Monday, November 2, 2009

TƯỞNG NIỆM CỐ TỔNG THỐNG KENNEDY

Tưởng niệm cố Tổng Thống Hoa Kỳ: John Fitzgerald Kennedy
Phan Đức Minh
Đăng ngày 3-11-2009
http://danchimviet.com/articles/1637/1/Tng-nim-c-Tng-Thng-Hoa-K-John-Fitzgerald-Kennedy/Page1.html

1.-Vài dòng mở đầu câu chuyện:

Viết xong loạt bài về vụ Đảo Chánh ngày 1 tháng 11 – 1963, tại nam Việt Nam, và cái chết của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào ngày 2 cùng tháng năm đó, tôi cứ yên trí là xong tháng 11 với những ngày đặc biệt của nó. Đâu ngờ, coi Ti Vi, báo chí, thấy người ta nói khá nhiều đến vị Tổng Thống thứ 35 của Hoa Kỳ, John Fitzgerald Kennedy, tôi chợt nhớ ra là vị Tổng Thống tài hoa, son trẻ này cũng bị giết chết trong tháng 11, cũng năm 1963, nhưng sau cái chết của Tổng Thống Diệm 20 ngày.
Theo nhiều sách vở, tài liệu có giá trị thì cái chết của 2 vị Tổng Thống: 1 Việt Nam, 1 Hoa Kỳ, cùng bị giết trong tháng 11 năm 1963, kẻ trước người sau chỉ cách nhau có 20 ngày, có khá nhiều liên hệ với nhau về chính trị, quân sự. Cái chết của Tổng Thống Diệm là do chống lại chính sách của Hoa Kỳ lúc đó muốn đổ quân tác chiến của Mỹ vào nam Việt Nam, "giúp" nam Việt Nam chống cộng sản Hà Nội theo "kiểu cách, đường lối, mục đích " của Hoa Kỳ. Còn Tổng thống Kennedy bị bắn chết tại Dallas, Tiểu Bang Texas Hoa Kỳ thì nguyên do chính yếu, cho tới lúc này vẫn được những nhân vật "biết chuyện của nước Mỹ nhiều nhất" cho là chuyện: Tổng Thống Kennedy cũng đi ngược lại đường lối, chính sách "Đổ quân tác chiến Mỹ vào nam Việt Nam".
Hai Tướng Paul HarKins (Trưởng Phái Bộ Viện trợ quân sự Mỹ tại Sài Gòn) và Maxwell Taylor (Chủ Tịch Ủy Ban Tham Mưu liên quân, kể như Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực Hoa Kỳ) hỏi tổng Thống Kennedy "Đảo chánh lật đổ Ông Diệm, thì Tổng Thống đã chọn được ai thay vào vị trí lãnh đạo Nam Việt Nam có khả năng chống cộng tốt hơn, hiệu qủa hơn Ông Diệm hay chưa? Trong tình thế hiện tại, vị trí lãnh đạo không thể bỏ trống vì bỏ trống là rối loạn, mà rối loạn là mời cộng sản tiếp thu Sài Gòn, khỏi cần đánh chác chi cả! "
Hai Ông Tướng cao cấp, rành chuyện này hơn ai cả mà hỏi cách đó thì Tổng thống Kennedy chỉ còn có cách là suy nghĩ vài phút, rồi quyết định ra lệnh gửi cho Đại Sứ Mỹ, Henry Cabot Lodge ở Sài Gòn, với nội dung: "Liên lạc ngay với các Tướng Lãnh, hoãn cuộc đảo chánh lại, chờ lệnh mới! ".
Đại Sứ Cabot lodge không thuộc cùng một Đảng với Ông Kennedy, có liên hệ chặt chẽ với cái gọi là " Siêu quyền lực " của đất nước Hoa Kỳ, đã " phe lờ " coi như không nhận được cái "Urgent Message " của Tổng Thống, và cứ tiến hành cuộc đảo chánh như đã định từ khi lên máy bay sang Sài Gòn nhâïn chức Đại Sứ thay cho Đại Sứ Nolting.
Khi ông Diệm bị giết chết thì Ông Kennedy hoảng hốt và quyết định rút chân ra khỏi Việt Nam ngay lập tức, không cần phải chờ đến lúc bị Liên Sô, Trung Quốc và Hà Nội chính thức đánh bại tại " Vũng lầy Việt Nam " mà Ông Kennedy đã chẳng mấy thích thú ngay từ ngày tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống thứ 35 của Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng 1 – 1961. Ông Diệm bị giết vì chống lại chính sách đổ quân tác chiến Mỹ vào nam Việt Nam. Ông Kennedy chủ trương " rút chân ra khỏi Việt Nam " tức là... phá hỏng kế hoạch đổ quân tác chiến Mỹ vào nam Việt Nam, đã sẵn sàng hoạch định, chuẩn bị từ bao nhiêu tháng năm rồi. Vậy thì Ông Kennedy cũng phải chịu chung số phận như Ông Diệm.
Công việc rút Sĩ Quan Hoa Kỳ cố vấn, huấn luyện viên, nhân viên chính quyền dân sự, tổng cộng mới về nước được 1,500 người thì Ộng Kennedy bị bắn chết tại Dallas, Tiểu Bang Texas trong chuyến công du ngày 22 tháng 11 năm 1963. Trước khi Ông Kennedy đi Dallas, Texas, một người bạn chí thân, một Giáo Sư Đại Học, đã nói với Ông " Tổng Thống không nên đi chuyến này vì theo tôi, ở đó có rất nhiều nguy hiểm đang chờ Tổng Thống ". Đệ Nhất Phu Nhân, Jacqueline Kennedy cũng muốn nói như thế, nhưng Bà biết tính chồng: khi Ông đã quyết định làm việc chi thì Bà không bao giờ nên nói ra lời ngăn cản. Còn ai hiểu Ông Kennedy hơn chính người vợ thông minh, khôn khéo của Ông! Ông Kennedy đã trả lời người bạn tốt," Nếu chúng nó đã định giết tôi thì chúng nó không giết tôi ở Dallas, vào lúc này, thì chúng nó cũng sẽ giết tôi ở một nơi khác vào một lúc nào đó. Nếu tôi không dám đi, theo chương trình đã định thì trước tiên, tôi là một kẻ hèn. Mà Kennedy thì không được phép là một kẻ hèn! " Tổng Thống Kennedy bị bắn chết tại Dallas đã gây nên nỗi kinh hoàng trên khắp nước Mỹ. Rất nhiều người mến mộ, yêu thương Ông, khi ngồi truớc màn hình Ti Vi, nghe Đài Phát Thanh loan tin khẩn cấp, trong lúc ngưng hết mọi chương trình thường lệ, đã khóc oà lên mà không nói được điều gì cả...
Sau này, người ta chỉ nói " Nếu Tổng Thống Kennedy còn sống, không bị giết chết một cách kinh hoàng như vậy thì cuộc diện thế giới, bộ mặt của nước Mỹ chắc chắn sẽ tươi đẹp hơn những ngày tiếp theo sau đó, nghĩa là sau khi Phó tổng Thống Lyndon Baines Johnson, tuyên thệ nhậm chức ngay sau khi Tổng Thống Kennedy được xác nhận đã chết sau khi đưa vào bệnh viện, cũng trong một ngày: ngày 22 tháng 11 năm 1963.

