Tuesday, November 3, 2009

NAM LÊ đoạt GIẢI THƯỞNG VĂN CHƯƠNG của THỦ TƯỚNG ÚC

THE BOAT của ‏Nam Lê: Đoạt Giải Thưởng Văn Chương của Thủ Tướng Úc
Nov 3rd, 2009
http://nguoivietboston.com/?p=17718

Giải thưởng của chính phủ Úc cho
Tác giả NAM LÊ và Tác phẩm THE BOAT‏

Viet Tran
Vào ngày 2/11/2009, tác giả trẻ tuổi Úc gốc Việt, Nam Lê, đã được trao “Giải Thưởng Văn Chương của Thủ Tướng nước Úc về bộ môn Tiểu Thuyết”.
Giải thưởng này chỉ mới bắt đầu từ năm ngoái 2008, sáng kiến của chính phủ ông Kevin Rudd. Do đó Nam Lê là tác giả thứ hai được trao thưởng trong lịch sử của giải văn chương này. Năm nay, giải thưởng cho mỗi bộ môn trị giá $100,000 và đã được Bộ Trưởng Nghệ Thuật Peter Garrett trao tặng.
Ban Giám Khảo bộ môn tiểu Thuyết, Peter Pierce, Lyn Gallacher và Joh Hay, đã ca ngợi tập truyện The Boat với “một nội dung táo bạo qua sự diễn đạt tuyệt vời, một không gian bao la của một cuộc hành trình tình cảm và xã hội, và sự hứng khởi mà mỗi câu chuyện đã tạo dựng”.

Bài phát biểu nhận giải của Nam Lê đã được ông Ben Hall, nhà xuất bản của anh đọc thế cho anh vì anh không tham dự được.
“Thường là một điều an ủi khi phải nói ra nhưng có lẽ nó cần phải được lập đi lập lại: rằng sách là cần thiết, rằng sách là cách trung thực nhứt để kể chuyện và cho chúng ta nhận ra chúng ta, rằng sách làm được những việc lạ lùng, không thể thay thế được mà những quái vật dị hợm của phim ảnh, truyền hình và internet không thể làm nổi”.

Cách đây một năm, vào tháng 11/2008, chúng tôi đã có loan tin Nam Lê được trao “Giải thưởng văn chương cao quý Dylan Thomas Prize” với tập truyện ngắn đầu tay này của anh. Trước đó, tác phẩm này cũng đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học khác
Đến tháng 5 năm nay, The Boat này lại mang về thêm cho anh một vinh dự nữa, lần này ngay tại nước Úc: “Giải Thưởng Văn Chương của Thủ Hiến tiểu bang NSW” năm 2009 (Book of the Year in the 2009 NSW Premier’s Literary Awards).
Cách đây 2 tháng, đêm 8/9/2009, bà Anna Bligh, Thủ Hiến tiểu bang Queensland, đã tuyên bố danh sách những văn sĩ thắng các Giải Văn Chương Queensland 2009. Văn sĩ trẻ tuổi Nam Lê, với tác phẩm The Boat, lại một lần nữa đoạt được một giải thưởng cao quý: “The STEEL RUDD PRIZE của Bộ Nghệ Thuật Queensland”, dành cho TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN XUẤT SẮC NHỨT TRONG NĂM.
Quả thật, con đường và sự nghiệp văn chương của Nam Lê đang bắt đầu mở rộng.-

* * *

Lê Nam, tác giả trẻ tuổi và tác phẩm đầu tay “The Boat”

