Tuesday, July 21, 2009
"QUYỀN ĐƯỢC RÊN" của LÊ MAI
“Quyền được rên” của Lê Mai
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-07-19
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Writer-le-mai-and-his-work-the-rights-of-groan-mlam-07192009101257.html
RFA xin giới thiệu truyện ngắn của tác giả Lê Mai mang tên: “Quyền được rên”. Tác phẩm này không được in trong nước nhưng xuất hiện trên internet cùng lúc với tác phẩm “Con rồng đá” từng gây sự chú ý của dư luận trước đây.
Truyện ngắn "Quyền Được Rên" của nhà văn Lê Mai. RFA PHOTO
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/Writer-le-mai-and-his-work-the-rights-of-groan-mlam-07192009101257.html/QuyenDuocRen-305.jpg
Nhà văn Lê Mai sinh năm 1953 và theo ông cho biết thì tính đến nay ông đã in được một số tác phẩm như sau:
“Tôi có in hai tập thơ, tập “Hạnh Phúc Muộn” và tập “Lỗi tại mùa xuân”. Tôi cũng có viết ba cuốn tiểu thuyết là “Tẩu hỏa nhập ma” ở nhà xuất bản Văn Học, “Bạn cùng lớp” ở nhà xuất bản Quân Đội và “Thời gia xuẩn ngốc” do nhà xuất bản Công an nhân dân in.”
Phản ứng tự nhiên
Truyện ngắn “Quyền được rên” ngay cái tựa đã cho người đọc một cảm giác thích thú và cần tìm hiểu nội dung nó chứa đựng những gì.
Cảm giác đầu tiên mà người đọc có thể tưởng tượng là sự cấm đoán các hoạt động tình dục dưới thời bao cấp và những cặp tình nhân vốn sống chung đụng trong các khu tập thể chật hẹp dễ xảy ra những điều khôi hài mà các nhà văn thường kể lại trong những năm khó khăn trước 1975.
Thật ra Quyền được rên không dính gì tới chuyện tình dục mà truyện ngắn này mô tả phản ứng tự nhiên của con người khi bị tra tấn hay khi quá đau đớn do một nguyên nhân nào đó.
Nhà văn Vũ Ngọc Tiến, đồng tác giả của Con Rồng Đá với nhà văn Lê Mai cho biết về ý tưởng mà Lê Mai dựa vào sáng tác truyện ngắn này:
“Anh Lê Mai là một cây bút cũng hơi ẩn dật. Truyện ngắn Quyền được rên anh Lê Mai viết về cuộc đời của nhà thơ Hoàng Công Khanh, là một nhà thơ trong nhóm Thi Nhân Thời Tiền Chiến cũng khá nổi tiếng. Ông ta bị tai nạn trong chuyện Nhân Văn Giai Phẩm thuộc lứa đầu tiên.”
Câu chuyện bắt đầu khi sự kiện Nhân Văn Giai Phẩm nổ ra. Nhân vật chính là một nhà văn không có tên, khi nghe tin công an đang chú ý đến mình thì phản ứng đầu tiên của ông là sự không tin vào tai mình. Ông nhà văn cứ suy nghĩ mãi về những điều mà thi sĩ Phương, một trong những người được cho là biết khá nhiều các đề tài có liên quan đến các vụ ruồng bố của công an văn hóa.
Nhà văn chờ đợi trong âu lo những điều tệ hại nhất sẽ xảy ra cho mình, và điều đó đã xảy ra sau đó không lâu.
Nhưng nỗi hoang mang không phải kéo lâu. Vào một ngày, ông cũng không rõ nắng mưa ra sao, chỉ biết vào khoảng gần trưa, có hai người đàn ông ăn mặc bình thường cùng người tổ trưởng dân phố bước vào nhà. Họ yêu cầu ông đứng dậy, rồi một người dõng dạc đọc lệnh khám nhà.
