Monday, September 21, 2009

TƯ DUY SÁNG TẠO của NGƯỜI VIỆT & NHỮNG YẾU TỐ CẢN TRỞ


Tư duy sáng tạo của người Việt & những yếu tố cản trở
TS Hồ Bá Thâm và Đạo Trường
Thứ Hai, 21/09/2009
http://danluan.org/node/2710

Nhân đọc bài
Giáo dục bậc đại học ở Việt Nam: Khủng Hoảng và Phản Ứng, trong đó thống kê số lượng bằng phát minh của Việt Nam với con số 0 tròn trịa, tôi thấy sẽ thích hợp khi chúng ta cùng bàn về tư duy sáng tạo của người Việt ở đây.
Bài viết sau trích dẫn một phần từ bài
Người Việt Nam cần có tư duy sáng tạo của TS. Hồ Bá Thâm, kèm theo phản hồi từ độc giả Đạo Trường. Phản hồi này, theo tôi, đã nói lên tương đối đầy đủ những yếu tố cản trở tư duy sáng tạo của người Việt Nam.
Tiêu đề bài viết do người gửi đặt.

Bảng 2: Chỉ số Phát Minh Sáng Chế (Thống kê số lượng Bằng Phát Minh của các quốc gia trong vùng Đông Á - với Việt Nam nằm ở hàng cuối cùng với con số zero)
http://danluan.org/files/u2/90901honglinh2.jpg

Tư duy sáng tạo của người Việt
(trích dẫn từ bài viết của TS. Hồ Bá Thâm)
03:20' PM - Thứ tư, 19/08/2009
http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Tu-Duy/Nguoi_Viet_Nam_can_tu_duy_sang_tao/
Khi nói về con người Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã có nhiều công trình nghiên cứu các phẩm chất đạo đức như tinh thần yêu nước, đoàn kết, tính lạc quan yêu đời, tình nghĩa trong ứng xử… nhưng về các phẩm chất trí tuệ, nhất là phẩm chất sáng tạo, năng lực tư duy sáng tạo và những đòi hỏi gay gắt trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì quả là còn ít công trình nghiên cứu. Giáo sư Trần Văn Giàu, trong một công trình về giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam có một chương nói về sự sáng tạo của người Việt Nam trong lịch sử, dưới góc nhìn lịch sử (Xem: Trần Văn Giàu tuyển tập, Nxb. Giáo dục, tr. 398-414.). Ở đây, chúng ta cần đặt ra để nghiên cứu vấn đề đó cả ở tầm lý luận cơ bản và tầm ứng dụng.
Trong thời kỳ xây dựng, đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay đòi hỏi rất cao năng lực sáng tạo của con người Việt Nam hơn bất kỳ thời kỳ nào khác. Nhưng con người Việt Nam có tiềm năng sáng tạo hay không, mức độ sáng tạo ở mức nào? Làm sao để phát huy được tiềm năng sáng tạo đó? Đây là một hướng nghiên cứu sâu mà ở đây chỉ xin nêu ra như sự gợi ý bước đầu.
Khi nói về tiềm năng sáng tạo ta thường thấy các cấp độ hay mức độ như tiềm năng sáng tạo trong hành động thực tiễn (trong sản xuất và chiến đấu); tiềm năng sáng tạo trong tư duy (hoặc tiềm năng sáng tạo trong khoa học, nghệ thuật); cải tiến, phát hiện, phát minh trong công nghệ…
Năng lực sáng tạo là năng lực tạo ra cái mới về chất hợp quy luật. Những tiêu chí của trí sáng tạo, nhân cách sáng tạo là năng lực thích ứng, linh hoạt cao; tính độc lập hơn trong đánh giá, chống lại mọi sự áp đặt, gò ép; ý thức tự chủ và quyết đoán cao hơn… Còn trí thông minh chỉ là nhớ nhiều, tổng hợp giỏi, hệ thống khéo, xử lý linh hoạt. Thông minh là một cơ sở của trí sáng tạo nhưng thông minh chưa hẳn là sáng tạo. Chỉ có trí sáng tạo và nhờ vào hoạt động sáng tạo thật sự thì con người và xã hội mới phát triển cao hơn về chất. Bởi vì, thông minh chỉ là lặp lại một cách linh hoạt còn sáng tạo là đóng góp mới về chất, cao hơn trong quá trình sản xuất vật chất và tinh thần. Thông minh chưa hẳn trở thành nhân tài nhưng có năng lực sáng tạo thì đó là hạt nhân của nhân tài. Trong khi đó người ta lại đề cao sự thông minh nhưng ít đề cao sự sáng tạo. Hoặc nói về con người với tư cách là chủ thể sáng tạo (nghĩa là làm ra) nhưng ít nghiên cứu sâu năng lực sáng tạo (đổi mới, sáng chế, phát minh, phát kiến…) của con người nhất là về mặt khoa học thực nghiệm, khoa học cụ thể.
Một dân tộc hay một con người có nhiều sáng kiến, nhiều phát minh sáng chế, đạt được nhiều thành tựu to lớn, thúc đẩy cao sự phát triển về kinh tế, văn hóa xã hội là biểu hiện của năng lực, tiềm năng của trí sáng tạo được phát huy.
Vậy người Việt Nam ta quả là người có chỉ số thông minh cao, có trí nhớ và tính tổng hợp văn hóa khá cao. Đã có khá nhiều nhận định không sai là dân tộc Việt Nam ta có nhiều nhân tài, “có trí thông minh không hề thua kém” bất kỳ một dân tộc nào khác, hoặc “năng lực tư duy không kém ai”. Nhưng mức độ sáng tạo thì chưa được đánh giá rõ ràng, tuy vậy không thể phủ nhận con người Việt Nam không có năng lực sáng tạo.
Công việc đấu tranh và xây dựng nhiều thiên niên kỷ với những chiến công lẫy lừng và việc tạo dựng một nền văn minh trống đồng, nền văn hóa Lạc Việt nổi tiếng với việc tiếp biến các giá trị văn hóa ngoại lai với các giá trị văn hóa bản địa chứng tỏ điều đó. Dân tộc ta cũng là người có năng lực sáng tạo cao nhưng phát triển không đều. Trong chiến đấu đánh giặc và trong y học thì trí sáng tạo biểu hiện rất cao cả trong hành động và trong tư tưởng có tính lý luận. Hoặc trong nghệ thuật dân gian những sáng tạo của nhân dân ta cũng khá độc đáo thể hiện qua hệ thống các chuyện dân gian, các văn hóa vật thể. Nhưng trong sản xuất, xây dựng phát triển kinh tế, trong khoa học kỹ thuật, trong lĩnh vực xây dựng lý thuyết riêng thì còn nhiều hạn chế, ít có công trình lớn nổi bật.
...