Rất nhiều người dân Mỹ, và có lẽ cả trên thế giới nữa, vô cùng bàng hoàng trước cái chết được coi là bí ẩn cho tới tận bây giờ, khi tay súng đóng vai chính trong vụ này, Oswald, Lee Harvey, bắn chết Ông Kennedy khi xạ thủ này núp trong tầng thứ 6 của một cao ốc nhiều từng, bị truy đuổi rồi bị bắt, khi hung thủ cùng đường, chạy trốn vào trong một rạp hát. Vì cả nước còn bàng hoàng, bận lo tang Lễ của Tổng Thống Kennedy, công cuộc điều tra, thẩm vấn chưa bắt đầu chi cả thì thủ phạm bắn chết Ông Kennedy cũng lại chết một cách khó hiểu trong nhà giam để... thủ tiêu chứng nhân lịch sử. Cũng giông giống ít nhiều như trường hợp Đại Uý Nhung, cận vệ của Tướng Dương Văn Minh, cầm đầu cuộc đảo chánh, đã bắn nát đầu, giết chết Ông Diệm cùng với em Ông, Cố Vấn chính trị Ngô Đình Nhu. Ngay sau đó Đại Úy Nhung được vinh thăng Thiếu Tá, để rồi cũng chết một cách khó hiểu, để đừng bao giờ khai ra những gì, tại sao mình lại phải bắn chết hai anh em Tổng Thống Diệm.
Hai cái chết của hai vị Tổng Thống: Ngô Đình Diệm và John Fitzgerald Kennedy có những cái gì giống như nhau, và hai kẻ trực tiếp giết người cũng chết trong hoàn cảnh không khác nhau bao nhiêu. Gốc gác, nguyên nhân, cỗi rễ của những cái chết này chắc chắn phải từ những bất đồng chính kiến, sách luợc quân sự về cuộc chiến tranh chống cộng sản tại nam Việt Nam. Cho tới lúc này các nhà sử học và phân tích chính trị vẫn công nhận: nguyên nhân chính yếu, đứng hàng đầu (trong số 5 điều được coi là nguyên nhân) dẫn đến cái chết của Tổng Thống Kennesy là chuyện “ rút chân “ ra khỏi cái “ tiền đồn chống cộng“ ở Đông Nam Á Châu: Việt Nam.


