Tuesday, July 28, 2009
TỪ TRƯỜNG SƠN ĐÔNG TỚI SONG TỬ TÂY
TỪ TRƯỜNG SƠN ĐÔNG TỚI SONG TỬ TÂY
Tham luận của Linh mục Thiên Cẩm tại Tọa đàm khoa học Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam
Linh mục Thiên Cẩm
http://www.x-cafevn.org/node/2015
Tôi mới chỉ đi được mấy Km trên đường Hồ Chí Minh, khi từ Đà Nẵng về Kon Tum, thậm chí cũng không biết nơi đó thuộc Trường Sơn Đông hay Trường Sơn Tây, mà chỉ nghĩ đó là Trường Sơn Đông, vì năm bên phía Tây của dãy Trương Sơn. Tuy nhiên điều đó không quan trọng, vì dù sao tôi cũng đã từng đặt chân ở Trường Sơn Tây, cho nên khi đi từ Càng Cát Lai ra quần đảo Trường Sa, đặc biệt là lúc đặt chân lên đảo Song Tử Tây, tôi mới ý thức được rằng mình thật hãnh diện vì đã cảm nghiệm được một cách sống động hiện hữu của đất trời và biển cả Việt Nam : thật bao la xinh đẹp và đáng yêu!
Thật vậy, từ trước tới nay, tôi đã có dịp đặt chân lên nhiều bờ biển Việt Nam, từ Hạ Long qua Thuận An, Đà Nẵng, Quy Nhơn, tới Đại Lãnh, Nha Trang, Khánh Hoà, rồi Phan Rang, Mũi Né, Vũng Tầu… cho tới tận Mũi Cà Mau, nhưng từ những bờ biển đó, tôi vẫn chưa có được một cái nhìn về chiều rộng mênh mông, bát ngát của biển trời Việt Nam. Phải đi ba ngày hai đêm, qua vùng biển, đôi khi không thấy một bóng chim bay hay cá lượn, hoặc một con tầu nào ở đàng xa, mà chỉ có mặt biển mênh mông bát ngát hầu như vô tận, ta mới có cảm tưởng rằng tổ quốc ta không chỉ là sông núi, mà còn là biển cả vô biên. Và khi đặt hân lên hòn đảo nhỏ bé xanh tươi có tên gọi là Song Tử Tây, ta mới ý thức được rằng: Trường Sơn Đông và Song Tử Tây của quần đảo Trường Sa nay, cũng chỉ là một giang sơn, một tổ quốc Việt Nam.
Như tôi đã viết trong bài “Trường Sa trong trái tim ta”, đăng trên Tuần báo CG&DT : “Nhận thức đầu tiên của tôi từ lúc bước chân lên tàu HQ 957, rời bến cảng Cát Lái lúc 8 giờ ngày 8-4-2009, chạy theo hướng Vũng Tàu, và tiến thẳng ra biển khới, đó là : bầu trời và biển khơi mênh mông hầu như vô tận, mà từ trước tới nay tôi vẫn nghĩ là của chung thiên hạ, nhất là xưa kia, người ta vẫn gọi là Mer de Chine : Biển Trung Quốc [1] ! chứ không phải là Biển Việt Nam, hay ít ra là Biển Đông hay Thái Bình Dương ! Nhưng bây giờ thì đã rõ, đây là Trời Việt Nam, đây là Biển Việt Nam, bởi vì vùng biển trời mênh mông này sẽ nối dài tới tận Trường Sa, quần đảo mà chúng tôi đang đi tới.“
Tôi đã kể lại chi tiết cuộc viếng thăm Trường Sa, trong bài báo nói trên, ở đây chỉ xin ghi lại những cảm tưởng vẫn còn lắng sâu trong tâm trí.
