Thursday, July 23, 2009

CỦA SỰ IM LẶNG (Về GS Trần Hữu Dũng và Viet-studies)


Của sự im lặng
Trịnh Hữu Tuệ
23/07/2009 11:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=7848
Trần Hữu Dũng là giáo sư kinh tế học tại Mỹ. Ông nằm trong số những trí thức được hưởng quyền tự do suy nghĩ và phát biểu vào loại bậc nhất trong lịch sử loài người. Vì vậy, tôi đọc những bài ông viết trên Viet-studies - website do cá nhân ông quản lý - với tiền giả định rằng chúng phản ánh đúng đắn quan điểm và cách nhìn nhận của ông. Tiền giả định này mang đến cho tôi một vài bận tâm mà tôi muốn trình bày một cách hết sức ngắn gọn trong những dòng dưới đây. Tôi hy vọng rằng độ dài của bài viết này sẽ không bị đặt trong quan hệ tỷ lệ thuận với tầm quan trọng và mức độ cấp bách của cái vấn đề mà người viết nó muốn mang ra thảo luận.

Tôi xin bắt đầu bằng nhận xét rằng khi Trần Hữu Dũng bàn về dân chủ, khả năng một xã hội đa nguyên cho Việt Nam hoàn toàn không được ông đề cập tới một cách hiển ngôn. Trái lại, ông phàn nàn rằng dân Việt Nam trong và ngoài nước “cứ tối ngày ngồi than Việt Nam không có dân chủ.”
[1] Ông đưa ra kết luận không lấy gì làm đáng ngạc nhiên rằng “liên hệ giữa phát triển kinh tế và thể chế chính trị (cụ thể là dân chủ) … vẫn chưa rõ ràng và … sẽ không thể rõ ràng, vì có quá nhiều thông số,” và tuyên bố rằng “để thẩm định tác động kinh tế của dân chủ, ta phải nhìn xa hơn chế độ đương thời, xét cả đến kỳ vọng của dân chúng (thậm chí của cả giới đầu tư nước ngoài) về sự ổn định của chế độ ấy.”[2] Ta tự hỏi nếu được lựa chọn giữa một xã hội đa nguyên trong đó người dân có khả năng dùng phiếu bầu để bảo vệ môi trường và phong cách sống của mình và một xã hội chuyên chính trong đó người dân hoàn toàn bất lực về mặt chính trị nhưng sự “ổn định” được đảm bảo tuyệt đối bằng một bộ máy đàn áp khổng lồ thì “giới đầu tư nước ngoài” sẽ chọn môi trường đầu tư nào. Còn về “kỳ vọng của dân chúng,” chẳng phải phần đông chúng ta đều muốn “ổn định” để làm ăn, muốn được yên thân theo đuổi những mục tiêu mà “giới đầu tư nước ngoài” đã bỏ nhiều công để vạch ra cho chúng ta hay sao? Biết như vậy nên các cơ quan tuyên truyền chính thống luôn tìm cách biến “dân chủ” thành một khái niệm đối lập với “ổn định.” Cái newspeak này đã làm nhiều người - trong đó có cả thanh niên và sinh viên - sợ dân chủ như sợ cọp, sẵn sàng xông vào “hấp diêm” những phần tử rách việc dám kêu gào đòi “rân chủ.” Tôi không dám chắc là ảnh hưởng của nó hoàn toàn không hiện hữu trong suy nghĩ của Trần Hữu Dũng khi ông nhắc đến “kỳ vọng của dân chúng (và của giới đầu tư nước ngoài) về sự ổn định của chế độ.”

