Tuesday, August 25, 2009

MỸ LAI và MẬU THÂN : 41 NĂM SAU


41 năm sau: Mỹ Lai và Mậu Thân
Phan Xuân Sinh
25/08/2009 5:21 chiều
http://www.talawas.org/?p=9382
Ngày 22/8/2009
trên website của BBC có bản tin mới nhất về vụ Mỹ Lai, Quảng Ngãi: Thiếu úy William Calley, chỉ huy một trung đội lính Mỹ hành quân vào Mỹ Lai trong thời kỳ chiến tranh leo thang 1968, ra lệnh sát hại hơn 500 thường dân Việt Nam. Trong một cuộc họp mặt tại câu lạc bộ Kiwanis Club tại Columus, Georgia, USA, theo BBC thuật lại, báo Columbus Ledger-Enquirer số ra tại Mỹ trích lời thiếu úy William Calley: “Mỗi ngày qua đi tôi cảm thấy hối hận với những gì đã xảy ra.”

Vụ thảm sát Mỹ Lai, Quảng Ngãi, 1968
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/08/250px-My_Lai_massacre.jpg

Câu chuyện thương tâm xảy ra ngày 16 tháng Ba năm 1968, mọi người Việt Nam và cả thế giới phải sững sờ trước hành động dã man của một đơn vị tác chiến của quân đội Mỹ, được mệnh danh là văn minh mà hành xử một cách tàn nhẫn, phi nhân như vậy đối với người dân trong tay không có một tấc sắt. Khi sự việc khi xảy ra chỉ có một ít người biết tới. Nhưng đến năm 1971, khi các đài BBC, VOA… tường thuật đầy đủ trong phiên tòa xử chung thân William Calley thì tin này lan tràn khắp thế giới. Tôi còn nhớ hồi đó chúng tôi, những sĩ quan còn rất trẻ của quân đội miền Nam, nghe được tin này đã hết sức phẫn nộ, muốn tống cổ bọn Mỹ này đi cho rồi. Tự ái dân tộc làm cho tụi tôi điên tiết và lúc đó trong thâm tâm chúng tôi cũng có tâm trạng bài Mỹ.
Sau những lần hành quân vào những làng mạc dưới sự kiểm soát của quân Giải phóng, đơn vị chúng tôi cũng bị bắn từ trong làng ra, bị thương và thiệt mạng cũng có. Thế nhưng khi tiến vào làng, không thấy một đơn vị du kích hay chính quy nào cả, chỉ thấy đàn bà, ông bà già, trẻ con, hỏi người dân ở đó thì họ làm bộ lơ ngơ không biết gì. Tức cành hông nhưng không biết phải làm cách nào. Những người bộ đội bên kia được dân che chở và giấu kín, thế nhưng khi mình lầm lỡ bắn trả lại, chẳng may chết dân chúng, thì xem như thằng sĩ quan chỉ huy tàn đời. Cho nên không thằng nào dại gì lãnh cái búa vào đầu. Một cuộc chiến không có “mặt trận” để thư hùng cao thấp. Họ núp vào dân chúng, được sự che chở của dân nên họ chiến thắng là lẽ tất nhiên, không chối cãi được. Nên khi nghe tin về Mỹ Lai, tụi tôi cũng đoán rằng trò chơi này áp dụng với tụi tôi thì được, nhưng với thằng cha William Calley thì hắn như con chó điên cắn nát, tới đâu thì tới.
Sau 41 năm “Vụ thảm sát Mỹ Lai”, thiếu úy William Calley, từng là trung đội trưởng khi đi lính sang Việt Nam nói: “Tôi hối hận với những người Việt Nam bị giết hại, với gia đình của họ, với những người lính Mỹ tham chiến, và gia đình của họ. Tôi rất xin lỗi.” Lời nói của ông, ta chấp nhận hay không thì mọi việc cũng đã rồi, người dân Mỹ Lai cũng không thể sống lại. Tuy nhiên vẫn khen ông một câu là: “người có giáo dục”, ít ra cũng biết ôm cái ân hận suốt đời, biết việc làm của mình gây tang tóc đau thương cho biết bao nhiêu gia đình, gây tiếng xấu xa cho đồng đội. Di hại của ông trong lịch sử chiến tranh không tha thứ được.

