Friday, May 29, 2009

BÀI HỌC BHOPAL CHO BÔ-XIT TÂY NGUYÊN

Vấn đề giải quyềt thảm kịch công nghiệp
bài học bhopal cho bô-xít Tây Nguyên
Nguyễn Xuân Phước
Đăng ngày 29-5-2009
http://danchimviet.com/articles/1157/1/Vn--gii-quyt-thm-kch-cong-nghip---bai-hc-bhopal-cho-bo-xit-Tay-Nguyen/Page1.html
Lịch sử phát triển công nghiệp cận đại cho thấy những dự án công nghiệp lớn đều có những rủi ro gây thương tích hay thiệt mạng cho công nhân và người dân, cũng như thiệt hại về tài sản và môi trường.

Thế nhưng bản báo cáo của chính phủ gởi cho Quốc Hội về việc triển khai các dự án bô-xít ngày 22 tháng 5 năm 2009, các chuyên viên chính phủ không đưa ra một phương án nào để đối phó với tình trạng rủi ro công nghiệp. Việc triển khai những dự án công nghệ lớn mà không có những điều khoản nói về vấn đề nầy là một thiếu sót nghiêm trọng có thể gây thiệt hại to lớn cho công nhân và ngưòi dân khi sự cố công nghệ xảy ra.

Công trình xây cầu Cần Thơ chưa đưọc gọi là “chính sách lớn”, nhưng khi cầu sập thì VNexpress mô tả như sau trong bài tưòng thuật với tựa đề “
Sập cầu Cần Thơ, hàng chục người thiệt mạng”: sau 2 tiếng xảy ra sự cố vẫn còn vài chục công nhân bị kẹt trong các khối bê tông. Gần 100 người đã đưa đi cấp cứu ở Cần Thơ và Vĩnh Long. Hầu hết bị chấn thương đầu, gãy tay, chân.

Ngày 10 tháng giêng năm 2007 mưa lớn làm vỡ đê,
nước tràn vào mỏ bo-xít ở Brazil làm thiệt mạng hàng chục nhân mạng và hơn 8000 người bị màn trời chiếu đất.

Theo
số liệu chính thức của Trung Quốc số ngưòi chết liên quan đến việc khai thác mỏ than trong năm 2008 là 91 172, và số tai nạn xảy ra 506 000 vụ.

Hàng trăm hàng ngàn công trình với những tai nạn do người hay thiên tai gây ra đã và đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Do đó, mọi dự án đều phải có điều khoản qui định việc bồi thường cho nạn nhân để bảo vệ quyền lợi công nhân và người dân.

I. Phương án đối phó với rủi ro công nghiệp

Tai nạn công nghiệp có thể xảy ra ở qui mô nhỏ với vài ba thương vong, nhưng có thể xảy ra ở qui mô lớn với hàng trăm ngàn thương vong. Một tại nạn công nghiệp xảy ra ở qui mô lớn như thế trở thành thảm kịch công nghiệp. Trong bối cảnh đó, một công trình công nghệ khai thác mỏ hoành tráng như Bô-xit Tây Nguyên chắc chắn cũng không thoát ra khỏi những rủi ro công nghiệp.
Khi rủi ro xảy ra, ngưòi dân không cần biết một dự án đầu tư là chính sách lớn của nhà nước, của đảng hay của một tập đoàn kinh doanh nào. Ngưòi dân quan tâm đến sự đền bù thoả đáng khi tình huống không may xảy ra cho họ. Khả năng đền bù thiệt hại nhân mạng và tài sản khi rủi ro xảy ra là vấn đề ảnh huởng trực tiếp đến quyền lợi của ngưòi dân.
Do đó, dự án đầu tư phải có phương án đền bù cho nạn nhân về những thiệt hại do thảm kịch công nghiệp gây ra. Ngoài vấn đề dự án đòi hỏi khả năng kỹ thuật cao cấp để quản lý công trình, dự án đầu tư phải có ngân sách dự trữ cũng như hợp đồng bảo hiểm xuyên quốc gia với những công ty bảo hiểm lớn uy tín để có khả năng tài chánh ứng phó với những rủi ro có qui mô lớn.

