Monday, October 26, 2009

QUAN QUYỀN và ÁN PHẠT


Quan quyền và án phạt
Tuan’s blog
Sunday, October 25, 2009
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/10/quan-quyen-va-phat.html
How can the life of such a man
Be in the palm of some fool’s hand …
Put in a prison cell, he could - a been
The champion of the world.

Bob Dylan (1975), Hurricane

Hiến pháp của nước nào cũng có những câu văn đại khái như mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Hiến pháp Việt Nam cũng có câu "Mọi công dân đều bình đẳng trước Pháp luật," mô phỏng theo câu văn trong trong hiến pháp Mĩ mà cụ Hồ từng tuyên bố nhân ngày 2/9/1945. Nhưng trong thực tế thì sự bất bình đẳng trước luật pháp xảy ra ở mọi nơi và mọi lúc. Cái bất bình đẳng hiển nhiên nhất là cùng một bản án, nhưng hình phạt và mức phạt thì khác nhau. Câu hỏi là tại sao có những khác biệt như thế. Người xưa có câu "đa kim ngân phá luật lệ" để chỉ đồng tiền có thể chi phối đến luật pháp, hay người Việt Nam bây giờ có câu "nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế" -- không cần giải thích chắc ai cũng biết câu này nói gì. "Thế" là khiá cạnh sẽ được bàn ở đây qua vài bản tin ngắn gần đây trên báo chí phản ảnh sự khác biệt về mức độ xử phạt giữa các phạm nhân.

Hôm trước, báo
Người lao động đưa một tin ngắn nhưng đáng chú ý, vì nó phản ánh một khía cạnh về tình trạng công lí ở nước ta. Giữa tháng Bảy năm ngoái (chính xác là ngày 17/7/2008), ông Chu Văn Thưởng, lúc đó là Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tây (cũ), sau một bữa tiệc liên hoan, nhậu nhẹt, thay vì để tài xế lái xe đưa ông về sở thì ông giành lái xe, và đụng vào xe gắn máy làm cho 2 người chết (một người chết tại chỗ). Một tai nạn thảm khốc. Thay vì dừng xe lại giúp đỡ nạn nhân, ông giao tay lái cho tài xế, ra sau xe ngồi, và thản nhiên ra lệnh cho tài xế lái xe thẳng về cơ quan! Ấy thế mà đến hơn 1 năm sau, ngày 22/10/2009 ông mới bị tòa án phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vì “phạm tội lần đầu, bản thân có nhiều thành tích (được tặng huân, huy chương trong quá trình công tác)… vì vậy hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, cho bị cáo được hưởng án treo.”

Để hiểu hình phạt này công bằng ra sao, chúng ta thử đọc lại một trường hợp khác cũng cùng tôi trạng “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, nhưng phạm nhân là một ca sĩ. Báo
Vnexpress đưa tin rằng ngày 9/3/2009, ca sĩ Trí Hải ở TPHCM, sau một buổi trình diễn mệt nhọc, anh tự lái chiếc xe Toyota LandCruiser, chạy với tốc độ cao và mất khả năng điều khiển chiếc xe, đụng hàng loạt xe khác khiến 2 người chết, 2 người bị thương. Trí Hải lập tức đến khai báo với công an địa phương. Khi ra tòa, Trí Hải bị phạt 4 năm 6 tháng tù giam. Anh chết trong tù vì bệnh phổi vào ngày 20/10/2009, hai ngày trước khi tòa án Hà Nội tuyên án phạt ông Chu Văn Thưởng.

Báo Pháp Luật TPHCM có một bản tin ngắn nhưng ý nghĩa lớn. Ba nông dân ở Lâm Đồng nhậu nhẹt rồi hết “mồi”, bèn đi xin vịt về nhậu tiếp; xin không được, ba ông đi ăn trộm vịt. Sau đó, dù đã bồi thường cho nạn nhân hai triệu đồng và được bãi nại nhưng Quyền, Hưng và Long vẫn bị truy tố về tội cướp tài sản. Tòa án huyện Đức Trọng tuyên phạt mỗi người bốn năm tù về tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 BLHS (khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù).