Trước hết, nên nhớ rằng huyện đảo Trướng Sa là một quần đảo gồm nhiều đảo lớn nhỏ, mà hiện nay phần lớn năm dưới quyền kiểm soát của Việt Nam, còn những đảo khác do Phi-Luật-Tân, Đài Loan, Trung Quốc…kiểm soát. Gọi là đảo, nhưng phần lớn chỉ là những bãi đá ngầm. Trong số những đảo có đất, chúng ta làm chủ được Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, và Trường Sa lớn, nơi đặt trụ sở của huyện đảo. Trên những đảo lớn như Song Tử Tây, Sơn Ca và Trường Sa lớn, nhà cửa được xây kiên cố, khang trang, toàn đảo được che phủ bởi những hàng cây xanh tươi, đặc biệt là những cây Phong Ba, chịu được khô cằn và sóng gió, ngoài ra còn có những cây bàng với những tán lá dầy và rộng, chỉ cần ba cây là có thể tạo ra được một không gian bóng mát rộng rãi. Đặc biệt là ở Sinh Tồn Đông, có loại bàng trái cây vuông, trông lạ mắt. Ông Chủ tịch UBND Thành phố đã lấy một cây về để trồng ở khu tưởng niệm các Vua Hùng tại Thành phố.
Những đảo nhỏ chỉ là những bãi đá ngầm, nổi lên khi thủy triều xuống, chìm xuống khi thủy triều lên. Bộ đội Hải quân ta xây những lô cốt kiên cố làm nơi đóng quân. Trước kia chỉ là những cái chòi được dựng lên, bây giờ là những “nhà lô cốt” vững chắc, đẹp đẽ. Điều thú vị nhất là đâu đâu cũng có những “vườn” rau, giàn bí, hay giàn mướp, tuy nhỏnhững vẫn có trái. Tại những đảo có đất, thì anh em bộ đội dựng những rào chắn bằng vật liệu như lá dừa, để chắn sóng biển, bảo vệ cho rau. Còn ở những nhà lô cốt thì “vườn” rau chỉ là những khay gỗ được đặt ở những vị trí đặc biệt tranh bão gió. Nhưng tôi tự hỏi, ở những “nhà lô cốt” này, mỗi khi hái rau, thì anh em chiến sĩ mỗi người chia nhau được mấy cọng rau muống!
Tôi cũng nghe mấy em bé, con cái những gia đình định cư trên đảo Song Tử Tây và Trường Sa lớn, phàn nàn về chuyện quanh năm suốt tháng chỉ được ăn đồ hộp.
Chính vì thế, trong chuyến đi này, chuẩn Đô đốc Lê Văn Dạo đã ra chỉ thị phải tăng cường những loại thực phẩm như trứng và sữa cho trẻ con.
Nhưng vấn đề thức ăn vật chất không quan trọng bằng thức ăn tinh thần. Các chiến sĩ và bà con ở đảo thiếu những phương tiện giải trí, thiếu cả một khung cảnh sống bình thường trên đất liền ! Không một bóng xe đạp, nói gì đến ô tô hay Honda, cũng không chợ búa, và ở đây người ta không biết cả đến đồng tiền ! Không bóng người người cảnh sá, cũng chằng có người bán hàng rong, hay em bé đánh giầy… Đêm ngày yên tĩnh, không tiếng còi ô tô xe máy. Nhiều nơi không có lấy một con chim sẻ đậu dưới mái hiên hay, nhặt nhạnh trước sân nhà…
Tại những “nhà lô cốt” không gian thật eo hẹp. Các chiến sĩ của ta chỉ có mấy mét vuông để ở, ngoài ra có thể leo lên những tầng trên, chạy xuống những tấng dưới, hay xuống tận những mô đá trên mặt nước biển. Không một bãi cát, hay bóng cây. Ở đây không nghe thấy tiếng cười hay tiếng khóc của trẻ thơ, cũng chẳng thấy bóng dáng một người phụ nữ ! Thảo nào các chiến sĩ trẻ hải quân ở đây chỉ dần được nghe tiếng phụ nữ là đã đủ vui sướng rồi. Có những em bộ đội tuổi mới chỉ mười tám đôi mươi, tuy xa nhà chưa bao lâu, mới tám tháng, một năm hơn kém, chưa thể nào quêu được hình dáng của mẹ, của chị, của em gái, chứ chưa nói tới bạn gái hay người yêu.
Thế giới ở đây có lẽ thích hợp cho các thầy ẩn tu hơn là cho thanh niên, cho dù là bộ đội.
