Wednesday, October 28, 2009

VĂN HOÁ VIỆT NAM : TOÀN CẦU HOÁ và THỊ TRƯỜNG

Văn Hóa Việt Nam: Toàn Cầu Hóa Và Thị Trường
A.A. SOKOLOV
Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 5-2009
http://www.hopluu.net/default.aspx?LangID=38&tabId=464&ArticleID=862
LTS: Giáo sư/Tiến sĩ Sokolov là một nhân vật quen thuộc với giới nghiên cứu và văn gia Việt Nam. Ông từng nghiên cứu ở Việt Nam từ đầu thập niên 1970, và sau đó trông coi phần Việt ngữ của nhà xuất bản Sự Thật [Pravda]. Trong số những tác phẩm được biết nhiều nhất của ông có tập Quốc Tế Cộng Sản và Việt Nam, được dịch in tại Hà Nội–công bố nhiều tài liệu quí về Ðại Học Phương Ðông, nơi hơn 50 học viên Việt đã được huấn luyện trong hai thập niên 1920-1930.
Bài giới thiệu trong Hợp Lưu này đã được trình bày trong một cuộc thảo luận về văn học Việt Nam tại Hà Nội.
Xin trang trọng giới thiệu Giáo sư Sokolov với quí vị độc giả.

Tạp Chí Hợp Lưu
------------------------------------------------------------------

1.
Quá trình toàn cầu hoá, một hiện tượng nổi bật vào những thập kỷ gần đây, có một ý nghĩa quan trọng đối với văn hoá của các nước rất khác nhau trên thế giới. Trong điều kiện hiện nay, văn hoá cần được nhìn nhận như một khía cạnh nhất định của toàn cầu hoá, chứ không phải chỉ như phản ứng đối với việc toàn cầu hoá về mặt kinh tế.
Theo một ý kiến khá phổ biến, cơ sở của toàn cầu hoá - trước hết đó là chiến lược văn hoá nhằm tuyên truyền, phổ biến và khẳng định những chuẩn mực, những giá trị và những qui chế của hiện thực phương Tây trong toàn nhân loại. Tuy nhiên ở đây cần nhớ rằng toàn cầu hoá văn hoá không có nghĩa là xác lập một kiểu loại văn hoá trên phạm vi toàn thế giới. Thực tế cho thấy rằng quá trình này bao gồm cả những đụng độ và mâu thuẫn về văn hoá.
Điều kiện cơ bản đối với việc một nền văn hoá dân tộc gia nhập vào không gian văn hoá thế giới vẫn giữ được bản sắc riêng mà không đóng kín trong khuôn khổ nền văn hoá của mình.
Đã nhiều lần người ta nhận xét rằng toàn cầu hoá với chiến lược phổ biến các giá trị phương Tây đã gây ra sự chống đôi bởi những rào cản được duy trì của văn hoá truyền thống - của các xã hội mà cấu trúc dựa trên những giá trị tinh thần truyền thống và có lịch sử khá lâu đời của sự phát triển văn minh. Đó là các xã hội có truyền thống tương đối liên tục và lâu đời của sự hình thành cốt cách tinh thần và nếp sống dân tộc. Thuộc số các xã hội này là Việt Nam, một nước đã bước lên con đường hiện đại hoá kinh tế.
Trong những công trình nghiên cứu hiện đại người ta thường nêu lên bốn quá trình hay bốn hiện tượng toàn cầu hoá văn hoá diễn ra đồng thời và gắn bó với nhau, có tác động qua lại với các nền văn hoá bản địa và có ảnh hưởng nhất định đến chúng:
1) Văn hoá quốc tế của các giới kinh doanh và chính trị hàng đầu thế giới;
2) Văn hoá thế giới mang tính chất trí tuệ;
3) Văn hoá đại chúng;
4) Các cuộc vận động xã hội (thường là các cuộc vận động mới mang tính chất tôn giáo).
Tất cả các hiện tượng này của toàn cầu hoá văn hoá (chúng cũng là những động lực) bằng cách này hay cách khác đều hiện diện ở Việt Nam hiện nay, nhưng khác biệt về hình thức và tính chất ảnh hưởng của chúng đến đời sống xã hội đất nước. Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam thực hiện việc kiểm soát và đồng thời sử dụng chúng một cách thực dụng vì lợi ích phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
Do kết quả của sự tác động qua lại giữa toàn cầu hoá và văn hoá bản địa ta thấy có thể có những biểu hiện các hậu quả khác nhau: văn hoá bản địa được thay thế bằng văn hoá toàn cầu; văn hoá toàn cầu và văn hoá bản địa cùng tồn tại mà không có bất cứ một sự dung hợp nào; đang diễn ra sự tổng hợp giữa văn hoá toàn cầu mang tính chất phổ quát và văn hoá bản địa; tôn giáo bản địa hùng mạnh phủ nhận văn hoá toàn cầu.
Cũng như trong một số nước khác ở Đông Nam Á, ở Việt Nam, toàn cầu hoá làm nảy sinh sự khu biệt ‘’văn hoá’’: văn hoá toàn cầu được tiếp nhận nhưng với những biến dạng quan trọng. Nói một cách khác: đang diễn ra sự tìm kiếm tính đồng nhất dân tộc, việc bảo vệ vẻ đặc thù văn hoá. Điều quan trọng là làm sao cho những khuynh hướng ấy phát triển song song, tạo thành sự thống nhất giữa toàn cầu hoá và khu biệt hoá - ‘’toàn khu hoá’’ (glokalizacija). Là người đề xuất thuật ngữ ấy, nhà xã hội học Anh quốc Roland Robertson khẳng định rằng hai khuynh hướng toàn cầu hoá và khu biệt hoá ‘’xét cho cùng bổ sung lẫn cho nhau và thâm nhập vào nhau, mặc dầu trong những tình huống cụ thể có thể dẫn đến sự đụng độ’’. Điều này rất quan trọng để hiểu được tính chất của những biến đổi trong đời sống xã hội và văn hoá Việt Nam, để nhận thức được triển vọng phát triển trong tương lai của đất nước này.
Nói tóm lại, có thể công nhận sự hiện hữu ở Việt Nam một kiểu toàn cầu hoá về văn hoá độc đáo - đó là một quá trình được điều hành, được lý giải lại trên bối cảnh của những nhiệm vụ hiện đại hoá đất nước, trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

2.
Toàn cầu hoá văn hoá làm biến đổi bối cảnh trong đó đang diễn ra việc sản xuất và tái sản xuất các nền văn hoá dân tộc làm thay đổi các phương tiện vốn giúp cho những quá trình ấy được thực hiện. Nhưng ảnh hưởng cụ thể của toàn cầu hoá văn hoá đến tính chất và hiệu quả của các nền văn hoá dân tộc, đến chính quyền và ảnh hưởng những tư tưởng của chúng, những giá trị và nội dung của chúng - điều này hiện nay hãy còn rất khó xác định. Tuy thế, cần phải nói rằng chính văn hoá, như Daniei Patrick Moinihen khẳng định, chứ không phải chính trị, quyết định sự thành công của một xã hội này hay một xã hội khác. Từ những năm l960, ở các nước công nghiệp Đông Á, và mới đây, ở cả nước Việt Nam XHCN, dưới ảnh hưởng của những nhân tố nhất định, người ta quan sát thấy việc phục hồi đạo Khổng với tư cách là hệ tư tưởng chính trị và đạo lý thương mại. Nhờ đó mà ở khu vực Viễn Đông (trong đó có Việt Nam) nhiều xung đột đã được khắc phục và việc hội nhập trên cơ sở những giá trị truyền thống vốn khác biệt cơ bản với các giá trị phương Tây, đã trở thành khuynh hướng phổ biến nhất. Theo mức độ giới tuyến giữa Đông Á tư bản và Đông Á XHCN bắt đầu bị xói mòn, nền văn hoá thống nhất vốn được hình thành trên vị trí của chúng càng ngày càng bộc lộ thực chất Khổng giáo của nó.

