Thursday, July 23, 2009

WALTER CRONKITE và CHIẾN TRANH VIỆT NAM


Walter Cronkite, Robert Mc Namara và Chiến tranh Việt-Nam
Nguyễn-Khoa Thái Anh
Đăng ngày 23-7-2009
http://danchimviet.com/articles/1312/1/Walter-Cronkite-Robert-Mc-Namara-va-Chin-tranh-Vit-Nam/Page1.html
Khi dịch bản tin của Washington Post về cái chết của Walter Cronkite, một người trụ cột của ngành truyền thông Mỹ, tôi có nhắc đến lời nhận định bất hủ của ông - một câu nói mà trong sử liệu, phim ảnh cũng như các chương trình TV Mỹ thường hay được trích dẫn như nhắc nhở đến sự sai lầm của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam:
"Khi nói rằng chúng ta sắp đạt được chiến thắng ở Việt Nam hôm nay, trong khi phải đối đầu với những chứng cớ, là mặc nhiên tin vào những kẻ lạc quan (tếu) mà trước đây đã từng bị chứng minh là mình sai," ông Cronkite nói, và lời phê bình đó đã cấy vào tâm trí hàng triệu người Mỹ sự hoài nghi về các bản báo cáo chính thức của chính quyền Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Khán giả của ông Cronkite đoan chắc rằng ông không bao giờ nói láo với họ, trong khi Nhà Trắng và Bộ Quốc Phòng lại không đạt đến mức độ tin tưởng cao như ông." (1)

Mục đích của tôi không phải chỉ muốn nhắc lại chuyện quá khứ, nhưng đã gần 45 năm trôi qua một số truyền thông Mỹ vẫn ngoan cố bóp méo sự thật của cuộc chiến đó. Mỗi khi có một nhân vật quan trọng có liên hệ với cuộc chiến Việt Nam ra đi vào cõi vĩnh hằng, thì y như rằng những nhận định sai lầm của họ vẫn được truyền thông Mỹ nhắc lại như là một nguyên lý hiển nhiên!
Như vậy người Mỹ có trách nhiệm phải giải thích ra sao về những tồn đọng của nghịch lý và lấn cấn trong cuộc tham chiến của họ? Gạt miền Nam sang một bên để lý giải rằng chuyện sai lầm của mình là không ý thức được "tinh thần quốc gia" của phía Cộng sản như ông Mc Namara đã làm sau 40 năm là một chuyện tối nghĩa và ti tiện!

Trước khi mạn bàn đến chuyện cũ (chiến tranh Việt Nam), tôi xin khẳng định lập trường: cá nhân tôi từ lâu vẫn tin rằng cuộc đổ bộ và leo thang ào ạt của quân đội Mỹ vào Việt Nam là một chuyện phản tác dụng (1a), đi ngược lại tính chính thống của cuộc chiến Quốc-Cộng, vì miền Nam vốn là tiền đồn nối dài ý nghĩa và chính nghĩa "quốc gia dân tộc" trong cuộc bảo vệ chống lại sự bành trướng của Cộng sản Quốc tế (được ủy nhiệm cho Hồ chí Minh và lãnh đạo Hà nội).
Tuy nhiên sau nền Đệ Nhất Cộng Hòa các lãnh tụ miền Nam đã nương tựa quá nhiều vào Mỹ, khiến cho lý tưởng và cứu cánh của cuộc đấu tranh bị giảm đi, góp thêm vũ khí tuyên truyền cho Cộng sản (và MTGPMN) miền Bắc. Có lẽ từ đó, chính thể của miền Nam đã nằm chênh vênh bên bờ trơn trợt của hố sâu vực thẳm. Thế cuộc đã chia cho miền Nam những lá bài xấu, nhưng điều đó không bắt buộc miền Nam phải thua. Lẽ ra, thất bại vì chính nghĩa không phải là một chuyện tiệt nhiên được định phận tại thiên thư

Đương nhiên, như ông Bùi Tín nhận xét trong quyển From Enemy to Friend (Từ Thù Đến Bạn) cuộc chiến Việt Nam không như một ván bài, người ta không thể xóa đi và đánh lại. Miền Nam đã chiến bại, có ví von, giá như Mỹ đừng bỏ cuộc hay miền Nam đừng quá tin vào Mỹ, ông Thiệu đừng 'dọa' Nixon rút quân về Sàigòn (bỏ ngõ vùng I Chiến thuật quá vội vã) thì cục diện không như vầy. Vấn đề ở đây, tôi chỉ phân tích chuyện cũ để phản biện với những nghịch lý của các nhân vật Hoa Kỳ then chốt trong lịch sử.

Cái khó của một người Việt dạy sử Hoa Kỳ như tôi là những lúc phải đương đầu với những câu nói của Daniel Ellsberg (The Pentagon Papers, hồ sơ Mật Ngũ Giác Đài) Walter Cronkite hay Robert Mc Namara trong lúc giảng dạy cũng như khi trích dịch hay viết những bài tương tự. Không những các nhà báo kỳ cựu như ông Walter Cronkite, Peter Jennings (ABC), David Halberstam (New York Times) mà đến cả những phóng viên đương đại như Thomas Friedman của tờ New York Times, một columnist 3 lần đoạt giải "Pulitzer Prize", đều có những nhận định sai lầm về chiến tranh Việt Nam.

Trong một bài viết so sánh Iraq với Việt Nam, ông Thomas Friedman cho rằng Mỹ chưa thuộc bài học Việt Nam, nên tiên đoán, vì kinh nghiệm Việt Nam cho thấy, Mỹ sẽ thua, ngụ ý cho rằng Iraq và Việt Nam có những điểm tương đồng. Thật là một điều sỉ nhục! Đối với tôi và những người Việt ý thức được cuộc tranh đấu của Việt Nam -- cho một nền dân chủ dù phôi thai chống lại một chủ nghĩa Cộng sản quốc tế đã mượn lá cờ dân tộc làm chiêu bài thu hút dân chúng -- đã khởi nguồn gần nửa thế kỷ trước khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam! Trong khi ở Iraq, sau khi lật đổ Saddam Hussein, Hoa Kỳ chỉ mới khai mào một cuộc kháng chiến với sự tham gia của các sắc dân Hồi giáo Sunni và Shi'ite. Iraq và Việt Nam không có một điểm tương đồng nào, từ nguyên do cho đến lý tưởng cũng như các thành phần tham gia hai cuộc chiến.

