Friday, May 29, 2009

HOA KỲ CHỌN MỘT THẨM PHÁN CHO TỐI CAO PHÁP VIỆN

Chọn một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện
Ngô Nhân Dụng
Thursday, May 28, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=95659&z=7
Ðây là một cơ hội cho mọi người cùng tìm hiểu một xã hội sống dân chủ tự do họ làm gì khi cùng chọn lựa một người nắm quyền hành vào loại cao nhất nước.

Nước Mỹ sắp chọn một vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện mới, vào cuối năm sẽ thay thế Thẩm Phán David Souter mới tuyên bố từ chức. Tổng Thống Barack Obama đã đề nghị bà Sonia Sotomayor, thẩm phán tòa phúc thẩm Ðịa hạt 2 ở New York. Và chúng ta sẽ chứng kiến những cuộc tranh luận về việc lựa chọn bà, chắc từ nay đến Tháng Mười mới biết ngã ngũ ra sao. Chúng ta nên theo dõi những cuộc tranh luận đó, trên các diễn đàn của công chúng cũng như trong Thượng Viện Mỹ, vì đó sẽ là một kinh nghiệm quý để hiểu rõ hơn về “cuộc chơi dân chủ” ở nước này.

Giống như những cuộc đấu bóng, việc bỏ phiếu chọn vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện có những luật lệ và thủ tục, và cũng có ít nhất hai phe: Ông tổng thống và những người cùng đảng, đối diện với các người thuộc đảng đối lập. Mỗi phe sẽ vận dụng tất cả các phương tiện, lý luận, hợp pháp và có hiệu quả để giành thắng lợi.
Trong cuộc đấu này phần thưởng cho bên thắng không phải chỉ là kết cục, bà Sotomayor có được phong nhậm hay không. Một phần thưởng bên lề đáng chú ý nữa là trong suốt cuộc tranh luận này đảng nào sẽ vận động giỏi để chiếm được cảm tình của công chúng vô tư hơn. Bởi vì ngay sau khi cuộc tranh luận kết thúc và cuộc bỏ phiếu ở Thượng Viện bắt đầu thì cả hai đảng sẽ khởi sự tấn công nhau trong cuộc vận đồng tranh cử quốc hội năm 2010 rồi!

Ðối với đảng Cộng Hòa thì đây là một cơ hội rất tốt để gây dựng lại hàng ngũ và niềm tin của đảng mình; đồng thời “tốp lại” cơn sóng cảm tình mà nhiều người Mỹ dành cho Tổng Thống Obama từ ngày bỏ phiếu năm 2008 đến nay. Chắc chắn đảng Cộng Hòa sẽ sử dụng cơ hội này hết mình, vì họ không có gì để mất cả, ngược lại chỉ có hy vọng thắng. Tất cả các lời hô hào bảo vệ những nguyên tắc và hiến pháp sẽ được dùng để huy động hàng ngũ bảo thủ, tranh luận càng hăng hái thì sức huy động càng mạnh hơn. Nếu họ ngăn cản được việc bổ nhiệm bà Sotomayor thì thắng lớn; nếu không cũng có thể chinh phục được thêm được nhiều người ủng hộ vì những điều sẽ đưa ra trong cuộc tranh luận. Nếu các nhân vật lãnh đạo đảng Cộng Hòa lôi cuốn được dân Mỹ với những lý luận cho thấy việc ông Obama lựa chọn bà Sotomayor là một hành động không đúng, thì uy tín của ông tổng thống và cả đảng ông sẽ giảm bớt, đảng Cộng Hòa sẽ có thế mạnh hơn khi bắt đầu mùa tranh cử năm 2010.
Từ khi tranh cử đến nay Tổng Thống Obama thường tìm cách chứng tỏ ông tôn trọng nguyên tắc hơn là vì lợi ích chính trị, ông có tinh thần cộng tác và đối thoại với đảng Cộng Hòa chứ không chỉ biết đến đảng mình. Nếu trong cuộc tranh luận về bà Sotomayor mà đảng Cộng Hòa vẽ ra được một hình ảnh khác, chứng tỏ ông tổng thống hành động theo tinh thần phe phái và phân biệt thì cơn sóng tình cảm tốt đối với ông Obama sẽ giảm bớt đi.
Một điều quan trọng hơn nữa là vụ lựa chọn vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện sẽ cho đảng Cộng Hòa một đề tài thực sự quan trọng, có tầm mức cao và ảnh hưởng lâu dài để tranh luận với đối thủ, thay vì chỉ tấn công ông Obama về những chuyện nhỏ và rời rạc.

Nhưng việc chọn lựa một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện không phải chỉ là một màn kịch chính trị, với các diễn viên chỉ chú ý đến hậu quả trong mùa tranh cử sắp tới. Ðây cũng là một diễn trình vô cùng quan trọng trong cuộc sống dân chủ tự do. Có thể nói đây là một nghi thức thiêng liêng thể hiện tinh thần Dân Chủ, mọi người tham dự sẽ không thể sử dụng những thủ đoạn chính trị thấp.