3.
Động lực hùng mạnh nhất của toàn cầu hoá văn hoá là văn hoá đại chúng. Ở Việt Nam, các công ty khổng lồ xuyên quốc gia như ‘’Adidas’’, ‘’Disney’’, MTV... đã gặt hái nhiều thành công trong việc phổ biến nó. Còn tiếng Anh hiện nay đang đóng vai trò nhân tố chủ yếu của việc truyền bá thứ văn hoá này. Người Việt Nam, cũng như hàng triệu người trên khắp thế giới, đang sử dụng tiếng Anh chủ yếu xuất phát từ những suy tính thực tế. Thanh niên Việt Nam ra sức học tiếng Anh bởi vì nó giúp cho việc sử dụng Internet, tạo nhiều cơ hội để kiếm được chỗ làm tốt và để ra nước ngoài học tập.
Cũng cần phải nêu lên vấn đề đô thị hoá. Quá trình tập trung dân cư và đời sống kinh tế trong các thành phố, việc di dân đã kích thích sự nở rộ của văn hoá đại chúng. Và hiện nay, những trung tâm văn hoá đại chúng ở Việt Nam là hai thành phố lớn nhất Hà Nội và Hồ Chí Minh cũng như những đô thị lớn khác của nước này.
Ở đây cần phải nhấn mạnh rằng ảnh hưởng của phương Tây không phải là nhân tố duy nhất của toàn cầu hoá văn hoá ở Việt Nam.
Cũng có thể nói đến sự thể hiện ở đây ‘’cách chuyển hướng" độc đáo, khi mà những nước chịu ảnh hưởng Khổng giáo ở Viễn Đông như Trung Quốc - trong lĩnh vực văn hoá và ý thức hệ truyền thống, và Hàn Quốc, Singapore, HongKong, Nhật Bản - trong lĩnh vực văn hoá đại chúng, đã trở thành những người tiếp máu về mặt văn hoá cho người Việt Nam hiện nay.
Nhiều bộ phim vô tuyến nhiều tập (trước hết là những bộ phim ‘’cải lương uỷ mị" những hài kịch, những bộ phim võ hiệp, nhạc pop... và các loại sản phẩm khác của văn hoá đại chúng du nhập từ các nước châu Á rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Và những bộ phim của Hollywood cũng rất phổ biến đối với khán giả Việt Nam.
Dẫn đầu trong việc truyền bá biến thể phương Đông của văn hoá đại chúng ở Việt Nam là Hàn Quốc. Phong cách sống của Hàn Quốc cùng với những giá trị phương Đông khác đang trở thành phong cách sống chủ yếu đối với thanh thiếu niên Việt Nam và giai cấp trung lưu đang hình thành.
Người ta quan sát thấy sự phát triển nhanh chóng về mặt qui mô của một hiện tượng trong xã hội Việt Nam hiện đại - đó là khuynh hướng tiêu dùng vốn đang dần dần trở thành một ý thức hệ mới về văn hoá và lấn át cả những học thuyết macxit và thậm chí cả những giá trị truyền thống của phương Đông. Người Việt Nam ngày càng chú ý nhiều đến những cách nghỉ ngơi giải trí mà một bộ phận không nhỏ thuộc về văn hoá đại chúng: thể thao, du lịch, các quán Karaoke, du lịch chữa bệnh.v.v... Nhiều giá trị tiêu dùng, sự ham muốn các phúc lợi vật chất được quảng cáo tuyên truyền trong các bộ phim vô tuyến nhiều tập, trong các bộ phim truyện, trong nhạc pop, trên các phương tiện thông tín đại chúng, bằng cách công khai hay ngấm ngầm kêu gọi mọi người hãy tiêu dùng nhiều hơn nữa. Còn cái đó đến lượt nó lại kích thích sự phát triển mạnh mẽ của văn hoá đại chúng mà có thể xác định như là văn hoá của xã hội tiêu dùng. Chính thứ văn hoá này cũng tạo nên con người với tư cách là người tiêu dùng chuẩn mực các phúc lợi vật chất và tinh thần.
Xã hội Việt Nam sau khi bước vào con đường kinh tế thị trường đã đụng độ với những hiện tượng kinh tế như marketing, thị trường, sự tiêu thụ, tư hữu v.v... Trong văn hoá, các quan hệ thị trường đã làm hình thành một kiểu người đặc biệt lấy đạo lý của người tiêu dùng ‘’đại chúng’’ để vũ trang cho mình. Thứ đạo lý này gắn liền với việc xác lập ý nghĩa mới về cuộc sống của một bộ phận dân cư là sự khao khát phất lên về mặt vật chất.
Bằng chứng về những xu thế mới mang tính chất qui chế là việc công bố vào đầu năm 2007 bản danh sách của một trăm người giàu nhất nước, kể cả các nhà triệu phú. Trên thực tế đó là việc chính thức thừa nhận sự xuất hiện trong Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một tầng lớp xã hội mới - những người giàu có và phong lưu.Như vậy là sự phát triển các quan hệ thị trường ở Việt Nam đã kích thích quá trình tiêu dùng mà đến lượt nó lại tạo ra ở một bộ phận dân chúng đạo lý của người tiêu dùng thể hiện trong lĩnh vực văn hoá đại chúng. Hiện tượng đó đặc biệt động chạm tới một bộ phận thanh niên của đất nước. Bởi vậy việc đời sống tinh thần và những hoài bão của thanh niên Việt Nam hiện đại làm dấy lên mối lo ngại thực sự của giới lãnh đạo Việt Nam là một điều chính đáng.
Những vấn đề này được đề cập tới trong cuộc phỏng vấn Phó ban tư tưởng và văn hoá của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đào Duy Quát. Sau khi đưa ra sự đánh giá tích cực về thanh niên Việt Nam và nêu lên những phẩm chất của nó như tinh thần yêu nước, tiềm năng sáng tạo cao, tính năng động, tính tự lập, không có thói ăn bám, ông ta vần phải thừa nhận sự hiện hữu những vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của thanh niên.
Theo ông, trong thế giới quan của thanh niên Việt Nam hiện nay có hai khuynh hướng:
1) chủ nghĩa bi quan, đánh mất hứng thú của cuộc sống và những lý tưởng đạo đức;
2) chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng triệt để, khát vọng sống buông thả.
Ở đây hai khuynh hướng này xâm chiếm một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ của đất nước. Hơn nữa, chúng cũng được xác nhận bởi những kết quả cụ thể của việc điều tra xã hội học về đời sống văn hoá của sinh viên được tiến hành trong 30 trường đại học và trung học chuyên nghiệp của Việt Nam:
- sinh viên không thích học, xin điểm, quay cóp;
- khuynh hướng ‘’sống thử’’ trước hôn nhân được phổ biến trong giới trẻ sinh viên;
- gần 60% sinh viên có lối sống thu động, ít tham gia vào đời sống tập thể, vào đời sống chính trị-xã hội, văn hoá và thể thao;
- nhiều sinh viên để hàng giờ truy cập Internet nhưng rất thiếu thông tin về tình hình xã hội trong nước; hơn 30% sinh viên truy cập các web tình dục.
Đào Duy Quát xác nhận ‘’không thể chấp nhận việc thanh niên sống trong tình trạng văn hoá thấp kém như điều này hiện nay đang diễn ra trong nhà trường vốn thiếu các bộ môn văn hoá và cán bộ văn hoá... Đã đến lúc phải cảnh báo cho những người lãnh đạo đất nước về tình hình này và phải suy nghĩ đến cách nâng cao một cách có hiệu quả trách nhiệm về đời sống văn hoá của sinh viên, phải áp dụng những biện pháp cụ thể nhằm giáo dục bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức cao đẹp và lối sống có đạo lý ở sinh viên’’.
Trong bài trả lời phỏng vấn, vị quan chức cao cấp của Việt Nam nêu lên một loạt kiến nghị đối với các bộ cụ thể và các cơ quan ngang bộ về việc thành lập cơ sở hạ tầng về văn hoá: mỗi trường đại học phải có sân vận động, công viên văn hoá, nhà văn hoá, câu lạc bộ, thư viện; cần phải soạn thảo chương trình về công tác văn hoá trong sinh viên v.v... Theo ông, trong nước cần đổi mới hệ thống giáo dục, nâng cao qui chế xã hội và đạo đức của người thày để có thể làm gương về mọi mặt cho sinh viên.
Kết luận của Đào Duy Quát rất đáng chú ý: ‘’cái điều chủ yếu nhất hiện nay là thanh niên rất thiếu những tác phẩm nghệ thuật hay... Lẽ nào tâm hồn họ có thể được nâng cao khi họ đọc những tác phẩm như ‘’Bóng đè’’...? ‘’Bởi vậy - ông nói tiếp - các bộ tương quan và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phải liên hệ chặt chẽ với các Hội và các cơ quan sáng tác để những người hoạt động văn nghệ xây dựng những tác phẩm tốt (các ca khúc, các cuốn sách, các bộ phim) có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao và có ý nghĩa giáo dục đối với thanh niên’’.
Nhằm mục đích tăng cường việc kiểm soát lĩnh vực đời sống tinh thần và giáo dục quảng đại quần chúng, vào đầu năm 2007, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra nghị quyết về việc triển khai cuộc vận động chính trị toàn dân quán triệt ‘’nội dung chủ yếu, tư tưởng đạo đức và tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh’’. Cuộc vận động này bắt đầu từ tháng 2/2007 và dự tính kéo dài 5 năm. Mục đích của nó là nâng cao ý thức, tinh thần đạo đức của đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân.
Ở đây cũng cần phải nêu lên một hiện tượng khác. Rất có thể sắp tới đây, trong các trường đại học Việt Nam, những môn như chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ hợp nhất thành một giáo trình chung và số giờ của các môn đó trong chương trình học tập sẽ giảm bớt cho phù hợp. Tại cuộc hội thảo ngày 23/3/2007, mọi người đã thừa nhận rằng trong chương trình chung những môn này choán khá nhiều giờ - gần 11%, bởi vậy có ý kiến đề nghị nên xem xét vấn đề giảm bớt số giờ xuống còn 7%.
Còn nhà lãnh đạo Việt Nam, như trước đây, vẫn chú ý nhiều đến các phương tiện thông tin đại chúng. Chẳng hạn, trong cuộc hội nghị toàn thể, Uỷ viên Bộ Chính trị và Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Trương Tấn Sang một lần nữa lại nhấn mạnh đến sự cần thiết phải nâng cao vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong các cơ quan báo chí.
Sau khi phân tích cặn kẽ hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng trong cả nước trong 20 năm vừa qua trong việc tuyên truyền đường lối của Đảng và Nhà nước, chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ông nhận xét rằng trong một số cơ quan báo chí hãy còn có ‘’những thiếu sót nhất định, trong đó có việc coi nhẹ chức năng chính trị và những tư tưởng của báo chí cách mạng, xa rời đường lối chủ trương và mục đích, thiếu sự nhạy bén chính trị’’. Tất cả những cái đó, theo ông là ‘’mối nguy cơ tiềm ẩn có khả năng dẫn tới việc huỷ hoại sự ổn định xã hội và chính trị’’.
Một ví dụ nữa về sự giám sát của Đảng trong lãnh vực tư tưởng là nghị định của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban bố ngày 29/11/2006, trong đó chỉ rõ rằng Bộ Văn hoá và Thông tin cùng với các cơ quan hữu quan phải kiểm tra - còn trong trường hợp cần thiết - phải ‘’kiên quyết đóng cửa các cơ quan báo chí không tuân thủ pháp luật, không thực hiện đúng những phương châm và nhiệm vụ’’. Trong văn kiện này nêu rõ chỉ thị: ‘’Kiên quyết ngăn cấm việc tư hữu hoá báo chí dưới mọi hình thức, không cho phép bất kỳ một tổ chức hoặc cá nhân nào sử dụng báo chí, điều hành báo chí vì lợi ích cá nhân, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước’’, còn đối với những người vi phạm nghị định này thì áp dụng những biện pháp trừng phạt thích hợp.