Ông Friedman (và một số các đồng nghiệp) còn đi xa hơn, ví sự thất bại của Mỹ ở Haditha (Iraq) với cuộc tổng công kích Mậu Thân, một trận đánh mà ông cho là Mỹ và quân đội miền Nam phải bỏ đến hơn một năm để dẹp loạn. Không hiểu vào thời chiến tranh Việt Nam ông ở đâu và làm gì, (còn học trung học St Louis Park High School ở Minnesota và Brandeiss University ở Massachusetts) để bây giờ bổng nhiên trở thành một nhà chuyên môn về chiến trường Việt Nam?

Sau này tình cờ vào mạng Wikipedia, tôi chợt phát hiện sự trùng lập về ngày tháng của trận Mậu Thân giữa ông Friedman và Wikipedia, thật đúng với cái biệt danh "Wikipedian journalist" mà tôi đã gán cho ông trong một bài viết Anh ngữ. Ngày nay, trong giới báo chí và học giả hiểu biết của Hoa Kỳ, ai cũng đều công nhận trận Mậu Thân là một sự thất bại nặng nề cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Quân đội miền Nam và Mỹ đã đánh tan địch quân trong vòng một tháng. Sau này bộ đội chính quy miền Bắc phải được xung công vào miền Nam để thay thế những tổn thất này.
Nhưng vào thời đó, hình ảnh (được truyền hình đến các gia đình ở Mỹ), các anh Việt Cộng chạy lung tung trên đường phố ở các thành phố miền Nam, và những trận đánh sáp lá cà, từ nhà này sang nhà khác đã làm dân chúng Hoa Kỳ kinh hoàng, kể cả hình ảnh những anh lính Việt Cộng chui cống đột nhập vào tòa đại sứ Mỹ cuối cùng bị Quân Cảnh (Military Police) Mỹ cho nổ lựu đạn và lôi xác lên.
Những cuộc nổi dậy, những cuộc đồng khởi, chứng minh sự hậu thuẫn dân tộc mà Cộng sản có được ở miền Nam, không xảy ra như lãnh đạo miền Bắc tuyên truyền, nhưng nó đã xảy ra trên giấy tờ, và sau ngày 30 tháng Tư trên những tên đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ), Đồng Khởi (Tự Do cũ) để người dân phải ứng khẩu thành hai câu thơ:
"Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên diệt Tự Do"


Khi ông Cựu bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Mc Namara qua đời hai tuần trước đây, người ta cũng nhắc lại lời nhận lỗi gián tiếp của ông là ông không hiểu ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam. Ý ông muốn đồng hóa Đảng Cộng sản Việt Nam với dân tộc Việt Nam!

The For of War (Part 9)
http://www.youtube.com/watch?v=EzKJ19P2jA0&eurl=

Trong phim tài liệu đoạt giải Academy, "The Fog of War" (Sương mù chiến tranh) của Errol Morris, ông Mc Namara cho rằng Cộng sản Việt Nam là tiếng nói cũng như đại diện chính thống của dân tộc Việt. Một đoạn phim cho thấy ông cựu Tổng trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (lúc ấy đã bát tuần) tranh cãi và bào chữa cho lý tưởng Cộng sản (đội lốt quốc gia) của mình. Ông nắm tay và đấm mạnh trong không khí, mặt ông căng ra, gân cổ nổi lên, ông nhe cả răng lợi. Ông đóng kịch hăng say và tài tình đến nỗi ông Mc Namara đã mô tả lại cuộc tranh luận giữa hai người như thể chúng tôi "sắp choảng nhau."

Đó là vào năm 1995 sau khi Hoa kỳ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhau, và đã tổ chức một cuộc họp ngoại giao cao cấp nhất giữa hai cựu thù địch. Ông Mc Namara qua Hà Nội để thử giả thuyết của mình: "Hai nước có thể đạt được mục tiêu của họ mà không phải tổn thất về nhân mạng cao như thế?"

Nguyễn Cơ Thạch: "Ông ạ, ông sai hoàn toàn, chúng tôi chiến đấu để giành độc lập, trong khi các ông chiến đấu để nô lệ hóa chúng tôi."
Robert McNamara: "Ông định nói thế nào, cuộc chiến không phải là một thảm họa cho đất nước ông à, Việt Nam tổn thất hơn 3.400.000 mạng người mà so với tỷ lệ dân số Hoa Kỳ, tương đương với con số 27.000.000 người? Việt Nam đã đạt được cái giải gì? Các ông cũng không thu thập được gì hơn những điều mà chúng tôi đã sẵn sàng giao nhượng cho các ông lúc bắt đầu chiến tranh? Ông có thể có tất cả những gì các ông muốn: độc lập, thống nhất đất nước."
Nguyễn Cơ Thạch: Thưa ông McNamara, ông không đọc sử. Nếu có, thì ông đã biết chúng tôi không phải là con cờ của Trung quốc hay Liên Xô. McNamara, ông có biết điều đó không? Bộ ông không biết là chúng tôi đã tranh đấu chống Trung Hoa trên cả nghìn năm nay sao? Chúng tôi chiến đấu giành độc lập, và chúng tôi có thể tranh đấu cho đến người cuối cùng, một điều chúng tôi quyết chí hy sinh cho đến chót. Không một số tiền nào, không một áp lực nào của Mỹ có thể ngăn cản được chúng tôi." (2)

Người ta đã "thấy" gì qua cuộc tranh luận trên?

