Wednesday, October 28, 2009

Ðất Đai Việt Nam Bị Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Xâm Chiếm (2)

Ðất Đai Việt Nam Bị Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Xâm Chiếm
NGUYÊN VŨ VŨ NGỰ CHIÊU
Chủ Nhật, Ngày 5 tháng 7-2009
http://www.hopluu.net/default.aspx?LangID=38&tabId=464&ArticleID=878&Page=1

(tiếp theo)

Phụ Bản:
Xin ghi lại những trường hợp mất đất tiêu biểu nhất trước thời Pháp thuộc:

I. GIA ÐÌNH HỒ QUÍ LY (1400-1407):
Vì nhà Hồ (1400-1407)–giống như nhà Mạc (1527-1593) và Tây Sơn (1778-1802), chỉ phụ chép trong "quốc sử" như "Ngụy" và "nghịch thần truyện" (Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư [ÐVSKTT], q. IX; Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục [CM], XI:36-43, XII:1-21; (1998), I:707-735); Lê Quí Ðôn, Thông sử, 1978, III:253-397–xin ghi lại những chi tiết sau theo "quốc sử":
A. Tháng 3/1405, Hồ Hán Thương sai Hoàng Hối Khanh cắt đất Lộc Châu (59 xã thôn) của Lạng Sơn cho nhà Minh. (CM, XII:7; (1998), I:720-721; ÐVSKTB, 1997:518)
Hoàng Quảng Thành, thổ quan Tư Minh, tâu lên rằng nhà Trần đã cướp đất Cổ Lâu [Lộc Châu] (Lạng Sơn). Chu Lệ (Thành Tổ 1403-1424); ÐVSKTB, 1997:515)] cho lệnh Quí Ly trả lại đất trên. Nay sứ nhà Minh lại qua. Hán Thương sai Hối Khanh làm "cát địa sứ."
Không hài lòng việc Hối Khanh cắt nhượng quá nhiều đất, Quí Ly ngầm cho lệnh đầu độc các thổ quan do nhà Minh bổ nhiệm. Tuy nhiên, châu Tây Long và huyện Tây Lâm này ngày nay nằm trong lãnh thổ đạo Ðiền Nam, tỉnh Quảng Tây, của THNDCHQ. (CM XII:7, 1998, I:721)

B. Năm 1407, Chu Lệ xâm lược, bắt Quí Ly và gia quyến về Kim Lăng. Tháng 7/1407, cải tên Ðại Việt thành "Giao Chỉ bố chính ti," lập phủ huyện (17 phủ, 5 châu, 12 vệ), đặt quan lại, Cuối năm 1427, Lê Lợi mới khôi phục được đất nước. [Xem supra]

