Thursday, August 20, 2009

VĂN CHƯƠNG TRONG ÂM NHẠC CỦA VĂN CAO


Văn chương trong âm nhạc của Văn Cao
Trọng Đạt
Đăng ngày 19-8-2009
http://danchimviet.com/articles/1389/1/Vn-chng-trong-am-nhc-ca-Vn-Cao/Page1.html
Theo ý kiến các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật, trong các bộ môn nghệ thuật, văn chương được coi như có trình độ cao nhất vì nó diễn tả được những tư tưởng sâu sắc, những tâm tình sâu kín nhất của con người, kế đến điện ảnh, kịch nghệ, âm nhạc, hội hoạ và sau cùng là kiến trúc vì nó không nói lên được gì cả. Âm nhạc cũng được coi là một nghệ thuật cao, nó rung cảm được người thưởng thức, có thể làm cho con người thành ủy mị bằng những bản tình ca, cũng có khi thúc đẩy ta bằng những hành khúc hùng hồn.

Nhạc cổ điển Tây phương từ thời Baroque thế kỷ thứ 17 và thời kỳ Cổ điển thế kỷ thứ 18, 19 phần nhiều chỉ sáng tác những bản không lời, mặc dù là nhạc không lời nhưng nghệ thuật của họ đã đạt tới nghệ thuật rất cao. Tân nhạc Việt nam có từ thập niên 30 lại đặc biệt chú trọng cả nhạc lẫn lời, những bản nhạc hay đều cân đối và hoàn chỉnh cả về hai phương diện nhạc và lời thí dụ như Con Thuyền Không Bến, Hòn Vọng Phu, Thiên Thai...

Mấy năm trước, hãng Asia đã thực hiện đĩa nhạc DVD kỷ niệm 75 năm âm nhạc Việt nam, bản đầu tiên trong chương trình là Thiên Thai của Văn Cao, tự nhiên chúng tôi nhớ lại những bản nhạc, giai thoại và tài nghệ của người nhạc sĩ nổi danh này.

Văn cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh 15-11-1923 mất 10-7-1995, sau hôm ấy tại Dallas một tờ báo Việt Ngữ đăng tin.
"Nhạc sĩ Văn Cao vừa tạ thế tại Hà Nội, đây không phải chỉ là sự mất mát của riêng người Hà Nội mà là của tất cả mọi người Việt vô cùng yêu quí tài nghệ của ông"

Nói đến Văn cao, những người yêu quí âm nhạc đều ngưỡng mộ thiên tài của ông. Mặc dù Văn Cao theo Việt Minh kháng chiến từ 1945, đã từng là trưởng ban ám sát tại Hải Phòng, đã nằm ở bên kia chiến tuyến nhưng ở hải ngoại cũng như ở Miền Nam trước 1975 người ta vẫn phải công bằng với ông, người đã để lại cho nền âm nhạc Việt nam những viên ngọc vô cùng quí giá. Văn cao thật là một thiên tài hiếm có, từ năm 1939 mới 16 tuổi ông đã sáng tác được bản nhạc đầu tay bất hủ Buồn Tàn Thu, hai năm sau 1941, mới 18 tuổi ông soạn bản Thiên Thai, năm 1942, 19 tuổi soạn Bến Xuân, năm 1943, 20 tuổi viết Trương Chi.
Từ những năm đầu của thập niên 50, hồi ấy còn ở lứa tuổi thiếu nhi, chúng tôi đã được nghe và đã hát những bản Thiên Thai, Đàn Chim Việt, Suối Mơ, Trương Chi... Theo một người sống ở thời đó kể lại trên một bài báo đăng tại Dallas năm 1995, Văn Cao là nhạc sĩ hàng đầu tại hậu phương hồi kháng chiến, Phạm Duy là ca sĩ hàng đầu và Văn Cao đã hướng dẫn Phạm Duy soạn nhạc. Từ đầu thập niên 50 tại Hà Đông - Hà Nội thuộc chính phủ Quốc Gia và Pháp, người ta vẫn cho hát nhạc Văn Cao không kỳ thị mặc dù ông đã theo Việt Minh.

