Wednesday, November 18, 2009

HỒI KÝ CỦA MÔT ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN THOÁI ĐẢNG (18-19-20)

HỒI KÝ CỦA MÔT ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN THOÁI ĐẢNG
(Hồi Ký Vi Đức Hồi)

Ông Vi Đức Hồi nguyên là là trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trường đảng, thường vụ huyện ủy huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn). Hiện nay Ông đã thôi giữ các nhiệm vụ cuả đảng CSVN để tham gia phong trào dân chủ VN quốc nội.

18
14h. Tôi lại có mặt tại phòng làm việc của ban tổ chức tỉnh uỷ. Chiều nay họ chuyển sang kiểm tra đầu máy tính của cá nhân tôi. Mọi người lại xúm xung quanh “chuyên gia” máy tính với vẻ mặt tò mò. Tôi ngồi ghế uống nước, hút thuốc chờ đợi. Người cán bộ tổng cục an ninh có tên Thắng lướt qua quan sát nhưng không vào phòng. Cậu công an trẻ tuổi ở Hà Nội lên lại đi vào phòng lân la kiếm chuyện với tôi.
- Bây giờ có một người hôm nào cũng sang trước nhà anh chửi anh, vu khống anh, anh có tức không? -câụ ta đột xuất hỏi tôi.
Tôi ngạc nhiên về câu hỏi trẻ con này, nhưng rồi cũng phải trả lời:
- Ý anh là gì? Anh bảo tôi chửi ai, vu khống ai?
- Chính anh đã vu khống, chửi đảng, chửi chế độ đúng không?
- Anh thử trích những câu tôi vu khống, chửi đảng, chửi chế độ xem nào?
- Anh nói là đảng thối nát, đảng bạo hành, độc đoán chuyên quyền... Đó chẳng phải là vu khống, chửi đảng, chửi chế độ còn gì, phải không?
- Anh hiểu thế nào là vu khống? Vu khống tức là việc bịa đặt, dựng chuyện làm hại người khác. Tôi không bịa đặt, không dựng chuyện, tôi lại càng không bao giờ đi chửi ai. Tham nhũng đang là quốc nạn. Chính đảng nói như vậy. Anh biết đấy, chỉ những người có chức quyền thì mới hội tụ đủ các điều kiện để tham nhũng. Những người dân lành thì dù có muốn tham cũng chẳng được, dù có thích nhũng nhiễu cũng không làm nổi. Ở nước ta người nắm chức quyền trong tay chỉ có thể là những đảng viên của đảng, những người này vừa có quyền, vừa là những người gây nhũng nhiễu, là thủ phạm gây ra nạn tham nhũng, đó là một đảng thối nát, không oan chút nào. Độc đoán chuyên quyền thì anh quá rõ rồi. Đảng tuyên bố không bao giờ chia sẻ quyền lực cho bất cứ ai, chỉ có một mình đảng để thao túng mọi hoạt dộng xã hội, bắt mọi người thừa nhận sự độc tôn cai trị của mình. Ai không thừa nhận thì bị quy cho tội phản quốc, bỏ tù. Đó chính là độc đoán chuyên quyền. Tất cả những gì tôi viết, tôi nói đều là sự thật.
- Thôi, ông đi ra để chúng tôi làm việc -một cán bộ công an cáu lên, làm cho cậu ta mặt bừng đỏ tía tai vội đứng dậy đi ra. Và từ đó cũng không thấy cậu ta lân la đến gần tôi kiếm chuyện nữa.
- Thằng làm chẳng được, thằng cứ kiếm chuyện tỏ vẻ ta đây, bọn Hà Nội lắm lý sự -cậu cán bộ công an vừa nẫy nổi nóng lầu bầu.
Người ta lại đưa cho tôi những bài viết của tôi lưu giữ trong máy để tôi ký. Lần này họ không in ra các tài liệu “tạp pí lù” nữa, và thái độ của cậu công an sáng nay to tiếng với tôi nay đã hạ hỏa. Vừa ký xong thì trưởng phòng công an đi vào. Anh ta đột ngột hỏi tôi:
- USB của anh để đâu?
Trong chốc lát tôi hình dung toàn bộ những gì tôi đã ghi trong USB, thấy không có gì đặc biệt, tôi trả lời ngay:
- Lâu tôi không sử dụng nên không biết là để đâu hay cho ai mượn.
- Anh nghĩ đi, tý nữa cơm xong anh đưa chúng tôi về lấy.
- Vâng, được. Tôi đáp.
- Xong chưa, niêm phong lại đi rồi nghỉ
- Vâng, xong rồi anh ạ -mấy người cấp dưới của trưởng phòng đáp.
16h30, chúng tôi đã cơm nước xong và lên xe, chiếc Camry 2.4 bốn chỗ ngồi của trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ lướt nhanh đưa tôi và những người đang làm nhiệm vụ “quan trọng” về nhà tôi để thu USB. Trên xe im lặng, mỗi người tư duy một nẻo, bỗng trưởng phòng công an tỉnh quay sang tôi đột ngột hỏi:
- Thằng Đài hôm trước đưa cho anh bao nhiêu tiền?
Tôi cố nén sự tức giận vì sáng qua đã bao lần họ vặn vẹo tôi về câu hỏi này.
- Ông bỏ cái trò nghiệp vụ dớ dẩn, lố bịch của ông đi cho tôi nhờ. Ông tưởng tôi nhận tiền của Đài là ông bỏ tù được tôi chắc? Ông còn hỏi lần nữa tôi sẽ nói tôi nhận của Nguyễn văn Đài 100 triệu xem ông làm gì được tôi? Tôi nói cho ông biết, tôi có thể nhận tiền của bất cứ ai trên thế giới này gửi cho tôi mà ông chẳng làm gì được tôi, trừ khi ông chứng minh được tiền đó tôi đem về xây dựng căn cứ địa chống chính phủ, in ấn tài liệu kêu gọi lật đổ chế độ hoặc mua vũ khí, bom đạn để tiến hành khủng bố. Tôi không ngờ một trưởng phòng tư tưởng-văn hoá công an tỉnh lại tầm thường đến vậy. Cái mà ông gọi là nghiệp vụ của ông chỉ có thể khai thác được những tội phạm ở tuổi vị thành niên mà thôi ông trưởng phòng thân mến ạ.
