Ba Lan kỷ niệm Cách Mạng Dân Chủ
Lê Diễn Đức
Gửi tới BBC từ Warsaw
Cập nhật: 11:56 GMT - thứ tư, 3 tháng 6, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/06/090603_poland_1989.shtml
Cách đây 20 năm, theo thoả thuận của "Hội nghị Bàn Tròn" giữa phe đối lập dân chủ và phe cộng sản cầm quyền, trong ngày 4/06/1989, một cuộc bầu cử tự do có giới hạn đã được tiến hành.
Dù chỉ được phép bầu 35% số ghế của quốc hội và tất cả 100 số ghế của Thượng viện, phe Công đoàn Đoàn kết đã thắng lớn.
Thỏa ước hai phe đã hình thành Quốc hội chuyển tiếp với Thủ tướng không cộng sản đầu tiên, ông Tadeusz Mazowiecki, tạo tiền đề cho các cuộc tổng tuyển cử tự do bầu tổng thống năm 1990, quốc hội 1991, đưa Ba Lan hoàn thành tiến trình xóa bỏ chế độ cộng sản và bắt đầu xây dựng thể chế dân chủ tự do.
Nói tới điểm mốc 4/06, không thể không nói tới một sự kiện có tầm ảnh hưởng bao trùm lên toàn xã hội và phong trào tranh đấu của dân tộc Ba Lan 10 năm trước đó.
Đấy là chuyến hành hương lịch sử về quê nhà của Giáo Hoàng John Paul II từ ngày 2 đến 10/06/1979.
Sự kiện 1979 tạo đà cho "Công đoàn Đoàn Kết", một liên minh đa giai cấp ra đời vào tháng 8/1980 với 10 triệu thành viên trong mọi giới, mà sau này có cả cảnh sát.
Từ đó dưới sự lãnh đạo của "Công đoàn Đoàn Kết" phong trào tranh đấu của nhân dân Ba Lan chuyển sang bước ngoặt mới, cương quyết, gan lỳ hơn, sẵn sàng hy sinh hơn và dứt điểm bằng "Hội nghị Bàn tròn" năm 1989.
Năm nay từ ngày 2 đến 10/06/2009, tại Ba Lan diễn ra nhiều hình thức phong phú kỷ niệm 20 năm chế độ cộng sản sụp đổ, cùng với kỷ niệm 30 năm ngày Giáo Hoàng John Paul thăm Tổ quốc.
Đài truyền hình CNN với chương trình "The New Poland" sẽ truyền hình trực tiếp các buổi lễ hội tới hàng chục triệu khán giả trên toàn thế giới.
Một cuộc hội nghị quốc tế mang tên "Giáo hoàng của Tự do" được tổ chức tại Quốc hội Ba Lan với sự tham gia của nhiều nhà sử học, xã hội học của Ba Lan và nước ngoài.
Đây là dịp tốt để nhắc lại vai trò của niềm tin trong đấu tranh chính trị, ít ra là từ kinh nghiệm Ba Lan.
Hành hương vì niềm tin
Ngày 16/10/1978, Hồng y Karol Wojtyla của Krakow, Ba Lan, được bầu lên ngôi làm Giáo Hoàng John Paul II.
Sự kiện này đã thúc đẩy bánh xe lịch sử của Ba Lan và thế giới chạy nhanh hơn. Ngay lập tức nó đã trở thành hồi chuông báo động đối với Moscow.
Với những khuyến cáo từ Moscow, chính quyền cộng sản Ba Lan tìm cách trì hoãn, nhưng không thể không đồng ý với chuyến thăm của Giáo Hoàng. Cuối cùng, hai bên thoả hiệp thời gian từ ngày 2 đến 10/06/1979.
10 giờ sáng ngày 2/06/1979, tới thủ đô Warsaw, vừa bước xuống cầu thang máy bay, Giáo Hoàng quỳ xuống hôn lên nền bê-tông sân bay và nói: "Tôi hôn lên mảnh đất nơi tôi trưởng thành".
6 giờ sau, trên quảng trường Chiến Thắng, trước hàng trăm ngàn người tới dự bấp chấp nỗi sợ hãi với chính quyền cộng sản, Giáo Hoàng đã nói những câu bất hủ:
"Chúng ta đứng đây, bên cạnh Mộ Liệt Sĩ Vô Danh. Người lính này đã có mặt bao nhiêu nơi trên Tổ quốc mình? Trên bao nhiêu nơi của châu Âu và thế giới người lính này đã ngã xuống để nói rằng, không có Ba Lan độc lập trên bản đồ, châu Âu sẽ không có công lý? Trên bao nhiêu mặt trận, người lính đã chiến đấu và chết "vì tự do của chúng tôi và của các bạn", để bảo vệ quyền của con người được khắc sâu vào quyền bất khả xâm phạm của dân tộc? Những nấm mồ đó ở đâu, hỡi Ba Lan! nơi nào không có nó! Các con biết rõ nhất - và Thượng Đế trên trời".
