Wednesday, July 29, 2009
NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI CÓ THỂ LÀM GÌ CHO QUÊ HƯƠNG HIỆN NAY ?
Gặp gỡ GS Lê xuân Khoa: Người Việt ở Mỹ có thể đóng góp những gì cho quê hương trong tình hình hiện nay
Vô Kỵ
Thứ Tư, 29/07/2009
http://bauxitevietnam.info/c/4845.html
Trong thời gian gần đây, đề tài được nhắc tới nhiều nhất trong cộng đồng Người Việt Ở Mỹ có lẽ là những chuyển biến xấu của tình hình chính trị Việt Nam. Chuyện Trung Quốc lấn chiếm biển Đông. Chuyện Trung Quốc khai thác quặng Bauxite ở Tây Nguyên với nhiều ý đồ chính trị. Chuyện chính quyền Việt Nam hơn bao giờ hết trở nên nhu nhược với chính sách đối ngoại với Tàu, nhưng lại mạnh tay hơn trong chính sách đối nội với phong trào dân chủ, yêu nước của người dân Việt. Nhưng người Việt hải ngọai như chúng ta theo dõi tình hình với niềm xót xa là chính, chứ không biết được mình có thể đóng góp gì cho quê hương trong lúc này.
Trong một bối cảnh như vậy, tôi đã tìm gặp Giáo sư Lê Xuân Khoa. Dù là một người tị nạn rời khỏi đất nước từ 1975, nhưng qua những hoạt động suốt 30 năm qua ở Mỹ, Giáo sư là một trong những người có cơ hội tiếp xúc nhiều nhất với mọi lớp người trong xã hội Việt Nam, từ lãnh đạo chóp bu cho tới dân chúng miền quê. Giáo sư đã cho tôi nhiều ý kiến xác thực về tình hình trong nước, cũng như những gì người Việt hải ngoại có thể đóng góp cho quê hương trong thời điểm “sơn hà nguy biến” hôm nay.
-----------------
Để viết đầy đủ về những hoạt động, đóng góp của Giáo sư Lê Xuân Khoa đối với cộng đồng Người Việt tị nạn, cần phải có riêng một bài báo khác nữa. Ở đây chỉ xin tóm tắt một vài điểm chính. Giáo sư đã từng giảng dạy triết học Đông phương, văn minh Việt Nam tại các Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Đà Lạt, Đại học Vạn Hạnh… Di tản sang Mỹ ngay biến cố 30-04-1975, ông và gia đình định cư tại Washington DC. Khi sang đến Mỹ, ông đã nhìn trước viễn cảnh lâu dài của một cộng đồng người Việt lưu vong tại Mỹ. Do đó, bên cạnh việc ổn định cuộc sống gia đình, ông cũng làm việc với những tổ chức giúp đỡ người dân tị nạn tại Hoa Kỳ. Duyên may đã đem lại cho ông cơ hội hợp tác với Indochina Refugee Action Center (IRAC), một tổ chức phi chính phủ (NGO) do một nhóm trí thức người Mỹ thành lập vào năm 1979 chuyên vận động về chính sách và chương trình giúp đỡ người tị nạn Đông Dương. Tổ chức này sau đổi tên thành Southeast Asia Resource Action Center (SEARAC). Giáo sư bắt đầu làm việc với IRAC trong vai trò cố vấn về các vấn đề Việt Nam, đến năm 1981 thì ông trở thành Chủ tịch/Tổng Giám đốc của tổ chức, và giữ chức vụ này cho đến năm 1997 sau khi các chương trình quốc tế về tị nạn Đông Dương đã hoàn toàn chấm dứt. Năm 1996, ông được Trường cao học Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Johns Hopkins mời làm Giáo sư thỉnh giảng và từ năm 2000 làm Học giả ngoại trú của Học viện về Chính sách Quốc tế cũng thuộc Đại học Johns Hopkins.
