Cần cảnh giác: Nguy cơ đánh mất các dự án bauxite
Phạm Phú Quốc - Lê Vinh Triển
Bài lên 03/06/2009 18:30 (GMT +7)
http://www.bauxitevietnam.info/diendan/090530_nguycodanhmatduan.htm
Thông qua các thông tin chính thức về dự án Bauxite, và qua kinh nghiệm thực tế hoạt động trong lĩnh vực phân tích các dự án có vay vốn nước ngoài, chúng tôi nêu một số quan ngại rất cần sự đặc biệt quan tâm của các cơ quan chức năng. Đó là nguy cơ Việt Nam sẽ mất quyền kiểm soát các dự án bauxite sau một thời gian hoạt động:
Chúng tôi cho rằng nguy cơ nêu trên sẽ xảy ra nếu hai trường hợp sau đây là hiện thực. Đó là thị trường sản phẩm đầu ra của các dự án bauxite và việc vay vốn của TKV lệ thuộc vào cùng một đối tác. Hai trường hợp nêu trên có thể được ví như hai lưỡi của một “gọng kềm” mà phía đối tác có thể sử dụng nhằm thôn tính các dự án bauxite. Đây là một vấn đề vô cùng hệ trọng và quyết định tất cả các vấn đề khác từ an ninh, lao động và môi trường,… Vì vậy, chúng tôi thấy hết sức cần thiết phải lên tiếng cảnh báo.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm và chủ nợ của dự án – hai lưỡi của một gọng kềm:
Về vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm, theo ông Đoàn Văn Kiển qua các cuộc phỏng vấn trên báo Kinh tế Sài Gòn và Vietnamnet, các dự án bauxite được cho là lạc quan vì có thị trường tiêu thụ là đối tác Trung Quốc. Khi thị trường này được coi là thị trường chính để tiêu thụ các sản phẩm của các dự án bauxite[1][1] thì rõ ràng TKV đã đặt cược sự thành bại của dự án vào một thị trường! Câu hỏi dễ thấy là liệu TKV có đặt toàn bộ trứng vào một rổ? TKV sẽ làm gì nếu thị trường này gặp rủi ro? Khi đó theo chúng tôi, TKV đã tự đặt cổ mình vào lưỡi thứ nhất của một gọng kềm. Và, nếu TKV lại vay vốn từ ngân hàng của cùng đối tác tiêu thụ sản phẩm thì TKV xem như đã chấp nhận một gọng kềm hai lưỡi. Hậu quả là rất có khả năng TKV sẽ “đánh mất” các dự án bauxite. Phần tiếp theo, chúng tôi đề cập rõ hơn vấn đề chủ nợ của dự án – cái lưỡi thứ hai của gọng kềm.
Về vấn đề chủ nợ của dự án, dù chưa có những công bố cụ thể TKV sẽ vay những ngân hàng nào, nhưng theo những thông tin liên quan các dự án và dựa trên đánh giá thực tiễn, có thể thấy ngân hàng cho TKV vay đầu tư dự án bauxite nhiều khả năng cũng là các ngân hàng của Trung Quốc. Các ngân hàng lớn của Trung Quốc, mà đằng sau là chính phủ của họ, có chính sách cho vay ưu đãi các dự án có sử dụng một tỷ trọng lớn (tối thiểu là 50% đến 70%)[1][2] giá trị máy móc thiết bị đầu vào và lao động từ Trung Quốc. Các nhà đầu tư nước ngoài được vay ưu đãi đối với các dự án đầu tư ngoài lãnh thổ Trung Quốc nếu đáp ứng được những yêu cầu này. Trong tình hình TKV sử dụng máy móc thiết bị lẫn nhân công Trung Quốc như đã phản ánh qua các phương tiện thông tin, chúng ta có cơ sở để cho rằng TKV sẽ vay tiền từ ngân hàng của Trung Quốc. Lý do là, một khi TKV đã chấp nhận sử dụng hầu hết máy móc thiết bị và nhân công Trung Quốc, thỏa mãn điều kiện để nhận được các khoản vay ưu đãi thì xét về lý, không lẽ gì TKV lại từ chối các ưu đãi này để đi vay từ một ngân hàng nước khác với các khoản cho vay đắt đỏ hơn. Khảo sát một số trang web của các Ngân hàng lớn của Trung Quốc, ví dụ Exim bank Trung Quốc (China Exim Bank – http://english.eximbank.gov.cn/business/buyer.jsp), Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (Industrial and Commercial Bank of China – http://www.icbc.com.cn/icbc/global service/international financing/export buyer crediting), ta nhận thấy trường hợp của TKV đáp ứng các điều kiện để nhận được các khoản cho vay ưu đãi từ (một trong) các ngân hàng này.
Nếu các nhận định nêu trên là hiện thực thì việc phụ thuộc cả vào thị trường lẫn chủ nợ chính là hai lưỡi của một gọng kềm đối với TKV.