Nguyễn Mạnh Trinh
Ngày 10 Tháng Mười Một năm ngoái, một nhà văn gốc Việt Nam đã đoạt giải văn chương Dylan Thomas của Anh với lời khen tặng là “tác phẩm đầu tay có tính sáng tạo và nhiều cảm xúc.” Giải thưởng này dành cho những tác giả trẻ tuổi dưới 30 và có những tác phẩm đặc biệt nổi bật.
Ðây là một trường hợp của tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại thành công một cách rất lý thú. Lê Nam được lựa chọn trong số năm tác giả trẻ nổi tiếng trên thế giới như các tác giả người Anh, người Nam Phi và tác giả người Ethopia.
Peter Florence, chủ tịch hội đồng tuyển chọn đã ca tụng anh Nam như một “hiện tượng văn học tài ba” mà những tác phẩm biểu lộ những rực rỡ hiếm có đầy sinh khí ở cả hai trong lăng kính quan sát thực tế chủ thể và cả tính chất của nghệ thuật viết văn.
Nhà văn Micheal McGaha đã viết trong San Francisco Chronicle:
“Bạn có thể chưa bao giờ nghe đến tên Lê Nam nhưng với ấn bản của tuyển tập truyện ngắn đầu tiên ‘The Boat’ bạn có thể trông đợi sẽ nghe nói nhiều hơn về bút danh này trong tương lai. Lê Nam sinh trưởng ở Việt Nam, lớn lên ở xứ Úc và đã là một luật sư trong một tổ hợp luật trước khi qua Hoa Kỳ để học lớp viết văn của trường đại học Iowa… Chưa tới 30 tuổi, anh đã hoàn tất một cách thật đặc biệt và cũng thật đầy năng lực chương trình học để đào tạo thành một nhà văn”.
Hiếm có một nhà văn nào, dù là người bản xứ viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, trong tác phẩm đầu tiên, được sự đón nhận của giới phê bình văn học trên thế giới như thế. The Boat là một tuyển tập 240 trang do nhà xuất bản Knopf gồm 7 truyện ngắn được coi như là một tác phẩm tuyệt hảo của năm 2008, là người đoạt giải thưởng Pushcat Prize. Lê Nam đã tập trung vào những chủ đề như sự dời đổi của cuộc sống con người, những hiểm nguy cũng như cái giá phải trả của cuộc sống trong những xoay chuyển của thời thế. 7 truyện ngắn là bảy đề tài khác nhau, thời gian khác nhau, tính chất khác nhau và môi trường địa lý cũng khác nhau. Những nhân vật ấy sống ở Hoa Kỳ, Úc, Colombia, Iran và Việt Nam có những nền văn hóa khác nhau, những cuộc sống khác nhau và tâm tư cũng khác nhau biểu lộ những mẫu nhân vật không thể trộn lẫn và cũng thật khó nhòa phai trong tâm tư người đọc.
Tác phẩm của anh đã nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng và sẽ được xuất bản ở Ý trong tuần lễ này.
Trước đó đã có các bản dịch tiếng Đức, tiếng Hòa Lan, và cũng sẽ có thêm tiếng Phần Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngôn ngữ Hebrew của người Do Thái. Và sách in bằng tiếng Việt qua nhà xuất bản Nhã Nam.
Cũng với cuốn sách này anh Nam đã nhận được những giải văn chương nổi tiếng trên thế giới như giải UTS Glenda Adams trị giá 5 ngàn đô la cho một tác phẩm mới, giải Dylan Thomas, trị giá 60 ngàn bảng Anh tại Wales, Anh quốc, dành cho những tác giả trẻ tuổi. Anh cũng đoạt giải Anisfield-Wolf Book Award tại đại học Harvard. Ngoài ra, anh Nam còn được đề cử vào giải US National Book dành cho người dưới 35 tuổi.Tác phẩm của Lê Nam không chỉ đem câu chuyện vượt biên và hình ảnh người thuyền nhân vào dòng chính văn học tiếng Anh, mà cốt truyện còn được chuyển tải qua nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam, như lối xưng hô qua đại từ quan hệ gia đình, giáo dục con cái, suy nghĩ và cư xử của những người phụ nữ.
Lê Nam có lối viết tả tình, tả cảnh sinh động. Những phong cảnh cũng như những nhân dáng được lột tả đẹp và có nhiều chất lãng mạn thơ mộng. Nhưng, trong những truyện ngắn ấy chứa đựng nhiều biến cố, nhiều dữ kiện bất ngờ và nhiều khi đẫm chất dục tình hoặc bạo lực.
