hàng Phát triển châu Á cho Ấn Độ vay 2,9 tỉ USD do một phần của số tiền được dành cho một dự án tưới tiêu của bang này. Tất cả những hành động trên hiện được hiểu rõ trong bối cảnh xảy ra những rắc rối mới đây của Trung Quốc ở Tây Tạng, với việc Bắc Kinh ngày càng lo ngại rằng bất kỳ sự chấp nhận đường biên giới năm 1914 nào sẽ dẫn đến sự thừa nhận ngấm ngầm rằng Tây Tạng đã từng độc lập với Trung Quốc – một đòn mạnh giáng vào tính hợp pháp của việc Trung Quốc kiểm soát khu vực này cũng như các khu vực thiểu số khác.
Tin tức về các cuộc xâm nhập của Trung Quốc có thể được coi như một dấu hiệu rằng Bắc Kinh hết sức nghiêm túc về những tuyên bố khẳng định chủ quyền lãnh thổ của mình. Đường biên giới chính xác chưa bao giờ được hai bên cùng chấp nhận – có nghĩa là sự xâm nhập của bên này là cuộc tuần tra theo thường lệ của bên kia – nhưng người Trung Quốc rõ ràng đã đẩy mạnh hoạt động của họ dọc theo đường biên giới này. Theo Brahma Chellaney, chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách của Niu Đêli, một nhóm tư vấn độc lập: Giới quân đội Ấn Độ đã báo cáo một con số kỷ lục là Trung Quốc đã tiến hành 270 lần xâm phạm đường biên giới trong năm 2008 – gần gấp đôi con số của năm 2007 và gấp hơn 3 lần số vụ xâm phạm trong năm 2006. Với việc lưu ý rằng hành động xâm phạm đường biên giới gần như diễn ra hàng ngày trong mùa Hè này, Chellaney cho rằng việc này phát triển tới mức như một “kiểu tham chiến của Trung Quốc”. Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hồi tháng 6 đã chỉ trích những động thái mới đây của Ấn Độ nhằm đẩy mạnh việc bảo vệ đường biên giới của mình đồng thời tuyên bố: “Trung Quốc sẽ không đưa ra bất kỳ sự thoả hiệp nào trong các cuộc tranh chấp về đường biên giới của nước này với Ấn Độ”. Tờ báo đặt câu hỏi liệu Ấn Độ đã cân nhắc thích đáng “những hậu quả về một sự đối đầu tiềm ẩn với Trung Quốc”.
Đối với nhiều người Ấn Độ , Trung Quốc là một cường quốc bành trướng nhất quyết ngăn cản sự nổi lên của Ấn Độ như một thách thức nghiêm trọng đối với ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực châu Á. Họ đã bị ám ảnh bởi những ký ức về cuộc chiến tranh năm 1962 của Ấn Độ với Trung Quốc, trong đó Trung Quốc đã phát động một cuộc xâm chiếm lớn dọc theo chiều dài của đường biên giới, đánh tan tác người Ấn Độ trước khi đơn phương dừng lại ở những gì mà ngày nay vẫn được coi là đường biên giới trên thực tế, được mọi người biết đến là Đường Kiểm soát Hiện thời (LAC). Họ hiện lo ngại trước sự hiện diện về hải quân ngày càng được mở rộng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, coi mạng lưới các căn cứ hải quân đang được mở rộng của Bắc Kinh như một sợi dây thòng lọng có thể được sử dụng để bóp nghẹt Ấn Độ. Họ chỉ trích Thủ tướng Manmohan Singh trước những gì vốn bị coi là điểm yếu khi phải đối mặt với mối đe doạ ngày càng tăng này. Bharat Verma, chủ bút Tạp chí Quốc phòng Ấn Độ, trong một bài tiểu luận được đăng công khai rộng rãi trong mùa Hè 2009, đã dự báo rằng Trung Quốc sẽ tấn công Ấn Độ vào một thời điểm nào đó trước năm 2012. Ông Verma cho rằng với tình trạng bạo động xã hội nổi lên ở Trung Quốc dưới tác động của sự sụt giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu, giới lãnh đạo Bắc Kinh cần có “một thắng lợi quân sự nhỏ” để thống nhất quốc gia, và Ấn Độ là “một mục tiêu mềm” do hoạt động không có hiệu quả của ông Singh. Trong những tuần gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và các chỉ huy Không quân và Lục quân nước này đã cảm thấy buộc phải cam đoan một lần nữa trước công luận rằng “sẽ không có sự tái diễn của cuộc chiến năm 1962”.