Với vai trò Chủ tịch của IRAC/SEARAC, Giáo sư Lê Xuân Khoa đã trở thành cầu nối giữa Chính phủ Mỹ và các nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, trong việc giải quyết vấn đề của người tị nạn Đông Dương giai đọan 1979 đến 1995. Ông có mặt trong hầu hết các họat động có liên quan đến người dân Việt lưu vong, đặc biệt là công cuộc vận động cho người tị nạn được định cư ở Hoa Kỳ, tổ chức và phát triển các hội đoàn tương trợ của người tị nạn. Năm 1989, khi Hội nghị quốc tế Geneva thiết lập Kế hoạch hành động toàn diện nhằm kết thúc chương trình tị nạn Đông Dương thì Trung tâm SEARAC tích cực tranh đấu cho các giải pháp công bằng và nhân đạo qua những chương trình chống thanh lọc bất công, chống cưỡng bách hồi hương, chương trình định cư cựu tù cải tạo (H.O.) và định cư những người bị thanh lọc bất công đã hồi hương (ROVR). Song song với các chương trình ra đi chính thức là chương trình giúp đỡ cho những người đã phải hồi hương để bảo đảm rằng họ trở về nước không bị trù dập và có điều kiện hội nhập trở lại cuộc sống bình thường. Có thể nói GS Lê Xuân Khoa là người gắn liền với lịch sử tị nạn Việt Nam sau biến cố 30-04-1975.
Cũng nhờ sự đóng góp đáng kể vào các cuộc đối thoại giữa hai chính phủ Việt-Mỹ về các vấn đề tị nạn và nhân đạo, GS Lê Xuân Khoa đã có dịp tiếp xúc với nhiều quan chức cao cấp của chính quyền CSVN từ 1989 cho đến thời gian gần đây. Vì thế, ông hiểu khá rõ tình hình trong nước và tính cách của nhiều nhân vật lãnh đạo Việt Nam đương thời. Mỗi chuyến về Việt Nam công tác cho SEARAC hay cho những chương trình nhân đạo của những tổ chức phi chính phủ, ông có nhiều dịp gặp gỡ những người thuộc mọi tầng lớp khác nhau của xã hội. Do đó, cái nhìn của ông về tình hình đất nước luôn luôn được cập nhật hóa, sát với thực tế và không bị phiến diện.
Trở lại với tình hình đất nước Việt Nam hiện tại, GS Lê Xuân Khoa đồng ý rằng những chuyển biến trong năm nay đều theo chiều hướng xấu cho vận mệnh quốc gia, dân tộc. Đảng CSVN hơn bao giờ hết đang càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc để củng cố quyền lực và quyền lợi. Các diễn biến ở Biển Đông, mỏ bauxite Tây Nguyên đã chứng minh rõ rệt cho chiều hướng này.
Chính phủ Bắc Kinh, tận dụng thời cơ Mỹ và thế giới Phương Tây phải bận bịu đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế và các vấn đề chính trị và quân sự ở Trung Đông, đang xác lập ảnh hưởng lâu dài của mình tại vùng Đông Nam Á, mà bước đi chiến luợc được bắt đầu từ Việt Nam. Thế cờ về một “vành đai các chư hầu độc tài” để bảo vệ cho mưu đồ bành trướng của Trung Quốc bao gồm Bắc Hàn, Miến Điện, Việt Nam đang được Bắc Kinh gấp rút hình thành.
Điều tệ hại không kém là để duy trì được sự tồn tại của mình trong “liên minh” này, Chính phủ Việt Nam phải mạnh tay hơn trong việc trấn áp dư luận bất mãn của người dân trong nước, đặc biệt các thành viên của phong trào dân chủ và của những trí thức độc lập, vốn ngày càng gia tăng tố cáo và chống đối chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc đang áp đặt lên dân tộc Việt Nam. Ý dân không thể thực hiện được vì nó đi ngược lại với quyền lợi của tầng lớp lãnh đạo. Một Hội Nghị Diên Hồng như 800 năm trước để hỏi ý dân: “nên hòa hay chiến” sẽ không có ở thế kỷ XXI này, khi Nhà nước chỉ cần tuyên bố: “Vấn đề này thuộc chủ trương lớn của Đảng, nên… miễn bàn!”.