II. GIA ÐÌNH MẠC ÐĂNG DUNG:
A. Ngày 30/11/1540, Mạc Ðăng Dung cùng Minh Văn và hơn 40 thuộc hạ qua Trấn Nam Quan tạ tội với quan tướng Minh.
Nguyên bọn Tướng nhà Minh là Cừu Loan và Mao Bá Ôn đã tới Quảng Tây, tập trung quân lính chuẩn bị đánh Ðại Việt. Quân Minh, kể cả chính binh và kỳ binh (quân lưu động), dự trù lên tới 220,000, chia làm ba cánh xâm phạm Ðại Việt theo ngả Bằng Tường, Long Châu và Tư Minh. Vân Nam cũng được lệnh mang ba đội tiễu binh, mỗi đội 21,000, từ ghềnh Liên Hoa (Mông Tự, phủ Khai Hóa nhà Thanh [nguyên là đất của Việt, mất vào dịp nào không rõ]) tràn vào Ðại Việt.
Lại truyền hịch hạch tội Ðăng Dung diệt nhà Lê, ai bắt được một tội nhân sẽ thưởng 2 nén vàng và ban quan tước. (CM,CB, 27:31-32; 1998, II:114-115) Mặt khác, dụ bảo cha con Ðăng Dung tự trói mình đợi tội, dâng nạp sổ sách đất đai, dân đinh, sẽ được tha tội chết. Ðăng Dung bèn sai sứ sang gặp bọn Bá Ôn dàn xếp. Bá Ôn đồng ý ngày 30/11/1540, Ðăng Dung phải làm lễ đầu hàng tại Trấn Nam Quan. Ngày này, Ðăng Dung cùng cháu là Văn Minh và hơn 40 tùy tùng
"[M]ỗi người đều cầm thước, buộc dây vào cổ, đi chân không đến bò rạp ở mạc phủ nước Minh, giập đầu quì dâng tờ biểu xin hàng, biên hết đất đai quân dân quan chức trong nước để xin xử phân, nộp các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, An Lương của châu Vĩnh Yên, trấn Yên Quảng xin cho nội thuộc lệ vào Khâm Châu." Rồi sai cháu vào Yên Kinh dâng biểu đầu hàng. (ÐVSK, BKTB, XVI:131-132).
Theo sử quan nhà Nguyễn, Khâm châu chí của nhà Thanh chép là "năm Gia Tĩnh nhà Minh" (Chu HậuTổng [hay Thế Tông], 1522- 1566), Ðăng Dung nạp trả 5 động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, không có An Lương.
Quảng Yên sách thì chép động An Lương nay là phố An Lương thuộc châu Vạn Ninh, phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên.
KÐVSTGCM cho rằng không cắt động An Lương. (CM,CB, 27:34; 1998, II:116)
Nam Quan ở về phía Tây Nam châu Bằng Tường, phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây. (CM,CB, 27:34-35; 1998, II:116-117)
Minh sử thông sự (q.32) chép tới năm 1538 Ðăng Dung mới cử sứ qua nhà Minh vì đường ra biên ải bị bọn Trần Cung ngăn chặn.
Bọn Bá Ôn cho Ðăng Dung về nước đợi lệnh. Văn Minh và Nguyễn Văn Thái lên Kim Lăng yết kiến vua Minh. Ngày 7/11/1541, bọn Bá Ôn và Văn Minh tới Kim Lăng. Bá Ôn đề nghị Hậu Tổng nhìn nhận Ðăng Dung, vì Ðăng Dung thành khẩn qui phục, lại nộp đất. Phần bọn Trịnh Duy Liêu, sứ giả của Nguyễn Kim gửi tới–dưới danh nghĩa một dòng giõi nhà Lê giả là Lê Ninh–chẳng nên cứu xét thêm. (ÐVSKTT, XVII, 3:132-133)
Hậu Tổng đồng ý, đặt An Nam đô thống sứ ti, cho Ðăng Dung chức quan tòng nhị phẩm (đô thống sứ), được quyền thế tập. Tuy nhiên, ngày 11/9/1541, Ðăng Dung đã chết. (Thông sử, 1978:272-273, 280; CM :36-37; 1998, II:118-120).

B. Ðời Hậu Lê Trung Hưng (1593-1789), tức Lê-Trịnh, con cháu nhà Mạc được nhà Minh, nhà Thanh can thiệp cho giữ 4 châu đông bắc trấn Thái Nguyên (Cao Bằng ngày nay) tới 1677.
1. Việc cắt nhượng này được thỏa thuận vào năm 1599, sau khi Phùng Khắc Khoan đi sứ về. Mạc Kính Cung được giữ 4 châu Thạch Lâm (22 xã), Quảng Uyên (38 xã), Thượng Lang (32 xã), Hạ Lang (22 xã). [Xem infra]
2. Sau khi lật đổ nhà Minh, tháng 2-3/1669, Huyền Hoa (Khang Hi, 1662-1722) sai bọn Lý Tiên Căn và Dương Doãn Kiệt mang chỉ dụ bắt Trịnh Tạc nhường bốn châu Thái Nguyên cho Kính Vũ. Hai bên thảo luận sôi nổi, nhưng nhà Thanh không lùi bước. Cuối cùng, Trịnh Tạc đành "thờ nước lớn." (ÐVSK, BKTB, q. 19; 1967:314-315; CM, 33:25-26; 1998, II:320-321)
3. Tháng 8-9/1677, Ðinh Văn Tả đánh Cao Bình. Kính Vũ chạy qua Long Châu. Trước đây Kính Vũ ủng hộ Ngô Tam Quế, nên nhà Thanh che chở. Nay Quế làm phản, Thanh quay lưng.
Tuy nhiên, sau 85 năm dưới sự cai quản của họ Mạc, địa giới các châu, bản thay đổi rất nhiều. Không rõ bao nhiêu đất đai bị đặt vào bản đồ châu Tư Minh và Quảng Tây. Sử quan nhà Nguyễn, chẳng hạn, không thể khảo cứu được "Ðương Châu" phủ Bắc Bình dưới đời Lê Thánh Tông. (ÐNNTC, 1997, IV:419)