Những yếu tố cản trở

(phản hồi của độc giả Đạo Trường)
http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Tu-Duy/Nguoi_Viet_Nam_can_tu_duy_sang_tao/

Suy cho cùng, về mặt thực tiễn, tất cả mọi chuyện liên quan đến hoạt động sống của con người đều bắt nguồn nhu cầu của mình. Muốn phát triển một suy nghĩ hay hành động nào đó thì cần phải tạo nhu cầu.Ví dụ: Tinh thần yêu nước, Tự do, Khát vọng, Đam mê, Hiểu biết, Hành động... như vậy đương nhiên sự sáng tạo cũng vậy, cũng bắt nguồn từ nhu cầu. Sẽ không ai có tinh thần yêu nước nếu không có nhu cầu về tinh thần yêu nước. Nhu cầu về tự do của ông Nguyễn Trần Bạt khác nhu cầu về tự do của một người lính ngoài hải đảo...
Xét trên bình diện thế giới, Việt Nam là một thành viên đang có nhu cầu rất lớn về tính sáng tạo. Nhưng xét trên bình diện xã hội Việt Nam thì mỗi thành viên (mỗi người) của xã hội không có nhu cầu về tính sáng tạo. Do đó không ai khao khát tìm kiếm sáng tạo cả và hậu quả cuối cùng là không có sản phẩm nào (về vật chất cũng như tinh thần) mang tính sáng tạo đặc sắc. Nguyên nhân cụ thể của việc tạo ra tình hình không có nhu cầu về sáng tạo đó là:

1/ Người có sáng tạo, không hơn gì người không có sáng tạo. Thường phải làm lính cho người không sáng tạo. Điều này cũng giống như người giỏi cũng không hơn gì người ngu. Ở Việt nam hay nhắc câu "Bằng cấp không bằng Bằng lòng". Cần xem lại cách dùng người. Nói cách khác, tôi xin nói với tất cả tấm lòng xây dựng: CƠ CHẾ DÙNG NGƯỜI TRONG THỜI GIAN QUA CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM LÀ CỰC KỲ SAI LẦM đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Tôi được biết các ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng đều đang hiểu rõ, bức xúc và họ cũng đang tích cực xúc tiến cải tiến cơ chế dùng người ở VN.

2/ Đời người có sáng tạo vẫn thua người không sáng tạo: Sự sáng tạo không giúp cải thiện đời sống bản thân và gia đình. Sự sáng tạo chưa thực sự là động lực, cách thức giúp người dân đổi đời. Ở Việt nam hay có câu: "Cần cù bù khả năng". Cần xem lại chính sách đãi ngộ người lao động. CƠ CHẾ LƯƠNG, PHÂN PHỐI PHÚC LỢI XÃ HỘI CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN QUA LÀ CỰC KỲ LẠC HẬU.