a) Không phải chờ đến ngày nay -- khi nhà nước Cộng sản đã cắm mốc biên giới chính thức hóa các vụ nhượng đất, cắt biển, (năm 2000) mở đường cho Trung quốc điềm nhiên vào xâm chiếm Việt Nam (không tốn đến một phát súng!) với cuộc khai thác Bô xít trên Tây nguyên (2009), cũng như cho các nạn Tàu phỉ hà hiếp dân lành, mở các làng Trung quốc trên đất nước Việt Nam, lặng yên cho tàu "lạ" (3) đâm ngang các tàu đánh cá, giết hại và bắt bớ ngư dân Việt trên hải phận mình -- ngoại trưởng Ung văn Khiêm (1956) và thủ tướng Phạm văn Đồng đã chính thức ký kết những vụ nhượng đất, nhượng đảo, công nhận chủ quyền Trung quốc từ những năm 1956 và 1958.
b) Ông Nguyễn cơ Thạch đến tuổi già đã lú lẫn chăng hay ông thật tình không nhớ hay không biết đến những ký kết trên để chúng ta có thể "thấy" điều c)?
c) một tín hiệu cho Mỹ thấy cánh ngoại giao (phe thân Mỹ) của Việt Nam khẳng định mình vẫn nhận thức được cái hiểm họa ngàn đời của Bắc triều và muốn xích gần lại Mỹ hơn?

Từ 1995 đến nay (2009) đã có nhiều biến chuyển trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, người dân không thể hiểu được những chuyện 'cực kỳ' hèn hạ và bạc nhược gần đây của nhà nước Việt Nam (đối với các hành vi ngang ngược của Trung quốc), ngoại trừ người ta có thể suy đoán việc lãnh đạo Cộng sản đã ăn tiền và bỗng lộc của Bắc triều quá nhiều nên sự tồn vong của đất nước chỉ là một cuộc trao đổi trâng tráo?

Sau khi đạt được ý nguyện (lật đổ Nhu Diệm) Mỹ chủ động chuyện lèo lái chiến tranh Việt Nam theo ý muốn và quy định của mình. Nhưng rốt cục, khi miền Nam bắt đầu quen thuộc với cuộc chiến leo thang và tăng tốc của Mỹ, thì Hoa Kỳ đã vội rút lui và sau đó cắt đứt mọi viện trợ. Mỹ coi thường những lãnh đạo như ông Thiệu và đã sớm gạt miền Nam ra khỏi phương trình thương thuyết với Hà Nội. Trong một khí thế lãnh đạo hỗn độn Mỹ-Việt, Hoa Kỳ đã tạo ra một môi trường mà kẻ hèn kém, mưu mô lấn lướt người tài giỏi, ngay thẳng, để sau cùng khi Mỹ rút lui, những tiền đề như: Hoa Kỳ là đồng minh giúp mang lại quyền tự quyết cho miền Nam, miền Nam là tiền đồn, là thành lũy chống Cộng cao nhất Đông Nam Á chỉ là những câu nói trêu ngươi của phường tuồng mà nhiều người có trọng trách đã quên đi.

Khác hẳn khi Hoa Kỳ nhập cuộc và bắt đầu leo thang, họ đã đưa ra một mệnh đề khác, (tôi xin trích dịch bản cáo phó của The Associated Press (4):
"... ông Mc Namara, tổng thống Johnson và các viên chức Hoa Kỳ đánh giá chiến tranh Việt Nam là một trận chiến cần thiết trong Chiến Tranh Lạnh, một cuộc chiến ủy nhiệm nhằm ngăn chận Cộng sản Quốc tế cai quản Đông Nam Á. Tuy rằng trước đó họ cho là chiến tranh Việt Nam là một mặt trận tỉ thí, đối đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô (ủng hộ Bắc Việt), ông McNamara về sau (2005) lại nhìn nhận là mình đánh giá thấp tinh thần quốc gia (dân tộc) cũng như sự chống lại chính quyền Sàigòn được Mỹ ủng hộ." (Hết trích)

Đây là một nghịch lý. Đầu tiên, vào năm 1965, ông Mc Namara cho là cuộc chiến chống Cộng sản là "một cuộc chiến ủy nhiệm nhằm ngăn chận Cộng sản Quốc tế cai quản Đông Nam Á". Nhưng sau 30 năm để lý giải chuyện thất bại trong vai trò cố vấn của mình, Mc Namara:
a) đồng hóa cuộc chiến xâm lăng miền Nam của Cộng sản với tinh thần quốc gia (nationalism).
b) Hãy nghe ông Mc Namara lý giải với CNN bào chữa cho sự thiếu kém của mình: "Cuộc chiến trong miền Nam tự nó mang đầy đủ đặc tính của một cuộc nội chiến nhưng nói chung chúng ta (Hoa kỳ) không coi nó là một trận nội chiến và chúng ta không thẩm định thành quả của mình theo đúng nghĩa của một cuộc nội chiến." (5)

Tháng 11, 1965, trong một trận đụng độ lượng sức nhau, phía Hoa Kỳ, một sư đoàn bộ binh phối hợp với yểm trợ không lực, phía Hà Nội huy động một sư đoàn chính quy dự bị của Bắc Việt (đề tài cho cuốn sách và phim: 'We were Soldiers' (Once and Young). Tuy nhiên sau trận đánh lớn đầu tiên đó ở Ia Drang (Trung nguyên) hai bên đều gánh nhận tổn thất nặng nề, ông McNamara được tổng thống Johnson biệt phái qua Việt Nam để nhận định tình hình chiến sự Việt Nam. Sau khi họp với đại tướng Westmoreland, (tham mưu trưởng quân đội Mỹ ở Việt Nam) Đại sứ Henry Cabot Lodge, một số các nhà ngoại giao và tình báo Hoa Kỳ, ông đích thân bay lên An Khê để tham vấn với chuẩn tướng Hal (Harold) Moore, chỉ huy trưởng bộ binh Mỹ trong trận đánh Ia Drang vừa qua. Trên chuyến bay về Hoa Thịnh Đốn ngày 30 tháng 11, 1965, Mc Namara đọc một bản báo cáo tối mật cho tổng thống Johnson, nói lên quan điểm của mình:
"Đề án 1: Chúng ta có thể tìm bất kể một phương thức ngoại giao nào để Hoa Kỳ có cớ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Đề án 2: Chúng ta có thể gởi thêm cho tướng Westmoreland 200.000 quân như ông đã yêu cầu và trong trường hợp này, tính đến 1967, chúng ta sẽ có đến 500.000 quân nhân ở miền Nam, và sẽ có khoảng 1.000 người chịu tử thương mỗi tháng. Chúng ta có chỉ có thể mong đợi được một sự bất phân thắng bại nhưng ở một mức độ đẫm máu hơn nhiều."

