Saturday, April 25, 2009

RA MẮT SÁCH "HOÀNG SA KHÔNG THỂ NHƯỢNG QUYỀN CỦA VIỆT NAM"

Sắp ra mắt Quần đảo Hoàng Sa không thể nhượng quyền của VN
Thứ Sáu, 24/04/2009, 08:11 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=312750&ChannelID=10
TT - Sau hơn 10 năm ấp ủ và tám tháng miệt mài chấp bút, đầu tháng 3-2009, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương đã hoàn tất bản thảo dày 400 trang nhan đề Quần đảo Hoàng Sa không thể nhượng quyền của VN.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương, đây là cuốn sách được viết dưới dạng tổng hợp được trích dẫn từ 150 nguồn tài liệu quý hiếm trên khắp thế giới nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Suốt 10 năm qua, tôi đã đi gõ cửa khắp các trung tâm lưu trữ, thư viện quốc gia cũng như Cục Lưu trữ của Bộ Ngoại giao để có được những tư liệu quý về Hoàng Sa và Trường Sa. Trong số 150 tài liệu thu thập được, có 26 tài liệu viết bằng tiếng Pháp được coi là hiếm với những minh chứng cho thấy Hoàng Sa hoàn toàn của VN kể từ thời chúa Nguyễn” - ông Tương cho biết.

Quần đảo Hoàng Sa không thể nhượng quyền của VN là cuốn sách được viết theo đơn đặt hàng của chính quyền TP Đà Nẵng - đơn vị quản lý trực tiếp huyện đảo Hoàng Sa. Theo đó, sách được phân thành 17 chương cụ thể, rõ ràng như: Quần đảo Hoàng Sa - huyện đảo của VN, Những đặc điểm địa lý của quần đảo Hoàng Sa, Tài nguyên thiên nhiên của quần đảo Hoàng Sa, Các di tích và bất động sản trên quần đảo Hoàng Sa...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương cho biết cuốn sách trên đã được bốn đơn vị gồm Sở Khoa học - công nghệ, Sở Nội vụ, Hội Khoa học lịch sử TP và Thành ủy Đà Nẵng thẩm định đánh giá về độ chính xác. Cuối tháng 3-2009, cuốn sách đã được chính quyền TP Đà Nẵng đồng ý cấp phép cho xuất bản và dự kiến ấn hành vào tháng 5.

Đ.NAM

Đà Nẵng: Dạy chính khóa về lịch sử Hoàng Sa
TẤN VŨ
24-04-2009 23:30:46 GMT +7
http://www.phapluattp.vn/news/giao-duc/view.aspx?news_id=251087
Nằm trong kế hoạch triển khai thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, hôm nay (25-4), chính quyền TP Đà Nẵng chính thức tổ chức lễ công bố các quyết định bổ nhiệm chủ tịch UBND đối với tám quận, huyện của TP. Tin từ UBND TP Đà Nẵng cho biết dự kiến ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, được bổ nhiệm kiêm nhiệm vị trí chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa.

Sẽ có bộ máy chuyên trách

Ông Đặng Công Ngữ cho biết lâu nay hầu hết số cán bộ Sở Nội vụ phải kiêm nhiệm việc của UBND huyện đảo Hoàng Sa. Lần này, sau khi bổ nhiệm chủ tịch huyện, chính quyền UBND huyện đảo Hoàng Sa sẽ được kiện toàn bộ máy cán bộ chuyên trách về mọi lĩnh vực. Đặc biệt, chính quyền mới của huyện sẽ cùng Sở Nội vụ xúc tiến xây dựng trụ sở UBND huyện đảo Hoàng Sa, dự kiến đặt tại bán đảo Sơn Trà.

Cũng theo ông Ngữ, ngoài việc xây dựng trụ sở làm việc và bộ máy chính quyền chuyên trách, bảo tàng Hoàng Sa cũng sẽ được xây dựng để tiện trưng bày, giới thiệu kỹ về Hoàng Sa cho đông đảo nhân dân được biết. Hiện nay, tại một góc của Bảo tàng lịch sử Đà Nẵng và Cơ quan thường trú UBND huyện đảo Hoàng Sa, hơn 500 hiện vật, sách báo, thư tịch và nhiều tư liệu quý đang được lưu giữ.
“Chúng ta phải luôn luôn nhắc nhở cho thế hệ mai sau hiểu rằng Hoàng Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Chúng ta sẽ đấu tranh bằng con đường ngoại giao, bằng tất cả những chứng cứ chúng ta có để khẳng định với thế giới rằng điều đó là hiển nhiên. Một trăm hay nhiều trăm năm sau vẫn vậy!” - ông Ngữ nhấn mạnh.

Hoàng Sa cho mai sau

Hôm qua (24-4), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Văn Hoa - Giám đốc Sở Giáo dục TP Đà Nẵng cho biết việc giáo dục lịch sử, địa lý, văn hóa về Hoàng Sa sẽ chính thức được đưa vào giảng dạy chính khóa trong trường học từ đầu năm học 2009-2010. Theo ông Hoa, việc đưa các chương trình giáo dục văn học, văn hóa, lịch sử, địa lý địa phương vào dạy chính khóa là thực hiện chủ trương lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Hoa còn cho biết sẽ phối hợp với chính quyền huyện đảo Hoàng Sa, Sở Nội vụ để tạo điều kiện cho ngành giáo dục địa phương tổ chức đưa các đoàn giáo viên, học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về Hoàng Sa tại trụ sở UBND huyện và Bảo tàng Hoàng Sa; tổ chức các buổi học lịch sử ngoại khóa, nghe các nhân chứng sống nói chuyện về Hoàng Sa...

Trước đó, ngày 20-4, chính quyền UBND huyện đảo Hoàng Sa đã tổ chức cuộc họp mặt với những công dân sống và làm việc tại Hoàng Sa từ trước năm 1974. Tại đây, ông Đặng Công Ngữ đã kêu gọi sự cộng tác của các nhân chứng trong việc sưu tầm, tìm kiếm những tư liệu, thông tin về Hoàng Sa. Ông Ngữ cho biết huyện đang nỗ lực để sớm in cuốn kỷ yếu đầu tiên của huyện đảo Hoàng Sa. Sau cuộc họp mặt nói trên, có ít nhất năm nhân chứng khác từng sống ở Hoàng Sa đã liên lạc với Sở Nội vụ.

“Tư liệu về Hoàng Sa không những qua tranh ảnh, bản đồ, sử sách mà còn phải có những “tư liệu sống” vô cùng quan trọng, đó là con người. Các nhân chứng, tiếng nói, lời kể của họ cũng là những bằng chứng lịch sử quan trọng cho con cháu đời sau” - ông Ngữ nói.

Các nhân chứng đã từng sống và làm việc tại Hoàng Sa trong dịp gặp mặt tại trụ sở Hoàng Sa, TP Đà Nẵng
http://www.phapluattp.vn/img/24-04-2009/5-chot.jpg


No comments:

Post a Comment