Trước 1975 tại Sài Gòn một số bản nhạc Văn Cao vẫn được trình diễn thu băng như Bến Xuân, Thiên Thai, Buồn Tàn Thu... khoảng năm 1965, lần đầu tiên được nghe Buồn Tàn Thu qua giọng ca cao vút của Thái Thanh chúng tôi rất lấy làm xúc động tưởng như nghe tiếng gió thu lướt qua, tiếng lá vàng rơi sào sạc. Mặc dù nhạc Văn Cao đã vượt trội lên trên nhiều bản từ trước đến nay nhưng dần dần nó đã bị chìm vào quên lãng. Tại ngoài Bắc từ sau 1956, Văn Cao vì liên hệ đến nhóm Nhân Văn Giai Phẩm nên gần như đã bị cách ly với xã hội, đó là một lối tù giam lỏng, nhạc của ông bị cấm hát mãi sau này nhờ đổi mới họ đã cho hát lại.

Tại hải ngoại khoảng 1995 chúng tôi có được xem cuốn băng Văn Cao, Giấc Mơ Một Đời Người do hãng phim Trẻ thực hiện tại Sài Gòn năm 1994, gồm tám bản nhạc xưa của ông: Suối Mơ, Thiên Thai, Buồn Tàn Thu, Cung Đàn Xưa, Thu Cô Liêu, Đàn Chim Việt, Trương Chi, Sông Lô do các ca sĩ Sài Gòn như Ánh Tuyết, Hồng Nhung, Lan Ngọc, Tịnh Quyên, Cao Minh trình bầy. Kỹ thuật ghi âm còn lạc hậu, ca sĩ hát trên trung bình, cảnh trí có vẻ nghèo nàn, hòa âm sơ sài, riêng có bản Trương Chi do Ánh Tuyết hát là có nghệ thuật cao. Hồi đó biết là Văn Cao sắp mất nên người ta vội thực hiện một băng nhạc về ông cũng như đặt sẵn một áo quan cho người sắp về chầu ông bà ông vải.
Năm sau 1995 Văn Cao mất, tại Sài Gòn hãng phim Trẻ lại thực hiện một bộ phim nữa lấy tên Buổi Sáng Có Trong Sự Thật, gồm tám bản: Làng Tôi, Suối Mơ, Buồn Tàn Thu, Tình Ca Trung Du, Bến Xuân, Ngày Mùa, Mùa Xuân Đầu Tiên, Trương Chi, trong đó bản Tình Ca Trung Du và Mùa Xuân Đầu Tiên làm sau này. Một hôm cùng xem băng Văn Cao với vợ chồng một người bạn, anh chị cũng thích âm nhạc, ca hát, họ nói.
Nhạc Văn Cao siêu hơn nhạc Phạm Duy nhiều, hay hơn nhiều.

Hồi 1995 tại Hải Ngoại người ta cũng thu băng nhạc Văn Cao do Quỳnh Dao và Mai Hương hát, cái chết của Văn Cao đã khiến người ta làm sống lại âm nhạc của ông, lai rai trong vài cuộn băng, đĩa thỉnh thoảng người ta cũng có trình bày một hai bản nhạc Văn Cao như Buồn Tàn Thu, Thiên Thai. Cách đây vài năm nhân gặp lại mấy người bạn cũ, có một anh rất hâm mộ Văn Cao cứ khen lấy khen để với chúng tôi.
- Khi mình xem hai cuộn băng Văn cao ấy mới thấy thật không ngờ con người trông rất tầm thường mà có thể làm được những bản nhạc hay như thế, Văn Cao đáng thầy của nhiều nhạc sĩ đương thời.

Trên đây chỉ là những ý kiến cá nhân, có thể đúng, có thể sai. Chúng tôi tôn trọng ý kiến cá nhân của mọi người.
Trong bài này chúng tôi xin được trình bầy cùng quí vị về giá văn chương trong các bản nhạc tiền chiến Văn Cao, vì phạm vi giới hạn của bài viết chúng tôi chỉ đề cập tới bốn bài tiêu biểu hay nói đúng hơn bốn bài nổi tiếng được chú ý nhất của ông : Thiên Thai, Bến Xuân, Trương Chi, Buồn Tàn Thu.