III. ẢI LÊ HOA (MÔNG TỰ NGÀY NAY):
Tháng 10/1427, giữa khí thế đang lên của Lê Lợi, viện quân của Liễu Thăng và Mộc Thạnh kéo vào lãnh thổ Ðại Việt, hy vọng cứu nguy Ðông Ðô. Trần Nguyên Hãn, Lê Sát và Lê Nhân Chú giữ ải Chi Lăng [ngăn chặn Liễu Thăng]; Phạm Văn Xảo và Lê Khả giữ ải Lê Hoa ở Mông Tự [ngăn chặn Mộc Thạnh]. (Thông sử, 1978:64-65, 191-192 [truyện Phạm Văn Xảo], 209 [truyện Trịnh Khả])
Ngày 8/10/1427 [18/9 Ðinh Mùi], Liễu Thăng kéo quân qua ải Pha Lũy. Trần Lựu lui quân về Ải Lựu, rồi ải Chi Lăng. Hai ngày sau, 10/10, Trần Nguyên Hãn và Lê Sát phục binh giết chết Liễu Thăng tại núi Mã Yên (Chi Lăng). (Thông sử, 1978:66)
Ngày 15/10, viện binh Lê đến Chi Lăng. Giết thêm Lương Minh. Ngày 18/10, từ Chi Lăng, Thôi Tụ và Hoàng Phúc tiếp tục tiến binh. Nhưng Thái úy Trần Nguyên Hãn, Tư mã Lê Sát, Thiếu úy Lê Lý chiếm được thành Xương Giang. Tri phủ nhà Minh Lưu Tử Phu tử trận cùng Kim Dận, Lý Nhậm. Vòng vây quanh Ðông đô xiết chặt hơn. Rồi ngày 3/11, Lê Vấn và Lê Khôi phá tan quân Minh ở Xương Giang. Bắt sống Thôi Tụ cùng Hoàng Phúc và hơn 3,000 quân. Giết chết 50,000 quân Minh.
Quân Mộc Thạnh được tin tan rã. Trịnh Khả chém chết hơn 10,000, bắt hơn 1000 tù binh "giặc Ngô," hơn 1000 ngựa ở Lãnh Câu, Ðan Xá. Mộc Thạnh một mình thoát thân. (Thông Sử, 1978:67, 209 [truyện Trịnh Khả]; CM XIV, 1998, I:820)
[Theo Ngô Thì Sĩ, Lê Lợi mật chỉ cho các Tướng là Tổng binh Vân Nam Mộc Thạnh đã già, chỉ có ý cầm cự với quân Phạm Văn Xảo, chờ tin Liễu Thăng. Khi quân Lê đưa tù nhân và cờ xí tới nơi, quân Thạnh chưa đánh đã tan. Mộc Thạnh một mình thoát thân. Quân Lê bắt được vũ khí, xe cộ nhiều gấp 2 lần thành Xương Giang; ÐVSKTB, 1997:562)]
Từ Ðông Quan, ngày 10/12/1427, Lê Lợi và Vương Thông định hòa ước. Ngày 29/12, quân Minh rút lui. (Thông sử, 1978:69; ÐVSKTB, 1997:563)
Tại Kim Lăng, tháng 12/1427, sau khi nghe tin Liễu Thăng tử trận và Vương Thông bị vây khốn, Chu Chiêm Cơ đồng ý bãi binh. [Trương Phụ không đồng ý; quan nội các Kiến Nghĩa và Hạ Nguyên Cát cũng vậy. Dương Vĩnh Kỳ và Dương Vinh muốn hòa. Theo họ, 20 năm chiến tranh đã quá dài. Chiêm Cơ đồng ý, sai La Nhữ Kính mang chiếu phong Trần Cảo làm An Nam Quốc Vương. (Thông sử, 1978:70; ÐVSKTB, 1997:563)
Ngày 29/12, Vương Thông dẫn quân về nước. Mười phần khi đến chỉ còn lại hai. La Nhữ Kính tới Long Châu đã gặp Vương Thông. Thông sau bị tống giam, tước đoạt tài sản. (ÐVSKTB, 1997:564)
Tuy nhiên, sau đó ải Lê Hoa bị mất vào Trung Hoa. Trong lời chú, sử quan KÐVSTGCM cho rằng có tin quân Mộc Thạnh kéo tới châu Thủy Vĩ [ranh giới Tuyên Quang].