Vì Tối Cao Pháp Viện nắm quyền Tư Pháp, trong tam quyền phân lập cân bằng với ngôi vị Tổng Thống (Hành Pháp) và Quốc Hội (Lập Pháp). Dân chúng Mỹ bầu trực tiếp Tổng Thống và Quốc Hội, còn các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện (cũng như tại các tòa án liên bang khác) đều do vị tổng thống đề nghị và phải được Thượng Viện chấp thuận.

Ngay khi được một tổng thống đề cử, ứng viên vào chức thẩm phán Tối Cao Pháp Viện sẽ phải đi thăm các người đang lãnh đạo Thượng Viện theo tập tục xã giao. Nhưng còn một tập tục khác là không ai đi “vận động” các nghị sĩ để được họ bỏ phiếu cho mình. Làm như vậy là hạ thấp phẩm cách của ngôi vị thẩm phán mà họ có thể sẽ được đặt vào. Cũng vậy, khi chất vấn các ứng viên, các nghị sĩ cũng phải có thái độ nhã nhặn, tôn kính, dù khi đặt những câu hỏi hắc búa nhất, hoặc đau đớn nhất. Ứng viên sẽ được các nghị sĩ lãnh đạo phỏng vấn, họ sẽ từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể về các vấn đề có thể sẽ đưa ra phán quyết tại Tối Cao Pháp Viện, và các nghị sĩ cũng phải lễ phép không bao giờ đặt những câu hỏi đó. Thí dụ, không ai hỏi một ứng viên là ông, bà nghĩ sao về quyền phá thai, hay về hôn nhân đồng tính. Hai bên đều phải tôn trọng tinh thần độc lập của ngành tư pháp. Không ai được biết vị thẩm phán tương lai có ý kiến định sẵn như thế nào trước khi ra xét xử trong tòa án. Ðây là một tập tục chứng tỏ mọi người đều muốn bảo vệ tính chất độc lập của ngành tư pháp. Chế độ dân chủ tự do khác hẳn với những nước độc tài, ở đó các thẩm phán thường nhận được chỉ thị phải xử như thế nào trước khi tòa khai mạc!

Các vị tổng thống Mỹ đều biết bổn phận của họ là đề nghị làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện những người nào hiểu thấu rõ hiến pháp và tinh thần luật pháp của quốc gia, có trí thông minh, chứng tỏ có tinh thần thượng tôn pháp luật, và có khả năng giải thích luật pháp rành mạch. Các nghị sĩ Thượng Viện cũng bỏ phiếu dựa trên những tiêu chuẩn trên. Những người được đề cử thường là các thẩm phán, luật sư, các học giả về pháp luật, hoặc cả ba. Hiện nay 9 vị thẩm phán đều đã từng ngồi xử án.

Vai trò chính của Tối Cao Pháp Viện là giải thích hiến pháp, họ có thể phán về một đạo luật, một quyết định hành chánh, vân vân, xem có phù hợp với hiến pháp nước Mỹ hay không. Khi chấp thuận xét lại một bản án của tòa phúc thẩm các địa hạt, họ cũng căn cứ vào hiến pháp. Vì tất cả mọi vụ kiện tụng đều có thể xin phúc thẩm ở tòa trên, nhiều vụ có thể đưa lên tới Tối Cao Pháp Viện, cho nên tính độc lập của Tối Cao Pháp Viện là điều kiện cốt yếu để bảo đảm cả ngành tư pháp đứng độc lập với chính quyền và các thế lực khác.

Ðể bảo đảm tính độc lập và sự trong sạch của các thẩm phán, tất nhiên họ được trả thù lao dư dả. Nhưng hiến pháp Mỹ đã ấn định một điều quan trọng nhất là nhiệm kỳ của các vị này là suốt đời, cho đến khi họ chết, bất lực, hoặc từ chức. Ngôi vị này là cao nhất trong ngành tư pháp. Họ sẽ không bao giờ phải “vận động” ai để giữ chức vụ nào cả. Cho nên, người dân Mỹ có thể đồng ý hay không đồng ý với những phán quyết của các vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện nhưng không có ai nghi ngờ tính độc lập của họ, không ai nghĩ họ có thể phán quyết theo chủ trương hay vì quyền lợi của một đảng chính trị đã đề cử và bỏ phiếu cho họ. Các vị thẩm phán cũng có thể bị bãi miễn theo thủ tục đàn hạch như từng áp dụng cho các vị tổng thống, bộ trưởng, hoặc đại biểu quốc hội.