Mở đầu băng nhạc Văn Cao “Giấc Mơ Một Đời Người” do hãng Trẻ thực hiện năm 1994. người nhạc sĩ tài danh nói.
"- Tôi là một cái người luôn luôn thất bại về tình yêu, cái thất bại này là bởi vì tôi là người không giỏi về cách tôi giao lưu với những người đàn bà, mà lại đối với những người đẹp tôi lại càng bối rối, tôi không bao giờ nói được với người ta, thì tôi bèn nói trong thơ thôi".

Bởi thế nhạc lãng mạn của ông là sự gửi gấm chút tình riêng, một chút tình cảm câm lặng được diễn bằng nhạc bằng thơ văn, nhạc lãng mạn của ông có tính lạc quan yêu đời như Thiên Thai, Bến Xuân, Suối Mơ... mà cũng thể hiện những bi kịch như Trương Chi, Buồn Tàn Thu.

Mở đầu chương trình 75 Năm Âm Nhạc Việt Nam của hãng Asia, Bản Thiên Thai được trình diễn êm dịu, du dương, trìu mến với tiếng hát của ca sĩ Lâm Nhật Tiến. Trước đây chúng tôi đã được nghe Thái Thanh, Hà Thanh, và gần đây Thanh Lan, và ca sĩ trong nước Ánh Tuyết trình bầy. Nhưng lần này khi nghe người ca sĩ trổi giọng du dương êm dịu để diễn tả một bản nhạc được coi như hay nhất trong nền tân nhạc Việt Nam, chúng tôi tưởng như đang lênh đênh trên sóng nước lạc vào thế giới của Bồng lai tiên cảnh. Những cô gái phụ diễn trong những chiếc áo dài trắng mang những cành đào tươi thắm chạy múa vòng quanh sân khấu khiến cho ta tưởng như được thưởng ngoạn vũ khúc Nghê Thường của bầy tiên nữ trên thiên giới Đào Nguyên. Thiên Thai mở đầu chương trình đã sáng ngời lên như một vì sao làm lu mờ tất cả những bản kế tiếp và như thế Thiên Thai đã xứng đáng là bản nhạc bất hủ nhất của nền âm nhạc Việt Nam từ thập niên 30 đến nay, lạ thay nó được sáng tác vào lúc Văn Cao mới mười tám tuổi.

Thiên Thai, Trương Chi, Hòn Vọng Phu... là những truyện cổ tích Việt Nam thuộc loại văn chương truyền miệng, chỉ có một ít được biên thành sách như Truyện Cổ Nước Nam của Nguyễn Văn Ngọc và gần đây Truyện Cổ Tích Nước Nam của Trần Lam Giang. Chúng tôi có được đọc trong cuốn truyện ngắn nổi tiếng Legendes des terres sereines của Phạm Duy Khiêm, viết bằng tiếng Pháp năm 1942, được giải thưởng Văn Chương Đông Dương, người ta cũng nói những truyện ấy nhiều khi xuất phát tự bên Tầu.

Trong cuốn băng Giấc Mơ Một Đời Người, Văn Cao nói về bản Thiên Thai của ông như sau.
"- Tại sao tôi nói đến Thiên Thai là bởi vì một nơi một cõi nào đó người ta coi như đất hứa mà cái đất hứa ấy thì không ai tìm được trên cái cõi thế gian này, đi tìm mãi trong những cái hoài niệm của mình tuổi thanh niên thì nhớ ra rằng có lần tìm ra được".

