Wednesday, May 27, 2009

VIỆT NAM NÊN CÂN NHẮC NGHIÊM TÚC CÁC ĐỀ NGHỊ CẢI TỔ NHÂN QUYỀN

Đại sứ Phần Lan: VN nên cân nhắc nghiêm túc các đề nghị cải tổ Nhân quyền
Trà Mi, phóng viên RFA
2009-05-27
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Finland-comments-on-the-outcome-of-Vietnam-first-UPR-TMi-05272009140951.html
Buổi Kiểm điểm nhân quyền định kỳ toàn cầu lần đầu tiên của Việt Nam kết thúc hôm 8-5. Các quốc gia thành viên LHQ đưa ra đề nghị cải tổ nhân quyền với Việt Nam có bình luận như thế nào về kết quả buổi kiểm điểm này?

Đại sứ Hannu Himanen của Phần Lan tại Geneva, nơi diễn ra buổi kiểm điểm và cũng là nơi đặt trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc, đã dành cho Trà Mi cuộc phỏng vấn đặc biệt xoay quanh đề tài này.

Đại sứ Phần Lan Hannu Himanen phát biểu tại buổi kiểm điểm Nhân quyền Việt Nam ở Geneve hôm 8-5-2009. Hình chụp từ video webcast của UPR-info
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Finland-comments-on-the-outcome-of-Vietnam-first-UPR-TMi-05272009140951.html/Finland-VN-HumanRights-305.jpg

Bác bỏ các đề nghị

Trà Mi: Xin cảm ơn ông đại sứ đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi đặc biệt này. Trứơc tiên, ông có bình luận gì về buổi kiểm điểm nhân quyền định kỳ toàn cầu lần đầu tiên của Việt Nam?
Đại sứ Phần Lan Hannu Himanen: Không nhiều lắm. Dĩ nhiên chúng tôi tiếc rằng đề nghị chúng tôi đưa ra không được Việt Nam chấp nhận. Tuy nhiên, nhìn chung thì việc tất cả các đề nghị không đựơc chấp nhận cũng xảy ra với nhiều nước chứ chẳng riêng gì Việt Nam.
Dù được chấp nhận hay không thì những đề nghị này cũng đã được ghi lại và chúng ta phải chờ xem những gì sẽ diễn ra trong giai đoạn thực thi của quốc gia đó. Tóm lại, tôi sẽ nói rằng cơ chế kiểm điểm nhân quyền toàn cầu là hữu ích đối với mọi quốc gia và tôi tin rằng đối với Việt Nam cũng vậy.

Trà Mi: Xin ông cho biết Phần Lan đã đưa ra những đề nghị gì đối với Việt Nam trong buổi kiểm điểm nhân quyền của Hà Nội vừa qua?
Đại sứ Phần Lan Hannu Himanen: Chúng tôi đề nghị Việt Nam cho phép truyền thông thực hành vai trò giám sát trong xã hội và sửa đổi Luật báo chí phù hợp với Công ứơc quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Chúng tôi cũng yêu cầu Hà Nội huỷ bỏ hoặc sửa đổi Bộ luật hình sự sao cho đảm bảo rằng nó không bị áp dụng tuỳ tiện để ngăn cản quyền tự do bày tỏ ý kiến của ngừơi dân, cho phép đặc phái viên đến thăm trong các trừơng hợp ngoại tụng, các vụ án tử hình, đình hoãn các vụ tử hình ngay lập tức với mục tiêu tối cao là tiến tới bãi bỏ cả án tử hình.

Trà Mi: Sơ khởi Việt Nam đã bác bỏ một số đề nghị của các nứơc thành viên trong lĩnh vực cải thiện nhân quyền bao gồm những điều ông vừa nêu ra. Theo ông, làm thế nào để khiến Việt Nam phải lưu tâm đối với những vấn đề quốc tế quan tâm?
Đại sứ Phần Lan Hannu Himanen: Dĩ nhiên những nước kiểm điểm nhân quyền có quyền tự quýêt định đối với các đề nghị. Chúng tôi tiếc rằng các đề nghị đó đều không đựơc Hà Nội chấp nhận.
Chúng tôi hết sức mong muốn tiếp tục các cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam và tin rằng đây là cách duy nhất để có thể giúp tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đựơc cải thiện.