Thật vậy, các khoản cho vay với các điều khoản thuận lợi của (các) ngân hàng Trung Quốc mà rất có khả năng dành cho TKV cũng giống như những miếng mồi ngon trong một “cái bẫy”. Một khi cả thị trường tiêu thụ và chủ nợ của TKV đều phụ thuộc vào một đối tác thì cái bẫy này sẽ phát huy tác dụng. Hãy hình dung điều gì sẽ xảy ra khi các khách hàng phía Trung Quốc làm khó dễ trong việc mua sản phẩm của các dự án bauxite! Lúc đó TKV và phía sau là ngân sách nhà nước Việt Nam vẫn phải tiếp tục trả nợ cho các khoản vay nói trên. Việc bế tắc đầu ra sẽ càng làm cho phía Việt Nam gặp khó khăn trong trả nợ vay. Hai kịch bản đều tồi tệ như nhau có thể xảy ra: thứ nhất, TKV mà thậm chí Chính phủ Việt Nam phải dùng tiền ngân sách trả nợ cho ngân hàng; hoặc thứ hai, phía đối tác sẽ đề nghị mua một phần thậm chí toàn bộ các dự án bauxite từ TKV. Sau đó thị trường tiêu thụ có thể “hồi sinh” và các dự án bauxite sẽ ăn nên làm ra! Đó là chưa kể, để có thể có hiệu quả như đã xác định, thì quy mô dự án ngày càng phải mở rộng (có thể lên đến gấp đôi)[1][3] dẫn đến việc cần vay thêm nợ. Trong trường hợp này, nếu lưỡi thứ nhất của gọng kềm là thị trường tiêu thụ bị xiết chặt thì TKV không những khó có thể lựa chọn được chủ nợ khác để vay, mà còn phải phụ thuộc nhiều hơn vào chủ nợ cũ (Lock in Effect). Khi có được lợi thế mặc cả (Bargaining Power), các chủ nợ cũ sẽ lợi dụng tình thế để đưa ra các điều khoản cho vay khắt khe và đắt đỏ hơn. Nói cách khác, lưỡi thứ hai này của gọng kềm càng được xiết chặt thêm. Hậu quả là, hai kịch bản trên càng dễ xảy ra.
Vì thế, nếu ngân hàng cho vay là ngân hàng Trung Quốc thì việc họ cho các dự án bauxite không hiệu quả vay để sau này dể thôn tính là điều rất cần xem xét một cách khách quan.
Hiện nay, chủ trương chưa bán cố phần cho đối tác nước ngoài[1][4] có thể được xem là hợp lý, nhưng các dự án cần tới 13 năm để hoàn vốn và có thời hạn tới 50 năm[1][5] thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Ngoài ra, nếu TKV được cổ phần hóa như các tập đoàn khác theo chủ trương Nhà nước, việc sở hữu vốn trong các dự án này hẳn sẽ có những thay đổi không lường trước được. Chưa kể, theo thông tin từ phía Trung Quốc thì họ sẽ là đối tác liên doanh với TKV, vì vậy, nguy cơ gọng kềm bị xiết chặt là rất đáng lo ngại.
Cần nhớ bài học cho phía Việt Nam trong Công ty Coca Cola; liên doanh này bị lỗ đến nỗi phía Việt Nam phải bán phần hùn cho đối tác và sau đó thì công ty này ăn nên làm ra cho tới ngày hôm nay dù thị trường của liên doanh này là thị trường của Việt Nam, chứ không phải phụ thuộc vào nước ngoài và sản phẩm chỉ là sản phẩm tiêu dùng. Hơn nữa, trường hợp các dự án bauxite, liệu phía đối tác (lúc bấy giờ đã trở thành chủ đầu tư) còn quan tâm đến môi trường không, một khi tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường sẽ làm giảm lợi ích tài chính của họ? Câu hỏi này có thể được trả lời phần nào từ bài học ô nhiễm môi trường của công ty Vedan.
Tuy tác dụng gọng kềm nêu trên chỉ là nguy cơ, nhưng như phân tích, khả năng trở thành hiện thực là rất cao. Hơn nữa, hậu quả của nó là khôn lường và vượt tầm kiểm soát của chúng ta. Vì vậy, việc gióng lên tiếng chuông cảnh báo là vô cùng cần thiết. Kính mong quý Đại biểu Quốc hội (và Chính phủ) quan tâm và làm rõ.
P. P. Q. – L.V.T.
HD Bauxite Việt Nam biên tập
----------------------------------------------
[1][1] http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/dautu/18542/
[1][2] Xem trang web của hai ngân hàng Trung Quốc được đề cập bên dưới.
[1][3] http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/05/849417/
[1][4] http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=313011&ChannelID=3
[1][5] http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/dautu/18542/
No comments:
Post a Comment