Friday, July 24, 2009

KHỦNG BỐ KHÔNG CÒN LÀ LỐI THOÁT CHO CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN


Khủng bố không còn là lối thoát cho chế độ cộng sản
Nguyễn Văn Hiệp

Đăng ngày 24/07/2009 lúc 14:20:22 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3967
Chính quyền cộng sản đang gia tăng rõ rệt chính sách đàn áp. Ngoài rất nhiều dân oan bị thẩm vấn, sách nhiễu, đánh đập ngay tại đồn công an và bị giam cầm, trong không đầy một năm qua đã có ít nhất 17 người dân chủ bị bắt giam chưa xét xử.

Trong hai tháng 9 và 10-2008 mười người dân chủ bị bắt giam và khởi tố: Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Hùng, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc, Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Nguyễn Mạnh Sơn. Cho đến nay, mặc dù đã tìm mọi lý cớ để gán ghép, công an cũng mới chỉ có kết luận được đối với sáu người: Nguyển Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Kim Nhàn, Nguyễn Văn Tính và Nguyễn Mạnh Sơn trong một bản kết luận rất ấu trĩ. Bốn người còn lại vẫn chưa biết mình bị buộc tội gì sau gần một năm bị giam giữ. Riêng một sự kiện này đủ chứng tỏ mức độ tuỳ tiện của chính quyền cộng sản. Các anh chị em này bị buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước" chiếu theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự vì đã treo những biểu ngữ khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam và đã viết một số bài báo phê phán chế độ.

Cần phải nói ngay: nội dung các biểu ngữ của họ hoàn toàn không liên quan tới chế độ, còn các bài báo thì rất nhiều người trong nước khác đã viết nhiều hơn, với nội dung nghiêm khắc hơn đối với chế độ cộng sản. Các anh chị em này hoàn toàn vô tội, họ đã bị bắt chỉ vì chính quyền cần đàn áp và họ đã bị giam giữ lâu chỉ vì không chịu nhận tội và xin khoan hồng. Đây là một trường hợp bắt người trái phép trắng trợn và thô bạo phải bị lên án một cách thật mạnh mẽ. Các anh chị em này là những người dân chủ dũng cảm, đang tiếp bước những biểu tượng dân chủ bất khuất của đất nước, xứng đáng được cộng đồng dân tộc trân trọng và yểm trợ. Các phiên toà xử họ sắp diễn ra, những người dân chủ cần động viên dư luận để những phiên toà này trở thành những phiên toà xử chính những kẻ cầm quyền.

Giữa lúc còn chưa biết xử lý ra sao vụ bắt người trên đây mặc dù thời gian giam giữ đã quá lâu thì trong hai tháng 5 và 6 vừa qua chính quyền cộng sản lại bắt thêm năm người khác: Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Lê Thị Thu Thu và Trần Thị Thu. Các anh chị em này, theo chính thông cáo của công an, chỉ mới dự định phối hợp để vận động dân chủ hoá đất nước bằng đường lối bất bạo động, một việc làm vừa là một quyền căn bản của con người vừa phù hợp với hiến pháp của chính chế độ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đây cũng là một vụ bắt người trái phép. Tuy vậy dưới áp lực thô bạo, anh Lê Công Định, một luật sư thừa biết những điều mình làm và thực ra mới chỉ dự định làm là hoàn toàn hợp pháp, đã phải nhận ngồi trước máy thu hình đọc lời nhận tội và xin khoan hồng. Chúng ta thông cảm hoàn cảnh của anh Định, và chính sự cảm thông này khiến chúng ta càng quí trọng những người không chịu khuất phục.