II. Bài học Bhopal

Với quan tâm đó, chúng ta cần xem lại khả năng ứng phó với rủi ro công nghệ của dự án Bô-xít Tây Nguyên xuyên qua bài học về
thảm hoạ công nghiệp tại nhà máy làm thuốc trừ sâu tại Bhopal, Ấn Độ.
Thảm hoạ Bhopal là một thảm kịch công nghiệp đã diễn ra tại nhà máy làm thuốc trừ sâu ở thành phố Bhopal, Ấn Độ. Nhà máy nầy do công ty Union Carbide của Hoa Kỳ đầu tư. Ngày 3 tháng mười hai năm 1984, nhà máy bị sự cố công nghiệp và đã thải ra 42 tấn ga độc hại methyl isocyanate (MIC) vào môi trường, làm cho 500.000 người bị nhiễm độc. Số ngưòi chết được chính quyền ước tính là 2.259. Tuy nhiên con số ước lượng của báo chí là 8.000 - 10.000 chết trong vòng 72 giờ. Từ đó người ta ước tính rằng có thêm
25.000 người chết do liên quan đến bệnh tật do sự nhiễm độc gây ra.
Sau khi sự cố công nghiệp xảy ra Ấn độ phải huy động toàn lực xã hội và viện trợ của quốc tế để giải quyết vấn đề cấp cứu cho số lượng nạn nhân khổng lồ.
Tiếp theo đó, các luật sư Hoa Kỳ và Ấn Độ bắt tay vào việc kiện công ty Union Carbide vì sơ suất trong việc đièu hành nhà máy. Các luật sư Hoa Kỳ là bay qua Ấn Độ để ký kết hợp đồng đại diện pháp lý với các nạn nhân để kiện Union Carbide đòi bồi thưòng nhân mạng và thương tích. Sự thể nầy đã mở ra một chiến pháp lý ới những đơn kiện nạp tới tấp đến toà án liên bang Hoa Kỳ, và toà án Ấn Độ. Vụ kiện nầy trở thành một vụ kiện lớn nhất thế giới, với những vấn đề phức tạp vì sự mâu thuẩn pháp lý giữa luật Ấn Độ và luật Hoa Kỳ. Chính qưyền Ấn Độ sau đó tước quyền khiếu kiện của nạn nhân và tuyên bố là chính quyền là thực thể duy nhất đại diện cho toàn thể nạn nhân đứng đơn. Vụ kiện kéo dài 7 năm và được kết thúc với số tiền bồi thường là 450 triệu đô cho các nạn nhân.

Các tổ chức pháp lý vô vụ lợi và nạn nhân đã tố giác chính quyền Ấn Độ đã tiếp tay với Union Carbide để giảm thiểu số tiền bồi thường. Những vấn đề được nêu ra là:
1. Ước lượng con số nạn nhân không chính xác. Chính quyền Ấn Độ và Union Cabide ước lượng con số nạn nhân là 40,000 người. Con số nầy chỉ bằng 1/10 con số ước lượng của giới truyền thông.
2. Tiền nuôi dưỡng những ngưòi tàn tật lâu dài không được tính đến trong hồ sơ kết thúc vụ án. Hậu quả là chính quyền Ấn Độ phải nuôi dưỡng những người nầy. Theo quan điểm của nạn nhân thì sự cấp dưỡng của chính quyền Ấn Độ không thể bằng sự cấp dưỡng của một công ty Hoa Kỳ.
3. Hơn 250,000 đơn kiện của các nạn nhân không được xem xét. Những ngưòi nầy bị coi như không bao giờ đưọc bồi thưòng.

III. Một số bài học từ Bhopal cho Tây Nguyên

Vì rủi ro công nghiệp rất khó có thể tránh được đối với dự án lớn như bô-xít, cho nên khi ký kết dự án chính quyền cần cân nhắc những phương án giải quyết rủi ro nầy. Một số vấn đề đưọc đặt ra như sau:

1. Thứ nhất là phải liệt kê những rủi ro công nghiệp có thể xảy ra cho một dự án có tính cách nguy hiểm như việc khai thác bô-xít. Rủi ro có thể do con ngưòi gây ra như vấn đề ô nhiểm môi trường vì thiếu quản lý chất thải, hoặc do thiên tai gây ra như lũ lụt ngay tại vùng mõ quặng hay vì vấn đề mất rừng cản lũ xuống vùng thấp.

