Wednesday, May 27, 2009

PHONG CÁCH HÀ NỘI

Phong Cách Hà Nội
Huy Phương

Saturday, May 23, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=95433&z=97
Thời niên thiếu, đối với tôi, Huế vẫn đẹp và đầy chất thơ nhưng quả thật Hà Nội vẫn là một thành phố trong mơ ước. Ðó là thành phố của đường Cổ Ngư, đê Yên Phụ, hồ Hoàn Kiếm, ba mươi sáu phố phường với Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Ðào... trong thế giới của Tự Lực Văn Ðoàn.

Những thiếu nữ Hà Nội với “...áo lụa ngà óng ả, thoáng khăn san nũng nịu với heo may” trong thơ Hoàng Anh Tuấn của một thời Hà Nội thanh lịch, một Hà Nội đẫm chất mùi hoàng lan hay hương cốm mới. Những danh từ “sĩ phu Bắc Hà”, “Hà Nội nghìn năm văn vật” cũng như những địa danh, nhân vật trong tác phẩm của Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng luôn còn ám ảnh hồn tôi.

Tháng Bảy năm 1954 khi chia cắt đất nước, tôi biết rằng khó có thể gặp lại Hà Nội của ngày xưa trong thế giới đầy tưởng tượng của tôi, những lời hát xót xa khi người ta mất Hà Nội như 21 năm sau, chúng ta đã mất Sài Gòn. Những lời hát như những tiếng kêu thảng thốt “Hà Nội ơi,” “tóc thề thả gió lê thê, biết đâu ngày ấy anh về” của Hoàng Dương đã làm cho một người tuổi mười bảy, chưa một lần đặt chân đến Hà Nội cũng rơm rớm nước mắt.

Rồi chúng ta mất Sài Gòn, mất Huế, những thành phố cũ chỉ còn là những tiếng kêu: “Sài Gòn ơi! Vĩnh Biệt!” hay “Huế của tôi ơi!” Cũng như tôi đã từng than khóc “Huế không còn người cũ, chỉ còn cảnh xưa xót xa, hoang tàn và vô hồn” (Huế ơi!) thì có khác chi, Hà Nội bây giờ cũng vậy.
Người ta nói Hà Nội không còn người xưa thanh lịch, mà bây giờ chỉ còn là những người “Hà... Lội” và cán bộ khu IV ra cai trị để biến Hà Nội “văn vật” ngày xưa thành Hà Nội của “đỉnh cao trí tuệ” ngày nay. Năm 54, nhiều người đã ra đi, nhiều người đã bị đày lên miền thâm sơn cùng cốc để cuối cùng bị đồng hóa với các dân tộc thiểu số, những người Hà Nội còn lại đã bị biến chất hay tình nguyện biến chất để phù hợp với con người mới của chế độ mới để có thể sống còn.

Phong cách Hà Nội thể hiện từ cách đi đứng, lối ăn mặc đến tiếng chửi. Nét đặc trưng của Hà Nội bây giờ cái nón cối của người qua lại trên đường, bộ đội hay không bộ đội, người dân đói khổ vẫn còn phải dùng đến đôi dép và chiếc nón của một thời thắt lưng buộc bụng. Hà Nội bây giờ với những lối kiến trúc lố nhố, lênh khênh Tây pha Tàu, nửa Thái Lan nửa Ðại Hàn.

Hà Nội có những quán phở “tự bưng.” Khách vào ăn xếp hàng trước xe phở cũng là cái bếp trước cửa tiệm, bạn đọc tên thứ phở muốn ăn, trả tiền trước tại chỗ. Phở được múc ra và bạn đỡ lấy (coi chừng nóng hay đổ ra ngoài), xong tự đi kiếm lấy một chỗ ngồi trong tiệm, tự đi tìm đũa muỗng, chanh ớt và ăn cho nhanh vì người khác còn phải bưng tô phở nóng đứng chờ chỗ ngồi.

Ðiều cần thiết là phải trả tiền trước, nếu không sẽ xẩy ra những vụ ăn “phở chạy.” Hàng quán lòng lề đường lềnh khênh là phong cách mới của Hà Nội, toàn dân đều phải kiếm sống. Chè (nước trà) và thuốc lào có ở khắp nơi, món căn bản có từ thời chiến tranh, nhưng chớ có dại mà ngồi chồm hổm ở ghế này lại chồm qua quán kia mua một điếu thuốc hay đĩa bánh cuốn, sẽ bị bà chủ quán chửi thẳng mặt. Báo chí trong nước đã nói đến những hàng “phở quát,” “cơm chửi,” nhưng chuyện này không hề vi phạm pháp luật và chẳng liên quan gì đến khu phố văn hóa.

Nỗi buồn của tôi hôm nay là phong cách Hà Nội bắt đầu lan ra quốc ngoại theo chân lớp người có tiền của, tìm nơi làm ăn gây dựng cơ sở, “củng cố đời con” với những số vốn đầu tư mới nghe qua đã chóng mặt. Tôi vào một tiệm phở Hà Nội ở Mỹ, bát phở bưng ra chưa vắt chanh mà đã đủ chua vì giọng nói Hà Nội của cô chủ nhà hàng nghe quen quen, hình như tôi đã nghe đâu đó nhiều lần qua các loa phóng thanh ở Việt Bắc hay Huế sau ngày tàn cuộc chiến khoảng chừng mười năm.