Kết thúc buổi lễ, Giáo Hoàng nói rất chậm:
"Hãy để Chúa Thánh Thần hiện ra! Và làm mới lại diện mạo của đất. Mảnh đất này!"
Sau hai ngày ở thủ đô, Giáo Hoàng đi thăm nhiều nơi khác của Ba Lan. Ngài đi bằng xe mui trần không có màn chắn bảo vệ và thường xuyên xuống xe hoà vào dân chúng.
Hàng triệu người từ khắp Ba Lan đổ về các điểm có các lễ chào mừng, các buổi cầu nguyện. Hàng chục triệu người khác ngồi trước màn hình nhỏ theo dõi chuyến hành hương mang ý nghĩa vô tiền, khoáng hậu này.
Ông Lech Walesa và Giáo hoàng John Paul II năm 1981
http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/06/03/090603115013_papiez_walesa_1981226.gif
Vừa dân tộc vừa quốc tế
Chuyến thăm viếng tháng 06/1979 hoàn toàn nằm trong chính sách có ý thức của người đứng đầu nhà nước Vatican.
Khi hỏi ai là người lật đổ chế độ cộng sản, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Ba Lan hôm 13/02/2009, lãnh tụ cộng sản cuối cùng của Ba Lan, tướng Wojciech Jaruzelski nhắc lại lời thủ lĩnh "Công đoàn Đoàn Kết" Lech Walesa: 50% công lao thuộc về Giáo Hoàng, 30% thuộc về "Công đoàn Đoàn Kết", 20% là các yếu tố khác.
Trong 20% yếu tố khác, ông nói đến vai trò của tổng thống Mỹ Reagan, của Chủ tịch Gorbachev, của cả những người cộng sản Ba Lan sáng suốt, biết nhìn nhận thực tế và vì dân tộc v.v...
Trong một đất nước hơn 90% dân chúng theo Công giáo và có nhiều nơi nhà thờ nhiều hơn trường học, sự có mặt của Giáo Hoàng đã làm thay đổi suy nghĩ của toàn xã hội.
Suốt mấy chục năm bị giam hãm trong hệ tư tưởng cộng sản và lệ thuộc Liên Xô, chuyến thăm của Giáo Hoàng đã thổi luồng sinh khí mới tới người Ba Lan. Họ lĩnh hội những lời động viên và răn dạy chưa bao giờ được nghe thấy. Họ nhận ra rằng, một bộ phận nhỏ đang cai quản đất nước không hiệu quả, không được sự ủng hộ và ở Ba Lan tồn tại một hệ thống giá trị độc lập và sức mạnh độc lập với nhà cầm quyền cộng sản.
Sức mạnh ấy đúc kết từ sự tin tưởng vào người đồng hương, người cha, người anh, người dẫn dắt thay mặt Chúa. Họ bắt đầu thấy chỗ dựa tinh thần to lớn.
Lòng tin, hy vọng, tình yêu, cộng với đức tin tôn giáo đã cho dân tộc Ba Lan sức mạnh và sự đoàn kết. Họ đã hành động theo lời kêu gọi của Giáo Hoàng: "Các con đừng sợ hãi!", "Các con hãy cứng rắn lên bằng sức mạnh của đức tin!".
Theo các bình luận sau này, lời khuyên 'Đừng sợ' cũng có tác dụng lớn đối với chính phe cộng sản, cho họ niềm tin rằng thay đổi trong hòa bình không phải là điều gì đáng sợ.
Theo cơ quan thăm dò xã hội Ba Lan COBS ngày 2/6/2009, 78% người Ba Lan cho rằng, chuyến thăm đầu tiên của Giáo Hoàng tạo nên biến cố ra đời "Công đoàn Đoàn Kết", đưa đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, 70% xác nhận Giáo Hoàng đã làm chuyển đổi đời sống riêng của mình và cũng 70% biết rõ những điều dạy dỗ của Ngài.
Lúc còn sống Stalin đã từng hỏi "Giáo Hoàng có được bao nhiêu sư đoàn?" khi thách thức sức mạnh của niềm tin Công giáo.
Cuộc viếng thăm Ba Lan của Giáo Hoàng John Paul II năm 1979 đã trả lời câu hỏi đó.
"Đội quân" của Giáo Hoàng John Paul II, gồm tất cả những người Ba Lan ở mọi xu hướng chính trị, đã đánh bại chế độ độc tài toàn trị và góp phần quan trọng vào sự sụp đổ toàn bộ hệ thống cộng sản trên thế giới.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Diễn Đức, hiện sống tại Warsaw, Cộng hòa Ba Lan.
----------------------------------------
TIN LIÊN QUAN :
Một ngày lịch sử đáng ghi nhớ
http://danchimviet.com/articles/1167/1/Mt-ngay-lch-s-ang-ghi-nh/Page1.html
No comments:
Post a Comment