Friday, July 24, 2009

TỔ CHỨC CAMSA TỐ CÁO NẠN BUÔN NGƯỜI TRÊN CÔNG NHÂN XUẤT KHẨU VN


Video Tài Liệu Về Buôn Người Mở Đầu Chiến Dịch Lên Tiếng Với Sony
Ngày 22 tháng 7, 2009
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1655
Hôm nay Liên Minh CAMSA chính thức phát động chiến dịch lên tiếng đòi hỏi công ty điện tử Sony giải quyết thoả đáng cho 15 phụ nữ Việt đã bị bóc lột và ngược đãi ở Mã Lai trong suốt 6 tháng qua.

Họ được tuyển sang Mã Lai làm việc cho Sony vào cuối năm 2007 với hợp đồng là 27 tháng. Tuy nhiên chỉ chưa đầy một năm sau, Sony sa thải và giao họ cho công ty môi giới Mã Lai, JR Holdings. Công ty này giam lỏng họ trong một ký túc xá gần thủ đô Kuala Lumpur và gởi họ đi làm những việc nặng nhọc ở các nơi khác nhau mà không trả lương. Bị công ty bỏ đói, các nạn nhân phải đi xin ăn của những người sống trong vùng. Họ xin về thì bị JR Holdings bắt đóng phạt gần 600 Mỹ kim trong khi họ không có một đồng xu dính túi.

Các công nhân này đã nhiều lần cầu cứu với các công ty Việt Nam đã lấy tiền để gửi họ đi xuất khẩu lao động và cầu cứu với toà đại sứ Việt Nam ở Mã Lai nhưng không đến đâu.

Ngày 30 tháng 6, một phái đoàn hỗn hợp của CAMSA đã tiếp xúc và phỏng vấn một số nạn nhân.

Video tài liệu về cuộc phỏng vấn này được CAMSA phát hành ngày hôm nay và có thể xem qua hệ thống Youtube:
http://www.youtube.com/watch?v=-_NMwG_4p-c
http://www.youtube.com/watch?v=aRfFMDfSibY (có phụ đề tiếng Anh)

Đồng thời, đài phát thanh Á Châu Tự Do hôm nay cũng thực hiện cuộc phỏng vấn với một số nạn nhân:
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Viet-workers-in-malaysia-still-jobless-and-unpaid-by-main-company-07222009154934.html

“Chúng tôi đang vận động đồng bào ở khắp nơi đồng loạt lên tiếng trong lúc này vì Sony sẽ quan tâm đến tiếng nói của giới tiêu thụ”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, đại diện cho CAMSA phát biểu.

CAMSA đã thảo sẵn những bức thư mẫu, người tham gia chỉ cần in ra, ký tên và gửi đi:
http://machsong.org/spaw/uploads/Letter_to_Sony.doc


----------------------------------------------------------------------


Tiền Và Nước Mắt: Video Tài Liệu Về Buôn Người
Tuesday, July 21 @ 19:29:37 EDT
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1654
Hôm nay Liên Minh CAMSA phát hành video tài liệu mới về vụ buôn bán lao động ở Mã Lai liên quan đến công ty Sony và 15 phụ nữ Việt là nạn nhân.
Video "Tiền và Nước Mắt: Câu chuyện thật giữa một đại công ty và những công nhân nhỏ bé" ghi lại buổi phỏng vấn của Ts. Nguyễn Đình Thắng với hai trong số các nạn nhân, trong chuyến công tác ở Mã Lai vào cuối tháng Sáu vừa qua. Dưới đây là nội dung âm thanh.

Xem video:
http://www.youtube.com/watch?v=-_NMwG_4p-c
With English subtitles: http://www.youtube.com/watch?v=aRfFMDfSibY

Khi nhận được điện thoại cầu cứu khẩn cấp của 15 phụ nữ Việt, ngày 30 tháng 6, “toán giải cứu” của chúng tôi đến ký túc xá của JR Holdings, một công ty tuyển dụng nhân sự, nơi các nạn nhân đang bị giam giữ. Toán gồm có phóng viên và nhiếp ảnh gia của một tờ báo địa phương, một người Mỹ gốc Việt tình nguyện quay phim, hai nhân viên của Tenaganita, một tổ chức chống buôn người ở Mã Lai, và tôi, đại diện cho Liên Minh CAMSA.


