Sunday, September 27, 2009

VIỆC LÀM ĐƯỢC TRẢ LƯƠNG CAO NHẤT : Ở TÙ


Những sự thật nhức nhối ông Nhà nước có thấu hay không: Việc làm được trả lương cao nhất – ở tù!
Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế
00:11 ngày Thứ Bảy, 26/09/2009
http://bauxitevietnam.info/c/10974.html
Vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ – PCI là một trong rất nhiều vụ án cho thấy một sự thật: Chẳng có việc làm nào được trả lương cao như đi ở tù!
Hơn một tỷ đồng hay 850 triệu đồng; hay 800.000 USD mà PCI đã hối lộ? Những số liệu trên có lẽ không cần thiết nữa cho dù phía Nhật Bản đã chuyển cho Việt Nam đến 4.000 trang tài liệu về việc quan chức PCI khi thầu Đại lộ Đông – Tây đã phải hối lộ số tiền lên đến 6 số 0. Lý do thật đơn giản: Nếu tham ô cả tỷ đồng mà chỉ phải ngồi tù 3 năm thì tính ra, “lương” mỗi ngày lên đến cả triệu – cao gấp nhiều lần lương của Chủ tịch nước (!)
Cách chống tham nhũng ở nước ta hiện nay có một nghịch lý rất rõ ràng rằng, nếu tham nhũng hàng chục hay hàng trăm tỷ đồng rồi ngồi tù “cho vui” một hai niên thì chắc chắn, hầu như ai cũng đều… sẵn sàng. Điều trớ trêu có thật trên đây tương phản đến khó tin với chuyện 3 nông dân ở Lâm Đồng vì nhậu say, “cướp” hai con vịt trị giá 175.000 đồng đã bị tòa tuyên án tổng cộng 13 năm tù (Pháp luật TP HCM, 11.8.2009). Một sự trùng hợp kỳ quặc là chỉ trong một ngày, báo chí cho biết CSGT ăn chặn tiền dân, mỗi lần 200.000 đồng (nhiều hơn hai con vịt 25.000) vẫn cứ ung dung tự tại (Người lao động, 11.8.2009). Có lẽ không cần bình luận thêm về sự vô lý đến mức tệ hại của chuyện hai con vịt và 200 ngàn đồng vì nó rõ hơn cả ban ngày.
Cá nhỏ mắc lưới, cá to lọt lưới là chuyện gần giống với cách đơm đó ngọn tre, cũng như trăm triệu tấn than buôn lậu chui qua lỗ kim, nhưng vẫn liên tục xảy ra. Trừng phạt ư? Ông Chủ tịch Hội đồng Quản trị TKV đã bị cảnh cáo rồi đó thôi. Những sự thực tréo ngoe như thế làm cho chân lý phải tháo chạy còn dư luận thì bàng hoàng. Không viết, không nói thì đau. Viết thì vừa gõ vừa tức anh ách và nước mắt chảy nhòe cả bàn phím.
Người dân chỉ có một thỉnh cầu mà thôi: Nếu có xử thì xử cho đúng pháp luật, còn không thì cứ việc hoãn và “ngâm” lâu dài như PMU 18. Pháp luật mà co giãn bất thường, vô lý và tội nghiệp dân đen như thế, chẳng ai chịu nổi đâu! Tình hình này, xem ra, hàng ngàn quan chức đang sẵn sàng xộ khám vì khổ có vài năm (giống như đi kinh tế mới), rồi chờ đặc xá, sau đó vợ con cháu chắt sung sướng mấy đời, tại sao lại không đi ở tù?
Huế, 25.9.2009
HVT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Theo Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu, trước khi vụ án được đưa ra xét xử, Tòa án TP HCM đã nhận được rất nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể “tha thiết” đề nghị tòa công minh xem xét giữa công và tội, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Bauxite Việt Nam cũng tha thiết xin Tòa án TP HCM công khai toàn bộ thư từ, công văn ấy cho quốc dân đồng bào được thưởng lãm. Nhân danh “nhân thân tốt” để giảm án tù còn 3 năm, chỉ một nửa so với mức án do Viện KSND TPHCM đề nghị, dễ thường cơ quan nhân quyền quốc tế phải xếp tòa án xứ mình vào hàng nhân đạo bậc nhất! Chỉ khổ cho thần công lý phải tím mặt vì lại một phen bị giễu cợt. Với 4.000 trang tài liệu Nhật đã chuyển giao cho Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Sĩ hẳn khó rửa được cái tội nhận hối lộ của PCI 820.000 đô la mà chính báo Nhật đã loan, hơn gấp 10 lần toàn bộ số tiền thu bất chính 80.000 đô la trong vụ án này. Mà nếu phiên tòa dành cho ông chỉ dừng ở đây, chứ không phải là mở đầu cho (những) phiên tòa kế tiếp, thì ... thần công lý lại còn bị giễu cợt mười lần hơn. Đằng sau ông Huỳnh Ngọc Sĩ là ai? Nói như
nhà văn Phạm Viết Đào, “chắc chắn một em học sinh lớp 1 của chúng ta cũng hiểu rằng: một mình ông Huỳnh Ngọc Sĩ làm sao nuốt trôi?” Phải chăng, đúng là công lý mới dừng ở mức “trung tôn”, chứ chưa “thượng tôn”, chừng nào cái bộ máy ăn hối lộ đằng sau ông Huỳnh Ngọc Sĩ chưa sụp đổ! Ngày nào chưa truy tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ về tội nhận hối lộ, thì ngày ấy trong con mắt của người dân, tòa án chẳng qua chỉ đóng vai công cụ để che chắn cho cái gọi là “nhóm lợi ích” vốn đang nẩy sinh ngày một nhiều và làm giảm sút lòng tin thậm tệ của dân chúng đối với Nhà nước.
Bauxite Việt Nam


