Friday, May 29, 2009

PÊPHÁN BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BAUXITE

Về Báo cáo số 91/BC-CP ngày 22-5-2009 của Chính phủ gửi Quốc hội :Một văn bản nói nên dừng dự án
HD HC Bauxite Việt Nam biên tập
Bài lên 27/05/2009 20:10 (GMT +7) Cập nhật 29/05/2009 8:15
http://www.bauxitevietnam.info/diendan/090527_nendungduan.htm

Đỗ Bá Thành – Lê Quốc Thanh – Trần Minh Trí – Hoàng Tâm Quang
Nhóm những người bạn vì Việt Nam


Dự án bauxite Tây Nguyên trở thành vấn đề nóng hổi khi mà ngay từ đầu, nó đã thể hiện sự không rõ ràng. Người dân ngạc nhiên khi bỗng nhiên nhận ra rằng nó được kí trong tuyên bố chung của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh với người đồng chức Giang Trạch Dân của Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Quốc của ông vào năm 2001 bởi lẽ trong nguyên tắc ngoại giao, chẳng ai lại đi nói một vấn đề quá cụ thể, chỉ đích danh “khai thác bauxite Đắc Nông” trong các tuyên bố gặp gỡ ngoại giao cả. Sự xuất hiện của cụm từ này cho thấy Trung Quốc đang chơi một trò gì đó kiểu gài bẫy và ép uổng Việt Nam. Mặt khác, về mặt cơ cấu tổ chức nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo về đường lối chứ không có chức năng điều hành đất nước bởi đó là nhiệm vụ của Chính phủ. Vì vậy, việc ông Nông Đức Mạnh kí vào thông cáo chung để thực hiện một việc cụ thể như thế là không đúng thẩm quyền của ông. Hơn nữa, chưa có một văn bản hay thông cáo nào đề cập Quốc hội đã bàn bạc về việc này trước chuyến đi của ông.
Mối quan tâm của xã hội tới dự án này càng tăng khi lần lượt các vị lão thành cách mạng đến các nhà khoa học viết thư kiến nghị phải xem xét lại tính hợp hiến và khả thi của dự án này. Quốc hội cuối cùng đã lên tiếng và Chính phủ đã phải thực hiện đúng chức năng của mình, báo cáo với Quốc hội để được các đại biểu, đại diện cho nhân dân xem xét và đánh giá.
Chúng tôi hoan nghênh tinh thần của Chính phủ công bố rộng rãi bản báo cáo chi tiết này tới công luận, nhằm chứng tỏ sự minh bạch trong việc làm của mình. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng Chính phủ sẽ hoan nghênh sự góp ý của công luận mà chúng tôi là một để Quốc hội có thêm đánh giá đa chiều về dự án trước khi có quyết định cuối cùng.

Bản nhận xét của chúng tôi sẽ được chia thành các phần
Đánh giá cách làm việc của Chính phủ
Các quan điểm của chúng tôi
Đề xuất của chúng tôi
Sau đây chúng tôi đi vào các phần cụ thể

I. Cách làm việc của Chính phủ


Đọc bản báo cáo, chúng tôi nhận thấy xuyên suốt là một sự báo cáo cách làm việc không chuyên nghiệp của Chính phủ. Bắt đầu bằng việc sử dụng Nghị đinh 66 /QH 11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội khóa 11 (Nghị quyết 66) để giải thích rằng dự án bauxite Tây Nguyên không phải dự án đầu tư để giải thích cho việc không trình Chính phủ duyệt dự án này. Thế nào là một dự án không đầu tư ? Hai dự án ở Tân Rai và Nhân Cơ, mỗi dự án cần đầu tư 600 triệu USD, vậy có được coi là dự án đầu tư ?

Nghị quyết 66 định nghĩa các công trình có tầm quan trọng quốc gia gồm :
“Dự án, công trình quan trọng quốc gia trong nghị quyết này là dự án đầu tư, dự án một công trình độc lập hoặc một cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau có tiêu chí :
Quy mô vốn đầu tư từ hai mươi nghìn tỷ đồng Việt Nam trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ ba mươi phần trăm vốn nhà nước trở lên.
Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm :
a) Nhà máy điện hạt nhân ;
b) Dự án đầu tư sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ hai trăm ha trở lên ; đất rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ năm trăm ha trở lên ; đất rừng đặc dụng từ hai trăm ha trở lên, trừ đất rừng là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên ; đất rừng sản xuất từ một nghìn ha trở lên.
Dự án, công trình phải di dân tái định cư từ hai mươi nghìn người trở lên ở miền núi, từ năm mươi nghìn người trở lên ở các vùng khác.
Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh hoặc có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa.”