Ts. Thắng phỏng vấn hai nạn nhân, 30/06/09 (ảnh CAMSA)
http://www.machsong.org/spaw/images/Sony%20-%20JR%20Holdings%20-%20Interview%20with%20Luan%20&%20Nga%20-%202009-06-30%20small.jpg

Nằm sâu trong hẻm, ký túc xá rộng lớn gồm hai building ba tầng, có thể chứa vài trăm người. Nó đúng nghĩa một trại giam với nhân viên an ninh, cổng sắt, tuờng vây cao với rào kẽm gai, và đèn đuốc sáng choang để kiểm soát mọi hoạt động qua lại.
Các chị công nhân mà chúng tôi muốn gặp không được ra ngoài mà chỉ nói vội đôi ba câu qua song cổng dưới con mắt chằm chặp của nhân viên an ninh.
Một chị công nhân: “Đến bây giờ là 8 tháng rồi nhưng trả chúng em có 3 tháng lương cơ bản thôi, còn 5 tháng là cắt của chúng em. Chúng em đòi là bây giờ trả đủ lương tháng cơ bản thì là chúng em sẽ đi làm.”

Chúng tôi nhận là du khách đến từ Việt Nam, nhân thể có mặt ở Kuala Lumpur nên muốn gặp thân nhân trong số các chị. Nhân viên an ninh gọi điện cho cấp trên; phải mất một thời gian điều đình, chúng tôi mới xin được gặp hai người, nhưng phải gặp ở bên ngoài ký túc xá và chỉ có được một tiếng đồng hồ để gặp.
Để tránh bị nhòm ngó, chúng tôi đến một quán cơm bình dân ở bên kia đường.

Tháng 8, 2007 chị Luận, quê ở Bắc Giang, từ biệt chồng và hai con lên đường đến Mã Lai.
Luận:Môi giới nói là sang bên này lương cao, 3 triệu một tháng. Thế thì em đi.”
Mấy tháng sau, Chị Nga, quê ở Hải Dương, cũng để lại chồng và hai con đến Mã Lai.
Câu chuyện của hai chị, kể ra trong nước mắt, nói lên nỗi nhục nhằn chung của 15 phụ nữ bị bóc lột và bỏ rơi nơi xứ người.
Nga:Tiếng tăm thì em chẳng biết. Giờ trong người chẳng có một đồng nào. Mấy hôm nay chị Thắng, bạn chị ở trên đấy cho gạo nấu chung với chị em ăn.”

Được tuyển từ các vùng quê hẻo lánh, họ thế chấp nhà cửa để vay số tiền lên đến trên một ngàn Mỹ kim đóng cho công ty xuất khẩu lao động Việt Nam. Hợp đồng ký với công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam và JR Holdings bảo đảm 27 tháng làm việc cho hãng Sony, với mức lương tối thiểu là 768 Ringgits, tương đương 220 Mỹ kim, một tháng.
Khi đến phi trường ở Kuala Lumpur, thủ đô của Mã Lai, mọi công nhân đều bị nhân viên của JR Holdings tịch thu sổ thông hành trước khi chuyển đến hãng Sony ở Penang và Bangi để lao động.
Nga:Hộ chiếu thì họ cầm từ sân bay. Môi giới đưa bọn em về kí túc xá ở.”
Tháng 11 năm 2008, chưa được một năm làm việc, Sony cho các chị thôi việc và giao chị lại cho JR Holdings.
Luận: “…nói là không có việc làm.”

Tháng Giêng năm nay, JR Holdings chuyển các chị về giam lỏng tại ký túc xá ở gần thủ đô Kuala Lumpur.
Luận:Chuyển lên đây là ngày 17 tháng 1, 2009.”

Công ty JR Holdings điều động họ đi làm những công việc vặt cho các chủ sử dụng lao động khác nhau như hãng sản xuất bao tay, nhà hàng, trại gà, tư gia... Họ làm việc rất cực nhọc nhưng không được trả lương, nhiều khi còn bị sỉ nhục và đánh đập.
Nga:Công ty đông lạnh ấy, vào đấy lấy chổi đánh bọn em, đánh Mến--Mến bây giờ vào công ty găng tay rồi--lấy chổi đứng ở ngoài tát vào mặt Mến. Xong bảo đuổi bọn em. Bọn em kéo vali xuống…”

Lâu lâu họ mới được cấp vài chục Ringgits, chỉ đủ sống lây lứt đôi ba ngày. Họ thường xuyên thiếu ăn.
Nga:Không cho bọn em ra ngoài. Một tuần, hai tuần mới cho bọn em đi chợ đêm. Đưa một xe chở chỉ được 4 người thôi. Đi chợ đêm vào siêu thị mua đồ ăn. Bọn em đem 20 Ringgits đi chợ tiêu, chẳng được đáng bao nhiêu.”

Sau nhiều tháng chịu đựng, các chị công nhân quyết dinh sẽ chỉ đi làm sau khi nhận đủ lương. Người của công ty hăm doạ và sách nhiễu họ. Người quản lý ký túc xá nhiều lần vất hết đồ đạc, quần áo và đuổi họ ra đường giữa đêm khuya.
Luận:Rũ hết cả quần áo của chúng em xuống rồi thì bảo chúng em là đi ra ngoài không được ở ký túc này nữa.”