Câu chuyện bên Úc: Marcus R. Einfeld, 71 tuổi, từng là chủ tịch Ủy hội Nhân quyền và bình đẳng của Úc, là đại sứ văn hóa Úc tại UNESCO, chánh án tòa án liên bang Úc, chánh án tòa án tối cao bang New South Wales, Western Australia, và ACT. Sự nghiệp của ông bị “đứt đoạn” vào năm nay (2009) khi ông bị tòa án Úc tuyên phạt tù giam 3 năm vì tội “perjury” (khai gian) và “pervert the course of justice” (tạm dịch là cố tình làm lệch cán cân công lí – tôi cần các bạn đọc rành luật dịch hộ!)

Câu chuyện của ông Einfeld hơi dài, nhưng tôi tóm lược theo cách hiểu của tôi. Tháng 8/2006 ông Einfeld bị phạt $77 vì lái xe quá tốc độ. Ông không chịu nộp phạt vì ông nói rằng ông không có lái xe hôm đó; ông cho bạn ông là giáo sư Teresa Brennan mượn xe vào thời điểm xe bị máy chụp hình tự động chụp được quá tốc độ. Ông tuyên thệ trước tòa rằng lời khai của ông là sự thật. Nhưng người ta phát hiện rằng giáo sư Brennan đã qua đời vì tai nạn xe ôtô bên Mĩ từ năm 2003, và ông Einfeld biết sự kiện này. Như vậy ông phạm tội khai không đúng sự thật trước tòa. Nhưng ông vẫn không chịu nhận tội. Tháng 3/2007, ông Einfeld đồng ý cho cảnh sát vào nhà ông để khám xét và xem máy computer cá nhân tại nhà. Sau khi xem xét, cảnh sát quyết định bắt ông và cáo buộc 13 tội trạng khác. Đến tháng 10/2008, tòa án hình sự bác bỏ 5 cáo buộc của cảnh sát, nhưng giữ nguyên 8 tội trạng còn lại, kể cả tội perjury và “perverting the course of justice”. Tháng 11/2008, Hiệp hội luật sư bang New South Wales nộp đơn lên tòa án liên bang và tòa rút bằng hành nghề luật sư của ông. Tháng 3/2009, tòa án tuyên phạt Einfeld 3 năm tù giam. Nhưng ông Einfeld trước sau như một nói rằng ông không phải là người thiếu thành thật, mà ông chỉ sai phạm vì nhớ không chính xác!

Câu chuyện của ông cựu chánh án Marcus Einfeld còn cho thấy tội hình sự và gian dối có thể xảy ra ngay ở thành phần có vị trí cao nhất trong xã hội, kể cả ở những người cầm cán cân công lí quốc gia. Do đó, chuyện một giám đốc sở phạm tội hình sự có lẽ không đáng ngạc nhiên. Có ngạc nhiên chăng là mức độ và hình phạt. Ớ Úc (và ở các nước phương Tây nói chung), lái xe gây gây tai nạn mà không dừng lại để giúp đỡ nạn nhân là tội ngồi tù, thậm chí có thể xem là cố sát (cố tình giết người). Bất cứ ai học lái xe cũng phải biết điều này, vì điều luật được ghi rất rõ trong bài học lái xe.

Chúng ta thấy gì qua 2 trường hợp đầu? Cái điểm giống nhau thứ nhất giữa ông cựu giám đốc Chu Văn Thưởng và ca sĩ Trí Hải là cả hai người đều là “người của công chúng”. Cái điểm giống nhau thứ hai là cả hai người đều phạm cùng một tội trang: đó là “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Điều tương đồng thứ 3 là cả hai đều gây tai nạn làm cho 2 người chết.