Như vậy, xét về tất cả các điểm, dự án bauxite Tây Nguyên đều nằm trong phạm vi phải trình Quốc hội xem xét. Nó là tổ hợp các dự án nhỏ phân bố trên ba tỉnh Đắc Nông, Đắc Lắc, Lâm Đồng mà mỗi dự án có giá trị ít nhất 600 triệu USD (trên 1.000 tỷ Việt Nam đồng) với 100% cổ phần của Nhà nước, liên quan đến rừng phòng hộ, chống lũ cho các tỉnh ven biển, trung và hạ lưu sông Đồng Nai. Nó sẽ khiến hàng chục ngàn người phải tái định cư, chuyển đổi cơ chế kinh tế trên diện rộng ở vùng rừng núi ; liên quan trực tiếp và toàn diện tới toàn bộ cư dân các đồng bào sắc dân thiểu số. Địa bàn này có ý nghĩa chiến lược về quân sự như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đổng Sỹ Nguyên, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nhận định cũng như các tướng lĩnh Pháp đã nhận xét khi Pháp còn đô hộ Việt Nam. Những năm 1990, Tây Nguyên là một địa bàn phức tạp về an ninh với sự hoành hành của Fulro và việc kêu gọi thành lập nhà nước Đề Ga Tây Nguyên với sự hỗ trợ của các thế lực bên ngoài. Vì vậy, lập luận trong báo cáo nói “chưa có một quy định hoặc quyết định cụ thể nào của Quốc hội và Chính phủ về "đưa Tây Nguyên vào địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh"” là lấp liếm và cho thấy hiểu biết của các thành viên Chính phủ về an ninh quốc phòng thật đáng sợ đối với an ninh của quốc gia và sinh mạng của nhân dân.
Lập luận này cố gắng giải thích tính hợp pháp các quyết định : Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kí ngày 01 tháng 11 năm 2007 và những quyết định được kí bởi ông sau đó. Nhưng với thực tế nêu trên thì một sự thật là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chính phủ của ông đã vi phạm hiến pháp, vi phạm luật pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là không thể chối cãi.
Bản báo cáo này cũng cho thấy sự không chuyên nghiệp trong cách thực hiện dự án của cơ quan thực hiện là TKV. Dự án được suy tính thực hiện từ năm 2005, nhưng đến hiện nay vẫn chưa có những nghiên cứu tiền khả thi, chưa có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam; chưa đưa ra được báo cáo tác động môi trường chiến lược, chưa thực hiện công tác đào tạo nhân sự cho đến gần đây. Bản thân ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch TKV nhiều lần tuyên bố sự thành công của dự án là 50% và cứ làm đi rồi sẽ biết. Thật đáng sợ cho quan niệm coi dự án Nhà nước như vụ cờ bạc. Dầu sao thì ông cũng chẳng chịu trách nhiệm gì ; lương bổng của ông vẫn lĩnh đều, nếu có lỗ, có ô nhiễm môi trường, có ảnh hưởng an ninh quốc phòng, … thì ông sẽ tiếp tục lập dự án để khắc phục hậu quả. Tiền Nhà nước chi là tiền thuế của dân, nếu có đi vay nước ngoài thì dân trả, ông không phải trả, con cháu ông không phải trả. Cái lí lẽ lợi hại thế, dại gì mà không thúc đẩy cho dự án được thực hiện.
Bản báo cáo còn cho thấy sự không chuyên nghiệp của chính các quan chức Bộ Công thương khi viết báo cáo mà không hề có một sự trích dẫn nào. Sáu trăm nhân công Trung Quốc đang làm việc tại dự án thì danh sách đâu, visa của họ là gì, vị trí của họ và nhiệm vụ của họ là gì ? Nguồn tài liệu đó lấy từ đâu : Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh hay từ cơ quan cấp bộ, hay từ tài liệu của dự án ? Báo cáo không trình bày cơ cấu của các dự án xem nó có bao nhiêu bộ phận và chức năng. Các thông số kĩ thuật của dự án cũng không được kèm theo : ví dụ như quy trình Bayer như thế nào, tại sao lại gọi nó là tiên tiến, các quy trình nào đã bị loại bỏ vì kém tiên tiến, lượng bùn đỏ sau xử lí 1 tấn quặng là bao nhiêu, chứa bao nhiêu phần trăm xút – thành phần nguy hại chính của bùn đỏ –, chứa bao nhiêu hàm lượng kim loại quý như titan, molipden,… cách thu hồi chúng như thế nào,… Tất cả các yêu cầu trong khoản d, điểm 3, điều 4 của Nghị quyết 66/QH đều không có hoặc không kèm theo báo cáo.

II. Quan điểm của chúng tôi

Chúng tôi là những nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, trong đó chưa phải tất cả nhưng gồm hóa học, vật liệu, quản lí nguồn nước, khai khoáng, hoạt động xã hội. Chúng tôi quan tâm tới dự án bauxite Tây Nguyên từ những ngày đầu dự án được công bố. Với kiến thức của bản thân và sự nghiên cứu cẩn trọng tài liệu từ nhiều nguồn tham khảo, chúng tôi xin trình bày các quan điểm của chúng tôi như sau :

