Friday, October 23, 2009
PHỎNG VẤN CỰU NGOẠI TRƯỞNG LIÊN XÔ SHEVARDNADZE
Phỏng vấn cựu Ngoại trưởng LX Shevardnadze
Đăng bởi anhbasam on 22/10/2009
http://anhbasam.com/2009/10/22/336-ph%e1%bb%8fng-v%e1%ba%a5n-c%e1%bb%b1u-ngo%e1%ba%a1i-tr%c6%b0%e1%bb%9fng-lx-shevardnadze/
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Cựu Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze:
“Tôi đã góp phần vào việc kết thúc chiến tranh lạnh”
Thứ Hai, ngày 19-10-2009 *
Trong phòng làm việc của cựu ngoại trưởng Liên Xô, nguyên tổng thống Grudia Eduard Shevardnaze có một mảnh bức tường Berlin với dòng chữ “Eduard, danke” (Eduard, cảm ơn ông), và các bức chân dung của những nhân vật đã gắn liền với sự kiện lịch sử ấy vào cuối thế kỷ 20, Baker, Reagan, Gorbachev, Giáo hoàng John Paul II. Shevardnadze, mái tóc đã bạc trắng nhưng đôi mắt còn rất sáng và nói năng hết sức minh mẫn, bình luận: “Lịch sử không có sự khoan dung. Đó là một quá trình dài và không ai có thể ngăn cản được, và nó mạnh hơn con người. Chúng ta đã đi qua được cuộc Chiến tranh Lạnh và rồi một cuộc chiến khác lại đang mở ra. Bao thập kỷ sau Chiến tranh lạnh, con người chẳng học được gì từ bài học lịch sử”.
Ngôi nhà của vị ngoại trưởng cuối cùng của Liên bang Xô viết nằm trên một ngọn đồi ở thủ đô Tbilisi của Grudia, được bảo vệ nghiêm ngặt bởi những con chó hung dữ giống Cápcadơ và những cây thông cổ thụ. Tại đó, người đàn ông 81 tuổi từng có một thời có ảnh hưởng hết sức lớn lao lên nhân loại đã đưa ra từ hồi ức của mình về các sự kiện của những năm cuối thập niên 1980. Được coi là một trong những kiến trúc sư của thời kỳ lịch sử ấy, “con sói già” của ngành ngoại giao Liên Xô không hề ngạc nhiên trước sự sụp đổ của bức tường Berlin: “Tôi biết là trước sau gì thì điều đó cũng sẽ xảy ra. Trách nhiệm của một nhà ngoại giao là phải nhìn thấy được những diễn biến của tương lai, nhưng Moscow không hề giúp đỡ hay tìm cách ngăn chặn quá trình đó và để cho sự việc xảy ra theo cách đó là chuyện riêng của những người Đức”.
Vành đai sắt bao quanh Đông Âu và khối XHCN bấy giờ bung từng mảng một, từ Tiệp Khắc cho đến Hungari, và dòng người Đông Đức ùa vào. Buổi sáng ngày 10/9/1989, khi Budapet mở cửa biên giới với Áo, chỉ trong vài tuần lễ, 67 nghìn người đã tràn qua ngả đó, và rồi, ngày 9/11/1989 … Shevardnadze trả lời phỏng vấn nhật báo Italia “Il Riformista”.
Il Riformista : Ngài ở đâu vào thời điểm đó?
Eduard Shevardnadze : Tại Moscow, khi vừa trở về từ Berlin. Sự sụp đổ của bức tường trên thực tế chỉ là bước cuối cùng của một quá trình, mà điểm khởi đầu của nó đã diễn ra từ trước. Tôi nhận được thông tin một cách chi tiết và cập nhật thông qua đại sứ quán Liên Xô ở Berlin. Sự thay đổi lúc ấy diễn ra từng giờ, ai cũng có thể cảm nhận được, thậm chí nghĩ là sờ mó được, nhưng không ai biết là sự việc sẽ đi đến đâu.
Il Riformista : Bức tường sụp đổ. Suy nghĩ của ngài lúc đó ra sao?
Eduard Shevardnadze : Đấy là sự kết thúc của một thời kỳ, nhưng cũng là sự mở ra của một thời kỳ khác. Gió đã đổi chiều. Bức tường trở thành một biểu tượng cần phải đạp đổ.
Il Riformista : Người ta đã tính tới khả năng sử dụng can thiệp quân sự hoặc can thiệp của KGB?
Eduard Shevardnadze : Nguy cơ ấy là có, vì thời điểm đó có 500 nghìn quân Liên Xô đồn trú ở Đông Đức. Gorbachev và tôi bay tới Berlin để tránh cho điều xấu nhất xảy ra. Nếu tôi đến đó một mình thì không ăn thua, còn ông ấy là người đứng đầu Liên Xô và quân đội không được phép chống lại ông ấy. Quân đội, do đó, đã không hề can thiệp và chúng tôi đã tránh được một cuộc chiến tranh.
Il Riformista : Phản ứng của Moscow lúc đó ra sao?
Eduard Shevardnadze : Thất vọng tràn trề. Đối với những ủy viên trung ương đảng đã ủng hộ tiến trình perestroika (cải tổ chế độ kinh tế và chính trị của Liên Xô) của Gorbachev, thì việc đập bỏ bức tường Berlin chỉ là sự khởi đầu cho quá trình kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhưng hầu hết các thành viên cao cấp của đảng thì bị sốc. Họ tự hỏi, sau sự sụp đổ của bức tường sẽ là gì?
