Trở lại biệt giam vì nghệ thuật
Steve Rosenberg
BBC News, Berlin
Cập nhật: 15:38 GMT - thứ sáu, 30 tháng 10, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2009/10/091030_stasi_prison_art.shtml
Ngày 18 tháng Mười năm 1965 Carl-Wolfgang Holzapfel biến mất.
Nhà hoạt động chính trị người Tây Đức đã biểu tình tại Đông Đức, chống lại việc bắt giữ các tù nhân chính trị và bỗng dưng lại trở thành một trong những tù nhân này.
Ông bị nhốt trong một nhà tù Stasi bí mật. Suốt chín tháng ông bị biệt giam hoàn toàn, trong khi những nhân viên Stasi thẩm vấn ông cố tìm cách đánh gục ông. Ông bị tra tấn bằng những đòn tâm lý.
Nay ông Holzapfel trở lại nhà tù đó tại Berlin, nhà tù Hohenschoenhausen, để sống lại giai đoạn khổ ải đó.
Ông sẽ tự nguyện giam mình trong phòng giam này bảy ngày.
Ông sẽ mặc bộ quần áo tù cũ của mình, một bộ đồ màu xanh da trời, và sẽ ăn những thức ăn mà ông từng phải ăn khi bị bỏ tù, đó là bánh mì, súp và trà.
Trước khi khóa cửa phòng giam một tuần như vậy, ông Holzapfel chỉ cho tôi xem phòng giam bé tí nơi sẽ là chỗ ở của ông trong 7 ngày tới.
Trong đó có một nhà vệ sinh, một chiếc bàn, một chiếc giường bằng gỗ, một bồn rửa mặt và một chiếc tủ nhỏ.
"Phòng giam này không hoàn toàn giống như phòng giam mà tôi từng bị giam giữ,” ông thú nhận. “Tôi đã không hề có tủ hay bồn rửa mặt."
Ông giải thích tại sao ông quyết định tự nhốt mình trong đó.
"Với dự án nghệ thuật này, chúng tôi muốn cho thấy vai trò của Phong trào Kháng chiến trong việc phá bỏ Bức tường Berlin."
"Mỗi một người trong số 250.000 tù chính trị tại Đông Đức đóng một vai trò trong ngày đó, ngày 9 tháng 11 năm 1989. Chúng tôi cũng muốn nhìn lại những diễn biến kịch tính đã diễn ra trong suốt 40 năm của nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức."
Với một webcam gắn vào tường, tuần lễ tự bỏ tù của ông sẽ được truyền trực tiếp qua internet. Từng bữa ăn, từng cử động, từng giây phút suy nghĩ, hồi tưởng trong phòng giam.
Những người theo dõi webcam có thể gửi các câu hỏi qua một trang mạng tới ông Holzapfel về chuyện ông cảm thấy thế nào khi ở trong nhà tù bí mật của Đông Đức.
Ông sẽ nhận các câu hỏi cùng với đồ ăn ít ỏi của mình và sẽ trả lời thẳng các câu hỏi đó qua webcam. Nghe cũng giống như hình thức truyền hình trực tiếp của chương trình TV Big Brother (bắt nguồn từ một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn George Orwell, dùng hình ảnh Big Brother – Anh Cả - để ám chỉ chính quyền cộng sản bí mật theo dõi, giám sát người dân 24/24 tiếng, kể cả khi đi ngủ).
Nhưng đối với hàng ngàn tù nhân chính trị, đây chính là thực tế tàn khốc của cuộc sống tại Đông Đức: bị nhốt trong các nhà tù Stasi, bị chịu cảnh biệt giam và những đe dọa tâm lý.
Một trong những người thực hiện dự án này là nghệ sĩ Đức, Franziska Vu. Bà tin rằng điều tối quan trọng là cho giới trẻ được biết loại đàn áp đã từng diễn ra tại Đông Đức.
"Mọi người cần biết về lịch sử nước Đức trẻ trung của chúng ta," bà Franziska Vu nói.
"Chúng ta phải học từ những sai lầm của mình. Điều quan trọng là không để điều đó lặp lại."
Đi lại, hát một mình và suy nghĩ
Cánh cửa phòng giam đóng sập. Carl-Wolfgang Holzapfel ở trong đó. Tôi bước sang phòng giam kế bên, nơi đã biến thành phòng “kỹ thuật”. Trên bàn là chiếc mày tính từ đó truyền đi trực tiếp những gì diễn ra đằng sau cánh cửa phòng giam.
Tôi nhìn ông đi đi lại lại. Ông bắt đầu ngâm nga rồi cất tiếng hát một mình. Sau đó ông dừng lại bên song sắt cửa sổ và nhìn ra bên ngoài.
Chỉ nhìn vào hình ảnh đó qua màn hình máy tính quý vị đã có thể cảm thấy những kỷ niệm đen tối chắc hẳn đang ào trở lại với ông, tràn đầy căn phòng giam bé xíu và lạnh lẽo này..
Ông Holzapfel biết rằng lần này ông có thể bước ra khỏi phòng giam đó bất cứ lúc nào ông muốn.
Nhưng ông cho biết ông quyết tâm ở lại cho tới hết “bản án” bảy ngày của ông.
No comments:
Post a Comment