Wednesday, July 1, 2009

NHỮNG LẮT KÉO TRONG LUẬT QUỐC TỊCH CỦA VIỆT NAM

Những lắt léo trong luật quốc tịch của VN với người Việt ở nước ngoài
Gs. Hà Ngọc Cư – Viết riêng cho Người Việt
Wednesday, July 01, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=97313&z=1
Lời tòa soạn: Theo thông báo của Bộ Tư Pháp Việt Nam, “Luật Quốc Tịch Việt Nam” kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2009 sẽ có hiệu lực thi hành. Theo luật này, người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài “chưa mất quốc tịch Việt Nam phải “đăng ký” với cơ quan đại diện Việt Nam ở nơi định cư để giữ quốc tịch gốc. Thời hạn đăng ký sẽ kéo dài 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực.” Vẫn theo Bộ Tư pháp Việt Nam, “việc phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là giải pháp cụ thể để Nhà nước có thể xác định được những ai trong số hơn 3 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn muốn giữ quốc tịch Việt Nam, qua đó xác định rõ tình trạng quốc tịch của họ, tạo điều kiện để làm tốt công tác quản lý về quốc tịch, thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân định cư ở nước ngoài.”
Tuy nhiên, để hiểu rõ điều luật này không phải là việc dễ dàng, vì trong đó có nhiều lắt léo, đặc biệt là với người Việt Nam có quốc tịch Hoa Kỳ. Bài viết dưới đây của Giáo sư Hà Ngọc Cư, hiện là Giám đốc điều hành cơ quan CISS chuyên lo về di dân và tị nạn tại Houston, Texas, sẽ cho thấy điều đó.
Người Việt

***

Luật Quốc Tịch mới của nước CHXHCN Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2009.
Có hai điều khoản quan trọng có ảnh hưởng lớn đến người Việt định cư ở nước ngoài.
- Người Việt đã có quốc tịch mới muốn giữ quốc tịch Việt Nam (VN) thì phải đăng ký trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1 tháng 7, 2009.
- Người nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài.

Bây giờ xin bàn về những lắt léo của hai điều khoản này.

1. Nếu xin giữ quốc tịch Việt Nam thì hậu quả đối với quốc tịch mới của mình sẽ ra sao?

Vấn đề song tịch thay đổi theo luật lệ của từng quốc gia. Một số quốc gia như Pháp, Mexico, Ba Lan, Nga, Thụy Sĩ, Canada, Anh quốc,… cho phép công dân giữ quốc tịch của họ khi nhập quốc tịch mới. Một số quốc gia khác quy định rằng nếu công dân nhập quốc tịch một quốc gia khác thì đương nhiên mất quốc tịch của họ như Áo, Úc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hòa Lan, Phi Luật Tân, Trung Hoa…
Riêng trường hợp Hoa Kỳ thì Hiến Pháp Hoa Kỳ không công nhận song tịch mà cũng không cấm song tịch. Trong thực tế nếu khi nhập quốc tịch nước ngoài mà luật pháp nước đó không đòi hỏi mình phải từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ thì bạn vẫn còn quốc tịch Mỹ.
Vấn đề của người Việt đã có quốc tịch Mỹ đối với luật quốc tịch mới của VN là làm đơn xin giữ quốc tịch Việt Nam có “nguy hiểm” về quốc tịch Mỹ của mình hay không?

Như đã nói ở trên, nếu trong đơn xin giữ quốc tịch Việt Nam mà chính phủ Việt Nam không đòi hỏi mình phải bỏ quốc tịch Mỹ thì không đáng ngại. Nhưng ngoài việc xin giữ quốc tịch Việt Nam có mất quốc tịch Mỹ hay không còn có vấn đề đạo đức.
Khi tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ ta đã tuyên thệ xin bỏ quốc tịch cũ, bây giờ lại xin giữ quốc tịch cũ tức là đã bội thề, phạm vào chữ “TÍN”.