4.
Giai đoạn hiện nay của văn học Việt Nam được ghi nhận bằng nhiều khuynh hướng: từ sự thể nghiệm những hình thức văn học mang dấu ấn của chủ nghĩa tiên phong đến sự nở rộ của văn học đại chúng, điều này được thể hiện trong sự phát triển của văn chương phổ cập. Tác động đến điều đó là ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học thế giới và quá trình thương mại hoá vốn động chạm đến các lãnh vực khác nhau của xã hội Việt Nam.
Năm 2006 ở Việt Nam được tiến hành một số cuộc hội thảo và hội nghị văn học. Tại Hà Nội, theo sáng kiến của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã điễn ra cuộc hội nghị đại biểu với sự tham gia của 250 nhà phê bình và nghiên cứu văn học. Hội nghị đã phân tích những vấn đề cấp thiết của sự phát triển nền văn học dân tộc, đặc biệt chú ý tới việc giới thiệu văn học nước ngoài với độc giả Việt Nam. Cuộc gặp gỡ sáng tác thứ hai tương tự như vậy của các nhà nghiên cứu và phê bình văn học đã diễn ra ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Cuối năm 2006 Hội thảo ‘’Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu và hội nhặp văn hoá thế giới’’ do Viện Văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì đã diễn ra trong mấy ngày. Cuộc gặp mặt đã trở thành truyền thống của các nhà văn trẻ Việt Nam vốn có sứ mệnh trở thành ‘’các kỹ sư tâm hồn" trong những điều kiện hoàn toàn mới so với những nhà văn lớp trước, khi Việt Nam thực hiện một cách thành công việc hiện đại hoá nền kinh tế và tích cực hội nhập vào cộng đồng quốc tế, đã thu hút sự chú ý đặc biệt. Và hiện thực mới đó đã bắt đầu được các nhà văn và nhà thơ trẻ Việt Nam phản ánh trong tác phẩm của mình.
Nói chung, văn học Việt Nam vào thời gian gần đây đã phát triển khá ổn định, không có những cao trào và thoái trào đặc biệt. Tuy thế hai năm vừa qua đã được đánh dấu bằng sự xuất hiện một số tác phẩm mà hoàn toàn có thể xem như những sự kiện văn học đáng kể.
Trước hết cần phải nói đến hai cụốn sách xuất bản năm 2005 đã được các nhà nghiên cứu văn học và các nhà phê bình chuyên nghiệp cũng như hàng triệu độc giả Việt Nam đánh giá cao nhất. Đó là tập ‘’Nhật ký" của một cô gái trẻ tuổi, nữ bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm và cuốn ‘’Mãi mãi tuổi hai mươi’’ của một người cùng trang lứa với chị tên là Nguyễn Văn Thạc. Cả hai tác giả này là những người tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà nhân dân Việt Nam đã tiến hành nhiều năm để bảo vệ tự do và độc lập. Những cuốn sách của họ kể cho độc giả Việt Nam ngày hôm nay về những năm tháng rực lửa chiến tranh.
Chất lượng nghệ thuật hiển nhiên của hai tác phẩm đó cũng như tấm gương cá nhân của các tác giả, cái nhìn trong sáng, niềm tin không lay chuyển vào sự nghiệp chính nghĩa, tính mục đích rõ rệt đã quyết định sự thành công xứng đáng của chúng từ phía bạn đọc. Như các nhà phê bình Việt Nam đã thừa nhận, cả hai cuốn sách này đã trở thành những sự kiện thực sự của văn học Việt Nam trong 20 năm gần đây. Số lượng bản in của chúng lên tới hàng trăm nghìn bản - một con số phi thường đối với Việt Nam. Người ta đã mua bản quyền của hai cuốn sách này để dịch và xuất bản ở nước ngoài.
Tiếp tục truyền thống được hình thành trong hai thập kỷ gần đây, các cây bút nữ Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, vẫn rất năng nổ như trước. Có lẽ về phương diện này cần nêu lên ba tác giả mà tên tuổi luôn luôn được nhắc đến, còn sách thì bán rất chạy. Trước hết là Nguyễn Ngọc Tư. Thiên truyện ‘’cánh Đồng bất tận’’ của chị đã được giới văn học chuyên nghiệp và hàng triệu độc giả Việt Nam nhiệt liệt ủng hộ và được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Những truyện ngắn cô đọng trên bối cảnh xã hội đậm nét của Nguyễn Ngọc Tư về hiện thực miền Nam Việt Nam hôm nay đã kế tục những truyền thống tốt đẹp của văn xuôi hiện thực Việt Nam.
Một nhà văn nữ trẻ tuổi khác - Đỗ Hoàng Diệu đã cho ra tập truyện ngắn mang cái tên giật gân ‘’Bóng đè’’. Cuốn sách được viết theo chiều hướng của các khuynh hướng văn học thời thượng (kể cả khuynh hướng hậu hiện đại) và chịu ảnh hưởng rõ rệt về mặt sáng tác của các nữ văn sĩ trẻ Trung Quốc khá thành đạt trên phương diện kinh doanh. Mặc dầu có ẩn ý khiêu dâm rõ nét (và điều này là đối tượng chủ yếu của những bài phê bình), cần phải thừa nhận rằng cuốn sách được viết ra một cách tài năng và được xử lý rất khéo về mặt kỹ xảo.
Còn có thêm một cái tên nữa là Thuận, đại diện cho văn học Việt Nam ở hải ngoại. Hiện nay chị sống ở Paris. Chị xuất hiện đầu tiên trên văn đàn với cuốn ‘’Made in Vietnam" được xuất bản tại California. Trong vòng ba năm gần đây, chị cho công bố ba cuốn tiểu thuyết ‘’Phố Tầu’’, ‘’Pari, 11 tháng 8’’, ‘’T. mất tích’’. Năm 2005 chị được trao giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Đặc biệt cuốn ‘’T. mất tích’’ kể về số phận của cá nhân trong thế giới hiện đại đã được độc giả Việt Nam rất chú ý. Đây là câu chuyện về một người thậm chí không có tên, bởi vậy y được gọi là ‘’T’’. Các nhà phê bình Việt Nam cho rằng cuốn tiểu thuyết này mang hơi hướng ‘’phương Tây" nhất trong sáng tác của chị. Và thậm chí họ còn tìm thấy cả sự giống nhau về mặt văn phong với sáng tác của nhà văn Pháp Michel Wilbec. Sáng tác của nhà văn này có những đặc điểm nổi bật là chất liệu văn học đặc sắc và ngôn ngữ độc đáo; chúng là ví dụ rõ nét về việc nhà văn luôn luôn tìm tòi trong sáng tạo nghệ thuật. Những quan điểm tư tưởng-triết học của Thuận phản ánh thế giới quan của một người đang sống ở phương Tây ngày nay, nhưng tất cả những tác phẩm của chị đều thấm đẫm tâm tư tình cảm Việt Nam.
Trong số những cuốn sách được công bố ở Việt Nam vào những năm 2005-2006, cần đặc biệt lưu ý tới cuốn tuỳ bút của Đỗ Chu ‘’Tản mạn trước đèn’’, những cuốn tiểu thuyết ‘’Bức tường lửa’’ Khuất Quang Thụy, ‘’Bóng của cây sồi’’ của Đỗ Bích Thuý, ‘’Ngồi’’ của Nguyễn Bình Phương, ‘’Ngư phủ’’ của Hoàng Minh Tường, ‘’Dòng sông khô cạn’’ của Dũng Hà v.v...
Những tác phẩm về đề tài lịch sử vẫn thu hút sự chú ý của độc giả như trước đây. Đó là những tiểu thuyết ‘’Mắt đêm’’ của Dương Ngọc Hoan (về cuộc đời của tầng lớp ca sĩ đầu thế kỷ XX) và ‘’Mẫu thượng ngàn’’ của Nguyễn Xuân Khánh. Cuốn tiểu thuyết này đầy ắp tư liệu lịch sử phong phú cũng như cuốn sách trước đây của ông về một nhà cải cách vĩ đại của Việt Nam thời Trung cổ là Hồ Quí Ly từng gây được tiếng vang rộng lớn trong xã hội cách đây mấy năm. Tác phẩm mới của Nguyễn Xuân Khánh viết về làng quê Việt Nam trên ranh giới thế kỷ XIX-XX, khi xã hội truyền thống Việt Nam đụng độ với chế độ thuộc địa của Pháp, với phương Tây mà cùng với vũ khí đã đem đến xứ sở này nền văn minh tiên tiến vốn xa lạ đối với Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết có rất nhiều nhân vật và đề cập tới những vấn đề rất khác nhau của đời sống Việt Nam thời kỳ đó, kể cả tình hình tôn giáo và những vấn đề có liên quan với nó. Trên thực tế, cuốn sách này với rất nhiều ưu điểm về mặt nghệ thuật, ở một phạm vi rộng hơn, đã viết về văn hoá Việt Nam trên bước ngoặt của những thời lịch sử lớn lao.
Năm 2006 xuất hiện tác phẩm văn xuôi đầu tiên của nhà thơ nổi tiếng Võ Văn Trực ‘’Vết sẹo và cái đầu hói’’. Song cuốn sách có ít giá trị nghệ thuật. Cũng không thành công mấy là tác phẩm mới ‘’Tiểu Long nữ’’ của cây bút xuất sắc của văn học hiện đại Việt Nam Nguyễn Huy Thiệp. Cả giới phê bình lẫn độc giả đều đánh giá cuốn sách này một cách dè dặt.
Trong thơ, tình hình không mấy đáng chú ý, vị tất có thể nói đến những thành tựu đáng kể nào đó. Sự ra đời của một truyền thống mới - Ngày thơ Việt Nam được tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng tại Văn miếu Quốc tử giám - rõ ràng đã gây nên sự phấn khởi chung.
Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2006 đã được trao cho nhà thơ Hữu Thỉnh vì tập thơ ‘’Chuyện trò với thời gian’’. Tập thơ ‘’Đồng tử" của nhà thơ nữ trẻ tuổi Vi Thuỳ Linh đã làm dấy lên những hi vọng lớn ở độc giả và giới phê bình.
