Thursday, September 24, 2009

LÝ LUẬN CON BỌ XÍT


Lý luận con bọ xít
Phạm Trần

Đăng ngày 24/09/2009 lúc 14:50:06 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4160
Không ai biết nhóm chữ “Lý luận con bọ xít” do ai đặt ra và từ bao giờ, nhưng ý nghĩa của nó thì quá rõ: Đó là thứ lý luận nặng mùi khó ngửi, quá khích, cực đoan, một chiều, độc tài, trù dập, chụp mũ và phủ nhận đối thoại để tìm ra lẽ phải.
Loại lý luận này đã xuất hiện thường xuyên, trong thời gian gần đây, do báo Quân Đội Nhân Dân chủ xướng được gọi là: Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hoà bình”.

Mục tiêu các bài viết của các tác giả, phần đông từ Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự - Bộ Quốc Phòng, là nhằm bảo vệ con người và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ nghĩa Mác-Lênin và chống lại những người có tư tưởng dân chủ, cổ động đa nguyên, đa đảng, suy tôn các quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, đòi Nhà nước tôn trọng quyền làm chủ đất nước của nhân dân và bảo vệ quyền chủ hữu tài sản, đất đai của người dân và của các tổ chức quần chúng.
Nhưng bên cạnh việc đua nhau lập công với đảng thì các tác giả này cũng rất mau mắn tạo ra nhiều “loại mũ” như “các thế lực thù địch”, “tay sai cho các tổ chức phản động của người Việt ở nước ngoài”, hay “diễn biến hoà bình” để chụp lên đầu những người đấu tranh và muốn góp ý xây dựng với đảng và nhà nước.

Tỉ dụ gần nhất như bài viết của tác giả Tâm Việt trên báo Quân Đội Nhân Dân ngày Chủ Nhật, 20/09/2009 nhằm phản bác lại bài viết
Đổi mới Đảng để tránh sụp đổ của tác giả Thiện Ý (Tống Văn Công), nguyên Tổng Biên tập các báo Lao Động Mới, Công Nhân Giải Phóng, báo Lao Động của đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Tống Văn Công có 50 năm tuổi Đảng, nhưng nay đã nhìn thấy đảng của ông phạm quá nhiều sai lầm và những cán bộ lãnh đạo lại tiếp tục đi con đường ngược chiều với thời đại để kìm hãm tiến bộ và đưa đất nước đến nguy cơ bị ngoại xâm.
Tâm Việt viết: “Thực tế, đằng sau những lời “góp ý ” đó là một tư tưởng thù địch biểu hiện ở một loạt vấn đề được sắp xếp theo một trục lô-gích xuyên suốt, mà theo họ: “Đảng Cộng sản Việt Nam, tuy có một vài công trạng, nhưng do sai lầm về con đường đã lựa chọn, nên đã đẩy dân tộc Việt Nam vào ngõ cụt. Đã đến lúc cần phải “đổi mới Đảng” - một sự đổi mới tiến tới thủ tiêu Đảng”. Một sự thủ tiêu không chỉ bằng sự xoá bỏ Điều 4 của Hiến pháp 1992, mà là một sự thủ tiêu theo hướng xóa bỏ tận gốc sự hiện diện của Đảng với tư cách là một thực thể, theo phương thức “xóa bỏ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa”.

Bài báo của Tâm Việt được báo Quân Đội Nhân Dân đặt tựa
“Mưu đồ thâm hiểm phía sau lời “góp ý” không nêu đích danh ông Thiện Ý Tống Văn Công, nhưng ai đọc cũng biết chủ ý là chỉ trích và phủ nhận ý kiến của đảng viên kỳ cựu này.

Tâm Việt cáo buộc Ông Tống Văn Công: “Thực chất họ muốn tạo ra một lực lượng chính trị khác ngoài Đảng cộng sản đảm trách vai trò lãnh đạo xã hội, mưu toan thiết lập một hệ thống đa đảng theo mô hình các nước tư bản chủ nghĩa!
Thâm hiểm hơn, nhằm dùng một mũi tên bắn trúng cả hai đích, tác giả đã đưa ra các phân tích thiếu căn cứ nhằm đối lập Đảng Cộng sản Việt Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối lập lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc, đối lập mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội... Mục tiêu cuối cùng của tác giả là phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam...”
“…Rõ ràng, điều họ muốn là dân tộc Việt Nam từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Họ muốn xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng luôn hoàn thành xuất sắc vai trò lãnh đạo suốt gần 80 năm qua. Đó chính là mục tiêu của chiến lược "diễn biến hoà bình" mà họ cho rằng là nỗi lo sợ quái gở! Vậy thì đằng sau sự góp ý của họ là gì ai cũng đã hiểu.
Sự tàn bạo và xảo trá chưa bao giờ là hệ giá trị của văn minh nhân loại. Mưu đồ xấu xa đằng sau những lời "góp ý" của những người tự cho là có "thiện ý" đó nhất định sẽ bị vạch trần. Không khó để mỗi người Việt Nam nhận rõ chân tướng và mưu đồ đen tối của họ”.