Sau lệnh, tất cả giấy tờ, sách báo, bản thảo và cả những quyển sách Mác-Lê dày cộp cũng được xếp lên chiếc xích lô đỗ xịch trước cửa nhà. Ông cúi đầu lặng lẽ bước theo họ. Vẳng theo ông là những tiếng thút thít kìm nén của vợ con. Định dừng bước nói với vợ con vài lời, nhưng họng ông nghẹn ứ. Một cú huých nhẹ và một lời thúc giục nhỏ, nhưng đanh: Đi. Đi mau…
Những tháng ngày nối tiếp là một cơn ác mộng cho nhà văn. Ông lầm lũi sống trong nhà tù Hỏa Lò rồi Yên Bái…cuộc săn đuổi giữa tự do và tù đày hành hạ tâm hồn ông ngày này sang ngày khác. Chung quanh những bạn tù đủ mọi thành phần, ông hốt hoảng sống, hốt hoảng nhận ra mình chỉ là một thằng người lẻ loi trong cái xã hội kỳ quặc của bốn bức tường lạnh lẽo.
Những ngày lao động nhọc nhằn đã khiến ông gần như kiệt sức và cuối cùng thì ông nhận ra rằng muốn sống thì phải thích nghi với môi trường chung quanh, bất kể môi trường đó tàn nhẫn, độc ác thế nào.
Ông nhìn các nhân vật cùng trại tù với ông như Apao như họa sĩ Kha và nhận ra rằng sự hồn nhiên trong lúc ở tù của họ đã chiến thắng hoàn cảnh khắc nghiệt của trại giam. Từ đó ông chấp nhận sự giam hãm một cách lặng lẽ nhưng bền bỉ và không trăn trở hay nghĩ ngợi nhiều.
Mấy tháng sau, ông được giám thị gọi lên giao nhiệm vụ mới: làm y sinh – dùng lá lẩu quanh trại chữa bệnh cho phạm nhân của trại. Hồ sơ lý lịch cho họ biết, ông có tài vặt này từ khi ngồi tù thực dân ở Sơn La, có lẽ vậy. Tốt quá! Nhận nhiệm vụ mới ông rất vui. Vui vì nhiều lẽ. Từ đây ông được tạm chia tay với cuốc, với xẻng, với gánh phân… với những tối ngồi bình xét ngày lao động.
Từ đây không có người giám sát, ông sẽ có thời gian tranh thủ hái thêm mớ rau rừng, vồ thêm con cóc, đập thêm con rắn cải thiện bữa ăn, bồi dưỡng cơ thể để còn có sức mà về với mẹ đĩ. Ông bồi hồi nhớ tới lần vô tình nhìn thấy con cua đang lổm ngổm bò dưới đáy ruộng lúa.
Ông gạt vội đám đỉa lúc nhúc ngoe nguẩy trên mặt nước, ào xuống ruộng, vồ gọn mấy chú cua. Xé từng con ăn sống, mà chất ngọt chất bổ của con cua thấm đến đâu ông biết rõ đến đấy. Đúng là bổ hơn cả nhân sâm.
Từ đây, ông sẽ có dịp la cà sang các lán chuyện trò, thỏa chí tò mò ham biết của nhà văn. Và nhất là việc trị bệnh cứu người còn giúp ông nuôi dưỡng ngọn lửa tính người mà giờ đây trong ông nó chỉ còn leo lét cháy…
Ông gặp khá nhiều hoàn cảnh cả vui lẫn buồn trong khi ở tù. Những cái chết của tù nhân khiến ông suy nghĩ về cái bé mọn của con người trong đó có ông. Điều khôi hài nhất là bỗng dưng ông sợ được ra tù vì ông biết rằng đang khi ở tù thì ông còn được một số ít thời gian hiếm hoi để suy nghĩ, để trao đổi với bạn tù nhưng khi ra tù thì người ta sẽ xa lánh ông vì sợ liên lụy.
Kể cả bạn bè. Chơi với một tù chính trị không khác nào chơi với lửa và chắn chắn rằng họ sẽ dần dần xa lánh ông thôi…
Còn nữa..cái ngày ra tù là ngày ông phải đối phó với các thực tế khác đó là tem gạo, là hộ khẩu. Ông lạnh lưng khi nghĩ tới cái ngày ra tù đầy bất trắc trước mặt. Và rồi phải làm việc nữa chứ. Ông phải làm việc, phải làm việc….điệp khúc làm việc lẩn quẩn trong đầu ông như một ám ảnh. Ông giật mình nhớ ra rằng có mấy ai nhận một gã tù như ông làm việc trong cơ quan của họ. Chỉ nghĩ đến đấy, ông không còn ham hố ra tù…
Rên cũng là tội...