Ông Huỳnh Ngọc Sĩ nhận 3 năm tù vì ‘công nhiều hơn tội’

Vũ Mai
Cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo Sĩ là nguy hiểm nhưng lại có nhiều công lao đóng góp cho xã hội, phạm tội trong hoàn cảnh công việc quá nhiều… nên tòa chỉ tuyên phạt ông này 3 năm tù.
Cũng với những tình tiết giảm nhẹ tương tự, sáng nay, Hội đồng xét xử (HĐXX) phạt ông Lê Quả (70 tuổi, nguyên Phó Ban quản lý) mức án 2 năm tù cùng về tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trước đó, Viện kiểm sát đề nghị 5-6 năm tù cho cả hai bị cáo.
Theo tòa, Ban quản lý Đại lộ Đông Tây được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thuê trụ sở 2 triệu đồng mỗi tháng để làm việc. Nhưng bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ (56 tuổi, nguyên phó giám đốc Sở Giao thông công chính, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TP HCM) và ông Lê Quả đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để cho phía PCI thuê lại với giá hơn 70 triệu đồng mỗi tháng, thu lợi hơn 1,1 tỷ đồng.
Số tiền này, ông Quả đã chỉ đạo nhân viên chia đều cho tập thể và dùng làm chi phí chung cho cả Ban dự án (trong đó, ông Sĩ và ông Quả được nhận nhiều nhất). Điều này thể hiện tính “cố ý” của ông Sĩ chứ không phải “vô ý” như lời khai của bị cáo và lời bào chữa của các Luật sư.
Cũng theo HĐXX, bị cáo Sĩ có vai trò quyết định trong việc thực hiện hành vi phạm tội vì là người có quyền hành nhất tại Ban dự án nên phải xử phạt cao để răn đe. Tuy nhiên, tòa cũng công nhận ông Sĩ có rất nhiều đóng góp cho xã hội, được tặng thưởng nhiều huân huy chương, gia đình có công cách mạng, phạm tội trong hoàn cảnh công việc “quá tải”… nên giảm nhẹ cho một phần hình phạt.
Đối với bị cáo Lê Quả, tòa cho rằng ông này là người trực tiếp tiếp xúc, thương lượng với phía PCI, trực tiếp nhận tiền thuê nhà, chỉ đạo chia tiền cho nhân viên Ban dự án, tự ý giữ lại tiền để chi tiêu cho công việc chung… Hành vi này thể hiện bị cáo đã bất chấp pháp luật. Tuy nhiên, ông Quả cũng có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ như: động cơ phạm tội vì lợi ích của tập thể, suốt quá trình điều tra và xét xử đã thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả kể cả phần chi tiêu cho Ban dự án (350 triệu đồng), bản thân là nhà khoa học, có đóng góp rất nhiều cho xã hội…
Trước đó, được nói lời sau cùng, bị cáo Sĩ và Quả đã gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của Ban dự án, gia đình, bạn bè… và tỏ ra rất ăn năn hối cải. “Tôi xin lỗi tất cả mọi người. Vụ án xảy ra khi công việc kiêm nhiệm quá khó khăn, phức tạp. Tôi đã quyết tâm cùng mọi người hứa hoàn thành xuất sắc nhưng bây giờ lại dang dở thế này. Xin mọi người ở lại hãy cố gắng hết mình vì công việc”, ông Sĩ bày tỏ.
Ngoài ra, Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu cũng cho biết, trước khi vụ án được đưa ra xét xử, Tòa án TP HCM đã nhận được rất nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể “tha thiết” đề nghị tòa công minh xem xét giữa công và tội, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
V. M.
Nguồn:
http://vnexpress.net/GL/Phap-luat/2009/09/3BA13DE0/




No comments:

Post a Comment