Truyện ngắn cuối được chọn làm nhan đề cho tuyển tập “The Boat” là một truyện ngắn viết về thuyền nhân. Nhân vật chính là Quyên mang theo đứa con tên Trương vượt biển tìm tự do. Trương là đứa con của Quyên với người cha không thừa nhận nên vì sợ điều tiếng sầm xì nên gửi thân nhân nuôi nấng con. Do đó, tình mẹ con có một chút gì nhạt nhẽo một chút gì lấn cấn. Quyên thì trong cuộc hải hành cứ mải suy nghĩ về sự liên hệ lỏng lẻo giữa mẹ và con trong khi Trương thì cứ suy nghĩ và tưởng tượng ra người cha vắng mặt với những điệu hát câu ru buồn thảm. Trong thuyền, Trương có vẻ thân với Mai một cô gái đi chung chuyến tàu. Khi Trương bị bệnh nặng, nó thấy trên tàu vắng dần đi vì những người bị chết vì đói, vì khát, vì nắng bỏng cháy da, vì kiệt sức bởi ói mửa. Những người chết bị thủy táng, thân thể vứt xuống biển và làm mồi cho bầy cá mập lởn vởn bơi quanh. Trong cái không khí hãi hùng chờ chết ấy, người mẹ trẻ là Quyên cũng nghĩ đến lúc phải thủy táng đứa con vào lòng biển. Cuộc hải trình 13 ngày trên biển và những thuyền nhân khốn khổ gần như hầu hết bị kiệt sức khi đến đất liền.
Cái bi thảm không phải chỉ có trong The Boat mà còn ở trong 5 câu chuyện khác, từ cậu bé 14 tuổi người Colombia đến người họa sĩ trưởng thành và đau khổ ở Nữu Ước, trong cô bé trong tuổi teen-ager ở Úc, trong cô bé gái Nhật 8 tuổi ở Hiroshima vào Tháng Tám năm 1945 và trong người luật sư Hoa Kỳ đi thăm người bạn Iran ở Têhêran. Những mức độ của tính chất cá biệt ít thông dụng mấy nhưng những điều đáng lưu ý và là bản chất thực của những truyện ngắn là ngôn ngữ và mức vang vọng ở mức tuyệt hảo ở từng truyện. Tác giả đã dùng những tiếng lóng của băng đảng Colombia, những thành ngữ ca dao của Việt Nam hay những ngôn từ biểu dương lòng ái quốc của Nhật trong thời kỳ chiến tranh, tùy mỗi trường hợp để làm nổi bật cá tính. Bảy truyện ngắn là bảy văn phong, bảy ngôn ngữ khác nhau, bảy không khí truyện khác nhau đã làm người đọc khó tưởng tượng được rằng một tác giả mà viết được những truyện ngắn khác biệt và phong phú như vậy.
Lê Nam có tầm nhìn hướng về phía trước, của những tương lai hứa hẹn cho nên những thảm trạng đã thành quá khứ để một lúc nào đó chuyển biến thành kinh nghiệm để có sự vững vàng của hành trang bước vào đời.
Truyện ngắn đầu tiên của tuyển tập có nhan đề khá dài “Love and honour and pity and pride and compassion and sacrifice”. Bà Mi-chi-ko Ka-ku-ta-ni, một phê bình gia nòng cốt của mục điểm sách của The New York Times đã nhận xét đây là một truyện ngắn hay nhất của tập truyện này. Nhân vật chính trong truyện là một người có nhiều nét giống với tác giả, cũng tên Nam, cũng hành nghề luật sư ở Úc trước khi qua Mỹ để học trong lớp dạy viết văn tại đại học Iowa, trong một học trình tương đương với những lớp cao học. Anh tuy đang học viết văn nhưng lại bị bế tắc khi sáng tác dù đã cố gắng thay đổi nhiều phương cách, tỉ dụ như thay vì dùng máy computer thì lại dùng máy đánh chữ bởi vì viết bằng máy computer có thể sửa chữa được nên không có sự chú tâm còn viết với máy đánh chữ thì không thể bôi xóa sửa chữa nên dễ dàng để tập trung tâm lực hơn. Trong khi ngày thi gần kề Nam phải hoàn tất một truyện ngắn có tính quyết định của khóa học trong vòng ba ngày mà trang giấy còn trắng nguyên. Khi đang chấm bài cho sinh viên thì lại nhận được tin cha anh sẽ đến thăm anh trong hoàn cảnh anh không muốn biết cha anh biết mình có người yêu là cô gái người bản xứ da trắng tóc vàng.
