Thursday, November 5, 2009

HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM : HÀNH TRÌNH TỰ GIẢI TÁN (phiếm luận)

Breaking News: Hội Nhà văn Việt Nam, hành trình tự giải tán
Gia Cát Dự
talaCu
05/11/2009 11:00 sáng 5 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=12631
talaCu: Cơn chấn động sau vụ Viện IDS tuyên bố tự giải thể để phản đối Quyết định 97 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn chưa hết thì dư luận và giới văn nghệ sĩ Việt Nam thêm một phen rúng động khi vào sáng ngày hôm qua, trong phiên đại hội bất thường, Hội Nhà văn Việt Nam đã ra tuyên bố tự giải tán sau 52 năm tồn tại. talaCu xin chúc mừng nhà thơ Hữu Tỉnh, chúc mừng Hội Nhà văn Việt Nam với quyết định đi vào lịch sử này và giới thiệu bài tường thuật của tác giả Gia Cát Dự về nguyên nhân, diễn tiến của sự kiện đang gây náo loạn đời sống chính trị này tới quý độc giả. Ở bài tới, tác giả Gia Cát Dự sẽ phỏng vấn nhà thơ Trần Nhương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà khai phóng Nguyễn Huệ Chi, và đặc biệt: nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, về sự kiện nóng bỏng này.
---------------------