Vụ thảm sát Mậu Thân, Huế 1968
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/08/hue03-400x296.jpg

Cũng cùng thời điểm này sau 41 năm (cũng từ 1968), “Vụ thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế”, trong đó không phải là người ngoại quốc giết hàng ngàn dân vô tội ở Huế, mà chính là những anh em mình sát hại dân mình, thì không có một lời chính thức xin lỗi trước quốc dân. Chúng ta mở miệng ra là học đạo đức theo gương… “Người”, đạo đức cách mạng v.v… mà trước khi có những đạo đức gì đó xuất hiện, thì trước hết chúng ta phải có đạo đức làm người, mà đạo đức làm người không cho phép chúng ta yên lặng trước những lỗi lầm tày trời mà mình đã thực hiện mà không có một lời xin lỗi, nói lên sự hối hận, sự đáng tiếc. Có những người có chức, có quyền thời đó đã ra lệnh cho thuộc cấp trong vụ Mậu Thân, bây giờ sống phây phây, mỗi năm ăn mừng chiến thắng. Nghĩ cũng lạ thật.

Đứng trước hai sự việc “Mỹ Lai” và “Mậu Thân”, ta thấy mức độ trầm trọng khác nhau. Một bên thì lãnh mỗi người một viên đạn, chết tại chỗ. Còn một bên thì chính mình đào mồ cho mình, lãnh mỗi người một cán cuốc vào đầu. Sống, chết, ngất ngư đều thảy xuống hố, lấp đất lại. Tưởng tượng thôi chúng ta đã thấy rợn người, huống chi đây là sự thật. Không có thằng Tây, thằng Mỹ nào ở đây, mà anh em mình cả đấy thôi. Trong chuyện này, đụng tới anh em mình, sao tôi thấy líu lưỡi. Chơi chi trò giết người mệt nhọc của thời Trung cổ như vậy, không cho mỗi người một viên đạn như thằng cha William Calley cho bớt đau đớn thân xác người anh em mình. Té ra thằng Mỹ nó cũng còn có một chút xíu nhân bản.

“Ông phá vỡ sự im lặng sau khi nhận lời một người bạn đến phát biểu tại cuộc họp hàng tuần của một nhóm dân tại Câu lạc bộ Kiwanis Club, tổ chức tình nguyện hải ngoại của Hoa Kỳ.
Thời điểm xảy ra vụ thảm sát, người lính Mỹ đang thực hiện chiến dịch “tìm và diệt” nhằm loại trừ chiến đấu quân đối phương tại vùng được cho là có cảm tình với Việt Cộng.
Không tìm được kẻ thù, lính Mỹ thuộc Đại đội Charlie tập hợp dân làng và xả súng bắn họ.
Một năm sau khi tin Mỹ Lai xuất hiện trên báo Mỹ, vụ thảm sát đã làm giảm uy tín của quân đội Mỹ.
Nó trở thành bước ngoặt trong sự thay đổi của dư luận Mỹ về cuộc chiến Việt Nam.”

Con người ta đến một lúc nào đó phải nhìn nhận sự lầm lỗi. William Calley cũng vậy, 41 năm lúc nào cũng cảm thấy lương tâm mình cắn rứt, hối hận giày vò. Ông không còn chịu đựng được nữa, phải lên tiếng xin lỗi, để cho lòng mình dù không được thanh thản thì ít nhất cũng để cho mọi người biết rằng mình còn một chút tình người sót lại. Biết đau cái đau của những nạn nhân do mình gây ra, biết xấu hổ việc làm vô ý thức của mình, biết nói lên cho mọi người biết “mình là con người” để mọi người có thể xích lại gần hơn, còn trước đây người ta ghê tởm xa lánh.

Tha thứ cho ông hay không là do quyết định của mọi người, thế nhưng dù sao đi nữa William Calley cũng cho ta biết ông còn can đảm thốt lên tiếng kêu cầu cứu trung thực của lòng mình. Đó là lời “xin lỗi”.

22/8/2009
© 2009 Phan Xuân Sinh
© 2009 talawas blog


------------------------

Lời xin lỗi biến cố Mỹ Lai “muộn màng nhưng còn hơn không
DCVOnline – Tin ngắn (DPA)
25-08-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6643
Hà Nội – Hôm nay thứ Hai người Việt đón chào lời xin lỗi tuần rồi của một cựu sĩ quan lục quân Hoa Kỳ - là người từng bị kết án vì đã chỉ huy cuộc tàn sát ở làng Mỹ Lai trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, nhưng họ nói rằng những sĩ quan cao cấp cũng nên chịu trách nhiệm trong chuyện này. “Lời xin lỗi của Trung úy Calley trong chuyện tàn sát này đến qúa trễ, nhưng tôi nghĩ chẳng thà trễ còn hơn không,” ông Phạm Thành Công, 52 tuổi, giám đốc một nhà bảo tàng ở nơi xảy ra cuộc tàn sát trước đây vào năm 1968 nói.