Thấy không khí trở nên căng thẳng, trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ liền cắt ngang:
- Thôi, đùa chút cho vui thôi, anh Hồi bức xúc quá.
Từ đó trên suốt chặng đường còn lại về nhà tôi, chẳng ai hỏi chuyện tôi và tôi cũng chẳng cần nói với ai lấy nửa lời. Xe dừng trước nhà tôi, mọi người xuống xe định vào nhà nhưng cửa vẫn khoá. Vợ tôi đi làm chưa về. Thằng bé chắc nó xuống nhà bác.
- Anh có chìa khoá không?-một cán bộ công an hỏi.
- Không -tôi đáp.
- Chị có điện thoại di động không?
- Có, nhưng tôi không nhớ số,
- Số máy của vợ mà không nhớ thì chịu anh đấy
- Tôi lưu trong máy nên chẳng cần nhớ làm gì. Bây giờ các ông thu máy của tôi, tôi biết làm sao bây giờ?
- Anh cho tôi mượn máy hỏi nhà chị tôi xem có đấy không -tôi đề nghị.
Một cán bộ công an liền đưa máy cho tôi, đầu giây bên kia chính là thằng bé nhà tôi trả lời:
- Mẹ đi ăn cưới ở trên trường, con ăn cơm ở đây, mẹ cầm chìa khoá.
Mọi người lên xe đi vào trường vợ tôi cách nhà tôi gần chục cây số. Đến nơi tôi hỏi người bảo vệ. Ông cho biết chiều nay có hai đám cưới, một đám ở gần đây, còn một đám ở trong đèo cách đây tám cây số. Xe đi thẳng vào đám cưới gần trường, tưởng khách được mời nhiều người chạy ra đón chúng tôi. Thấy tôi là người quen mọi người đon đả kéo vào nhà. Tôi phải trình bày đi, trình bày lại họ mới chấp nhận.
- Cô Tươi (vợ tôi) trưa nay đến rồi, chiều mấy chị em đi đám trong đèo -mấy người quen tôi cho biết.
Tôi quay lại nói với trưởng phòng công an, anh ta quyết định:
- Thôi quay về nhà anh chờ vậy, bây giờ cũng sắp tối rồi, đằng nào tí nữa chị chả về.
Mọi người lại quay về nhà tôi đợi. Trời nhá nhem thì vợ tôi về. Tôi tranh thủ trao đổi với vợ tôi:
- Có ai liên lạc không? Có điện cho anh Đỗ Nam Hải được không?
- Có điện được, anh ấy hỏi là có lệnh bắt không? Em bảo em không biết vì em đi làm không biết gì mà họ bắt anh ấy ở đâu chứ không phải bắt ở nhà. Anh ấy bảo là bây giờ em phải trả lời phỏng vấn đài nước ngoài để mọi người biết mới tìm cách giúp được. Em bảo thế thì từ từ đã vì em đang dạy học. Với lại em đang là đảng viên nên xem thế nào đã. Anh Hải bảo thế cũng được.
- Có làm sao không? -vợ tôi hỏi.
- Không sao, chắc chắn sẽ bị buộc thôi việc và khai trừ đảng còn đi tù thì không.
- Về có được chế độ gì không?
- Tất nhiên là được, ai dám cắt của mình được? Vì hàng tháng mình bỏ tiền ra đóng bảo hiểm. Nghỉ việc thì bảo hiểm phải trả cho mình. Tuy nhiên mình phải đi giám định sức khỏe vì chưa đủ tuổi. Thôi việc đó lo sau, cứ yên tâm đi -tôi nói.
- Yên tâm sao được! Thế bao giờ thì được về?
- Ai biết được, nhưng cũng nhanh thôi, chắc là hết tuần.
- Em có nên trả lời phỏng vấn không?
- Thôi, để anh về rồi anh sẽ tính, em đừng dây vào.
- Thôi anh Hồi, trao đổi thế được rồi -trưởng phòng công an yêu cầu.
- Tôi đi vào buồng tìm USB. Trưởng phòng và một cán bộ công an bám sát theo tôi vào. Tôi mở tủ tìm rồi đưa cho anh ta rồi ra ngoài uống nước.
- Chiếc đài mà anh vẫn thường xuyên nghe đài địch để đâu? Trưởng phòng công an tỉnh hỏi.
Tôi đứng dậy vào buồng lấy ra rồi đưa cho anh ta:
- Đây. Tôi đáp.
- Tôi tạm thu của anh, về trên sẽ làm biên bản
- Tùy anh.
- Từ hôm qua đến nay có ai hỏi chị về anh Hồi không? Trưởng phòng công an quay sang hỏi vợ tôi.
- Có, nhiều lắm. Vợ tôi đáp.
- Họ hỏi những gì?
- Hỏi là anh Hồi đi đâu mà điện mãi không được?
- Chị trả lời thế nào?
- Trả lời là không biết, thấy bảo là đi họp mấy ngày ở đâu đó, riêng thằng chú em ruột anh Hồi thì tôi gọi nó sang nhà rồi nói cho nó biết là anh Hồi bị bắt.
- Nó làm ở phòng dân tộc, thuộc uỷ ban huyện đúng không?
- Chính nó đấy.
- Nó nói thế nào?
- Chả thế nào cả, nó biết gì mà tham gia!
- Thái độ nó thế nào?
- Chẳng thế nào cả, nó chỉ thấy bất ngờ thôi.
- Xung quanh đây đã ai biết gì chưa?
- Không biết, chẳng thấy ai hỏi han gì cả.
- Chị cứ bình tĩnh, cứ coi như không có gì xảy ra. Một hai hôm nữa anh về. Chị yên tâm, chị nhớ đừng cho ai biết.
- Vâng.
Làng xóm láng giềng xung quanh tôi vẫn yên tĩnh, chứng tỏ họ chưa hề biết gì. Chiếc xe con sang trọng lại đưa chúng tôi về tỉnh. Nói sang trọng bởi vì nó vượt quá tiêu chuẩn so với quy định của chính phủ, bởi theo đó các chức danh thường vụ tỉnh uỷ, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân tỉnh được trang bị loại xe đến 400 triệu, bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân tỉnh được trang bị xe đến 650 triệu. Vậy mà xe của trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ có giá đến 650 triệu (tính theo thời giá năm 2005). Tuy nhiên ở cái tỉnh lẻ Lạng Sơn này nhiều người biết ăn chơi lắm, vì thế không riêng gì xe của trưởng ban tổ chức mà các chức danh khác (kể cả cấp huyên, thị) đều đi loại xe “xịn”, vượt tiêu chuẩn quy định của chính phủ mỗi chiếc đến vài trăm triệu đồng. Năm 2005, đoàn kiểm toán nhà nước đến Lạng Sơn làm việc đã có kết luận về việc sử dụng xe ô tô quá tiêu chuẩn và kiến nghị thu hồi, nhưng sau đó lại thôi vì đã “trót sai”, xin được rút kinh nghiệm.
