Thursday, August 20, 2009
KIM ĐẠI TRỌNG - ĐỘC TÀI và CỘNG SẢN
Kim Đại Trọng, độc tài và cộng sản
Đinh Từ Thức
20/08/2009 9:20 sáng
http://www.talawas.org/?p=9235
Cựu Tổng thống Kim Đại Trọng (Kim Dae-jung) của Nam Hàn qua đời vào ngày 18 tháng 8 ở tuổi 83 với sự nghiệp cả đời đối diện độc tài và cộng sản. Do đấy, cuộc đời của ông là kinh nghiệm quý giá để biết rõ thêm về hai lực cản của tiến trình dân chủ.
Từng bị tù đầy, bắt cóc, suýt bị thủ tiêu, bị án tử hình rồi được bầu làm Tổng thống và được tặng Giải Nobel, cuộc đời của ông Kim Đại Trọng thăng trầm sôi nổi như truyện giả tưởng.
Trước hết là kinh nghiệm với độc tài
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo vào cuối năm 1925, Kim Đại Trọng bắt đầu tham gia chính trị khi là nhà báo ở lớp tuổi ba mươi, dưới thời chính quyền của Tổng thống Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee). Trong lần ứng cử thứ năm, ông Kim đã đắc cử dân biểu Quốc hội năm 1961, nhưng ngay sau đó, tướng Phác Chính Hy (Park Chung-hee) làm đảo chính, giải tán Quốc hội, khiến ông mất chức. Lại đắc cử dân biểu dưới chế độ mới vào năm 1963, và tái đắc cử năm 1967, Kim Đại Trọng đã nổi tiếng nhờ thành tích chống chế độ độc tài của tướng Phác Chính Hy.
Nhưng chống độc tài mới chỉ giúp Kim Đại Trọng nổi tiếng tại địa phương. Chính những biện pháp đàn áp của độc tài đã giúp ông nổi tiếng trên bình diện quốc gia, và quốc tế.
Năm 1971, ông Kim đã nổi tiếng đủ để tranh cử Tổng thống, chống lại tướng Phác, và đạt được tới 46% tổng số phiếu. Ít ngày sau bầu cử, ông Kim đã bị mưu sát. Một chiếc xe vận tải lớn đã chèn cho xe ông bị lật, may ông chỉ bị thương, và thoát chết.
Ông Shim Jae-hoon, vốn là một nhà báo nổi tiếng của Nam Hàn nói: “Vốn liếng chính trị lớn nhất của ông Kim Dae-jong là sự kiện ông bị bách hại chính trị. Một số người cho rằng nếu không bị đàn áp dưới thời Tổng thống Park thì ông Kim chỉ là một nhân vật lãnh đạo của một vùng tương đối nhỏ mà thôi.”
Đây không những là kinh nghiệm cho người chống độc tài, mà còn là kinh nghiệm tốt cho độc tài. Đàn áp đối lập chính là dọn đường cho đối thủ sớm thay thế mình.
Chính ông Kim Đại Trọng đã nói qua bài diễn văn trong dịp nhận Giải Nobel Hòa bình ngày 10 tháng 12 năm 2000, tại Oslo:
Năm lần tôi đã gần chết vì bàn tay của độc tài, bị tù sáu năm, và bốn mươi năm bị quản thúc tại gia hay lưu vong và bị canh chừng thường trực…
Vào tháng Tám năm 1973, trong khi đang lưu vong tại Nhật Bản, tôi đã bị nhân viên tình báo của chế độ quân phiệt Nam Hàn thời đó bắt cóc từ căn phòng khách sạn ở Tokyo. Tin tức gây chấn động thế giới. Các thám tử mang tôi lên thuyền đậu ở bờ biển. Họ trói tôi, bịt mắt tôi, và nhét giẻ vào miệng tôi.
Đúng lúc ông Kim sắp sửa bị ném xuống biển, thì có một chiếc máy bay nhỏ xẹt ngang qua. Đám mật vụ của Phác Chính Hy có lẽ sợ Hoa Kỳ đã biết rõ mọi việc, nên ngừng tiến hành tội ác. Năm ngày sau, Kim Đại Trọng bị ném về trước cửa nhà mình ở Hán Thành (Seoul), mình đầy thương tích, rồi bị quản thúc tại gia trong nhiều năm.