Nhưng hình như sự tương đồng giữa hai người chỉ dừng ở đó, vì chính cái khác biệt mới là đáng nói. Điều khác biệt thứ nhất là một người là quan chức cao cấp của Nhà nước (và Đảng) còn người kia là không phải quan chức và chắc cũng chẳng phải đảng viên. Điều khác biệt thứ hai là thái độ với cơ quan bảo vệ pháp luật. Ông Thưởng sau khi gây tai nạn thì thản nhiên ra lệnh tài xế lái xe về cơ quan, còn ca sĩ Trí Hải thì nghiêm chỉnh khai báo. Điều khác biệt thứ ba là kết quả của bản án: ông cựu giám đốc thì được khoan hồng vì “nhân thân tốt,” còn anh ca sĩ xấu số thì bị 4 năm 6 tháng tù giam.

Ba điều giống nhau không thể giải thích sự khác biệt của kết quả bản án. Chỉ có những khác biệt mới giúp chúng ta hiểu kết quả bản án. Qua so sánh, chúng ta thấy rõ ràng rằng việc khai báo cho công an theo đúng luật hình như không có tương quan gì đến bản án cả. Chỉ còn một khác biệt duy nhất có thể giải thích được: đó là nhân thân. Điều này cho chúng ta lí do để suy ra rằng vị trí quan chức và đảng viên chính là yếu tố đã đã “cứu” ông Thưởng khỏi ngồi tù.

Vị trí xã hội có lẽ là yếu tố quan trọng, bởi vì nó còn giải thích tại sao 3 ông nông dân nghèo khổ kia, chỉ vì một hai con vịt mà lãnh tổng cộng 12 năm tù giam. Nếu 3 người đó không phải là nông dân mà là chủ tịch xã hay trưởng công an hay đảng viên thì chắc chắn báo chí cũng chẳng có tin để mà đăng. :-) Chuyện quá nhỏ mà!

So sánh câu chuyện của ông chánh án Marcus Einfeld và Chu Văn Thưởng chúng ta thấy cả hai ông này đều là người có vị trí cao trong xã hội. Nhưng có khác biệt về địa điểm: một bên thì tai nạn xảy ra ở Việt Nam, và một bên thì ở Úc. Ông chánh án chỉ vì khiếu nại không chịu nộp phạt 77 đôla, dẫn đến chuyện khai man, và chịu hình phạt nặng nề, tiêu tan sự nghiệp. Còn ông cựu giám đốc sở thì gây tai nạn cướp đi 2 mạng sống con người nhưng lại được hưởng án treo. (Chữ “hưởng” trong trường hợp này thật là chính xác!)

So sánh giữa trường hợp ông Einfeld và Chu Văn Thưởng còn cho thấy cán cân công lí của Việt Nam có tình có nghĩa hơn cán cân công lí của Úc. Ở Úc, tòa án không đặt nặng vấn đề “nhân thân” hay vị trí xã hội (thật ra, vị trí xã hội càng cao thì hình phạt càng nặng), còn ở Việt Nam thì tòa án xét đến nhân thân và lí lịch của phạm nhân. Nhưng hình như công lí Việt Nam không có tình có nghĩa với người nghèo. Điển hình là 3 ông nông dân kia chỉ vì con vịt (và đã đền 2 triệu đồng) mà vẫn bị tổng cộng 12 năm tù.

Còn nhớ trước đây, cựu thủ tướng Úc John Howard vội vã lên xe ôtô (có lẽ trốn phóng viên đang trực chờ hỏi gì đó) nên quên thắt giây an toàn và bị một phóng viên chạy theo xe chụp hình được hình và đăng báo. Chỉ cần nhìn qua tấm hình không thắt giây an toàn, thế là cảnh sát đủ bằng chứng và gửi giấy phạt đến tận văn phòng phủ thủ tướng. Ông thủ tướng đành phải ngậm ngùi nộp phạt! Anh phóng viên thì nổi tiếng và hỉ hả với tấm hình độc đáo nhưng làm hao tốn hơn 200 đôla từ túi tiến của ông thủ tướng.