Năm 2006 đã xảy ra một sự kiện nữa trong làng thơ - chuyện om xòm có liên quan đến việc nhà thơ nữ trẻ tuổi Ly Hoàng Ly từ chối giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam trao cho tập thơ ‘’Lô lô’’. Chị đã giải thích quyết định của mình như sau: ‘’Tôi không thấy có sự nghiêm túc trong việc trao giải, mà ngược lại, tôi đã nhìn thấy biểu hiện của thái độ thiếu tôn trọng đối với những tác phẩm mà Ban giám khảo đưa ra thảo luận’’.
Cũng cần đặc biệt nói đến một khuynh hướng mới hình thành trong văn học Việt Nam - đó là việc công bố những tập hồi ký và nhật ký. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, trong năm 2006 có ba tác phẩm nổi trội bằng cách này hay cách khác gắn liền với thể loại này: "Nhật ký’’ của nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng Nguyễn Huy Tưởng, cuốn tự truyện của nữ nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam Lê Vân do nhà báo Bùi Mai Hạnh ghi và tiểu thuyết ‘’Ba người khác’’ của vị trưởng lão của văn học Víệt Nam Tô Hoài.
‘’Nhật ký’’ của Nguyễn Huy Tưởng gồm 3 tập (dày gần 2000 trang) được bắt đầu viết từ ngày 2/11/1930, khi tác giả còn đang học trường trung học Bonal ở Hải Phòng và kết thúc trong bệnh viện ngày 21/6/1960, trước khi ông mất ít lâu. Trong bộ sách này Nguyễn Huy Tưởng không chỉ ghi lại và nhận xét, bình luận cặn kẽ rất nhiều sự kiện của thế kỷ trước mà còn dựng lên những chân dung phác thảo của các bạn bè và những người đương thời.
Cuốn ‘’Yêu và sống" của Lê Vân là một hiện tượng khác thường đối với văn học Việt Nam, nó có lẽ đã xác nhận sự xuất hiện sắp tới đây của những tác phẩm khác tương tự. Trong cuốn sách mang tính chất tự truyện này, chị kể về cuộc đời mình, về công việc đóng phim, về những người thân và về các đồng nghiệp. Ở đây Lê Vân đã viết một cách cởi mở thẳng thắn, thậm chí không nể nang những người gần gũi nhất của mình, vì thế cho nên chị phải hứng chịu nhiều lời phê phán trách móc. Nhưng nếu nhìn từ một phía khác thì cuốn sách của chị là thiên ký sự về cuộc sống riêng tư, là câu chuyện về cuộc đời của một cô bé - một cô gái - một thiếu phụ trên bối cảnh của hiện thực quan liêu xã hội chủ nghĩa mới đây. Giá trị chủ yếu của cuốn sách này là có rất nhiều chi tiết lý thú.
Đứng ra bênh vực tác giả và cuốn sách của chị là nhà văn, nhà báo Việt Nam nổi tiếng Bảo Ninh. Dựa vào những ví dụ về loại văn chương như vậy đã có ở Việt Nam "Những ngày thơ ấu’’ của Nguyên Hồng, ‘’Tuổi thơ im lặng’’ của Duy Khán, ‘’Chiều chiều’’ của Tô Hoài v.v...), Bảo Ninh đã nhìn thấy giá trị chủ yếu của cuốn sách của Lê Vân ở việc phản ánh những sự kiện cụ thể và khắc hoạ những con người cụ thể. Theo ông, phần ‘’Sống" viết khá hơn phần ‘’Yêu’’. Chị đã kể về những thứ mà nhiều độc giả đã biết trước đây, nhưng bây giờ chúng trở nên dễ hiểu hơn đối với họ. Tất nhiên trong thiên truyện của chị có nhiều yếu tố chủ quan; có nhiều cái chưa quen đối với độc giả Việt Nam. Bảo Ninh đã tóm tắt quan điểm của mình như sau: ‘’Rất đáng tiếc là các nhà văn chúng ta đã xem thường thể loại này. Nhiều độc giả trong khi đọc những cuốn sách như vậy đã cảm thông với các nhân vật và dường như sống lại những năm tháng ấy".
Những cuốn sách của nhà văn kỳ cựu của văn học Việt Nam Tô Hoài bao giờ cũng trở thành những sự kiện trong đời sống văn hoá Việt Nam. Cuốn ‘’Ba người khác’’ viết về cuộc cải cách ruộng đất - một sự kiện cực kỳ quan trọng trong đời sống miền Bắc vào những năm đầu sau Cách mạng - cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dầu cuộc cải cách ruộng đất đã diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng cho đến nay nó vẫn là một vết thương nhức nhối trong tâm hồn hàng triệu người Việt Nam vốn thường nhớ tới nó như một quá khứ vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.
Cuộc cải cách ruộng đất đối với người Việt Nam là một đề tài rất nhạy cảm và tế nhị về mặt chính trị và xã hội xét từ phía những người tiến hành nó cũng những người đã trở thành nạn nhân của nó. Văn học Việt Nam trong một thời gian dài, do những hoàn cảnh bắt buộc, đã cố lảng tránh đề tài này, có thể nói rằng nó bị cấm đoán.
Những nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết của Tô Hoài là những cán bộ Bội, Cự và Đình. Họ được phái đến ba làng khác nhau trong tỉnh Hải Dương để thực thi chính sách của Đảng Cộng sản về Cải cách ruộng đất. Tác giả trong cuốn sách của mình miêu tả ba số phận khác nhau, ba quan điểm về xã hội và đạo đức, ba thái độ đối với cuộc Cải cách ruộng đất.
Như nhà nghiên cứu văn học Việt Nam Lại Nguyên Ân đã nhận xét, ‘’Việc công bố tác phẩm này là một bằng chứng có sức thuyết phục cho thấy rằng ở Việt Nam đã có nhiều tự do hơn trong việc xuất bản sách’’. Cuốn tiểu thuyết được viết năm 1992 và trong một thời gian dài đã tồn tại dưới dạng bản thảo trước khi chính thức ra mắt đông đảo độc giả.
Bản thân Tô Hoài đã xác định số phận thể loại cho tác phẩm của mình: ‘’Nếu tôi gọi cuốn sách của mình là Hồi ký thì khó lòng in được. Tôi đã già rồi, hà cớ gì phải cần đến tất cả những sự rắc rối ấy. Bản thảo của cuốn sách đã đi qua nhiều nhà xuất bản, và ở khắp nơi người ta bảo tôi rằng, câu chuyện này đã cũ rồi, bởi vậy chả nên xuất bản nó nữa. Thế mà ở Đà Nẵng người ta đã quyết định in. ...Mỗi một người cầm bút cần phải trở thành người chép sử biên niên trung thực của thời đại mình, bởi vậy tôi không muốn bỏ qua những sự cố quan trọng như vậy. Hơn nữa, chính tôi đã tham gia vào những sự kiện ấy. Nếu như không viết về chuyện này thì chả rõ sau 50 năm nữa liệu thế hệ trẻ có hiểu được rằng cuộc cải cách ruộng đất đã diễn ra như thế nào không".
Trong khi thừa nhận những giá trị nghệ thuật hiển nhiên của tác phẩm này, cũng cần phải nói rằng giá trị chủ yếu của nó là âm hưởng xã hội, là làm sống lại ký ức lịch sử, là lời kêu gọi những người đương thời không được lặp lại những sai lầm của quá khứ.
Tất cả ba tác phẩm văn xuôi này đã được liên kết lại bằng một đặc điểm chung - đó là sự hướng tới lịch sử đất nước và kể lại một cách trung thực về nó cho các độc giả đương đại. Hiện nay khuynh hướng hồi ký lịch sử hãy còn ít được phổ biến trong văn học Việt Nam vốn rất cần đến nó. Nền kinh tế thị trường đã đặt các nhà văn Việt Nam vào tình thế khó khăn, phần lớn trong số họ không thể sống nổi bằng lao động viết văn. Viết một cuốn tiểu thuyết in ra 1000 bản với giá bìa là 40 ngàn đồng, tác giả được lĩnh 10% (hay 4 triệu đồng), còn người phát hành thì nhận được 40%. Cách phân chia thu nhập như vậy khiến cho nhà văn không sống nổi.
Ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới đang diễn ra quá trình hoán vị tiệm tiến lao động viết văn: từ chủ nhân ông của tư duy nhà văn biến thành người bán giao các sản phẩm giải trí. Thế hệ độc giả vốn cần thứ văn học nghiêm túc có nội dung sâu sắc, đang ít dần đi. Nhiều người không mua sách hoặc nói chung không đọc sách. Tình hình này đã được ông Tổng giám đốc công ty cổ phần phát hành sách Phạm Minh Thuận chỉ rõ: ‘’Hiện nay đọc tác phẩm văn học chủ yếu là lớp người trung niên. Thanh niên trước hết quan tâm tới loại sách giáo khoa và thích đi tìm những kiến thức thực tế. Ở một đất nước hơn 80 triệu dân mà tác phẩm văn học chỉ in ấn với số lượng 1000 bản (hơn thế nữa, con số này thường thay đổi theo chiều hướng giảm đi) bởi vì chỉ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mới có những điều kiện để phát triển trí tuệ và kinh tế, còn ở nông thôn là nơi sinh sống 80% dân cư cả nước, trên thực tế không có nhu cầu về sách. Đã diễn ra sự phân hoá độc giả Việt Nam, điều này có thể dễ dàng được xác nhận bởi một tình hình sau đây: chỉ riêng một mình thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ 50-60% toàn bộ khối lượng sách xuất bản’’.
Tuy thế mới đây Sở Giáo dục, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và báo ‘’Sài Gòn giải phóng’’ đã quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng của văn học Việt Nam. Người đề xuất sáng kiến này là nhà văn Triệu Xuân. Thoạt tiên các trường học sẽ tổ chức các cuộc thi viết văn và phát hiện các em học sinh có năng khiếu văn học, các em này sẽ được nhận học bổng của Quỹ. Do đó, tương lai của văn học Việt Nam dẫu sao cũng làm ta lạc quan.