Luật quốc tịch mới của Việt Nam có luật “cứng” và luật “mềm”.
- Luật quốc tịch “cứng” quy định nguyên tắc một quốc tịch, tức là công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, nếu đã nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài.
- Luật quốc tịch “mềm” lại cho phép những trường hợp ngoại lệ có thể có đồng thời quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài. Những trường hợp này được Chủ tịch nhà nước Việt Nam cho phép khi nhập quốc tịch.

Nếu “Việt Kiều” xin giữ quốc tịch Việt Nam thì họ được hưởng luật quốc tịch “cứng” hay luật quốc tịch “mềm”?
Nếu theo luật “cứng” thì khi xin giữ quốc tịch Việt Nam họ có bị nhà nước Việt Nam coi là mất quốc tịch nước ngoài không? Còn nếu theo luật quốc tịch “mềm” thì họ phải nộp đơn lên Chủ tịch nhà nước để giữ quốc tịch nước ngoài không?

Theo lời Bộ Trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường trong buổi họp báo tại Văn phòng Chủ tịch nước ngày 4 tháng 12, 2008, thì: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài cho đến khi luật mới có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7, 2009 vẫn được coi là còn quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời hạn 5 năm, Việt kiều nào có nhu cầu thì làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Quá thời hạn đó sẽ mất quốc tịch Việt Nam song vẫn có thể xin trở lại quốc tịch Việt Nam, thậm chí họ vẫn giữ được quốc tịch nước ngoài khi xin trở lại quốc tịch Việt Nam nếu có vợ, chồng, cha, mẹ con đã là công dân Việt Nam.”
Không ai hiểu nổi lời giải thích của ông Bộ Trưởng Tư Pháp.


Nếu tôi có cha mẹ, vợ hoặc chồng, con đã là công dân Việt Nam thì khi xin trở lại quốc tịch Việt Nam sẽ không mất quốc tịch nước ngoài nghĩa là được quyền song tịch (đối với Việt Nam). Nhưng nếu không có cha mẹ, hoặc vợ chồng, hoặc con đã là công dân Việt Nam thì khi xin trở lại quốc tịch Việt Nam có mất quốc tịch nước ngoài không?

Vấn đề chủ yếu mà nhiều người Việt định cư ở nước ngoài quan tâm nhất sau ngày 1 tháng 7, 2009, khi Luật quốc tịch mới có hiệu lực thì chính phủ Việt Nam có còn coi họ là công dân Việt Nam để bắt họ phải thi hành những nghĩa vụ của công dân Việt Nam không? Một người muốn bỏ quốc tịch Việt Nam có cần phải làm đơn “Xin Thôi Quốc Tịch Việt Nam” như trước nữa không? Làm thế nào để chứng minh là mình đã “được” mất quốc tịch Việt Nam. Chính quyền Việt Nam có cấp “giấy chứng nhận” không?

Nếu Việt Nam tôn trọng nguyên tắc về lãnh thổ thì con cái “Việt kiều” sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam có đương nhiên có quốc tịch Việt Nam không? Đối với luật quốc tịch của Hoa Kỳ thì con của một công dân Hoa Kỳ (bố hoặc mẹ) thì dù có sinh ra ở đâu vẫn có quốc tịch Mỹ (nguyên tắc về huyết thống). Như vậy con của người Mỹ gốc Việt sinh tại Việt Nam là song tịch một cách “hiển nhiên” kể từ lúc ra đời. Những đứa trẻ này vừa c ó khai sinh Việt Nam vừa có khai sinh Mỹ, như vậy sau này có phải làm đơn xin giữ quốc tịch Việt Nam không?

Nếu luật quốc tịch của Việt Nam chấp nhận nguyên tắc huyết thống thì con cháu của Việt Kiều sinh ở nước ngoài có được coi là công dân Việt Nam hay không (vì mang huyết thống Việt Nam)? Nếu có thì họ có quyền xin “quyền tự động có quốc tịch Việt Nam” như trường hợp công dân Mỹ sinh con ở nước ngoài không?