Cho đến ngày nào Việt Nam chưa thực sự có dân chủ, thì việc Trung Quốc kiểm soát được tình hình Việt Nam là tương đối đơn giản. Mà người dân đen bây giờ lại bị bưng bít thông tin, sợ biến động mặc dù rất chán ghét chế độ. Cứ so sánh với chính mình 10 năm trước, thấy đời sống có khá hơn, thế là được rồi!
Nếu thế thì vận nước nhà đã được an bài chưa? GS Lê Xuân Khoa cho rằng vẫn còn hy vọng.
Thứ nhất là truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam trước hiểm họa Trung Quốc. Trong thời bình, dân Việt thường chỉ lo cho bản thân và gia đình, nhưng hễ khi phải đối đầu với quân xâm lược, đặc biệt là từ phương Bắc, thì toàn dân sẽ đoàn kết muôn người như một.
Thứ hai, ý đồ bành trướng của Trung Quốc không chỉ làm cho người Việt lo ngại, mà cũng là mối quan tâm lớn của nhiều nước trong khu vực. Việc Trung Quốc vẽ bản đồ lưỡi bò để thống lãnh Biển Đông, tận lực khai thác thượng nguồn sông Mekong chỉ vì quyền lợi của riêng mình, bất kể sự sống còn của các quốc gia vùng hạ lưu đã khiến cho khối ASEAN phải nghĩ đến kế họach liên minh đối phó với Trung Quốc.
Gần đây Hoa Kỳ liên tiếp chứng tỏ quyết tâm trở lại Đông Nam Á như Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố tại Hội nghị ASEAN, ngay sau đó ra tuyên bố chung với Việt Nam, Thái Lan, Cam-bốt và Lào về sự hợp tác phát triển vùng hạ lưu sông Mekong, trong khi phái đoàn do Tướng Tư lệnh không đoàn 13 của Mỹ có mặt ở Hà Nội để thảo luận chương trình đào tạo sĩ quan và hợp tác không lực giữa hai nước.
Ngoài ra, phải kể đến những động thái cùng một chiều hướng của Nhật, Ấn độ, Liên minh Âu châu và cả Nga nữa, tất cả đều phát xuất từ nhu cầu phải ngăn chặn tham vọng bành trướng quá lộ liễu của Trung Quốc.
Thứ ba — đây là điều cần theo dõi nhất — lãnh đạo Việt Nam có thể đang tìm cách ra khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc. Một mặt vì ý thức được lòng bất mãn của nhân dân đang gia tăng mạnh mẽ trước thái độ nhu nhược của chính quyền đối với những hành động chèn ép quá trắng trợn và tàn ác của Trung Quốc, một mặt vì đã nhận được những tín hiệu khích lệ từ các nước Á châu, Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế. Liệu lãnh đạo Việt Nam có đạt được đồng thuận là cần ra khỏi liên minh Trung quốc-Bắc Hàn-Miến Điện và hội nhập thật sự vào thế giới văn minh, dân chủ hay không? Không ai có thể khẳng định được điều gì trong lúc này, nhưng thời gian chờ đợi câu trả lời sẽ không lâu.