5.
Tình hình chung hiện nay trong ngành điện ảnh Việt Nam được xác định bởi ba nhân tố sau đây: 1) Việc sản xuất phim trong các xưởng phim nhà nước sụt giảm; 2) Việc thành lập các hãng phim tư nhân; 3) Sự tham gia tích cực của các đối tác nước ngoài, trước hết là các nhà điện ảnh hải ngoại của Việt Nam, vào việc sản xuất phim.
Hàng năm các hãng phim quốc gia ‘’Việt Nam’’ (Hà Nội) và ‘’Giải phóng" (thành phố Hồ Chí Minh) sản xuất được từ 7 đến 10 phim truyện, chủ yếu về đề tài chiến tranh. Mặc dầu được nhà nước tài trợ khá, nhưng sự thành công về mặt nghệ thuật và về số lượng người xem những bộ phim ấy thường là không đáng kể, do đó chúng bị khán giả nhanh chóng lãng quên. Tuy nhiên, vào hai năm gần đây có thể xếp những bộ phim như ‘’Chuyện của Pao’’ với tư cách là một bi kịch tâm lý về số phận người phụ nữ, ‘’Đường thư’’ nói về những sự kiện của cuộc chiến tranh mới đây v.v.. vào số những thành tựu của phim truyệnViệt Nam.
Hiện nay phim truyện Việt Nam chiếm gần 10% tổng số phim làm ra. Nguyên nhân của tình trạng này là chi phi cho việc sản xuất phim trong nước quá lớn, còn việc mua một bộ phim nước ngoài chỉ tốn mấy chục ngàn đôla. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là chất lượng phim. Khán giả thích xem phim nước ngoài hơn (phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ...) trong đó có nhiều cảnh bắt mắt, cốt truyện hấp dẫn và diễn xuất giỏi.
Phim tài liệu và phim hoạt hình chỉ được sản xuất tại những xưởng phim quốc gia chuyên biệt. Mặc dầu có một vài thành công cá biệt, nhưng đa số những bộ phim này (trước hết là phim tài liệu) chỉ chiếu cho Hội đồng duyệt xem và hãn hữu mới được đưa lên vô tuyến. Theo nhận xét của đạo diễn Văn Lê, ‘’gần 80% phim tài liệu không tới được khán giả và được cất ngay vào kho lưu trữ".
Sự xuất hiện các hãng phim tư nhân ở Việt Nam bắt đầu làm thay đổi tình hình trong ngành điện ảnh dân tộc - sự cạnh tranh mới nảy sinh đã gia tăng cuộc đấu tranh để giành khán giả. Theo một số nguồn tài liệu thì hiện nay gần 30 hãng phim tư nhân đã được đăng ký, song không phải tất cả hoạt động hết năng suất. Có tác động tích cực trên thi trường phim nội địa là những hãng Phước Sang, Thiên Ngân, Chánh Phương... những hãng phim này đã thu hút những người làm phim nước ngoài - các đạo diễn, diễn viên, kể cả Việt kiều.
Với sự tham gia của Việt kiều, năm 2006 tại Việt Nam đã được quay ba bộ phim truyện: ‘’Dòng máu anh hùng" - một melodrame về các sự kiện ở Đông Dương vào những năm 30-40 thế kỷ trước (ngân sách gần 800 ngàn đô la), ‘’Áo lụa Hà Đông" - câu chuyện về một gia đình Việt Nam trên bối cảnh hai cuộc kháng chiến (ngân sách 1 triệu đô la) và ‘’Sài Gòn nhật thực’’ - một kiến giải hiện đại về ‘’Truyện Kiều’’ của Nguyễn Du được trình bày trên bối cảnh các sự kiện của lịch sử hiện đại Việt Nam.
Mặc dầu có những chiến dịch quảng cáo rùm beng, trình độ kỹ thuật tay nghề cao và có sự tham gia của các nghệ sĩ nước ngoài, những bộ phim này chỉ gặt hái được sự thành công khiêm tốn từ phía khán giả Việt Nam, vì họ cho rằng thứ điện ảnh này quá Âu hoá.
Sự xuất hiện các hãng phim tư nhân càng làm gia tăng khuynh hướng thương mại hoá của điện ảnh Việt Nam với sự chú trọng tới tính chất giải trí mua vui và những cảnh quay ấn tượng. Các hãng phim nhà nước tồn tại không phải bằng tiền thu nhập của những bộ phim được làm ra mà bằng tiền ngân sách. Số tiền này chủ yếu để trả lương cho các cán bộ công nhân viên của các hãng mà trên thực tế đang đứng trên bờ vực phá sản.
Theo ý kiến của nhiều nhà điện ảnh Việt Nam, muốn giải quyết những vấn đề đã chín muồi thì cần phải cổ phần hoá (và trong những trường hợp riêng lẻ thậm chí phải tư hữu hoá) tất cả các xưởng phim, các rạp chiếu bóng và các cơ quan, xí nghiệp điện ảnh khác đang phụ thuộc vào nhà nước, kể cả cơ quan cực lớn như Công ty phát hành Fafilm. Người ta hi vọng nhiều ở bộ Luật điện ảnh vốn có hiệu lực từ ngày 1/1/2007. Như Cục trưởng Cục Điện ảnh Lại Văn Sinh đã tuyên bố, ‘’Năm 2007 trong ngành điện ảnh Việt Nam sẽ phải có những thay đổi lớn, thậm chí những chấn động. Nhờ bộ Luật Điện ảnh, toàn bộ hoạt động trong lãnh vực điện ảnh sẽ phải được cải tiến’’.

