Saturday, July 25, 2009

RÃ NGŨ : MỐI LO TÂM PHÚC CỦA HÀ NỘI


Rã ngũ: mối lo tâm phúc của Hà Nội
Trần Phong Vũ
24-07-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6547
• Sau khi lộ rõ chân tướng bán nước cho Trung Cộng (TC), guồng máy thống trị Cộng sản Việt Nam (CSVN) đang bị đẩy vào thế tứ bề thọ địch, đối mặt với vực thẳm tiêu vong!
• Giữa lúc đã hoàn toàn mất thế nhân dân, mối âu lo lớn nhất của 15 nhân vật cầm đầu Đảng CSVN là sự rã ngũ toàn diện trong cơ cấu đảng và nhà nước.
• Trước cao trào bỏ đảng vì đảng bán nước cho TC, người ta chờ đợi một cuộc bạo loạn sẽ bùng nổ trong nội bộ đảng và guồng máy cầm quyền CSVN.
• Để đối phó với tình huống tuyệt vọng ấy, đoàn lũ xung kích của Hà Nội đã và đang mưu toan những gì trong các cộng đồng Việt tị nạn ở hải ngoại?


I. CSVN: Thủ phạm bán nước
Cho đến hôm nay, chuyện cộng sản Việt Nam bán đất, dâng biển cho Bắc Kinh, rước kẻ thù truyền kiếp vào cướp nước, hà hiếp dân ta đã trở thành chuyện hiển nhiên, giữa ban ngày.
• Những tay đầu sỏ ở Bắc Bộ Phủ cam tâm cúi đầu để cho Trung Cộng công khai tuyên bố sáp nhập quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn của Việt Nam vào quận Tam Sa của chúng. Từ lâu Bắc Kinh đưa ra họa đồ hình lưỡi bò, liếm sát bờ biển Việt Nam, bất chấp mọi qui luật quốc tế về thềm lục địa. Cho mãi tới vài năm vừa qua, người ta mới biết là ngay từ năm 1958, tính theo thời gian là 51 năm về trước, Phạm Văn Đồng với tư cách thủ tường CSVN đã theo lệnh Hồ Chí Minh viết công hàm nhìn nhận chủ quyền quần đảo này là của Bắc Kinh! Câu hỏi khẩn cấp được đặt ra: liệu còn có những cam kết mật nào khác mà Hà Nội đã ký với kẻ thù khiến họ phải cúi đầu, cam tâm làm tôi mọi như hiện nay?
• Hà Nội nín thinh không phản ứng khi Bắc Kinh ngang nhiên hạ lệnh cấm ngư phủ Việt Nam đánh cá trong suốt mùa cá năm 2009. Một số ngư thuyền Việt Nam bị tàu Trung Cộng húc vỡ khiến ngư dân kẻ tử thương, người bị bắt, người may mắn thoát nạn nhờ các bạn chài cứu vớt. Cho đến nay vẫn còn một số ngư dân bị Bắc Kinh giam giữ. Hệ quả là hàng ngàn đồng bào chuyên sống bằng nghề đánh cá cùng với cả chục ngàn thân nhân gia đình họ lâm cảnh cùng quẫn, túng đói vì không thể ra khơi thả lưới.
• Vừa âm thầm vừa công khai, từ nhiều năm qua, từng bước một, CSVN đã ký kết những hợp đồng rước người Tàu vào cạo sạch hàng trăm, hàng ngàn mẫu rừng ở Cao Nguyên Trung Phần (Tây Nguyên) để khai thác mỏ Bôxít, bất chấp những nguy cơ trầm trọng tới sinh thái, môi trường, văn hóa, kinh tế, nhất là mối họa tâm phúc liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia.
• Sau khi muối mặt mặc nhiên để cho Trung Cộng phân định biên giới khiến cho nhiều ngàn cây số vuông lãnh thổ bị mất vào tay người Tàu, trong đó Ải Nam Quan bị đẩy lùi sâu vào đất thù nhiều cây số, thác Bản Giốc bị mất một phần quan trọng, cho đến hôm nay Hà Nội vẫn chưa dám công bố cho người dân thấy bản đồ vừa được cắm mốc phân ranh biên giới Hoa-Việt ra sao, khiến cho dư luận càng thêm công phẫn, hoài nghi.

Và mối hoài nghi này đã trở thành sự thật khi Dương Danh Dy, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng giữ chức vụ đại sứ của CSVN tại Bắc Kinh, lên tiếng trong cuộc phỏng vấn của Mặc Lâm phái viên đài Á Châu Tự Do hôm 02 tháng 7 vừa qua.
Khi Mặc Lâm nêu câu hỏi là phải chăng vì Trung Quốc đã chi viện quá nhiều cho Việt Nam trong cuộc chiến tương tàn trước đây nên Hà Nội đã tỏ ra mềm yếu khi đàm phán về vấn đề biên giới giữa hai nước, Dương Danh Dy đã lên tiếng đỡ đòn là “Bây giờ cũng không thể kết tội ai được bởi vì nó là chuyện lịch sử rồi”.

Ngay sau đó, họ Dương lại công khai thú nhận:
“Chúng ta có một số điều hứa. Tôi biết rất rõ những điều hứa này của ta. Ta có những điều hứa trong vấn đề Biển Đông. Cái hứa của chúng ta lúc đó thì có những nguyên nhân là do chúng ta bênh Trung Quốc, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả.
“Tôi xin nói thật, tôi đã từng đi điều tra biên giới trên bộ nhiều lần và tôi thấy có những cái đúng là sự ngây ngô khờ dại, có những cái do lúc bấy giờ người ta giúp mình với mục đích là đưa hàng hoá sang nhanh chẳng hạn.
“Như tôi nói làm một con đường đi qua lãnh thổ của Trung Quốc thì là phải qua đèo cao, thế thì đi vòng chân đồi mở rộng sang chỗ đường bằng phẳng đi vòng trên đất nước Việt Nam thì đường ô-tô dễ đi. Lúc không có chuyện thì không sao, nhưng bây giờ anh nói đường của tôi ở đâu thì đất của tôi ở đấy. Thế là mình mất toi mấy chục hecta trở lên. Làm thế nào được! Đấy, lúc đó là trong hoàn cảnh thời chiến. Người ta giúp mình, mình chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện đó, có thể là không nghĩ ra, có thể là dốt, vân vân. Bây giờ muốn trách cứ thế nào thì cũng phải chịu thôi.”