Có người cho rằng Văn Cao ám chỉ trước đây ông đã theo Việt Minh, mang nhiều lý tưởng yêu nước sau vỡ mộng coi đó chỉ là huyền thoại.
Thiên Thai là truyện huyền thoại về hai chàng lãng tử Lưu, Nguyễn lênh đênh trên sóng nước lạc lối vào chốn bồng lai tiên cảnh Đào Nguyên, được các tiên nữ ca múa vũ khúc Nghê Thường, dâng tặng hai trái đào thơm... hoa tiên gặp bướm trần gian. Lưu, Nguyễn trên tiên cảnh lâu ngày rồi cũng nhớ trần gian muốn trở về. Các tiên nữ bảo một ngày trên cõi tiên bằng một trăm năm hạ giới, hai chàng về trần rồi sẽ không trở lại được Đào Nguyên, nhưng họ nhất định xuống trần. Khi về đến nơi thì họ hàng bà con không còn ai cả, không ai biết các chàng là ai, họ bảo có nghe nói tổ tiên mấy đời có tên như thế, hai chàng trở lại Đào Nguyên nhưng không tìm lại được, về sau cả hai biệt tăm biệt tích không còn ai nghe nói tơi Lưu Nguyễn nữa.

Văn Cao đã diễn tả huyền thoại lãng mạn ấy như thế này.
"Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng, nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên. Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên, theo gió tiếng đàn xao xuyến, phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền, mấy cung trìu mến, như nước reo mạn thuyền. Âm ba thoáng rung cánh đào rơi nao nao bầu sương khói phủ quanh trời. Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền nan quê hương dần xa lấp núi ngàn, bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền, ai hát trên bờ Đào Nguyên.
Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian, có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần, thiên tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm, khúc Nghê Thường đây đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn.
Đèn soi trăng êm, nhạc lắng tiếng quyên, đây đó nỗi lòng mong nhớ, này khúc Bồng Lai, là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi, đàn xui ai quên đời dương thế, đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên. Thiên Thai ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian, ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần...
Gió bắt trầm tiếng ca, tiếng phách dồn lắng xa, nhắc chi ngày xưa đó đến xe buồn lòng ta, Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn, cùng bầy tiên đàn ca bao năm. Nhớ quê chiều nào ra khơi, chắc không đường về tiên nữ ơi, Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trở về, tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao, nhớ khi chiều tà trăng lên, tiếng ca còn rền trên cõi tiên".

Nét họa của Văn cao đã dựng lên một cảnh tĩnh chốn trần gian y như một bức tranh thủy mạc của Tầu.
"... Âm ba thoáng rung cánh đào rơi nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền nan quê hương dần xa lấp núi ngàn..."

Ông diễn tả hoạt cảnh Lưu Nguyễn lạc vào chốn Bồng Lai với tiếng hát trên bờ Đào Nguyên, tiếng đàn tiếng nhạc hoà theo bầy tiên nữ ca múa vũ khúc Nghê Thường khiến ta có cảm tưởng như đang ngất ngây thưởng thức tiếng đàn chơi vơi giữa chốn Bồng Lai tiên cảnh.

"Này khúc Bồng Lai, là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi, đàn ai xui ai quên đời dương thế đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên..."
Văn Cao đã hoà mình vào bản nhạc để diễn tả tiếng ca vang rền trên cõi tiên khiến ta tưởng như Lưu Nguyễn đã nhập vào người nhạc sĩ vì chính ông đã nói "đi tìm mãi trong những cái hoài niệm của tuổi thanh niên thì nhớ ra rằng có lần tìm ra được". Vậy đã có lần ông tìm ra Đào Nguyên! thế nên Khi Văn Cao lìa trần báo Sài Gòn đã đăng tin với cái tựa thật nên thơ thi vị "Tống Biệt Lưu Nguyễn Về Trời" vì họ cho rằng Văn Cao chính là hiện thân của hai chàng Lưu Nguyễn.

Thế giới lãng mạn trong Thiên Thai là một thế giới thi vị, thanh cao, những mối tình chốn Bồng Lai tiên cảnh, nơi mà hoa tiên đã gặp bướm trần gian nhưng với Bến Xuân một áng văn thơ lãng mạn của một mối tình trần thế, về bản nhạc dạt dào tình cảm này ông đã nói.
"- Tôi yêu một người con gái mà tôi không ngỏ lời với người ta, họ hiểu và đến với tôi nên có câu "em đến tôi một lần". Cái đó là một cái mối tình câm mà để lại cho người đời một bài hát, thế thôi, không có gì cả".

Sự thực không phải chỉ để lại cho người đời một bài hát như nhạc sĩ đã khiêm tốn nói thế, mà là để lại một tình khúc lãng mạn tuyệt diệu cho nền âm nhạc Việt Nam.

"Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước em đến tôi một lần, bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân, từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ù u ú, cành đào hoen nắng chan hoà, chim ca thương mến chim ngân xa u ù u ú, hồn mùa ngây ngất trầm hương.
Dìu nhau theo dốc suối nơi ven đồi, còn thấy chim ghen lời âu yếm, tới đây chân bước lòng ngập ngừng mắt em như dáng thuyền soi nước, tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.
Sương mênh mông che lấp kín non xanh, ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân, ai tha hương nghe réo rắt oanh ca, cánh nhạn vào mây thướt tha, lưu luyến tình vừa qua".


Văn Cao cũng là nhà họa sĩ, con người đa tài như ông có nét bút điêu luyện đã phác hoạ cho ta thấy một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp của Tầu, một phong cảnh thật hữu tình ngoạn mục với làn sương mênh mông che kín non xanh, cánh buồm nâu, những lớp sóng xuân, từng đàn én liệng đầy trời. Những lời thơ gợi tình cho ta cái cảm tưởng nghe tiếng chim kêu ríu rít trên bến xuân và nhất là một mối tình thanh cao thi vị, chính cái mối tình câm đó ông không dám thốt lên lời cùng người đẹp để rồi đưa hết cả tâm tình vào trong văn thơ nên áng văn mới phong phú bay bướm tuyệt vời như thế.
Hồi ấy Bến Xuân bị kết án là tiểu tư sản "tạch tạch sè" nên người nhạc sĩ đã phải đổi lời thành Đàn Chim Việt, nhưng cho tới nay Bến Xuân vẫn được các danh ca hát đi hát lại. Trước 1975 giọng ca cao vút của Hà Thanh qua Bến Xuân đã rung cảm bao người yêu nhạc, rồi Khánh Ly và ca sĩ trong nước Ánh Tuyết, Cao Minh… cũng đã diễn lại cho khán thính giả mối tình lãng mạn tuyệt diệu của Bến Xuân.

Thiên Thai, Bến Xuân diễn tả một thế giới lãng mạn thi vị dạt dào tình cảm yêu đời của Văn Cao, thế nhưng bi kịch cũng chiếm phần quan trọng trong thế giới tình cảm của người nhạc sĩ tài hoa. Tình yêu của ông nên thơ huyền ảo như Thiên Thai, bay bướm như Bến Xuân và cũng ngang trái bi thảm đầy nước mắt như Trương Chi, Buồn Tàn Thu... những bi kịch của đời người, của những kẻ ôm mối hận tình.

Về Trương Chi, nhạc sĩ nói.
"- Tôi viết bài này để nói cái tình cảm của đời tôi, mình chỉ có một mình, không còn sống với lại những cái quá mơ mộng của cuộc đời không đạt được".

Theo ông bản nhạc diễn tả tình cảm của đời mình, Văn cao đã một thời mơ mộng ôm ấp những lý tưởng yêu nước mà sau này ông cho đó chỉ là những ảo tưởng xa vời, những ước mơ không bao giờ đạt được, khi tỉnh ngộ thì đã quá trễ. Không riêng Văn Cao mà biết bao nhiêu những người ái quốc chân chính khác đã ôm ấp những lý tưởng cao xa cuối cùng mộng vàng tan vỡ làm trăm mảnh, khi ấy họ chỉ thấy toàn là dối trá.

Truyện Trương Chi có người nói xuất phát tự bên Tầu. Anh Trương Chi chèo đò trên sông có tiếng hát rất hay nhưng người thì thật xấu xí, hàng ngày thổi sáo ca hát trên sông. Cô Mỹ Nương con quan thừa tướng ngày ngày cấm cung ở gần bờ sông cảm tiếng hát của anh rồi tương tư sinh bệnh. Nhà quan biết vậy bèn cho gọi anh Trương Chi đến, Mỵ Nương thấy bộ mặt xấu xí của Trương Chi thì tỉnh mộng và hết bệnh.
Trớ trêu thay, thấy nhan sắc diễm lệ của công nương, Trương Chi lại tương tư ngày đêm, cái tình yêu tuyệt vọng ấy khiến anh lâm bệnh thác, đến khi cất mả trái tim anh chàng chèo đò lại kết thành một khối ngọc thạch. Tình cờ nhà quan thừa tướng mua được khối ngọc ấy rồi sai đem tiện ra thành bộ ly tách để uống uống trà. Một hôm Mỵ Nương bưng ly trà lên thì lạ thay trong ly nước lại hiện ra hình anh chàng chèo đò với tiếng hát nỉ non như thuở nào, nàng cảm động rơi lệ xuống tách trà tức thì nó bể tan thành tro bụi.