IV. LÊ-TRỊNH: "HƯNG HÓA"
A. Năm 1728 [đời Huỳnh Hoa, Thanh Thành Tông (1662-1735), niên hiệu Ung Chính thứ 6, quan Việt và Thanh đặt bia đá giới mốc "châu Vị Xuyên, Tuyên Quang" trên bờ sông Ðỗ Chú, huyện Vĩnh Tuy. Năm 1831, Minh Mạng cho lệnh làm lại bia, khắc thêm văn bia nhà Thanh như sau: "Ngày 11/10/1728 Ngô Sĩ Côn, Tri phủ Khai Hoá và Vương Võ Ðảng, Du kích trung dinh trấn Khai Hóa, bàn định biên giới với đại diện "Giao Chỉ" là Nguyễn Huy Nhuận [tả thị lang bộ Binh, và tế tửu Nguyễn Công Thái], đồng ý dựng bia biên giới ngày 22/10/1728, lấy sông Ðỗ Chú làm căn cứ." (ÐNNTC, 1997, 4:353-354].
Tháng 2/1769, Tướng Trịnh là Ðoàn Nguyễn Thục chiếm được động Mãnh Thiên (huyện Thanh Châu) của "giặc khâu mắt" Hoàng Công Chất (1751-1769). Chất đã chết. Con là Công Toản chạy thoát qua Vân Nam. 7 châu dưới quyền Công Toản [Tung Lãng (Mường La), Lễ Tuyên, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, Lai Châu, Khiêm Châu] đều xin qui phụ nhà Thanh [nay là 6 trại thuộc huyện Kiến Thủy, phủ Lâm An, Vân Nam]. (LTHCLC, q.IV, "Hưng Hóa," Dư Ðịa Chí, 1992, I:142-143; CM 43:21-23, 28-29; 1998, II:684-686, 691-692 [đánh Lê Duy Mật].
[Theo Phạm Thận Duật, năm 1775, Nguyễn Thục qua đòi nhà Thanh 7 châu, không thành, nên nhà Lê cắt đặt lại làm 16 châu như cũ để dấu việc mất đất; Idem., "Hưng Hóa Kỷ Lược" [1856], bản dịch Ngô Thế Long; trong Nguyễn Văn Huyền, Phạm Thận Duật, cuộc đời và tác phẩm (Hà Nội: KHXH, 1989), tr. 114-115, 120-121. KÐVSTGCM không ghi việc này]

B. Năm 1780, nhà Thanh xâm lấn thêm 4 châu Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, và Lễ Tuyên thuộc phủ An Tây (Hưng Hóa, nay thuộc Lai Châu), sát nhập vào phủ Khai Hóa, Vân Nam. Cuối năm đó, Trịnh Sâm viết thư cho quan Thanh ở Vân Quí, họ chỉ im lặng. Sau Sâm bệnh, phải bỏ qua.
Quảng Lăng, Khiêm Châu thành lãnh thổ huyện Kiến Thủy, phủ Khai Hóa. (CM 45:23; 1998, II:754-755)

C. Tháng 6-7/1806, dân Thanh lấn chiếm một số động ở biên giới Hưng Hóa. Ðây là cuộc tranh chấp lãnh thổ và dân cư từ đời Lê-Trịnh. Không những từ chối trả lại 6 châu thuộc phủ An Tây, quan địa phương Vân Nam còn lấn chiếm dân hai châu Chiêu Tấn và Lai Chính vào trại Mãnh. Tổng trấn Nguyễn Văn Thành làm sớ xin Gia Long cho người bàn luận việc biên giới với Tổng đốc Vân Quí. Gia Long tuyên bố mới dựng nước, chưa tiện. Bởi thế 6 châu mất vào nhà Thanh. (ÐNTLCB, I, 3:286; ÐNNTC, 1997, IV:288-289. Châu Quảng Lăng hay Tung Lăng (Mương La) có mỏ vàng. Quan Thanh đưa dân Hồ Quảng tới, mở 3 phố.)