Đối thoại Nhân quyền

Trà Mi: Phần Lan đã từng tiến hành những cuộc đối thoại nhân quyền như thế với Việt Nam trứơc đây chưa, thưa đại sứ?
Đại sứ Phần Lan Hannu Himanen: Kiểm điểm nhân quyền định kỳ toàn cầu là cơ chế đặc biệt và khá mới mẻ vì mới bắt đầu từ năm ngoái thôi. Và đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia.
Riêng trong mối quan hệ song phương Phần Lan-Việt Nam, các câu hỏi liên quan đến nhân quyền của Việt Nam thường được chúng tôi nêu ra trong các cuộc thảo luận, và điều này đã diễn ra trong nhiều năm nay.

Trà Mi: Hà Nội bác bỏ các quan tâm và đề nghị của quốc tế về tình hình nhân quyền Việt Nam, cho rằng các báo cáo là vô căn cứ và thiếu thiện chí với Việt Nam. Ý kiến của ông như thế nào?
Đại sứ Phần Lan Hannu Himanen: Kiểm điểm nhân quyền định kỳ 4 năm một lần đối với mỗi quốc gia. Từ đây tới đó, không những Phần Lan mà nhiều quốc gia thành viên Liên hiệp quốc khác, qua các cuộc đối thoại song phương với Việt Nam, cũng sẽ nêu lên những câu hỏi liên quan đến nhân quyền của Việt Nam, kể cả những đề nghị được Hà Nội chấp nhận và không chấp nhận tại buổi kiểm điểm nhân quyền năm nay.

Trà Mi: Thế nhưng trong mắt Hà Nội, họ cho rằng những đề nghị mà họ bác bỏ là vì chúng vô căn cứ và thiếu thiện chí với Việt Nam. Ông nghĩ sao?
Đại sứ Phần Lan Hannu Himanen: Từ chối hay chấp nhận đề nghị hoàn toàn tuỳ thuộc vào quốc gia kiểm điểm nhân quyền, nhưng dĩ nhiên chúng tôi hy vọng rằng dù những đề nghị có bị từ chối đi nữa thì chúng cũng không bị xoá bỏ khỏi nghị trình làm việc của các nứơc.
Chúng vẫn được ghi chép lưu lại và sẽ được đề cập đến trong các cuộc thảo luận, đối thoại, và trong tiến trình của cơ chế kiểm điểm nhân quyền. Những mối quan tâm này sẽ không chìm vào quên lãng.

Đại diện Việt Nam đọc báo cáo Nhân quyền trước Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneve hôm 8-5-2009.
http://www.rfa.org/vietnamese/VietnameseNews/vietnamnews/VN-HumanRights-briefing-at-UN-in-Geneva-05082009100801.html/VN-UNR-05082009-305.jpg


Trà Mi: Thế nhưng làm cách nào có thể chứng minh rằng những đề nghị đó hoàn toàn không thíêu cơ sở, không thiếu thiện chí, như Hà Nội cáo buộc?
Đại sứ Phần Lan Hannu Himanen: Chẳng hạn cụ thể như đề nghị của Phần Lan bị coi là thiếu thiện chí với Việt Nam thì đương nhiên đây không phải là điểm nên trình bày trong khuôn khổ kiểm điểm nhân quyền vì nó vượt ra ngoài những quan tâm, những phát biểu xác thực của các nứơc thành viên Liên hiệp quốc trên tinh thần cởi mở và minh bạch của các cuộc đối thoại, nơi mà tất cả những vấn đề bất cập đều phải được nêu lên.
Kiểm điểm nhân quyền là diễn đàn hoàn toàn nghiêm túc, cho nên Hà Nội dứt khoát không nên bác bỏ những đề nghị của quốc tế là “thiếu thiện chí” với Việt Nam. Chúng tôi rất muốn mở ra những cuộc đối thoại trên tinh thần cởi mở, trách nhiệm, và hiểu biết lẫn nhau với chính quyền Việt Nam.