Những lời cảnh báo này hiểu sai hoàn toàn ý định của Trung Quốc. Trong khi Ấn Độ lo ngại về quân đội lớn hơn cũng như sự giàu có hơn của Trung Quốc, Trung Quốc lo ngại về quân đội lớn hơn và nền kinh tế mạnh hơn của Mỹ. Tại châu Á, mục tiêu đã được công bố của Trung Quốc là theo đuổi sự “trỗi dậy hoà bình” mang lại lợi ích cho tất cả các nước láng giềng của nước này, bao gồm cả Ấn Độ, và dường như chẳng có lý do gì để nghi ngờ mục tiêu này. Bắc Kinh hiện là một thế lực không vững chắc, không phải là một thế lực hay gây hấn, vì đang đối mặt với mối đe doạ thực sự về tình trạng bất ổn xã hội và kinh tế ở trong nước. Sự hiện diện hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Ấn Độ Dương cho thấy sự quan tâm hợp pháp trong việc bảo vệ các tuyến đường biển mà Bắc Kinh phải phụ thuộc để chuyển các nguồn tài nguyên thiên nhiên và dầu lửa từ châu Phi và Trung Đông về nước. Các hoạt động ở biên giới cần được nhìn nhận dưới cùng một góc độ; đó không phải là mối đe doạ bên ngoài từ góc nhìn bi quan của Ấn Độ, mà là quan hệ của Ấn Độ trước mối đe doạ bên trong từ Tây Tạng.
Tuy nhiên, nếu Tây Tạng là một Đài Loan mới, điều này đòi hỏi một chính sách ngoại giao cực kỳ tinh tế. Có thể nói phương Tây có xu hướng đánh giá thấp thiện chí của Trung Quốc trong việc chống lại những động thái đòi độc lập ở Đài Loan – Trung Quốc đã bắn tên lửa cảnh báo Đài Loan vào năm 1996 – và hiện cũng có thể nói điều tương tự như vậy về Tây Tạng. Tuy nhiên, Đài Loan đã duy trì vị thế nguyên trạng rất khôn khéo qua việc trang bị rất đầy đủ vũ khí cho mình, trong khi tránh đưa ra bất kỳ một lời nói khoa trương hoặc hành động đi quá giới hạn cho phép của chính quyền Bắc Kinh.
Ấn Độ đang thử nghiệm một cách tiếp cận tương tự. Năm 2008, nước này đã từ chối cấp giấy phép cho Đạtlai Lạtma tới thăm Tawang – có vẻ vì sắp diễn ra các cuộc bầu cử quốc hội – và hiện nay ông này còn đặt kế hoạch cho một chuyến đi khác trong tháng 11. Sẽ là khôn ngoan cho Niu Đêli – và có lẽ là với cả các nước khác có ảnh hưởng đối với Đạtlai Lạtma, chẳng hạn như Mỹ – trong việc tìm ra một lý do giữ thể diện cho Đạtlai Lạtma hoãn vô thời hạn chuyến đi này. Ấn Độ cần phải đặc biệt cảnh giác đề phòng hoạt động quân sự trong cộng đồng những người Tây Tạng lưu vong, cộng đồng duy nhất dường như có khả năng gây ra một cuộc tấn công Trung Quốc, và có thể sẽ là khôn ngoan khi chấm dứt chính sách né tránh bất kỳ một sự bàn luận nào về vấn đề Tây Tạng trong các quan hệ tiếp xúc của nước này với Trung Quốc. Challaney nhận xét: “Có nhiều cách để làm nổi bật vấn đề trọng tâm của Tây Tạng mà không tỏ ra khiêu khích hoặc đối đầu. Nếu Niu Đêli công bố trước dư luận rằng Tây Tạng không còn là tầng đệm chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc, và Ấn Độ muốn Tây Tạng sẽ là chiếc cầu nối chính trị giữa Niu Đêli và Bắc Kinh, thì điều đó chắc chắn sẽ làm thay đổi về cơ bản câu chuyện này”