1. Vấn đề môi trường
Việc khai thác bauxite luôn phải đối mặt với bùn đỏ, chất thải sau xử lí tách lọc tinh quặng mà hàm lượng xút natri hydroxit (NaOH) là tác nhân gây hại chính. Do cần sử dụng với lượng lớn để đẩy nhanh và tăng hiệu suất hòa tan các dạng oxit nhôm ngậm nước (AlOOH, Al2O3.3H2O) nên nó luôn tồn dư với lượng lớn dù có cố gắng thu hồi. Nguyên tố natri không được cây trồng hấp thu và với sự tồn tại của môi trường kiềm lớn với độ pH trên 12, nó thực sự sẽ phá hủy các hệ thực vật và động vật. Ngoài ra là hàm lượng nguyên tố kim loại nặng trong bùn đỏ không bị hoặc kém hòa tan trong kiềm nhưng có khả năng di chuyển theo dòng nước qua thẩm thấu, đối lưu. Chúng sẽ có tác động nguy hại tới hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nhưng nguy hiểm nhất vấn là hàm lượng kiềm còn dư. Đã có nhiều nghiên cứu để xử lí bùn đỏ, từ trao đổi ion qua màng lọc, dùng nước biển ; nhưng được sử dụng rộng rãi nhất vẫn là chôn lấp như được thực hiện hiện nay tại Úc, Brazil… Giải pháp chôn lấp cho thấy rất hiệu quả tại các nước này vì các công trình đều nằm sâu trong các khu rừng nhiệt đới như Brazil hay Úc, được bao bọc bởi thảm thực vật dày đặc, cách biệt khỏi khu dân cư. Đối với Tây Nguyên, ở địa thế cao khoảng 400-500m so với mực nước biển và so với các tỉnh duyên hải, trung và hạ lưu sông Đồng Nai thì là cả một vấn đề.
Thủ tướng Nguyên Tấn Dũng đã từng tuyên bố tạo đường ống đưa bùn đỏ ra biển là theo cách dùng nước biển để phá môi trường kiềm của bùn đỏ do trong nước biển, hàm lượng ion canxi và magie lớn, sẽ tạo kết tủa canxi và magie hydroxit, hai chất dễ kết tủa. Những nghiên cứu thực địa cho thấy phương pháp này hoàn toàn vô hại tới môi trường biển do hầu hết các hạt rắn sẽ bị keo tụ trong môi trường đa ion và sa lắng xuống đáy biển, tạo sự bồi đắp bờ biển. Nhưng cách này sẽ phá hủy toàn bộ nền tảng đất đai của Tây Nguyên, không thể áp dụng. Sau đó, ông tuyên bố rằng để tăng dinh dưỡng cho đất sau hoàn thổ thì bón phân vào bùn đỏ. Giải pháp này theo ý nghĩa lấy dinh dưỡng bù cho đất kém phì nhiêu để tăng tính năng đất. Nhưng ông quên rằng, những dạng phân đạm, phân lân hay hữu cơ sẽ bị phân hủy hoặc tạo chất kết tủa do môi trường kiềm mạnh như ammoni nitrat (NH4NO3) thì thảm họa ô nhiễm môi trường không khí còn nguy hiểm tăng bội lần. Đó là chưa kể chi phí mua phân để làm việc này sẽ lấy ở đâu. Chắc sẽ cần một dự án 600 triệu USD đi vay tiền nước ngoài nữa. Ông nên cách chức kẻ nào đã thầy dùi ông cách làm này.
Nếu nói phương pháp hoàn thổ như trước nay TKV và thủ tướng công bố thì sẽ phải vấp phải môi trường kiềm, hậu quả sẽ phá hoại hệ sinh thái có phủ lớp đất bề mặt 0.5-1m ; hiện tượng mao dẫn nhanh chóng xuất hiện, đưa hóa chất lên lớp đất bề mặt khiến cho canh tác không thể thực hiện. Đối với các dự án ở Úc hay Brazil, mỗi năm họ phải chi 1 triệu USD cho công tác tái trồng rừng mà sau gần 30 năm, “vẫn còn quá sớm để nói điều gì tốt đẹp”. Đối với các dự án của Việt Nam, nếu bỏ 1 triệu USD/năm cho việc trồng rừng thì lãi suất của dự án là bao nhiêu và trong vòng 30 năm chờ đợi sự phục hồi chức năng đất đó, người dân sẽ sống như thế nào ? Lãi suất của dự án có đủ cung cấp tiền cho người dân sống chờ trong 30 năm hay không ? Tất cả những điều này cho thấy tính không khả thi về mặt môi trường của dự án. Lập luận này cũng cho thấy số hộ dân phải tái định cư sẽ cao gấp nhiều lần con số 1639 hộ gia đình được chỉ ra trong báo cáo (điểm 10.b).
Đó là chưa kể tác động của bụi đỏ tới sức khỏe của người dân mà đối với dự án sẽ đặc biệt quan trọng khi sự vận chuyển sẽ chủ yếu bằng đường bộ mà theo tính toán có thể tới 300 chuyến xe vận tải hạng nặng hàng ngày trong khi mật độ dân cư ở các tỉnh có dự án khai thác thuộc diện cao nhất so với tất cả các nơi trên thế giới như được thấy trong bảng so sánh dưới đây :
http://www.bauxitevietnam.info/diendan/090527_nendungduan.htm
(Các số liệu về dân số và diện tích được làm tròn, lấy từ website nhà nước của các vùng đất)

Tất nhiên, không phải không có cách để giải quyết vấn đề môi trường của dự án bauxite ; nhưng do điều kiện địa lý tự nhiên đặc biệt của Tây Nguyên, việc áp dụng các phương pháp của nước ngoài hiện nay là chưa có đủ cơ sở thực tế và khoa học; đòi hỏi phải có những nghiên cứu khoa học độc lập phù hợp riêng với điều kiện của Việt Nam.

