Sunday, September 27, 2009

NGUYỄN KHOA ĐĂNG nói về tiểu thuyết NƯỚC MẮT MỘT THỜI


Viết về một thời đau thương
Cập nhật: 08:22 GMT - thứ bảy, 26 tháng 9, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2009/09/090925_nguyen_khoa_dang_iv.shtml
Những ký ức đau thương về thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc một lần nữa được tái hiện qua cuốn tiểu thuyết Nước mắt một thời của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng.

Tác phẩm của Nguyễn Khoa Đăng trước đây đã lưu hành qua mạng
http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/09/25/090925152044_nguyenkhoadang226.jpg

Tác phẩm kể về số phận gian truân của một người đàn ông có gia đình gặp nạn khi bị quy là địa chủ.
Tiểu thuyết mang dáng dấp tự truyện này được hoàn thành đã lâu, nhưng trong nhiều năm bị từ chối xuất bản.
Nhưng trong tháng Chín này, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã ấn hành tác phẩm.
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng nói với BBC rằng chủ đề cải cách ruộng đất lâu nay vẫn bị xem là nhạy cảm.
Nguyễn Khoa Đăng: Cuốn tiểu thuyết Nước mắt một thời nói lên sự phấn đấu của một thanh niên mới lớn gặp phải hoàn cảnh bấy giờ là cuộc cải cách ruộng đất xảy ra ở miền Bắc, một cuộc cải cách được coi là ‘long trời lở đất’.
Người thanh niên này do quan niệm bấy giờ là con những gia đình địa chủ thì không được vào đại học, thậm chí không được đi bộ đội. Nhưng rồi anh này đã liên tục phấn đấu và cuối cùng cũng trở thành một người có đóng góp cho xã hội, tức là anh trở thành một nhà báo, nhà văn. Anh ta trải qua quá trình phấn đấu như vậy để tự khẳng định mình.