Chế độ Phác Chính Hy lập kế hoạch cho mật vụ (KCIA) ám hại Kim Đại Trọng, nhưng sáu năm sau, chính kẻ đứng đầu mật vụ lại ám sát Phác Chính Hy vào tháng Mười năm 1979.
Hết độc tài Phác Chính Hy, cuộc đời nhà dân chủ Kim Đại Trọng chưa kịp trở lại bình thường, Nam Hàn lại nằm dưới bàn tay sắt của độc tài Chun Doo-hwan. Trong cuộc biểu tình chống độc tài năm 1980 tại Kwangju, Tướng Chun Doo-hwan gửi xe tăng tới đàn áp, hạ sát hai trăm sinh viên. Kim Đại Trọng bị truy tố về tội phản quốc. Theo lời ông:
Năm 1980, tôi bị chế đội quân phiệt kết án tử hình. Sáu tháng trong tù, tôi chờ đợi ngày bị hành hình. Thỉnh thoảng, tôi rùng mình sợ chết. Nhưng tôi bình tĩnh trở lại vì lịch sử đã chứng tỏ là công lý cuối cùng sẽ thắng. Tôi đã, và vẫn còn là người ham đọc lịch sử. Tôi biết rằng mọi thời, mọi nơi, ai sống cuộc đời ngay thẳng cung hiến cho dân tộc và nhân loại có thể không chiến thắng, có thể gặp chuyện khủng khiếp trong đời, nhưng sẽ toàn thắng và vinh dự trong lịch sử; kẻ thắng bằng bất công và đàn áp hôm nay, nhưng lịch sử sẽ luôn luôn kết tội họ là kẻ thất bại đáng xấu hổ. Sẽ không thể có ngoại lệ.
Do sự can thiệp của Giáo hoàng John Paul II, án tử hình của Kim Đại Trọng đã được đổi thành chung thân, rồi 20 năm tù. Năm 1982, Tổng thống Reagan đã can thiệp để ông Kim sang Mỹ, ngụ tại Boston và dạy ở Harvard. Đúng với niềm tin của mình vào lịch sử, năm 1985 ông Kim đã trở về, ứng cử lần thứ tư và trở thành Tổng thống năm 1998. Còn Chun Doo-hwan bị tù vì tham nhũng và tội đã ra lệnh tàn sát dân lành tại Kwangju.
Khác với nhiều lãnh tụ chính trị Á châu, Kim Đại Trọng đã có cái nhìn rất tích cực về dân chủ và nhân quyền, không phải trong thời gian vận động dân chủ, mà ngay khi đang cầm quyền. Ông nói trong diễn văn nhận Giải Nobel năm 2000:
Trong những thập niên tranh đấu dân chủ, tôi thường xuyên phải đối diện với phản bác rằng dân chủ kiểu Tây phương không hợp với châu Á, rằng Á châu thiếu gốc rễ. Đây là điều xa sự thật. Rất lâu trước Tây phương, việc tôn trọng nhân phẩm tại Á châu đã bao gồm trong hệ thống tư tưởng, và truyền thống trí thức nêu cao quan niệm “người dân” đã có gốc rễ. “Dân là trời, ý dân là ý trời. Coi dân như trời”. Đó là tôn chỉ chính yếu trong tư tưởng chính trị của Trung Hoa và Triều Tiên từ ba ngàn năm trước. Năm thế kỷ sau tại Ấn Độ, Phật giáo đã truyền bá điều cực kỳ quan trọng cho phẩm giá và quyền mỗi người như một nhân sinh.
Lại còn có tư tưởng và chủ trương đặt nhân dân trên hết. Mạnh Tử là môn đệ của Khổng Tử nói: “Vua là con trời. Trời sai vua phục vụ dân theo luật công chính. Nếu vua thất bại và áp bức dân, dân có quyền thay mặt trời mà loại vua”. Điều này đã có hai ngàn năm trước khi John Locke trình bày thuyết khế ước xã hội và chủ quyền dân sự.
Tại Trung Hoa và Triều Tiên, phong kiến đã bị lật đổ, thay bằng quận huyện trước Thiên chúa giáng sinh, và những kỳ thi tuyển lựa người làm quan đã có hàng ngàn năm. Việc cai trị của vua và các quan được theo dõi bởi hệ thống kiểm tra vững mạnh. Tóm lại, châu Á phong phú về trí thức và cơ sở truyền thống có thể cung ứng mảnh đất mầu mỡ cho dân chủ. Cái mà châu Á không có là những tổ chức đại diện cho dân chủ. Kỳ tài của Tây phương là đã tạo ra những tổ chức, một thành tựu đáng kể giúp cho lịch sử nhân loại tiến lên.
