Saturday, April 25, 2009

VỀ CÁC NỀN DÂN CHỦ ĐÔNG NAM Á

Thái Lan, Nam Dương và Mã Lai: Vài bài học
Nguyễn Huy Đức
Đăng ngày 24/04/2009 lúc 00:00:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3710
Trong tháng 4 vừa qua đã có ít nhất hai dữ kiện đáng được chú ý. Cả hai đều xẩy ra tại Đông Nam Á. Thứ nhất, cuộc tổng tuyển cử tại Nam Dương đã diễn ra trong bầu không khí nhộn nhịp và tương đối vui tươi. Dữ kiện thứ hai, đáng lo ngại hơn, là cuộc đối đầu với chính phủ Thái của giới ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Nếu thêm vào đó kết quả của cuộc bầu cử tại Mã Lai (vào tháng 3.2009), có thể đưa ra một số nhận định về tình hình dân chủ tại Á Châu và nhất là những điều kiện cần có để tạo mội trường thuận lợi cho phong trào dân chủ hoá khu vực.

Mười hai năm, nhìn lạiVào cuối thập niên 1990, khi cơn khủng hoảng tiền tệ bùng nổ tại Đông Nam Á, nhiều quan sát viên đã nhìn vào Mã Lai, Thái Lan và Nam Dương với con mắt lo ngại nhưng tràn đầy hy vọng. Khủng hoảng đã xuất phát từ ba quốc gia trên và có chung một nguyên nhân: Mô hình tư bản bè phái và những lạm dụng, ô dù và bao che. Mối liên minh giữa quyền lực và tài lực này đã bóp méo thị trường. Nó lũng đoạn kỹ nghệ tài chánh. Nó đục khoét nền kinh tế quốc dân qua những tập đoàn khổng lồ với tầm hoạt động vô hạn chế. Cuối cùng nó đem lại khủng hoảng trầm trọng cho cả khu vực.
Tuy nhiên khủng hoảng tài chánh Á Châu cũng đã chứng minh một điều: Các chế độ độc tài, quân phiệt không thể tiếp tục như trước đây. Trong tình hình này, mọi con mắt đã hướng về Mã Lai với nhiều câu hỏi. Lúc đó rạn nứt đang nẩy nở trong hàng ngũ của đảng cầm quyền (UMNO – United Malays National Organisation). Hiện tượng “tự tách” của đảng UMNO có nhiều xác suất xảy ra. Nó sẽ dọn đường cho dân chủ.
Về phần Nam Dương, hầu hết các quan sát viên đã kết luận rằng sẽ không nhiều hy vọng thoát khỏi khủng hoảng và nhất là chế độ gia đình trị Suharto. Trầm trọng hơn nữa, khủng hoảng tài chánh năm 1997 đã đem lại nhiều bạo loạn: Máu đã đổ và chính sách bài Hoa đã một lần nữa được đem ra để sách động dân chúng.
Riêng Thái Lan, gần như có một đồng thuận rộng lớn cho rằng Vương quốc này có nhiều hy vọng phục hồi nhất: Đất nước này đang từng bước thoát khỏi độc tài quân phiệt và đang tiến nhanh vào quỹ đạo dân chủ. Giữa những tháng ngày đen tối nhất của cơn khủng hoảng tiền tệ 1997, xuất hiện Phó Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông đã đứng ra thành lập đảng Thai Rak Thai (TRT) và dẫn dắt TRT đến thắng lợi vào năm 2001. Ngay cả những địch thủ không đội trời chung cũng phải nhìn nhận rằng ông Thaksin đã khá thành công trong cương vị Thủ tướng. Trong suốt những năm tháng cầm quyền, ông đã đưa Thái Lan đi sâu vào quỹ đạo dân chủ, ổn định và phát triển. Đáng chú ý hơn nữa, chính phủ Thaksin đã thiết lập được một hệ thống an sinh xã hội, đã quy định mức lương tối thiểu cho công nhân. Ở đâu đó, chính phủ Thaksin đã thiết lập nền tảng cho nền tiêu thụ nội địa, một yếu tố quan trọng trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu hiện nay.
Dĩ nhiên, không phải tất cả đều hoàn hảo: Phản ứng thô bạo của chính quyền đối với người Hồi tại nam Thái Lan, chính sách bè phái trong kinh doanh, hành vi mua chuộc cử tri v.v… đã gây ra nhiều bất bình trong giới trung lưu, phần đông tự cho là trí thức và thường có nhiều thiện cảm hơn với đảng Dân Chủ Thái (ĐDC). Tầng lớp này đã nuôi hy vọng đánh bại ông Thaksin và TRT trong đợt bầu cử năm 2005.

