Monday, September 21, 2009

ĐẠI HỌC ĐẢNG CẤP QUỐC TẾ : DỄ NÓI KHÓ LÀM


Dễ nói khó làm
Mỹ Xuân
Viết cho BBCVietnamese.com từ London
Cập nhật: 15:26 GMT - thứ sáu, 18 tháng 9, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/09/090918_international_university.shtml
Tôi cho rằng nhiệt tình vay mượn mô hình đại học ‘đẳng cấp quốc tế’ của Hoa Kỳ nhưng lại coi nhẹ tính lịch sử và thể chế chính trị của mô hình này có thể là một giá rất đắt Việt Nam phải trả.
Đang có một trào lưu trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng về việc nâng cấp một số đại học trong nước lên ‘đẳng cấp quốc tế’.

Dễ nói
Từ năm 2005 đến nay, Việt Nam đã chủ động tranh thủ hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ đồng thời đề ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy việc xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam “theo mô hình mới, đạt chuẩn quốc tế”.
Sau đây là một vài cột mốc chính liên quan đến cuộc chạy đua vào bảng xếp hạng đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam:
Tháng 6/2005: Thủ tướng Phan Văn Khải chính thức đặt vấn đề với trường Đại học Harvard về việc hỗ trợ Việt Nam phát triển trường đại học đẳng cấp quốc tế và đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có vài đại học nằm trong ‘top 200’.
Tháng 6/2006: Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định số 145/2006/QĐ-TTg về chủ trương thành lập đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam.
Tháng 6/2007: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Hoa Kỳ và tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Hoa Kỳ để xây dựng đại học hàng đầu ở Việt Nam.
Tháng 6/2008: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký biên bản ghi nhớ với Hoa Kỳ về việc thành lập vài trường đại học Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tổ Công tác phụ trách đề tài này đang soạn đề án trình chính phủ.
Mới đây, vào tháng 6/2009: Việt Nam tuyên bố vay 400 triệu đôla Mỹ từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á châu để xây dựng bốn trường đại học theo tiêu chuẩn quốc tế. Bốn trường này bao gồm Trường Đại học Việt - Đức, trường Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội, trường Đại học Đà Nẵng và Đại học Cần Thơ.
Theo thông tin dự án từ Ngân hàng Thế giới, các trường đại học này sẽ hoạt động theo mô hình giống như các trường đại học tầm trung ở Hoa Kỳ hoặc Châu Âu nằm trong bảng xếp hạng 300 trường đại học hàng đầu thế giới. Đặc điểm chính của mô hình này là hoạt động tự chủ, tập trung vào nghiên cứu (ít nhất 20-30% ngành học là ở bậc sau đại học), và được quản lý theo kiểu doanh nghiệp (entrepreneurial management). Theo đó, các trường đại học sẽ phải thay đổi cách quản lý để trở nên tích cực và chủ động hơn trong việc tìm kiếm dự án nghiên cứu và nguồn ngân sách mới ngoài nhà nước để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của mình.