Cô đơn, buồn tẻ, nhưng người chiến sĩ hải quân ở đây không phải là những thanh niên yếu đuối mơ mộng. Họ vẫn là những chiến sĩ, ngày ngày, có thể nói là từng giờ từng phút, luôn luôn phải cảnh giác trước đầu sóng ngọn gió, không chỉ theo nghĩa đen, nghĩa là gió trời và sóng biển, mà là những đe doạ có thật, từ những con tầu, những máy bay lạ có thể xâm phạm bầu trời và lãnh hải Việt Nam. Họ phải đếm từng chiấc máy bay xuất hiện, những con tầu đi qua, cố gắng đọc những ký hiệu để biết nó thuộc quốc gia nào. Đã không thiếu những lần tầu lạ, hay có khi là tầu của một nước “đồng chí nhưng không phải đồng minh”, tìm cách đi vào hải phận của đảo ta, cùng với những tầu đánh cá cùng quốc tịch, khiến chiến sĩ và ngư dân của ta phải tiến ra ngăn cản. Có những chiến sĩ kể lại rằng anh đã phải nghiến răng kìm hãm mình để không bòp cò súng ! Lại có cả những người mò tới những mỏm đá dưới chân “nhà lô cốt” để gọi là bắt ốc, nhưng đuổi không đi, mà phải dọa bằng vũ lực…
Đất nước ta đã được hoà bình, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ những biên giới phía Bắc cho tới mũi Cà Mau, được yên ổn làm ăn sinh sống. Nhưng ở ngoài khơi xa xôi này, miền cực Đông của Tổ quốc, nơi mà mặt trời từ dưới biển mọc lên soi sáng cho bầu trời Việt Nam, lúc nào cũng có những chiến sĩ canh thức để canh giữ vùng biển trời của đất nước ta. Các chiến sĩ ấy vẫn không ngừng ngày đêm phải sẵn sàng chiến đấu, rất xa đất liền, xa đồng bào, không có hậu phương gần để tiếp cứu, hỗ trợ!
Chúng ta có thể không biết, hay đã quên đi trận chiến đẫm máu xảy ra ngày 4 tháng 3 năm 1988, khi hải quân Trung Quốc đã tấn công đảo Gạc Ma của ta, đánh chìm tàu HQ 604 của ta, khiến 64 chiến sĩ hải quân ta phải hy sinh, và mãi tới năm nay, sau 21 năm trời, nhờ sự cộng tác của các ngư dân, Hải quân ta mới trục vớt được con tàu xấu số và một số hài cốt của các anh hùng nằm sâu dưới đáy biển, nhưng mới chỉ nhận dạng được một số chiến sĩ mà thôi, nhờ kỹ thuật AND.
Kể từ ngày 14 tháng 3 năm 1988 ấy, ngày nay, mỗi khi có phái đoàn đi thăm Trường Sa, thường có tổ chức một lễ truy điệu ngoài khơi đảo Pôlin, để tưởng niệm 64 chiến sĩ trận vong. Phái đoàn của Thành phố Hồ chí Minh ra thăm đảo lần này cũng đã tổ chức long trọng buổi lễ cầu siêu như vậy. Và tôi được vinh dự cùng với các vị lãnh đạo phái đoàn, thả vòng hoa đầu tiên xuống biển để tưởng nhớ các liệt sĩ.
Trong buổi lễ truy điệu rất trang nghiêm cảm động, chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo, Phó`Tư lênh Quân chủng Hải Quân, đã đọc một bài diễn văn thật hùng hồn cảm xúc, khiến nhiều người không cầm được mắt. Cả đời tôi, đây là lần đầu tiên được dự một lễ truy điệu như thế này, mà lại là một lễ được cử hành giữa biển khơi mênh mông dưới bầu trời vô biên của Việt Nam. Thật là một kỷ niệm tuyệt vời, khó quên!