Nam không muốn viết về đề tài chủng tộc và những xung đột văn hóa vì anh cho rằng chỉ cần nửa trang giấy với vài ẩn dụ cũng như vài nét đặc thù văn hóa là có thể dễ dàng viết thành một truyện như vậy.Anh bế tắc đề tài và sau phải xoay về quá khứ với cuộc đời của người cha mà có lần anh nghe kể lại rằng ông là người sống sót trong thảm nạn ở Mỹ-Lai nhờ nằm dưới thân hình của vợ ông che chở. Ông cũng là một sĩ quan của quân đội miền Nam và đã bị ba năm tù cải tạo trước khi vượt biển đến Úc định cư.Ông thực tình không muốn con mình theo nghề viết văn và đôi khi đọc những truyện ngắn của Nam về thuyền nhân mặc dù đươc bạn bè và những người chung quanh khen tặng nhưng ông vẫn phê bình là chưa phải là truyện hay bởi vì vẫn chưa lột tả được sự thật.
Cha của Nam là một người bố nghiêm khắc có lần đã đánh đòn Nam khiến anh bỏ nhà đến sống với người bạn gái nghiện hút. Mẹ Nam thương con lén chu cấp cho con, cha Nam biết được giận dữ cãi lẫy và hai người ly thân. Mẹ Nam khuyên con trở về nhà và cha của Nam cũng chấp nhận và hứa rằng không bao giờ nhắc đến chuyện đã qua nữa. Vì thế tình cha con đã có nhiều rạn nứt.
Khi thăm con ở Iowa, hai cha con nói chuyện suốt đêm và với những thu lượm ấy Nam hoàn tất truyện ngắn mà anh rất cần, ngay sau khi người cha đi ngủ. Anh hoàn thành truyện ngắn khi trời gần sáng và ngủ thiếp đi. Sáng dậy Nam không thấy người cha và bản thảo truyện ngắn vừa viết xong cũng biến mất. Anh đi kiếm và khi gặp người cha thì ông đã mang bản thảo truyện ngắn ấy vào thùng đốt lửa để sưởi của một ông già homeless. Nam quá tức giận vì người cha đã phá hủy một truyện ngắn cực kỳ quan trọng như vậy. Anh đã nói với cha rằng ước gì ông đừng đến thăm và ông không phải là cha của anh.
Sự thâm trầm trong cách diễn tả đã phác họa được chân dung người cha, đã trải qua những giây phút sống sót khi nằm dưới sự che chở của thân thể người vợ dưới làn đạn bắn như mưa và cũng đã qua trại tù Cộng Sản, đã qua những ngày vượt biên sóng gió, nên ông muốn cuộc đời còn lại phải có ý nghĩa và thực hiện được những việc đáng kể, để không uổng phí những kinh nghiệm đắt giá của cuộc sống. Vì thế ông nghiêm khắc với con và bắt Nam vào khuôn khổ để hoàn thành những ý nguyện của ông. Nhưng Nam lại ở một thế hệ khác, có môi trường sống khác, mà tự do cá nhân được tôn trọng. Thành ra giữa cha và con có sự xung đột, mà chính là sự xung đột của hai nền văn hóa, hai đời sống khác nhau. Sự phá hủy bản thảo của người cha có biểu tượng gì trong dụng tâm của Lê Nam? Có phải là một hành động đốt bỏ đi một quá khứ? Hay là để khởi đầu cho một hứa hẹn đúng nghĩa về sau? Dù sao, đó cũng là một bất ngờ cho độc giả.
Có rất nhiều lời khen tặng từ các nhà văn, phê bình gia có tăm tiếng như Giáo Sư Marilynne Robinson của Ðại Học Iowa, hay nhà văn đoạt giải Pulitzer năm 2008 Junot Diaz. Hầu như họ đền có cùng một cảm nghĩ là sự trưởng thành lão luyện đầy tính sáng tạo một cách không ngờ từ một tác phẩm đầu tay của một cây bút trẻ. Nét đặc sắc dám đi trên một con đường chưa ai đi qua và dám trực diện với những vấn đề mà ngay cả những nhà văn có nhiều kinh nghiệm cũng e dè né tránh. Chọn lựa những không gian thời gian khác, khai triển từ những nền văn hóa khác nhau để có những nhân vật đặc thù như những phác họa chân dung con người tùy theo cách nhìn cũng như vị trí, chỗ đứng quan sát.
Ngôn ngữ thơ, với Lê Nam, dù để mô tả những tình trạng cảm xúc tột độ, đã tạo cho tác phẩm một làn sương phủ mà ở đó, từ những chiết- quang xuyên suốt sự kiện để cái nhìn của độc giả nhân-bản hơn và cũng lãng-mạn hơn. Viết về dục tính, truyện ngắn của Lê Nam là những khám phá, là kết quả của một chuỗi dài suy tư của một hành trình tìm kiếm.
Từ thiếu thời, Lê Nam có nhiều giấc mơ. Giấc mộng văn chương, giấc mộng là một cầu thủ bóng tròn nổi tiếng, nhưng thi ca mới chính là giấc mơ ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời anh.