Trong khi đó, cộng đồng người Việt hải ngoại có thể đóng góp được gì cho nhu cầu bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước? GS Lê Xuân Khoa nhấn mạnh đến sức mạnh ở trong nước. Không có một thế lực bên ngoài nào có thể cải thiện hay thay đổi được chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam. Công việc đó phải được thực hiện bởi người dân trong nước. Điều này chỉ xảy ra khi các thông tin về hiểm họa Trung Quốc được phổ biến sâu rộng tới dân chúng ở mọi miền đất nước. Vì vậy, người Việt hải ngoại nên tiếp tay phổ biến những thông tin cần thiết bằng mọi phương tiện thích hợp, nhất là những lời cảnh báo của những nhà hoạt động dân chủ, những trí thức độc lập, kể cả những đảng viên sáng suốt.
Quan trọng hơn nữa là công cuộc vận động Chính phủ Mỹ và cộng đồng quốc tế khuyến khích và hậu thuẫn cho một quan điểm chung của ASEAN trong những cuộc đối thoại với Trung Quốc về chủ quyền lãnh hải, về quan hệ hợp tác hòa bình. Để cho công cuộc vận động này đạt đựơc kết quả, trí thức người Việt hải ngoại, đặc biệt là ở Mỹ, cần có sự hợp tác của trí thức người Mỹ gốc Á châu – Thái Bình Dương vì họ cũng có chung mối quan tâm về mưu đồ của Trung Quốc đối với quê hương gốc rễ của họ. Đây là những người đã có thói quen sinh hoạt tự do, dân chủ, đã vượt lên khỏi chủ nghĩa quốc gia quá khích và có tầm nhìn quốc tế, do đó sẽ dễ dàng hợp tác và hỗ trợ cho mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc dùng Việt Nam làm bàn đạp cho những bước kiểm soát toàn khu vực.
Người Mỹ gốc Việt sẽ không cô đơn trong những cuộc tiếp xúc tham khảo với các nhà làm chính sách ở Tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại giao và Quốc hội. Nếu trước đây, tiếng nói của người tị nạn Việt Nam đã có ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Kỳ và quốc tế, thì ngày nay tiếng nói của những công dân Mỹ gốc Á châu cho một nền hòa bình và thịnh vượng ở Đông Nam Á chắc chắn sẽ được lắng nghe nhiều hơn nữa.
Theo GS Khoa, đã đến lúc người Việt hải ngoại cần vượt lên khỏi những thành kiến và dị biệt, để phối hợp hoạt động cho mục tiêu chung theo lề lối sinh hoạt thật sự dân chủ. Trí thức người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần đứng ra đảm nhận trọng trách đối với quê hương, và cần được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng.
Chia tay GS Lê Xuân Khoa, đầu óc tôi vẫn còn tiếp tục suy nghĩ. Một nhà trí thức đã bước vào tuổi 80, lý ra nên hưởng nhàn cùng con cháu ở Mỹ mới đúng. Đằng này ông vẫn còn ưu tư với thời cuộc chốn quê nhà. Ngày xưa, vua Trần triệu tập bô lão tòan dân để bàn việc nước. Tinh thần đoàn kết đã giúp dân Việt thắng giặc Nguyên Mông. Ngày nay, nhiều bô lão Việt Nam trong và ngoài nước cũng đang tìm cách liên kết với nhau để giúp nước nhà. Nhưng lần này, họ không được triệu tập bởi người lãnh đạo đất nước, mà phải đối đầu với cả thế lực ngoại bang lẫn chính quyền Việt Nam. Liệu sứ mạng cứu nước lần này có phải là nhiệm vụ bất khả thi hay không???
Không cần đợi câu trả lời cho câu hỏi này, những bô lão Việt như Giáo sư Lê Xuân Khoa vẫn đã và đang lên đường tìm đến Hội Nghị Diên Hồng của những người Việt cùng chí hướng…
Vô Kỵ
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
nếu như yêu nước thì đóng góp sức cho đất nước, chạy sang bên Mỹ làm gì? ko phải là ngày xưa phản động nên cun cút theo Mỹ đên 80 vẫn còn ngoe nguẩy đuôi làm cho bọn nó đấy chứ? đểu
ReplyDelete