Điểm đến cuối cùng của chúng tôi là đảo Trường Sa lớn, thủ phủ của quần đảo Trường sa, có diện tích lớn nhất, và cũng là nơi duy nhất có bến cảng và một đường bay nhỏ. Đây cũng là đảo đầu tiên được thắp sáng bằng điện năng lượng mặt trời và sức gió, do trường Đãi học Bach Khoa Thành phố Hồ chí Minh chế tạo và lắp đặt, tặng cho các chiến sĩ và đồng bào trên đảo. Các đảo khác cũng sẽ lần lần được lắp đặt hệ thống chiếu sáng như vậy.
Trong cuộc hành trình thăm quần đảo Trường Sa, mỗi lẫn tới đảo nào, chúng cũng cố gắng llên bờ thăm các chiến sĩ, nếu không phải tất cả đoàn, thi ít ra là đoàn văn công. Chúng tôi lên để gặp gỡ, tặng quà, giao lưu văn nghệ, thăm nơi an chốn ở, nghe báo cáo về sinh hoạt hàng ngày của các chiến sĩ. Riêng tại đảo Song Tử Tây, đảo đầu tiên mà chúng tôi đặt chân lên bờ, chúng tôi đã ở lại một đêm và một ngày, tiếp xúc với bộ đội và đồng bào. Còn ở đảo Trường Sa lớn, chúng tôi chỉ ở đến 21 giớ đếm thì về tầu, lý do là vì ở đây có bến tầu, không cần đến ca nô làm phương tiện trung chuyển vào bờ như ở những đảo khác.
Trên đây là một vài kỷ niệm và suy tư về cuộc hành trình, mà tôi được may mắn tham dự cùng với phái đoàn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ chí Minh, đi thăm và kiểm tra quần đảo Trường Sa, từ ngày 4 đến 15 thàng 4 năm 2009.
Đây là một chuyến đi lịch sử đối với phần đông chúng tôi, một chuyến đi mà như nhiều người đã nói : dù có tiền cũng không dễ đàng thực hiện được, nhất là đối với cá nhân tôi, một linh mục già 76 tuổi.
Chuyến đi này đã đã mở rộng tầm mắt và cả trái tim tôi, khiến tôi cảm nhận được mạnh mẽ và cụ thể vùng trời biển bao la hùng vĩ của đất nước. Không hiểu tại sao, tôi tự nhiên liên tưởng tới Trường Sơn, và nghĩ rằng : đất nước ta trải rộng từ Trường Sơn Đông tới Song Tử Tây, từ Trường Sơn Tây tới Sinh Tồn Đông, nói tóm lại, đất nườc ta không chỉ dừng lại ở bờ biển Thái Bình dương, tại những bờ biển đẹp như Nha Trang, Cam Ranh hay Vũng Tàu… mà còn trải rộng ra xa tới Trường Sa, tới điểm xa nhất cách Thành phố Hồ Chí Minh hơn 500 hải lý, đó là Song Tử Tây. Ở tận địa điểm xa xôi này, ngày đêm vẫn có những người Việt Nam làm ăn sinh sống và canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mình. Ở đây không chỉ có những người lính can trường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, mà còn có những gia đình thường dân tới đây lập nghiệp. Chúng tôi đã gặp gỡ nhừng cặp vợ chồng trẻ với những đứa con thơ của họ. Và như đã nói nơi đây sắp có hai em bé sắp sửa chào đời, để trở thành những công dân Việt Nam sinh ra trên đảo, còn những em lớn thì đã biết ngày ngày cắp sách đến trường, nơi chỉ có một cô giáo dạy tất cả mọi môn. Nhưng sau này, các em sẽ được đưa vào đất liền để tiếp tục học lên những lớp cao hơn.
Ở đây, dân và quân đang biến những vùng đất khô cằn sỏi đá này thành những rừng cây xanh tươi, với những luống rau và đàn gà đàn vịt chạy tung tăng, và cả những con heo ủn ỉn đòi ăn trong chuồng. Nếu không nhìn thấy dòng nước xanh bao bọc chung quanh, người lữ hành vượt biển có cảm tưởng như mình vẫn ở đâu đây trên đất liền.