2. Các khía cạnh về quản lí
Khi nói đến khía cạnh quản lí, nó bao hàm năng lực của cơ quan chủ quản dự án, năng lực của các cơ quan hữu quan và chính quyền sở tại.
Đối với cơ quan chủ quản dự án là TKV, chúng tôi thực sự lo ngại vì quan điểm “đánh bạc” của người lãnh đạo TKV là ông Đoàn Văn Kiển. TKV là cơ quan quản lí các mỏ than trên cả nước mà tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh đã không quản lí được việc xuất khẩu than lậu sang Trung Quốc hàng chục ngàn tấn mỗi ngày, không quản lí được hiệu suất khai thác, gây thất thoát lớn trong các công đoạn khai thác đến mức phải cho tư nhân đấu thầu mót than, gây ra tranh chấp mà đỉnh điểm là vụ thanh toán khiến sáu người bị bắn chết tại chỗ, một người bị thương nặng. TKV cũng là chủ đầu tư của dự án đồng Sinh Quyển mà đối tác cũng là công ty của Trung Quốc và cũng theo hình thức chìa khóa trao tay như đối với dự án bauxite Tây Nguyên mà chắc chắn không thiếu cam kết cả hai bên đã hứa hẹn thực hiện. Nhưng thực tế, lượng đồng thất thoát sau tuyển không đạt mức 1% theo yêu cầu, mà là 7%. Chất lượng đồng thành phẩm không đạt 99,99% để làm dây cáp điện, dây điện mà rất gần thôi, 99,95%. Trung Quốc là người thu mua chính lượng đồng thành phẩm kém chất lượng này với giá rẻ hơn rất nhiều. Sinh viên ngành Hóa khi học bài học nhập môn đều biết rằng hóa chất cứ tăng độ tinh khiết lên một cấp thì giá trị có thể tăng từ 10 đến 40 lần. Phải thấy rằng TKV đã làm hại cho ngân sách nhà nước và an sinh xã hội như thế nào. TKV cũng chưa có kinh nghiệm quản lí các dự án lớn trải rộng trên nhiều tỉnh như dự án bauxite Tây Nguyên.
Các cơ quan hữu quan ở đây bao gồm Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan trực thuộc cấp tỉnh. Bộ Công thương có xuất phát điểm từ Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Thương mại. Bộ Công nghiệp nặng phải chịu trách nhiệm đã cấp phép cho hàng loạt các dự án mía đường, xi măng lò đứng thất bại, gây ô nhiễm môi trường, và dư luận xấu về kí hợp đồng cung cấp nguyên liệu mía đường với nông dân. Bộ Thương mại không có những dự đoán chính xác về nhu cầu gạo, nông sản để Chính phủ có quyết sách cho phù hợp để có lợi cho nông dân và ngân sách Nhà nước. Chúng tôi nghi ngờ về đánh giá của Bộ Công thương về nhu cầu nhôm cũng như nguồn cung nhôm trên thế giới hiện nay. Bản thân Bộ Công thương đang có vấn đề là ông Thứ trưởng Lê Dương Quang, người đã trịch thượng lên tiếng chỉ trích lá thư Kiến nghị của giới trí thức, nhân sĩ lại là người khi còn là Vụ phó, bị kiểm điểm vì tính dối trá. Bộ Công thương đã không quản lí được website hợp tác thương mại với Trung Quốc, để Trung Quốc tự tung, tự tác sử dụng địa chỉ website chính thức của Chính phủ tuyên bố chống phá lợi ích của Nhà nước, nhân dân Việt Nam về chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo.
Chúng tôi lo ngại về năng lực của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do không quản lí được lao động nước ngoài, để các nhà thầu Trung Quốc tự do đưa lao động, các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt vào nước Việt, từ các dự án ở miền Bắc như đồng Sinh Quyển, tới các dự án thủy điện của Tây Nguyên, khí điện đạm Cà Mau và nay là bauxite Tây Nguyên. Nếu không có báo chí phanh phui, thì sự thực này chỉ có nhà thầu Trung Quốc biết và trời biết mà thôi. Khi bị dư luận phản đối, nhà thầu Trung Quốc mới “tìm hiểu văn bản pháp lí của Việt Nam” để đưa lao động của họ sang Việt Nam làm việc. Điều này cho thấy quản lí của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng như cơ quan trực thuộc cấp tỉnh của nó, lỏng lẻo như thế nào.
Chúng tôi lo ngại về năng lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường qua cách xử lí các dự án gây ô nhiễm mà nhà máy Vedan là một ví dụ. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai nói trách nhiệm của Bộ, Bộ lúng túng không biết xử lí thế nào ; đưa ra mức phạt còn bị Vedan dọa kiện ngược lại. Còn bao nhiêu dự án từ Nam ra Bắc mà Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể có chế tài, xử phạt, quản lí và đành phải cho qua vì lợi ích kinh tế ? Ô nhiễm ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp, khu làng nghề,… chưa ở đâu Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện được tốt chức năng của mình. Việt Nam đã, đang bị ô nhiễm trầm trọng từ các thành phố đến thôn quê ; đang phải chịu hậu quả nặng nề của chất độc da cam, xin đừng để phải chịu thêm một hậu quả từ dự án bauxite Tây Nguyên nữa. Hãy để các cơ quan chức năng trên phát triển và nâng cấp đủ năng lực cho bản thân đã, trước khi thực hiện một dự án ở quy mô ba tỉnh và có ảnh hưởng lớn như dự án bauxite Tây Nguyên này.
Ngoài ra, chúng tôi thực sự lo lắng với quan điểm của ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội khi ông tuyên bố “dự án bauxite Tây Nguyên chưa đủ tầm để Quốc hội quản lí” dù ông là người kí Nghị quyết 66. Với tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2008 khoảng 90 tỷ USD, 600 triệu USD là thế nào mà ông lại cho là chưa đủ tầm ? Đó mới chỉ là 1 dự án trong ba dự án được triển khai hiện nay tới 2015. Chúng tôi cho rằng ông chưa thực sự có trách nhiệm với những đồng tiền thuế của người dân, mà ông là người vừa là đại diện, vừa là người đứng đầu cơ quan đại diện cho người dân. Chúng tôi mong muốn rằng, Quốc hội phải xem xét tới từng dự án sử dụng ngân sách nhà nước, là tiền thuế của dân và bãi bỏ Nghị quyết 66 về giới hạn của dự án cần phải được Quốc hội xem xét.
Trong khi đó, các nhà thầu Trung Quốc không có sự tín nhiệm về chữ tín trong kinh doanh và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của nhà thầu. Họ đã bỏ dở các dự án tại Côngô và các nước cộng hòa Châu Phi khi giá khoáng sản trên thế giới giảm do khủng hoảng, không trả tiền lương cho người lao động, không trả tiền thuế cho chính quyền sở tại ; không có đền bù đối với những người bị ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm của dự án. Ngay tại Việt Nam, họ cũng chây ỳ kéo dài, làm dây dưa các dự án tại thành phố Hồ Chí Minh mà muốn có kiến nghị, phía Việt Nam phải liên lạc với Tòa Lãnh sự Trung Quốc. Họ đang lập ra luật lệ riêng buộc chính quyền Việt Nam phải tuân theo.