D. Năm 1831, nhà Thanh lại định xâm lấn một phần lãnh thổ Hưng Hóa. Mục luyện phủ Lâm An đưa 600 lính tới đòi chiếm đồn Phong Thu. Nói Phong Thu là lãnh thổ Thanh. Minh Mạng sai Hộ tào Ðặng Văn Thiêm và thống quản Nguyễn Ðình Phổ đem 1000 quân và 10 thớt voi lên đóng giữ trấn Hưng Hóa. Tới Hưng Hóa, trích giao trấn thủ Vũ Văn Tín 300 biền binh, trấn binh và thổ binh cùng 5 thớt voi tới Chiêu Tấn phòng ngự. Rồi viết thư cho chỉ huy người Thanh, khẳng định Phong Thu là đấtViệt.
Tháng 7/1831, trấn thủ Hưng Hóa Vũ Văn Tín và tham hiệp Ngô Huy Tuấn đi kinh lược Chiêu Tấn. Mục luyện Thanh tấn công Phong Thu. Thủ đồn Chử Ðình Thông rút về động Bình Lư. Minh Mạng cho Ðặng Văn Thiêm thêm 200 biền binh và 2 thớt voi để theo Vũ Văn Tín tới Phong Thu. Ðến nơi, quân Thanh đã triệt thoái vì bệnh tật, bỏ lại súng, cờ. Giao cho Chánh xuất đội Bùi Văn Lương giữ đồn với 100 lính. Sau đó viết thư cho nhà Thanh. Nhà Thanh muốn giảng hòa, hẹn ngày bàn thảo. (ÐNTLCB, II, 10:284-285)
Tháng 9/1831, sau khi bắt được Ðiêu Doãn An–một thổ tù đã xúi bẩy quan Thanh chiếm Phong Thu–Vũ Văn Tín rút về Hưng Hóa. Dọc đường, Tín ốm chết. Ngô Huy Tuấn bị bệnh. Hơn 300 biền binh cũng bị bệnh, ốm chết dọc đường. Dẫn bọn Ðiêu Doãn An, Ðiêu Doãn Kiên và Ðiêu Doãn Võ về kinh. Dùng Ðiêu Quốc Long, con Quốc Thuyên, quản trị 2 động Phong Thu và Bình Lự. Nhưng muốn giữ tình hữu nghị với nhà Thanh, bỏ qua việc 6 châu mất từ đời Lê-Trịnh. (ÐNTL, CB, II, 10:325-327. Theo Y sĩ Nguyễn Xuân Chữ, họ "Ðiêu" chính xác hơn "Ðèo.")
Tháng 11/1831, Minh Mạng bỏ tổ chức Bắc thành và 11 trấn. Ðặt tỉnh hạt từ Quảng Trị trở ra. Hiệu lực từ ngày 2/2/1832. (ÐNTL, CB, II, 10:355-73, 394) Tỉnh Hưng Hóa mới gồm 3 phủ [Qui Hóa, Gia Hưng, An Tây], 5 huyện, 16 châu. [Phủ Gia Hưng là huyện Tam Nông, phủ Sơn Tây cũ]
Tháng 6-7/1841, Thiệu Trị lập phủ Ðiện Biên, kiêm lý châu Ninh Biên, lấy Lai Châu và Tuần Giáo làm thống hạt. (ÐNTL, CB, III, 23:263-265) Tháng 7-8/1852, Tự Ðức cắt thêm châu Quỳnh Nhai và châu Luân vào phủ Ðiện Biên. Phủ An Tây chỉ còn 1 châu Chiêu Tấn [Mường So hay Mường Thu]. (Ðại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (q. 24; bản dịch Phạm Trọng Ðiềm và Ðào Duy Anh, Viện Sử Học, 5 tập, (NXB Thuận Hóa, 1997), tr. 285-291 [265-332])
Tháng 7-8/1852, ranh giới Tuyên Quang cũng định lại. Ðịa phận xã Bình Di/làng Ðông An (Khai Hoá). Tuần phủ Khai Hóa bí mật sai người tràn sang lập nhà cửa, đuổi dân cư chạy đi. Phó Kinh lược sứ Ngụy Khắc Tuần mang quân tới người Thanh mới rút. (ÐNTL, CB, IV, 27:349-350)
Tuyên Quang: 1 phủ [Yên Bình], 1 huyện [Hàm Yên], 5 châu [Vị Xuyên, Thu Châu, Ðại Man, Lục Yên, Bảo Lạc].
Từ năm 1848, thổ phỉ và hải tặc Thanh bắt đầu lộng hành ở miền thượng du. Tình hình nghiêm trọng đến độ sau này Tự Ðức sẽ phải mời quân Thanh vào tiếp tay diệt phỉ. Ðồng thời "nuôi vỗ" những nhóm thổ phỉ mạnh, "dĩ phỉ trị phỉ." Giặc Cờ Ðen, Cờ Vàng, chẳng hạn, được giao quyền cai trị và thu thuế ở các tỉnh Hưng Hóa, Tuyên Quang.

V. TỰ ÐỨC XIN NỘI PHỤ NHÀ THANH (1882-188
Ðáng ghi nhận là "Hán Văn Ðế" ở Thuận Hóa, vào lúc cuối đời còn xin phụ thuộc vào nhà Thanh! (ÐNTLCB, IV, 35:89-91; Sogny, 1943:124-125)
Ngày 11/2/1882, Ðường Ðình Canh tới Huế, cùng Mã Phục Bôn [Bân]. Tự Ðức không tiếp, sợ Pháp nghi kị. Cho Nguyễn Văn Tường và Trần Thúc Nhẫn tiếp. Canh mật báo với Tường kế hoạch đánh Bắc Kỳ của Pháp, dưới chiêu bài đuổi Lưu Vĩnh Phúc, mà Tăng Kỷ Trạch đã trình về Yên Kinh.
Tự Ðức sai Tường yêu cầu nhà Thanh can thiệp. Ðề nghị làm thuộc quốc của nhà Thanh, đặt đại diện ở Yên Kinh và Quảng Ðông. Xin nhờ tàu Thanh đưa người Việt đi các nước Anh, Nga, Phổ, Pháp, Mỹ, Áo, Nhật Bản xem xét và học.
[Theo tài liệu Trung Hoa: (1) Cho Ðại Nam cử một đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở Yên Kinh, và gửi một số quan chức qua tập sự ở Tổng lý nha môn; (2) cho Ðại Nam cử nhân viên qua Bri-tên và Pháp, làm việc tại sứ quán Trung Hoa, để khẳng định quan hệ truyền thống giữa hai nước; (3) Cho Lưu Vĩnh Phúc tới Quảng Châu để tiếp tế súng đạn, quân nhu. Tháng 3/1882, Ðình Canh viết báo cáo gửi Lý Hồng Chương, nhưng Tổng lí nha môn không trả lời; Thọ, 1995:268)].
Tự Ðức cũng viết thư cho Lý Hồng Chương, Trương Thụ Thanh. (ÐNTLCB, IV, 35:89-91) Vua Thanh trả lời: "Khả, sỉ bắc phong tái biên" [Nous prendrons des mesures dès l’arrivée du vent du nord."] Ngày 24/11/1882, Rheinart đã có được bản sao thư trả lời của vua Thanh. (Sogny, 1943:124-125)