Những chênh lệch về hình phạt và mức phạt không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà còn xảy ra ở ngay tại các nước có hệ thống pháp luật chặt chẽ như ở Úc này. Cùng một tội trạng, nhưng có người lãnh án vài năm tù, còn người khác thì hàng trăm năm tù. Còn nhớ vào thập niên 1980s một nhóm thanh niên tị nạn Việt Nam ở Mĩ bị phạt trên 100 năm tù vì tội mua dâm, một hình phạt mà báo chí Mĩ cho là quá nặng nề, có lẽ chỉ vì họ là người di dân Á châu (người khác thì cho là quan tòa kì thị chủng tộc).

Sự chênh lệch về hình phạt còn là đề tài nghiên cứu khoa học của nhiều nhà xã hội hội và luật học. Hình như trong giới luật học, họ gọi “hiện tượng” khác biệt về hình thức và mức độ phạt là “sentencing disparity” (tôi tự hỏi tại sao họ không nói “sentencing variation” nhỉ?) Đọc qua vài nghiên cứu về sentencing disparity bên Mĩ và Úc trên tập san như Journal of Quantitative Criminology và Journal of Criminal Justice, tôi thấy họ làm rất bài bản. Chẳng hạn như bài “Sentencing disparity: an analysis of judicial consistency”, tác giả phân tích yếu tố nào có liên quan đến những khác biệt về mức độ phạt. Họ chia các yếu tố này thàng 4 nhóm chính: những yếu tố liên quan đến sự việc xảy ra; những yếu tố về phạm nhân; yếu tố liên quan đến nạn nhân; và yếu tố liên quan đến chánh án. Trong những yếu tố liên quan đến phạm nhân (như tiền án, chủng tộc, giới tính, tuổi, giai cấp xã hội, thậm chí khuôn mặt v.v…), thì yếu tố tiền án có ảnh hưởng quan trọng nhất đến mức độ phạt, kế đến là chủng tộc, giới tính, còn giai cấp xã hội thì không có ý nghĩa gì cả. Nói cách khác, ở Mĩ giai cấp xã hội không quan trọng trong quyết định xử phạt, mà chính là tiền án của phạm nhân. Còn ở Việt Nam, "nhân thân" xem ra quan trọng hơn là tiền án. Do đó, mô hình tiên lượng của Mĩ mà áp dụng vào Việt Nam chắc sẽ không chính xác.

Quay lại với 3 trường hợp ở Việt Nam, chúng ta thấy cả ông Chu Văn Thưởng, ca sĩ Trí Hải, và 3 ông nông dân đều không có tiền án (ít ra là qua báo chí chúng ta biết như thế), cho nên yếu tố tiền án không giải thích được tại sao có “sentencing disparity” như ở Việt Nam! Tôi đồ rằng nếu giới luật học ở trong nước chịu khó thu thập dữ liệu và phân tích đúng phương pháp, thì trong phương trình tiên lượng sự khác biệt về mức độ phạt sẽ có các yếu tố liên quan đến vị trí xã hội của phạm nhân. Vấn đề là hệ số của yếu tố này cao bao nhiêu ở Việt Nam. Nếu ai muốn làm tôi xin tình nguyện giúp một tay để phân tích. :-)NVT

-----------------

Ý kiến : Ông Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn này vốn là “một Việt kiều yêu đảng” nên làm bộ phân tích vòng vo để dẫn đến kết luận “cân công lí của Việt Nam có tình có nghĩa hơn cán cân công lí của Úc”. Ông làm bộ như không biết rằng Việt Nam ngày nay không có tam quyền phân lập và toàn bộ thẩm phán ở nước CHXHCNVN đều là đảng viên cộng sản. Bất công ở Việt Nam chỉ có thể bị xoá bỏ một khi không còn điều 4 trong hiến pháp nước này.
Mời ông Tuấn đọc bài :
BUỒN CHO PHÁP LUẬT VIỆT NAM


No comments:

Post a Comment