Tháng 7-2009, lại thêm hai người khác, Trần Anh Kim và Nguyễn Tiến Trung, bị bắt giam và khởi tố. Sự tuỳ tiện đã đạt một mức độ mới bởi vì cả hai vào lúc bị bắt đều không làm điều gì đặc biệt. Việc họ tham gia đấu tranh cho dân chủ bằng đường lối bất bạo động cũng như việc họ gia nhập đảng Dân Chủ đã được công khai hoá từ lâu. Riêng anh Nguyễn Tiến Trung không thể làm gì trong hơn một năm qua vì đang ở trong môi trường nghiêm ngặt của quân đội. Trong trường hợp Nguyễn Tiến Trung, báo chí nhà nước, lặp lại luận điệu của công an, còn bịa đặt là anh Trung đã móc nối với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Chúng tôi dứt khoát bác bỏ sự xuyên tạc này, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chưa từng có một quan hệ hợp tác hay tham khảo ở bất cứ mức độ nào với tổ chức Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ của anh Nguyễn Tiến Trung.

Cả ba vụ bắt người này đều dựa trên điều 88 Bô Luật Hình Sự trừng phạt mọi "tuyên truyền chống nhà nước" nhưng lại không qui định thế nào là "tuyên truyền", thế nào là "chống nhà nước". Cho đến nay nó được dùng để bách hại những người cổ võ cho dân chủ, những người phê phán đảng cộng sản, và ngay cả các cấp lãnh đạo không cùng chính kiến trong đảng. Trên thực tế nó xoá bỏ quyền tự do ngôn luận, một quyền căn bản của con người được cả thế giới nhìn nhận và cũng được quy định ngay trong hiến pháp của chế độ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Điều 88 này đã được sử dụng để bỏ tù rất nhiều người yêu nước. Nó phải bị lên án như một điều luật gian ác mở cửa cho mọi tuỳ tiện, bạo hành.

Những người dân chủ và mọi người tôn trọng lẽ phải cần có thái độ thật quả quyết và dứt khoát. Trong cả ba vụ bắt người này, theo chính những cáo buộc của chính quyền cộng sản, các nạn nhân đều đã chỉ hành xử một cách rất ôn hoà và hợp pháp những quyền con người và quyền công dân căn bản nhất. Họ hoàn toàn vô tội. Họ phải được trả tự do tức khắc và vô điều kiện, và chính quyền phải bồi thường thiệt hại cho họ. Đó chỉ là công lý, nếu công lý không được áp dụng ngày nay nó sẽ được áp dụng ngày mai bởi một nhà nước dân chủ pháp trị, và một cách nghiêm khắc hơn cho những người đang cố tình chà đạp nó.

Tình hình đang rất nghiêm trọng. Với cách luận tội của chính quyền cộng sản trong cả ba vụ này thì từ nay bất cứ ai cũng có thể bị bắt và bỏ tù. Đây là một đợt khủng bố chính trị phải bị lên án mạnh mẽ và tức khắc để ngăn ngừa những tội ác khác.

Đợt đàn áp này đã được tung ra vào một lúc mà đảng cộng sản Việt Nam đang rất lúng túng. Nguyện vọng dân chủ hoá đã chín muồi trong nhân dân và ngay cả trong đa số các đảng viên cộng sản; khối dân oan bị cướp đoạt nhà đất lên tới gần hai triệu người với quyết tâm và phẫn nộ ngày càng cao; môi trường bị ô nhiễm tới mức độ đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng sức khỏe của dân chúng; bất mãn lên cao vì tham nhũng, bất công và mức sống sút giảm; kinh tế suy thoái và mô thức Trung Quốc mà Đảng Cộng Sản Việt Nam cóp nhặt trong hơn hai mươi năm qua không thể tiếp tục được nữa ngay cả khi kinh tế thế giới đã phục hồi; thái độ quỵ lụy đối với Bắc Kinh ngày càng gây phẫn nộ trong nhân dân và ngay cả trong đa số đảng viên cộng sản. Tất cả đòi hỏi một xét lại toàn diện và triệt để.

