Thursday, September 24, 2009

HAI CÁI CHÊT "BẤT ĐẮC KỲ TỬ" (của Bửu Chỉ và Thái Ngọc San)


Hai cái chết “bất đắc kỳ tử”
Phan Đức
18.09.2009
http://damau.org/archives/8819
Hoạ sĩ Bửu Chỉ và nhà thơ Thái Ngọc San đã lần lượt qua đời với một tính cách hơi giống nhau. Vốn là hai sinh viên tranh đấu “chống Mỹ cứu nước” trước 1975 của Đại học Huế nhưng sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng sản Bắc Việt, khả năng hội họa của Bửu Chỉ và thơ văn của Thái Ngọc San chỉ được xử dụng một thời gian ngắn ở tòa soạn tạp chí Sông Hương, và số phận của họ trở thành một bi kịch đáng ngờ xảy ra sau đó.

Theo Nguyễn Khắc Phê, từng làm chủ nhiệm tạp chí Sông Hương (ra đời năm 1983), họa sĩ và nhà thơ gặp phải một biến cố đáng buồn mà Nguyễn Khắc Phê nhắc lại trong bài viết nhan đề “Về một ‘sự cố’ của tạp chí Sông Hương” đăng trong tạp chí Sông Hương số 233 tháng 7-2008:
…Tôi cũng xin nhắc lại một “sự cố” hồi tôi làm tổng biên tập.
Kể cũng buồn…cười, vì vụ này chỉ là sáng kiến của họa sĩ Bửu Chỉ mở một chuyên mục mới – một cuộc chơi – cũng có thể một cuộc thi – ‘Nhờ đặt tên tranh’…
Cho đến nay,bức tranh vẫn chưa có tên chính thức vì cuộc thi đặt tên không có hồi kết, để cho gọn, ta cứ gọi là bức tranh ‘Tay chân’ .


Có điều là bức tranh này được độc giả đặt những tên nhằm phê phán khá gay gắt một số quan chức mà Nguyễn Khắc Phê kể ra như sau “Chân dung người đồng thời: không tim không óc, chỉ có bàn tay vơ vét và cái chân chạy chọt “ hay “Chân lấm tay bùn, dân vẫn khổ – đầu tắt mặt tối, quan vẫn tham” hay “Chân dung kẻ nịnh thần và quy luật tiến hóa của các ngài… quan liêu” v.v.
Nguyễn Khắc Phê viết tiếp :
…Không ngờ có ai đó với đầu óc tưởng tượng siêu hạng nhưng tai quái đã tung ra dư luận một cái tên, đúng là tên đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lúc đó, nếu nói lái. Thế là sinh chuyện! Cả toà soạn bất ngờ. Trí tuệ dân gian vẫn thường sản sinh ra những điều bất ngờ, chọc nghịch phạm thượng như thế. Nhưng khốn nỗi là không ít người lại nghĩ rằng họa sĩ và Tổng biên tập có ý “chơi” đồng chí Bí thư! Ở đất nưóc này, đây là điều không ai cho phép… (sic).
…Cũng từ đó, Bửu Chỉ và Thái Ngọc San (thư ký Tòa soạn) rời tòa soạn, từ bỏ tất cả các chức vụ kể cả lương bỗng.

Sau cái gọi là “sự cố” (rất đáng buồn chứ cười gì nổi) trên đây, Bửu Chỉ và Thái Ngọc San bị ra rìa. Bửu Chỉ được mô tả là “đột ngột” qua đời nhưng cái chết của ông không được ghi rõ nguyên nhân gì. Còn Thái Ngọc San bị tử nạn do xe đụng trong khi ông di chuyển bằng xe đạp. Hai cái chết đầy khả nghi. Cũng nên biết rằng Bửu Chỉ là người khẳng định Trịnh Công Sơn viết nhạc không nhằm phục vụ cho một “isme” nào cả (nghĩa là không phải vì chủ nghĩa nào hết, ông muốn phủ nhận những ý kiến khác gán ghép cho Trịnh Công Sơn viết nhạc cho cách mạng Cộng sản). Trong khi đó, Thái Ngọc San viết bài “Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha: thực hay giả?” để nói lên sự nghi ngờ bức thư gửi Ngô Kha không phải do Trịnh Công Sơn viết. Khởi đầu, bức thư do Nguyễn Trọng Tạo cho đăng ngày 12-4-2004 trên tờ Báo Thơ, một phụ bản của báo Văn Nghệ-Hội Nhà Văn. Do tờ báo không trích nguồn của bức thư nên Thái Ngọc San nghi ngờ là một bức thư rất quan trọng như thế tại sao “tờ báo lại cho đăng mà không kèm theo bút tích hoặc thủ bút của tác giả, cũng không hề có một dòng về xuất xứ của nó…”. Thái Ngọc San viết “thư có ba đoạn (hay dòng) bị lược bỏ và thư chỉ ghi năm 1974 mà không có ngày tháng” trái với thư thông thường!