Trước hết cần phải chính danh: từ “chúng ta” mà họ Dương dùng ở đây chỉ giới hạn vào thiểu số những tay gộc trong bộ máy đảng và nhà nước CSVN của đương sự mà thôi.
Người nghe và người đọc bài phỏng vấn Dương Danh Dy của Mặc Lâm không khỏi bật cười cay đắng khi họ Dương khơi khơi cho rằng chuyện nhường đất cho Trung Cộng không thể kết tội ai được vì nó đã là chuyện lịch sử rồi!

Chuyện lịch sừ, theo Dương Danh Dy bao gồm “những điều hứa” với quan thày TC của những tay cầm đầu ở Hà Nội mà ông ta biết (biết nhưng không dám hay không tiện nói ra là hứa những gì). Vẫn theo viên cựu đại sứ CSVN bên cạnh nhà cầm quyền Bắc Kinh này thì nguyên nhân dẫn tới những lời húa ấy là vì “chúng ta (CSVN) bênh Trung Quốc, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả.”

Dù Dương Danh Dy cố gắng biện hộ cách nào thì chúng ta (những người Việt Nam yêu nước, yêu tự do) cũng cám ơn ông. Nhờ ông, mối hoài nghi lâu nay của người dân ở trong cũng như ngoài nước đã được giải tỏa ít nhiều.

Như thế, một phần căn nguyên đưa tới chuyện Trung Cộng lấn đất ở biên giới đã được bạch hóa: vì nhu cầu chuyển vận cơ giới, vũ khí, đạn dược và nhu yếu phẩm do Bắc Kinh viện trợ cho CSVN trong cuộc chiến xâm lăng VNCH trước tháng tư năm 75 nên Hà Nội đã để cho họ mở đường lưu thông sâu trong nội địa Việt Nam (sâu bao nhiêu cây số và kéo dài bao nhiêu cây số dọc biên giới cho đến nay chưa ai biết). Và kết cuộc như lời thú nhận của Dương Danh Dy:
“Lúc không có chuyện thì không sao, nhưng bây giờ anh nói đường của tôi ở đâu thì đất của tôi ở đấy. Thế là mình mất toi mấy chục hecta trở lên!” (chú thích của người viết: “anh” ở đây là Ông Anh Quan Thày Vĩ Đại Bắc Kinh và “của tôi” là của các Chú Ba).

II. CSVN bên bờ vực thẳm
Có thể nói trong hơn ba thập niên thống trị toàn đất nước, chưa bao giờ Hà Nội bị đặt vào thế yếu như hiện nay. Chúng đang ở vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, tứ bề thọ địch. Vì phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ ngày một dâng cao. Vì chân tướng bán đất, dâng biển cho kẻ thù truyền kiếp là Trung Cộng đã hoàn toàn lộ rõ. Vì con số những người bỏ đảng, công khai chống lại chế độ ngày càng nhiều.

Từ giai đoạn đối kháng cá nhân hoặc từng nhóm nhỏ, cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, cho nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam đã chuyển vào thế quần chúng. Sau những năm bị bạo quyền khống chế bằng vũ khí của kẻ mạnh, trước hiểm họa mất nước, người dân Việt Nam đã vượt khỏi nỗi sỡ hãi thâm căn cố đế để dám mạnh dạn đứng lên đòi quyền sống, quyền tự do của những con người có nhân phẩm. Những cuộc xuống đường của Dân Oan, những cuộc biểu tình chống Trung Cộng của thanh niên, sinh viên, nhưng đợt cầu nguyện đòi đất, đòi nhân quyền, nhân phẩm và công lý với sự tham dự của cả chục ngàn giáo dân Công giáo ở tòa Khâm sứ cũ, ở Thái Hà, Hà Nội và nhiều nơi trong hơn một năm qua là những dấu chỉ cụ thể.

Thái độ khiếp nhược, tùng phục của guồng máy cầm quyền CSVN đối với những hành vi ngang ngược, kẻ cả của Bắc Kinh xuyên qua chủ trương lấn chiếm lãnh hải, lãnh thổ, đòi hỏi bãi bỏ Visa (chiếu khán) để đưa dân đói vào cướp công ăn việc làm của người dân Việt Nam khiến hàng trăm ngàn bà con ta phải bán sức lao động ở Đài Loan, ở Mã Lai, Đại Hàn v.v… nhất là sự kiện chúng công khai lập làng Tàu ở Lạng Sơn, xua cả trăm công nhân vây đánh bà con VN ở Thanh Hóa … là những giọt nước cuối cùng trước sức chịu đựng của đồng bào.

Cùng với cao trào quần chúng đứng lên đòi quyền sống, quyền tự do, dân chủ, trong đó có quyền tự do báo chí, quyền tự do tôn giáo, giới trí thức bao gồm những luật gia bắt đầu nhập cuộc. Dù nhà cầm quyền đã dùng bạo lực để bắt giam các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân với mục tiêu “rung cây nhát khỉ”, nhưng vẫn không cản được tinh thần dũng cảm của các luật sư khác. Sự kiện luật sư Lê Trần Luật công khai đứng ra bào chữa cho 8 giáo dân Thái Hà cùng các nhà đấu tranh cho dân chủ khác, bất chấp những đòn thù của nhà nước (văn phòng Luật Sư Pháp Quyền của ông bị cưỡng bách đóng cửa, riêng cá nhân ông bị các lực lượng công an nhà nước đe dọa xách nhiễu trăm bề) là một bằng chứng. Trong khi ấy, do sự thôi thúc của tinh thần tôn trọng công lý và sự thật, luật sư Lê Công Định trong mấy năm gần đây cũng đã công bố nhiều văn kiện, bài viết để yểm trợ cho cao trào đấu tranh cho tự do, dân chủ. Nếu cần nói thêm, người ta không thể không nói tới trường hợp luật gia Cù Huy Hà Vũ đâm đơn kiện đích danh đương kim thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng và khi bị nhà cầm quyền bác khước và tung tin xuyên tác thiện ý của ông, ông vẫn kiên trì theo đuổi vụ kiện được coi là “kiện củ khoai” này.