Nhu cầu hoà giải tại Vương quốc Thái


Nhưng kết quả đã trái ngược hẳn với những gì họ mong muốn: Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2005, TRT giành được 400 trên 500 ghế. ĐDC chỉ có được 80 !
Như mọi thất bại ê chề, nó đã khiến cho những phần tử chống đối chính quyền Thaksin trở nên cực đoan hơn. Thái độ chống Thaksin “tới chiều” đã thai nghén ra những cuộc tuần hành, xuống đường. Rối loạn đã manh nha rồi bộc phát vào thời điểm này. Nó mở đường cho quân đội trở lại chính trường và lật đổ chính quyền dân sự. Điều đáng ghi nhận là từ khi cuộc đảo chính lật đổ Thaksin thành công, Thái Lan đã đi vào một giai đoạn triền miên bất ổn. Giữa phần tử chống đối cựu Thủ tướng (phe Áo Vàng) và những người ủng hộ ông (phe Áo Đỏ), nhiều cuộc biểu tình, mít tinh, ẩu đả, phong toả để tạo áp lực lên chính quyền đã trở thành cơm bữa.
Nền dân chủ Thái, một thời được xem như biểu tượng và tấm gương cho Đông Nam Á, đang đi vào bế tắc. Lý do chính: Xã hội Thái đã không tìm được đồng thuận căn bản để hài hoà phát triển đất nước. Đồng thuận đã không có được chỉ vì khái niệm hoà giải và hoà hợp dân tộc đã hoàn toàn vắng mặt trong mọi cố gắng quản lý quốc gia. Thật vậy, quá trình phát triển kinh tế đã nẩy sinh một tầng lớp xã hội mới, có trình độ kỹ thuật cao và đã làm giầu thật nhanh. Có thể nói rằng, dù không không cố ý, người đại diện cho tầng lớp này là cựu Thủ tướng Thaksin. Đối mặt với thành phần xã hội này là giai cấp thương nhân, tiểu tư sản và giới thượng lưu. Họ ngày càng lo ngại trước những chuyển biến sâu rộng của xã hội đang làm mất đi chỗ đứng của họ.
Sai lầm lớn của chính quyền Thaksin là đã không nhận diện ra hiện tượng này. Không nhận thức được vấn nạn trên, chính giới Thái đã không biết toàn dụng khái niệm hoà giải để xoa dịu những căng thẳng giữa các thành tố xã hội. Với thời gian vấn đề này đã phát triển và biến thành chia rẽ dân tộc.
Mọi yếu tố đã được quy tụ để châm ngòi cho xung đột.
Cảm thấy bị bỏ rơi, giới tiểu tư sản và thượng lưu đã nhắm vào thủ phạm của số phận họ để đánh phá. Vừa trưởng thành, giai cấp kỹ năng cảm nhận rằng chính mình bị lấn ép khi chính quyền Thaksin bị lật đổ. Họ đã liên kết với người dân quê, đã được chính quyền Thaksin tận tình giúp đỡ, để trả đũa. Cứ như vậy, không bên nào chịu nhượng bộ. Tương lai sẽ rất u ám nếu Thủ tướng đương nhiệm, ông Abhisit, và ông Thaksin không tìm cách gặp nhau để thương thuyết. Trong ngắn hạn và để thoát khỏi ngõ cụt, có lẽ giải pháp khả thi nhất cho Thái Lan vẫn là một chính phủ liên hiệp. Chính phủ này cần cấp tốc soạn thảo một bộ luật cùng một chính sách hoà giải để hoà hợp dân tộc và chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử tương lai. Đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ nền dân chủ non trẻ và để đa nguyên tại Thái Lan được duy trì. Bằng không, chắc chắn tương lai của Thái Lan sẽ không sáng sủa hơn người láng giềng phiá nam.