2. Thứ hai là phải có phương án đối phó khẩn cấp và giải quyết những khó khăn khi thảm kịch công nghiệp xảy ra. Phưong án giải quyết cần có những yếu tố sau:
a) Dự kiến số lượng nạn nhân và thiệt hại môi trường
b) Dự kiến tài chánh dự trữ để giải quyết khẩn cấp vấn để cứu cấp nạn nhân.
c) Dự kiến số lượng phương tiện cứu cấp: nhà thương, bác sĩ, ý tá, nhân công, dụng cụ y khoa v.v.
d) Phải dự kiến tiền bồi thưòng cho mỗi nạn nhân. Tiền bồi thưòng cho nạn nhân và cho từng rủi ro sẽ đưọc qui định trong hợp đồng bảo hiểm. Cần ký hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm rủi ro công nghiệp có uy tín. Nếu trong trường hợp rủi ro hợp xảy ra thì bồi thưòng cho mỗi nạn nhân là bao nhiêu tiền và tiền bồi thường cho mỗi một rủi ro tối đa là bao nhiêu. Tránh bảo hiểm với các công ty bảo hiểm nhỏ vì những công ty nầy có thể bị phá sản khi sự cố công nghiệp có tầm cở lớn xảy ra.
e) Phải ấn định thời gian giải quyết cho những tranh chấp xảy ra. 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm chứ không thể để vụ kiện kéo quá dài. Một vụ kiện càng kéo dài càng có lợi cho bên bị kiện. Nếu không giải quyết trong vòng thời hạn ấn định thì bên gây ra tai nạn phải bồi thưòng cho nạn nhân mỗi ngày là bao nhiêu tiền cho đến khi vụ kiện có quyết định chung thẩm.
f) Khi xảy ra rủi ro ai sẽ là ngưòi đại diện pháp lý cho nạn nhân: Đảng Cộng Sản Việt Nam, hay chính quyền Việt Nam hay luật sư được nạn nhân tự thuê mướn.
g) Ai sẽ là thực thể chịu trách nhiệm rủi ro công nghiệp và là thực thể nhận đơn kiện: chủ đầu tư Trung Quốc, đối tác Việt Nam, đảng CS Trung Quốc hay đảng CS Việt Nam?
h) Phương thức gởi trát toà đến bị cáo: đưa bằng tay, bằng thư bảo đảm, hay bằng cách đăng công báo?
i) Toà án nào có khả năng thụ lý đơn kiện của nạn nhân.

IV. Kết Luận

Tóm lại, rủi ro công nghiệp có thể trở thành một thảm hoạ cho con người, gia đình và đất nước. Nó có thể xảy ra cho bất cứ dự án nào. Số người chết, dù lên hàng chục ngàn người như thảm hoạ Bhopal, Chernobyl hay lên gần 100.000 người như các vụ tai nạn quặng mỏ ở Trung quốc, hay chỉ có vài chục mạng người như vụ sập cầu Cần Thơ đều là những bài học về rủi ro công nghệ quí báu cho những nhà làm chính sách. Sau thảm kịch Bhopal các dự án công nghệ đều phải tính toán sự rủi ro có thể xảy ra và dự kiến sự bồi thường thiệt hại về nhân mạng và tài sản cho nạn nhân.

Dự án Bô-xít Tây Nguyên nếu đã được khẳng định là “chính sách lớn” thì không thể bỏ qua yếu tố rủi ro công nghiệp. Sự thiếu tính toán rủi ro công nghệ, như là một thiệt hại quyền lợi chung của xã hội, chỉ có thể xảy ra vì quyền lợi riêng của những ngưòi liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với dự án.

Đối với người dân, sự thể rủi ro công nghiệp không được cân nhắc đến trong báo cáo dự án bô-xít Tây Nguyên của chính phủ với quốc hội làm cho nhân dân suy nghĩ về thân phận con giun cái kiến của con người sống trong một thời đại mà sinh mạng của con người bị coi quá nhỏ trong một chính sách quá lớn của nhà nước.

Dallas, Texas

No comments:

Post a Comment