Việc nhà cầm quyền Hà Nội vừa xuống tay bắt giữ khẩn cấp luật sư Lê Công Định, cáo buộc ông tội tuyên truyền chống phá nhà nước, đồng thời bắt bớ một số người trẻ liên hệ, và thượng tuần tháng 7 lại ra lệnh bắt cựu Trung tá Trần Anh Kim cùng với nhà đấu tranh cho dân chủ trẻ tuổi Nguyễn Tiến Trung là một tín hiệu cụ thể khác cho thấy nỗi sợ hãi của họ trước tình trạng lây lan của làn sóng công phẫn trong giới trí thức, bao gồm những cựu cán bộ, đảng viên hiện nay. Điều cần ghi nhận là hầu hết các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Trần Luật, Lê Công Định, thạc sĩ cựu du sinh viên Nguyễn Tiến Trung đều là những trí thực trẻ trưởng thành trong chế độ cộng sản. Riêng cựu Trung tá Trần Anh Kim còn là một chiến binh xuất sắc từng được đảng và nhà nước ban thưởng nhiều huân chương trong thời chiến và cũng là người chứng khi Trung Cộng mở cuộc xâm lăng VN năm 1979 nói là để “dạy cho Hà Nội một bài học.”

Trong tình huống ấy, sự xuất hiện trong tập thể người Việt tị nạn ở hải ngoại tác phẩm Hồi Ký Của Một Thằng Hèn của cựu đảng viên Tô Hải và DVD Sự Thật Về Hồ Chí Minh do Phong Trào Đòi Trả Lại Tên Sàigòn chủ xướng là những mũi nhọn thọc sâu vào vết thương vốn đã trầm trọng của guồng máy cầm quyền Hà Nội.

III. Hiện tượng Tô Hải và mối lo tâm phúc của Hà Nội hôm nay
Tháng 5 năm 2009, tủ sách Tiếng Quê Hương ở Hoa Kỳ đã phát hành rộng rãi trong cộng đồng người Việt tị nạn hải ngoại cuốn Hồi Ký Của Một Thằng Hèn (HKCMTH) của nhạc sĩ Tô Hải hiện ở trong nước. Đây chính là một quả bom nặng ký có khả năng làm rung chuyển đến tận gốc rễ bộ máy cầm quyền của đảng và nhà nước CSVN.

Không ai phủ nhận sức công phá do những tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Đi Tìm Nhân Vật của Tạ Duy Anh, Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật của Bùi Tín, nhất là mấy trăm bài thơ bốc lửa trong Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện, đã gây ra cho Hà Nội.
Nhưng tác dụng cuốn Hồi Ký của Tô Hải mang một chiều kích khác. Vì thái độ quyết liệt của tác giả. Vì nội dung và nhất là vì thời điểm tác phẩm ra đời – đúng lúc bộ mặt thật buôn dân, bán nước của Hà Nội được phơi bày trước công luận!

Năm 18 tuổi, sau khi đậu tú tài I ở Hà Nội, ông đi theo Việt Minh ngay từ những ngày đầu cái gọi là Cách Mạng Mùa Thu năm 1945 bất chấp lời nghiêm huấn của thân phụ, “Mày theo cộng sản, nếu thất bại đừng vác mặt về với gia đình”. Từ đấy, giống như con thiêu thân trước ngọn lửa đỏ, ông dốc tất cả tài năng âm nhạc để phục vụ đảng và chế độ. Năm 1949 ông được kết nạp vào đảng CS. Nhưng, do những phát hiện tình cờ về chủ trương và chính sách tàn ác của guồng máy cai trị, Tô Hải đã sớm tỉnh ngộ. Vì thế, hơn một lần ông nảy ý định về thành như một số khá đông bạn bè của ông. Dầu vậy, nỗi ám ảnh về gốc gác trí thức, tiểu tư sản, về sự kiện toàn bộ gia đình đang sống và làm việc trong vùng quốc gia đã bám riết tâm tư ông, tạo nên một nỗi sợ hãi kinh niên khiến ông không những không dám thực hiện ý định mà càng phải cố gắng vắt kiệt tài năng, tâm chí thi hành những chỉ thị của đảng. Càng lâu nỗi sợ hãi càng gia tăng. Qua những trải nghiệm hãi hùng trong những đợt phát động phong trào cải cách ruộng đất, đánh tư sản mại bản, những đòn thù giáng xuống các nhà văn nhà thơ trong Nhân Văn Giái Phẩm…, ban đầu ông sợ sẽ bị qui kết thành phần, bị đấu tố; sau đó là nỗi sợ vợ con bị đói khổ, bị hành hạ nếu ông có bề nào. Trong điều kiện sống, làm việc, suy tư và bị dằn vặt như thế, Tô Hải tự nhận mình vừa là nạn nhân, vừa là tội đồ và cũng kẻ là tòng phạm (HKCMTH trang 54 Vì sao tôi viết Hồi Ký?) Vì nỗi sợ bị kiểm điểm, bị hạ tầng công tác, bị bắt bớ, thủ tiêu, ông hùa theo những kẻ hèn khác để muối mặt a tòng với tập đoàn thống trị lòng lang dạ sói, vô tình làm hại anh em!

