Thế giới không có nước Mỹ sẽ ra sao?
Nguyễn Hải Hoành
Thứ tư 27, Tháng Năm 2009
http://dongtac.net/spip.php?article2839
Đã bao giờ bạn tưởng tượng giả thử trái đất này không có nước Mỹ, hoặc nước Mỹ biến mất, khi ấy thế giới chúng ta đang sống sẽ ra sao?
Câu hỏi này nghe có vẻ kỳ lạ, song thực ra rất có ý nghĩa hiện thực. Bạn thử nghĩ, giả thiết tàu chiến Mỹ vắng mặt trên Thái Bình Dương thì ai mừng, ai lo? Giả thử Mỹ không tham gia khối NATO thì châu Âu sẽ ra sao? ... Câu hỏi ấy toát lên vai trò của nước Mỹ, siêu cường thế giới suốt một trăm năm nay, và siêu cường duy nhất trên thế giới kể từ thập niên 90 thế kỷ XX. Câu hỏi này có thể có ý nghĩa thời sự vì hiện nay địa vị bá chủ thế giới của nước Mỹ đang bị lung lay, dòm ngó.
Có một người đã nghĩ như vậy và thậm chí còn dựng hẳn một cuốn phim dài khoảng 90 phút lấy tên Thế giới không có nước Mỹ (The World Without US).
Người ấy là Mitch Anderson, thủa nhỏ chạy trốn khỏi khói lửa chiến tranh tại quê hương Romania, đi bộ xuyên qua Hungary, cuối cùng tới nước Áo và xin được tư cách dân tị nạn, nhờ đó di cư sang Mỹ.
Năm 2005 Anderson nảy ra ý tưởng làm bộ phim Thế giới không có nước Mỹ nhằm tìm lời giải đáp câu hỏi của mình – ông nghĩ mãi cũng không hiểu vì sao nước Mỹ lại rơi vào vũng lầy chiến tranh Iraq, vì sao nước Mỹ bỏ hàng trăm tỷ đô-la để bảo vệ an toàn cho các quốc gia cách xa Mỹ hàng nghìn dặm...
Bộ phim chia 3 phần:
- Liên minh châu Âu EU có thể thay chân Mỹ được không,
- dầu mỏ Trung Đông và các vấn đề dính dáng đến nó;
- vấn đề bảo vệ Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật. Riêng về vấn đề Đài Loan, người làm phim đến tận hòn đảo này quay phim hải quân Đài Loan và phỏng vấn dân biểu quốc hội Đài Loan Túc Mỹ Cầm, hai giáo sư La Chí Chính và Sát Vỹ.
Lời giải đáp cuối cùng rất rõ ràng: thế giới này không thể không có nước Mỹ. Tuy cách giải thích trong phim có chỗ chưa chi tiết, song vấn đề tác giả nêu ra làm người xem phải suy nghĩ nhiều.
Nước Mỹ là một đế quốc ?
Đúng là sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, trên thế giới này không có nước nào so đọ được với nước Mỹ. Nửa thế kỷ trôi qua, Mỹ vẫn cung cấp sự bảo vệ an toàn quân sự cho các nước lớn kinh tế như Nhật, Đức, Hàn Quốc. Toàn là những việc tốn vô khối tiền của, thậm chí sinh mạng thanh niên Mỹ. Người Mỹ rất khó tính khi đồng ý cho chính phủ mình chi tiền đóng thuế của dân vào những việc không đâu, nhưng lại “dễ tính” duyệt cho chính phủ chi mỗi năm hàng trăm tỷ đô-la vào việc viện trợ các nước nói trên, nói chính xác là việc duy trì vai trò siêu cường bá chủ thế giới của nước mình. Hai nước Nga và Trung Quốc tuy đã nổi lên nhưng trong giai đoạn hiện nay còn phải hợp tác với Mỹ trên nhiều vấn đề. Đa số dân trên thế giới vẫn còn hy vọng khá nhiều vào nước Mỹ, vào vai trò “sen đầm” bảo vệ các giá trị phổ quát của loài người – dân chủ, tự do, nhân quyền .... Đối với phái Tân Bảo thủ (Neo-conservatives) ở Mỹ thì đây là một cơ hội lịch sử hiếm có để, trong tình hình không có sự thách thức và ràng buộc của các thế lực cường quyền khác, đẩy mạnh dân chủ, truyền bá các tư tưởng, xây dựng trật tự quốc tế thuộc về Mỹ.