Ông Công sống sót trong vụ thảm sát này nhưng cha mẹ ông và ba người em gái đều bị giết, ông nói rằng ông “sẽ đón chào (ông Calley) viếng thăm Mỹ Lai,” và rằng ông sĩ quan này sẽ được đón tiếp “ân cần và tử tế.”
Nhưng ông Công nói những lời xin lỗi cho cuộc tàn sát này cũng nên từ những sĩ quan cao cấp, bao gồm ông Đại úy Ernest Medina, người chỉ huy trực tiếp của ông Calley. Ông Medina đã được tha bỗng trong phiên tòa án quân sự vốn gây nhiều tranh cãi trong năm 1971.

Cựu trung úy Calley là người duy nhất bị kết án vì
chuyện thảm sát này vào tháng Ba năm 1968, qua đó binh sĩ Hoa Kỳ đã giết khoảng 300 đến 500 thường dân Việt Nam không võ trang, đa số là người gìa, phụ nữ và trẻ con. Bị kết án tù chung thân năm 1971, nhưng ông Calley đã được Tổng thống Nixon giảm án và ra khỏi tù bốn tháng rưỡi sau đó.

Ông Dương Trung Quốc, người cầm đầu hội lịch sử Việt Nam và là một đại biểu của Quốc hội Việt Nam, nói rằng ông “thật lòng tôn trọng” lời xin lỗi của ông Calley, nhưng những sĩ quan cao cấp của ông Calley cũng như chính phủ Hoa Kỳ như một tổng thể nên nhận trách nhiệm cho chuyện thảm sát này. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã cắt giảm nhiều giờ học trong chương trình học lịch sử dành riêng để chỉ dạy về chiến tranh, và học sinh không còn học về biến cố thảm sát Mỹ Lai nữa. Nhiều thầy cô giáo dạy môn sử được tiếp xúc qua điện thoại cho hay hoặc họ không biết gì về chuyện thảm sát này, hoặc chỉ biết một cách mơ hồ.
“Tôi không bao giờ đọc về chuyện thảm sát Mỹ Lai, tôi chỉ nghe về nó,” Đào Thị Hạnh, một giáo viên cấp ba dạy môn sử ở Hà Nội nói.

Làm giảm tính quan trọng của cuộc chiến đã xảy ra cùng lúc với mối quan hệ được cải thiện sâu đậm của Việt Nam đối với Hoa Kỳ, là thị trường xuất cảng hàng đầu của Việt Nam.
Ông Quốc nói ông “rất buồn” vì nhà trường không dạy cho học sinh về cuộc thảm sát này, và ông phản đối việc thay đổi trong giáo trình lịch sử. Ông cho hay trường trung học cũng không dạy học sinh về chuyện Quân đội Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam ra lệnh trưng thu gạo năm 1945, đã gây nên nạn đói (năm Ất Dậu, DCVOnline) làm hằng triệu người dân Việt Nam chết đói. “Con người giờ càng trở nên thực dụng,” ông Quốc nói. “Họ không muốn đề cập đến những biến cố này vì sợ làm trở ngại đến mối quan hệ với những nước đó.”

© DCVOnline
Nguồn
:
(1)
Vietnamese say My Lai apology 'better late than never'. DPA, 24 Aug 2009
(2) Theo Báo ảnh Việt Nam: Ông Dương Trung Quốc là Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa và Nay, Đại biểu Quốc hội Khóa XI.

-------------------------------------------

Lời xin lỗi muộn màng
Ngọc Khánh
Đăng ngày 23.08.0
http://danchimviet.com/articles/1408/1/Li-xin-li-mun-mang/Page1.html
Tuần rồi, báo chí trong nước cũng như nước ngoài đồng loạt đưa tin về việc cựu binh trung úy Hoa Kỳ William Calley công khai xin lỗi những nạn nhân của vụ thảm sát Mỹ Lai xảy ra hơn 40 năm trước.
William Calley giờ đây đã 66 tuổi nói rằng ông vô cùng ân hận vì đã góp phần trong chuyện thảm sát ở Mỹ Lai trong chiến tranh Việt Nam trước đây. Lời xin lỗi được người cựu binh này đưa ra ở một câu lạc bộ thuộc thành phố Columbus, tiểu bang Georgia.
Cựu trung úy quân đội Mỹ, William Calley, bằng thái độ chân thành đã nói “Không có ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy ân hận cho những gì đã xảy ra ngày đó ở Mỹ Lai". Theo mô tả của BBC, giọng cựu binh Mỹ này lạc đi và ông nói tiếp: "Tôi thấy thương xót cho những người VN bị sát hại, cho gia đình họ, cho những người lính Mỹ tham gia vụ việc. Tôi rất xin lỗi”.