Từ khi bà Sandra Day O'Connor từ chức, mọi người đã chờ đợi một phụ nữ vào Tối Cao Pháp Viện thay thế bà. Trong nhiệm kỳ của Tổng Thống George W. Bush ông đã một lần đề nghị bà Harriet Miers, nhưng bà tự ý rút lui sau khi nhiều người trong chính đảng Cộng Hòa không tin tưởng vào người luật sư mà ông tổng thống vẫn tín nhiệm. Nếu bà Sotomayor được tấn phong, bà sẽ là người phụ nữ thứ ba trong Tối Cao Pháp Viện, trong 200 năm lịch sử của nước Mỹ. Bà lại là người gốc Tây Ban Nha (Hispanic) đầu tiên được đề nghị vào ngôi đền pháp lý cao nhất nước Mỹ. Số người Mỹ gốc Hispanic ở Mỹ đã tăng từ 7% dân số vào năm lên 9% vào năm 2008. Cựu Tổng Thống Bush cũng đã nuôi ý định đề cử một người gốc La Tinh vào Tối Cao Pháp Viện, sau khi ông thắng cử năm 2004 nhờ nâng cao tỷ số người Latino ủng hộ ông lên tới 44%. Ông đã tính chọn Bộ Trưởng Tư Pháp Alberto Gonzales, nhưng sau phải bỏ ý định đó vì nhiều nghị sĩ Cộng Hòa phản đối và nhiều người ủng hộ ông Bush cũng thấy rằng ông Gonzales không mang đủ chất bảo thủ mặc dù lúc nào cũng trung thành với ông Bush.

Ngay sau khi bà Sotomayor được đê cử, phe bảo thủ và cấp tiến đều bắt đầu cuộc tấn công. Bên phe tả, những người ủng hộ quyền phá thai đã đưa ra một phán quyết của bà vào năm 2002, trong đó bà công nhận quyền của chính phủ Mỹ (lúc đó do Tổng Thống Bush quyết định) bắt buộc các nhóm ngoại quốc nhận tiền viện trợ của nước Mỹ không được dùng tiền đó để dậy hoặc giúp việc phá thai. Một phán quyết khác của bà Sotomayor cũng khiến phe tả bất bình, là khi bà công nhận quyền của một cảnh sát viên ở New York kiện cấp chỉ huy, vì anh ta bị sa thải sau khi cấp trên khám phá anh đã viết những điện thư có lời lẽ kỳ thị người da đen. Bà Sotomayor cho là những lá thư riêng, viết ngoài giờ làm việc, được bảo vệ bằng quyền tự do phát biểu trong hiến pháp Mỹ.

Từ phía hữu, những phát súng mở màn vang dội hơn. Bà Sotomayor là một trong ba thẩm phán trong phiên tòa phúc thẩm, đồng ý với quyết định của tòa dưới bác bỏ đơn kiện của ông Frank Ricci kiện thành phố New Haven ở tiểu bang Connecticutt không thăng cấp cho một số người lính cứu hỏa, sau một cuộc thi tuyển, vì thành phố thấy trong số những người trúng tuyển không có người da đen (có 14 người da trắng và một người gốc Latino). Ðây sẽ là một đề tài được nói đến mãi mãi trong mấy tháng tới, và vụ này có thể sẽ được Tối Cao Pháp Viện xét xử trong vài tháng. Nhưng đề tài sẽ được khai thác nhiều hơn là những lời trong bài diễn văn của bà Sotomayor ở Ðại Học Berkerley, trong đó bà nói một thẩm phán phụ nữ gốc Latino với kinh nghiệm ở đời có thể phán quyết đúng hơn một đồng nghiệp đàn ông da trắng và không có kinh nghiệm sống. Ðây là một thùng thuốc súng sẽ được phe đối thủ đem ra đốt từ nay cho tới ngày Thượng Viện bỏ phiếu.

Trong các cuộc chất vấn ở Thượng Viện, chắc chắn các vấn đề trên đây sẽ được nêu lên, và bà Sotomayor sẽ có cơ hội giải thích. Một điều các nghị sĩ sẽ thấy là sau 450 lần ngồi xử án và nhiều lần đi diễn thuyết, cả phe tả lẫn phe hữu đều có thể tìm ra những điểm để tấn công người phụ nữ 54 tuổi xuất thân nghèo khó này.

Theo tình hình trong Thượng Viện hiện nay thì bà Sotomayor có nhiều hy vọng. Ðảng Cộng Hòa chỉ có 39 nghị sĩ mà trong đó có 7 người đã từng bỏ phiếu chấp thuận bà Sotomayor vào chức vụ thẩm phán tòa phúc thẩm trước đây hơn mười năm. Nghị Sĩ Jeff Sessions, thành viên cao nhất của đảng Cộng Hòa trong ủy ban tư pháp Thượng Viện tiên đoán là các đồng viện của ông chắc sẽ không dùng thủ tục fillibuster để ngăn cản, thủ tục này cần 40 nghị sĩ đồng ý ngăn không cho Thượng Viện biểu quyết.

No comments:

Post a Comment