BỨC “HOÀNH PHI” MỚI VỀ MỐI QUAN HỆ VIỆT-TRUNG
Phạm Viết Đào
Đăng ngày: 10:48 26-10-2009
http://vn.myblog.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=1975
Sơn hà liên thông; Văn hóa tương đồng; Lý tưởng tương thông; Vận mệnh tương quan...?!
Trong suốt chiều dài của lịch sử phát triển quan hệ giữa 2 nước Việt Nam-Trung Quốc, tuy mạnh yếu nhiều lúc khác nhau nhưng cha ông ta đều có những đối sách thích hợp.
Ví như thời Lý đó là: Nam quốc sơn hà, Nam đế cư ( Lý Thường Kiệt )
Đến thời Trần thì: Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu tôi đi đã... ( Trần Quốc Tuấn );
Thà làm quỷ nước nam hơn làm vương đất bắc; ( Trần Bình Trọng )
Đến thời Lê thì :
Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống
Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.
Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,
Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ...
( Bình Ngô đại cáo )
Đến thời Nguyễn Tây Sơn thì phương châm ứng xử của Quang Trung đó là:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để răng đen
Đánh cho chúng chích luân bất phản,
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn...
Chưa có nhà sử học nào cất công tìm kiếm xem tương thích với các đối sách của cha ông ta là những đối sách của phía Trung Quốc là gì; Cha ông ta chủ động đề ra các cương lĩnh chính trị trên hay do tình thế lịch sử bắt buộc...
Khác với cha ông ta thời xưa, hiện nay, quan hệ Việt Trung đang được phát triển ồ ạt, xô bồ cả về chiệu rộng lẫn chiều sâu; có điều chúng ta không thấy về phía Việt Nam chưa tỏ ra được đối sách bằng chữ nghĩa nào, phần lớn chỉ thấy a dua, vỗ tay hảo hảo theo các phương châm được phát ra từ Bắc Kinh trừ thời ông Hồ Chí Minh và ông Lê Duẩn...
Trong khi các nhà lãnh đạo của ta hình như coi nhẹ việc tìm ra hoặc đúc kết ra các đối sách với ông bạn lớn Trung Hoa thì đám phản động trên mạng lại sốt sắng làm chuyện này không biết có phải do rỗi hơi không. Tôi tin ngoài câu: Láng giềng khốn nạn...đối với Láng giềng hữu nghị... sẽ được trích giới thiệu tại phần sau, trên mạng còn có nhiều sáng tạo dân gian khác.
Lịch sử đã ghi dấu nhiều cuộc đối đáp ra trò của các sứ thần nước nam làm mất mặt vua chúa thiên triều, làm nhụt nhuệ khí xâm lăng, bá quyền của chúng. Trong võ thuật cổ Trung Hoa người ta gọi miếng võ này là " khí công "-tiến công bằng khí thay cho bằng lực để triệt hạ ý chí, tà khí của đối phương...
Còn nhớ trong những năm tháng chiến tranh, ông Mao Trạch Đông từng đề ra đối sách với Việt Nam một câu ít chữ, và chữ cũng rất thô không chút trau chuốt nhưng lại hàm chứa nhiều nghĩa: Mi không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi; Trung Quốc đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng...
Đầu năm 1999, Tổng bí thư Giang Trạch Dân đã đề ra và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã đồng ý phương châm 16 chữ: "Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện".
Phương châm này đã xác định tư tưởng chỉ đạo và khung tổng thể phát triển quan hệ hai nước trong thế kỷ mới, đánh dấu quan hệ Trung Việt đã bước vào giai đoạn phát triển mới được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước xác định trong Tuyên bố chung, từ tháng 2/1999.
Tháng 11 năm 2000, khi hội đàm với Tổng bí thư mới đảng cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đến thăm, Tổng bí thư Giang Trạch Dân nêu rõ, 16 chữ này là phương châm quan trọng chỉ đạo sự phát triển quan hệ hai nước...