Bước vào tuổi 70, ông bắt đầu viết hồi ký, tự nhủ lòng sẽ cố gắng trung thực với mình để nói lên tất cả tâm tình xám hối của một người vì lầm lạc một thời đã tin theo chủ nghĩa phi nhân cộng sản, với mục tiêu cảnh tỉnh đồng bào(1). Tập hồi ký hoàn tất vào năm 2000. Nhưng khi đọc lại, tác giả phát hiện không ít những tì vết về cái hèn thâm căn cố đế vẫn tiếp tục đeo đuổi ông và vì thế ông phải sửa đi viết lại nhiều lần. Do đó mới có Đôi Điều Phi Lộ Viết… Sau Cùng (trang 41) và các chương sách Tôi Đã Hết Hèn (trang 385), Vĩ Thanh (trang 418).

Trong Đôi Điều Phi Lộ Viết… Sau Cùng (trang 41), tác giả thú nhận:
“… Ngẫm ra, tuy viết là ‘Tôi đã hết hèn’, nhưng trong thực tế cái hèn vẫn còn đó, nó vẫn bám chằng chằng, như một bộ phận của cơ thể, cái sự mình khẳng định với mình rằng đã hết hèn mới chỉ là sự mạnh dạn với bản thân khi cầm bút mà thôi! Còn đấu tranh trực diện với cái sức mạnh tăm tối đang cai trị đất nước, kìm hãm sự phát triển của cả một dân tộc là chuyện khác, không phải là điều ai cũng dám làm!”
Từ cái hèn của chính mình, ngòi bút của Tô Hải phóng chiếu tới cái hèn của hầu hết những khuôn mặt lớn nhỏ trong đảng và nhà nước CSVN. Ông tâm sự, tuồng như tất cả những bạn bè cùng trang lứa, cùng có số thâm niên và tuổi đảng như ông, trong chốn riêng tư đều có chung một tâm trạng chán ngán, khinh ghét chế độ, ân hận về tội lỗi, về sự a tòng với cái ác của mình. Nhưng ở nơi công cộng, nhất là giữa đám công thần của đảng và nhà nước, lại có những thái độ, hành vi và lời nói khác hẳn. Người còn có chút liêm sỉ, biết tự trọng thì im lặng, trong khi có kẻ vẫn không ngớt buông lời đẩy đưa tâng bốc! Căn do chỉ vì SỢ, vì HÈN trước cường quyền bạo lực, trước những đe dọa về an toàn sinh mạng, vì miếng cơm manh áo của vợ con! Dù vậy, có những người lúc “sống không thể nói, chết mới được ra lời” như trường hợp nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn nhà báo Nguyễn Khải. Riêng trường hợp Nguyễn Đình Thi, tác giả HKCMTH cho biết:
“Đáng ngạc nhiên là theo Nguyễn Đình Chính (con trai Nguyễn Đình Thi) thì cuốn hồi ký của Nguyễn Đình Thi sẽ chỉ được phép công bố vào năm… 2014!
“Sao lại lâu đến thế? Nguyễn Đình Chính vẫn còn sợ, còn tính toán thiệt hơn, còn bắt linh hồn người cha ở bên kia thế giới tiếp tục đóng kịch mãi sao?”
(HKCMTH trang 43)

Với tâm trạng nôn nóng, đợi chờ một cuộc bùng nổ lẽ ra phải có, Tô Hải tự hỏi:
“…tinh hoa đất nước giờ đâu tá? Hay bị ‘hèn hóa’ cả rồi? Ai cũng hèn như tôi sao? Ai sẽ là người được thời thế tạo nên anh hùng đích thực của thời đại hôm nay? Ai sẽ đưa con thuyền Việt Nam ra khỏi con đường vô định này, nếu những người hèn vẫn không dám nhận là mình hèn, không kiên quyết giã từ cái ngu dại, không lên án những gì mà mình lầm tưởng là ‘vinh quang rực sáng’ lại chính là ‘tội lỗi ngút trời’, không biết khuyên nhủ con cái chớ có dẫm vào vết chân đầy máu và nước mắt mà mình đã đi qua…?

Và ông khao khát:
“Chỉ cần vài trăm nhà văn, nhà khoa học, tướng, tá… dám cùng ký tên vào một ‘bản tuyên bố chung’, công khai nói với toàn thể thế giới rằng: ‘Chúng tôi, những cựu đảng viên cộng sản, sau khi thấy… nay tuyên bố tự giải tán! Mọi sự ngộ nhận là cộng sản, chúng tôi không chịu trách nhiệm!’ Lập tức sẽ xảy ra một cuộc ‘cách mạng nhung’ ngay, mà người ủng hộ hết lòng chính là các đảng viên cộng sản bất đắc dĩ hôm nay còn cầm thẻ đảng viên!”

Bởi vì, vẫn theo tác giả HKCMTH thì:
“Sở dĩ bọn Tư Bản Đỏ còn cố giương cao ngọn cờ vô sản đã bị thiêu rụi ở tất cả các nước sản sinh ra nó vì chúng đang còn nhờ vào miếng võ độc ‘vô sản chuyên chính’ là… còng số 8, nhà tù, họng súng để tồn tại!” (HKCMTH trang 411)

Nói chung, toàn bộ những gì nhạc sĩ Tô Hải gửi gấm vào cuốn hồi ký của ông đều chất chứa giá trị của những mồi lửa có khả năng thiêu hủy đến tận căn cái hèn, cái khiếp nhược của tuyệt đại đa số đảng viên cộng sản, bao gồm những viên chức nhà nước, khiến họ thức tỉnh để nhất loạt đứng lên làm một cuộc cách mạng mới. Trước hết là bước theo chân những người sớm phản tỉnh, vượt thắng sự sợ hãi và cái hèn, thành tâm ăn năn, xám hối những lỗi lầm bản thân; tiếp theo là cùng nhau chung sức chung lòng cùng toàn dân vùng dậy lật đổ chế độ bạo tàn, phản quốc để mở ra một vận hội mới cho đất nước, cho giống nòi.

