Tuesday, November 24, 2009

BIỂN ĐÔNG TRONG CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO DẦU LỬA TRUNG HOA

Biển Đông trong chính sách ngoại giao dầu lửa Trung Hoa
Tác giả: Phương Loan
Bài đã được xuất bản.: 9 giờ trước (24-11-2009)

http://tuanvietnam.net/2009-10-16-bien-dong-trong-chinh-sach-ngoai-giao-dau-lua-trung-hoa
Xuyên suốt các hoạt động của Trung Quốc liên quan đến biển Đông là nhằm thiết lập chủ quyền trên thực tế [de facto] trên vùng biển này bằng mọi phương thức có thể kể cả biện pháp vũ lực. Trên thực tế, việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và vùng biển thuộc Biển Đông không hề có cơ sở pháp lý (de jure)

>> Trung Quốc và ngoại giao vết dầu loang

(Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết như một tư liệu tham khảo)

Biển Đông (mà người Trung Quốc với cách nhìn của họ gọi là biển Nam Hải) là một khu vực không hề đơn giản đối với các yêu sách của Trung Quốc. Vùng biển rộng lớn cùng với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (mà nhiều bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh thuộc phần lớn chủ quyền của Việt Nam) đang là đối tượng tranh chấp của nhiều bên.
Từ nhiều năm, Trung Quốc luôn coi Biển Đông là phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, dù trong thời gian dài, Trung Quốc không hề chiếm hữu thực tế và không có chỗ đứng chân tại khu vực này (cho đến giữa thế kỷ 20).
Khi cơn khát dầu mỏ ngày càng gia tăng sức ép lên Trung Quốc, Biển Đông đang càng giữ vai trò quan trọng, vì nguồn dầu khí tiềm năng dưới lòng đại dương cùng với các nguồn tài nguyên khác, vì tuyến hàng hải của Trung Quốc ra với thế giới đều nằm ở vùng biển địa chiến lược này và ví tính toán chiến lược lâu dài của Trung Quốc với khu vực và thế giới.

Theo tính toán của học giả Trung Quốc, hiện nay, toàn bộ vùng Biển Đông tiềm ẩn tài nguyên dầu khí, chí ít trị giá 1000 tỷ USD.
Xuyên suốt các hoạt động của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông là nhằm thiết lập chủ quyền trên thực tế [de facto] trên vùng biển này bằng mọi phương thức có thể kể cả biện pháp vũ lực. Trên thực tế, việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và vùng biển thuộc Biển Đông không hề có cơ sở pháp lý (de jure).

80% diện tích biển Đông
Từ năm 1951, khi còn là Bộ trưởng Ngoại giao, ông Chu Ân Lai đã tuyên bố đòi hỏi chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dù vào thời điểm đó, Trung Quốc không hề có chỗ đứng ở Biển Đông.
Mấy chục năm qua, Trung Quốc không ngừng thực hiện chiến lược "gặm nhấm từng bước" bằng nhiều biện pháp trong đó phải kể đến việc nhiều lần sử dụng vũ lực, mở rộng sự hiện diện trên các đảo, quần đảo ở Biển Đông.
Song hành với các biện pháp "gặm nhấm" trên thực địa, Trung Quốc đã vận dụng bộ máy tuyên truyền và ngoại giao tuyên truyền về chủ quyền và thái độ cứng rắn của nước này đối với vấn đề Biển Đông (mà Trung Quốc gọi là biển Nam Hải) ở trong nước và trên toàn thế giới và coi đó là chủ trương liên tục và thống nhất của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Tuy nhiên, dù nhiều lần tuyên bố về chủ quyền với toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cho tới tháng 5/2009, Trung Quốc chưa một lần đưa một lần đưa tuyên bố chính thức bản đồ về biên giới, chủ quyền trên biển cho dù trong một số bản đồ không chính thức trước đó, những ám chỉ về chủ quyền của Trung Quốc đối với một vùng biển rộng lớn trên Biển Đông đã được thể hiện (bản đồ rước đuốc Olympic 2008 là một trong số đó).
Ngày 13/5/2009, lần đầu tiên, Trung Quốc chính thức đưa bản đồ có hình lưỡi bò lên Liên hiệp quốc (LHQ). Theo đó, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chiếm tới 80% diện tích Biển Đông.
Trước đó, Trung Quốc chỉ lẳng lặng đưa bản đồ trong các hội nghị, diễn đàn quốc tế, khu vực, cũng như trong các tài liệu của nước này, nhằm có sự công nhận thực tế.
Hành động này được các nước xem là ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ.
Điều đáng nói là, dù là quốc gia có công nghệ vẽ bản đồ hiện đại của thế giới, thế nhưng, trong tấm bản đồ gửi lên LHQ, Trung Quốc lại ngang ngược vi phạm nguyên tắc cơ bản của thể hiện bản đồ. Thay vì thể hiện đường biên giới dự kiến, do đang còn tranh chấp với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc đã thể hiện đường biên giới trên Biển Đông là đường biên giới quốc gia chính thức (vốn được quy định chỉ thể hiện sau khi các quốc gia láng giềng đạt được thỏa thuận về phân chia biên giới trên biển).
"Những động thái gần đây cho thấy Trung Quốc đang ngày càng mạnh bạo hơn trong việc đòi chủ quyền vì khả năng bảo vệ chủ quyền và giá trị kinh tế cũng như chiến lược của các phần lãnh thổ họ đòi hỏi tăng lên", nhà nghiên cứu Michael Richardson trong bài viết trên báo The Straits Times của Singapore 18/05/2009