* "Ổn định lâu dài" là nhấn mạnh tình hữu nghị Trung Việt là phù hợp lợi ích căn bản của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, bất kỳ lúc nào, bất kỳ tình hình nào đều phải giữ sự ổn định và phát triển lành mạnh của quan hệ hữu nghị, khiến nhân dân hai nước đời đời hữu nghị với nhau;
* "Hướng tới tương lai" là phải xuất phát từ hiện nay, nhìn về lâu dài, kế thừa truyền thống, mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ Trung Việt;
* "Hữu nghị láng giềng" là yêu cầu hai bên phải làm người láng giềng tốt, người bạn tốt, trước sau xử lý mọi vấn đề trong quan hệ hai nước với tinh thần hữu nghị láng giềng;
* "Hợp tác toàn diện" là phải không ngừng củng cố, mở rộng và sâu sắc sự giao lưu và hợp tác giữa hai đảng, hai nước trong mọi lĩnh vực, để mưu cầu hạnh phúc cho hai nước và nhân dân hai nước, đồng thời góp phần cho việc giữ gìn và thúc đẩy nền hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Phương châm 16 chữ bao giờ cũng được đính kèm theo 4 tính chất giống như “ xôi kèm lạc”, đó là : Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt...
Hiện nay phương châm 16 chữ này đang bị đám phản động trên mạng xuyên tạc thành:
- "Láng giềng khốn nạn; Cướp đất toàn diện; Lấn biển lâu dài; Thôn tính tương lai"...
Đến thời ông Hồ Cẩm Đào một phương châm mới đã được các nhà lãnh đạo Bắc Kinh công bố, bức “ Hoành phi “ đó là: Sơn hà liên thông; Văn hóa tương đồng; Lý tưởng tương thông; Vận mệnh tương quan...?!
Ngoài Việt Nam, giới lãnh đạo Bắc Kinh có đối sách riêng, không biết đối với các nước láng giềng khác như Nga, Mông Cổ, Ấn Độ, Mông Cổ, Nhật, Đài Loan, Triều Tiên, Thái Lan... có các chữ vàng riêng được thiên triều ban tặng không ? Bà con nào biết xin mách giùm ?
Thảo dân này đọc phương châm 16 chữ mới này thấy gai gai người trước những vế ví như: Vận mệnh tương quan; khi một người, hay một cộng đồng, một quốc gia tuyên bố: tương quan với cộng đồng bên cạnh thì hãy coi chừng, nhất cử nhất động đều có quan hệ, đều tương quan với nhau hết...
Phương châm này văn hoa hơn chứ không huỵch toẹt theo kiểu du côn làng của ông Mao: Mi không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi... song mức độ đe dọa và ẩn phía sau câu chữ của phương châm đó là sự nguy hiểm của những hành vi có ý đe dọa chìm hơn câu của ông Mao ?!
Vế thứ hai mà thảo dân này không thể không đưa ra bình để xin thêm cao kiến của các bậc cao minh trong làng cư dân mạng. Đó là câu: Sơn hà liên thông; câu này thực ra là lời bài hát của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc lại: Việt Nam-Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông... Bài hát này bây giờ mà hát lại thì chối như hóc phải xương gà: Chung một biển đông mối tình hữu nghị sáng như rạng đông...?
Thảo dân này rất muốn được biết phương châm của ứng xử của những người nắm trọng trách của đất nước trước phương châm 16 chư mới này do triều đại ông Hồ Cẩm Đào đề ra? Nếu các vị quá bận hay coi chuyện này có gì phải bàn thì nhờ bà con cư dân mạng góp phần tìm giúp cho phương châm 16 chữ của Việt Nam là gì.
Liệu trong phương châm 16 chữ mới có tới 3 chữ TƯƠNG này có dẫn đến kết cục hai bên sẽ TƯƠNG NHAU thật lực nay mai không hay lại liên thông như Hà Tây với Hà Nội ? Mong rằng hậu quả ngược lại của cái chữ TƯƠNG trong bức " hoành phi " mới này không xảy ra trong quan hệ 2 nước ?!
No comments:
Post a Comment