6.
Nhà nước, như trước đây, vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống (tuồng và chèo) cũng như các cuộc liên hoan sân khấu khác của cả nước, của từng khu vực, theo đề tài v.v...
Một sự kiện quan trọng là Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế diễn ra tại Hà Nội vào tháng 12/2006, với sự tham gia của các đoàn sân khấu đến từ Australia, Iran, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Nauy, Pháp và Thụy Điển. Việt Nam giới thiệu năm vở diễn, trong đó có ‘’Nhà búp bê’’ (Nhà hát Tuổi trẻ), ‘’Một trăm phút cuối cùng của Hàn Mạc Tử" (Nhà hát Tuổi trẻ), ‘’Huyền thoại và cuộc sống" (Nhà hát kịch nói thành phố Hồ Chí Minh)... Cuộc liên hoan này không trao giải thưởng, nhiệm vụ chủ yếu là trao đổi những ý tưởng và kinh nghiệm. Sau mỗi vở diễn có tổ chức những buổi thảo luận sôi nổi vôi sự tham gia của các đạo diễn, diễn viên, các nhà phê bình sân khấu và khán giả.
Đặc biệt đời sống sân khấu tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra thật sôi động vì có rất nhiều đoàn kịch biểu diễn tại cái gọi là các sân khấu nhỏ. Trong số các sự kiện sân khấu đáng chú ý nhất vào thời gian gần đây có vở diễn ‘’Huyền thoại và cuộc sống’’ do đạo diễn Lê Duy Cương (Nhà hát Kịch thành phố Hồ Chí Minh) dựng. Trong vở diễn này có sự kết hợp một cách hữu cơ giữa kịch câm, múa hiện đại và sân khấu ca kịch truyền thống.
Được khán giả Việt Nam ưa chuộng nhất là vở hài kịch mang tính chất thông tục ("Gió trên cánh đồng", ‘’Trại gà’’ v.v...). Được người xem rất hâm mộ tại thành phố Hồ Chí Minh là những vở kịch kết hợp được những yếu tố của phim rùng rợn hiện đại với cốt truyện của truyện truyền kỳ cổ điển Việt Nam. Đó là ‘’Vợ ma’’ và "Hạnh phúc trên đồi hoa máu". Vở này được dàn dựng bởi một đạo diễn trẻ mới tất nghiệp trường Đại học Sân khấu và điện ảnh (thành phố Hồ Chí Minh) là Vũ Minh. Tại Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 2006 anh được trao giải thưởng với tư cách là đạo diễn vở kịch ‘’Trái tim nhảy múa’’, trong đó anh đã vận dụng một cách thành công thể loại âm nhạc ‘’hip hop’’ vốn được thanh niên rất ưa thích. Vở kịch này cũng như những vở kịch khác từng gặt hái nhiều thành công đồi với khán giả, cho thấy rằng khuynh hướng thương mại bắt đầu chiếm ưu thế trong đời sống sân khấu Việt Nam.