Trong tranh luận về tham nhũng, Trần Hữu Dũng cũng cho thấy rằng ông bám lề đường bên phải một cách tinh tế nhưng có lẽ là hăng hái hơn ông chịu công nhận. Tất cả những giải pháp ông đưa ra để giải quyết vấn đề khủng khiếp nhất hiện nay trong xã hội Việt Nam đều có xuất phát điểm là chính quyền nước này có thể cải thiện được. Ví dụ, ông nói rằng để giảm động lực tham nhũng, “cấp lãnh đạo” cần phải “thanh liêm và trong sạch.” Nhưng cái khả năng - kể cả về mặt lý thuyết - rằng “cấp lãnh đạo” không thể trở nên thanh liêm và trong sạch được nữa hoàn toàn không được ông nhắc tới. Thậm chí, ông còn khuyên mọi người “nên thông cảm” với các nhà lãnh đạo, vì họ “dù có đánh giá cao các nghiên cứu kinh tế, cũng bị ràng buộc bởi những vấn đề khác, có những mục tiêu khác ngoài kinh tế, mà nhà kinh tế thuần tuý không nghĩ đến.”
[3] Cấp lãnh đạo sẽ hoan nghênh sự “thông cảm” này, và họ cũng sẽ hoan nghênh lời cảnh báo mà Trần Hữu Dũng đưa ra trong bài Tham nhũng và tăng trưởng kinh tế, rằng tham nhũng là một “hiểm họa quan trọng đặc biệt cho chế độ,” rằng phải coi chừng “sự bất bình của người dân đối với một chế độ xã hội chủ nghĩa … bị tham nhũng đục khoét.” Đây cũng là bài viết được Trần Hữu Dũng kết thúc bằng một đoạn văn dài trích lời Thủ tướng Võ Văn Kiệt - một lãnh đạo của các lãnh đạo, một vị thánh của báo chí chính thống. Trong đoạn văn này, Thủ tướng Kiệt bày tỏ nỗi “ray rứt” của mình khi thấy “tham nhũng lại nằm trong bộ máy Nhà nước” và dặn chúng ta rằng “ở cương vị càng cao thì càng phải tuân thủ phép nước.”[4] Vì thông tin tôi có về lịch sử chống tham nhũng và tuân thủ phép nước của Thủ tướng Kiệt có phần hạn chế nên tôi xin để bạn đọc tự đánh giá những “ray rứt” nói trên cũng như việc Trần Hữu Dũng trích dẫn chúng.

Như đã nói, Trần Hữu Dũng là một giáo sư có biên chế tại một trường đại học của nước Mỹ. Trong bối cảnh thế giới hiện tại, vị thế này khiến ông trở thành chuẩn mực cao nhất của tự do ngôn luận. Ông có điều kiện phát biểu những ý kiến mà rất nhiều người không bao giờ dám phát biểu, và phải nói rằng ảnh hưởng của ông đối với giới trí thức trẻ là rất lớn. Chính vì lý do đó, sự im lặng của ông về những khả năng chính trị rõ ràng là đang cần được tranh luận một cách cởi mở sẽ trở thành thông điệp mạnh mẽ về giới hạn của cái được nói, về những gì “đến giáo sư Mỹ còn chẳng dám bàn.” Bằng cách né tránh chủ đề đấu tranh dân chủ cho Việt Nam, ông đã vô tình giúp sức biến nó thành một chủ đề cấm kỵ, và đây là cách đấu tranh chống dân chủ một cách hiệu quả nhất. Tệ hại hơn nữa, sự né tránh của ông để lại cho người đọc ấn tượng về một nỗi sợ hãi, âm thầm và sâu sắc, ẩn mình dưới những phân tích an toàn về mặt chính trị, dưới cái tư thế được ông mô tả là “khách quan, đúng đắn, không phá đám, cũng không cuồng tín,” nhưng lại điều khiển suy nghĩ và lời nói của “nhà khoa học” một cách tàn nhẫn.
[5] Sợ hãi là một căn bệnh lây lan, và trong thời điểm lịch sử đầy thử thách như hiện nay, khi dân tộc Việt Nam cần phải có đủ lòng quả cảm để “chặt cầu tiến lên,”[6] sự sợ hãi, ở những trí thức có vị thế và điều kiện như giáo sư Trần Hữu Dũng, có lẽ là điều đáng sợ hãi nhất.