VI. VỀ LẠNG SƠN-NAM QUAN:
Lạng Sơn là tỉnh biên giới Ðông Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí, phía Bắc giáp Trấn Nam Quan, thuộc châu Bằng Tường, phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây; phía Ðông Bắc giáp tỉnh Quảng Yên và địa giới Trung Hoa.
Phủ lị thành Lạng Sơn cách châu lị Tư Minh (nay là Ninh Minh) 10 dặm về phía Tây Nam. (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Ðại Nam Nhất Thống Chí (q. 24); bản dịch Phạm Trọng Ðiềm và Ðào Duy Anh, Viện Sử Học, 5 tập, (NXB Thuận Hóa, 1997), IV:365-400).
Ðịa danh Trấn Nam Quan–mà nhiều người dưới thời Pháp thuộc gọi là "Ải Nam Quan"–xuất hiện lần đầu tiên trong đoạn sử nói về việc họ Mạc cắt đất cho nhà Minh dẫn trên. (ÐNNTC, 1997, IV:384-386) Trước đó, thời nhà Trần (1226-1400), chỉ ghi việc Trần Thái Tông đưa quân qua Bằng Tường để khai thông liên lạc với nhà Nam Tống. Ðầu đời nhà Hồ, hai lần nhắc đến "Ải Pha Lũy" (1406 và 1427). Ðây là cửa ải chính thức cho các sứ đoàn, chỉ có một cánh cổng bằng gỗ, có khóa. Tường bằng gạch, dài 119 trượng, xây dựa theo triền núi. Khoảng gần chính giữa, có cửa quan với biển "Trấn Nam Quan," dựng từ năm 1728 (Ung Chính thứ 6). Bên trên cửa, có một trùng đài, biển đề 4 chữ "Trung Ngoại Nhất Gia," dựng từ năm 1781 đời Càn Long (1736-1796). Phía Bắc có Chiêu Ðức Ðài. Ðằng sau đài này có Ðình tham đường (nhà dừng ngựa của nước Thanh). Phía Nam, trên lãnh thổ Việt chỉ có "Ngưỡng Ðức Ðài." Hai bên tả hữu đài này có hành lang, mỗi khi sứ bộ tới nơi, dùng làm chỗ tạm nghỉ.
Những dịch vụ khác–như giao giải tù nhân–dùng "Ải Du Thôn," cách tỉnh Lạng Sơn 30 dặm về phía Bắc, nằm về phía hữu của Trấn Nam Quan. Ði đường núi mất khoảng 2 canh giờ rưỡi [5 tiếng đồng hồ tới Trấn Nam Quan].
Bản đồ quân sự Pháp năm 1887 (tỉ lệ 1/100000), ghi từ Lạng Sơn đến Ðồng Ðăng đường bộ là 13 cây số. Từ Ðồng Ðăng tới Trấn Nam Quan, tức Porte de Chine (trong lãnh thổ Bằng Tường, Quảng Tây), là 2,8 cây số. (In lại trong Nguyên Vũ, Ngàn Năm Soi Mặt (Houston, TX: Văn Hóa, 2002), tr. 308).
"Porte de Chine" bị phá hủy trong Thế chiến thứ hai, khi quân Nhật tấn công Ðồng Ðăng. Ngày nay, gọi là Mục Nam Quan hay Hữu Nghị Quan. Năm 2005, không còn Ngưỡng Ðức Ðài của Việt Nam nữa. Tại cây số "0 km"chỉ có một gờ sắt nổi trên mặt đường. Hai bên lằn ranh này đều có trạm kiểm soát người qua lại.


Sách sử Việt còn ít nhất 4 chứng từ về Trấn Nam Quan.