Thị xã Lạng Sơn từ ngày được nâng cấp lên thành phố, trông hoành tráng hẳn lên, đèn xanh, đèn đỏ được dựng lên ở các ngã ba, ngã tư tôn thêm kiểu dáng của đô thị, tạo ấn tượng cho du khách đến với thành phố trẻ nằm sát biên cương của tổ quốc. Nơi đây cách đây đúng 28 năm (1979) người “đồng chí”phương bắc “núi liền núi, sông liền sông, sớm sớm nghe chung tiếng gà gáy cùng”, không hiểu vì lý do gì tự nhiên nổi khùng “dạy cho Việt nam bài học”, đã tàn phá toàn bộ cái thị xã (nay là thành phố) bé nhỏ, xinh đẹp này thành những đống đổ nát. Gần ba chục năm qua, bộ mặt của mảnh đất này có nhiều đổi thay, những dấu tích có thể mai một nhưng lòng người thì không thể nào quên về một thời tàn khốc mà thủ phạm đâu phải là bọn “đế quốc đầu sỏ, bọn tư bản thối nát”, mà chính là người anh em coi nhau như ruột thịt! Cuộc sống hôm nay đã trở lại bình thường, có thể thế hệ trẻ ngày nay đã quên vợi đi những đau thương mất mát, những sự kiện mà cả dân tộc ta bị xúc phạm nhưng những người có lương chi thì mãi mãi không quên và luôn ý thức được về người anh, người bạn, người “đồng chí” sát cạnh mình.
Không ai nói trước được tại mảnh đất này có thể yên ổn làm ăn mãi mãi về sau, mặc dù ngày nay có nhiều bang giao “hữu hảo”, và đặc biệt là đã nặn ra được nhiều “chữ vàng”, cả thảy có đến mười sáu chữ cơ đấy. Thế rồi mới đây thôi còn bổ sung thêm những 4 cái tốt nữa mới biểu thị hết được sự “trong sáng” của “tình đồng chí, tình anh em” Trung - Việt.
Phải chăng đó là những đảm bảo cho sự tin cậy lẫn nhau và là nền tảng bền vững trong quan hệ hai nước? Và phải chăng chúng ta đã thấm đòn từ ngày được “dạy bài học” cho đến nay vẫn khiếp sợ người “anh em”, người “đồng chí” của mình? Chẳng phải thế sao khi mà từng tấc đất của tổ quốc ta đang bị gặm nhấm, khi mà vùng trời, vùng biển, những quần đảo của ta đang bị chiếm đoạt mà đảng, chính phủ ta không những không hề rám hé răng lên tiếng phản đối mà còn thẳng tay đàn áp với những ai lớn tiếng lên án những hành động xâm lăng của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với đất nước ta.
Trên đường từ nhà tôi lên thành phố Lạng Sơn đi qua ải Chi Lăng, nơi đây Liễu Thăng, tướng giặc phương bắc đã bị chém chết ngay tại trận. Mỗi lần đi qua, càng tự hào về truyền thống đánh giặc ngoại xâm của ông cha ta bao nhiêu thì càng thấy ô nhục bấy nhiêu khi chúng ta là con cháu của một dân tộc anh hùng.


19
Hôm nay là ngày thứ ba phải đối mặt với bộ máy của đảng, chính quyền nhà nước cộng sản Việt Nam. Tâm trạng tôi hoàn toàn đã trở lại bình thường, bởi qua hai ngày làm việc tôi đã nhận biết được tất cả những gì họ muốn, những gì họ sẽ làm trong những ngày tiếp theo. Mục tiêu chính của họ là khuất phục tôi, chấm dứt việc tôi liên hệ với những nhà dân chủ, chấm dứt việc viết bài phát tán trên mạng, ăn năn hối cải, xin được khoan hồng. Tôi thừa biết họ không thể bắt tôi và hơn thế họ còn lo sợ vụ việc của tôi bung bét sẽ ảnh hưởng xấu đến dư luận. Vì thế tôi càng phấn chấn, tự tin, minh mẫn bình tĩnh để đối phó với họ.
Ăn sáng xong, tốp chúng tôi gồm hơn chục người (công an, cán bộ ban tổ chức tỉnh uỷ) thủng thẳng đi bộ từ nhà khách tỉnh uỷ về ban tổ chức để tiếp tục công việc khai thác, thẩm vấn tôi. Bỗng có tiếng xe máy phanh kít lại ngay sát tôi. Mấy cán bộ, chiến sĩ công an giật thót mình, liền tạo thành hàng rào xung quanh tôi. Một anh bạn của tôi thân nhau từ còn nhỏ, sau này đi thoát ly, anh làm việc trên tỉnh, vẫn thường xuyên liên lạc, tụ tập chén anh, chén chú với nhau, tính văn nghệ sĩ, thích vui vẻ, sống phóng khoáng nên dù có trình độ, năng lực nhưng con đường thăng tiến gặp nhiều trắc trở, thường được cấp trên đánh giá là con người thiếu chín chắn, lập trường bấp bênh, hay chọc ngoáy lãnh đạo, nên đã leo lên đến cấp phó ngành của tỉnh mà rồi lại xuống làm cấp trưởng phòng của sở, an phận ở mức này để chờ nghỉ hưu.
- Chiều qua tôi thấy ông vào nhà khách tỉnh uỷ, tôi biết chắc là ông nghỉ ở đó, điện mãi mà không liên lạc được, sao vậy? Thay số máy sao không thông báo?
- Máy vừa bị mất cắp hôm kia-tôi trả lời
- Làm sao mà mất, mất ở đâu?
- Mất ở chỗ rất đàng hoàng -tôi đáp.
- Chỗ nào mà đàng hoàng, nhà khách tỉnh uỷ à?