------------------------------------------------

[1] Xem Gặp ‘ông chủ’ Viet-studies, Người Đô thị, Tháng 9/2008
[2] Xem Trần Hữu Dũng, Dân chủ và phát triển: Lý thuyết và chứng cớ, Thời Đại Mới, Số 10, Tháng 3/2007
[3] Xem Trần Hữu Dũng, Ta cần biết ta hơn nữa, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Số Tết Đinh Hợi, Tháng 2/2007
[4] Xem Trần Hữu Dũng, Tham nhũng và tăng trưởng kinh tế, Nghiên cứu Kinh tế, Tháng 4/1999
[5] Xem Gặp ‘ông chủ’ Viet-studies, bài đã dẫn. Trần Hữu Dũng khen báo Công an Nhân dân “có mục văn hóa khá.” Về những cái không được “khá” cho lắm của tờ báo này, ông không có phát biểu gì chính thức. Nỗi sợ hãi của ông còn xuất hiện trong những chi tiết nhỏ khác, ví dụ như trong đoạn đầu bài “Ta cần biết ta hơn nữa,” khi ông nói “[c]ó người (như nhà kinh tế nổi tiếng Jagdish Bhagwati, nguyên cố vấn cho Tổng thư ký WTO) khẳng định rằng vài nước (ông có nêu tên, nhưng người viết bài này không dám lặp lại vì hơi… nhạy cảm!) đã gia nhập WTO khá dễ dàng chỉ vì họ hạ bút ưng thuận soàn soạt mọi điều kiện mà đối tác đặt ra.”
[6] Xem Vũ Minh Khương, Việt Nam: Chặt cầu để tiến lên?, Tuần Việt Nam, 13/7/2009


Phản hồi

Công tử Bạc Liêu nói:
23/07/2009 lúc 5:36 chiều
Nói thêm một chút sau khi đọc một số bài viết và phỏng vấn ông Trần Hữu Dũng trên các báo trong nước (riêng bài trên báo Nhân Dân thì không vào được hay đã bị xoá?):
Cùng với một số nhà khoa bảng hải ngoại khác trong nhóm Thời Đại Mới và nhóm Diễn Đàn, ông THD có dự án “Đại học chất lượng cao” cho VN từ năm 2006 nhưng đến nay chưa tiến triển được. Kinh nghiệm xương máu của VN cho những “dự án Việt kiều” là:
1) Dự án sân Golf thì OK ngay!
2) Dự án không sân Golf cũng được, miễn là mang theo nhiều Dollar, cũng OK ngay!
3) Dự án kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ: hoan nghênh, nhưng phải để cho các cơ quan, cán bộ trong nước đứng đầu, Việt kiều được làm chuyên gia cố vấn, thỉnh thoảng được lên báo lên đài lên truyền hình để chứng tỏ nhà nước ta trọng dụng nhân tài.
3) Dự án văn hoá, giáo dục: Cái này thì nhạy cảm lắm. Trước hết là hoan nghênh, hứa hẹn sẽ nghiên cứu xem xét, tạo điều kiện (số 1 trong việc hứa hẹn xem xét tạo điều kiện cho giới văn nghệ sĩ, trí thức là các ông Phạm Văn Đồng và Võ Văn Kiệt, cả 2 ông đều đã là người thiên cổ. Hiện nay chưa có ai thay thế 2 cố “Thủ tướng hứa hẹn” này). Sau đó thì bỏ lửng dài dài, không từ chối mà cũng không chấp nhận hay cho phép thực hiện, cứ để các giáo sư Việt kiều thấp thỏm hi vọng dài dài. Trong thời gian chờ đợi dài dài này thì họ phải “bám lề đường bên phải một cách tinh tế” (hi hi!) chứ.