2.- Đôi điều về cuộc đời và sự nghiệp của cố Tổng Thống Kennedy:


Ông Kennedy sinh ngày 29 tháng 5 năm 1917, tại Brookline, Tiểu Bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Trước khi trở thành Tổng Thống thứ 35 của Hoa Kỳ, Ông đã từng khởi đầu cuộc đời chính trị bằng những bước đi chắc chắn, vững vàng: dân Biểu Hạ Viện Liên Bang, rồi Thượng Nghị Sĩ Liên Bang. Ông cũng là tác giả nhiều cuốn sách giá trị làm tăng thêm giá trị của cuộc đời trước khi Ông bước vào Toà Bạch Ốc một cách vinh quang. Ông thuộc Đảng Dân Chủ. Thời gian làm Tổng Thống của Ông quá ngắn ngủi: Bắt đầu ngày 20 tháng 01 năm 1961 cho đến ngày 22 tháng 11 năm 1963, là ngày Ông bị hung thủ Oswald, Lee Harvey, núp trong từng lầu 6 của một cao ốc bắn chết tại Dallas, Tiểu Bang Texas trong một chuyến công du, như đã nói ở trên. Tính ra, Ông mới chỉ làm chủ Toà Bạch Ốc được có 2 năm, 10 tháng và 2 ngày, tức là nưả nhiệm kỳ Tổng Thống cộng thêm chưa đầy 1 năm. Thật là quá ngắn ngủi đối với một vị Tổng Thống được chính giới và nhân dân Hoa Kỳ coi là tài ba, thông minh, khôn khéo, và khi cần thì rất là can trường, quyết liệt. Ông chết đi trong lúc những hoài bão lớn lao của Ông đối với đất nước của Ông, cũng như đối với một thế giới an bình, tự do, hạnh phúc chưa kịp hoàn thành, hay thực hiện được bao nhiêu.

Khi Ông nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ vào lúc 43 tuổi thì tính tới thời gian đó, Ông là vị Tổng Thống trẻ tuổi nhất của đất nước hùng cường, vĩ đại này (When he took office, John F. Kennedy was 43, the youngest man ever elected President...). Với nụ cười tươi trẻ luôn xuất hiện trên môi, với mái tóc mầu nâu chải lật, người ta bảo rằng: Ông trông còn trẻ hơn tuổi 43, cái tuổi thực sự của Ông.

Ông Jack Kennedy (cách gọi ngắn gọn, thân mật của người Mỹ) là người con thứ 2 trong một gia đình đông đảo, gồm có tất cả 9 người con. Thân phụ của Ông, Joseph P. Kennedy, đã có một thời phục vụ đất nước tới tư cách Đại Sứ Hoa Kỳ tại Anh Quốc. Ông Joseph Kennedy vốn là một nhà triêu phu,ù xuất thân từ một dòng họ quyền quý, thế lực, giầu có, nhưng Ông lại khác người, muốn các con Ông phải biết chịu đựng gian khổ, khó khăn, biết chấp nhận đấu tranh để tự mình tiến thân, chớ không phải chỉ biết dưạ vào cái gốc giầu có, thế lực của gia đình, cha mẹ. Do đó mà Ông Kennedy con, tức Tổng Thống Kennedy sau này, đã trưởng thành bằng cách luôn luôn tham dự những cuộc tranh luận, cũng như thi đấu thể thao của trường học, khi còn là học sinh, sinh viên. Ông được theo học tại những trường Tiểu Học và Trung Học tư thục, được tuyển chọn, dành riêng cho những học sinh ưu tú, xuất sắc và sau cùng, theo học tại Đại Học danh tiếng của xứ sở này: Havard University.