Bài viết của Tâm Việt được Ban Tuyên giáo Trung ương đăng lại để phổ biến cho cán bộ, đảng viên học theo chủ đề Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hoà bình”, nhưng họ lại không biết rằng càng ra công bảo vệ “chủ nghĩa xã hội” và nói rằng chế độ hiện nay là do “nhân dân ta đã lựa chọn” thì càng bị người dân xa lánh vì chưa bao giờ người dân Việt Nam, sống dưới chế độ Cộng sản được tự do cầm lá phiếu quyết định cho tương lai chính trị cho mình.
Mọi cuộc bầu cử từ Hội đồng Nhân dân Xã lên tới Quốc Hội đều do Mặt trận Tổ Quốc của đảng quyết định để hoàn tất nhiệm vụ “ đảng cử dân bầu” nên bài viết của Tâm Việt tưởng như để phản biện lại hóa ra phản tuyên truyền.

Vậy đảng viên Thiện Ý Tống Văn Công đã đưa ý kiến với đảng của ông như thế nào?

Trong bài viết được chuyền tay nhau đọc ở trong nước trước khi được sửa chữa để phổ biến ở nước ngoài, Ông Tống Văn Công đã kêu gọi đảng “Đổi mới Đảng, tránh nguy cơ sụp đổ”.

Trước nhất, nói về nguy cơ ngoại xâm, ông cảnh giác: “Tổ quốc Việt Nam đang đứng trước hai hiểm hoạ: giặc ngoại xâm và giặc nội xâm. Mọi người Việt Nam yêu nước có trách nhiệm tìm đường đưa dân tộc thoát khỏi hai hiểm hoạ đó. Chúng ta đã từng gọi một cách chính xác “bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh là kẻ thù trực tiếp nguy hiểm”. Những hành động lấn lướt khiêu khích gần đây ở Biển Đông chứng tỏ bản chất của chúng không hề thay đổi.”
“Hai mươi năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết sức cố gắng xây dựng với Bắc Kinh mối quan hệ “đồng chí” kèm theo “16 chữ vàng” (do Giang Trạch Dân đặt ra, Lê Khả Phiêu tán thành đưa vào Tuyên bố chung tháng 2-1999): “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Mấy năm sau lại bổ sung “tinh thần 4 tốt”: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Để tỏ lòng trung thành với mối quan hệ đó, Nhà nước Việt Nam đã bắt bớ những công dân của mình xuống đường biểu tình với khẩu hiệu “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”. Đó là thủ đoạn ngoại giao khôn khéo hay chỉ là sự đớn hèn? Tình trạng này còn kéo dài bao lâu? Rồi bằng cách nào để có thể thực hiện được di chúc thiêng liêng của Đức Trần Nhân Tông: “Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác!”? Không làm được điều đó, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thoát khỏi trách nhiệm trước lịch sử là đã để đất đai thấm máu cha ông lọt vào tay giặc.”

Sau khi gọi tình hình “tham nhũng là bệnh của cả hệ thống”, ông viết tiếp: “Hậu quả là niềm tin của nhân dân đối với Đảng nhiều lần bị hẫng hụt. Dù vậy đến nay vẫn chưa phải như đánh giá của nhà văn Đào Hiếu: “Trừ một số tư sản mại bản, tư sản đỏ,… thì đại đa số nhân dân Việt Nam đều căm ghét chế độ hiện nay”. Nếu nhận định đó là đúng thì sự sụp đổ của chế độ đã không thể cưỡng được. Đó có thể là tình trạng những năm 80, khi khủng hoảng kinh tế, xã hội chưa có lối ra.”