Bắt đầu từ một bài báo
Lâu nay dư luận, nhất là trong giới văn nghệ sĩ, rất bất bình trước việc Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) hầu như mất hút trước những vấn đề thời sự của đất nước cần có tiếng nói của những người cầm bút với sứ mệnh tải đạo, nói lên những bất công dối trá, những lầm than cơ cực và cất lên tiếng nói phản biện mạnh mẽ những quyết sách lỗi thời, sai trái, lộng hành của của nhà cầm quyền.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, trước những vấn đề nổi cộm như tranh chấp trên Biển Đông, ngư dân Việt bị Trung Quốc giết hại, phỉ báng; việc học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình chống bá quyền bị đàn áp, việc những nhà đối kháng ôn hoà bị đấu tố, kết án cầm tù trong những phiên toà của thời thổ tả; các vụ áp bức tôn giáo, nông dân bị cướp đất, cướp ruộng, hay gay gắt nhất là vấn đề bauxite Tây Nguyên… người ta chỉ thấy HNVVN – một trong những hội đoàn tiếng tăm (và tai tiếng) nhất – hầu như triệt để nguyên tắc “3 không”: không thấy, không nghe và không nói.
Và cơn phẫn nộ của dư luận đã lên đến đỉnh điểm khi báo Văn nghệ (cơ quan ngôn luận, đại diện cho tiếng nói của toàn thể hội viên) trong số 44 ra ngày 31/10/2009 đã đăng kín hai trang 3 và 14 (khổ A3) bài phóng sự mang tên
Bauxite Tây Nguyên du mộng ký” của tác giả Lã Thanh Kiu, trong đó người viết với bút pháp của ham muốn… phong bao, quyền lực; với thủ pháp “bôi huyền bút sắc” độc đáo đã dẫn dắt người đọc đi hết từ thiên đường này đến thiên đường khác trong cơn tuyệt mộng bauxite. Trong bài viết này, người đọc sẽ thấy được cảnh đồng bào địa phương nô nức đi nhận tiền đền bù cho phần đất đã “hiến” cho dự án, lại có người không thuộc diện quy hoạch nhưng cũng ra xếp hàng năn nỉ: Cán bộ cho tôi hiến đất, lấy tiền trước! Rồi thì an ninh – quốc phòng, môi trường tuyệt đối đảm bảo: lao động Tàu cứ là răm rắp tuân thủ yêu cầu của địa phương. Cái gì chứ cái bùn đỏ thì phải “1 vạn năm nữa, dung dịch chứa bùn đỏ mới thẩm thấu chất độc hại ra khỏi hồ chứa 3 cm đất” - tác giả viết. Tác giả còn cho rằng bùn đỏ không phải là chất độc hại ghê gớm như dư luận vẫn nghĩ, nó cũng giống như nước xà phòng khi ta giặt chăn màn quần áo hàng ngày. Còn về lợi nhuận kinh tế thì chỉ 10 năm nữa, theo tác giả, sẽ hoàn vốn đầu tư, sau đó thì tha hồ mà húp bạc v.v…
Quá bức bối trước cơn mộng du của tác giả Lã Thanh Kiu, nhà văn Vũ Ngọc Chiến, đồng thời cũng là kỹ sư địa vật lý, chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, từng có cơ hội khảo sát các mỏ bauxite ở Tây Nguyên đã phản bác lại bằng bài viết
Bauxite Tây Nguyên đôi lời thưa lại…” đăng trên trang Bauxite Việt Nam với những lời lẽ hết sức nghiêm khắc. Trong đó tác giả gọi thẳng chuyến đi viết bài “phóng sự” của Lã Thanh Kiu được TKV (Tập đoàn Than) bao lót vé máy bay, cơm gà cá gỡ và chắc hẳn có cả chút lộc rơi lộc vãi chỉ toàn lời xu nịnh ông chủ TKV đặt hàng.
Cuối bài viết, ông Vũ Ngọc Chiến đặt câu hỏi với báo Văn nghệ, cũng như toàn thể HNVVN: “Báo Văn nghệ, tờ báo văn lớn nhất cả nước mà nửa năm qua im lặng trước một vấn đề hệ trọng của đời sống xã hội khiến tôi và mọi người thất vọng. Nay quý báo bất ngờ lên tiếng với bài của tác giả Lã Thanh Kiu càng khiến tôi không thể hiểu nổi cái Hội Nhà văn của chúng ta là thứ Hội gì đây?”.