Mặc dầu Ông được sống trong hoàn cảnh, môi trường có nhiều thuận lợi, nhưng sự thành công của Ông Jack Kennedy không phải là chỉ đi qua một con đường thiếu khó khăn, vất vả. Trong một trận thủy chiến (Sea- battle) thời Thế Chiến thứ 2, là một Sĩ Quan Hải Quân, Ông Kennedy đã bị thương nặng, và mãi mãi Ông phải mang trên thân mình một thương tích làm cho cái lưng của Ông bị suốt đời đau đớn. Cũng trong năm Ông Kennedy bị thương thì người anh của Ông, một phi công, đã bị tử nạn trên không phận của nước Bỉ.

Khi cuộc Thế Chiến thứ 2 chấm dứt vào năm 1945, Ông Jack Kennedy được trở về với những người thân yêu trong gia đình, và sau đó Ông đắc cử Dân Biểu Hạ Viện Liên Bang, rồi Thượng Nghị Sĩ Liên Bang. Trong một buổi dạ tiệc của người bạn thân, Ông Kennedy đã gặp một phụ nữ thanh lịch, xinh đẹp, lộng lẫy, làm Ông ngây ngất choáng váng. Đó là người đẹp Jacqueline Lee Bouvier. Hai người kết hôn với nhau vào năm 1953 và có được tất cả 3 người con. Khi viết đến đây, tôi trông vào một trong vài cuốn sách viết về cuộc đời, sự nghiệp cũng như cái chết của Tổng Thống Kennedy đang có trước mặt, tôi thấy một bức ảnh chụp, được in trong sách, làm tôi chú ý khá nhiều; Đó là tấm ảnh chụp Thượng Nghị Sĩ John F. Kennedy trông còn quá trẻ, trong khi vận động tranh cử Tổng Thống, đã xuất hiện trước công chúng, bên cạnh người vợ, Bà Jacqueline, đang bồng trên tay bé gái Caroline. Dưới tấm hình có 2 dòng chữ ghi như thế này " Senator John F. Kennedy, still a boyish Presidential candidate, with daughter Caroline and Jacqueline, his wife."

Năm 1958, Ông Kennedy tái đắc cử vào Thượng Viện một cách dễ dàng. Hai năm sau, Ông được Đảng Dân Chủ đề cử làm ứng cử viên Tổng Thống của Đảng, đối thủ của Ông Richard Nixon, người đuợc coi là " lão luyện giang hồ trên trường chính trị " để giành ngôi vị chủ nhân Toà Bạch Ốc.

Cặp đối thủ Nixon và Kennedy là cặp đầu riên trong lịch sử Hoa Kỳ tham dự cuộc tranh luận trên truyền hình (...The two men, Nixon and Kennedy, were the first Presidential candidates to debate on telivision...) Sự trẻ trung (đẹp trai nữa chớ), nét tự tin, tinh thần dí dỏm mà tế nhị của Ông Kennedy đã nổi bật lên như một ngôi sao sáng, trội hẳn lên trong cuộc tranh luận trước đối thủ nghiêm trang với nét dáng già dặn của Ông Nixon, được bao nhiêu triệu người dân nước Mỹ và thế giới đang theo dõi cuộc tranh luận lịch sử và đầu tiên trên Ti Vi ở nước Mỹ này. Giới phụ nữ thì...mê ứng cử viên Kennedy là cái chắc! Sau khi đắc cử Tổng Thống, Ông Kennedy đã đem vào Toà Bạch Ốc một không khí sinh hoạt, làm việc mới mẻ đầy sức sống, năng động, mãnh liệt của một thế hệ trẻ trung. Trong bài diễn văn của buổi Lễ Nhậm Chức, Ông đã để lại cho những thế hệ đương thời cũng như tương lai một câu nói bất hủ, được truyền tụng cho đến ngày nay, " Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước – Ask not what your country can do for you - ask what you can do for your country." Ông đưa ra và quyết tâm thực hiện một kế hoạch hoạt động cho Hoà Bình thế giới và một chương trình không gian, đưa con người lên mặt trăng. Ông cùng Đệ Nhất Phu Nhân Jacqueline- được người Mỹ gọi một cách thân thương là " Jackie "- đã đỡ đầu nhiều cuộc hoà nhạc lớn lao, và khuyến khích những hoạt động nhằm phát triển các lãnh vực nghệ thuật.