Il Riformista : Các ngài có sợ sự ra đời của một nhà nước Đức mới và thống nhất nằm ở trung tâm của châu Âu?
Eduard Shevardnadze : Hơn 20 triệu người Liên Xô đã thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ 2, đừng quên điều đó. Đối với nhiều người, để mất Đông Đức cũng là một cách chứng tỏ hy sinh của hàng triệu người chống chủ nghĩa phát xít là vô ích.
Il Riformista : Sau khi bức tường sụp đổ, là quá trình thống nhất nước Đức … [đoạn này có thể được TTXVN cắt bỏ? - BS]
Eduard Shevardnadze : Bức tường sụp đổ thì quá trình tái thống nhất là không thể tránh khỏi. Vài tháng sau đó, vào tháng 2/1990, tôi có mặt ở Ottawa, Canada, để thảo luận về một vấn đề khác, dự án “những bầu trời rộng mở”, do tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đề xuất, nhưng trên thực tế, các nhà ngoại giao bàn luận về vấn đề nước Đức thống nhất ra sao. Trong suốt mấy tháng trước đó, Mỹ đã ra sức thuyết phục Anh và Pháp ủng hộ việc này. Cuối cùng, OSCE đề nghị lập ra một nhóm có tên gọi tắt là 2+4, nghĩa là 2 nước Đức và 4 nước chiến thắng trong cuộc Thế chiến II là Pháp, Anh, Liên Xô và Mỹ, sẽ chịu trách nhiệm về các vấn đề lớn mang tính đối ngoại của quá trình tái thống nhất (gia nhập NATO ra sao, quân đội thế nào …). Nhưng trách nhiệm thực hiện các công việc chính là do 2 nước Đức tự thu xếp với nhau.
Il Riformista : Gorbachev có đồng ý không?
Eduard Shevardnadze : Lúc đầu thì không. Tôi gọi điện cho ông ấy từ Ottawa để có được sự chấp thuận của Gorbachev. Tôi giải thích cho ông ấy dự án của “nhóm liên lạc”. Chúng tôi nói chuyện trong chưa đầy 2 phút, nhưng cảm thấy đấy là một cuộc điện đàm dài kinh khủng. Thế rồi ông ấy bảo, “được rồi, cứ tiến hành đi.”
Il Riformista : Ngài và Gorbachev đã tiến hành quá trình perestroika để chấm dứt sự tồn tại của chủ nghĩa cộng sản. Thế nhưng, trong chính hệ thống ấy, ngài đã lớn lên và nhờ nó mà ngài leo lên đến đỉnh cao chính trị. Điều này có phải trái ngược không?
Eduard Shevardnadze : Liên bang Xô viết lúc ấy đang trở thành một đế chế suy tàn, một cỗ xe lớn cần phải được tu sửa. Lịch sử dạy chúng ta rằng, các đế chế không thể tránh khỏi sụp đổ.
Il Riformista : Ngài đã nhắc đến một cuộc Chiến tranh lạnh mới …
Eduard Shevardnadze : Thế giới ngày nay chắc chắn là an toàn hơn, nhưng không hề dễ dàng đạt được điều ấy. Trong những năm qua, gió đã đổi chiều, mối căng thẳng giữa Mỹ và Nga đã trở lại. Và rồi Obama xuất hiện.
Il Riformista : Điều gì đã thay đổi với sự xuất hiện ấy?
Eduard Shevardnadze : Obama chính là niềm hy vọng, một tổng thống trẻ và khôn ngoan. Quyết định không tiếp tục theo đuổi việc đặt hệ thống lá chắn tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc đã làm thay đổi lại cán cân lực lượng và bàn cờ ngoại giao. Nước Nga không thể không tiến hành một hành động như thế, do đó có lẽ sẽ dừng kế hoạch hoặc làm chậm lại chương trình lắp đặt tên lửa của mình ở Kaliningrad.
Il Riformista : Hiện nay, Nga và Mỹ đang đối đầu nhau …
Eduard Shevardnadze : Nhưng bây giờ có thêm nhiều nhân vật mới xuất hiện, như Trung Quốc và Liên minh châu Âu, những người có vai trò then chốt trên bàn cờ ngoại giao. Điều quan trọng nhất là chúng ta không trở về với quá trình chạy đua vũ trang. Số tiền dành cho trang bị quân sự nên được dành cho nhân dân.
Il Riformista : Liên Xô là một đế chế suy tàn như ngài nói, nhưng rất nhiều người nhớ tiếc nó.
Eduard Shevardnadze : Những khó khăn trong cuộc sống làm sống lại các hồi ức là điều đương nhiên, ở Nga cũng như ở Đông Đức trước đây. Nhưng giấc mơ lớn của người Đức là thống nhất đất nước, và họ đã làm được điều đó.
Il Riformista : Ngài tự hào về điều gì?
Eduard Shevardnadze : Về việc tôi đã đóng góp phần quan trọng trong quá trình thống nhất nước Đức, sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và đã ngăn chặn được quá trình chạy đua vũ trang và mối đe dọa hạt nhân. Tôi đã gặp Reagan 8 lần và thành công trong việc thuyết phục người Mỹ rằng chúng tôi không phải là một chế độ xấu xa.
Il Riformista : Những sai lầm và nuối tiếc của ngài?
Eduard Shevardnadze : Trên bình diện quốc tế thì không. Nhưng với Grudia thì có. Nhưng đấy lại là một câu chuyện khác.
-----------------------------
* Mời xem thêm: Gorrbachov: “Tôi đã để cho Bức tường Berlin sụp đổ như thế đấy”
No comments:
Post a Comment