Công ty không cấp thực phẩm và những phương tiện sinh hoạt tối thiểu cho họ.
Nga:Như chị Luận đây tháng vừa rồi cũng đi hái được mấy buổi hoa nhài. Giờ bảo vệ chẳng cho bọn em đi đâu ra ngoài cửa. Giờ cũng chẳng biết kiếm gì mà ăn.”

Vì đói, một số chị lén vượt rào ra ngoài hái trộm rau và xin sự trợ giúp của những công nhân Việt khác ở trong vùng. Khi bị bắt gặp, họ bị phạt ngồi chồm hổm ngay ngoài cổng trong nhiều tiếng đồng hồ giữa buổi trưa nắng gắt.
Nga:Mà thực sự bọn em chẳng có tiền. Bây giờ cứ ở đây lâu bọn em chẳng có tiền ăn. Em nghĩ chán lắm. Nhiều đêm bọn em trắng đêm chẳng ngủ được.”

Có chị đã phải chịu nhục, bán thân mình để kiếm miếng ăn.
Xin được một ít tiền, các chị dành dụm để gọi điện thoại về Việt Nam cầu cứu với các công ty xuất khẩu lao động đã đưa họ đi cũng như gởi kiến nghị cho toà đại sứ Việt Nam ở Kuala Lumpur nhưng tất cả đều vô hiệu.
Luận:Có, em có gọi về cho môi giới Việt Nam thì họ bảo là ‘cô cứ yên tâm, để đến tháng Tư này mà nó không trả thì cháu sẽ đòi cho cô.’ Thế nhưng mà cũng không được một cái gì cả. Môi giới Mã Lai thì chúng em tiếng không biết…”
Nga:Chẳng biết môi giới nào nữa anh ạ. Chẳng biết ai là môi giới. Giờ lên đây chẳng biết ai là ai, ai là môi giới, chẳng biết ai là boss nữa. Bọn em chịu chết thôi.”

Nhiều tháng rồi các chị không gọi về cho thân nhân ở Việt Nam vì không có tiền.
Luận:Bây giờ đã khổ như thế, chuyển chúng em hết công ty nọ công ty kia không làm được nữa thì chúng em, thôi, quyết định là chúng em làm đơn lên đề nghị đại sứ quán để giải quyết cho chúng em về nước.”

Khi đòi về nước, các chị bị JR Holdings bắt đóng một khoản tiền chuộc lớn trong khi không có một thu nhập nào.
Luận: “,,,hai nghìn Ring. Thế chúng em bảo là ‘hai nghìn Ring thì bây giờ chúng tôi lương cơ bản không có, chúng tôi không có tiền.’ Gia đình cứ bắt là chúng em về thôi. Nhưng chúng em bảo là ‘bây giờ về thì môi giới nó bắt phạt nhiều lắm mà tiền thì không có.”

Họ đang ở trong hoàn cảnh hết sức nghiệt ngã. Ở không được, về cũng không được.
Nga: “Nhờ anh giải quyết thế nào cho bọn em về càng nhanh càng tốt. Bây giờ mà cứ ở như thế này bọn em chết mất.”

Tuyển công nhân qua các công ty cung ứng nhân lực đang thịnh hành ở Mã Lai. Làm như vậy, các công ty sử dụng lao động như Sony dễ dàng tránh tiếng và ẩn mặt để thoái thác trách nhiệm đối với công nhân.
Chúng tôi sẽ không để cho Sony nấp sau lưng JR Holdings. Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, tức CAMSA, đang phát động chiến dịch để áp lực Sony phải nhận trách nhiệm và sử lý trường hợp buôn người này.
Chúng tôi kêu gọi giới tiêu thụ, nhất là các sinh viên và chuyên gia, lên tiếng với Sony để đòi công lý cho các nạn nhân người Việt này.

Mục đích của chúng tôi là đòi hỏi Sony phải bảo đảm cả 15 công nhân nhận đầy đủ các tháng lương trả thiếu và tiền bồi thường thiệt hại về cả thể xác lẫn tâm lý. Sony cũng phải tiếp tục trả lương theo hợp đồng dù công nhân ở lại Mã Lai hay về nước.

Đồng thời chúng tôi kêu gọi người Việt trong nước cảnh giác đối với bốn công ty xuất khẩu lao động đã tuyển và đưa công nhân sang làm việc cho Sony ở Mã Lai và rồi hoàn toàn bỏ rơi họ: VINAMOTOR (Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động và Du lịch thuộc Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam), HALASUCO (Công ty Cổ phần cung ứng lao động và Thương mại Hải phòng), VIGLACERA (Công ty Kinh doanh và Xuất nhập khẩu), và ENLEXCO (Công ty Cổ phần Cơ khí và XKLĐ Thừa Thiên Huế).

========

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA trong tiếng Anh, thành lập đầu năm 2008. Liên Minh CAMSA hiện gồm năm tổ chức: UBCNVB, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita. Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA

PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - USA


No comments:

Post a Comment