Trên vách các tiệm ăn, tiệm cà phê bây giờ đầy những tranh ảnh gái đẹp Hà Nội đứng ngồi, nghiêng ngửa, áo hoa hay yếm đào, quả là con gái Việt Nam thời mở cửa, chân dài, mắt ướt, vai trần, đã làm mê mệt những khách “Việt kiều”, những Tây Ba Lô.

Phong cách Hà Nội bây giờ có “phở đâm”, một món phở nghe khá lạ tai, thì ra cũng một lối “tái băm” ở Little Saigon. Thịt bò ngày trước là bò cầy của hợp tác xã, về già, mất sức lao động phải đem ra xẻ thịt, thịt dai như dây chão, phải băm, đâm ra cho mềm mới nuốt được. Lâu lắm, ở Mỹ, bò Úc, bò Mỹ không nghe ai nói đến đâm chém gì cả, bây giờ chúng ta mới có thứ bò đâm, bò băm nhập cảng theo phong trào du sinh đến Mỹ.

Lúc tính tiền cho tôi tại quầy, tôi nghe cô vừa lẩm nhẩm vừa bấm trên máy tính: “hành giấm hai đồng, nước trà một đồng...” Lúc lấy order, bốn người khách chúng tôi, ba đã uống cà phê, còn một uống trà, nhà hàng bưng ra một bình trà và bốn cái tách, cứ mỗi cái tách là 25 cents. Sau Tháng Tư 1975, tôi nghe chuyện vào nhà hàng ăn xong, gọi nước trà phải trả tiền đã lấy làm lạ. Ngày xưa, chúng ta đã từng ngồi ở mấy cái quán cóc, theo truyền thống Nam bộ, khách có khi chỉ uống một ly cà phê, ngồi tán dóc suốt buổi, chủ quán vẫn vui vẻ châm trà đều đều mà không hề tỏ ra một cử chỉ muốn đuổi khách, mà hồi đó cũng không thấy khách để lại đồng tiền “tip” nào. Rồi cái kiểu, giá trụng, hành trần, nước béo, ngò gai... như lối ăn tiểu tư sản của vài người bạn tôi, chắc cái bill tính tiền phải dài ra thêm mấy dòng nữa.

Tôi trách cô chủ nhà hàng khôn mà không khéo, giá như cô tăng tô phở lên 50 xu mỗi tô để tính vào cái món thất thu như hành giấm, nước trà, thì chúng tôi ăn bát phở mà cảm thấy vui, còn có chút cảm tình.
Ðây cũng là lối làm ăn của các hãng hàng không nội địa nước Mỹ bây giờ, giá vé có đắt thêm mười đồng, hành khách cũng không quan tâm, chứ mỗi chuyến bay đường đài, chỉ có mỗi ly nước, một bao đậu phụng, còn những thứ khác phải bỏ tiền ra mua. Ðó là chưa nói đến chuyện nếu khách đi, người bới theo nắm xôi, kẻ lôi trong túi ra chiếc bánh mì kẹp thì quang cảnh trên máy bay trông chẳng đẹp mắt tí nào.
Ở hãng máy bay, người điều học hành có bằng cấp, biết điều khôn ngoan, lợi hại, mình chỉ là khách qua đường, phát biểu theo cảm tính nhiều khi không đúng với nghề buôn bán. Nhưng đó là Mỹ, còn theo truyền thống Việt Nam, đãi khách một tách trà, loại trà dỏm rẻ tiền trong các quán phở, đâu có đáng là bao. Có ai đi tìm hương vị của một tách trà thơm trong một quán ăn ồn ào đầy thực khách như những quán phở. Ðó chính là lối đãi khách được nhập cảng từ Hà Nội.

Lối văn hóa đánh nhau ngoài đường không ai can, thấy đám ma đi ngang không ai ngả nón chào, không phải miếng trầu mà câu chửi là đầu câu chuyện, tuổi trẻ lớn lên chỉ biết chạy theo tiền, danh giá nhân cách không ai buồn nói đến, thứ văn hóa “vô cảm” khiến người Hà Nội ngày xưa trở về phải đau lòng. Những năm sau Tháng Năm 1975, nhà cầm quyền đã nông thôn hóa được thành thị, đã Hà Nội hóa được Sài Gòn, bây giờ phong cách Hà Nội đang lan dần ra hải ngoại bằng con đường buôn bán, làm ăn.
Chúng ta thường nghe tỵ nạn chính trị, tỵ nạn kinh tế nhưng một người bạn trẻ của tôi lại có ý nghĩ muốn đem con ra khỏi đất nước để tỵ nạn văn hóa. Quả là lần đầu tiên tôi nghe đến loại tỵ nạn này.


No comments:

Post a Comment