Tình hình có thể bùng nổ vì những mâu thuẫn đã tích lũy quá nhiều và quá lâu. Đây lại là lúc mà đảng cộng sản bắt đầu giai đoạn chuẩn bị đại hội đảng lần thứ 11, giai đoạn của những tranh cãi và tranh chấp nội bộ. Đại hội 11 cũng là đại hội hiểm nghèo nhất trong lịch sử đảng cộng sản, nó phải giải quyết những vấn đề nghiêm trọng và cấp bách trong khi nội bộ chia rẽ vì mất lý tưởng và giành giật quyền lợi. Một số đông đảo đảng viên cộng sản, kể cả một số uỷ viên trung ương, cũng đã nhận ra là tình trạng này không thể tiếp tục trong khi bộ chính trị và ban bí thư không có sáng kiến tháo gỡ nào.

Trầm trọng hơn nữa đảng cộng sản lại hoàn toàn không có những người lãnh đạo có thành tích hoặc uy tín để đoàn kết đảng viên trong một cố gắng tìm lối thoát. Xung đột nội bộ là đương nhiên, nó đã bắt đầu như người ta có thể nhận xét qua hai hội nghị trung ương 9 và 10 vừa qua, và nó sẽ rất dữ dội. Trong tình trạng bối rối và lo sợ đó đảng cộng sản đã chọn giải pháp cố hữu là trấn áp tinh thần những người đối lập để phòng ngừa những biến động xã hội. Những động thái hung bạo này xuất phát từ sự hoảng sợ. Những người lãnh đạo chủ xướng đàn áp sẽ nhận ra một cách chua chát là đàn áp không thể tiếp tục được nữa; một trong những lý do là chính tâm lý của đa số đảng viên cộng sản cũng đã thay đổi.

Đối lập dân chủ Việt Nam phải rất cảnh giác. Một mặt, đừng cho chính quyền cộng sản một lý cớ nào để đàn áp; có thể họ vẫn đàn áp vì sợ hãi nhưng họ sẽ bị cả thế giới, toàn thể nhân dân và đa số đảng viên cộng sản lên án. Mặt khác, khai thác triệt để và đúng cách giai đoạn này để biến những nhượng bộ nhất thời mà đảng cộng sản bắt buộc phải làm thành những thắng lợi không thể đảo ngược được cho tiến trình dân chủ hoá; cụ thể là tránh những hành động chỉ nhắm gây tiếng vang nhất thời và những kết hợp vội vã thiếu chuẩn bị để tập trung xây dựng lực lượng dân chủ mạnh. Không thể giành thắng lợi cho dân chủ nếu không có những tổ chức dân chủ có tầm vóc.

Các đảng viên cộng sản lương thiện, đa số trong đảng cộng sản, cần nhanh chóng ý thức rằng đất nước đã chín muồi cho một thay đổi toàn diện và triệt để. Họ phải ý thức rằng với chủ thuyết, cơ chế và lãnh đạo hiện nay đảng cộng sản không phải là giải đáp cho những vấn đề nghiêm trọng của đất nước mà còn là trở ngại. Họ phải chủ động để thay đổi đảng, để cứu mình và để làm nghĩa vụ của những người Việt Nam lương thiện. Hoà giải với dân tộc và đất nước Việt Nam bằng cách trả tự do cho các tù nhân lương tâm, hủy bỏ điều luật gian ác 88 của BLHS, bày tỏ thiện chí tìm một giải đáp thỏa đáng cho những khiếu kiện của khối dân oan là những điều tối thiểu họ phải đòi đảng cộng sản làm để bắt đầu cuộc chuyển hoá bắt buộc về dân chủ.

Đất nước tuy không thay đổi đủ nhanh như những người yêu nước sáng suốt mong đợi nhưng cũng đã thay đổi nhiều dưới sức ép của thực tại và theo đà tiến hoá của thế giới. Đàn áp không còn là giải pháp, trái lại chính những người chủ xướng chính sách đàn áp đang dại dột tích lũy nợ nần cho chính họ. Đảng cộng sản chỉ có chọn lựa hoặc tham gia để làm tác nhân, hoặc ngoan cố chống lại và sẽ là nạn nhân của tiến trình dân chủ hoá.

Nguyễn Văn Hiệp

Người phát ngôn Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
© Thông Luận 2009


No comments:

Post a Comment