Vị thế của Ấn Độ trong các cuộc hội đàm cần được hỗ trợ bằng sức mạnh về vũ khí. Niu Đêli đã bắt đầu bố trí lại các lực lượng đóng ở biên giới, phát động một chương trình xây dựng đường sá sao cho tương xứng với các đường sá và các sân bay mà Trung Quốc đã cho xây trên phần đất của họ ở phía bên kia, và mới đây Ấn Độ đã tiến hành một cuộc tập trận phối hợp giữa không quân và lục quân kéo dài 3 ngày, dường như nhằm cho thấy nước này đang ở trong tư thế cảnh giác đề phòng. Nhưng Ấn Độ cần phải thận trọng, không được phản ứng quá mạnh: nước này quan sát trong tình trạng báo động trước việc hàng chục nghìn binh sẽ Trung Quốc đã được triển khai ở khu vực biên giới kể từ khi xảy ra các cuộc nổi loạn ở Lhasa trong năm 2008, nhưng hầu hết những hành động này được thiết kế để khẳng định lại quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với Tây Tạng. M.Taylor Fravel, chuyên gia MIT về vấn đề tranh chấp biên giới Ấn – Trung, cho biết nhiều binh lính được triển khai ở Tây Tạng là những lực lượng an ninh nội địa, thiếu pháo hoặc xe tăng hạng nặng, nên ít đe doạ hơn đối với Ấn Độ so với những gì mà các nhân vật diều hâu của nước này vẫn nghĩ.
Sẽ là khôn ngoan nếu Ấn Độ đầu tư vào những vũ khí có tầm bắn xa hơn – chẳng hạn như các tên lửa và máy bay tấn công hiện đại – nhằm cho phép nước này duy trì sự ngăn chặn từ xa, mà không cần “giẫm chân” lên quân đội Trung Quốc đang đóng ở biên giới. Ấn Độ cũng đã bắt đầu triển khai các hệ thống rađa hiện đại dọc theo đường biên giới Ấn – Trung – một cách để kiểm soát các địa hình hiểm trở trong khi tránh đối đầu trực diện. Ấn Độ có thể cũng tìm kiếm việc chia sẻ tin tức tình báo với các nước và khu vực khác – chẳng hạn như Mỹ, Nhật Bản, và Đài Loan – về các hành động và hoạt động di chuyển quân của Trung Quốc ở Tây Tạng, cả hai việc nhằm ngăn chặn khả năng bị tấn công bất ngờ và cũng để tránh một cuộc xung đột tình cờ.
Bài học cuối cùng từ Đài Loan là Niu Đêli cần theo đuổi các biện pháp mở cửa đường biên giới về lĩnh vực thương mại và thông tin, tự ràng buộc mật thiết hơn với Trung Quốc. Shirk cho rằng Trung Quốc hiện đang mở ra các mối quan hệ với Đài Loan, như một phần của nỗ lực nhằm “giành trái tim và khối óc của người dân”, làm tăng hy vọng rằng Trung Quốc rốt cuộc có thể theo đuổi một cách tiếp cận khoan dung hơn đối với Tây Tạng và các khu vực thiểu số khác. Trong bối cảnh có những tin tức về các cuộc xâm nhập ở biên giới, cả Ấn Độ và Trung Quốc cần phải “hạ giọng”. Các quan chức quân sự Trung Quốc đã mời các tướng lĩnh Ấn Độ ở cả 3 bộ tư lệnh khu vực đang phải đối phó với vấn đề trên ở phía bên kia đường biên giới trên thực tế (LAC) sang thăm Trung Quốc để đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin, trong đó có cả chuyến thăm hiếm thấy đến Lhasa. Các quan chức Ấn Độ đã yêu cầu các cơ quan truyền thông giảm bớt việc nói về các cuộc xâm nhập ở biên giới. Cố vấn anh ninh quốc gia Ấn Độ M.K.Narayanan đã cảnh báo rằng việc đánh lên những hồi trống chiến tranh có thể trở thành một dự báo mà tự nó sẽ trở thành hiện thực, dẫn đến “một vụ việc rắc rối không có lý do chính đáng hoặc một rủi ro” với Trung Quốc. Đây là một vấn đề hiện cần được các cấp cao nhất – chứ không được để cho những cái đầu nóng – của tất cả các bên xử lý.
No comments:
Post a Comment