Cuối cùng thì ông cũng thoát ra cái trại giam ở Yên Bái để hòa mình vào đời sống. Bắt đầu bằng nghề đẩy xe bò, rồi đi buôn chó…cùng nhiều nghề lạ lùng khác. Làm gì thì làm nỗi ám ảnh được cầm bút trở lại vẫn theo đuổi ông suốt.
Ông mơ cái ngày mình ngồi vào bàn viết và viết như một nhu cầu bức thiết chứ không phải chỉ để giải sầu.
Ông suy nghĩ thật nhiều những đề tài mà mình sẽ viết. Viết thôi, không cần in ấn, không cần độc giả. Ông viết cho ông đọc. Một mình ông đọc mà thôi…
Ông lập cập đeo kính rồi lập cập ngồi ngay ngắn trước màn hình, tay bật máy, tay rê rê con chuột. Rồi như có sức mạnh của quyền năng, các ngón tay ông bắt đầu múa nhanh trên bàn phím. Những con chữ hối hả chen nhau xuất hiện trên màn hình. Ông cứ gõ, gõ, tay như múa… Bỗng ông giật mình ngừng tay khi chợt nghe thấy tiếng nấc rất quen thân của vợ. Tiếng nấc của một thời tưởng đã là ngày xửa ngày xưa, không bao giờ trở lại.
- Ông!... Ông viết cái gì thế này? Sao lại bắt đầu bằng ngày ông bị đi tù, hở giời!
- Tôi viết lại những kỷ niệm buồn vui của đời mình ấy mà.
- Ông dừng ngay, dừng ngay không được viết nữa! Tôi lạy ông, xin ông đấy. Bới lại những cái đó làm gì. Phế thải hạt nhân đã chôn rồi thì không được bới, nguy hiểm lắm, ông a...à…ạ!...
- Bà yên tâm. Bây giờ đổi mới rồi. Con người đối xử với nhau nhân văn hơn trước nhiều rồi. Mà bà còn lạ gì tôi, nào có biết hận thù, căm uất ai đâu mà bà phải lo, phải sợ. Họ đánh mình đau quá thì mình rên. Rên cho nó đỡ đau, bà ạ! Con người ai chẳng có quyền được Rên.
- Sắp xuống lỗ rồi mà ông còn thơ ngây thế? Ông tưởng Rên là tội nhẹ lắm ư? Các ông ngày xưa ngợi ca – hát ông ổng còn bị kẻ độc miệng cho mang vạ. Giờ lại đòi Rên. Quyền được Rên! Ơ hơ…quyền được Rên! Ngớ ngẩn, ngớ ngẩn hết chỗ nói…
Nghe vợ mắng, ông buông tay sững sờ… ờ… ờ… Bà ấy nói… Bà ấy nói… Ông đưa mắt nhìn ra ngoài trời…
Mưa! Mưa! Mưa vẫn xối xả. Trong làn mưa mù mịt ông lại thấy quản giáo Quang lừ lừ đi vào, tay vẫy vẫy, miệng làu bàu mà như ra lệnh cho ông: Hồ hởi, phấn khởi nhé! Hồ hởi, phấn khởi nhé!
Một làn gió lạnh thổi thốc vào nhà. Ông rùng mình, tê buốt.
Truyện ngắn “Quyền được rên” lẽ ra đã được in chung với tập truyện “Con Rồng Đá” thế nhưng theo nhà văn Vũ Ngọc Tiến kể lại thì số phận của truyện ngắn này vẫn còn khá gian nan.
-Anh Đà Linh có khuyên chúng tôi cái truyện Quyền được rên nên để lại một dịp khác vì tính chất quá nhạy cảm của nó…
Cho tới giờ này, truyện ngắn “Quyền được rên” vẫn nằm trong ngăn kéo của Lê Mai. Ông không tin rằng nó sẽ xuất hiện trở lại trong tủ sách văn nghệ mặc dù như ông đã cho biết ông từng có tác phẩm được nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành trước đây.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
-----------------------------------------------------------------
QUYỀN ĐƯỢC RÊN
Lê Mai
http://www.viet-studies.info/VNTien/LeMai_QuyenDuocRen.htm
No comments:
Post a Comment