3. Các khía cạnh về quốc phòng

Các khía cạnh về quốc phòng đã được trình bày khá đầy đủ trong thư ngỏ của nhóm nhân sĩ gửi tới các cơ quan quyền lực cao nhất và các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, trong đó nêu rõ các điểm:
Vị trí Tây Nguyên rất quan trọng về mặt quân sự. Ai nắm Tây Nguyên là khống chế cả Đông Dương.
Tây Nguyên là nơi nhạy cảm, đã từng là nơi hoành hành của Fulro, di cư tị nạn, nhà nước Đề Ga
Hiện Việt Nam và Trung Quốc đang có tranh cãi về chủ quyền biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa. Trong khi đó, Trung Quốc đã xây xong đường cao tốc đi qua Lào, Campuchia xuống vịnh Thái Lan ; đã mua 99 năm một vùng đất rộng lớn ở tỉnh Munbunkiri của Campuchia sát Đắc Nông làm đặc khu, đưa tàu chiến xuống Hoàng Sa, cấm ngư dân Việt Nam ra ngoài khơi đánh cá. Thực hiện dự án bauxite là tạo điều kiện để Trung Quốc tìm hiểu về địa hình Tây Nguyên, nắm yết hầu của Việt Nam.
Chúng tôi không có ý định lặp lại tất cả những điều đó ở đây, nhưng muốn phân tích ở một khía cạnh khác. Về an ninh quốc phòng, bất cứ nước nào cũng sẽ không tạo điều kiện cho nước đang có mâu thuẫn lợi ích xâm nhập sâu vào quốc gia họ. Iran với Iraq, Ấn Độ với Trung Quốc, Ấn Độ với Pakistan, Mỹ với các nước cộng sản của những năm 1990 đều như vậy. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, dù Việt Nam tuyên bố chống khủng bố, nhưng việc cấp visa vào Mỹ cho công dân Việt Nam bị dừng hẳn và chỉ nới lỏng dần những năm về sau. Sinh viên Việt Nam sang Mỹ bị cấm theo học các ngành nhạy cảm như nguyên tử, vũ trụ, công nghệ sinh học,… vì những lo ngại ảnh hưởng tới an ninh của người Mỹ, ảnh hưởng tới quyền lợi của nước Mỹ.
Việt Nam và Trung Quốc đang ở thế mâu thuẫn chủ quyền. Trung Quốc luôn có những động thái lấn lướt Việt Nam, ngang nhiên cho tàu chiến đi tuần, tập trận trên biển, bắn giết ngư dân Việt Nam ; chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, hậu thuẫn cho Pol Pot đánh biên giới Tây Nam năm 1978 và gây chiến tranh biên giới 1979, chiếm 6 đảo trên quần đảo Trường Sa vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, mở rộng chiếm nhiều hơn những năm về sau, đe dọa các công ty dầu mỏ quốc tế muốn hợp tác với Việt Nam thăm dò, khai thác dầu mỏ trên các vùng biển của Việt Nam.
Trung Quốc không tham gia vào Ủy ban sông Mê Kông vì sợ bị ảnh hưởng quyền lợi từ các nghị quyết của Ủy ban, cho xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông, đồng thời cho vay vốn để các nước thuộc khối xây dựng thủy điện trên sông Mê Kông; hoàn toàn không tôn trọng và không quan tâm tới lợi ích của Việt Nam.
Chúng tôi không hiểu bao nhiêu đồng từ dự án đồng Sinh Quyển đã được dùng để sản xuất đạn bắn ngư dân Việt Nam, để ra oai về sức mạnh quân sự đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam ? Nhôm từ dự án bauxite Tây Nguyên sẽ được Công ty Chalco, Trung Quốc bao thầu mua hết và bao nhiêu trong số chúng sẽ được dùng để chế tạo máy bay, tàu chiến, tàu sân bay để Trung Quốc vươn ra chiếm lĩnh biển Đông và chiếm các đảo của Việt Nam ? Một ngàn sáu trăm người con ưu tú của nước Việt đã ngã xuống vì đạn của Trung Quốc năm 1979, hàng chục ngàn chiến sĩ đã ngã xuống vì súng đạn của Trung Quốc tại chiến trường Campuchia ; hơn một trăm ngàn con dân nước Việt cũng đã ngã xuống vì vũ khí của Trung Quốc năm 1979. Bảy mươi tư chiến sĩ hải quân đã hy sinh vì tàu chiến, vì đạn của Trung Quốc năm 1988. Dự án bauxite Tây Nguyên được thực hiện là một sự vô ơn đối với những người đã ngã xuống, là một tội ác đối với nhân dân Việt Nam nếu có chiến tranh xảy ra trong tương lai. Xin hãy dừng lại, trước khi quá muộn.