Thứ hai, nhận xét về đường lối lãnh đạo “nước đôi’ của đảng, Tác giả Thiện ý nói thẳng: “Chính vì chỉ “đổi mới” chứ không chịu “trở lại như cũ” cho nên những người lãnh đạo Đảng Cộng sản luôn luôn ngập ngừng, cứ hai bước tiến lại một bước lùi, chỉ vì sợ bị mất độc quyền lãnh đạo. Ở đây xẩy ra cuộc đấu tranh giữa những người muốn Đổi mới toàn diện mạnh mẽ như Trần Xuân Bách, Trần Độ với lực lượng bảo thủ muốn ghìm lại, nhất là ở lĩnh vực chính trị. Dù gì thì Đổi mới đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược. Hệ thống chuyên chính vô sản cũng mềm đi chứ không cứng rắn được như trước. Ví dụ, trong vụ giới trí thức kiến nghị dừng dự án Bauxite Tây Nguyên, ban đầu đã có ý đe dọa, gán cho tội chịu ảnh hưởng của bọn phản động, nhưng rồi đã phải lùi lại. Một trang Web Bauxite Việt Nam có danh sách gần 3000 người ký tên trong 8 đợt kiến nghị, có hàng trăm ý kiến phản biện sắc bén, được hàng triệu người truy cập, quả là một hiện tượng chưa từng có”.

Thứ ba, khi kể đến tính nhu nhược làm ô nhục dòng máu Lạc Hồng của lãnh đạo đảng và nhà nước trước các mánh khoé bành trướng “đàn anh” Trung Quốc, ông Thiện Ý Tống Văn Công không ngần ngại nói rằng: “Do “ngu trung” với ý thức hệ, Đảng Cộng sản Việt Nam không rút được bài học nhầm lẫn chọn bạn đồng minh, đã tiếp tục phạm sai lầm lớn hơn ở cuộc gặp Thành Đô năm 1990, cầu hoà với Bắc Kinh trong thế yếu. Từ đó, hai kẻ thù mang mặt nạ “đồng chí”, giả vờ kết giao trên “16 chữ vàng”. (Do quá phẫn nộ trước hành động ngang ngược gần đây của nhà cầm quyền Bắc Kinh, nhân dân đã nhại lại thành 16 chữ đen là “Láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, cướp biển lâu dài, thôn tính tương lai”). Nhầm lẫn trước năm 1954 còn có thể thông cảm, nhưng từ khi Bắc Kinh liên tục gây chiến tranh biên giới với tất cả quốc gia láng giềng Ấn Độ, Liên Xô, Việt Nam mà vẫn còn cho rằng “từng là xã hội chủ nghĩa với nhau vẫn tốt hơn” thì thật là mù quáng. Năm 1974 chúng đã chiếm Hoàng Sa, năm 1984 chúng bất ngờ tập kích Lão Sơn giết chết 3.700 chiến sĩ Việt Nam, năm 1988 chúng chiếm đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa, giết chết 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam. Chúng liên tục lấn tới, lập cơ quan hành chính Tam Sa gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, liên tiếp bắn giết, cướp thuyền, bắt ngư dân chúng ta đánh cá trên vùng biển của mình. Những ai có trái tim yêu nước đều cảm nhận chúng chỉ chực chờ thời cơ để đánh úp chiếm đoạt cả Trường Sa của chúng ta!
Từ tháng 3 năm 2009 đến nay, cả nước sôi sục một phong trào đòi hủy bỏ dự án Bauxite mở đường cho hùm dữ vào nhà. Các bậc đại công thần của chế độ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, các Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Lê Văn Cương và hàng ngàn trí thức đã lên tiếng cảnh báo những người có trách nhiệm lãnh đạo đất nước phải thức tỉnh. Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, trong “Bài học bất ngờ từ Trung Quốc” đã viết: “Năm 2008, tập đoàn Tân Tạo đưa Trung Quốc vào quần đảo Nam Du xây dựng cảng than. Cũng năm 2008, Đài Loan thành công với dự án xây dựng khu luyện thép bên vịnh Sơn Dương.
Cuối năm 2008, việc xây dựng nhà máy luyện nhôm Tân Rai, Nhân Cơ giúp Trung Quốc gài quả bom bùn độc trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Nếu một ngày nào đó thực hiện kịch bản chiến tranh bất ngờ như năm 1979, họ sẽ nổ quả bom bùn đã gài sẵn ở Tân Rai làm các tỉnh miền Đông và thành phố Hồ Chí Minh chết khát. Họ chiếm Sơn Dương – Hà Tĩnh, chặn cả đường biển lẫn đường bộ từ Nam ra Bắc. Họ chiếm quần đảo Nam Du cắt đường biển quốc tế đến Việt Nam. Một tình huống vô cùng nguy khốn đang hiện ra trước mắt ta đó!”