Được mang vào những nước Á châu có gốc rễ sâu đậm tôn trọng người dân, hình thức dân chủ Tây phương đã được phỏng theo và vận hành tốt đẹp, như có thể thấy tại Đại Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Nam Dương, Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và Sri Lanka. Tại Đông Timor, người dân đi bỏ phiếu cho nền độc lập của mình, bất chấp sự đe dọa tính mạng từ đám binh sĩ dã man. Tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi vẫn lãnh đạo cuộc tranh đấu dân chủ. Bà vẫn được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, tại đó, dân chủ cũng sẽ thắng và một chính quyền đại diện dân sẽ được phục hồi.
Kinh nghiệm với cộng sản
Ngoài việc nỗ lục phục hồi kinh tế Đại Hàn trong lần khủng hoảng trước, Kim Đại Trọng hầu như đã để cả nhiệm kỳ chú tâm vào việc hòa giải với cộng sản Bắc Triều Tiên. Ông đã đoạt Giải Nobel Hòa bình nhờ nỗ lực này, nhưng ngoài kết quả nhất thời, cố gắng của ông đã không đem lại hậu quả lâu dài.
Trong bài báo nói về sự nghiệp của Kim Đại Trọng ngày 18 tháng 8, 2009, tờ New York Times viết rằng:
Ông đã dùng phần lớn năng lực của mình để tạo hòa giải với Bắc Triều Tiên, thực hiện niềm tin của đời mình là Nam Hàn có thể thúc đẩy miền Bắc tiến tới chỗ cởi mở, giảm bớt căng thẳng và cuối cùng tới thống nhất bằng cách trước hết hội nhập kinh tế từng giai đoạn với cung cấp viện trợ và đầu tư.
Thời gian tốt đẹp nhất đã tới vào tháng Sáu năm 2000, khi Kim Chính Nhất (Kim Jong-il) ôm ông tại phi trường Bình Nhưỡng (Pyongyang) và hướng dẫn ông qua Thủ đô Cộng sản, nơi hàng trăm ngàn người mặc đẹp như ngày lễ hội được huy động cầm hoa vẫy chào vị khách từ miền Nam.
Tuy nhiên, ông Kim [Đại Trọng] đã trải qua những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ trong vẻ giận dữ. Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã không giữ lời hứa viếng đáp lễ Hán Thành (Seoul). Ông ta cũng không từ bỏ chương trình hạt nhân. Hai trong các người con của ông Kim [Đại Trọng] bị vào tù vì tham nhũng. Và một điều tra viên đặc biệt được quốc hội ủy thác đã khám phá chính quyền của ông Kim [Đại Trọng] rót vào Bắc Triều Tiên tới 500 triệu [đô la] qua những thỏa hiệp kinh doanh mờ ám không lâu trước cuộc họp thượng đỉnh năm 2000, khiến phía đối lập cáo buộc rằng ông đã “hối lộ” lãnh tụ cộng sản để tạo cơ may trúng giải hòa bình.
*
Từ những kinh nghiệm của ông Kim Đại Trọng đối với độc tài và cộng sản, người ta thấy rằng:
Khi một chế độ độc tài bỏ tù một người bất đồng chính kiến vì lý do an ninh quốc gia, hay đem một người đối lập ra tòa xử tử hình về tội phản quốc, thì đó chỉ là cách lạm dụng quyền hành để trừng phạt. Còn người bị trừng phạt, chẳng hề làm gì phương hại tới an ninh quốc gia, cũng không hề phản quốc. Ngược lại, có thể đủ khả năng và tư cách đề làm Tổng thống.
Đối với cộng sản, hòa giải hay thương thuyết chỉ là cách lừa lọc để giành phần lợi về mình. Họ chỉ có thể bị thay thế, không thể sửa đổi hay cởi mở. Vì cởi mở hay cởi trói, dân sẽ chạy đi hết.
Ông Kim Đại Trọng đã thắng được độc tài, nhưng không cảm hóa được cộng sản. Vì cộng sản không thể cảm hóa.
© 2009 Đinh Từ Thức
© 2009 talawas blog
No comments:
Post a Comment