Công tử Bạc Liêu nói:
23/07/2009 lúc 4:00 chiều
Ông Trần Hữu Dũng vừa đăng bài trên trang Viet-studies: “Ổn định và phát triển: Trí thức Trung Quốc đang nghĩ gì?”
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai16/200916_THDung.htm
Đây là bài mà ông đã đọc trong hội thảo tại Việt Nam. Tuy chỉ nói về trí thức Trung Quốc, nhưng không khó nhận ra cảm tình của ông dành cho nhóm Tân Tả cũng được ông trình bày kỹ lưỡng nhất trong bài.
Nếu thay chữ TQ bằng chữ VN thì nhận định của ông về nhóm Tân Tả có vẻ đúng phoóc với vị trí của chính bản thân ông:
“số lớn nhóm này là những học giả, những trí thức được đào tạo bài bản, tốt nghiệp từ các đại học hàng đầu và, đáng chú ý hơn, đã sống nhiều năm, thậm chí khá thành danh, ở Mỹ và Anh. Họ quen thuộc với tư tưởng Tây phương hiện đại (với các tên tuổi như Michel Foucault, Edward Said, Paul Baran, Immanuel Wallerstein… , những lý thuyết như “tân Mác”, “hậu hiện đại”, “hậu thực dân”), nhưng họ không sùng bái các trào lưu thời thượng này như các thế hệ trước. Họ cho rằng nhiều quan điểm về tính tân thời, về phát triển…, phát xuất từ Tây phương, là không thích hợp với Việt Nam (thay chữ Trung Quốc trong nguyên bản). Vài tác giả còn đi xa hơn nữa, cho rằng cần “vượt qua” (không nhất thiết là “dung hợp”) những phạm trù tương phản ̶ giữa xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, giữa “cái tân thời” và “cái cổ truyền”, giữa Việt Nam (nt) và phương Tây. Họ muốn vạch một con đường mới trong suy nghĩ về Việt Nam.”
Còn đoạn sau đây thì phần nào cho thấy “ước muốn” của ông Trần Hữu Dũng muốn chính quyền VN cũng được “sáng suốt” như chính quyền TQ trong việc lắng nghe nhóm Tân Tả:
“Đáng chú ý nhất có lẽ là nhóm Tân Tả. Sau những cực đoan “thị trường hóa” “tây phương hóa” trong cuộc cải cách của Trung Quốc, sau những thành công và nhiều mặt xấu của nó, rõ ràng là đã có nhiều phản ứng ngược lại mà tiêu biểu là nhóm Tân Tã. Một “ưu điểm” của nhóm này (và nhờ ưu điểm này mà họ có thể “chung sống”, thậm chí có đồng minh trong cấp lãnh đạo) là họ chỉ phê bình những chính sách cụ thể của nhà nước, chứ không (công khai) thách thức tính chính đáng và uy quyền của Đảng.(Tuy nhiên, lối phê bình “cục bộ” này đôi khi cũng men đến những vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như khi họ chỉ trích một số chính sách hiện nay, cho đó là một hình thức bốc lột, thậm chí cưỡng chiếm, công của của nông dân và lao động… và những sự bất công khác). Nhưng rõ ràng là nhóm Tân Tả đã tạo một đối trọng cần thiết, nhắc nhở nhà nước những lý tưởng của xã hội chủ nghĩa… “May mắn” cho những người này (và cũng thể hiện phần nào sự “sáng suốt” của chính quyền Trung Quốc), họ không bị xem là “phản động”, mà đôi khi còn là cố vấn, là những nhà lý luận “quan phương” cho cấp lãnh đạo hiện nay… Nhưng điều này có thể nhìn ngược lại: rằng họ vẫn còn bị thấy, phần nào, phải biện hộ cho sự phát triển(đúng hơn là sự tiến hóa) của Trung Quốc trong “khung tư tưởng” Tây phương.”
Tiếc thay chính quyền VN hơi bị “ngu” hơn chính quyền TQ. Nhưng cả hai chính quyền này đều có chung sự thông minh là: đối với giới trí thức, lúc nào thấy lợi cho mình thì chính quyền dùng, có khi đưa lên mây xanh, lúc không cần nữa thì dẹp, có khi cho xuống bùn đen luôn.
Trí thức có “khôn” mấy cũng không “khôn” bằng chính quyền đâu, chớ bé cái lầm!