- Còn đàng hoàng hơn thế
Anh ta cười rõ to rồi kể câu chuyện liên đới chứng minh việc mất cắp ở nơi mà thiên hạ cho là đặc biệt trang trọng: “Hồi năm 1986, mình đang học ở trường Nguyễn Ái Quốc trung ương, có thằng bạn ở Cao Bằng rủ vào 37 Hùng Vương, chỗ văn phòng trung ương đảng ấy. Mẹ nó! Hai thằng lai nhau đi xe đạp, gửi xe hẳn hoi, vào thăm người nhà nó làm ở đó, lúc về mất mẹ nó cái bơm xe đạp ông ạ. Tôi đã bảo ông đừng dùng máy sịn quá, cứ như tôi dùng loại rẻ tiền chẳng thằng chó nào nó lấy.”
- Nào có sịn, máy Trung Quốc đấy!
- Thế à, chắc nhìn mẫu mã đẹp, nó tưởng của sịn nó lấy thôi. Thôi cho qua, mua cái khác, bọn kẻ xấu, chấp làm gì. Trưa nay đi nhậu, tôi đón ông ở đâu?
- Dịp này không đi được, trưa nay có chương trình rồi, hẹn khi khác.
- Chương trình nào, cần thì tôi tham gia, quái gì!
Nhìn nét mặt của trưởng phòng công an tức tối đã đến mức hết chịu nổi, anh ta cố trấn tĩnh:
- Anh Hồi cùng chúng tôi có cuộc làm việc quan trọng với sếp, có lẽ không gặp anh được, anh thông cảm, để dịp khác đi anh!
- Thế à, tức nhỉ, toàn gặp người quan trọng, đành chịu vậy, chào nhé.
Anh nổ máy vút đi. Chúng tôi lại lững thững bách bộ với những tâm trạng khác nhau. Một cán bộ của ban tổ chức tỉnh uỷ vỗ vai tôi tỏ vẻ thân mật.
- Cánh này có làm gì cho ông đâu mà ông tỏ vẻ tức tối với bọn này thế!
- Tức gì đâu, tán cho vui ấy mà.
- Lần sau mà anh còn nói thế tôi quy cho anh tội vu khống đấy-trưởng phòng công an “quán triệt” tôi.
-Vu khống gì đâu, tôi tếu táo với bạn tôi đấy thôi.
-Tôi nói cho anh biết chúng tôi chẳng thèm lấy những thứ vứt đi của anh, cho thêm tiền chúng tôi cũng chẳng cầm.
- Tôi biết những đồ của các anh dùng toàn đồ xịn, đâu phải đồ rởm như bọn tôi.
- Sao anh nói mất cắp, ai ăn cắp của anh?
- Lần sau tôi nói nói thật là công an tịch thu điện thoại tôi được chưa?
- Ai đã tịch thu của anh? Chúng tôi chỉ tạm giữ của anh.
- Được rồi thì tạm giữ vậy.
- Tôi yêu cầu anh trong thời gian này chấm dứt việc giao tiếp với bất cứ ai và cắt ngay cái giọng công kích đi cho tôi nhờ.
- Ngay cả đi vệ sinh các ông cũng bám tôi thì làm sao tôi có cơ hội giao tiếp với bên ngoài. Tình huống vừa rồi anh đã biết, tôi không chủ động.
- Tôi không tranh luận với anh nữa, tôi yêu cầu anh thực hiện đúng với tinh thần của sếp đã quán triệt, vậy thôi.
- Sếp quán triệt nhiều nội dung, có những nội dung xa vời vợi, tôi muốn thực hiện cũng bó tay. Có những nội dung tôi không thể thực hiện được. Có những nội dung tôi thấy sếp chưa có động thái nào chứng tỏ sếp làm cho tôi. Vì vậy tôi chẳng biết đâu mà thực hiện.
- Cái gì, anh nói sếp phải làm gì cho anh?
- Sếp bảo sẽ thay máu cho tôi, tôi đã thấy sếp làm đâu?
- Được rồi, máu anh sẽ được thay, cùng với cái đầu anh sẽ được tẩy não, gọt rũa chỉnh tề. Tôi sẽ trực tiếp làm điều đó.
- Vậy hả, tôi sẽ chờ anh xem anh làm cách nào.
- Được rồi anh hãy đợi đấy.
Cuộc đấu khẩu sôi nổi trên đường đi nếu như tôi cảm thấy rất thú vị bao nhiêu thì mấy viên sĩ quan công an đi theo tôi càng tức tôi bấy nhiêu vì tính ương ngạnh và khẩu vị thiếu khiêm nhường của tôi.
Đoạn đường trên 1km bỗng chốc đã hết. Trước mặt là toà nhà làm việc của cơ quan yết hầu của đảng bộ địa phương, một cơ quan nắm về nhân sự và tổ chức của bộ máy đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng nên luôn được mọi viên chức “kính nể”.
Trong phòng làm việc lại tụ tập đầy đủ những gương mặt quen thuộc như những hôm trước. Trưởng phòng công an quán triệt tôi:
- Sáng nay kiểm tra nốt USB của anh, anh có mặt ở đây để xem anh em kiểm tra rồi ký vào tài liệu anh em yêu cầu.
Nói rồi anh ta cùng trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ đi về phòng của trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ, ở đó có mấy người đang chờ vì tôi nhìn thấy viên sĩ quan có tên Thắng ở Tổng cục an ninh đang đứng ở đó cùng vài người đi đi, lại lại mà tôi nhìn từ xa không nhận ra.
“Chuyên gia vi tính” lại bắt đầu công việc của mình, mấy người lại xúm lại để xem, mấy người cán bộ có tuổi thuộc phòng bảo vệ chính trị nội bộ chẳng có việc gì làm, ngồi cùng tôi uống nước tán gẫu. Cả buổi sáng chúng tôi hàn huyên với nhau đủ mọi chuyện, nào là chuyện tay này được cất nhắc đề bạt, tay kia bị mất chức, điều chuyển công tác, có tay xấu số đã vội vã về nơi vĩnh hằng, và tất nhiên chẳng ai đả động đến chuyện của tôi.
- Mình muốn nghỉ hưu trước tuổi lắm rồi ông Hồi ạ -một cán bộ bạn tôi tâm sự.
- Về sớm thế, đang sung sức mà định chấm rứt cống hiến cho đảng là sao?