4. Các khía cạnh về kinh tế
Về vấn đề kinh tế của dự án này, chính bản báo cáo cũng thừa nhận rằng giai đoạn này chưa có lãi vì thế giới đang rơi vào khủng hoảng, đẩy giá nhôm xuống thấp. Khủng hoảng còn kéo dài năm, bảy năm nữa và chưa biết tương lai như thế nào nếu thế giới rơi vào trận đại dịch, ví dụ như dịch cúm lợn hiện nay có những biến chứng khó lường.
Bản báo cáo cũng cho thấy nhiều khó khăn về điều kiện tài chính của Việt Nam hiện nay, các điều kiện về cơ sở vật chất chưa sẵn sàng như cảng biển, đường vận chuyển, cần phải đầu tư lớn. Trong khi đó, chính Việt Nam cũng đang chịu khủng hoảng, mức thâm hụt chi tiêu có thể lên tới 8% và số tiền 9 tỷ USD cần cho kích cầu còn chưa biết lấy ở đâu dù một phần không nhỏ trong số đó mang nghĩa tượng trưng vì nó là các khoản trừ, giảm, chiết khấu.
Kết luận của bản báo cáo là giai đoạn tới 2015, chỉ sản xuất oxit nhôm (alumina) để xuất cảng thôi. Nhưng như thế có nghĩa là xuất cảng khoáng sản thô mà điều này không có lợi về mặt kinh tế do giá khoáng sản thô thì rất thấp và vi phạm Nghị quyết Đại hội Đảng X, hạn chế việc xuất cảng khoáng sản thô.
Để thực hiện dự án này, Việt Nam đang phải đi vay tiền quốc tế ; và nếu thực hiện thì có thể hiểu như một động thái để kích cầu, tạo việc làm và chống lại khủng hoảng. Nhưng với việc tham gia của lao động Trung Quốc, việc tạo việc làm không có ý nghĩa. Công ty Chalco mang trang thiết bị của Trung Quốc sang, thậm chí cả cái bồn bệt ; thực phẩm, đồ ăn do người Việt gốc Hoa biết nói tiếng Hoa cung cấp ; người Việt cấm được bén mảng, thì dự án hoàn toàn không có ý nghĩa kích cầu tiêu dùng. Do giá nhôm trên thị trường đang thấp, giá nguyên liệu cũng thấp thì giai đoạn ban đầu sẽ không có lãi ; tức là dự án cũng không có ý nghĩa chống lại khủng hoảng. Giả sử dự án có hoạt động 5 năm nữa mới có lãi do giá nhôm tăng lên thì việc trả lãi tiền đi vay và chuẩn bị đầu tư tiếp vào giai đoạn tiếp theo kế hoạch tới năm 2025 sẽ chẳng mang lại lợi nhuận gì cho chính quyền sở tại và cho ngân sách nhà nước cả.