Bài viết của Thái Ngọc San đăng trên báo Thanh Niên online số ra ngày 25-6-2004 như sau:
Thư của Trịnh Công Sơn đoạn mở đầu viết ‘Kha, lá thư nhận được sau cùng của Kha gửi từ Huế vào, mình còn nhớ một điều: Kha không chịu lánh mặt một thời gian dù đã bị hăm dọa’. Đọc đoạn này, tôi cảm thấy ngờ ngợ vì vào thời gian bức thư ra đời (1974, theo ghi chú ở cuối thư) là lúc Ngô Kha đã bị ngụy quyền thủ tiêu (lúc bấy giờ gọi là mất tích).
Thứ hai tôi còn ngờ ngợ hơn nữa khi đọc một số từ, cụm từ trong bức thư vốn rất xa lạ với Trịnh Công Sơn trước năm 1975 như ‘tiêu diệt tự do tư tưởng’, ’tập thể nhân dân’, ’vấn đề tổ chức cơ cấu’…

Theo Thái Ngọc San thì ông quen biết Trịnh Công Sơn và “thân thiết như ruột thịt” với Ngô Kha từ năm 1968. Họ cùng viết báo Tự Quyết năm 1970 với một số sinh viên Huế khác. Thái Ngọc San cho rằng nếu thư này do Trịnh Công Sơn viết thì gia đình họ Trịnh thế nào cũng biết. Thực tế, họ không biết. Hai ngày sau bài viết trên thì có bài (viết ngày 27-6 ) của Lê Minh Quốc trên Thanh Niên online ngày 28-6-2004 phản bác ý kiến của Thái Ngọc San về thời điểm bức thư của Trịnh Công Sơn khi ông cho rằng năm 1974, Ngô Kha “mất tích” nên không thể kết luận “chết”. Tuy nhiên, theo hoạ sĩ Đinh Cường, người thân quen cả Trịnh Công Sơn lẫn Ngô Kha thì ông cho là Ngô Kha đã chết năm 1973 (Xem Website TCS Home). Dĩ nhiên, ”chết” tức là mất hết liên lạc cũng giống như “mất tích” là mất tung tích thì làm sao lại có thư từ trao đổi giữa Ngô Kha và Trịnh Công Sơn một cách công khai như thế. Công khai bằng ngôn ngữ chính trị cộng sản trong giai đoạn hoạt động bí mật là điều quá vô lý!

Đối với ý kiến nghi ngờ của Thái Ngọc San về một số từ, cụm từ rất xa lạ với Trịnh Công Sơn thì Lê Minh Quốc bắt bẻ rằng “ai dám quả quyết trước 1975, anh Sơn chưa một lần tiếp xúc với Việt cộng nằm vùng…”. Cái lý lẽ này không vững, tiếp xúc là sự gặp gỡ, giao thiệp ở bên ngoài chứ chưa đến mức có thể thay đổi tư tưởng hay phong cách một nghệ sĩ sáng tác độc lập như Trịnh Công Sơn. Hơn nữa,trong số những kẻ nằm vùng đó không có ai nắm giữ trọng trách lớn đến mức ra lệnh cho Trịnh Công Sơn phải mạt sát công khai nhà cầm quyền bằng những ngôn từ chính trị lộ liễu qúa xa lạ với nhạc sĩ họ Trịnh. Vả lại, hoạt động nằm vùng là làm việc bí mật của một tình báo, một điệp viên nên lời ăn tiếng nói phải hết sức tránh chưởi mắng thậm tệ như thế kẽo chính quyền Việt Nam Cộng Hòa có cớ bắt giam theo pháp luật. Thời kỳ trước 1975, những kẻ nằm vùng thường hoạt động theo kiểu “ném đá giấu tay” hoặc núp dưới vỏ bọc đấu tranh dân chủ, đòi tự do tôn giáo v.v… đôi khi phải đội lốt nhà tu hành, ngay cả giả vờ đóng vai người nhiệt liệt chống cộng v.v… Thậm chí những cán bộ nằm vùng bị bắt như Hà Mạnh Trí, Vũ Hạnh v.v… hay trao trả sau Hiệp định Paris như Huỳnh Tấn Mẫm thì họ không bao giờ nhận là làm việc cho VC cả. Do đó,những lý lẽ mà Lê Minh Quốc đưa ra trong bài viết như là “…Việt cộng và ‘cán bộ nằm vùng’ nào ở đâu xa, ở ngay trong đám bạn bè thân cận nhất của anh Sơn như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Võ Quê, Ngô Kha, Thái Ngọc San v.v…” là một lối nói hoàn toàn viễn vông, không phù hợp và thiếu thực tế khi họ phải hoạt động trong môi trường đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật Việt Nam Cộng Hòa ở giai đoạn có cuộc đối đầu giữa 2 ý thức hệ cộng sản và tư bản.

Trong nhóm sinh viên học sinh cùng viết báo Tự Quyết nói trên, Thái Ngọc San và Ngô Kha có xu hướng Cộng sản rõ rệt nên Thái Ngọc San thoát ly từ 1972 còn Ngô Kha hoạt động nội thành trong Mặt trận Văn hoá dưới sự điều động trong bóng tối của Thành Ủy Huế. Điều đáng nghi ngờ nhất là lẽ ra khi Trịnh Công Sơn còn sống, bức thư gán cho Trịnh Công Sơn phải được đăng lên để Trịnh Công Sơn xác nhận hay phủ nhận mình là tác giả. Thế mà ngược lại, bức thư gửi Ngô Kha chỉ được đăng báo sau khi Trịnh Công Sơn qua đời năm 2001, nghĩa là ba năm sau!