Đối với những người Tân bảo thủ, đây là một kỷ nguyên đơn cực Mỹ (American unipolar age). Nhất là sau vụ 11 tháng 9, cuộc chiến chống khủng bố làm cho phe cánh ông Bush tin rằng tôn trọng chủ quyền của nước khác là một việc có điều kiện (contingent sovereignty) và họ có quyền “đánh đòn phủ đầu trước’ (preemptive strike). Việc Mỹ đưa quân vào Iraq làm cho quan điểm thế giới một cực của phái bảo thủ Mỹ càng trở nên hiện thực. Người ta trở lại cuộc tranh cãi: nước Mỹ có phải là “đế quốc Mỹ” (American empire) hay không.
Giáo sư G.John Ikenberry ở ĐH George (Mỹ) cho rằng nước Mỹ chẳng những là một siêu cường quyền chạy theo lợi ích của mình, mà bá quyền (hegemony) Mỹ cũng là sản phẩm sinh ra dưới trật tự thế giới hiện nay mà các nước ủng hộ xây dựng nên. Nếu nới lỏng định nghĩa “đế quốc” (Empire) thì nước Mỹ tuyệt đối phù hợp với định nghĩa đó. Niall Ferguson, giáo sư sử học ĐH Oxford và là cố vấn chính của bộ phim nói trên trong tác phẩm “Tượng đài khổng lồ: sự thăng trầm của đế chế Mỹ” (Colossus: The Rise and Fall of The American Empire) lại ví sức mạnh của nước Mỹ ngày nay là một đế chế “Tân La Mã” (new Rome) vượt qua bất kỳ đế chế nào trong lịch sử. Trong mắt ông, nước Mỹ là một “đế chế tự do” (liberal empire) dựa vào việc gìn giữ hòa bình để thực hiện việc bảo vệ lợi ích chung, quyền tự do đi lại trên biển và trên không, quản lý hệ thống tài chính quốc tế.
GS Ikenberry cho rằng đối với đa số các nước, nước Mỹ đang lãnh đạo một trật tự quốc tế có thể tiến hành thương lượng nội bộ. Trật tự này có ba đặc tính: bảo đảm lợi ích chung, ủng hộ các chính quyền mở cửa thương mại; dùng các quy tắc và tổ chức để vận hành sức mạnh; các nước nhỏ cũng có cơ hội phát ngôn như nhau. Nhà sử học Charles Maier gọi đó là “Đế chế kiểu thỏa hiệp” (Consensual Empire).
Nước Mỹ không thừa nhận mình là “đế quốc”, nhưng sự lãnh đạo (leadership) toàn cầu của nước Mỹ là một tồn tại thực tế. và cảm giác thực có từ sau Đại chiến II tới nay ấy lại càng bắt nguồn từ niềm tin của người khác. GS Ferguson mong muốn nước Mỹ có thể thừa nhận tư cách đế quốc của mình, vì điều đó có lợi cho việc nước Mỹ nhận rõ họ cần gánh vác trách nhiệm đạo đức.
Có lẽ vì không thừa nhận mình là đế quốc nên trong 7 năm qua cuộc chiến tranh chống khủng bố đã làm nước Mỹ nhanh chóng đánh mất tính lý tưởng, lòng tự tin và sự tín nhiệm của người khác. Nhiều người trên thế giới cho rằng nước Mỹ do Tổng thống Bush lãnh đạo đã biến thành “kẻ xâm lược” chỉ biết theo đuổi lợi ích và quyền lực của mình. Thảo nào ông Bush trở thành vị Tổng thống rời nhiệm sở ít được lòng dân nhất trong lịch sử nước này.
Sức mạnh khôn ngoan
Người đầu tiên (năm 2004) đề ra khái niệm Sức mạnh khôn ngoan (Smart Power) là Suzanne Nossel, trưởng điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Chief of Operations for Human Rights Watch). Bà đã ra sức phê bình thói đạo đức giả của chính phủ Bush. Bà nói chính sách ngoại giao của Bush con mang nhãn mác dân chủ và nhân quyền song thực tế lại là một chính sách đơn phương (unilateralism) có tính xâm lấn. “Một siêu cường không được người khác coi là dân chủ thì không thể được người ta tín nhiệm để đảm nhiệm chức trách kẻ bảo vệ chủ nghĩa tự do”.
Rõ ràng, bà muốn nói chính phủ Bush con thiếu sức mạnh khôn ngoan. Suzanne Nossel nhấn mạnh, nước Mỹ nên trở lại nguyên tắc chủ nghĩa quốc tế tự do (liberal internationalism), tìm kiếm lại sự tín nhiệm của thế giới đối với nước Mỹ, nên tuân theo chủ nghĩa lý tưởng của Woodrow Wilson để xây dựng trật tự thế giới. Cũng như ngày xưa khi lãnh đạo phe đối kháng với Liên Xô, bản thân sức mạnh của Mỹ chưa phải mãi mãi là sự lựa chọn tốt nhất, nước Mỹ nên tích cực dựa vào sức mạnh lý tưởng đạo đức để kêu gọi người khác tán thành mình, cùng cố gắng qua các tổ chức quốc tế giành lấy sự an toàn và tái lập sự lãnh đạo của nước Mỹ.