Nhậm chức Tổng Thống mới được hơn 1 năm, Ông Kennedy đã phải đối đầu ngay với một thử thách lớn lao và đầy nguy hiểm: Liên Sô, cường quốc đối đầu với Hoa Kỳ, trên đà tự hào là đã vượt lên, đi trước Hoa Kỳ trong lãnh vực thám hiểm không gian, cho đem những giàn hoả tiễn vô cùng nguy hiểm, đặt ngay trên quốc gia cộng sản Cuba, gần ngay lãnh thổ Hoa Kỳ, mà mục tiêu không đâu khác hơn là chính ngay Hoa Kỳ. Tổng Thống Kennedy, với tư cách Tổng Tư Lệnh Hải,Lục, Không quân Hoa Kỳ, ra lệnh cho Hải Quân phong toả Cuba. Sau 13 ngày gay go căng thẳng giữa hai cường quốc có nền khoa học, kỹ thuật hàng đầu của thế giới, luôn luôn đối đầu quyết liệt với nhau, nhất là về mặt " Ý thức hệ – System of Political Consciouness ", Liên Sô cuối cùng phải chấp nhận di chuyển những giàn hoả tiễn đặt tại Cuba đi nơi khác. Ý chí quyết liệt nhưng thông minh của Tổng Thống Kennedy đã chinh phục được lòng tin của dân chúng Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác trong khối Tự Do, Dân Chủ trên thế giới. Các sử gia đã tuyên dương thành tích chính trị của Tổng Thống Kennedy, người lãnh đạo Toà Bạch Ốc chưa được bao lâu, là một thành công lớn lao, vĩ đại khi Ông Kennedy đạt được Hiệp Ước ký kết giữa Hoa Kỳ,Liên Sô và Anh Quốc về việc cấm thí nghiệm các vũ khí nguyên tử trên mặt điạ cầu. Sáu tuần lễ, sau khi ký kết Hiệp Ước nói trên, Tổng Thống Kennedy quyết định đi thăm thành phố Dallas, Tiểu Bang Texas; Ở đây, Ông sẽ đọc một bài diễn văn quan trọng, nhưng chính tại thành phố này, ngày 22 tháng 11 năm 1963, đã xẩy ra một thảm kịch vô cùng đau thương cho dân chúng Hoa Kỳ, và người nhận lãnh đau thương kinh hoàng nhất chắc chắn là Đệ Nhất Phu Nhân Jacqueline Kennedy. Trong khi đoàn xe dẫn đầu cũng như hộ tống chiếc xe mui trần chở Tổng Thống, có Đệ Nhất Phu Nhân ngồi bên cạnh, đang lăn bánh trên đường phố Dallas, thì thình lình có tiếng súng nổ từ một cao ốc gần đó. Tổng Thống Kennedy bị trúng đạn nơi đầu, Ông nằm ngả vào Đệ Nhất Phu Nhân, máu và óc văng ra tung toé, rồi chết ngay sau đó vài phút. Đệ Nhất Phu Nhân, với bản năng tự nhiên của người phụ nữ, hoảng hốt, rối loạn trước cái chết của người chồng yêu quý, đang đi tới đỉnh cao tột cùng của cuộc đời chính trị. Vị Tổng Thống đắc cử trẻ tuổi nhất của nước Mỹ, lúc đó 46 tuổi, cũng là vị Tổng Thống trẻ tuổi nhất của nuớc Mỹ từ trần trong khi đang còn tại chức (In Dallas, on November 22,1963, while he was driving in a motorcade, Kennedy was shot in the head by an assassin concealed in a nearby building. Kennedy died a few minutes later. The youngest man ever elected President, he was also, at 46, the youngest President to die in office...) Sau cái chết thê thảm của Tổng Thống Kennedy, đại gia đình của Ông những năm về sau, nối tiếp chịu nhận nhiều đau thương, mất mát vì nhiều cái chết cũng bất ngờ và thảm khốc không ai nghĩ tơiù trước được... Cổ nhân xưa kia thường nói: - Phụ nữ thì " Hồng nhan bạc phận ", đàn Ông thì " Tài hoa đoản mệnh ", có lẽ đến bây giờ cũng còn nhiều khi không thoát khỏi định luật của Đất Trời hay chăng!