Cũng xin nhắc lại, bài viết “rộng đường dư luận” của ông Lã Thanh Kiu được đăng khi dư luận vẫn còn chưa qua hết cơn vật vã với phát biểu gần đây của ông phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng bên lề Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư Tây Nguyên ngày 5/9 rằng, khai thác bauxite ở Tây Nguyên là đúng đắn và đang gặp thuận lợi, và, bây giờ cả trong và ngoài nước có còn ai nói đến vấn đề khai thác bauxite nữa đâu.
Ngay sau bài viết của nhà văn Vũ Ngọc Chiến, và dường như không thể chịu đựng được nỗi sỉ nhục hơn nữa, có tới 505 người trong giới hoạt động văn chương trong nước đã đồng ký tên vào một Kiến nghị gửi tới Ban Chấp hành cũng như toàn thể hội viên của HNVVN, theo đó yêu cầu Ban Chấp hành Hội phải nhanh chóng họp phiên mở rộng, lấy ý kiến của các Ban và Hội đồng chuyên môn về việc gấp rút triệu tập hội nghị toàn thể, trong đó sẽ có lễ sám hối tập thể, kiểm điểm nghiêm khắc việc ngậm miệng bấy lâu nay của mình trước hiện tình đất nước, sau đó lấy phiếu biểu quyết và đưa ra tuyên bố tự giải tán để không làm ô danh thêm uy tín của hội và tổn thương lòng tự trọng của những người viết văn và giới văn nghệ sĩ.
Bản kiến nghị chỉ rõ, trong 52 năm tồn tại và lay lắt, HNVVN chưa bao giờ thoát ly ra được khỏi chữ “Uý” được Đảng gắn lên đầu. Hoạt động không khác gì một cơ quan hành chính nhà nước, cũng ban nọ, hội đồng kia, các đơn vị, trụ sở, ô tô, triển khai công tác… lấy tiền từ ngân sách nhà nước. Cũng có “Đảng lãnh đạo” thông qua Đảng đoàn và các Chi bộ. Cũng học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; giao ban với cơ quan an ninh về công tác chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng; cũng có Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ để “soi” tư tưởng các hội viên. Và đau đớn hơn nữa, theo bản Kiến nghị là Hội cũng phải triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương liều lĩnh N.Đ.M” như ai. Ngoài ra công tác ca tụng Đảng, ca tụng chế độ,
đấu tố đồng nghiệp viết văn của mình cũng ít khi ngơi nghỉ.
Bản Kiến nghị cho rằng Hội đúng nghĩa phải là nơi gặp gỡ, giao lưu, nhảy múa hát ca, trao đổi kinh nghiệm, học thuật của giới cầm bút để cho những cảm xúc văn chương được thăng hoa. Cùng với đó là việc phát hiện những sáng tác, tác giả mới, giao lưu với dòng chảy văn và các nền văn học thế giới…
Theo bản Kiến nghị, bản chất của văn chương là tự do, phóng khoáng, không áp đặt, không có vùng cấm. “Nhiệm vụ” của người cầm bút, nhất là hội viên, là ăn uống, bồi bổ thật tốt để đẻ ra cho kỳ được những tác phẩm hay đóng góp vào đời sống tinh thần xã hội. Cũng theo Kiến nghị, sứ mệnh của nhà văn (nếu có) chỉ đơn giản là viết và viết những gì chỉ là sự thật, không màng vật chất, lợi danh, và quan trọng nhất là họ phải luôn đồng hành, sát cánh với những đớn đau, khổ nạn của “phe nước mắt”; dám nói lên những hiểm hoạ liên quan đến vận mệnh của dân tộc. Có làm được như thế, HNVVN và các hội viên mới xứng đáng với tên gọi “Ngôi đền Linh thiêng”, và Hội sẽ không còn là nơi để những điều ô trọc, đấu đá, phe cánh, sợ hãi, dùng tiền mua danh có nhiều cơ hội len vào; không còn là nơi để cho vàng thau lẫn lộn: người có tâm, có nghề, có dũng khí cũng bị đánh đồng với đám cơ hội, xu nịnh, múa đôi, giả dối lưu manh.
Tuy nhiên những điều trên đây, theo bản Kiến nghị là sẽ không bao giờ có được trong những xã hội như xã hội ta, do đó những người ký tên chốt lại yêu cầu: Hãy giải tán, giải tán thật nhanh! Còn lay lắt ngày nào thì sẽ còn có nhiều tay Thanh Kiu, Thanh Minh, Thanh Toán… xuất hiện làm xú uế văn đàn. Còn tồn tại thì chỉ để làm vật trang trí cho quyền lực chính trị.