Đến tháng 12, 1965 nội các Johnson triệu tập những quân sư giỏi nhất và họp hai ngày liên tiếp, kết quả họ đã chọn giải pháp 2, leo thang chiến tranh vì họ không muốn mất mặt với các đồng minh trong khối Tự do (Chiến tranh Lạnh), khi McNamara vẫn cho rằng Mỹ sẽ không đạt được thắng lợi ở Việt Nam.

Đối với nhiều lãnh đạo dân sự (triều đại tổng thống) Hoa Kỳ, người viết chỉ có thể đi đến một kết luận cuối cùng, Việt Nam là một sự "đã rồi", một fait accompli, ngay cả trước khi cuộc chiến bắt đầu. Hoa Kỳ không có giải pháp cho miền Nam. Hoa Kỳ không hiểu gì về lịch sử hay bối cảnh Việt Nam (từ thời Pháp thuộc đến Cộng sản-Quốc gia). Khi bật đèn xanh cho các tướng lãnh miền Nam hạ bệ hai anh em Diệm-Nhu để đổ bộ quân Mỹ vào miền Nam (đảo ngược chính sách của ông Diệm-Nhu) sự hiện diện của quân đội Mỹ đã làm mất đi chính nghĩa dân tộc của miền Nam.

Nếu người Việt không chủ động được định mệnh mình, người ta có thể hỏi:
Hoa Kỳ, với đầu óc chủ bại trước khi lâm chiến, rồi lại gặp sự chống đối của dân chúng phản chiến Mỹ đã dành cho số phận dân chủ của Việt Nam một định mệnh đen như mõm chó?

© 2009 Đàn Chim Việt Online
---------------------------------------------

(1a) Tuy nhiên trong địa bàn chính trị (geopolitics) của thời Chiến tranh Lạnh, viện trợ kinh tế và quân sự cho miền Nam là cần thiết.
(1)
http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2009/07/17/AR2009071703345_pf.html
(2) http://www.vietamericanvets.com/Page-Diaspora-VCPMandate.htm

(3) tàu lạ-tàu quen

…“tàu lạ” chuyên húc tàu Ta
Ngư dân khốn khổ, chém cha giặc…“tàu”!
Ta Tàu hai đảng hôn nhau
Sao không nhờ “bạn” đem tàu giúp Ta ?
Biển Đông “bạn” vẫn tuần tra
Ắt tường “tàu lạ” hay là “tàu quen”!
*
Thắp nhang cúi lạy tổ tiên
Sao mười sáu chữ leo lên bàn thờ?
Cha đời cái bọn nhuốc nhơ
Thênh thang biển rộng bây giờ…về đâu?
Thái Hữu Tình
20-7-2009

(4) He, Johnson and other U.S. officials portrayed the war as a necessary battle in the Cold War, a proxy struggle to prevent communism from taking control of all of Southeast Asia. But while they saw the conflict as another front in the standoff between the United States and the Soviet Union, which backed communist North Vietnam, McNamara acknowledged later that they underestimated Vietnamese nationalism and opposition to the U.S.-backed government in Saigon.(5) "The conflict within South Vietnam itself had all of the characteristics of a civil war, and we didn't look upon it as largely a civil war, and we weren't measuring our progress as one would have in what was largely a civil war," he told CNN."



Walter Cronkite, người mang theo thời đại
Đinh Từ Thức
21/07/2009 8:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=7879
Walter Cronkite, nhà báo, người dẫn tin (anchor) nổi tiếng nhất, và được coi là người đáng tin nhất nước Mỹ (the most trusted man in America) đã từ trần tối 17 tháng 7, 2009 tại New York, thọ 92 tuổi.
Qua đời ở tuổi 92, được coi là thọ, nhưng vẫn thua mẹ tới 10 tuổi. Cronkite kể rằng, trong dịp sinh nhật 100 tuổi, giữa bữa tiệc, mẹ ông hỏi con: “Thuốc của mẹ đâu?” Walter cuống cuồng, chạy đi gọi y tá mang thuốc tới, bà gạt đi: “Ta muốn nói ‘ly Martini của ta đâu?’”

Là một người làm truyền thông trên 70 năm, qua mọi dạng thông tin, từ báo in, điện tín, phát thanh và truyền hình, lại có phong độ trầm tĩnh, dáng vẻ tin cẩn của hàng chú bác, Walter Cronkite hầu như đã trở thành định chế (institution), và ông mất đi, coi như một thời đại đã qua. Từ 1962 đến 1981, Cronkite đã xuất hiện hàng ngày trong tuần trước hơn 20 triệu khán giả qua chương trình tin buổi chiều của CBS. Ông được sự kính nể trong xã hội, không phải chỉ riêng tại Mỹ, mà còn tại nước khác. Đã có một thời, người dẫn tin tại Thụy Điển được gọi là Cronkiter.
Có thể nói, Walter Cronkite đã có cơ hội chứng kiến và tường thuật những biến cố quan trọng nhất, cả vui lẫn buồn, của thế kỷ 20.