1. Ðoạn nói về Mạc Ðăng Dung đầu hàng nhà Minh, và cắt 5 động trấn Lạng Sơn để "đổi hòa bình." (supra)
Vì không tìm được dấu vết ngày xây dựng Trấn Nam Quan trong cả tài liệu Hoa và Việt, sử quan nhà Lê và Nguyễn chú thích rằng "Cửa quan Nam Giao" hay Trấn Nam Quan chỉ được ghi vào sử từ đời Mạc Ðăng Dung [1540]. (ÐNNTC, 1997, IV:384-386)
[Một thông tin ghi lập nên trong niên hiệu Gia Tĩnh (1522-1566) của Hậu Tổng; ÐNNTC, 1997, 4:387. Tuy nhiên, chỉ là phỏng đoán].

2. Những đoạn nói về việc Trịnh Tùng xin cầu phong cho Lê Thế Tông từ 1595 tới 1599; và quyết định của nhà Minh bắt Trịnh Tùng phải nhường cho con cháu họ Mạc giữ 4 châu Ðông Bắc Thái Nguyên–sau này đổi tên làm Cao Bình (1677), và rồi Cao Bằng (từ đời Tây Sơn, 1789).
1595: Tuần phủ Ðái Diệu của nhà Minh tới biên giới Long Châu, gọi bọn Kính Dụng tới tra hỏi. Cho Kính Dụng, Trang vương Kính Chương, Kính Cung ở Hải Ðông để lo việc tế tự họ Mạc.
a. Ngày 26/2/1596, sứ Trịnh là Ðỗ Uông và Nguyễn Văn Giai tới Trấn Nam Quan gặp Trần Ðôn Lâm. Trịnh Tùng còn sai tộc mục [tôn thất] Lê Nganh và Lê Hưu (anh Thế Tông) cùng Công bộ tả thị lang Phùng Khắc Khoan mang 2 tờ kiểu ấn đóng mực của ấn An Nam Ðô Thống Sứ Ti và ấn An Nam Quốc Vương, cùng 100 cân vàng, 1000 lạng bạc, vài mươi kỳ lão, tới Trấn Nam Quan. Ít năm qua, con cháu nhà Mạc khiếu nại là họ Trịnh mạo xưng dòng giõi họ Lê. (ÐVSK,BKTB, 1967:209)
Ngày 28/2/1596, Trần Ðôn Lâm gửi điệp thư yêu cầu Lê Thế Tông (1573-1599) tới Trấn Nam Quan hội khám. Ngày 3/3 Thế Tông tới Trấn Nam Quan. Nhưng đại diện Minh không đến, đòi các vật sự tích về người vàng, ấn vàng. Tháng 4/1596, Thế Tông phải trở lại Hà Nội. (ÐVSK,BKTB, 1967:210)
b. Ngày 13/5/1597, Lê Thế Tông tới Trấn Nam Quan. Ngày 26/5, Thế Tông cùng Trần Ðôn Lâm vượt qua Trấn Nam Quan, để họp với quan tướng nhà Minh trên đất Bằng Tường, Quảng Tây, hội khám. Bàn định xong việc giao hảo. (Thông sử, 1978:372; ÐVSK,BKTB, 1967:214-215; CM, 30:19; 1998, II:214-215)
Tổng đốc Trần Ðại Khoa tâu nên chuẩn y. "Nghĩ chúng là dòng giõi cống thần, thì nên gia ơn bảo toàn cho nó. Nên cắt một nơi ở phủ trị Cao Bằng [?]cấp cho Mạc Kính Dung để an trí y ở đó." (Thông sử, 1978:372-373). Tuần phủ Ðái Diệu cũng tâu tương tự. Vì cấp dưới đã nhận hối lộ của con cháu họ Mạc, Lý Trinh, thị lang bộ Binh hoặc bộ Công, trình thuận. Dực Quân (Thần Tông, 1573-1619) đồng ý. Ngày 4/6/1597 Thế Tông về đến Hà Nội.
Ngày 9/6/1597, công bộ thượng thư Phùng Khắc Khoan và Nguyễn Nhân Thiêm mang cống vật qua Yên Kinh. Ngày 2/1/1599, Khắc Khoan rời Yên Kinh về nước, mang theo sắc phong của Chu Dực Quân, cho Lê Thế Tông chức An Nam Ðô thống sứ ti Ðô thống sứ. (Thông sử, 1978:375; ÐVSK,BKTB, 1967:214-215, 224, 225; CM, 30:19, 26; 1998, II:214-215, 221)
Thổ quan Quảng Tây nhận hối lộ, xin cho Mạc Kính Cung giữ 4 châu thuộc trấn Thái Nguyên. Phùng Khắc Khoan khuyên Chúa Trịnh "phải thờ nước lớn." (ÐVSK,BKTB, 1967:225; CM, 30:27, 1998, II:221- 222; Thông sử, 1978:375; ÐNNTC, 1997, 4:402)]