5. Các khía cạnh về nhu cầu và thái độ của Trung Quốc
Chúng tôi có đủ tài liệu cho thấy về nhu cầu nhôm của thế giới, nhưng sẽ không cung cấp các con số cụ thể ở đây. Một cách ngắn gọn, Công ty Alcan của Canada, Alco của Mỹ, Úc vào năm 2007 đã làm thống kê rằng nhu cầu nhôm của thế giới sẽ tăng 2% mỗi năm. Và để đáp ứng nhu cầu và kiếm lợi nhuận, các công ty này đã tăng cường đầu tư vào Brazil, Jamaica,... Riêng tại Úc, chính quyền bang Western Queensland đã xây dựng dự án khai thác bauxite trị giá 10 tỷ USD và Chalieco, Trung Quốc là Công ty trúng thầu. Với những động thái đó, lượng nhôm sản xuất sẽ dư thừa cung cấp cho nhu cầu của thế giới ít nhất trong 10 năm tới. Tuy nhiên, đến 2008 thì khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, lượng nhôm tồn kho ứ đọng khắp nơi. Chalieco báo lỗ 100%, Alco Mỹ cũng báo lỗ tới 40% và các dự án khai thác nhôm trên thế giới đều bị chậm lại. Lượng cung sẽ dư thừa cho nhu cầu của thế giới nhiều hơn 10 năm.
Vậy, câu hỏi đặt ra là, tại sao đang lỗ tới 100%, Chalco, một Công ty của nhà nước Trung Quốc, vẫn quyết tâm thực hiện dự án bauxite Tây Nguyên, trong khi giảm hoạt động tại các nơi khác. Thậm chí, ở Châu Phi còn bỏ của chạy lấy người ?
Trong một trả lời phỏng vấn báo chí, ông Đoàn Văn Kiển nói rằng oxit nhôm sẽ được vận chuyển sang một nhà máy điện phân bên Campuchia để chuyển thành nhôm. Ông cho biết sẽ vận chuyển bằng đường sắt đang được nghiên cứu xây dựng bằng một dự án của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi chắc rằng nhà máy luyện nhôm kia do Trung Quốc đầu tư và sau đó nhôm sẽ được chuyển về Trung Quốc qua con đường cao tốc nối Côn Minh với vịnh Thái Lan. Như thế sẽ rất tiện lợi cho Trung Quốc. Chỉ có điều, Việt Nam đầu tư hẳn một hệ thống đường sắt ra nước ngoài để phục vụ cho việc luyện nhôm của Trung Quốc thì quả là không thể tưởng tượng được. Sau khi hệ thống đường sắt này được thực hiện, thì việc nối nó với các cảng biển như Bình Thuận, Cam Ranh bằng hệ thống đường sắt, đường bộ do Việt Nam xây dựng cũng để phục vụ cho dự án này thì quả là rất tiện. Và từ các cảng biển này, khống chế biển Đông cũng không khó khăn gì. Cái này cũng sẽ tiện cho kế hoạch thống lĩnh biển Đông của Trung Quốc. Với chủ trương “một mũi tên bắn vài đích” của Đặng Tiểu Bình hay “Người Trung Quốc làm gì cũng có chủ ý” của Mao Trạch Đông thì có thể hiểu được vài cái đích của Trung Quốc trong việc mua đặc khu của Lào, xây dựng đường cao tốc tới vịnh Thái Lan và thực hiện dự án bauxite Tây Nguyên là gì nếu không ngoài đưa Việt Nam vào thế bị nắm cổ, trở lại thế chư hầu của hơn một ngàn năm thời phong kiến và hơn một ngàn năm Bắc thuộc trước đó như Mao Trạch Đông đã từng nói.
Chúng tôi hoàn toàn không có chủ kiến bài Hoa, luôn luôn mong muốn Trung Quốc là một láng giềng tốt của Việt Nam. Nhưng, chúng tôi không đồng ý và kiên quyết lên tiếng nếu Trung Quốc có những hành động phương hại tới quyền lợi của Việt Nam. Cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Dương Danh Dy đã nhận xét: “Tổ tiên chúng ta bị lừa, cha ông chúng ta cũng bị Trung Quốc lấy chữ tín ra để lừa” trong quá khứ vì có những cái “ta ngây thơ, ta thiếu kinh nghiệm và kiến thức”. Việc phân định biên giới, Trung Quốc lập luận “cứ chỗ nào có đường đi của Trung Quốc thì là đất của Trung Quốc” nên Việt Nam đã bị mất đứt hàng chục km vuông. Mong rằng Việt Nam sẽ tỉnh táo hơn, không ngây thơ nữa, ít nhất là thế.