Khó làm
Cái khó thứ nhất là thời gian. Cái khó thứ hai là cơ chế. Những cái khó khác (tài chính, nhân sự, v.v) đã được bàn cãi trong thời gian qua, theo thiển ý của tôi, đều chưa đề cập đến hai vấn đề mấu chốt này.
Hoa Kỳ có một bề dày lịch sử hình thành và phát triển các trường đại học hơn 200 năm. Trong suốt quá trình đó, quốc gia này đã hình thành nên một hệ thống các trường đại học bao gồm nhiều tầng lớp các mô hình đại học khác nhau, vừa được vay mượn từ các nước Châu Âu, vừa được thành lập theo nhu cầu thực tế phát triển kinh tế-xã hội trong các thời kỳ. Mô hình trường đại học Harvard chẳng hạn, được vay mượn trực tiếp từ Đại học Cambridge của Anh từ thế kỷ XVII. Các trường đại học nghiên cứu khoa học kỹ thuật hàng đầu của Hoa Kỳ như MIT, Johns Hopkins cũng được ‘xuất khẩu’ từ Đức sang từ cuối thế kỷ XIX. Trong thế kỷ XX, Hoa Kỳ phát triển ồ ạt mô hình đại học cộng đồng nhằm mở rộng cơ hội học đại học cho nhiều đối tượng khác nhau trong một quốc gia đa sắc tộc. Nói tóm lại, bất cứ trường đại học nào trong ‘top ten’ mà Việt Nam đang thầm ngưỡng mộ đều đã trải qua nhiều lần ‘lột xác’, chuyển đổi từ nhiều mô hình đại học khác nhau như đã nói ở trên để có được vị thế đại học nghiên cứu hiện đại hàng đầu thế giới ngày nay.
Bên cạnh đó, từ thuở ‘ban sơ’ đến nay, nhà nước liên bang Hoa Kỳ chưa bao giờ nắm quyền kiểm soát trực tiếp hoạt động của các trường đại học. Ý định thành lập một ‘Đại học quốc gia’ của các vị tổ tiên lập quốc đều bất thành. Việc quản lý điều hành trường đại học luôn mang tính độc lập tương đối. Can thiệp từ nhà nước liên bang luôn mang tính gián tiếp, trên cơ sở tôn trọng quyền tự do hoạt động của các trường đại học, và nhằm mục đích tạo động lực khuyến khích các trường đại học cạnh tranh, phát triển những thị trường giáo dục mới. Ví dụ, Dự luật cấp phát đất của nhà nước trong thế kỷ thứ XIX quy định các trường đại học phải dùng ngân sách thu được từ việc bán đất để đầu tư vào giảng dạy các môn khoa học kỹ thuật mới. Ngân sách nghiên cứu khoa học của nhà nước từ thời Chiến tranh thế giới đến nay đều được phân bổ theo cơ chế cạnh tranh, công khai. Do đó, có thể nói, những tính chất như tính thị trường, độc lập trong hoạt động và tự do học thuật đã ăn sâu vào tận gốc rễ của các trường đại học Hoa Kỳ và là hệ quả của một thể chế quản lý theo kiểu tư bản chủ nghĩa.
Việc vay mượn và phát triển mô hình đại học Hoa Kỳ không dễ thực hiện một sớm một chiều ở Việt Nam – nơi chịu nhiều ảnh hưởng từ các truyền thống giáo dục đại học khác nhau như Trung Quốc, Pháp, và Liên bang Sô-viết cũ; nơi mà cơ chế quản lý vẫn còn mang nặng tính tập trung và kiểm soát nhà nước cao độ.

Trước sau bất nhất?
Mới đây, ngày 15 tháng 9 năm 2009, ngày Quyết định 97 về việc ban hành các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ đi vào hiệu lực. Nội dung chính của Quyết định này nhằm kiểm soát việc phản biện công khai “đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”, đồng thời quy định chặt chẽ các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ cá nhân được phép tổ chức hoạt động.
Quyết định này dường như trái ngược hẳn chủ trương xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam đạt trình độ cao về phát triển khoa học kỹ thuật, dựa trên tiêu chí tự chủ và chịu trách nhiệm cao về quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức nhân sự và tài chính. Các trường đại học đẳng cấp quốc tế còn được khuyến khích tạo mối liên kết chặt chẽ với đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước, theo Quyết định số 145/2006/QĐ-TTg.
Trong bối cảnh chính sách nhà nước về phát triển khoa học kỹ thuật ở cấp độ cá nhân và tổ chức còn thiếu nhất quán như vậy thì mục tiêu Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng 200 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2020 ngày càng xa tầm tay.

Kết:
Vay mượn mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ và xem đó như là ‘thần dược’ để cứu chữa tình hình khủng hoảng giáo dục đại học ở Việt Nam là một vấn đề hết sức phức tạp. Trường đại học là một thể chế hữu cơ, gắn liền với chế độ chính trị, kinh tế, xã hội của một quốc gia. Việt Nam không thể vay mượn mô hình các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ mà bỏ qua những vấn đề quan trọng liên quan đến vai trò của nhà nước trong việc tạo ra cơ chế để các trường đại học hoạt động, hoặc coi nhẹ yếu tố lịch sử hình thành nên các trường đại học hàng đầu thế giới ngày nay.

Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, đang học thạc sĩ về Chính sách và Quản lý Giáo dục ở London.

Bấm Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả.



Việt Nam dự định tới năm 2025 sẽ xây dựng 5 trường Đại học quốc tế




No comments:

Post a Comment