Thế rồi tác giả đặt thẳng vấn đế sống còn của đất nước và dân tộc với đảng: “Tổ quốc cấp thiết đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải lựa chọn giữa hai con đường: Tìm đồng minh cho dân tộc hay là giữ “đồng chí” cho Đảng. Thật ra thì bọn bành trướng Bắc Kinh đâu có xem Đảng Cộng sản Việt Nam là đồng chí. Cách hành xử trịch thượng của họ đối với ta giống như minh chủ đối với chư hầu! Nếu không mau chóng trả lời dứt khoát câu hỏi trên, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ càng ngày càng bị mất niềm tin của dân tộc và càng lâm vào thế kẹt.”

Nhận định về các quyền tự do căn bản của người Việt Nam đã bị đảng và nhà nước chà đạp ra sao, nhà báo Thiện Ý viết: “Các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền của nhân loại tiến bộ khi vào Việt Nam đều phải co lại cho vừa cái khung xã hội chủ nghĩa. Cách hiểu, cách làm của Việt Nam trái với các văn kiện quốc tế về quyền con người mà Nhà nước Việt Nam đã cam kết thực hiện. Năm nào Việt Nam cũng bị lên án vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền và bị xếp hạng vào cuối bảng của các nước trên thế giới. Phản ứng của Nhà nước Việt Nam luôn luôn là “Nhận thông tin sai lạc với thực tế Việt Nam”, hoặc “can thiệp vào nội bộ Việt Nam”, nặng nề hơn nữa là “âm mưu của các thế lực thù địch hòng chống phá Việt Nam”. Chúng ta chấp nhận hội nhập với cộng đồng nhân loại, làm bạn với tất cả các nước, nhưng lại không đồng ý với người ta về những giá trị phổ biến của nền văn minh nhân loại là: xã hội công dân, sở hữu tư nhân, nhà nước pháp quyền và chế độ dân chủ đại nghị. Chủ nghĩa xã hội thế giới đã thất bại vì phủ định những giá trị phổ biến đó, cố tìm những giá trị khác (xã hội toàn trị, công hữu, kế hoạch hóa quan liêu bao cấp, chuyên chính vô sản, dân chủ tập trung xã hội chủ nghĩa) hòng thay thế, rồi lâm vào ngõ cụt và bị sụp đổ!”

Ngoài những nhận định nêu trên, tác giả Thiện Ý cũng đưa ý kiến kêu gọi đảng CSVN xét lại việc cứ giữ mãi điều 4 Hiến pháp phản dân chủ vì điều này dành độc quyền lãnh đạo cho đảng CSVN là nguyên nhân gây chia rẽ Dân tộc.

Ông bảo: “Đổi mới Đảng, từ bỏ ý thức hệ cộng sản sẽ là phép màu san bằng rào cản, hoà giải hoà hợp với 3 triệu đồng bào ở nước ngoài, những người yêu nước, có tri thức, có tấm lòng, nhưng không tán thành chủ nghĩa cộng sản và bị ám ảnh rất nặng nề bởi nỗi oán hận từ quá khứ. Từ đây sẽ không còn những cuộc biểu tình chống đối chính quyền trong nước, ngăn cản bà con muốn về xây dựng quê hương. Từ đây các em sinh viên ưu tú du học ở các nước tiên tiến, tiếp thụ các lý tưởng dân chủ không còn nỗi bức xúc, quay ra hoạt động chính trị đối lập với Nhà nước rồi lâm vào cảnh tù tội oan uổng.”

Nhưng những lời trần tình ngay thẳng của một đảng viên có tới 50 năm tuồi đảng như ông Tống Văn Công lại bị quy buộc có “Mưu đồ thâm hiểm” hay “mưu đồ đen tối ”.
Nhưng trù dập kiểu bôi nhọ này không chỉ có bài viết của Tâm Việt mà còn nhan nhản trong nhiều bài khác trên báo Quân Đội Nhân Dân, tiêu biểu như Trần Ngọc Tuệ, Đại tá, Tiến sĩ thuộc Viện Khoa học Xã hội - Nhân văn quân sự, Bộ Quốc Phòng.