2- Người nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam
Luật quốc tịch mới của Việt Nam đòi hỏi khi xin nhập quốc tịch Việt Nam thì phải xin thôi quốc tịch nước ngoài thì cũng không khác gì luật quốc tịch của nhiều quốc gia khác. Vấn đề là Việt Nam chấp nhận song tịch như thế nào mà thôi.
Đối với chính phủ Việt Nam thì công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam nhưng đối với nhiều quốc gia khác thì mặc dầu bạn đã nhập tịch Việt Nam bạn vẫn không mất quốc tịch của nước họ mà không cần phải “đăng ký xin giữ quốc tịch cũ”, trừ trường hợp bạn không chính thức xin từ bỏ quốc tịch của họ.

Nhà nước Việt Nam nói công dân Việt Nam chỉ có quyền có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Điều đó không có nghĩa là luật này có thể áp đặt lên quyền công dân của các nước khác. Vì quyền có quốc tịch là chủ quyền của mỗi quốc gia. Khi xin nhập quốc tịch Mỹ bạn phải tuyên thệ từ bỏ các quốc tịch cũ, có nghĩa là đối với chính phủ Hoa Kỳ, bạn chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Hoa Kỳ.
Nhưng chính phủ các quốc gia mà bạn có quốc tịch cũ vẫn có quyền coi bạn còn là công dân của họ vì đó là thẩm quyền của họ nên chính phủ Hoa Kỳ không thể can thiệp vào việc này được.
Vì vậy, khi một công dân Hoa Kỳ xin nhập quốc tịch Việt Nam, mặc dầu chính phủ Việt Nam đã bắt họ từ bỏ quốc tịch cũ, nhưng chính phủ Hoa Kỳ vẫn có quyền coi người đó là công dân Hoa Kỳ.
Nếu công nhận song tịch thì Việt Nam nên thẳng thắn và minh bạch.


Vietnamnet
Từ 1/7: kiều bào phải đăng ký giữ quốc tịch gốc
19:23' 29/06/2009 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/06/855427/
Với Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực thi hành từ 1/7 tới, kiều bào sinh sống tại nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nơi định cư để giữ quốc tịch gốc. Thời hạn đăng ký sẽ kéo dài 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực.

Ai còn, ai mất?
Theo điều 2, khoản 13, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, trước ngày Luật nói trên có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật có hiệu lực, kiều bào phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.
Theo Bộ Tư pháp, việc phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là giải pháp cụ thể để Nhà nước có thể xác định được những ai trong số hơn 3 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn muốn giữ quốc tịch Việt Nam, qua đó xác định rõ tình trạng quốc tịch của họ, tạo điều kiện để làm tốt công tác quản lý về quốc tịch, thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân định cư ở nước ngoài.
Ước tính khoảng 70% số kiều bào đang định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam. Cùng với quy định về đăng ký giữ quốc tịch, Luật cũng có những quy định về không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Có ngoại lệ 2 quốc tịch
Theo Luật Quốc tịch Việt Nam, Nhà nước quy định nguyên tắc một quốc tịch, tức công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, nếu đã nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài.
Tuy nhiên, luật cũng quy định "mềm dẻo", cho phép những trường hợp "ngoại lệ" có thể có đồng thời quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài và những trường hợp này được Chủ tịch nước cho phép khi xin nhập quốc tịch.
Những trường hợp ngoại lệ bao gồm những người là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam, người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam, và người có lợi cho Nhà nước Việt Nam.
So với Luật quốc tịch cũ, Luật mới sắp có hiệu lực có nhiều quy định mới, thông thoáng hơn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật có hiệu lực, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam cũng sẽ được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định.
X.Linh

No comments:

Post a Comment