Khi viết truyện ngắn, Lê Nam thú nhận rằng mình đã áp dụng nhiều phương cách khác nhau. Có khi làm dàn bài chi tiết với tất cả diễn tiến từ a tới z, nhưng cũng có lúc anh buông thả theo cảm hứng để tạo bất ngờ với ngay cả chính mình là người sáng tác.
Lê Nam cho rằng mình chịu ảnh hưởng của nhiều tác giả, và tiểu thuyết mà anh cho là gây ấn tượng nhiều là Moby Dick của Melvile về chuyện săn cá voi trắng mà các học sinh lớp trung học ở Mỹ phải học. Viết truyện ngắn, là sự hòa hợp giữa sự thực và sự không thực, là soi rọi giữa chân dung mình và chân dung người khác. Nhân vật ấy có thể không có trong đời thường nhưng lại có nét sinh động của một đời riêng. Cái chung và cái riêng nhòa nhạt đi, để người đọc đôi khi như bị đi lạc vào một thế giới mà hình như có dáng hình chính mình lờ mờ trong đó.
Ðọc truyện của Lê Nam tôi thấy sự cố gắng một cách có suy nghĩ để tìm những điều mới lạ trong văn chương anh. Từ những mẫu nhân vật đến môi trường sống, từ suy nghĩ của con người từ những không gian thời gian khác nhau nhưng cùng có một điểm chung là mong mỏi khám phá được những góc cạnh sâu thẳm của nội tâm con người. Ngay như những truyện viết về những thuyền nhân Việt Nam hay từ những nhân vật có nhiều nét tương tự bản thân tác giả, người đọc là tôi đã tìm được nhiều nét mà các tác giả khai thác chung một đề tài chưa đề cập tới.. Chưa hẳn là phức tạp, chưa hẳn là cảm giác chung- chung, mà chính là sự tìm kiếm để tạo thành những bất ngờ và những tầm nhìn khá độc đáo. Làm thuyền nhân, dĩ nhiên là đối diện với nguy hiểm, với đói khát, với bệnh tật, nhưng ngoài những điều đó, còn những gì khác? Có phải là từ những mảnh đời khác nhau, từ những suy- cảm khác nhau để nói lên một điều gì đó không phải là lời đồng ca đã bị thành nhàm chán? Hoặc là như nhân vật người cha, là nạn nhân sống sót của một cuộc tàn sát, là một người tù cải tạo, là một người mong mỏi làm được một việc gì đó cho đời nhưng vô vọng, nhân vật ấy có nhiều trong đời thường. Nhưng chỉ thế thôi thì đã thành quen thuộc nên hành động đốt bản thảo của đứa con đã tạo cho độc giả nhiều liên tưởng. Tại sao? Có phải vì muốn đoạn tuyệt quá khứ? Hay cho rằng chữ nghĩa cũng chưa đủ để chuyên chở nỗi đau? Hoặc là biểu hiện cho sự xung phá giữa người cũ và người mới, giữa quá khứ và hiện tại?
Nhà phê bình Mi-chi-ko Ka-ku-ta-ni đã viết về Lê Nam và tác phẩm The Boat:
“Không những anh viết với một cách thế có thẩm quyền từ những phát biểu đầy tự tín rất hiếm thấy mà ngay cả chính những người cầm bút lâu năm vẫn chưa có được, anh còn thể hiện tài năng khi phác họa hiện thực được những xung đột nội tâm của những người khi họ chứng kiến mộng ước hoặc nguyện vọng của mình bị chà đạp bởi những ràng buộc của gia đình hay từ sức mạnh lôi theo của vòng quay lịch sử tàn khốc”.
Và, viết nhận xét như vậy không phải là quá lời, dù Lê Nam mới bước vào văn nghiệp! Không phải chỉ riêng có Michiko Kakutani nhận xét như vậy mà còn có nhiều cây bút cự phách khác của The New York Times như Patrica Cohen hay John Freeman của Chaleston City Paper… cũng hết lời khen tặng. Người viết vừa đoạt giải Pulitzer là Junot Diaz cũng nhận xét rằng The Boat là một tác phẩm phi thường hiếm có…
Lê Nam rất còn trẻ, tên thật là Lê Hữu Phục Nam sinh năm 1979 và khi ba tháng tuổi đã được mẹ bồng đi để vượt biên, đến định cư tại Úc. Dù với căn cước lý lịch của người Việt tị nạn nhưng Lê Nam có tham vọng muốn trở thành một nhà văn khai phá đa dạng. Những truyện ngắn của anh có khuynh hướng muốn trải rộng ra những môi trường sống, muốn tìm kiếm trong những nền văn hóa khác nhau chân dung của con người muôn thuở.
Xem ra, anh chỉ trong bước khởi đầu nhưng từ tác phẩm đầu tiên đã là những bước đi vững chắc khá ngoạn mục!