BBC:Thưa ông, tiểu thuyết này có mang dáng dấp tự truyện của chính ông?
Nguyễn Khoa Đăng: Chỉ có một phần câu chuyện, còn những phần khác là xảy ra ở xã tôi. Ở trong truyện, có nhân vật ông bố bị xử lý oan sai trong cải cách ruộng đất bị tử hình nhưng gia đình tôi không đến nỗi thế. Ông bố tôi cũng bị xử oan một chút, bị tù một vài năm rồi được ra chứ không bị xử tử như người trong truyện.
BBC: Được biết là Nước mắt một thời đến được với độc giả không hề dễ dàng, cũng giống như Ba người khác của Tô Hoài và một số truyện khác cùng đề tài. Tác phẩm đã phải trải qua một chặng đường khá vất vả và lâu dài. Ông nghĩ sao về điều này?
Nguyễn Khoa Đăng: Cũng tại vì quan niệm cứ nghĩ về đề tài cải cách ruộng đất là xem nó ‘nhạy cảm’. Nhưng thực ra quyển này khác hẳn các quyển cải cách ruộng đất mà tôi đã đọc. Vì quyển này, giống như một lời nhận xét của NXB Công an nhân dân trước đây, đó là tác giả viết quyển này với không một chút hận thù mà rất ưu ái và nhân hậu. Nó không có tính chất mỉa mai, cay đắng, hận thù.
Tôi xem đây như một chuyện tất nhiên trong quá trình lớn lên của một con người, cũng có qua giai đoạn này giai đoạn nọ, có cơn sốt vỡ da, có những cơn sốt để lớn lên.
BBC: Đúng như ông vừa nói, tác phẩm không hề có thái độ hằn học đối với chính quyền hoặc bất cứ một thái độ mỉa mai, hận thù gì. Ông có nghĩ rằng, chính nhờ yếu tố này mà tác phẩm được duyệt và phát hành? Còn nếu chỉ có sự khách quan chân thực không thôi thì chưa đủ?
Nguyễn Khoa Đăng: Lúc đầu không được in, không được xuất bản vì một số biên tập viên của nhà xuất bản đồng tình nhưng các giám đốc nghĩ rằng đề tài cải cách ruộng đất là nên ngại chứ không phải do có hận thù gì. Tôi không có ý định lách liếc gì, sự thật thế nào tôi viết như thế.
BBC:Tại sao các giám đốc nhà xuất bản lại ngại ngần khi đặt bút ký giấy phép xuất bản quyển sách?
Nguyễn Khoa Đăng: Theo tôi thì chưa cần đọc nhưng cứ thấy đề tài cải cách ruộng đất là đã có những ‘để ý’, những chú ý ‘đặc biệt’ đến quyển sách khiến gây ra những khó khăn cho họ. Họ ngại những đề tài được coi là ‘nhạy cảm’.
BBC: Tại sao đã nhiều năm trôi qua mà đề tài vẫn ‘nhạy cảm’ đến như vậy?
Nguyễn Khoa Đăng: Có lẽ vì công cuộc cải cách ruộng đất ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân quá. Mà những người chứng kiến thời kỳ đó, như tôi chẳng hạn, vẫn còn sống, còn khỏe thì họ không muốn nhắc lại một thời kỳ đau thương.
BBC:Nhưng nếu chúng ta không nhìn lại quá khứ và rút ra bài học thì liệu có phải là một điều đúng?
Nguyễn Khoa Đăng: Vì thế tôi mới viết quyển sách này. Tôi thấy cần phải viết lại để con cháu tôi hiểu rằng đất nước đã trải qua một thời kỳ gian khổ và đau thương như thế, để mà phấn đấu sau này không cho phép lịch sử lặp lại một thời kỳ như vậy nữa.
BBC:Không chỉ trong tác phẩm của ông mà còn nhiều tác phẩm văn học, hồi ký khác cũng đều miêu tả thời kỳ cải cách ruộng đất ở Việt Nam giống như một thời kỳ ‘tôm lộn đầu’ và sự biến đổi trắng trợn nhân cách con người chỉ sau một đêm. Ông nghĩ sao về điều này?
Nguyễn Khoa Đăng: Đúng như thế. Trong quyển sách này tôi cũng nói về sự biến đổi sau một đêm. Hồi đó, một cậu (bằng tuổi tôi lúc đó – 15 tuổi) vừa hôm trước gọi bố tôi bằng ‘ông’ nhưng sáng hôm sau đã gọi bằng ‘thằng’ thì tất cả mọi người ngỡ ngàng, không hiểu làm sao mà lại thay đổi nhanh chóng như thế. Tôi nghĩ do quan niệm ấu trĩ của người nông dân rằng muốn đạp đổ vai trò đó thì phải dùng ngôn ngữ xưng hô như vậy.
BBC: Tuy nhiên, ngày hôm trước họ còn là những người bình thường, hiền lành, chất phác nhưng tại sao khi Đội về đến làng và chỉ sau một đêm, họ lại trở thành những con người hết sức tàn bạo như vậy? Chắc hẳn không chỉ tại vì những người nông dân này?
Nguyễn Khoa Đăng: Cũng không phải tất cả là vì nông dân mà những người lãnh đạo cuộc cải cách ruộng đất bấy giờ cũng là nông dân, nhất là các ông Đội mà trong quyển sách tôi đã miêu tả kỹ. Họ cũng là nông dân, từ nông dân mà đi theo cải cách.
BBC:Vậy theo ông, nếu những ông Đội này là những thành phần xuất thân tri thức hoặc là tư sản thì liệu có mắc nhiều sai lầm như vậy hay không?
Nguyễn Khoa Đăng: Theo ý tôi thì chắc là không.
BBC:Tại sao ở Việt Nam, những tác phẩm văn học phản ánh một số sai lầm trong công cuộc dựng nước sau giải phóng lại chưa được cấp phép để phát hành? Và theo ông dự đoán, còn bao nhiêu nhà văn với những bản thảo được coi là ‘chưa phải lúc’ và phải cất trong ngăn tủ?
Nguyễn Khoa Đăng: Tôi không biết nhưng cuốn của tôi được xuất bản kỳ này đã là một sự cởi mở rất lớn trong công tác xuất bản rồi.
Bởi vì cách đây hai năm, khi một số nhà xuất bản từ chối, tôi đã rất buồn và nghĩ rằng sẽ dặn vợ con khi nào tôi chết đi, năm nay tôi cũng suýt soát bảy mươi rồi, thì sẽ photocopy để khi đưa đám tôi sẽ tặng mỗi người một cuốn.
Nhưng mới có hai năm mà giờ đã khác hẳn. Tôi nghĩ không có nhiều bản thảo phải ‘cất’ đâu. Nếu quyển này được thì những quyển khác chắc không có gì. Còn những cuốn mà hay ‘ám chỉ’ thì theo tôi việc ngăn cản không có gì là sai. Theo tôi trong văn học không nên ‘ám chỉ’.
BBC:Như thế nào được gọi là những tác phẩm ‘ám chỉ’ thưa ông?
Nguyễn Khoa Đăng: Đó là những tác phẩm lấy nhân vật thật ngoài đời, đổi tên đi, lấy hành động họ ngoài đời, biến đổi đi chút xíu thì tôi gọi đó là văn học ‘ám chỉ’. Điều đó là phi văn học.


No comments:

Post a Comment