Friday, June 26, 2009

LÊ MINH PHIẾU TRẢ LỜI ĐỨC HIẾU về VỤ KIỆN THỦ TƯỚNG

Phản hồi tác giả Đức Hiếu trên bauxitevn.info
Lê Minh Phiếu
26 Tháng Sáu, 2009
http://leminhphieu.com/?p=1140

Trong bài viết hôm trước, tôi có viết
1 bài thế này. Phản hồi bài này, tác giả Đức Hiếu đã có bài trên http://bauxitevn.info/2212/le-minh-phieu-va-nhung-lo-hong-phap-ly/
Trước khi đi vào trả lời những điểm mà tác giả Đức Hiếu đã nêu, tôi xin nói rõ rằng :
i. Chuyện khai thác bauxite là nên hay không nên là một chuyện, còn chuyện cái đơn kiện đúng hay không là một chuyện khác. Nếu như việc khai thác bauxite là cần dừng lại, và phải dùng biện pháp pháp lý để dừng, thì điều cần thiết là phải dùng các lập luận pháp lý một cách thuyết phục, chính xác để chỉ ra những điều chưa đúng của dự án đó.
Trong trường hợp này, mặc dù động cơ và việc làm của ông Vũ là tốt, đáng hoan nghênh xét dưới góc độ của những người không ủng hộ dự án bauxite, nhưng những lập luận trong đơn đó theo tôi là chưa chính xác và thuyết phục, không tiếp cận đúng đối tượng.
ii. Bài viết trước của tôi nhằm chỉ ra những cái chưa đúng trong đơn kiện của ông Vũ (chỉ những điều cơ bản thôi, tôi không đi vào bắt bẻ những vấn đề lặt vặt). Điều đó không có nghĩa là tôi nói việc ông Vũ kiện có sai hay không sai, có nên hay không nên (việc kiện có thể đúng nhưng điều tôi muốn nói là lập luận được đưa ra để kiện không đúng - như tôi đã phân tích ở bài viết trước).
iii. Bài đó cũng phân tích đơn kiện của LS. Vũ, nó không phân tích trả lời của Tòa án Hà Nội.

***

Về bài viết của tác giả Đức Hiếu, tôi xin trả lời như sau:

1. Từ điển Luật học không phải là cơ sở pháp lý có thể được dẫn ra trong các lập luận pháp lý. Nói cách khác, nó không thể là cơ sở pháp lý theo pháp luật Việt Nam. Nó chỉ là tài liệu tham khảo cho những người học, tìm hiểu hay nâng cao kiến thức luật học hay liên quan đến luật. Xét về phương diện cơ sở pháp lý, nó hoàn toàn không có giá trị, đặc biệt là trong vấn đề này.
Mỗi văn bản pháp luật có đưa ra một định nghĩa có thể khác nhau cho vấn đề được nó điều chỉnh. Trong vấn đề thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, “Quyết định hành chính” có nghĩa như thế nào là theo định nghĩa của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
Việc lấy định nghĩa “quyết định hành chính” trong Từ điển Luật học để thay thế cho định nghĩa của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính là một điều sai kiến thức cơ bản.
Nếu theo định nghĩa của Pháp lệnh thì:
Quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính;
Quyết định 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 không thỏa mãn đầy đủ những điều kiện này.
Nói thêm, ông Cù Huy Hà Vũ cũng đã cho rằng quyết định trên là một Văn bản quy phạm pháp luật và ông đã đưa ra những lập luận dựa trên tiền đề theo đó Quyết định 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 là một văn bản quy phạm pháp luật (xem mục III của Đơn khởi kiện có tựa đề: “Quyết định trái Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”) (!!!!!).

2. Tác giả Đức Hiếu đã viết rằng:
“Về việc Lê Minh Phiếu cho rằng lẽ ra LS Cù Huy Hà Vũ phải khởi kiện các “Quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư” khai thác bauxite thì mới có cơ thành công, người viết bài này thấy đề xuất đó hoàn toàn không khả thi bởi lẽ làm sao có thể hủy bỏ được các quyết định hành chính nói trên nếu căn cứ pháp lý mà nó dựa vào mà ở đây là Quyết định 167/2007/QĐ-TTg vẫn còn đó?”
Trả lời : Đành rằng Quyết định 167/2007/QĐ-TTg là một trong những cơ sở để cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, đây không phải là cơ sở duy nhất. Nói cách khác, ngoài Quyết định 167/2007/QĐ-TTg này, Giấy chứng nhận đầu tư còn phải tuân thủ khác các quy định pháp luật khác, ví dụ như các quy định về môi trường như ông Cù Huy Hà Vũ đã nêu ra.

3. Về tư cách khởi kiện của ông Vũ, tôi đã thận trọng và cân nhắc khi đã dùng từ “chưa chắc chắn”. Chưa chắc chắn không có nghĩa là sai.
Tuy nhiên, việc xác định người khởi kiện lại vẫn phải theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Những quy định trong Luật Bảo vệ môi trường chỉ mang tính nguyên tắc. Quy định trong Pháp lệnh có giá trị cụ thể hơn và lliên quan trực tiếp đến khía cạnh tố tụng. Và nếu theo các quy định này, ông Vũ đứng đơn đại diện (có ủy quyền) của những người sống ở Tây Nguyên có đất bị giải tỏa cho việc khai thác hay những người sống gần khu khai thác bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm môi trường thì sẽ thuyết phục hơn (như đã viết trong bài viết). Những người tôi nêu ra là những người có quyền lợi bị ảnh hưởng nhiều hơn và trực tiếp hơn, do vậy mà thuyết phục hơn trong việc thỏa mãn những điều kiện do pháp luật quy định.

4. Về thuật ngữ “bác đơn”, tôi cho rằng “bác đơn” khác với “bác yêu cầu”. Tôi đã trả lời điều này trên một comment tại
http://www.talawas.org/?p=6572

5. Trong bài viết trên, tôi chỉ phân tích những điểm trong đơn của ông Cù Huy Hà Vũ, phạm vi bài viết không đề cập đến những trả lời của Tòa án. Điều đó có nghĩa là tôi chưa nói gì đến việc Tòa án trả lời đúng hay là sai.

Tóm lại, tôi không được thuyết phục bởi những lập luận mà tác giả Đức Hiếu đã dùng trong bài viết đã dẫn trên vốn nhằm để bác bỏ các lập luận của tôi; và vẫn bảo lưu tất cả những ý kiến mà tôi đã nêu ra trong bài viết trước.
Xin cảm ơn tác giả Đức Hiếu đã quan tâm đến bài viết và đã bỏ thời gian để phản hồi.

---------------------
TIN LIÊN QUAN :

LỖ HỔNG PHÁP LÝ TRONG LẬP LUẬN của LÊ MINH PHIẾU



No comments:

Post a Comment