Văn hoá tổ chức cho đối lập Mã Lai

Thật vậy, tại Mã Lai, đảng UMNO đã độc quyền quản lý đất nước trong suốt 52 năm qua. Dựa vào những gì mà cựu Thủ tướng Mahathir xem như giá trị Á Châu, đảng UMNO đã lên án và bác bỏ những tập quán chính trị được xem là dân chủ Tây phương. Tệ hơn nữa, chính quyền UMNO đã áp dụng chính sách phân biệt đối xử dựa vào căn bản chủng tộc: Họ dành ưu tiên cho người gốc Ma Lý và hạn chế khả năng phát triển của một công dân nếu người này thuộc gốc Hoa hay Ấn Độ.
Với những chính sách phản tiến bộ tương tự, đảng UMNO vẫn ngang nhiên cầm quyền. Họ gần như không gặp phải một sự phản kháng có trọng lượng nào. Ngay khi Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim đã lên tiếng chỉ trích đảng UMNO và tuyên bố ly khai vào năm 1997, chính quyền độc tài Mã Lai cũng chẳng lung lay. Hiện tượng “tự vỡ” của đảng UMNO, mở đường cho dân chủ hoá, đã không xẩy ra như nhiều người đã mong chờ. Ngược lại, Thủ tướng Mahathir đã thẳng tay đàn áp và bỏ tù Phó Thủ tướng Ibrahim, người đã từng được xem sẽ kế vị ông.
Thế rồi mọi việc lại đâu vào đó: Đảng UMNO vẫn ung dung độc quyền trị vì đất nước.
Mãi đến tháng 3. 2009 vừa qua, với những thất bại chồng chất và tình hình kinh tế khó khăn, Thủ tướng Badawi, người thay thế ông Mahathir, mới đành quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử. Trong tình trạng cực kỳ khó khăn cho đảng cầm quyền, phe đối lập chỉ giành được hơn một phần ba số phiếu. Đảng UMNO vẫn chiếm đại đa số (140 trên 222 ghế) và cầm quyền mặc dù họ đã vấp phải vô số sai lầm và mặc dù nhân sự lãnh đạo của UMNO đã chứng tỏ sự thấp kém về khả năng quản lý quốc gia.
Với kết quả bầu cử khiêm tốn như vậy, phe đối lập đã viện cớ rằng đảng cầm quyền đã đe dọa và tạo nhiều áp lực lên cử tri. Họ cũng lên tiếng cho rằng gian lận đã là biện pháp để đảng UMNO có thể trấn áp sức mạnh của đối lập. Tất cả chỉ là nguỵ biện ! Thật ra, yếu kém cơ bản của đối lập Mã Lai vẫn là sự thiếu vắng của văn hoá tổ chức. Sau 52 năm độc lập, các nhóm, các phe phái đối lập chưa có được một tổ chức nào đúng nghĩa: Đảng Dân chủ Mã Lai chỉ là một tổ chức chuyên bảo vệ những quyền lợi của người gốc Hoa. Đảng Islam Sa-Malaysia chỉ bảo vệ cho sự chính thống của đạo Hồi tại Mã Lai. Gần đây mới có được Đảng Công Lý Vì Dân (ĐCLVD) với mức ảnh hưởng lan rộng hơn. Tuy nhiên, tất cả các đảng phái đối lập trên vẫn bị chi phối bởi chia rẽ và bởi quyền lợi ích kỷ. Cho đến nay, chưa có tổ chức nào đã gầy dựng được tầng lớp cán bộ nòng cốt với một kỷ luật tối thiểu và một cương lĩnh có thể thu hút được nhân tâm. Đi xa hơn, họ chưa hiểu rằng, muốn đánh bại đảng cầm quyền, cần tập hợp mọi tổ chức trong một mặt trận dân chủ có thực lực, có lớp lang và có thành phần lãnh đạo. Nói tóm lại: Có tổ chức.
Một khi chưa có được văn hoá tổ chức và chưa trải qua giai đoạn kết hợp, đối lập Mã Lai sẽ không làm gì được đảng UMNO. Chính quyền độc tài Mã Lai vẫn “vững như bàn thạch” .