Cụ Nguyễn Du đã diễn tả truyện tình bi thảm ấy bằng hai câu thơ.
"Nợ tình chưa trả cho ai.
Khối tình mang xuống Tuyền đài chưa tan"

Và ông Phạm Duy Khiêm đã dịch ra tiếng Pháp như sau.
"Tant que la dette d'amour demeurre
Au Pays des Sources, la pierre d'amour ne peut fondre"

Truyện tình đầy nước mắt đó đã được Văn Cao diễn tả như sau:
"Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ.
Trầm trầm không gian mới rung thành tơ.
Vương vấn heo may hoa yến mong chờ.
Ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ
Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang.
Chập chùng đêm khuya thức ai phòng loan.
Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng.
Đây đó từng song he hé đợi đàn.
Tây hiên Mỵ nương khi nghe tiếng ngân hò khoan mơ bóng con đò trôi. Giai nhân cười nép trăng sáng lả lơi, lả lơi bên trời. Anh Trương Chi, tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung, anh thương nhớ, oán trách cuộc từ ly não nùng.
Đò trăng cắm giữa sông vắng, gió đưa câu ca về đâu, nhìn xuống đáy nước sông sâu, thuyền anh đã chìm đâu, từng khúc nhạc xa vời, trong đêm khuya dìu dặt tiếng tơ rơi, sương thu vừa buông xuống bóng cây ven bờ sao, mờ xoá dòng sông, ai qua bến giang đầu tha thiết, nghe sông than mối tình Trương Chi, dâng úa khi trăng về khuya bao tiếng ca ru mùa thu.
Ngoài song mưa rơi trên bao cung đàn. Còn nghe như ai nức nở và than. Trầm vút tiếng gió mưa. Cùng với tiếng nước róc rách ai có buồn chăng? Lòng bâng khuâng theo mưa đưa canh tàn. Về phương xa ai nức nở và than. Cùng với tiếng gió vương. Nhìn thấy ngấn nước lấp lánh in bóng đò xưa.
Đò ơi đêm nay dòng sông Hương dâng cao mà ai hát dưới trăng ngà. Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta, đàn đêm thâu, trách ai khinh nghèo quên nhau, đôi lứa bên giang đầu, người ra đi, với cuộc phân ly, đâu bóng thuyền Trương Chi"

Có người xem bài Trương Chi trong băng Giấc Mơ Một Đời Người nói Văn Cao chính là Trương Chi, nhà đạo diễn phim nói lại với ông câu này và ông đã trả lời.
"- Bây giờ mà nói về Trương Chi thì tôi lại có một cái suy nghĩ khá mệt vì Trương Chi là một mối tình mà bản thân tôi cũng chịu cái mối đó, mà tôi tuy không phải là anh Trương Chi tất nhiên tôi không biết hát không phải là anh Trương Chi, đàn sáo của tôi không bằng những người biết đàn sáo, nhưng để muốn nói rằng câu chuyện ấy của những con người không hẳn đã bị ruồng rẫy mà vì cái thấp kém của giai cấp lúc đó."

Thật vậy trong bản Trương Chi ấy, người ta đưa Văn Cao lên thuyền lênh đênh trên sóng nước của dòng sông, khán giả đã tưởng như Văn Cao chính là Trương Chi, nhạc sĩ cũng đã nhìn nhận bản thân ông đã chịu cái mối tình đó. Văn cao đã hoà mình vào tác phẩm để đưa nó lên thành một bi kịch não nùng diễn tả lại một truyện tình bi thảm như đã có tự bao giờ.