7.
Vô tuyến truyền hình là một nguồn thông tin chủ yếu và món ăn tinh thần của người Việt Nam. Ngoài những chương trình thông tin và phổ biến kiến thức chung, phần lớn thời lượng phát sóng được dành cho các buổi truyền hình âm nhạc nhầm trước hết phục vụ thính giả thanh niên. Hiện nay truyền hình Việt Nam đi theo đường lối tận dụng kỹ thuật tiên tiến nước ngoài. Tuy nhiên, một số chương trình được Việt Nam hoá của đài truyền hình không được người xem truyền hình trong nước chấp nhận do những nguyên nhân nhất định có liên quan đến bản sắc dân tộc.
Về sự đột phá kỹ thuật hiện nay đang diễn ra trong truyền hình Việt Nam, có thể thấy rõ qua ví dụ của Công ty Viễn thông Trí Việt. Tháng 12/2006 Công ty này bắt đầu cho hoạt động 3 studio lồng tiếng được trang bị theo chuẩn mực quốc tế tiên tiến, trị giá gần 2 triệu đô la. Cuối năm 2007 phòng sản xuất chương trình vô tuyến mới bắt đầu được khai thác. Công ty Trí Việt tích cực hợp tác với nhiều hãng vô tuyến truyền hình nước ngoài nhưSBS (Hàn Quốc), Tokyo TV (Nhật Bản) cũng như với xưởng phim hoạt hình Nhật Bản. Năm 2007 Công ty này phải thực hiện 3 dự án: phim vô tuyến, trò chơi vô tuyến và phim tài liệu (về thiên nhiên và lịch sử Việt Nam). Hai dự án đầu nhằm phục vụ thị trường nội địa, còn dự án thứ ba phục vụ thị trường nước ngoài. Trong việc thực hiện những dự án ấy sẽ có sự tham gia của những hãng vô tuyến nổi tiếng nước ngoài như BBC, NHK, French TV.