William Calley đã từng bị đưa ra tòa và bị kết 22 tội trong cuộc thảm sát thường dân năm 1968 ở Việt Nam. Ông bị kết án chung thân nhưng ngay sau đó được giảm án và chỉ bị 3 năm quản thúc tại gia. Lâu nay ông sống ẩn dật và đã nhiều lần từ chối trả lời phỏng vấn của giới truyền thông về những gì đã diễn ra trong cái ngày định mệnh đó.
Ngày 16 tháng 3 năm 1968, 2 tháng sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, thông tin của tình báo Mỹ cho rằng, Tiểu đoàn 48 đã rút lui về ẩn náu tại địa bàn Sơn Mỹ thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cụ thể là thôn Mỹ Lai.
Calley khi đó 25 tuổi, đeo hàm trung úy, nhận lệnh của cấp trên, chỉ huy một đại đội lục quân Hoa Kỳ vào Mỹ Lai để “tìm và tiêu diệt” những du kích cộng sản trong vùng. Mặc dù không tìm thấy du kích nào và không bị tấn công, Calley đã ra lệnh tiến vào làng đốt nhà dân, tập trung dân chúng và xả súng bừa bãi vào họ. Trước tòa án quân sự, Calley thanh minh rằng ông chỉ tuân lệnh thượng cấp khi làm những việc này và ông đã nhận được những thông tin sai lầm.

Theo những báo cáo sau này, có 504 thường dân bị thiệt mạng (phía Mỹ đưa ra con số 347), chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già, tuổi từ 1 cho tới 82. Một số nhân chứng may mắn sống sót cho hay, trước khi bị bắn chết, nhiều người còn bị tra tấn với mục đích tìm nơi trú ẩn của Viêt Cộng, phụ nữ bị hãm hiếp.v.v.
Sự việc bị che giấu và Lầu Năm Góc cho rằng những người bị giết là Việt Cộng. Sự thật chỉ bị phanh phui hơn một năm sau đó khi nhà báo Seymour Hersh bằng cuộc điều tra độc lập của mình đưa ra những hình ảnh kinh hoàng của vụ thảm sát.
Sự thật được phơi bày đã làm rúng động nước Mỹ và làm thay đổi cái nhìn cũng như sự ủng hộ cuộc chiến của người dân Mỹ. Phong trào phản chiến của người dân Mỹ tăng lên làm cục diện cuộc chiến ngày càng thay đổi bất lợi cho phía Mỹ.

41 năm đã qua đi. Lời xin lỗi dù quá muộn của William Calley cũng giúp trả lại sự thật, đem lại sự thanh thản cho những linh hồn ở Mỹ Lai và phần nào an ủi những người còn sống hay thân nhân của họ. Thái độ chân thành của ông đã cứu vớt phần nào nhân cách không chỉ cho ông mà còn cho những đồng đội của ông, ngày hôm đó ở Mỹ Lai.

Muộn vẫn hơn là không! Lời xin lỗi trong bất kỳ trường hợp nào vẫn có những giá trị của nó.
Và dù sao, linh hồn của những nạn nhân Mỹ Lai cũng còn nhận được một lời xin lỗi, của một người ngoại quốc, của một kẻ thù. Còn khoảng 50.000 oan hồn bị giết trong Cải Cách Ruộng Đất nhằm "tiêu diệt giai cấp địa chủ" ở miền Bắc, hàng chục ngàn người khác bị đấu tố, hàng ngàn người bỏ mạng trong các hố chôn tập thể ở Huế trong cuộc "Tổng Tấn Công Mậu Thân" năm 1968, hàng ngàn người bị bỏ tù về Nhân Văn Giai Phẩm hay những vụ án "chống đảng", gia đình cũng như con cái họ bị phân biệt đối xử cả chục năm sau đó, những người bị cướp bóc tài sản, nhà cửa trong cuộc "Cải tạo Tư bản Tư thương" sau năm 1975.v.v. đã chờ đợi từ nửa thế kỷ nay cho một lời xin lỗi.

Một lời xin lỗi không phải từ kẻ thù, không phải từ một người khác chủng tộc mà từ chính những người đồng hương, đồng chí, những người máu đỏ da vàng mà sao khó khăn đến thế!
Bài viết sử dụng số liệu từ Wikipedia.
© Đàn Chim Việt Online

No comments:

Post a Comment