Câu cuối.
"... Người ra đi, với cuộc phân ly, đâu bóng thuyền Trương Chi"
Cho thấy tác giả như đang mơ màng nhớ tới truyện tình sầu thảm ấy.

Tác phẩm đầu tay của Văn Cao, Buồn Tàn Thu cũng là một bi kịch như Trương Chi nhưng nó không phải là huyền thoại tự ngàn xưa, ở đây nhạc sĩ diễn tả mối hận tình của một người con gái.
"Ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến em bẽ bàng, ôi vừa thoáng qua em mơ ngay bước chân chàng. Từ từ xa đường vắng, nghe mùa thu chết, nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng, em ngồi đan áo, lòng buồn vương vấn em thương nhớ chàng.
Người ơi còn biết em nhớ mong, tình xưa còn đó xa xôi lòng, nhờ bóng chim uyên, nhờ gió đưa duyên, chim với gió bay về chàng quên hết lời thề. Áo đan hết rồi, cố quên dáng người, chàng ngày nao tìm đến, còn nhớ đêm xưa, kề má say sưa nhưng năm tháng qua dần, mùa thu chết bao lần. Thôi tình em đấy như mùa thu chết rơi theo lá vàng"

Lời văn sầu não bi ai y như cái buồn của mùa thu vào lúc đang tàn, nó chính là nỗi sầu uất hận của người con gái đã đan xong áo len cho người yêu nhưng chàng đã quên hết lời thề. Nghe tiếng lá vàng rơi của mùa thu đang tàn, nàng chợt nhớ tới người phụ bạc. Mùa thu đã tàn lụi bao lần, tình nàng cũng chết bao lần như những mùa thu đã trôi qua.
"Thôi tình em đấy, như mùa thu chết rơi theo lá vàng"

Giữa thập niên 60, Buồn tàn Thu đã được diễn tả bằng giọng hát cao vút của nữ danh ca Thái Thanh cho tới nay Quỳnh Dao, Ánh Tuyết, Lan Ngọc... và nhiều ca sĩ khác cũng đã diễn tả lại tấn bi kịch ấy nhưng có lẽ tiếng hát bi thiết của Thái Thanh đã lột tả được hết cái buồn của mùa thu chết cùng với tâm trạng não nùng của kẻ bị phụ tình nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng.

Những lời nhạc lãng mạn, bay bướm, thi vị và sầu thảm của Văn Cao có thể coi như một trong những áng văn hay nhất trong văn chương Việt Nam, nó kết hợp hài hoà và đóng góp lớn lao cùng với âm nhạc của ông. Người ta thường biết đến Văn Cao như một nhạc sĩ có thiên tài nhưng ít ai nghĩ rằng văn chương trong âm nhạc của ông đã góp phần rất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam và đã để lại cho chúng ta những viên ngọc quí.

Cái chết của Văn cao năm 1995 đã khiến cho nhạc của ông được làm sống lại trong nước cũng như tại hải ngoại, mặc dù được sáng tác từ hơn nửa thế kỷ qua, nhưng cho tới nay người ta vẫn vô cùng yêu quí tài nghệ của ông và đã dành cho nhạc Văn Cao một địa vị xứng đáng như chúng tôi đã nói ở trên. Thiên Thai đã mở đầu chương trình 75 năm âm nhạc Việt Nam, và Văn Cao đã được coi như một trong những nhạc sĩ có nghệ thuật cao nhất trong nền tân nhạc nước ta từ khi mới được xây dựng cho đến ngày hôm nay. Văn Cao thật xứng đáng ở địa vị ấy, hãng Asia cũng đã bầy tỏ lời cảm tạ nhạc sĩ tài danh quá cố, người đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam một kho tàng vô cùng quí báu.

Cũng đã có người soạn nhạc nói về Thiên Thai, Trương Chi nhưng nhạc Văn cao trong tinh thần hoài cổ vẫn nổi bật hẳn lên hơn ai hết. Chúng tôi nghĩ có lẽ tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại sẽ không bao giờ có một Văn Cao thứ hai.


© Đàn Chim Việt


No comments:

Post a Comment