Gác tranh chấp, cùng khai thác
Trong khi ngang ngược đòi chủ quyền 80% diện tích Biển Đông, Trung Quốc lại chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" nhằm tranh thủ các nước trong khu vực, và dễ bề cho hoạt động của mình.
Nguyên tắc "gác tranh chấp, cùng khai thác" được bắt đầu vào ngày 10/8/1978, khi Trung Quốc xử lý tranh chấp đảo Điếu Ngư với Nhật Bản ở biển Đông Hải. Ngoại trưởng Nhật Bản khi đó là ông Sonoda trong chuyến thăm Trung Quốc đã đề xuất với Đặng Tiểu Bình về vấn đề đảo Điếu Ngư. Đặng Tiểu Bình trước hết nhấn mạnh đảo Điếu Ngư là lãnh thổ Trung Quốc sau đó đề xuất gác vấn đề đảo Điếu Ngư lại 20-30 năm.
Ngày 25/10/1978, trong chuyến thăm Nhật Bản, khi tiến hành hội đàm với Thủ tướng Takeo Fukuda, Đặng Tiểu Bình đã nói: "về vấn đề đảo Điếu Ngư, có một số cách nhìn nhận khác nhau, có thể không nói đến trong cuộc hội đàm này. Tôi đã nói với Ngoại trưởng Sonoda rằng thế hệ này của chúng ta không đủ thông minh, không tìm ra được biện pháp giải quyết, thế hệ sau của chúng ta sẽ thông minh hơn, lấy đại cục làm trọng".
Ngày 31/5/1979, trong khi tiếp nghị sĩ Nhật Bản Suzuki, Đặng Tiểu Bình đã nhắc lại chủ quyền của Trung Quốc với đảo Điếu Ngư, lần đầu tiên đề xuất một cách hoàn chỉnh kiến nghị "gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác".
Với Biển Đông (mà Trung Quốc gọi là biển Nam Hải) và các quốc gia Đông Nam Á có liên quan, Trung Quốc cũng giơ khẩu hiệu "gác tranh chấp, cùng khai thác" trong khi vẫn khăng khăng đòi chủ quyền thuộc về mình, dù thiếu cơ sở lịch sử và pháp lý.
Trung Quốc đã đơn phương thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng tranh chấp, dựa vào sức của các công ty dầu mỏ của Trung Quốc và mời chào sự tham gia của các đại gia dầu lửa thế giới.
Trung Quốc cũng khuyến khích ngư dân ra các khu vực đảo không có người ở để khai thác và xây dựng đảo, khuyến khích đầu tư nước ngoài và vốn xã hội tham gia vào hoạt động khai thác lợi dụng hải đảo.
Để phục vụ cho việc khai thác và nhập khẩu dầu mỏ thông qua tuyến hàng hải quan trọng này, Trung Quốc thúc đẩy phát triển đội tàu vận chuyển dầu quốc gia VLCCs. Đội tàu này có thể được huy động trong trường hợp nguồn cung cấp nhiên liệu bị đứt mạch do tai nạn, cướp biển hoặc do Mỹ phong tỏa.
Báo Trung Quốc cũng cho hay, Trung Quốc cũng đang soạn thảo "Luật bảo hộ hải đảo" dự kiến phê duyệt trong năm 2009 và biên soạn "Quy hoạch bảo vệ khai thác hải đảo toàn quốc".
Với các nước láng giềng có tranh chấp, Trung Quốc sử dụng kinh tế và ngoại giao để che chắn và tranh thủ sự ủng hộ của chính phủ các nước với chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác". Những cam kết ODA khổng lồ cho Philippines, việc ủng hộ chính quyền Myanmar khi thế giới quay lưng... là sự cụ thể hóa của chính sách bắt tay có điều kiện này của Trung Quốc.