Cho nên chúng ta có thể xác quyết mà không sợ sai lầm là nếu có thể giết hay thủ tiêu được Tô Hải hẳn đảng và nhà nước CSVN cũng không từ, nói chi đến chuyện khủng bố, bắt bớ như nhiều người đã lo ngại cho ông(2).

Không thể giết, không thể ‘thủ tiêu’ được Tô Hải, cũng như không thể tống ngục một ‘xác chết còn biết thở’ như TH trả lời những người đọc ông, như thế không lẽ đảng và nhà nước CSVN đành thúc thủ để cho những mầm mống độc hại hàm ẩn trong cuốn hồi ký xoi mòn cơ chế cầm quyền sắt máu của chúng?
Câu trả lời chắc chắn là không. Chỉ cần nhìn vào chiến dịch đánh phá Tô Hải do một số những bút danh “ma” cùng với vài phần tử a dua qua những bài viết xuất hiện trên NET và trên vài tờ báo viết thuộc loại lá cải trong cộng đồng tị nạn sau ngày cuốn HKCMTH ra mắt bà con, người ta đã tìm được câu trả lời.

IV. Bên trong, đàng sau và bên lề chiến dịch ‘đánh’ Tô Hải
Đối với đảng và nhà nước CSVN, tội lớn nhất của Tô Hải khi viết cuốn HKCMTH là đã nhân chuyện sám hối về cài hèn của bản thân để đụng chạm tới cái liêm sỉ, lòng tự trọng và “nhất điểm lương tâm” còn sót lại nơi những đảng viên cộng sản như ông. Cùng với những vần thơ sám hối trước khi nhắm mắt của Chế Lan Viên, những trang hồi ký Đi tìm cái tôi đã mất của Nguyễn Khải công bố sau khi qua đời, hơn 500 trang sách của Tô Hải được minh nhiên ra mắt độc giả ngay khi đương sự còn tại thế đã trở thành mối lo tâm phúc của Hà Nội về một viễn ảnh đen tối không xa khi hàng loạt những đảng viên, cán bộ cốt cán xoay lưng lại với chế độ!

Vào thời điểm một vài thập niên trước, khi bàn tay sắt của đảng còn mạnh và nhất là hệ thống thông tin chưa đâm thủng được bức màn sắt, chắc chắn những người như Tô Hải, kể cả những kẻ đã chết mà còn dám “ra lời” như Chế Lan Viên và Nguyễn Khải sẽ không tránh khỏi trở thành nạn nhân của những màn đấu tố mạn rợ! Cái lưu manh, ác độc và thâm hiểm của CSVN là mặc dầu thấy rõ tác hại ghê gớm của những trang hồi ký Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất của Nguyễn Khải đối với sự an nguy của đảng, nhưng thay vì đánh vào một xác chết, trái lại chúng lại trơ trẽn ban tặng huân chương cho vợ con đương sự! Hành vi gian manh, trí trá này tương tự như một miếng mồi, một hứa hẹn nhằm mua chuộc những thành phần tuy thâm tâm bất mãn muốn nổi loạn nhưng trong nhất thời vẫn còn cam tâm ngồi yên chỉ vì hèn, vì ham miếng đỉnh chung. Điều này lý giải vì sao Tô Hải vẫn không hoặc chưa bị bắt, bị tố khổ trực tiếp. Có điều không phải vì thế mà họ Tô và cuốn hồi ký của ông được buông tha.

Tác giả HKCMTH tạm thời được yên thân, vì nhiều lý do: vì đương sự đã già yếu, bệnh tật, có thể sống nay chết mai, hơn thế, ông đã trở thành người của đám đông (3), cũng có thể vị sợ “bứt dây động rừng”, làm lớn chuyện chỉ tạo thêm nhiều hệ lụy không hay, nên Hà Nội đành phải để ông yên. Không thể trực tiếp trừng trị Tô Hải, Hà Nội dùng những bàn tay nối dài để bôi nhọ ông trong các cộng đồng Việt Nam tị nạn ở hải ngoại, nơi cuốn HKCMTH được phổ biến rộng rãi và đang được bà con chuyền tay nhau đọc. Cùng lúc, qua các mạng lưới toàn cầu, nó cũng đang tạo nên một nguồn dư luận sôi nổi ở trong nước. Không phải chỉ trong nhân gian, trong giới làm văn học nghệ thuật, mà ngay trong hàng ngũ giới cầm quyền.

Cùng với một loạt những luận điệu tung hỏa mù trên Net nhằm xuyên tạc nội dung hồi ký, tạo ra những mối hoài nghi, đố kỵ đối với tác giả, ngón đòn ác độc nhất mà những ‘âm binh bồi bút’, với sự phụ họa của vài phần tử nhẹ dạ, thiếu suy nghĩ nhắm vào người nhạc sĩ già này là cột cho ông tội bất hiếu (mà nếu có thực, khó ai có thể tha thứ cho ông được). Đó là bịa chuyện để gán cho Tô Hải hành vi “đập phá” phần mộ thân phụ ông sau tháng 4 năm 1975! Sau khi đọc được những bài viết có nội dung bôi nhọ đầy ác ý kể trên, bà Tô Ánh Tuyết, bào muôi nhạc sĩ Tô Hải đã gửi cho tủ sách Tiếng Quê Hương một lá thư để bạch hóa sự việc (4).

Trường hợp Tô Hải và cuốn HKCMTH khiến người ta liên tưởng tới chiến dịch dai dẳng nhằm đánh phá những thành phần phản tỉnh ở trong nước lâu nay, như cựu tướng Trần Độ, cựu đại tá Phạm Quế Dương, cựu trung tá Trần Anh Kim (người vừa bị bắt cùng với Nguyễn Tiến Trung mới đây), cựu chiến binh Vũ Cao Quận, các ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa, Hoàng Tiến, Trần Mạnh Hảo, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Vũ Bình, Đỗ Nam Hải… hoặc những người bỏ đảng, và/hay bỏ vợ con chạy ra nước ngoài như nhà báo Bùi Tín, nhà văn Vũ Thư Hiên, kể cả nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, một người ở ngoài đảng, không can dự tới guồng máy nhà nước nhưng đã ở tù CS nhiều phen tổng cộng 27 năm, tác giả những vần thơ bốc lửa trong thi phẩm Hoa Địa Ngục.