III. Đề xuất của chúng tôi

Với tất cả những luận điểm nêu trên :
- Chính phủ hành động đã vi phạm hiến pháp và luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Các cơ quan chức năng chưa có đủ kinh nghiệm
- Dự án chưa được đánh giá nghiên cứu tiền khả thi và xử lí sau khai thác
- Dự án không mang lại lợi ích về bất cứ khía cạnh nào : môi trường, kinh tế, quốc phòng

Chúng tôi kiến nghị Quốc hội chấm dứt việc thực hiện dự án bauxite Tây Nguyên, xóa bỏ các quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kí liên quan đến dự án này, tuyên bố tính không hợp pháp về thông cáo chung do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh kí với người đồng cấp phía Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vì việc khai thác bauxite Đắc Nông không nằm trong thẩm quyền của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và chưa được Quốc hội họp thông qua cũng như không ủy quyền cho ông sang kí với Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam và Nhà nước Việt Nam không có trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại cho phía đối tác Trung Quốc là Công ty Chalco, vì việc kí kết là giữa TKV với Chalco. Hãy để ông Đoàn Văn Kiển và Chalco giải quyết việc kết thúc hợp đồng này.
Đối với nguồn tài nguyên, nhất định chúng ta cần khai thác để phục vụ cho sự phát triển đất nước. Nhưng vấn đề là vào lúc nào và như thế nào. Chúng tôi cho rằng đây sẽ là cơ hội to lớn để Việt Nam thúc đẩy nhiều ngành khoa học, công nghệ và giáo dục. Cần có những nghiên cứu tiền khả thi đánh giá về các mặt khai khoáng, môi trường, xã hội cũng như chờ đợi sự phát triển của công nghệ xử lí bùn đỏ hiệu quả hơn trên thế giới. Nhôm có nhiều ứng dụng từ sản xuất vệ tinh, tàu vũ trụ, máy bay, thăm dò khai thác dầu mỏ, tàu thuyền tới các vật dụng sinh hoạt của đời sống hàng ngày nhưng Việt Nam chưa phát triển được ngành công nghiệp nào thực sự mạnh liên quan đến sử dụng nhôm. Việt Nam cần có những nghiên cứu phát triển song hành để chờ đợi cho dự án khai thác nhôm trong tương lai. Cần nhớ rằng 1 kg cacbon nano có giá trị gấp nhiều lần giá trị 1 tấn than.
Để đưa Việt Nam sớm thoát khỏi khủng hoảng, đồng thời giúp phát triển kinh tế các tỉnh Tây Nguyên, dự án bauxite vào thời điểm này chưa mang lại lợi nhuận và không phải là giải pháp cuối cùng. Với những nghiên cứu nghiêm túc, chúng tôi tin rằng có giải pháp cho các vấn đề này.
Chúng tôi cũng tin rằng, Chính phủ đang xây dựng cung cách làm việc theo hiến pháp, pháp luật. Người mạnh là người dám nhận lỗi khi làm sai ; Chính phủ mạnh là Chính phủ dám nhận lỗi khi làm sai. Chúng tôi mong rằng, Chính phủ sẽ vì quyền lợi của nhân dân mà dừng dự án bauxite Tây Nguyên tại thời điểm này và thực hiện lại từ đầu với một quy trình mang tính chuyên nghiệp cao hơn.

Những người chấp bút
Đỗ Bá Thành – Lê Quốc Thanh – Trần Minh Trí – Hoàng Tâm Quang


---------------------------------

Tài liệu tham khảo

Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc
http://www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105001/ns080602092528
TKV: "Làm bô-xít hiệu quả hay không, chờ thực tế mới biết", Vietnamnet, 13/4/2009
B. I. Kronberg, J. F. Couston, B. S. Filho, W. S. Fyfe, R. A. Nash, and D. Sugden, “Minor element geochemistry of the Paragominas bauxite, Brazil”.Economic Geology; December 1979; v. 74; no. 8; p. 1869-1875
“Brazil bauxite miner says helping restore Amazon”, Reuter, 13 May, 2002
Paul W. Hinds, Restoration Following Bauxite Mining In Western Australia,
http://horticulture.cfans.umn.edu/vd/h5015/99papers/hinds.htm
“Công nghệ Trung Quốc!”-Vietnamnet, Thứ bảy, 25/4/2009, 06:58
Roger Underwood. “Bauxite Mining Enjoys Total Freedom from Green Displeasure”. Australia's E-journal of Social and Political Debate, 15 August 2007.
N. W. Menzies, I. M. Fulton, and W. J. Morrell, “Seawater Neutralization of Alkaline Bauxite Residue and Implications for Revegetation”. Journal of Environmental, 33:1877–1884 (2004)
E. Lee Bray, Bauxite and Alumina, U.S. Geological Survey, Mineral Commodity Summaries, January 2009
Greenslade, Penelope and Majer, J.D.. 1993. “Recolonization by Collembola of rehabilitated bauxite mines in Western Australia”. Australian Journal of Ecology 18: 385-394.
Patricia A. Plunkert. “Bauxite and Alumina”, U.S. GEOLOGICAL SURVEY MINERALS YEARBOOK—2003, 10.1-10.11
“Strong demand drives bauxite mining”- Australian Mining website, 19 Oct. 2007
"Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với bước đầu tìm hiểu các vấn đề xung quanh việc triển khai các dự án bauxite Tây Nguyên.” http://www.planetark.org/dailynewsstory.cfm/newsid/15910/story.htm
Tô Văn Trường. “Suy nghĩ về dự án Bauxite Tây Nguyên” -http://hnv.vn/News.Asp?Cat=29&SCat=&Id=953
“Cửu Long sẽ khát nước ngọt” – Tuổi trẻ online, 25/5/2009



No comments:

Post a Comment