Ra đời năm 1916 tại Missouri vào giữa Đệ nhất Thế chiến. Khi Cronkite mới được ba ngày, ông bố nha sĩ đã bỏ phiếu bầu cho ứng cử viên Woodrow Wilson làm Tổng thống, vì ông này chủ trương Mỹ đứng ngoài chiến tranh. Nhưng 5 tháng sau khi đắc cử, Wilson đã quyết định tham chiến. Ông bố “phản chiến” của Cronkite đã phải lên đường sang Pháp, cùng chuyến tầu với sĩ quan pháo binh Harry Truman, sau này trở thành Tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ.
Ở tuổi thiếu niên, Cronkite bắt đầu chơi với thứ sản phẩm mới được sáng chế, nhưng chưa thông dụng, là cái máy radio tân kỳ. Tuy rất khó mới căn đúng sóng, và tiếng rọt rẹt thường lấn át cả tiếng nhạc, tiếng người, nhưng nhiều cô cậu vẫn thức trắng đêm tìm kiếm, để sáng sau khoe với bạn đã nghe được những gì mới lạ, như những nguồn thông tin từ hành tinh khác. Rồi khi trưởng thành, chính môi trường phát thanh đã giúp Cronkite kiếm được vợ, và nổi tiếng khắp nơi.
Walter Cronkite say mê làm báo từ khi còn là học sinh trung học, nhờ một ông thầy yêu môn báo chí. Do thầy khuyến khích, Walter xin được việc làm mùa Hè tại báo Houston Post, đồng thời còn làm “paper boy”, là người đưa báo đến nhà cho độc giả dài hạn. Sau trung học, Cronkite theo được hai năm tại Đại học Texas ở Austin, rồi bỏ ngang vào năm 1935 đi làm phóng viên. Có lúc làm báo in, có lúc làm xướng ngôn thể thao cho đài phát thanh, cùng thời với Ronald Reagan.

Qua hồi ký A Reporter’s Life, Cronkite kể trong cả cuộc đời đi làm, ông bị sa thải có một lần, vì tính cẩn thận của nghề báo. Hồi ấy, ông đang làm cho đài KCMO tại Kansas City. Lúc bấy giờ, không có thu thanh rồi phát lại như sau này, mà phát thanh trực tiếp. Một hôm, ông xếp chạy vào phòng, ra lệnh: “Khẩn cấp! Khẩn cấp! Tòa Thị chính cháy. Ba người nhảy lầu, chết hết. Loan tin ngay! Vợ tôi vừa gọi. Nhà chúng tôi ngay bên kia đường. Loan tin gấp!”
Cronkite vội bốc telephone. Xếp hỏi: “Anh làm gì thế?” Và lại ra lệnh: “Loan tin ngay! Loan tin ngay!” Cronkite nói muốn gọi sở cứu hỏa để được xác nhận. Xếp giận dữ: “Anh không cần xác nhận. Vợ tôi đã nhìn thấy tận mắt mọi sự”.
Cronkite cứ gọi sở cứu hỏa, trong khi xếp tự mình loan tin cháy, theo nguồn tin của vợ. Sở cứu hỏa cho biết đám cháy không đáng kể, chỉ có giàn dáo (scaffolding) bị bén lửa, đã dập tắt, không ai bị thương. Sau đó, Cronkite bị sa thải, vì không tuân lệnh cấp trên.
Cronkite cũng đã có dịp xung phong tại Hội chợ Chicago năm 1933, khi mới 16 tuổi, trong một vụ biểu diễn thực nghiệm máy truyền hình, khiến có cớ khoe với bạn rằng mình đã ở trên TV trước những người khác rất lâu. Khi trưởng thành, chính TV đã gắn liền với sự nghiệp lẫy lừng của Cronkite.
Năm 1939, Cronkite kiếm được việc tại hãng thông tấn United Press (UP, sau đổi thành UPI - United Press International). Khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, Cronkite tình nguyện vào không quân, nhưng không thể thành phi công, vì bệnh loạn sắc, và được UP cử làm phóng viên chiến trường. Cronkite tham dự các trận đánh ở Bắc Âu và Bắc Phi, theo dõi tin tức Quốc xã và phát xít làm mưa làm gió một thời, nhìn tận mắt trái bom bay V1 đầu tiên phóng tới Luân Đôn. Rồi Cronkite chứng kiến những kẻ “thắng làm vua” là Đồng minh, đem xử những kẻ “thua là giặc” tại phiên tòa Nuremberg.
Theo dõi sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ từ thới Tổng thống Hoover (1929-1933), Cronkite đã làm tin, bình luận và có ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử tổng thống của bốn thập niên. Được anh em Kennedy đối xử thân thiết như người trong gia đình, ông vẫn cố giữ thái độ độc lập của một người làm truyền thông vô tư. Nhưng khi loan tin Tổng thống Kennedy bị ám sát chết, ông đã nghẹn ngào, không giữ nổi phong cách trầm tĩnh bình thường.
Khi còn là học sinh trung học, Cronkite đã sửng sốt chứng kiến đồng nghiệp của bố tại Houston đấm bể mặt một thiếu niên da đen, khi cậu này trao hàng từ tiệm kem, thay vì phải dùng cửa sau, đã bước vào cửa trước. Khi trưởng thành, Cronkite đã chứng kiến phong trào tranh đấu của người da mầu, loan tin khi Mục sư King bị ám sát. Rồi được chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống da mầu đầu tiên. Khi được tin Cronkite từ trần, Tổng thống Obama tuyên bố: “Không phải chỉ là một anchor, ông còn là người chúng ta có thể tin tưởng trong việc hướng dẫn chúng ta qua những vấn đề quan trọng nhất trong ngày; một tiếng nói vững chãi trong một thế giới bấp bênh”.
Cronkite đã được chứng kiến những tiến bộ kỹ thuật kỳ diệu của thế kỷ 20. Lái xe hơi khi mới 13 tuổi, vào thời Texas chưa buộc có bằng lái, và trên đường chẳng có bao nhiêu xe, cũng như cả nước chẳng có bao nhiêu đường tốt. Vào cuối thập niên 30, Cronkite loan tin trước nhất vụ cướp máy bay đầu tiên trong lịch sử. Rồi Cronkite có may mắn được tự mình loan tin khi phi hành gia Mỹ bước xuống mặt trăng ngày 20 tháng 7, 1969. Một lần nữa, tình cảm cá nhân đã lấn lướt chuyên nghiệp, Cronkite reo lên: “Người trên mặt trăng! Oh, boy! Họ ngồi trên mặt trăng! Trời ơi!”