Nhìn bề ngoài, giữa chiến dịch bôi nhọ, đánh phá tác giả HKCMTH cùng những đợt công kích Nguyễn Chí Thiện và những đảng viên, viên chức bỏ ngũ xoay lưng lại với chế độ trước đây cũng như hiện nay, tuồng như không liên hệ với nhau. Nhưng nếu xét về hệ quả sinh tử đã, đang và sẽ gây cho đảng và nhà nước CSVN, chúng ta sẽ thấy vấn đề không phải là hai, là ba mà chỉ là một. Một ở chỗ nó cùng tạo nên mối nguy RÃ NGŨ trong hệ thống cai trị của Hà Nội, mà sự sống còn của nó từ hơn nửa thế kỷ qua chỉ bằng vào sự ngu muội, dốt nát, hèn hạ của đàn cừu, đàn bò bị bưng tai bịt mắt, chỉ biết cúi đầu câm lặng cho chủ mặc tình xén lông, xỏ mũi!

Hơn một thập niên trước, thái độ dứt khoát bỏ Đảng CSVN chạy ra hải ngoại của những Vũ Thư Hiên (VTH không phải là đảng viên Đảng CSVN - DCVOnline), Bùi Tín, (riêng Nguyễn Minh Cần chọn nước Nga tự do làm quê hương thứ hai), đã tác động mạnh mẽ tới những đợt phản tỉnh hàng loạt tiếp theo trong hệ thống cầm quyền ở Hà Nội mà Tô Hải là một hiện tượng mới nhất và cũng quyết liệt nhất. Chúng ta hãy đọc lại tâm sự của họ Tô trong Đôi Điều Phi Lộ viết… Sau Cùng để thấy cái căn nguyên khiến ông dứt khoát đoạn tuyệt với cái Hèn thâm căn cố đế để một lần dám sống thực với nhịp đập của trái tim minh:
“… Ba bốn năm gần đây tôi may mắn có điều kiện làm quen với internet, nhờ đó được tiếp cận với rất nhiều người mà tôi vô cùng cảm phục. Dù đang sống ở trong nước, họ không hề sợ hãi trước đàn áp, ngục tù. Đó là những Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc. Đó là những Hoàng Tiến, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận… Đó là những nhà sư, những linh mục thà chết không chịu đứng chung hang với lũ tu sĩ ‘quốc doanh’, và nhiều, rất nhiều người khác nữa (…) như những gì khiến bạn bè tôi, đồng đội, ‘đồng chí’ cũ của tôi như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên phải bỏ nước, bỏ cả vợ con ra đi để được viết lên Sự Thật, mở mắt cho bao người còn đang sống hèn như tôi (…) Tôi cũng mong sao mỗi người trong số các văn nghệ sĩ sắp giã từ cõi đời nhầy nhụa này hãy để lại một ‘Bản Di Chúc’ nói lên Sự Thật, dù chỉ là 1/1000 Sư Thật, để tạ tội với đồng bào, về những gì mình đã vì miếng cơm manh áo, vì yếu hèn mà phải cúi đầu làm thân trâu ngựa…”

V. Đòn mới: Mượn danh “ái quốc” để đánh phá
Kể từ khi tung ra Nghị quyết 36 nhằm khống chế tập thể người Việt ở hải ngoại, cán bộ ngoại vận của Hà Nội đã dùng trăm phương nghìn kế thâm độc để mong tạo được niềm tin nơi những người nhẹ dạ, ít suy nghĩ, nhưng vẫn không sao đạt được thành công. Gần đây, một ngón đòn mới được tung ra: Ngầm ra lệnh cho những cán bộ ngoại vận núp dưới bộ áo quốc gia, mạo danh những người yêu nước để mở các chiến dịch đánh phá, bôi nhọ nhắm vào những cựu đảng viên đã ly khai, (hiện đang là căn cớ cho cao trào rã ngũ hàng loạt trong cơ chế đảng và nhà nước cộng sản) như Vũ Thư Hiên, Bùi Tín -ở ngoài nước- và rất nhiều nhân vật ở trong nước, trong đó mới nhất và nguy hiểm nhất đối với Hà Nội là Tô Hải và tác phẩm HKCMTH của ông.
Dấn sâu và tiến xa hơn một bước, với chiêu bài mới này, những kẻ thù thâm độc của tư do dân chủ còn công khai đánh phá bôi bẩn những biểu tượng cùng những cá nhân đang trực diện đấu tranh cho tự do, dân chủ và công lý ở trong nước như Khối 8406, linh mục Phan Văn Lợi, hoà thượng Thích Quảng Độ, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nhiều bài viết loại này ký dưới những bút danh xa lạ, không ai biết gốc gác chưa hề một lần xuất hiện trong cộng đồng tị nạn, được phổ biến trên NET và vài tờ báo trong cộng đồng tị nạn.

Tất cả đều hướng vào ba mục tiêu sau đây:
• Thứ nhất để phân tán sự quan tâm của đồng bào hải ngoại về chủ trương bán đất, dâng biển, ‘cõng rắn cắn gà nhà’ của đảng và nhà nước CSVN càng ngày càng lộ rõ hiện nay.
• Thứ hai là núp dưới chiêu bài, quốc gia, dân tộc, tung ra những ngón đòn thâm hiểm nhằm đánh phá và bôi nhọ những cá nhân, những tổ chức đấu tranh cho tự do dân chủ ở trong nước, cùng lúc tạo hỏa mù để gây chia rẽ trong tập thể 3 triệu đồng bạo tị nạn CS ở nước ngoài.
• Thứ ba và cũng là mục tiêu quan trọng hơn hết là giảm thiểu tác hại của những căn nguyên đánh thức lương tri của những đảng viên, cán bộ đã hồi hưu hoặc còn đang hiện diện trong guồng máy đảng và nhà nước.