Nguyễn Phong nói:
23/07/2009 lúc 3:41 chiều
Bạn ThanhNam đoán GS Dũng sẽ “phẩy tay cười nhạt thôi” chắc đúng, tôi cũng đoán là GS Dũng sẽ không bao giờ xuất hiện trên Talawas vì website này bị phía nhà nước VN coi là “phản động”, bị đặt tường lửa.
Trong khi đó GS Dũng “khoe” rất tưng bừng những bài phỏng vấn mình trên báo chí trong nước, kể cả báo Nhân Dân! GS Dũng cũng có nhiều bài trên báo chí trong nước, bài nào cũng thể hiện một tinh thần trí thức có trách nhiệm, có đầu óc phóng khoáng “hơn đứt” người trong nước. Nhưng đồng thời cũng rất tỏ dấu hiệu cho thấy là mình không chống đối chế độ này, chỉ muốn góp phần làm cho nó tốt đẹp hơn thôi. “Đảng ta” nói chung là rất thích loại thái độ này, nó làm cho “Đảng ta” sang trọng hơn, lại được tiếng là biết “tiếp thu” những ý kiến xây dựng (mốt bây giờ gọi là “phản biện”) tích cực (phân biệt với phản biện tiêu cực, “nhơn nhơn chống đối” (từ này tôi vừa đọc được trong một bài gì đó trong Spectrum trên Talawas).
Cũng tùy quan niệm có người cho thái độ như của GS Dũng là tốt trong hoàn cảnh VN. Có người cho đó là cơ hội. Có người cho đó là ảo tưởng. Có người cho đó là có hại như Trịnh Hữu Tuệ trong bài này. Cũng nên nói thêm là không phải chỉ có GS Dũng chọn thái độ này mà khá nhiều trí thức VN đặc biệt là đội ngũ giáo sư đang sống và làm việc tại các nước phương Tây chọn như vậy.
Tôi có một phỏng đoán là các giáo sư này chưa bao giờ phải thật sự làm việc trong môi trường VN nên mới có thể đứng ngoài và chọn thái độ khá “sang trọng” này. Giả sử họ cũng như GS Trần Đức Thảo, lúc ở ngoài nước thì được mời chào lắm, về trong nước thì đầu tiên bị vô hiệu hoá, sau đó bị lên án, đày đoạ, lúc sắp chết mới được ban ơn cho đi dối già trở về châu Âu thì có khi họ mới bớt ảo tưởng. Tất nhiên là vừa được hưởng mọi quyền lợi bậc nhất ở một trường đại học Mỹ vừa được chính quyền Việt Nam hoan nghênh thì là nghệ thuật siêu hạng rồi, có phải ai cũng làm được như vậy đâu.
Cuối cùng cũng nên ghi nhận sự đóng góp về thông tin của GS Dũng qua trang vietstudies của ông chứ!

ThanhNam nói:

23/07/2009 lúc 1:02 chiều
Bài này vui đấy. Tôi đoán GS. Trần Hữu Dũng đọc bài thì sẽ phẩy tay cười nhạt thôi.
Nhưng hy vọng GS. Dũng sẽ có bài lên tiếng ở talawas này.

Phùng Tường Vân nói:
23/07/2009 lúc 1:00 chiều
Người tinh ý một chút thì sẽ thấy ngay ở ông Trần Hữu Dũng một thái độ rất tính toán: ông luôn luôn biểu lộ mình là một trí thức trách nhiệm của chế độ và biết đâu sẽ chẳng có một ngày đẹp trời nào đó người trí thức ấy sẽ chẳng là một chút điểm tô cho cái chế độ đó.
Dẫu sao bài viết của ông Trịnh Hữu Tuệ vẫn là bài viết mà tôi mong đợi.

No comments:

Post a Comment