- Mình trình độ có hạn, về thôi để cánh trẻ làm việc với nhau nó hợp ghu hơn. Với lại bây giờ mình về trước tuổi là được gần 100 triệu đấy.
- Làm gì nó cho về mà ước! Năm ngoái bọn này đã đề đạt rồi, tổ chức trả lời lấy đâu ra tiền để trả cho các ông -một anh bạn khác chen vào.
- Đấy là nói vậy thôi chứ bây giờ tỉnh nhất trí giải quyết theo đường lối đó thì cỡ tuổi bọn mình trên 50 này chúng nó xin về hết, trừ những thằng đang nắm chức quyền thôi.
- Đúng vậy, về mà được tiền thì nhiều người về -tôi đồng thuận đáp.
Mải chuyện nhìn đồng hồ đã 10h30, hai trưởng phòng đã đi họp về, cậu “chuyên gia máy tính” đưa cho tôi mấy tập tài liệu được in ra trong USB của tôi bảo tôi ký. Tôi xem tiêu đề, vẫn mấy bài viết của tôi được lưu trong đó. Tôi ký liền rồi nghỉ.
14h, phó trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ cùng hai trưởng phòng (công an và bảo vệ chính trị nội bộ) tham dự, phó trưởng ban quán triệt tôi:
- Tôi đã xem bản tường trình của anh, tôi cũng được nghe báo cáo lại anh đã viết đến 3 lần, nhưng tôi vẫn phải nói với anh là anh thiếu tinh thần nhiệt tình hợp tác. Chiều nay tôi cho anh đọc lại toàn bộ các bài viết của anh rồi anh suy nghĩ viết lại vì sợ rằng anh không thể nhớ hết những gì anh đã viết. Tôi yêu cầu anh nghiêm túc kiểm điểm trên tinh thần là một đảng viên, vì tại thời điểm này anh vẫn là đảng viên cộng sản. Trong bản tường trình của anh, tôi chấp nhận cho anh về nội dung anh nhận thức và kiểm điểm về quá trình thoái hoá biến chất của anh. Về nội dung này anh cần làm rõ hơn nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã của anh. Ngoài những nội dung anh đã trình bày, theo tôi nghĩ anh cần bổ sung thêm nội dung là đã thiếu thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất tư cách của người đảng viên; trong khi đó lại tiếp cận với những tư tưởng phản động, tư tưởng của bon lưu manh chính trị. Một nội dung nữa mà anh phải xác định là anh vi phạm pháp luật ở mức độ nào, mức độ nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng? Sự việc sờ sờ ra đấy mà trong bản tường trình của anh, anh cố tình lẩn tránh không đề cập đến, thế là thế nào? Ở đây anh đã tự nhận với hình thức kỷ luật là khai trừ ra khoỉ đảng, cách chức mọi chức vụ đang đảm nhiệm. Việc đó không nói đến nữa. Bây giờ anh phải tỏ rõ quan điểm của anh về chịu trách nhiệm trước pháp luật của đảng, nhà nước ta. Vấn đề cuối cùng mà anh cần làm rõ là từ nay về sau anh sẽ quyết tâm phục thiện thế nào? Tôi yêu cầu anh phải đoạn tuyệt với bọn cái gọi là “dân chủ”, anh có dám hứa với chúng tôi không? Trong lần viết tường trình này buộc anh phải tỏ thái độ rõ ràng, dứt khoát. Nếu anh cố tình lẩn tránh, cố tình không hợp tác, quanh co thiếu thành khẩn hoặc ngoan cố không chịu ăn năn hối cải, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang bên công an để tiến hành điều tra, và có thể sẽ khởi tố vụ án. Tôi cho anh cả buổi chiều nay suy nghĩ và quyết định.
Bắt đầu từ ngày mai, anh Thực đây (trưởng phòng tư tưởng-văn hoá ca tỉnh, được gắn mác là cán bộ ban tổ chức tỉnh uỷ) sẽ trực tiếp làm việc với anh, sẽ chỉ ra cho anh tiểu sử của từng nhân vật mà anh đã cho là thần tượng. Đó là các tên như Nguyễn Văn Lý, Thích Quảng Độ, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Nguyễn Văn Đài , Lê Thị Công Nhân... Cũng cho anh biết về âm mưu của các tổ chức phản động như cái gọi là Đảng Việt Tân, Đảng Dân Chủ Nhân Dân, câu lạc bộ Hoa Mai, câu lạc bộ Dân Chủ... rồi đến các tổ chức lừa bịp để vòi tiền nước ngoài như Khối 8406, Đảng Dân Chủ, Đảng Thăng Tiến, Uỷ Ban Nhân Quyền Việt Nam... Mục đích chúng tôi là nhằm thức tỉnh anh bởi thời gian qua anh đã ngu muội, dẫn đến chuốc lấy hậu quả thê thảm về mình. Tôi sẽ cải tạo bằng được cái đầu của anh. Tôi sẽ thay toàn bộ máu trong đầu anh, một thứ máu mê muội, làm cho con người anh trở thành ngu si, đần độn. Chúng tôi chỉ mong muốn cho anh được tốt thôi, anh Hồi ạ.

Thời gian còn lại của buổi chiều hôm đó tôi chỉ ngồi uống nước, hút thuốc. Mãi đến sắp hết giờ tôi mới bắt đầu viết bản tường trình, bởi gần như thuộc lòng nên chỉ viết độ 15-20 phút là xong. 16h, tôi nộp cho một công an ngồi đó canh giữ tôi và họ cho tôi nghỉ luôn.
Được buổi nghỉ sớm mà lại không phải đi đâu nữa nên không riêng gì tôi mà mọi người đều phấn khởi, nhẹ nhõm sảng khoái. Tắm rửa xong mọi người xuống ăn cơm. Bữa cơm hôm nay vui vẻ lắm, bởi có thời gian để hàn huyên, hơn nữa trưởng phòng công an hôm nay có việc bận không tham dự được. Trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ tuyên bố hôm nay uống hết mình. Được thể mọi người vui vẻ, lúc thì đồng khởi, lúc thì chéo chén cứ thế hết chai này đến chai khác mà chẳng thấy ai say. Tôi cũng thể hiện hết mình và trở thành tâm điểm của cuộc vui và tiếp tục kéo dài đến hơn 3 tiếng đồng hồ mới rã đám.