Như đã trình bày, đây là mối lo tâm phúc của nhóm cầm đầu chế độ. Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật cùng những bài viết hàng tuần rất thời sự của Bùi Tín và mới nhất là HKCMTH và những nhật ký, tuần ký của Tô Hải, đang có tác dụng như cơn địa chấn tạo nên những làn sóng công phẫn trong nội bộ đảng khiến cho rất nhiều người sau khi nhận ra mình bị mắc vào “quả lừa vĩ đại” bởi một chủ nghĩa lưu manh bán nước, phản bội dân tộc, đã lần lượt theo nhau bỏ đảng, trả thẻ đảng, dẫn tới hành vi minh nhiên chống lại đảng.

VI. Tạm kết
Để đánh giá ảnh hưởng dây chuyển về thái độ quyết liệt xét lại cái hèn của Tô Hải khiến ông can đảm “tung hê” tất cả -kể cả sự an toàn sinh mạng bản thân cũng như vợ con- để một lần dám nói thẳng những ý nghĩ chân thật từ trái tim, trước hết, tự sám hối và xa hơn, cảnh tỉnh anh em, nhiều độc giả cho rằng chỉ cần đọc lại Lời Tựa của Lê Phú Khải trong HKCMTH là đủ.

Là một nhà báo được kể là đã thành danh ở Hà Nội, như số đông những người đồng trang lứa, họ Lê từng gắn bó, mù quáng tin theo chủ nghĩa cộng sản. Ông thuộc thế hệ sau Tô Hải, là học trò tiếng Pháp và cũng là người hâm mộ tài danh nhạc sĩ họ Tô. Bằng lòng viết Lời Tựa cho cuốn Hồi Ký của Tô Hải tức là họ Lê đã chấp nhận trả giá.

Ông viết:
“Có thể nói không ngoa rằng: HKCMTH là cuốn biên niên sử ghi lại quá trình từng bước, nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ bị tước đoạt đi cái quý giá nhất đối với con người là Tự Do. Là chứng nhân của lịch sử, Tô Hải ghi lại trung thực, sống động cả một quá trình nhào nặn, đấu tố, cưỡng bức tư tưởng để biến văn học nghệ thuật thành “vũ khí đấu tranh” của đảng, cho đảng, vì đảng. HKCMTH là những trang viết bằng máu và nước mắt ghi lại tỉ mỉ tấn bi kịch của chính tác giả và bạn bè ông, nay kẻ còn người mất, để mọi người được biết họ đã phải sống như thế nào, phải…”hèn nhát” ra sao chỉ cốt để tồn tại!”

Công khai nói lên lòng cảm phục tinh thần bất khuất và thái độ can đảm của tác giả Hồi Ký, Lê Phú Khải viết:
“Ông là trí thức đúng nghĩa vì đã vượt qua chính mình, cái mình bị nhào nặn bởi bàn tay kẻ khác, để công bố tất cả, không phải chỉ những gì là Tội Ác của kẻ khác mà cả cái Hèn của chính mình. Việc làm đó ngay khi ông còn sống trong lòng chế độ chuyên chế, là việc làm dũng cảm, nếu không muốn gọi là anh hùng. Bằng việc làm này, ông đã vượt xa những kẻ cùng mang danh trí thức, cùng gọi là nhà văn, nhưng suốt đời chẳng dám viết một cái gì theo tiếng gọi của trái tim mình.
“Gần đây tôi lại càng ngạc nhiên khi biết Tô hải trở thành blogger ở tuổi 80 với những bài viết được lớp trẻ đón nhận chưa từng thấy (200.000 người đọc trong vòng 18 tháng). Tôi càng khâm phục khi ở tuổi 81, ông đã cùng sinh viên, thanh niên xuống đường đi biểu tình phản đối bọn xâm lược Trung Quốc, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Tổ Quốc Việt Nam…”

Nói về giá trị và tác dụng đích thực của tác phẩm, Lê Phú Khải khẳng định:
“Nó là cuốn sách cần cho những ai muốn biết về chủ nghĩa cộng sản trong hiện thực. Nó cần cho những ai chưa tỉnh giấc nồng của những mộng mị được sơn phết vàng son.”

Và như thế, điều kỳ vọng của tác giả HKCMTH, của Lê Phú Khải hiển nhiên đã trở thành mối lo tâm phúc của những kẻ cầm đầu Bắc Bộ Phủ về nguy cơ RÃ NGŨ toàn diện trong một ngày không xa, dẫn tới một cuộc bạo loạn sẽ bùng nổ trong nội bộ đảng và guồng máy cầm quyền CSVN.

-------------------------------------------------------------------------------
Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ. Chú tích của tác giả.