Nhân quyền và Dân chủ

Trà Mi: Một số tổ chức bảo vệ nhân quyền đã lên tiếng nói rằng kiểm điểm nhân quyền có thể là thể thức hữu hiệu đối với các quốc gia đã có tiến trình dân chủ, nhưng đối với những nước chưa có dân chủ, thì hoàn toàn thất bại. Quan điểm của ông như thế nào?
Đại sứ Phần Lan Hannu Himanen: Tôi hiểu là có những ý kiến như thế, nhưng tôi thì không đồng quan điểm đó, đặc biệt bởi vì cơ chế kiểm điểm nhân quyền hiện vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi.
Chúng ta nên đợi một vài năm nữa cho đến khi các nước trong Liên hiệp phải báo cáo nhân quyền lần hai, để đánh giá mọi việc. Tôi cho rằng tiến trình kiểm điểm rất minh bạch, với những báo cáo dựa trên số liệu, thông tin thực tế.
Các cuộc kiểm điểm tại trụ sở Liên hiệp quốc ở Geneva đều đựơc truyền hình trực tuyến qua mạng internet khắp nơi trên thế giới. Dĩ nhiên việc kiểm điểm không phải một sớm một chiều có thể làm thay đổi tình hình ở những quốc gia, nhưng tôi hy vọng nó sẽ dần dần mang lại những thay đổi tích cực.

Trà Mi: Theo ông đại sứ, cần phải làm gì để đảm bảo những yêu cầu của quốc tế được hồi đáp một cách có trách nhiệm và ông sẽ nói gì nếu Việt Nam không đáp ứng điều này?
Đại sứ Phần Lan Hannu Himanen: Những đề nghị đưa ra đều được ghi chép trong các văn kiện của Liên Hiệp Quốc, các nước thành viên cũng như các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế có thể xem xét những diễn biến tíêp theo sau buổi kiểm điểm nhân quyền và đề cập đến những mối quan tâm khi tiếp xúc, đối thoại với chính phủ Việt Nam.
Cơ chế kiểm điểm nhân quyền chưa đề ra các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia từ chối đề nghị cải tổ nhân quyền, cho nên chúng ta phải đành chấp nhận rằng đây là một tiến trình mang tính hợp tác là chủ yếu.

Trà Mi: Về đối thoại nhân quyền giữa Phần Lan với Việt Nam, có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm diễn ra, thưa ông đại sứ?
Đại sứ Phần Lan Hannu Himanen: Hiện giờ tôi chưa thể nói ngay là dịp nào nó sẽ diễn ra, chỉ có thể nói là khi đôi bên có cơ hội phù hợp. Dĩ nhiên, đại sứ quán Phần Lan ở Hà Nội biết rõ những gì xảy ra tại buổi kiểm điểm nhân quyền của Việt Nam ở Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc vừa qua, và họ sẽ xem xét, theo dõi tình hình chặt chẽ.

Trà Mi: Ngay tại thời điểm này, ông có thông điệp gì muốn nhắn gửi tới Hà Nội?
Đại sứ Phần Lan Hannu Himanen: Tôi sẽ nói rằng chúng tôi đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam vào cơ chế kiểm điểm nhân quyền định kỳ toàn cầu.
Chúng tôi hy vọng Hà Nội không những thực thi các đề nghị mà họ đã đồng ý mà còn nghiêm túc cân nhắc những đề nghị cải tổ nhân quyền khác như của Phần Lan đưa ra mà họ đã từ chối.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông đại sứ đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

------------------------

Trên đây là nội dung cuộc trai đổi giữ Đại sứ Hannu Himanen của Phần Lan tại Geneva trong cuộc với Trà Mi liên quan kết quả buổi kiểm điểm nhân quyền của Việt Nam tại Liên hiệp quốc hồi đầu tháng này.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments:

Post a Comment