Trở về phòng ngủ tôi vẫn không sao chợp mắt được. Hai chiến sĩ an ninh trẻ tuổi ngủ cùng phòng tôi để canh giữ, mở điện thoại tán chuyện dông dài. Tôi ra đầu hè ngắm cảnh thành phố trong đêm cho khuây khỏa. Dưới sân mấy chiếc xe ca chở khách ở Hà Nội, Hải Phòng và có cả xe mang biển số trong Nam đưa khách tham quan du lịch vào nghỉ qua đêm. Họ kháo nhau về điểm du lịch núi Mẫu Sơn, khen có, chê có. Họ khen là phong cảnh đẹp, mùa hè mát mẻ, khí hậu trong lành, có nhiều món ăn đặc sản dân tộc độc đáo, là nơi nghỉ mát thú vị. Rồi họ chê bai cũng nhiều, nào là con đường đã dốc, ngoằn ngoèo lại quá hẹp, rất nguy hiểm cho việc xe cộ đi lại, phải lúc gặp gặp xe ngược chiều nhiều khi phải lui lại đến nửa cây số mới có đường tránh nhau; quy hoạch xây dựng lôm côm, thiếu mỹ quan...
- Chế độ cộng sản chỉ giỏi phá-một người khách oang oang tỏ ra bức xúc.
- Họ phá cái gì vậy ông? Một người hỏi.
- Mấy cái nhà nghỉ mát ở núi Mẫu Sơn người Pháp họ xây dựng đẹp thế mà cộng sản giành được chính quyền “vén tay đốt nhà táng” dùng bộc phá đánh sập toàn bộ. Ông không thấy sao?
- Tưởng gì chứ việc ấy thì nói làm gì nữa? Ở núi Tam Đảo cũng vậy, chính quyền vô sản đập phá cho bằng sạch những nhà người Pháp xây, để ngổn ngang những đống đổ nát, trông còn thảm hại hơn.
- Lúc ấy sao mình ấu trĩ thế nhỉ? Một người khác thắc mắc.
- Phàm những kẻ ngu, thiếu tri thức lên cầm quyền làm được ít, phá thì nhiều -vẫn người khách nói to kia lên tiếng.
- Xét cho cùng chỉ khổ dân ta -người kia thất vọng.

20
Hôm nay là ngày thứ tư tiếp tục chương trình thẩm vấn. Trưởng phòng tư tưởng –văn hóa công an tỉnh Lạng Sơn cùng cậu thư ký của anh ta làm việc với tôi, mở đầu buổi làm việc, trưởng phòng đặt vấn đề:
- Trước tiên tôi muốn trao đổi với anh một việc. Mấy ngày nay tôi suy nghĩ rất nhiều về anh, thấy rằng anh là người thật thà, là người tốt, có trình độ năng lực nhất định. Con người ta ai cũng có những lúc sa ngã, quan trọng là phải biết tự đứng lên và chọn cho mình hướng đi đúng đắn. Anh còn đến chục năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, vì vậy tôi muốn thuyên chuyển anh về tỉnh công tác, anh nghĩ thế nào? Nếu anh đồng ý tôi sẽ đề xuất với lãnh đạo chắc chắn sếp sẽ chấp nhận. Anh không cần phải trả lời ngay, cứ suy nghĩ đi rồi trả lời tôi lúc nào cũng được.

Thật bất ngờ với tôi về tình huống này. Trong giây lát lưỡng lự, tôi hình dung toàn bộ những ý đồ của họ đối với tôi. Đây là phương sách để buộc tôi từ bỏ con đường đấu tranh dân chủ; mục đích chính của họ là tìm cách để quản lý tôi chứ thực chất họ chẳng có lòng nhân đạo gì. Tôi biết tôi sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng, bị cách chức các chức vụ tôi đang đảm nhiệm. Họ định chuyển tôi lên tỉnh để bố trí một chân lon ton ở một cơ quan nào đó để họ đạt được mục đích tách tôi ra khỏi phong trào dân chủ, có cớ quản lý tôi, theo dõi tôi, buộc tôi chấm dứt mọi hoạt động chống lại chủ trương, chính sách của đảng; và nếu tôi chấp nhận thì hiển nhiên tôi sẽ phải chấp nhận mọi điều kiện của họ đưa ra.
Tôi bắt đầu lấy lại thế chủ động trao đổi với trưởng phòng công an tỉnh:
- Hoàn cảnh gia đình tôi, mẹ già đã ngoài 70 tuổi, tôi là con trưởng, trách nhiệm rất lớn, con còn nhỏ, với đồng lương của tôi hơn 2 triệu/tháng mà đi làm ở xa, thật sự tôi không chịu nổi. Vì vậy tôi có thể nói ngay với anh rằng tôi không thể đi được. Nguyện vọng của tôi như đã trình bày ở bản tường trình, là tôi xin nghỉ chế độ. Theo luật bảo hiểm mới ban hành thì tôi đã đủ tiêu chuẩn để nghỉ, bởi tôi đã nộp bảo hiểm 32 năm, có tuổi đời đã 51 tuổi, điều kiện là phải đi giám định sức khoẻ và chấp nhận hưởng phần trăm thấp, tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng rồi.
- Nhưng nếu giám định sức khoẻ anh chưa đủ điều kiện thì sao?
- Thì buộc tôi phải chờ để đủ tuổi, tôi chấp nhận.
- Tôi vẫn cứ đề nghị anh suy nghĩ cho kỹ để quyết định vấn đề này.
- Tôi đã nghĩ kỹ.
- Nếu vậy thì tôi đề nghị tỉnh yêu cầu huyện bố trí công việc cho thuận lợi hơn, được không? Sợ rằng anh băn khoăn là người đang có quyền chức, bây giờ bị kỷ luật, bị mất chức, mất đảng, xuống làm một cán bộ bình thường anh không chịu thôi.
- Không, nguyện vọng của tôi là nghỉ, dù chế độ đãi ngộ tôi thế nào, tôi cũng nghỉ. Anh cứ giải quyết theo hướng đó.
- Thôi được tôi biết thế. Về chế độ sẽ có cơ quan chức năng người ta giải quyết cho anh, còn tôi chỉ có nhiệm vụ tham mưu định hướng cho anh, tìm cho anh lối thoát trong lúc anh đang lâm nạn. Đó là tình người. Tôi mong anh tiếp tục suy nghĩ rồi có quyết định sáng suốt.