(1) “...tôi đã quyết: 55 năm miệng bị lắp khóa kéo, nay đã già, đã về hưu, có chia sẻ với bạn đọc những hồi ức của đời mình thì cũng chẳng còn phải e ngại những lời ong tiếng ve rằng mình vì tư lợi, muốn kiếm chác cái gì.
Còn về Đảng ư? Tôi đã cóc cần nó từ khuya rồi và hết sức vinh dự được trở lại hàng ngũ nhân dân đang bị một nhóm người bắt sống cuộc sống trại lính, ăn gì, mặc gì, xem gì, đọc gì, thậm chí chết kiểu gì cũng đều do họ quy định và cho phép!
Tôi đã nói và sẽ nói, nói tất, nói với bạn bè, với người thân, với con cháu, chắt, chút, chít những gì mà bộ não ông già 70 còn ghi nhớ được về cái thời tưởng mình là một cánh đại bàng bay bổng giữa trời.
Nhưng, than ôi! Gần hết cuộc đời, tôi vẫn chỉ là “con đại bàng... cánh cụt”, chạy lè tè trên mặt đất mà vẫn vấp ngã đến gãy mỏ, trụi lông.
Hi vọng rằng sau khi đọc hồi ký này người đọc sẽ thương cảm cho tôi, cho các bạn tôi, những người ngây thơ, tội nghiệp, cả cuộc đời bị lừa dối và đi dối lừa người khác một cách vô ý thức.
Biết đâu chẳng có ngày đất nước này hoàn toàn “đổi mới” thật sự, hồi ký này sẽ được in ra để làm tài liệu lưu trữ về một thời cay đắng và tủi nhục nhất trong lịch sử Việt Nam. Và, may ra, lạy trời, những “đại bàng cánh cụt” chúng tôi sẽ được nhắc tới, như những chứng nhân lịch sử.
Nhưng, “vừa là tội đồ vừa là tòng phạm” làm sao những con đại bàng cánh cụt kia có thể bay cao, bay xa?
Thôi thì xin làm con sói của Alfred de Vigny, con bói cá của Musset tru lên tiếng rú cuối cùng, phanh ngực, xé lòng, hiến cho lịch sử một mẩu trái tim, một mẩu trí óc, một chút hơi tàn của thân xác.
Với niềm tin vô bờ bến rằng ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam đã đến rất gần, dù có chậm hơn ở các nước bậc cha ông, anh cả, anh hai đến vài ba thập kỷ, niềm tin ấy vẫn cháy bỏng trong tôi thúc giục tôi vứt bỏ mọi sợ hãi, mọi hèn kém để ngồi vào computer ». (HKCMTH trang 63)

(2) Trong Tuần Ký số 1 ngày 26-04-2009, để trả lời cho mối âu lo của nhiều bạn đọc trên trang Blog của ông là sau khi HKCMTH được tủ sách TQH ấn hành ở hải ngoại, ông sẽ bị bắt bớ giam cầm, Tô Hải đã viết như sau:
“Cho dù tình huống xấu nhất cuối cùng có thể xảy ra là họ đến xích tay tớ với ‘tội’ gì đó thì tớ lại càng… vui, vì họ sẽ phải khiêng tớ đi mà chắc chắn là chỉ ba ngày sau họ sẽ phải công bố tớ đã chết trong nhà giam thôi! Không phải tớ tự tử đâu nhé, vì tự tử lại là hèn! Tớ sẽ chết do: không thuốc uống hàng ngày (mỗi ngày phải ba lần uống đến 6 loại thuốc khác nhau để duy trì mấy đốt sống còn sót lại), chết do tăng-xông, chết do không ăn được gì ngoài sữa bột Ensure (đã gần một năm nay, tớ không ăn được gì ngoài những thức ăn mềm như cháo, sữa), mà một cái thân già đi không vững , ăn không được, ngồi không quá 15 phút thì nhà nước ta ‘nhân đạo’ như từng tuyên bố, ai nỡ bắt một cái xác chết đang còn thở làm gì cơ chứ? Mà biết đâu đấy, bắt tớ lại làm tớ nổi tiếng như cồn chứ không phải là nổi tiếng ảo nữa!...”

(3) Trong Lời Tựa HKCMTH, Lê Phú Khải cho hay chỉ trong vòng 18 tháng có mặt, Blog của Tô Hải đã thu hút khoảng 200 ngàn người đọc. Thời gian trước va sau khi HKCMTH ra mắt độc giả, rất nhiều cơ sở truyền thông quốc tế, trong số có các đài BBC, RFI, RFA, đã phỏng vấn ông.

(4) Sau khi trích dẫn nội dung một vài bài viết nhằm mục đích bội nhọ nhân cách nhạc sĩ Tô Hải, bà Tô Ánh Tuyết viết:
“..……..chỉ căn cứ vào điều đương sự ghi là “Theo lời kể của một người trong gia đình Tô Hải” cùng những sự kiện bôi bác bịa đặt trong bài viết đã đủ để cho tôi (người em út trong gia đình họ Tô) thấy được ác ý ẩn giấu trong đó của người viết.
Trước hết,
- Người trong gia đình TH là ai?
-Thưa là tôi, là hai bà chị và một ngườì em trai. Tất cả mấy chị em chúng tôi đã cùng thân mẫu chúng tôi đi khỏi Saigon trước ngày mất nước. Vậy hội đồng gia tộc là những ai mà dám hội họp để khai trừ anh tôi?
Thứ hai,
- Ai là người lập mộ cho thân phụ chúng tôi?
Ông ĐVP cho biết trên bia mộ có ghi “Hiền tế Thiếu Tướng LQT phụng lập” còn ông DLHTN thì lại viết “Hiền tế Trung Tướng LQT lập mộ”? Dù các ông ấy viết thế nào chăng nữa thì với tư cách là em gái NS Tô Hải, tôi xin minh xác như sau.
• Năm 1971 khi thân phụ tôi qua đời được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, chính thân mẫu tôi là người xây mộ cho cha tôi chứ không hề có chuyện tên ông LQT trên bia mộ như những người có ác ý xuyên tạc.
• Sau năm 75 nghĩa trang MĐC đã bị bọn Cộng Sản dã man giải toả không để người chết được yên thân, mẹ tôi phải gửi tiền về nhờ mấy đứa cháu còn kẹt lại lo việc bốc mộ đem thiêu, tạm gửi vào chùa rồi sau đó chuyển nắm tro tàn qua Mỹ cho chúng tôi hương khói. Anh Tô Hải không liên can gì tới việc này.
• Chuyện ông Trung Tướng LQT lập mộ đã là bịa đặt, thì làm sao có chuyện đập bia, rõ ràng đây là âm mưu bôi nhọ NS Tô Hải để làm giảm giá trị nhân chứng trong tác phẩm Hồi Ký của anh tôi.”



No comments:

Post a Comment