Cronkite và cộng sản
Đại diện UP, một hãng thông tấn lớn của Mỹ, sống tại Mạc Tư Khoa từ 1946 đến 1948, thời bắt đầu cuộc Chiến tranh Lạnh, Cronkite đã chứng kiến cuộc sống thực dưới chế độ cộng sản. Mặc dầu là nhà báo nước ngoài, được hưởng một đặc quyền hàng đại sứ (ambassadorial rank), và không phải sống vĩnh viễn sau bức màn sắt, Cronkite vẫn cảm thấy khó có thể sống dưới chế độ cộng sản. Một xã hội hoàn toàn khép kín, cái gì cũng có vẻ bí mật, mọi người tố cáo lẫn nhau. Người dân bị bộ máy tuyên truyền bịp bợm, và sống trong cảnh cơ cực.
Cronkite kể là có anh tài xế từng lái xe trong quân đội Xô-viết. Lúc đầu, do mối giao hảo đồng minh còn sót lại từ thời chiến tranh, anh tài xế tối ngày ca tụng chiếc xe Jeep mà anh gọi là “Zheep”, coi như một thành tựu kỹ thuật vĩ đại trong thế kỷ 20, chứng tỏ kỹ thuật siêu đẳng của Mỹ. Nhưng dần dần, do ảnh hưởng bị nhồi sọ bằng tuyên truyền, anh tin là nước Nga đã phát minh ra mọi sản phẩm tân tiến, từ máy truyền tin tới máy bay, kể cả môn bóng chầy (baseball). Cuối cùng, anh đã trách người Mỹ, chẳng những chỉ nhận vơ đã chế ra xe Jeep, còn cả gan ăn cắp bản quyền của Nga, đổi tên từ Zheep thành Jeep.
Theo Cronkite, một trong những điều khủng khiếp dưới chế độ Đỏ, là sự bất công giai cấp phơi bầy rõ trong mỗi cuộc diễn hành dưới sự chứng kiến của Stalin, trước Lăng Lenin:
Dẫn đầu là đoàn xe mui trần, chở các tướng mập mạp bụng phệ, nặng nề tưởng như quá tải đối với những chiếc xe tội nghiệp. Rồi đến cấp đại và trung tá đều bước theo sau, bụng người nào cũng nhô ra như phụ nữ mang bầu. Nối tiếp là cấp thiếu tá và đại úy, trông gọn ghẽ nhanh nhẹn như đám người chạy bộ vào giờ ăn trưa quanh Ngũ giác Đài. Sau họ là đám binh sĩ gầy ốm tong teo, không hiểu sao có đủ sức đi cả đoạn đường diễn hành.
Trong các cuộc diễn binh tại Mạc Tư Khoa, Cronkite được nhìn đủ loại võ khí kinh khủng, nhưng tiện nghi và hiệu quả trong đời sống hàng ngày quá tệ. Khi ống tiêu nước bồn rửa trong nhà bị kẹt, không được dùng điện thoại gọi người sửa, mà phải viết thư xin giới hữu trách gửi thợ ống nước tới. Đợi hàng tuần mới có thằng bé xuất hiện, với tất cả dụng cụ chỉ là nửa cái lưỡi cưa. “Ông thợ” xin chủ nhà miếng giẻ, bọc một đầu nửa lưỡi cưa làm chỗ cầm, rồi cưa đôi ống nước chỗ bị nghẹt, bẻ toác ra hai bên, đòi đưa cho cái chậu hứng nước. Thế là xong. Yêu cầu chủ nhà ký nhận, rồi ra về.
Khi trở về Mỹ năm 1948, Cronkite được mời diễn thuyết ở nhiều nơi. Một đêm, tại buổi nói truyện ở Omaha, trước câu hỏi về khả năng làm bom nguyên tử của Nga, Cronkite trả lời ông tin rằng nếu họ không sửa được cái bồn nghẹt nước, thì họ không thể làm được bom nguyên tử. Nhưng ngay sau đó, ông đọc thấy trên báo Omaha Bee hàng tựa lớn: “Nga đã cho nổ bom nguyên tử”. Ông thú nhận đã thiếu sót chuyện hiển nhiên: Tất cả thợ ống nước có kinh nghiệm đã được tuyển để làm bom; chẳng còn ai để phục vụ cuộc sống dân sự.
Trước tình trạng căng thẳng giữa hai khối tự do và cộng sản, Cronkite đã có lúc cân nhắc trước khẩu hiệu “thà chết hơn Đỏ”, hay “thà Đỏ hơn chết”. Mặc dầu không chấp nhận việc dùng bom nguyên tử tiêu diệt cộng sản, Cronkite nghiêng về chủ trương “thà chết hơn Đỏ”. Nhưng đó là lựa chọn cá nhân. Ông hoài nghi chính sách “thà chết hơn Đỏ” áp dụng cho tập thể. Ông nghi ngờ bất cứ nước nào có quyền tiêu diệt loài người vì quyền lợi quốc gia mình.

Cronkite và Việt Nam
Cao độ sự nghiệp của Cronkite là thời Mỹ tham chiến tại Việt Nam, nên ông cũng có nhiều liên hệ với Việt Nam. Ngoài những nhân vật quen biết thời Đệ nhị Thế chiến nắm những vai trò quan trọng tại Việt Nam, Cronkite đã tới đây 4 lần.
Thời làm phóng viên chiến trường ở Châu Âu, Cronkite quen với Bedell Smith và Harriman. Cả hai người sau này đều là Đại sứ Mỹ tại Mạc Tư Khoa, rồi Smith làm trưởng phái đoàn Mỹ tại Hội nghị Genève về Đông Dương, còn Harriman làm trưởng phái đoàn Mỹ tại Hòa đàm Paris. Cronkite cũng từng đi chung với tướng Maxwell Taylor và trung tá Creighton Abrams trong đạo quân giải phóng Châu Âu. Sau này, một người làm Đại sứ Mỹ và người kia là Tư lệnh quân Mỹ tại Việt Nam.
Mặc dầu cho tới nay, nhiều người Việt Nam vẫn cả quyết - mà chưa thấy bằng chứng - rằng Mỹ giết ông Diệm để có thể mang quân vào Việt Nam, Cronkite viết trong hồi ký của mình:
“Tôi vẫn tin rằng nếu [Tổng thống Kennedy] còn sống, ông đã rút các cố vấn khỏi Việt Nam, mặc dầu Ngoại trưởng của ông là Dean Rusk sau này viết là ông chưa bao giờ nghe thấy Tổng thống nói tới điều này là chuyện có thể”.