3/ Người sáng tạo hay bị cướp bằng sáng chế: Công trình nghiên cứu khoa học của lính bị Sếp đứng tên. Công trình nghiên cứu của bác sỹ bị giám đốc bệnh viện cướp, Công trình của các thầy trả bị giáo sư chủ nhiệm bộ môn cướp, thậm chí có giáo sư còn cướp công trình nghiên cứu [của học trò] giúp con mình - làm học trò chỉ còn biết "ngậm bồ hòn làm ngọt"... CƠ CHẾ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN QUA LÀ CỰC KỲ PHẢN KHOA HỌC VÀ BẤT CÔNG.

4/ Người sáng tạo chân chính cũng như người sáng tạo dỏm, vàng thau lẫn lộn. Quá nhiều công trình sáng tạo được khen ngợi, tặng huy hiệu sáng tạo, tâng bốc trên báo chí nhưng không có giá trị sử dụng trong thực tiễn. Sự sáng tạo thực chất là sự lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân. CẦN XEM LẠI NĂNG LỰC CỦA NHỮNG THÀNH VIÊN TRONG CÁC BAN KHEN THƯỞNG THI ĐUA CỦA CHÍNH PHỦ.

5/ Người sáng tạo có thể bị "chết" thảm. Người Việt thường dí dỏm "Cầm đèn chạy trước xe ô tô". Vụ một ông bí thư tỉnh uỷ sáng tạo khoán nông nghiệp chỉ được phục hồi danh dự sau khi chết là dẫn chứng điển hình. Muốn người dân có tinh thần sáng tạo thì các cán bộ lãnh đạo cao câp nhất phải có tinh thần sáng tạo, luật pháp nghiêm minh bảo vệ người sáng tạo.

6/ Trong một thời gian dài, tính sáng tạo, tính đổi mới không trở thành tiêu chuẩn quan trọng quyết định đề bạt và duy trì vị trí xã hội. Chúng ta cũng hay được nghe " Sống lâu lên lão làng" và đã lên rồi thì cứ tà tà mà sống, không ai mất chức vì không có tính sáng tạo cả. Biết gữ mồm giữ miệng tốt hơn là biết sáng tạo (ếch chết tại miệng mà!).

7/ Những người Thầy ở Việt nam còn ít chủ động sáng tạo. Nền giáo dục Việt nam không tạo ra những con người sáng tạo mà chỉ là những con người biết vâng lời. Ngay từ tuổi mẫu giáo, lớp một trường phổ thông các cháu đã học được kinh nghiệm ngoan ngoãn nghe lời (kể cả giả tạo) sẽ nhận được điểm tốt.

8/ Có những ý tưởng sáng tạo tốt nhưng rất khó, thậm chí không thể thực hiện thành kết quả thực tiễn ở Việt nam. Điều này do trình độ khoa học kỹ thuật của xã hội và con người Việt Nam còn thấp. Khoa học thực tiễn không theo kịp khoa học tư duy, thực tiễn không song hành được với lý luận. Ví dụ, đường lối phát triển đất nước theo kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa là rất sáng tạo, cực kỳ thông minh vì nó hợp hoàn cảnh lịch sử và khôn khéo vận dụng triết lý sắc sắc không không . Bản chất là theo tư bản mà đồng thời thực chất là không theo tư bản, hội nhập mà không hội nhập, theo Trung quốc mà không theo Trung quốc, theo Mỹ mà không theo Mỹ, hài hoà gữa cái riêng Việt nam và cái chung Nhân loại. Tôi e rằng với trình độ và phẩm chất của các cán bộ cơ sở như thời gian qua thì đường lối chiến lược này khó mà thực hiện được.

9/ Các cơ quan thông tin, báo đài không giúp người Việt có tâm lý tôn trọng người lao động có trình độ, có khả năng sáng tạo. Họ ngợi ca các hoa hậu, thần tượng "Vàng Anh" chứ không thần tượng các nhà khoa học. Qua vụ scandal Vàng Anh còn cho thấy có những người làm công tác văn hoá cực kỳ dôt nát và vô văn hoá. Báo chí say sưa nêu tin tiêu cực để đấu tranh chống tiêu cực làm mất hài hoà giữa đấu tranh và xây dựng. Từ đó chuyện tiêu cực trở thành quen tai bình thường đối với xã hội. Nguy hiểm hơn nữa là những vụ tiêu cực báo chí phanh phui không được pháp luật giải quyết cho công minh. Thông tin báo chí không khéo như thế vô tình tạo nhân sinh quan lệch lạc trong giới trẻ, nhiều người họ không thiết tha với sáng tạo, đạo đức... mà chỉ là tiền, quyền và hưởng thụ.
Nói tóm lại, muốn dân tộc Việt Nam có tinh thần sáng tạo cao, chúng ta (từ nhà nước đến mỗi người dân) phải làm cho sáng tạo là nhu cầu bắt buộc để đời người tốt hơn.




No comments:

Post a Comment