"Kiểm soát thực tế làm cơ sở"
Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc từng nói: "hoạch định bất kỳ một đường biên giới nào, cuối cùng đều chỉ có thể lấy tuyến kiểm soát thực tế làm cơ sở. Biên giới trên bộ là như vậy, kiểm soát vùng biển cũng như vậy".
Song song với việc kiểm soát thực tế bằng khai thác tài nguyên, Trung Quốc đầu tư lớn cho hoạt động hải quân, nhất là thời gian gần đây, khi Trung Quốc triển khai hệ thống "phòng ngự biển thời bình".
Lấy lí do chống lại các nguy cơ đe dọa an ninh dầu mỏ trên biển, Trung Quốc tăng cường lực lượng hải quân trên Biển Đông. Cuốn sách trắng của Trung Quốc được soạn thảo năm 2006 đã cụ thể hóa quan điểm của Bắc Kinh về hải quân, trong đó trật tự ưu tiên quân sự của Trung Quốc có sự điều chỉnh, từ lục quân giữ vị thế nổi trội sang ưu tiên hải quân và không quân.
Trong đó, hải quân chuyển từ loại hình phòng ngự bờ biển gần sang phòng ngự biển gần, không quân từ loại hình phòng thủ vùng trời lãnh thổ sang vừa tấn công, vừa phòng thủ. Đội ngũ cán bộ hải quân, không quân cũng được quan tâm đầu tư, tăng từ 14% giới chức quân sự Trung Quốc năm 1992 sang 25% năm 2007.
Thậm chí, mới đây, tờ China Daily trích lời ông Võ Trang, Cục trưởng Cục Ngư nghiệp và Quản lý Cảng cá Nam Hải cho hay "Trung Quốc sẽ tận dụng tối đa các tàu hải quân cũ, và có thể đóng mới tàu tuần dương, tùy theo nhu cầu."
Mức chi quân sự của Trung Quốc được ghi nhận có tốc độ tăng vượt bậc, trong đó phần lớn chi phí để hiện đại hóa hải quân. Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc thừa nhận Trung Quốc đã phát triển từ lực lượng phòng thủ ven biển thành lực lượng hải quân có khả năng vươn xa.
Mới đây, Trung Quốc đã cho xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở đảo Hải Nam, răn đe và ngăn chặn hành động của các bên hữu quan tại vùng biển còn tranh chấp chủ quyền. Với vấn đề năng lượng, giới quan sát cho rằng, căn cứ này là căn cứ tiền duyên, bước chuẩn bị quan trọng của Trung Quốc cho các cuộc tranh giành nguồn tài nguyên dầu mỏ tại khu vực quần đảo Trường Sa. Sự kết hợp của căn cứ này và các công trình quân sự Trung Quốc đã dựng lên ở quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam bằng vũ lực, sẽ khiến Trung Quốc đủ sức kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông.
Từ đầu năm 2009 đến nay, Trung Quốc cũng thường xuyên điều tàu tiến hành tuần tra quân sự và phi quân sự (bằng các tàu ngư chính thực chất là tầu có vũ trang được hoán cải) ở khu vực Biển Đông, tăng cường hoạt động thực tế, cả về khai thác dầu khí, đánh bắt cá, nghiên cứu địa chất... và an ninh.