8.
Trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, mặc dầu có sự hỗ trợ của nhà nước đối với những triển lãm nghệ thuật chính thống và các biện pháp phục vụ cho những ngày kỷ niệm khác nhau, khuynh hướng thương mại đã trở thành khuynh hướng chủ yếu. Nó được hỗ trợ mạnh mẽ bằng việc kinh doanh các phòng tranh vốn nằm trong tay các ông chủ tư nhân và nhằm phục vụ người nước ngoài, chủ yếu là khách du lịch. Chính họ mua tranh Việt Nam và các đồ thủ công mỹ nghệ trước hết để làm quà lưu niệm. Những người yêu thích nghệ thuật tạo hình Việt Nam và những nhà sưu tập chỉ chiếm một phần nhỏ nhoi trong số những người tham gia thị trường nghệ thuật. Những bảo tàng tư nhân cá biệt mới xuất hiện gần đây trên thực tế không làm thay đổi được tình hình. Do những nguyên nhân này và những nguyên nhân khác, nghệ thuật tạo hình ở Việt Nam còn xa vời đối với quần chúng nhân dân.
Thị trường nghệ thuật đang tràn ngập vô số hàng giả, hàng nhái những tác phẩm của các hoạ sĩ Việt Nam nổi tiếng. Sự nghèo nàn về ý tưởng, chủ nghĩa công thức, sự bắt chước và đạo tranh (plagiat) (!) - đó là những nét dễ thấy của Hội hoạ hiện đại Việt Nam vốn được giới thiệu rộng rãi trong vô số cửa hàng tranh ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tại các trung tâm du lịch (Huế, Hội An, Đà Nẵng). Tình hình này đã làm mất sự tin cậy đối với tác phẩm của các hoạ sĩ Việt Nam tại các cuộc bán đấu giá quốc tế tranh của họ bị đánh giá thấp hơn nhiều so với tranh của các hoạ sĩ hiện đại Ấn Độ, Singapore và các nước châu Á khác.
Trong những năm gần đây ở Việt Nam đã xuất hiện cả một lớp hoạ sĩ trẻ (Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Đinh Ý Nhi v.v...) mà sáng tác được đánh dấu bằng sự tìm tòi các hình thức và ý tưởng mới. Ở đây ta thấy rõ chiều hướng thiên về việc tích cực sử dụng các hình thức của nghệ thuật phương Tây hiện đại như nghệ thuật cắt dán và nghệ thuật sắp đặt v.v... Cả khuynh hướng nghệ thuật trừu tượng vốn chính thức được hình thành ở Hà Nội cách đây chừng mười năm với sự ra đời của một nhóm gồm các hoạ sĩ Đỗ Minh Tâm, Lê Anh Vân, Nguyễn Trung, Trần Văn Thao..., càng ngày càng có qui mô rộng lớn.
Có thể tạm cho rằng gây trở ngại cho sự xuất hiện của nghệ thuật tạo hình Việt Nam trong cộng đồng nghệ thuật thế giới là sự khiếm khuyết của 1) sự hỗ trợ thực sự của nhà nước, 2) một cơ sở hạ tầng thích hợp và 3) một giai cấp trung lưu khá giả mà hiện nay ở Việt Nam mới hình thành và có thể trở thành người mua những tác phẩm nghệ thuật nước nhà, trước hết là nghệ thuật hiện đại.
Nền kinh tế thị trường Việt Nam đã tạo nên một dây chuyền công nghệ: hoạ sĩ-tác phẩm-người mua, tức là đã được hình thành một dây chuyền sản xuất tranh. Có thể tán thành với ý kiến của bà Natalja Kraevskaja (đã sống ở Việt Nam nhiều năm và hiểu rõ phong trào mở phòng tranh ở nước này) cho rằng toàn bộ nghệ thuật tạo hình hiện đại của Việt Nam được định hướng cho thị trường.
Hoạ sĩ nổi tiếng của Việt Nam và đồng thời là nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Quân đã nhiều lần nói về sự cần thiết phải đưa nghệ thuật tạo hình Việt Nam gia nhập vào cộng đồng khu vực và thế giới. Để giải quyết vấn đề này, theo ông, ‘’cần phải tạo ra một mô hình như sau: nhà nước ban bố luật lệ - nhà kinh doanh hỗ trợ-các nhà chuyên môn quản lý.

*

Quá trình hội nhập của văn hoá Việt Nam vào hệ thống quan hệ thị trường đã được đẩy mạnh cùng với việc Việt Nam gia nhập WTO và sự gia tăng của sự hợp tác khu vực - đặc biệt trong phạm vi ASEAN và các tổ chức quốc tế khác.
Nhà nước Việt Nam - thông qua Bộ Văn hoá - đang thực hiện một công việc to lớn nhằm đảm bảo sự phổ cập những thành tựu văn hoá đến tất cả các công dân trong xã hội, nhằm hỗ trợ nền văn hoá dân tộc một cách có chọn lựa, phù hợp với những chương trình được thông qua và trong khuôn khổ ngân sách thực tế. Và nhiệm vụ chủ yếu của văn hoá Việt Nam vẫn là gìn giữ bản sắc dân tộc, bảo vệ và phát triển các giá trị văn hoá, hội nhập sâu hơn nữa vào cộng đồng văn hoá thế giới..

A.A. Sokolov



No comments:

Post a Comment