Phải chăng sau khi bị “thất sủng” rồi thôi việc làm báo ở Tạp chí Sông Hương, họa sĩ Bửu Chỉ và nhà thơ Thái Ngọc San cảm thấy buồn cho tình đời mà chán… sống hay vì một lý do đặc biệt nào đó mà không ai được phép nói trong chế độ xem báo chí và truyền thông là công cụ tuyên truyền bị Đảng CSVN kiểm soát chặt chẽ từng ly từng tí? Hai cái chết “bất đắc kỳ tử” nói trên vẫn là vấn đề và tác giả bức thư gửi Ngô Kha vẫn còn mờ mờ, mịt mịt, chưa rõ ràng gì vì lý lẽ phản bác của Lê Minh Quốc thiếu tính thuyết phục! Phải chăng bức thư được gán cho Trịnh Công Sơn gửi Ngô Kha là một dạng THƯ NGỎ do ai đó viết rồi ghi tên Trịnh Công Sơn hầu lợi dụng tên tuổi nhạc sĩ họ Trịnh mà tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng sản?
Phan Đức

-------------------------------------

2 bình luận

Cyclo! Cyclo! viết:
Những chuyện nhuốm màu “thâm cung bí sử” hay “huyền thoại” ở Việt Nam rất nhiều. Do lẽ, sự thật luôn bị bưng bít, che đậy. Sẽ còn rất nhiều điều theo thời gian được soi sáng vì sự thật dù có bị nhốt kín cỡ nào cũng có ngày được mở ra.
PS: Nói cho rõ thêm chuyện bức tranh “tay chân” của họa sĩ Bửu Chỉ, người ta suy diễn đó là chỉ ông Vắng Thủ (không đầu) – tức Vũ Thắng, Bí Thư tỉnh ủy lúc bất giờ. Ông này có “vắng thủ” thật không thì không rõ. Nhưng chuyện sau đây là thật 100%: Trong một dịp dự khai giảng tại Trường Quốc Học Huế, ông phát biểu: Ngày xưa tôi không được đi học(như các em học sinh?), giờ tôi làm lãnh đạo… TV phát lên, bà con bàn tán khá lâu. Còn đây là giai thoại, không rõ thực hư: Một lần ông “Tay Chân” thăm trường mầm non Hoa Mai ở đường Đống Đa – Huế, dặn dò các cô giáo: các cô phải luôn chú tâm dạy dỗ bởi các cháu tiểu nhân thường rất khó dạy. Tiểu nhân theo ý ông “tay chân” là người nhỏ. Chuyện dân gian sống lâu lắm nên giờ nhiều người vẫn nhớ và không chỉ là vài ba chuyện. Hẹn bữa nào có dịp sẽ hầu độc giả coi chơi.
- 18.09.2009 vào lúc 7:58 pm



Hà Thủy viết:
Nếu hiểu rằng chết” bất đắc kỳ tử” trong bài của ông Phan Đức là bất ngờ, không tự nhiên và hình như nghi ngờ có sự tác động của ngọai nhân thì tôi cho rằng e không phải nếu tính đến “thời gian tính” và sự ảnh hưởng của 2 người trên đối với xã hội cho dù chỉ trong phạm vi Huế. Cứ cho là bị thất sủng như lời ông N.K Phê nói thì đến khi chết cũng hơn mười năm và trong chừng mười năm ấy 2 ông cũng chẳng có hoạt động gì gọi là nặng nề đến mức phải nghi ngờ. Tôi cho rằng bị thất sủng là sự may mắn cho 2 ông ấy. Nếu không chắc họa sĩ Bửu Chỉ cũng cứ vẽ, triển lãm nhưng những tác phẩm chắc cũng nhạt nhòa như bao họa sĩ quốc doanh khác và nhà thơ Thái ngọc San rồi cũng cứ làm những bài thơ nhàn nhạt mỗi độ “kỷ niệm” về. Theo như tôi biết qua báo chí và qua bạn bè họa sĩ Bửu Chỉ bị chết vì đột quị ở tuổi gần 60 và nhà thơ Thái ngọc San chết vì tai nạn giao thông (không chết liền,sau khi điều trị về nhà mấy tháng sau tái phát chết). Riêng tác giả bức thư TCS gởi Ngô Kha thì hầu như ai cũng nghĩ là đồ “dỗm”, lý chứng mạnh nhất là suốt 25 năm trước khi nhạc sĩ TCS chết việc không đưa ra bức thư là điều khá lạ vì nếu đưa ra thì nội dung chẳng có gì mà e ngại (có chăng là sợ TCS phủ nhận). Lý do đưa ra mới là một “nghi vấn” kỳ lạ cho mọi người.
- 19.09.2009 vào lúc 4:38 pm


No comments:

Post a Comment