Tuesday, November 24, 2009

VAI TRÒ TRUNG QUỐC TRONG LỰC LƯỢNG GÌN GIỮ HOÀ BÌNH LHQ

Vai trò Trung Quốc trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc
Linda Mottram
24/11/2009 - 15:01
http://www.bayvut.com.au/s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/vai-tr%C3%B2-trung-qu%E1%BB%91c-trong-l%E1%BB%B1c-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-g%C3%ACn-gi%E1%BB%AF-h%C3%B2a-b%C3%ACnh-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c

Nguồn
Praise for China's expanding peacekeeping role

Việc Trung Quốc cam kết tăng thêm quân trong lực lượng gìn giữ hòa bình đã nâng cao tinh thần của các viên chức gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc
Nhiều nước đã lên tiếng hoan nghênh việc Trung Quốc mở rộng đáng kể vai trò của mình trong các hoạt động gìn giữ hòa bình do Liên Hiệp Quốc đề xướng.
Từ tám năm qua trong bối cảnh Trung Quốc triển khai chiến lược mới, nước này đã đẩy mạnh vai trò của mình trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình do Liên Hiệp Quốc đề xướng. Trung Quốc có một trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình đầy đủ tiện nghi nằm ở bên ngoài thủ đô Bắc Kinh, trong đó có phòng nghiên cứu ngôn ngữ rất hiện đại.
Hiện nay Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi các quốc gia phát triển hỗ trợ thêm cho hoạt động gìn giữ hòa bình. Những nước này thường để công tác này cho các quốc gia đang phát triển thực hiện. Ngoài ra những người đặc trách công tác gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc cũng đang cố gắng tìm cách lấy lại uy tín cho tổ chức này sau những thất bại nặng nề gần đây của lực lượng gìn giữ hòa bình.
Mới đây Bắc Kinh vừa tổ chức một hội nghị được xem như lần đầu tiên từ trước tới nay ở Trung Quốc về vấn đề gìn giữ hòa bình quốc tế. Tham dự hội nghị có nhiều quan chức quân sự từ nhiều nước cũng như các nhân viên cao cấp trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc như bà Izumi Nakamitsu, Giám đốc Đặc trách Chính sách, Đánh giá và Huấn luyện của Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Bà Nakamitsu cho hay chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định chiến lược về việc tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc hiện đứng đầu trong số năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc gửi quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Nước này đã gửi 2100 quân tham gia các chiến dịch do Liên Hiệp Quốc thực hiện và sẽ dần dần tăng thêm quân số trong lực lượng này.
Bà Nakamitsu cho biết việc Trung Quốc cam kết tăng thêm quân đã nâng cao tinh thần của các viên chức gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh các quốc gia phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ thường từ chối đảm đương trách nhiệm này khi Liên Hiệp Quốc mở chiến dịch hoặc cần các nước gửi quân tham gia. Chính sự lưỡng lự của các nước phát triển khiến Liên Hiệp Quốc bắt đầu quay sang tìm kiếm sự ủng hộ mới. Mục đích chuyến công tác hiện nay của bà Nakamitsu nằm trong mục tiêu này. Bà cho hay chính phủ Hoa Kỳ dưới quyền Tổng thống Obama tỏ rõ nhiều dấu hiệu tích cực trong vấn đề gìn giữ hòa bình quốc tế. Washington muốn xem xét các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể trong vấn đề này. Có thể Hoa Kỳ chưa muốn gởi quân tham gia ngay lập tức nhưng họ đang muốn tìm ra các biện pháp cụ thể để đóng góp vào vấn đề gìn giữ hòa bình quốc tế.
Hoa Kỳ hiện vẫn còn vướng vào hai cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Chỉ riêng lý do này đã khiến ít nhất trong lúc này và trongtương lai gần chính phủ Mỹ khó lòng gởi quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
Tiến sĩ Ron Huisken, chuyên gia về an ninh tại Đại học Quốc gia Úc cho hay Trung Quốc chưa bao giờ sẵn sàng gửi quân tham chiến hoặc tham gia các chiến dịch kiến tạo hòa bình nào. Vấn đề này có liên quan tới kỹ thuật, y tế, vận tải. Tuy nhiên, nếu xét tới khía cạnh số lượng các chương trình mà nước này chính thức tham gia thì hướng đi mới của Trung Quốc trong việc gởi quân tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình Liên hiệp Quốc quả là điều rất khích lệ.
Đề cập tới cuộc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm về vai trò của Trung Quốc trong việc gìn giữ hòa bình, Tiến sĩ Huisken cho hay Trung Quốc có vẻ xem công tác gìn giữ hòa bình là hoạt động có giá trị cao và xứng đáng để làm. Tuy nhiên theo ông Huisken, nước này vẫn còn hết sức ngần ngại về hậu quả của một số hoạt động kiến tạo hòa bình.
Bắc Kinh nhấn mạnh bất kỳ chiến dịch nào mà nước này tham gia cũng đều phải do Liên Hiệp Quốc thực hiện chứ Trung Quốc không chịu gởi quân dưới hình thức từng được chính quyền Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Bush cổ vũ là “Liên minh của những nước có cùng chung ước muốn”
Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc hiện vẫn đang cố lấy lại uy tín sau những vụ tại tiếng nghiêm trọng, đặc biệt là các vụ xâm hại tình dục do các binh sĩ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc gây ra tại Châu Phi. Hiện người ta vẫn đang nghiên cứu vấn đề thực thi các luật mới có tính rất chặt chẽ. Tuy nhiên, hầu hết những vụ thất bại nặng nề trong công tác gìn giữ hòa bình lại diễn ra ở chính nơi và thời điểm người ta cần đến nó nhất. Điển hình là tình hình tại Rwanda hồi năm 1994 khi ít nhất 500 nghìn người Tutsi bị các phần tử cực đoan Hutu hạ sát.



No comments:

Post a Comment