Khi chủ tịch Hữu Tỉnh đi tìm… cái Tôi đã mất
Nhận được bản Kiến nghị, chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Tỉnh suy nghĩ rất mông lung. Hàng nửa năm nay, từ khi nổ ra vụ bauxite, ông đã cố gắng giữ quyền không nói những gì không đúng cho Hội. Nay, cái “nhiệm vụ chính trị” treo lơ lửng bấy lâu rồi cũng đến kỳ, làm sao mà tránh được, dư luận có hiểu không? HNVVN và báo Văn nghệ – tờ báo lớn nhất nước về văn học nghệ thuật giữ vai trò định hướng về tư tưởng và sáng tác cho toàn giới cầm bút mà không lên tiếng phụ hoạ cho “chủ trương lớn” thì “chúng nó đập tôi chết” (chữ của Triết Chủ tịch). Ông trách tay Lã Thanh Kiu, viết ba câu sáu điều cho xong mịa nó đi thì không muốn, đằng này, nốc cho nó lắm vào… “Than ôi, xưa nay Phong bao, Thanh kiu và Đáp lễ có lúc nào mà không theo sát nhau“, ông chép miệng uống cạn cút rượu sầu.
Rồi ông trách đến Tổng Biên tập Nguyễn Nhất Trí, đầu óc để đi đâu mà cho in bài viết bốc mùi nô dịch đó. Ông lại trách mình cứ cắm cúi mãi với mấy phiên họp của Hội đồng Lý luận VHNTTW mà sao nhãng với công việc của Hội. Mà họp hành gì đâu, toàn ngồi nghĩ cách bịt miệng và đấu tố các văn nghệ sĩ có tư tưởng đổi mới. Ông nghĩ mà thương cho mình, cho Trọng Khôi, Đỗ Hồng Quân, Bằng Việt, Tô Ngọc Thanh… mấy ông Uỷ viên Hội đồng. Cứ mỗi buổi họp là lại phải nghe Hồng Vinh và Đào Duy Quát lên lớp về chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật; về cách đấu tố các bạn bè nghệ sĩ của mình…
Lạ thật, một lít cồn đã vào máu rồi mà những con chữ trong bài báo ma ám vẫn chưa thôi nhảy múa trước mắt. Phải chăng đây là định mệnh? Bất giác ông rờ tay lên đầu mình và tự hỏi: Trán ta đã hói trắng vì những toan tính, trên đầu ta đầy sẹo chém thị phi, ta phải làm gì đây để rũ bỏ hết những điều tiếng bấy lâu nay về mình? Ta có nên làm một quả để đời cho con cháu, có nên “đi tìm cái Tôi đã mất” ngay từ bây giờ hay là chờ cho đến khi đi gặp Nguyễn Kh. ở bên kia thế giới cho an toàn?
Vẩn vơ suy tư một hồi, ông quyết định gọi điện cho các nhà văn Lê Văn Hảo, Hồ Thông Thái, Nguyễn Nhất Trí và nhà thơ Phan Thị Vành Khuyên, những người trong Ban Chấp hành để xem ý kiến của họ về lá đơn Kiến nghị và việc giải tán Hội. Điều ông không ngờ là cả 4 người đều nhất trí với việc là nên khai tử hội càng nhanh càng tốt, không thể để cho tuyên giáo và an ninh đè đầu cưỡi cổ mãi. Hơn nữa bấy lâu nay Hội đã quá nhiều tai tiếng, nhất là mỗi lần đến dịp kết nạp hội viên.
Năm người cũng thống nhất rằng quyết định trọng đại này không được để cho nhà thơ Trần Thăng Hoa, thành viên còn lại của Ban Chấp hành biết, phải làm sao để cho ông Vụ trưởng ở cơ quan nhà nước này trở tay không kịp. Rất may là đúng dịp này, nhà thơ Thăng Hoa đang có chuyến công du nước ngoài để tham khảo cách làm báo hình, báo nói hiện đại. Chẳng là cơ quan ông – Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) – đang giao cho ông việc thực hiện đề án mở thêm hệ “Phát hình có tiếng”, sau khi hệ “Phát thanh có hình” hiện đang được triển khai tốt.
Sáng hôm sau đến cơ quan Hội, chủ tịch Hữu Tỉnh chỉ đạo văn phòng gấp rút gửi thông báo về việc triệu tập đại hội đến toàn thể hội viên. Sau đó ông gọi các vị Khuyên, Thái, Trí vào phòng mình để bàn cách giải tán Hội một cách nhanh chóng và êm thấm nhất. (Do nhà văn Lê Hảo Hảo ở trong Nam nên mấy người thống nhất sẽ “chat” trực tuyến qua mạng). Nhà văn Hồ Thông Thái bày mưu rằng việc họp Ban Chấp hành mở rộng, rồi triệu tập hội nghị và tuyên bố giải tán… chỉ nên gói gọn trong một buổi sáng để tránh đêm dài lắm mộng. “Cách này không được dân chủ lắm nhưng mà Hội ta bết bát lắm rồi nên cũng không nên quá câu nệ” – nhà văn Thông Thái nói. Cả năm người đều đạt được đồng thuận cao với đối sách này. Sau đó mọi người bàn tiếp đến cách thức đối phó với Ban Bí thư TW, Ban Tuyên giáo, khối an ninh, nhóm mật vụ tại Đại sứ quán Trung Quốc, và đặc biệt là đòn “xử lý thích hợp” tới đây của ông Thủ tướng ghét sự thật Nguyễn Tấn Dũng. Chính trị là ghê gớm lắm, không đùa được đâu – ai đó đã chẳng thốt ra như vậy.
……..