- Cảm ơn anh. Tôi đáp.
- Bây giờ thì tôi trao đổi với anh một số nội dung xung quanh những bài viết của anh.

Nói rồi anh ta mở quyển sổ ghi chép cá nhân ra. Ở đó ghi những gì anh ta cần nói, những gì anh ta cần hỏi, đều được chuẩn bị cẩn thận để làm việc với tôi. Lại một lần nữa giọng điệu giống y hệt như những nội dung mà phó ban tổ chức tỉnh uỷ đã quán triệt hôm trước: nào là những khuyết tật của các nhà đấu tranh dân chủ như Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương. . . cho đến những người trẻ tuổi mới bị bắt như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài... Đặc biệt anh ta nói rất kỹ cho tôi biết về tổ chức của đảng Việt Tân, do Hoàng Cơ Minh cầm đầu đã bị quân đội Lào tiêu diệt như thế nào, tổ chức Đảng Dân Chủ Nhân Dân do Đỗ Thành Công cầm đầu âm mưu về nước đánh bom khủng bố ra sao... Sự phát hiện tài ba của công an Việt Nam như thế nào...
Tôi cư ngồi im để anh ta thao thao bất tuyệt cho hết thời gian. Mệt quá, anh ta lại dừng, uống nước rồi lại tiếp tục. Thời gian làm việc của buổi sáng đã sắp hết. Tôi thấy cần chỉnh đốn anh ta vài lời, tôi cắt ngang:
- Xin lỗi anh, những tài liệu của anh hoàn toàn được đăng trên báo An Ninh Thế Giới. Tôi phải nói với anh rằng, từ lâu lắm rồi tôi luôn có một tờ An Ninh Thế Giới mà Đảng, Nhà Nước cấp cho tôi. Vì vậy tất cả những gì anh nói với tôi, tôi quá tường tận. Tôi đề nghị không cần chuyển tải cho tôi những gì mà báo chí đã đăng tải, vì tôi đã đọc, đã biết.
Anh ta lúng túng, cười gượng gạo:
- Tôi biết anh làm công tác tư tưởng của Đảng nên có nhiều thông tin, nhưng tôi vẫn phải nói với anh để anh hiểu thêm vì con người ta không ai nhớ hết được mọi sự kiện, và đó cũng là trách nhiệm của tôi. Thôi sáng nay ta nghỉ ở đây, chiều 2 giờ tiếp tục.

14h, tôi lại có mặt tại phòng làm việc để trưởng phòng công an tỉnh chỉnh huấn tư tưởng tôi.
- Tôi với anh làm việc trên tinh thần cởi mở, thoải mái. Anh thấy thế nào, có gì cần trao đổi không?
- Vâng, rất cảm ơn. Tôi chỉ có chút đề nghị nho nhỏ,
- Anh cứ nói.
- Đề nghị của tôi là những nội dung gì mà trước đây đã được làm rõ ở những cuộc thẩm vấn trước thì không đề cập nữa, vì những gì cần nói tôi đã nói, bây giờ buộc phải nói lại, tôi vẫn nói như thế. Chúng ta nên trao đổi những vấn đề mà các lần làm việc trước chưa đề cập, tôi nghĩ như thế nó hiệu quả hơn
- Nhận thức là cả một quá trình, tôi nghĩ qua mấy ngày làm việc với chúng tôi anh sẽ có những chuyển biến nhất định.
- Không, chẳng có gì mới đối với tôi.
- Thôi được rồi, tôi chỉ làm theo trách nhiệm được phân công, anh tiếp thu đến đâu là tùy. Phía trước anh còn là cả một vấn đề lớn mà chúng tôi sẽ phải tiếp tục làm việc với anh.
Điện thoại di động nổ chuông, anh ta ra ngoài nghe, lát sau anh ta vào và thông báo cho tôi:
- Anh Hồi uống nước đi, tôi đi có việc chút rồi về. Anh cứ nghỉ tại chỗ.
Nhìn sang phía bên kia phòng họp của ban tổ chức tỉnh uỷ, có mấy gương mặt quen thuộc: trưởng, phó ban tổ chức tỉnh uỷ, trưởng phòng bảo vệ chính trị, cán bộ tổng cục an ninh cùng một số người khác đi vào phòng họp.

Tôi mở toang cửa sổ ra cho thoáng. Trước mặt tôi cách chừng 300m đường thẳng, toà địa ốc tỉnh uỷ Lạng Sơn hoành tráng uy nghi, ngự trên một đại lộ lớn nhất của thị xã (nay là thành phố). Lâu lắm rồi tôi mới có dịp ngắm nghía toà “nhà đỏ” của một địa phương vốn đang nằm trong danh sách mười nơi nghèo nhất nước. Không có gì thay đổi nhiều. Trước đây con đường (đại lộ) thẳng tắp lao thẳng vào cổng chính, nay cổng chính ra vào được dịch lệch hẳn sang một bên. Nguyên do nhiều người bàn tán cho rằng con đường đâm thẳng vào nhà thì chủ nhà bao giờ cũng đen đủi, ốm đau, nảy sinh nhiều chuyện ảnh hưởng đến thân chủ. Mấy đời bí thư tỉnh uỷ hay ốm yếu, gầy mòn... nên chiếc cổng được điều chỉnh để “tránh phá”. Thế rồi trong khuôn viên đẹp đẽ này cũng xuất hiện một ngôi đền tượng trưng. Số là khu đất này một phần thuộc đất của một ngôi đền cũ, tỉnh thu về để xây dựng cơ quan lãnh đạo tối cao của địa phương. Có điều khó lý giải: khi mở rộng đến khu đất đó, người đứng đầu cơ quan tỉnh uỷ không may gặp phải những ốm đau liên miên, trong khi đó công tác chăm sóc sức khoẻ thì khỏi cần nói nhưng vẫn ba ngày béo, chín ngày gầy. Từ ngày ông về hưu đến gần chục năm nay tự nhiên ông lại khoẻ ra, và đó cũng là lý do việc xây cất ngôi đền tượng trưng trong khuôn viên “toà nhà đỏ” này.