Tôi lên tàu chỉ với con tim nhỏ bé của mình, chẳng có gì tặng cho các chiến sĩ Truờng Sa, ngoài những món quà mà Đoàn công tác mang tới. Nhưng khi ra về, tôi cảm thấy trái tim mình lớn lên và nặng trĩu tình cảm thân thương, tình cảm của những người lính đảo, của người dân, và nhất là của những em bé thơ ngây. Tình cảm ấy cho dù không lớn lao và mênh mông như trời biển, nhưng vẫn đủ để tạo ra một nhịp cầu liên kết Trường Sa với đất liền.
Trường Sa là những hòn đảo nhỏ bé, không thể có những địa danh như Chi Lăng, Bạch Đằng, Điện Biên, Khe Sanh, hay Ngã Ba Đồng Lộc vv… nhưng nơi đây xương các chiến sĩ đã kết lại với san hô và đá chìm, làm thành nền tảng cho những cột mốc, đánh dấu chủ quyền của Việt Nam dưới bầu trời và vùng biển này của Biển Đông. Và máu của các chiến sĩ đã hoà vào nước biển để ướp cho tình quân dân được mặn mà thắm thiết, và vững bền mãi mãi.
Những địa danh lịch sử thì đã mãi mãi được ghi tên trong sách vở của cả thế giới. Tất cả đã trở thành quá khứ. Nhưng Trường Sa vẫn ngày ngày phải đối diện với đầu sóng ngọn gió, không chỉ theo nghĩa của những hiện tượng thiên nhiên, mà còn theo nghĩa là những đe doạ luôn luôn có thật, đến từ những lực lượng thù nghịch.
Con tàu HQ 957 đưa chúng tôi trở về Thành Phố, trên mặt nước trong xanh phẳng lặng, Những con cá heo lại xuất hiện bên hông tàu, nhảy múa tiễn biệt chúng tôi. Và thật tuyệt vời khi chúng tôi đi tới vùng mỏ Rạng Đông, nơi có những giàn khoan sáng rực như một thành phố trên biển, hiện ra trước mắt chúng tôi, với cả hàng mấy chục thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam vây quanh chúng tôi.
Tổ quốc chúng ta là đây, là trời này, đất này, là những giếng dầu, tàu đánh cá, và những hải đảo như Côn Đảo, Phú Quốc, Cô Tô, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Tuần Châu, Phú Qúy, vv… và nhất là Trường Sa vẫn ngày đêm phải thức trắng trong những đêm dài cô quạnh, để canh giữ vùng biển và bầu trời của Việt Nam.
Trong tâm trí của tôi, từ nay hình ảnh Trường Sa, và Hoàng Sa nữa, tuy tôi chưa được nhìn thấy, thật là những mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc. Hoàng Sa và Trường Sa là nơi mọc trời mọc, Hoàng Liên Sơn hay Trường Sơn là nơi mặt trời lặn. Hoàng Liên Sơn hay Trường Sơn là nơi tổ tiên ta đi săn bắn, hái trái cây rừng và nhặt củi để về thổi nấu, Hoàng Sa và Trường Sa là nơi cha ông ta từ bao đời chèo thuyền ra bắt cá. Quê hương ta không chỉ là sông núi, mà còn là biển cả nữa.
19-07-2009
Lm. Thiện Cầm OP
[1] Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, thì cả người TrungQuốc xưa kia cũng gọi vùng biển này là “Biên Giao Chỉ”, còn người Pháp goị là “Đông Dương”, nghĩa là Biển Đông.
--------------------------------------------
Tọa đàm khoa học Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam
(Tất cả đều là bản gốc)
[1] Từ Trường Sơn Đông đến Song Tử Tây - LM Thiện Cầm.
[2] Nỗi niềm Biển Đông - Nguyên Ngọc
[3] Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên vùng Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa - Đinh Kim Phúc
[4] Biển, đảo Việt Nam và quy chế pháp lý của nó - TS. Phan Đăng Thanh
[5] Thủy quân nhà Nguyễn bắt đầu năm 1816 đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa theo phương cách Phương Tây - TS Nguyễn Nhã
[6] Vai trò của Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn đồi với Hoàng Sa và Trường Sa - Nguyễn Q. Thắng
[7] Giới thiệu một số bản đồ cổ thêm lục địa và hải đảo Việt Nam - Nguyễn Đình Đầu
No comments:
Post a Comment