Ông Tuệ huênh hoang: “Thời gian gần đây các thế lực thù địch dồn dập tung ra trên các mạng thông tin điện tử và thông qua một số cơ quan báo chí nước ngoài những tài liệu truyền bá quan điểm sai trái, bịa đặt, vu cáo với những thủ đoạn tinh vi, thâm độc nhằm gieo rắc sự hoài nghi về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, hòng làm lung lạc ý chí, xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta vào mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Chúng cho rằng muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, điều trước hết cần làm mở các chiến dịch làm xói mòn lòng tin của nhân dân ta vào con đường xã hội chủ nghĩa, vào sự lãnh đạo của Đảng. Chúng cho rằng muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, điều trước hết cần làm mở các chiến dịch làm xói mòn lòng tin của nhân dân ta vào con đường xã hội chủ nghĩa, vào sự lãnh đạo của Đảng. ... Chúng hô hào đòi bỏ điều 4 Hiến pháp quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Lợi dụng việc Đảng ta công khai tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực, chúng tìm mọi cách tổng hợp, thổi phồng những sai lầm, khuyết điểm của cá nhân cán bộ, đảng viên, gieo rắc sự hoài nghi, tâm lý bất mãn, sự bất bình trong các tầng lớp nhân dân, gây mâu thuẫn, chia rẽ nhân dân với Đảng. Núp dưới chiêu bài đấu tranh cho “dân chủ”, “tự do”, “công bằng xã hội” chúng thành lập các tổ chức phản động để tập hợp, lôi kéo quần chúng, phát triển lực lượng chống lại Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.”.
( Báo QĐND, 20/9/2009)

Ngoài ra nhiều tác giả quân đội khác còn lên án các linh mục Công giáo tại xứ đạo Thái Hà, Tam Toà và Loan Lý đã xúi giục tín đồ tụ tập, biểu tình đòi đất, đòi tài sản là cố ý gây xáo trộn và có ý đồ xấu chống lại nhà nước.

Tác giả Minh Tâm đã chứng minh thái độ thù nghịch này trong bài viết viết trên báo Quân Đội Nhân Dân ngày 24/08/2009: “Núp dưới các chiêu bài đấu tranh đòi "công lý", "sự thật", các linh mục Nhà thờ Thái Hà ngày càng cố tình can dự trái phép vào các hoạt động chính trị, trái với chức trách, bổn phận của các linh mục; luôn tìm cách "hình sự hóa", "chính trị hóa", "quốc tế hóa" các vụ việc vi phạm pháp luật, không những chẳng làm trọn bổn phận công dân, nguy hiểm hơn, họ luôn tìm cách chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ giữa chính quyền với nhân dân... Nhưng dù núp dưới chiêu bài gì và điên cuồng đến đâu, hơn 6 triệu đồng bào Công giáo và hơn 80 triệu đồng bào cả nước vẫn luôn tỉnh táo, nhận rõ chân tướng của những kẻ lợi dụng dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hòng thực hiện các mưu đồ xấu xa.
Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng trước những hành vi vi phạm pháp luật ngày một nghiêm trọng của một số linh mục Nhà thờ Thái Hà, dư luận đòi hỏi cần phải nghiêm trị để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân.

Nhưng hiện tượng người của đảng nay công khai đứng ra chống đảng như trường hợp ông Tống Văn Công, hay thái độ bất hợp tác để chống đảng kiểm soát tư tưởng của 16 nhà trí thức trong nhóm Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) do các ông Giáo sư Hoàng Tuỵ và Tiến sĩ Nguyễn Quang A đứng đầu, hoặc quyết tâm chống khai thác bauxite ở Tây Nguyên của trên 10 ngàn trí thức của 2 nhóm Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và của các Tu sĩ Dóng Chúa Cứu Thế là những biến cố mới đang làm cho đảng CSVN mất ăn mất ngủ.

Ngoài ra cũng còn phải kể đến thái độ cương quyết và dứt khoát bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc ở Biển Đông của các thành phần trí thức trẻ ở trong và ngoài nước cũng đang làm cho các ngòi bút cực đoan trong Quân đội và Ban Tuyên giáo Trung ương hung hãn hơn trong các lời cáo buộc và xuyên tạc của họ.

Nhưng tất cả các quan điểm và hành động đối lập với đảng CSVN đang ngày một lên cao ở trong nước cho thấy thái độ chính trị phản kháng để “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” ngay trong lòng chế độ đã vô hiệu hóa kế hoạch “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hoà bình” của tờ Quân Đội Nhân Dân.

Phạm Trần
24/09/2009
© Thông Luận 2009


No comments:

Post a Comment