Thiết tưởng cũng nên nhắc lại rằng chủ nghĩa lý tưởng của Tổng thống Woodrow Wilson chỉ giúp ông được tặng giải Nobel Hòa bình 1919, chứ Quốc hội Mỹ thì phủ quyết mọi cố gắng của ông – do không muốn nước Mỹ dính dáng đến (nền hòa bình) châu Âu lắm rắc rối ở tít tận bên kia Đại Tây Dương nên họ bỏ phiếu phản đối nước Mỹ tham gia Hội Quốc Liên (League of Nations) do chính ông đề xuất – vì thế ông đã từ chức Tổng thống, còn Hội Quốc Liên không có Mỹ dĩ nhiên chẳng làm nên trò trống gì trong việc ngăn chặn chiến tranh thế giới lần thứ II. Chuyện ấy cách nay đã 90 năm, ngày ấy vượt Đại Tây Dương là cả một vấn đề về khoảng cách không gian và thời gian. Còn bây giờ vấn đề ấy không có gì ghê gớm lắm. Tên lửa vượt đại châu, máy bay siêu âm ... làm cho châu Mỹ và phần còn lại của thế giới đã quá gần nhau, người ta quen gọi cả thế giới chỉ là một cái làng. Nước Mỹ ngày nay không thể theo chủ nghĩa cô lập như ngày xưa nữa mà chủ động tham dự hầu như mọi công việc ở các châu lục khác.
Trong buổi điều trần tại Thượng viện hôm 13/1, bà Hillary Clinton khi trình bày ý tưởng ngoại giao trên cương vị Quốc vụ khanh đã không dưới mười lần nhắc tới khái niệm sức mạnh khôn ngoan. Bà nói nước Mỹ phải tăng cường sự lãnh đạo thế giới, xác định nước Mỹ là một sức mạnh chính diện trên thế giới này. Muốn thế nước Mỹ cần thêm bạn bớt thù, cùng nhau đối phó với mọi sự đe dọa và nắm chắc cơ hội. Bà nhấn mạnh, tuy sức mạnh quân sự là cần thiết nhưng đó chỉ là giải pháp cuối cùng; nước Mỹ sẽ tăng cường sử dụng các tổ chức quốc tế để hợp tác với các nước khác, tăng cường phát triển kinh tế, cùng giải quyết các tranh chấp. “Chúng ta phải cùng với mọi người mọi nước tìm kiếm các giá trị và mục đích tương đồng, có thế chúng ta mới có thể vượt qua thù hận, bạo lực, thất vọng và hỗn loạn.”
Đổi mới sự lãnh đạo của nước Mỹ (Renewing American Leadership) là tên một bài viết quan trọng của ông Obama trong dịp tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008. Tuy không dùng tới từ sức mạnh khôn ngoan nhưng ông viết: “Công việc của nước Mỹ là tạo ra sự lãnh đạo toàn cầu có thể cùng với nước khác phân hưởng sự an toàn và các giá trị. Ý tưởng của chúng ta là ở hy vọng, đây là lý do tại sao chúng ta có thể chiến thắng bọn khủng bố.” Dưới sự chủ trì của Joseph S. Nye (người đầu tiên đưa ra khái niệm sức mạnh mềm soft power) và Richard L. Armitage, từ năm 2006 Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Mỹ (CSIS) đã tiến hành nghiên cứu đặc biệt về sức mạnh khôn ngoan. Bản báo cáo nghiên cứu của CSIS viết: “Định nghĩa thắng lợi đã thay đổi. Thắng lợi quyết định ở chỗ có thể lôi kéo được bao nhiêu người đứng cùng mặt trận với mình và có thể giúp họ xây dựng một quốc gia dân chủ và có năng lực.”
Nói tóm lại, chính sách ngoại giao của Barack Obama sẽ trở về ý tưởng “dùng đạo đức để lôi kéo lòng người”, tìm lại uy tín lãnh đạo cho nước Mỹ. Bộ phim của Mitch Anderson đưa người xem đi tới kết luận: bất kể có là “Đế quốc” hoặc là “Thời đại không phân cực” (The Age of Nonpolarity) hay không, trật tự quốc tế giai đoạn hiện nay vẫn cần nước Mỹ tiếp tục lãnh đạo và bảo vệ – sự thật này không thể nghi ngờ.
Nguyễn Hải Hoành
Tổng hợp từ tư liệu các mạng
No comments:
Post a Comment