Những tưởng thế là ổn, ai ngờ người thay thế ông là chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, từ khi sang tỉnh uỷ làm bí thư cũng là thời điểm xuất hiện ốm yếu liên miên. Ông là người xấu số nhất, vì sau một thời gian người ta phát hiện ông bị ung thư gan và vĩnh viễn ra đi trong lúc đang nắm trong tay đỉnh cao quyền của tỉnh. Người kế vị là một người có học hành bài bản, tuổi trẻ, khoẻ, được đảng đưa vào trung ương uỷ viên khóa 8, lúc đó mới là phó bí thư, tự nhiên đổ đốn ở đâu về sinh ra mất đoàn kết nội bộ. Có thể là còn trẻ, kinh nghiệm hạn chế nên bị cấp dưới “vượt mặt”, thấy mình là trung ương, là bí thư tỉnh uỷ, người lãnh đạo cao nhất của địa phương này mà bị vượt mặt thì quả là hết chịu nổi nên đã tự mình châm ngòi nổ nhằm hạ bệ phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh. Thế là cuộc đối đầu ngày càng lún sâu vào vũng bùn nhơ, trung ương phải ra tay phân xử. Kết cục là cả hai lãnh án cảnh cáo, bí thư tỉnh uỷ về trung ương làm phó ban tài chính đảng. Hiện cơ quan này nhập vào văn phòng trung ương, nay thỉnh thoảng xuất hiện trên tivi đi tháp tùng cho Tổng bí thư. Tất nhiên chân trung ương uỷ viên của anh ta cũng mất luôn sau đại hội 9 của đảng. Còn chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh thì cho về nghỉ hưu. Cuộc đấu đá đã đi vào lịch sử của địa phương, bởi nó chưa từng xẩy ra trong lịch sử đảng bộ của tỉnh. Do mất đoàn kết nội bộ nên Lạng Sơn là tỉnh được “ưu ái” tiến hành đại hội sau cùng nhất trong toàn quốc, trước khi diễn ra đại hội 9 đảng cộng sản Việt Nam.
Tôi là đại biểu dự đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ 14 diễn ra vào cuối năm 2005, một đại hội trong bầu không khí ảm đạm, một đại hội mà ngoài thời gian làm việc tập trung, các đại biểu chỉ bàn luận đến việc đấu đá của hai vị nguyên thủ địa phương, chẳng ai đoái hoài đến chương trình nghị sự của đại hội.
Trưởng phòng công an cùng cậu thư ký của anh ta trở lại, với tâm trạng mệt mỏi, ngao ngán:
- Mệt mỏi quá anh Hồi ạ! Khổ cái thân tôi thế này.
- Lãnh đạo cao, trách nhiệm lớn mệt là phải. Tôi đáp.
- Lãnh đạo chẳng đến mình, làm công ăn lương thôi, mà tôi thật sự chán anh lắm rồi anh Hồi ạ.
- Tôi biết anh không những chán mà còn căm ghét tôi, vì tôi với anh hai con người khác nhau, hai tư tưởng khác nhau.Việc khác nhau này ở các nước văn minh thì là việc bình thường nhưng ở ta lại là việc động trời. Mà anh thấy đấy, có ai đi cấm đoán được suy nghĩ của người khác? Bắt người khác phải suy nghĩ theo mình là việc làm không thể.
- Anh suy nghĩ thế nào kệ anh, nhưng anh công khai lên tiếng chống lại đảng, nhà nước là việc làm vi phạm pháp luật. Anh ta lại phát khùng.
- Tôi không tranh luận với anh nữa. Tôi đáp.

Chiếc xe con mang biển số 80a đang nổ máy đậu giữa sân ban tổ chức tỉnh uỷ. Người sĩ quan tổng cục an ninh cùng cậu công an Hà Nội thường phiền nhiễu tôi trong mấy ngày qua lên xe. Trưởng, phó ban tổ chức tỉnh uỷ cùng mấy người khác ra tiễn. Tôi hiểu như vậy là việc thẩm vấn của tôi đã kết thúc. Việc còn lại do địa phương xử lý về mặt tổ chức.
Trưởng phòng công an nhìn lướt hết trang này đến trang khác. Vẫn quyển sổ tay ghi những câu hỏi để thẩm vấn tôi:
- Trong bài
“Quốc hội Việt nam dân bầu hay Đảng cử?”, anh đả kích ban chấp hành trung ương vi phạm nghiêm trọng hiến pháp Việt Nam. Tại sao anh nói vậy?
- Vâng, như anh biết đấy, trước khi kết thúc nhiệm kỳ khóa 8, ban chấp hành trung ương đã họp, ra nghị quyết: quyết định ngày bầu cử quốc hội khóa 12, quyết định cơ cấu, số lượng và phân bổ đại biểu cho cá địa phương, các bộ, ban ngành trung ương. Nghiêm trọng hơn thế là quyết định rút ngắn nhiệm kỳ của quốc hội từ 2007-2012 xuống còn 2007-2011; kéo dài nhiệm kỳ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp từ 2004-2009 lên 2004-2011. Đó là việc làm vi phạm trắng trợn hiến pháp Việt Nam, bởi vì chỉ có Quốc hội mới có quyền thảo luận và quyết định những vấn đề đó.
- Chính anh cũng thấy là việc tiến hành đại hội Đảng diễn ra một thời điểm khác; bầu cử quốc hội vào thời điểm khác; rồi lại bầu cử hội đồng nhân dân các cấp diễn ra vào thời điểm khác. Như vậy suốt ngày chỉ lo cho việc bầu cử, còn nghĩ được gì khác nữa, mặt khác nó gây lãng phí tốn kém tiền bạc của nhân dân. Kỳ này trung ương nhìn ra vấn đề nên quyêt định như vậy là hợp lòng dân, là sáng suốt, lẽ ra anh là người phải ủng hộ nghị quyết đúng đắn này mới phải đằng này lại đi công kích Đảng, vậy là sao?
- Tôi công kích gì đâu! Tôi thấy Đảng lấn sân, bao biện làm thay, tôi thấy Đảng vi phạm pháp luật, bởi đó không phải việc của Đảng, đó là việc của Quốc hội.
- Anh đọc điều 4 hiến pháp chưa? Cậu thư ký của trưởng phòng khùng lên với tôi.
- Xin lỗi, tôi không những đọc mà tôi còn thuộc cả điều 4 hiến pháp Việt Nam.
- Thôi nghỉ thôi, tranh luận với ông này mãi cũng thế thôi! Trưởng phòng công an tuyên bố. (còn nữa)




No comments:

Post a Comment