3. Khi đi sứ Trung Hoa năm 1760, Bảng nhãn Lê Quí Ðôn chép được hai bản văn bia của Trung Hoa về vấn đề quan ải.
a. Bia thứ nhất do Tuần phủ Quảng Tây Lý Công Phất dựng khoảng năm 1725, sau khi tu bổ lại Trấn Nam Quan từ tháng 3/1925 [Tháng Hai 15/3-12/4/1725] tới cuối năm mới xong.
(Lý Công Phất, "Trùng tu Trấn Nam Quan ký;" (1725), Lê Quí Ðôn, Vân Ðài Luận Ngữ, bản dịch Phạm Vũ, Lê Hiền (Sài Gòn: 1972), tr. 160-162. ÐNNTC ghi là Cam Nhữ Lai (1997, 4:384-385)
b. Bia thứ hai, "Tuần duyệt An Nam biên ải ký" của Án sát Quảng Tây Hoàng Nhạc Mục. Theo Nhạc Mục, ngày 13/3/1746 Mục đến Ðiền Châu, cách Bách Sắc chừng 100 dặm. Ngày 22/3/1746 [1/3 Bính Dần nhà Thanh], đi từ phủ Thái Bình tới quận Bằng Tường. Từ Bằng Tường tới Trấn Nam Quan mất 4 ngày. Khu vực Lạng Sơn-Cao Bằng này vừa cũ, vừa mới có 116 cửa quan dài theo biên giới, quân biên phòng 1935 tên, quân thổ dân 1170 người. (VÐLN, 1972:165) Ở Thủy Khẩu quan, có một con sông nước trong, rộng hơn 10 trượng từ Cao Bằng chảy tới. (VÐLN, 1972:164)
Ngày 3/5/1746 [14/4 Bính Dần], về lại Liễu Châu. Ngày 19/5, về tới tỉnh Quảng Tây. Ngày 27/6 [9/5 nhuận Bính Dần], trở lại Liễu Châu vẽ bản đồ và khắc bia đá. (VÐLN, 1972:165) [Lịch Thanh ghi tháng 3 nhuận. Lịch Lê-Trịnh ghi tháng 12 Ất Sửu nhuận].

4. Hai đoạn sử nói về cuộc xâm lược của Tôn Sĩ Nghị:
a. Tháng 10-11/1788, Tôn Sĩ Nghị đưa quân thuộc bốn tỉnh Hoa Nam, chia làm 2 cánh tiến vào đất Bắc xâm phạm Ðại Việt.. Cánh quân phía Ðông, chia làm 3 mũi: Mũi chủ lực do Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh ra cửa Trấn Nam Quan, tiến vào Lạng Sơn, xuống Kinh Bắc, rồi Thăng Long; Mũi thứ hai do Sầm Nghi Ðống, tri chi phủ Ðiền Châu tiến vào Cao Bằng, đến Thái Nguyên; Mũi thứ ba, tiến từ Khâm Châu vào Quảng Ninh, Hải Dương. Cánh quân phía Tây, dưới quyền Ðề đốc Ô Ðại Kình, từ Mông Tự tiến vào Tuyên Quang, Việt Trì trên bờ sông Thao. (ÐNTLCB, I, 2:80; CM CB 47:33-35; 1998, II:838-840)
b. Tháng 1-2/1789, Lê Duy Kỳ theo Tôn Sĩ Nghị chạy tới Trấn Nam Quan. Duy Kỳ muốn ở lại kháng chiến, nhưng Sĩ Nghị thuyết phục vua qua thành Quế Lâm, sẽ có quân tăng viện. Duy Kỳ chạy qua TH cùng 25 người khác. (CM, CB 47:43; 1998, II:848)
Càn Long sai Phúc Khang An làm Tổng đốc Lưỡng Quảng; định đưa quân qua phục thù. Huệ sai sứ cầu hòa. Tháng 2-3/1789, Ngô Thì Nhiệm bí mật qua gặp Khang An. Khang An đồng ý xin ngưng việc binh. Tháng 4-5/1789, Khang An tới Quế Lâm. Tuyên bố trời nóng nực phải tạm ngưng việc binh. Yêu cầu Duy Kỳ gióc tóc theo nhà Thanh để chuẩn bị về đánh Tây Sơn. Sau đó, Khang An mật tâu Duy Kỳ đã xin nhập nhà Thanh, tiếp sứ Tây Sơn. (CM, CB 47:43-44; 1998, II:849-850)

Houston, 18/2-14/4//2009
Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu
2009, Copyright by Chieu N. Vu, All Rights Reserved



No comments:

Post a Comment