Ngày trọng đại

"... Với tinh thần đó, tôi tuyên bố: Khai tử Hội Nhà văn!"
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/11/GCD1.jpg

Cả hội trường bừng bừng khí thế đi tìm cái Chúng Tôi đã mất
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/11/GCD2.jpg

Cuối cùng cái ngày mà biết bao người mong chờ cũng đã đến. Vào sáng ngày hôm qua, tại hội trường lớn số 9 Nguyễn Đình Chiểu, dù không có được đầy đủ số hội viên do quyết định triệu tập đại hội quá gấp rút, và sau khi cả hội trường đã làm lễ sám hối trước nhân dân và hương hồn nhóm Nhân văn- Giai phẩm, chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Tỉnh đã tuyên bố lý do triệu tập đại hội, nói về những bất cập của việc duy trì Hội, những bất lực của Hội trước những vấn nạn của đất nước, và rồi ông run run đọc to quyết định lịch sử: Quyết định tự giải tán Hội Nhà văn Việt Nam. Quyết định này được thông qua với vừa đủ số phiếu cần thiết (quá bán) cho dù số hội viên là công an và quân đội (chiếm khá đông) phản ứng quyết liệt rằng đã có gian lận trong quá trình kiểm phiếu. Phía sau cánh gà, nhà thơ Vành Khuyên nháy mắt với nhà văn Thông Thái tỏ vẻ thán phục những mưu sách của ông phó Chủ tịch hội này.
Ngay sau đó, đại hội đã đưa ra Thông cáo báo chí nêu rõ lý do giải tán Hội, trong đó cho biết việc giải tán Hội là yêu cầu bức thiết của đông đảo giới văn nghệ sĩ, của công luận và đa số hội viên.
Thông cáo kêu gọi mỗi một người cầm bút hãy can đảm hơn và quan tâm nhiều hơn đến vận mệnh đất nước, khuyến khích họ học tập và làm theo tấm gương “liều lĩnh” của mấy “bọ” trên mạng. Thông cáo khuyến nghị toàn thể cộng đồng người Việt cả trong và ngoài nước hãy bỏ qua tất cả những hận thù, vướng mắc, bất đồng; gác qua vấn đề Cộng hoà – Cộng sản để hướng tới một hội nghị toàn thể, tìm ra lối thoát cho tình hình bế tắc nước nhà.
Thông cáo kêu gọi những người cầm quyền hãy biết nghĩ đến lợi ích đất nước dân tộc thay vì vật vã với chiếc ghế của mình.
Cuối cùng, Thông cáo bày tỏ tinh thần hiệp thông của những người viết văn đối với nhóm chủ trương Kiến nghị phản đối khai thác bauxite tại Tây Nguyên, và đề nghị toàn thể con dân nước Việt không bao giờ được lơ là đối với Đại (dự) Án chứa đầy hiểm hoạ này.
------------------------------

Cập nhật
1. Sau khi Hội tan, Ban Nhà văn Trẻ đã chuyển sang hình thức sinh hoạt mới với tên gọi Câu lạc bộ Người Viết văn Trẻ, quy tụ các cây bút trẻ có tai mắt, trí não tinh tường. Một câu lạc bộ mang tên “Nhà văn Bảo vệ Nhà văn” cũng đang được ráo riết vận động thành lập, Chủ nhiệm và phó Chủ nhiệm có thể là hai nhà văn Đào Hiếu và Phạm Đình Trọng.
2. Dù HNVVN đã giải tán và đang làm thủ tục thanh lý tài sản nhưng số hồ sơ xin được xét duyệt vào Hội trong năm 2009 vẫn tới tấp được gửi tới địa chỉ số 9 Nguyễn Đình Chiểu,
trong đó có hồ sơ của một cây bút đã ở tuổi… 92.
3. Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, hiện cơ quan an ninh đang bố ráp và canh phòng cẩn mật xung quanh nhà các ông/bà là chủ tịch các hội: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Hội Điện ảnh, Hội Văn nghệ Dân gian, Hội VHNT Thành phố Hà Nội, Liên hiệp Toàn quốc các hội VHNT… Cơ quan an ninh nhận định rằng có thể tới đây sẽ xảy ra việc “tự sát tập thể” của hàng loạt các hội đoàn quốc doanh, từ đó dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống chính trị hiện nay.
© 2009 Gia Cát Dự
© 2009 talaCu




No comments:

Post a Comment