"Mềm rắn cùng thi hành"
Ngày 26/2/2009, mạng Milchina.com của Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia quân sự nói "hòa bình không thể dựa vào ngàn vạn lần thề bồi và hiệp nghị mà thực hiện được. Trừ những hiệp thương tất yếu ra, vào thời cơ thích hợp, Trung Quốc nên thể hiện thực lực quân sự trên biển để bảo vệ chủ quyền biển".
"Trung Quốc phải chuẩn bị mềm rắn cùng thi hành, tiên lễ hậu binh". Khi lễ không hiệu quả thì phải dùng binh, nhưng binh không phải chỉ là đánh nhau mà còn phải là vận dụng sức mạnh tổng hợp của đất nước".
Trên thực tế, quan điểm "mềm rắn cùng thi hành" không có gì mới với Trung Quốc. Trong suốt hơn 30 năm qua, Trung Quốc không ít lần sử dụng hình thái tấn công quân sự quy mô nhỏ, gặm nhấm từng bước.
Với Việt Nam, Trung Quốc đã hai lần sử dụng vũ lực vào các năm 1974 và 1988 tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhờ đó, từ chỗ không hề đứng chân trên Biển Đông, Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo (bãi đá ngầm) trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền lâu đời của Việt Nam.
Tương tự, vào các năm 1996, 1997, Trung Quốc cũng dùng vũ lực chiếm đảo vốn thuộc quyền quản lý của Philippines.
Bên cạnh việc dùng vũ lực trực tiếp chiếm đảo, Trung Quốc cũng chủ trương và áp dụng các hình thức: đe dọa bằng vũ lực với ngư dân các nước khác hoặc gây sức ép kinh tế với các công ty dầu khí quốc tế nhằm ngăn chặn các nước khai thác tài nguyên trong vùng khai thác.
Là người đề xuất chủ trương: "chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác, cùng hưởng lợi" tại Biển Đông, thế nhưng từ tháng 3 năm nay, Trung Quốc đã cải biến tàu chiến thành tàu đánh cá để làm nhiệm vụ "tuần tra tại Biển Đông, có quyền kiểm tra, bắt giữ các tầu nước ngoài vi phạm luật, lệnh cấm của Trung Quốc"... Một số tàu cá Việt Nam và mấy nước trong ASEAN đã bị bắt giữ, bị đâm chìm, nhà nghiên cứu Trung Quốc, ông Dương Danh Dy nói.
Trung Quốc cũng dùng nhiều biện pháp nhằm lôi kéo riêng rẽ từng nước thành viên ASEAN, chia rẽ họ trong ứng xử về vấn đề Biển Đông. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc đã lôi kéo một nước đi đêm, đặt các nước còn lại trong thế bị động... Đó cũng là điều các học giả quốc tế quan ngại khi bàn về khả năng hợp tác trong ASEAN để trở thành đối trọng với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Đáng tiếc, dường như, chiến lược của Trung Quốc đang phát huy hiệu quả.
Mới đây, ngay trước thềm hội nghị ASEAN tại Thái Lan, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, bà Tiết Hãn Cần đã tái khẳng định lập trường của Trung Quốc, rằng các bất đồng ở Biển Đông là "
vấn đề song phương, chứ không phải đa phương". Bà Tiết Hãn Cần nói: "Trung Quốc cho rằng đây là bất đồng giữa Trung Quốc và các nước riêng rẽ xung quanh Biển Đông, chứ không phải giữa Trung Quốc và ASEAN. Bởi vậy, chính phủ Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua các đàm phán song phương". Thực tế, Hội nghị đã bỏ sót vấn đề biển Đông sang một bên, mà nhiều người cho là sự thất bại của ASEAN và các nước liên quan đến tranh chấp.
Cùng với sự lớn mạnh về kinh tế và vị thế quốc tế, Trung Quốc cũng ngày càng cứng rắn hơn trong ứng xử liên quan đến vấn đề Biển Đông, kể cả với Mỹ mà sự kiện tàu Impeccable của Mỹ đụng độ với tàu Trung Quốc là minh chứng rõ ràng.
Có thể nói, biển Đông chưa lúc nào lặng sóng, dù có lúc, nó chỉ là sóng ngầm dưới mặt biểu hữu nghị của các thảo luận và cam kết tay đôi, tay ba.
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy).



No comments:

Post a Comment