Đa nguyên và tản quyền: Mầu nhiệm của Nam Dương

Một cách nghịch lý, Nam Dương với đợt tổng tuyển cử vừa qua đã trỗi dậy như một quốc gia dân chủ có tầm vóc tại Đông Nam Á. Hiện tượng này đã đem lại nhiều ngạc nghiên thú vị cho những chuyên gia khu vực. Tuy nhiên, suy cho cùng thì thành quả mà Nam Dương vừa gặt hái được có thể tóm tắt trong hai khái niệm nền tảng: Đa nguyên và tản quyền.
Khi nền dân chủ Nam Dương tái sinh, đã có hơn 50 đảng chính trị được thành lập. Hiện tượng này đã khiến nhiều người tỏ ra quan ngại. Ngay trong cuộc bầu cử vừa qua, đã có gần 40 đảng đứng ra tranh cử. Nhưng đây không là một yếu tố khiến nền dân chủ non trẻ Nam Dương trở nên yếu đuối vì bất ổn. Thật vậy, ngoài một vài trường hợp lẻ loi tại vùng Aceh, cuộc đầu phiếu trên hơn 900 hòn đảo thuộc Nam Dương đã diễn ra trong bầu không khí tươi vui, hồ hởi nhưng không thiếu vắng nề nếp và kỷ cương. Tuy còn phải đợi đến tháng 5 mới có được kết quả chính thức, những ước tính đã cho thấy rằng, trên 38 đảng phái chính trị, chỉ có 4 đảng lớn đã nắm hơn 56% tỷ lệ cử tri: đảng Dân Chủ của đương kim Tổng thống Yudhoyono (20%); đảng Dân Chủ & Đấu Tranh của cựu Tổng thống, bà Sukarnoputri (14%); đảng Golkar một thời hậu thuẫn gia đình Suharto (14%); đảng Phồn Vinh & Công Lý, một đảng quy tụ những thành phần Hồi giáo (7%).
Cuộc tổng tuyển cử tại Nam Dương lần này đã trở thành một biểu tượng để phản bác những luận điệu cho rằng đa đảng sẽ đem lại hỗn loạn.
Đi xa hơn, đa nguyên tại Nam Dương không chỉ được khuyến khích trong khuôn khổ chính trị. Nó được nâng đỡ trong mọi khiá cạnh của đời sống, nhất là trong đời sống thông tin và báo chí. Hệ lụy của tinh thần đa nguyên này là giới nhà báo luôn có quyền chỉ trích và tố cáo mọi lạm dụng của chính quyền mà không sợ bị truy tố và xử lý theo hình luật. Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng chưa có quốc gia Đông Nam Á nào đã có quyết tâm đánh bại tham nhũng như Nam Dương trong những năm qua: Ngay khi đảng của Tổng thống Yudhoyono đã giành được thắng lợi, người suôi gia của ông đang bị truy tố vì hành vi lạm quyền và tham nhũng khi còn là Phó Thống đốc Ngân hàng Trung Ương. Những hành vi này đã được báo chí phanh phui và đem ra ánh sáng dư luận.
Song song đó, vì nhu cầu địa lý, Nam Dương cũng đã chấp nhận nguyên tắc tản quyền. Một lần nữa và ngược lại với những e ngại ban đầu, hiện tượng cách ly hay xé lẻ đất nước đã không xảy ra. Hơn thế nữa, chính sách tản quyền đã góp phần quan trọng để củng cố nền dân chủ Nam Dương. Nhờ vào tản quyền, các đảng phái có màu sắc Hồi giáo đã có dịp tranh cử và tham chính tại các hội đồng vùng, hội đồng tỉnh. Thành viên của họ đã phải đương đầu với thực tế hàng ngày của người dân. Chính trong quá trình lăn lộn với thực tế, những nguyên tắc bất di bất dịch thuở ban đầu đã trở nên mềm mỏng hơn để uyển chuyển đi vào thực dụng. Sau hơn một thập kỉ dân chủ, hơn 40% cuộc tranh cử ở cấp địa phương đã chứng kiến một sự hợp tác nhịp nhàng giữa các đảng phái chủ trương thần quyền và một số đảng nghiêng về thế quyền. Vào thời điểm mà nhiều quốc gia phải đương đầu với các hệ phái Hồi Giáo cực đoan, thành công ở Nam Dương là một bằng chứng cho thấy sức mạnh của tản quyền.
Trên phương diện tâm lý, tản quyền còn làm dịu đi những xung đột chính trị nhất thời giữa các đảng phái. Kết quả của tổng tuyển cử Nam Dương cho thấy gần 40% số cử tri bầu cho các đảng nhỏ sẽ không có tiếng nói đáng kể nào tại Quốc hội. Hiện tượng này đang và sẽ gây ra nhiều bực tức và tranh tụng. Tuy nhiên sẽ không có thái độ một mất một còn nào với chính quyền trung ương. Lý do dễ hiểu: Các đảng phái nhỏ thừa hiểu rằng họ vẫn có tiếng nói ở cấp địa phương và đây mới là quan trọng.
Cuối cùng tản quyền cũng đang âm thầm làm một việc tối cần thiết cho tương lai dân chủ Nam Dương. Quốc gia nào cũng cần một tầng lớp chính trị gia năng động nhưng từng trải và có trách nhiệm. Kinh nghiệm này học hỏi ở đâu, ngoại trừ ở cấp địa phương nơi mà những chính trị gia non trẻ xuất thân và bước đầu dấn thân? Chỉ có tản quyền mới tạo cơ hội tốt cho giới lãnh đạo ngày mai có dịp dùi mài, thao dượt ở các địa phương trước khi nắm lấy vận mệnh của đất nước.
Ở khâu này, có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng, tại các quốc gia thực thi tản quyền, tầng lớp chính giới lúc nào cũng sành sõi và có phản ứng thích đáng hơn các chính trị gia xuất thân từ các chế độ tập quyền. Nam Dương đã là một bằng chứng cho thấy phép mầu của tản quyền. Thế hệ chính trị gia Nam Dương trong tương lai chắc chắn sẽ là biểu tượng sống của sự vượt trội của nó.

Nguyễn Huy Đức
(Paris)

© Thông Luận 2009


No comments:

Post a Comment