Lê Nam đoạt giải thưởng văn học lớn nhất ở Úc
CBC NEWS
Ngày 2-11-2009
Lê Nam đã đoạt giải thưởng lớn nhất của Úc về tiểu thuyết cho bộ sưu tập các truyện ngắn của anh: “Chiếc tàu”.
Giải thưởng viết văn tiểu thuyết của Thủ tướng Chính phủ kèm theo số tiền thưởng $100,000 đô la Úc (khoảng $ 97.570 đô la Canada), do Thủ tướng Úc Kevin Rudd lập ra năm 2008.
Giải thưởng dành cho thể loại không phải tiểu thuyết cũng được trao hôm chủ nhật [vừa qua], được chia ra cho người viết tiểu sử Evelyn Juer với tác phẩm: “House of Exile: The Life and Times of Heinrich Mann and Nelly Kroeger-Mann” và tác phẩm“Drawing the Global Colour Line”, do Marilyn Lake và Henry Reynolds viết.
Các câu chuyện của Lê nói về cuộc sống của anh là một người Việt tị nạn lớn lên tại Úc nhưng cũng kể lại những kinh nghiệm của một du khách ở Tehran, một gã gangster người Colombia và một hoạ sĩ có tuổi ở New York.
Lê đã từ Việt Nam đến Úc năm 1979, hiện tại anh là biên tập viên truyện tiểu thuyết cho tạp chí “Harvard Review”. Câu chuyện của anh đã được tập hợp lại, xuất bản rộng rãi và giới phê bình hoan nghênh. “Chiếc tàu” cũng đã đoạt Giải Dylan Thomas.
Những người chấm giải đã chọn cuốn sách của Lê vì tính chất táo bạo và việc thực hiện xuất sắc cũng như những hứng thú mà mỗi câu chuyện mang lại.
Lê đã không có mặt tại buổi lễ trao giải thưởng nhưng anh đã gửi tới một bài phát biểu, do nhà xuất bản của anh – Ben Ball – đọc trong hôm đó.
“Có thể nói đây là một niềm an ủi, nhưng có lẽ cần phải được nói, và nói một lần nữa và một lần nữa: những điều trong quyển sách đó là những điều chân thật nhất để kể ra cho chúng ta thấy được chính bản thân chúng ta, rằng những điều đó thật kỳ lạ, không thể giải thích được, là công việc không thể thay thế được, kể cả phim quái vật kỳ dị trên TV và internet cũng không thể diễn tả được”, Lê nói.
Anh nói rằng anh bị bất ngờ khi được chọn là người thắng giải.
“Drawing the Global Colour Line” viết về chính sách kỳ thị chủng tộc của người da trắng thay đổi trong khoảng thời gian cuối thế kỷ 19 cho tới đầu thế kỷ 20 ở Úc.
“Chúng tôi đã bắt đầu với ý tưởng chủ yếu về Úc, nhưng những ý tưởng đó đã dẫn đến sự thay đổi ở nhiều nước khác”, Reynolds nói về việc chấp nhận giải thưởng của mình.
“House of Exile là câu chuyện của tác giả và nhà hoạt động Heinrich Mann với các đối tác của mình, Nelly Kroeger, người đã chạy trốn Đức Quốc xã năm 1933, tìm nơi ẩn náu trước tiên tại Pháp và sau đó tại Los Angeles.
Juer cho biết phải mất hơn 10 năm cần cù nghiên cứu để viết tác phẩm trên.
Các giải thưởng đã được trao hôm chủ nhật tại Sydney.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
Đăng bởi
anhbasam on 03/11/2009
http://anhbasam.com/2009/11/03/348-le-nam-do%e1%ba%a1t-gi%e1%ba%a3i-th%c6%b0%e1%bb%9fng-van-h%e1%bb%8dc-l%e1%bb%9bn-nh%e1%ba%a5t-%e1%bb%9f-uc/#comments
------------------------------------

Nam Le wins Australia's richest fiction prize




No comments:

Post a Comment