Thời gian Tổng Thống Kennedy lãnh đạo đất nước Hoa Kỳ tuy quá ngắn ngủi, nhưng người ta cũng không thể nào quên một số sự kiện quốc gia cũng như quốc tế rất đặc biệt, quan trọng đã diễn ra dưới " triều đại " của Ông:
• Năm 1961: Lần đầu tiên tại Mỹ, truyền hình trực tiếp một cuộc Hội Nghị Báo Chí.
• Năm 1961: Tổng Thống Kennedy cho thành lập một cơ quan nghiên cứu xây dựng và bảo vệ Hoà Bình cho khắp nơi trên thế giới.
• Năm 1961: Vụ đổ quân không đạt mục đích vào Vịnh Con Heo, xứ Cuba láng giềng.
• Năm 1961: Phi Hành Gia không Gian đầu tiên của Mỹ, Alan Shepard được được hoả tiễn đưa lên không trung, vượt ra ngoài quỹ đạo của điạ cầu.
* Năm 1961: Cộng sản Đông Đức cho xây " bức tường ô nhục " ngăn đôi hai miền Đông và Tây Đức để ngăn cản không cho người dân Đông Đức bỏ chạy sang Tây Đức, mưu tìm cuộc sống tốt đẹp hơn, sau khi quân đội Đông Đức đã bắn chết nhiều người dân Đông Đức liều mạng vượt ranh giới, nhưng không sao ngăn cản nổi những người hi sinh mạng sống để đi tìm Tự Do.
* Năm 1962: Trung Tá John Glenn, Phi Hành Gia Hoa Kỳ đầu tiên được đưa lên không gian, vượt ra ngoài quỹ đạo của điạ cầu, rồi trở lại trái đất, như thế 3 lần đều an toàn, mở đầu cho một thời đại mới: Thám hiểm không gian trong sự an toàn.
* Năm 1963: Hơn 200 ngàn người tham dự cuộc diễn hành đòi hỏi " Bình đẳng về nhân quyền " tại Thủ Đô Washington D.C.

Hôm nay, viết những dòng này, tôi muốn cùng nhiều người khác đang sống trên đất Mỹ, dành cho Cố Tổng Thống John F. Kennedy một vài giây phút tưởng niệm, với niềm tiếc nuối: Một vị Tổng Thống trẻ trung, với sự thông minh, ý chí quyết liệt, một tham vọng to lớn muốn biến nước Mỹ thành một quốc gia vĩ đại, hùng cường hơn những thời gian trước khi Ông bước vào Nhà Trắng, cũng như xây dựng một thế giới hoà bình vĩnh cửu, các quốc gia, dân tộc có thể chung sống với nhau dù có những khác biệt về Văn Hoá cũng như Niềm Tin Tôn Giáo. Còn những chuyện khác, dư luận, báo chí nói đến những điều không ưng ý về cuộc đời cá nhân của Ông, tôi nghĩ là: đứng trên đất Mỹ, sống trong xã hội Hoa Kỳ, với quan niệm " Nhân vô thập toàn – Nobody is perfect " thì tất cả những điều đó, chúng ta cũng như đại đa số nhân dân Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận một sự " bỏ qua " trong tinh thần yêu thương, tha thứ đối với một vị Tổng Thống còn quá trẻ trung mà sự nghiệp chính trị tuy ngắn ngủi, nhưng cũng đã vô cùng to lớn, vẻ vang, đáng kính phục.

San Diego, California



No comments:

Post a Comment