Mười hai tuần lễ trước khi bị ám sát tại Dallas, Tổng thống Kennedy đã dành cho Walter Cronkite một cuộc phỏng vấn độc quyền, thu băng trước tại nhà riêng ở Hyannis, Massachusetts, để phát hình vào dịp “Tin buổi chiều của CBS” tăng từ 15 phút lên nửa giờ, bắt đầu vào Lễ Lao động 2 tháng 9, 1963. Dịp này, ông Kennedy đã tuyên bố:
“Trừ khi chính quyền [Việt Nam] tăng gia cố gắng để đạt được sự ủng hộ của đại chúng, tôi không nghĩ rằng cuộc chiến ở đó có thể thắng. Trong phân tách cuối cùng, đó là cuộc chiến của họ. Họ chính là những người sẽ thắng hay thua. Chúng ta có thể giúp họ, chúng ta có thể cho họ đồ trang bị, chúng ta có thể gửi người qua đó làm cố vấn, nhưng họ, nhân dân Việt Nam, phải thắng, chống lại cộng sản.
Chúng ta sửa soạn để tiếp tục trợ giúp họ, nhưng tôi không nghĩ là cuộc chiến có thể thắng, trừ khi có sự ủng hộ của dân chúng, và theo ý tôi, trong hai tháng vừa rồi, chính quyền đã xa rời dân chúng”.

Cronkite cho rằng qua lời tuyên bố như vậy của ông Tổng thống, không thể hiểu là ông sẽ mang thêm quân vào cuộc chiến. Cuộc phỏng vấn của Cronkite đã được coi như một đòn chí tử đánh vào Tổng thống Ngô Đình Diệm. Cronkite cho biết, sau này Tham vụ Báo chí Bạch ốc Pierre Salinger muốn làm nhẹ đi trách nhiệm của Kennedy đối với ông Diệm, bằng cách hủy bỏ hay thay đổi nội dung cuộc phỏng vấn, nhưng không có kết quả. Lời nói đã trở thành sử liệu.

Cronkite tới Việt Nam lần thứ nhất, khi cuộc chiến bắt đầu leo thang:
Đáp máy bay Việt Nam tại Hồng Kông, tôi rất cảm kích về thủ tục hữu hiệu khi lên máy bay và sự sạch sẽ bên trong, nhưng phần lớn là vì sắc đẹp và sự duyên dáng của các nữ tiếp viên. Đây đâu phải địa ngục chiến tranh, mà là thiên đàng.
Trước khi cất cánh, một trong những người đẹp tóc dài, tươi cười đưa cho tôi tờ báo Anh ngữ xuất bản ở Sài Gòn, với tựa lớn đen ngòm về tin trong ngày: “Nữ tiếp viên Việt Nam hàng không bị bắt vì đặt bom máy bay”.
Liệu nàng tiếp viên của tôi có cười bằng nụ cười của rắn hổ mang?
Chuyến bay đã kém thoải mái hơn như được hứa hẹn chỉ khoảnh khắc trước đây - và tôi đã học được bài học sơ đẳng đầu tiên về Việt Nam vào thập niên 60: Tưởng vậy mà không phải vậy (One could not depend on things being what they seemed to be).

Từ bài học sơ đẳng đầu tiên, cộng với thái độ phủ nhận sự thật của những ký giả ngoại quốc trẻ đối với các bản tin chiến sự công bố ở Sài Gòn, nhất là công trình xây dựng vĩ đại tại Cam Ranh, đã cho Cronkite kết luận là cuộc chiến không thể diễn tiến tốt đẹp như những lời tuyên bố chính thức. Nếu đã chắc chiến thắng, sao còn xây Cam Ranh quá vĩ đại?

Cronkite bị nghi ngờ từ cả hai phía: Những người bảo thủ ủng hộ chính quyền cho rằng ông thuộc phe cấp tiến thiếu tinh thần yêu nước (unpatriotic liberal). Phe sinh viên và chống chiến tranh cho rằng ông là người phát ngôn của chính quyền. Ông thú nhận có nghiêng về phía chống đối, khi thấy phía bảo thủ cho rằng những người chống chiến tranh là không yêu nước. Theo ông, không thể xác định được lòng yêu nước, vì đối với những ai tin tưởng rằng chiến tranh làm xấu đi hình ảnh đất nước họ yêu mến, thì chống chiến tranh là yêu nước cao độ.
Để tỏ thiện chí với phía chính quyền, một hôm Chủ tịch CBS là Arthur Taylor đã mời Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger dự một bữa ăn trưa để trao đổi ý kiến. Schlesinger vừa lên tiếng đặt vấn đề cần có thái độ yêu nước trên mọi mặt trận, Cronkite phản pháo liền:
Yêu nước không phải là việc của nhà báo. Và làm thế nào để xác định được lòng yêu nước? Phải chăng yêu nước chỉ giản dị là đồng ý không thắc mắc với mọi hành động của chính quyền? Hay chúng tôi có thể định nghĩa yêu nước là có can đảm nói và hành động theo các nguyên tắc người ta nghĩ là tốt nhất cho đất nước, không cần biết nó có hợp với ý muốn của chính quyền hay không?
Mọi người đều có bổn phận tôn trọng pháp luật, nhưng thưa ông Bộ trưởng, định nghĩa về yêu nước của ông sẽ ngăn cản chúng tôi nghe và tường thuật về quan điểm của những người tin rằng các chính sách của ông có hại cho lợi ích của quốc gia. Có thể những người chống đối này là những người yêu nước. Ít nhất họ có quyền tin tưởng rằng tình yêu của họ đối với đất nước cũng thành thật như quý ông, và họ có quyền theo Hiến pháp để nói ra những điều họ tin tưởng. Và khi tường thuật một cuộc đối thoại lịch sử của họ, chúng tôi không hề phạm tới lòng yêu nước.

Cronkite sang Việt Nam lần thứ nhì để được chứng kiến tại chỗ cuộc chiến Mậu Thân còn đang tiếp diễn.
Tại Sài Gòn, quan sát chiến sự từ sân thượng khách sạn Caravelle, và vào nhiều khu trong Chợ Lớn, với vết tích chiến tranh vẫn còn ngổn ngang. Đi cùng Thủy quân Lục chiến tăng viện tới Huế. Lúc ra phải đi chung trực thăng với 12 bao xác chiến sĩ tử trận. Mặc dầu tin chính thức cho biết Cộng quân đã bị một vố nặng, thiệt hại rất nhiều, nhưng Cronkite không nhìn thấy.
Với tất cả những gì được nhìn tận mắt, thêm những trao đổi thành thực với Tướng Abrams, người quen cũ từ mặt trận Châu Âu, khi trở lại Sài Gòn, Cronkite cảm thấy hoài nghi và bực bội trước những lời tuyên bố từ Bộ Tư lệnh là chỉ cần thêm vài chục ngàn quân nữa để thắng cuộc chiến. Như để chứng minh cho hoài nghi của mình, sau Tết, Tướng Westmoreland xin thêm 206.000 quân, để nâng tổng số quân Mỹ tại Việt Nam lên 750.000 người. Tổng thống Johnson đã từ chối.

Trở về Mỹ, Cronkite quyết định làm một tường trình đặc biệt về vụ tấn công Tết Mậu Thân. Khác với thông tin vô tư thường lệ, Cronkite kết thúc bằng những lời bình luận, nói lên quan điểm riêng của mình.
Cronkite cho biết ông làm điều này để bảo vệ tự do báo chí, vì nếu một thành viên của báo chí không nói ra điều hệ trọng cho dân chủ, thì ai sẽ làm việc này. Ông nói:
Hôm nay nói rằng chúng ta gần chiến thắng hơn, là dù với bằng chứng, vẫn tin những người lạc quan đã từng sai lầm trong quá khứ. [Nhưng] nói rằng chúng ta trên bờ của thất bại, là nhường cho sự bi quan vô lý. Nói rằng chúng ta bị sa vào thế kẹt có vẻ là điều thực tế duy nhất, tuy là kết luận không thỏa mãn… Ngày càng trở thành rõ ràng hơn đối với người phóng viên này, là chỉ có một con đường hợp lý để thoát, là thương thuyết, không phải với tư thế kẻ thắng, mà là một dân tộc có danh dự tôn trọng lời hứa bảo vệ dân chủ, và làm tốt nhất những gì có thể.

Sau này, theo lời kể của Phụ tá Tùy viên Báo chí Bill Moyers, Tổng thống Johnson cũng theo dõi tường trình đặc biệt này vào ngày 27 tháng Hai, 1968. Ông đã thực sự sửng sốt, tắt TV và nói: “Nếu tôi mất Cronkite, tôi mất giới trung lưu Hoa Kỳ” (If I’ve lost Cronkite, I’ve lost middle America). Năm tuần sau, Johnson loan báo quyết định không tái tranh cử. Trong cuốn The Powers That Be, David Halberstam viết rằng lần đầu tiên trong lịch sử, một người dẫn tin (anchorman) đã tuyên bố một cuộc chiến chấm dứt.
Tuy bị thương ở lưng, Cronkite đã nhờ xe cứu thương chở tới nơi làm việc, để khỏi mất cơ hội loan tin về những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến Mỹ can dự ở Việt Nam, khi Sài Gòn đổi chủ.

Cronkite đi Việt Nam lần thứ ba, chứng kiến cảnh thả tù binh Mỹ tại Hà Nội. Khi thấy dân chúng ở đây vẫy tay chào vui vẻ lúc xe bus đi qua, ông không hiểu họ có biết mình là người Mỹ. Không những đối xử tàn bạo khi giam giữ, cộng sản còn tỏ ra dã man khi thả. Tù binh không được báo trước sẽ ra về. Ngay lúc xếp hàng trước khi lên xe ra phi trường, họ vẫn không biết để làm gì; vẫn trong tình trạng lo sợ, đề phòng. Cronkite đã nghĩ ra kế thông tin bằng cách nói lớn với đám chuyên viên quay phim: “Này, các bạn làm lẹ đi chứ, để những người này còn kịp chuyến bay về nhà chiều nay”.
Năm 1985, Cronkite mang Nghị sĩ McCain trở lại Hả Nội để làm câu chuyện về đời người cựu tù binh danh tiếng này. Cronkite không thể hiểu được tại sao một người đàn bà với đứa con nhỏ, nói rằng đã mất chồng mất con vì bom Mỹ, nhưng khi được giới thiệu với McCain thì tỏ vẻ thán phục, vui mừng như được gặp minh tinh màn bạc. Riêng McCain, dù mọi người cố nói, cũng nhất định không chịu bước vào căn phòng giam cũ.

*

Năm 1973, kết quả thăm dò dư luận của tổ chức Oliver Quayle cho biết Cronkite được coi là người đáng tin nhất tại Hoa Kỳ, trên cả Tổng thống và phó Tổng thống. Tại Đại hội Đảng Dân chủ năm 1980 ở New York, trước khi về hưu, Cronkite được hoan hô nồng nhiệt hơn cả Tổng thống tái ứng cử Jimmy Carter. Buổi phát thanh cuối cùng “CBS Evening News with Walter Cronkite” vào chiều ngày 6 tháng Ba, 1981 đã là một biến cố quan trọng. Sáu tuần lễ trước, Cronkite được tặng Huy chương Tự do của Tổng thống (Presidential Medal of Freedom), phần thưởng cao quý nhất dành cho dân sự.
“Betsy”, người vợ chung sống trong 65 năm, trước khi qua đời năm 2005 từng kể rằng, Cronkite đã đi khắp nơi trên thế giới, vẫn nhìn trời vào ban đêm mà nói: “Ta phải lên trên đó”. Ông qua đời ba ngày trước kỷ niệm con người lần đầu bước lên mặt trăng, mà ông đã trầm trồ tường thuật 40 năm trước.

————

Tài liệu tham khảo: Walter Cronkite A Reporter’s Life; The New York Times và The Washington Post
© 2009 Đinh Từ Thức
© 2009 talawas blog

------------------------------------

TRUYỀN THÔNG MỸ TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment