Saturday, April 25, 2009

Công nghệ Trung Quốc!
25/04/2009 06:58 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6791/index.aspx
(TuanVietNam) - Hiện nay, TKV đang tiếp tục hợp tác với các nhà đầu tư Trung Quốc để triển khai những dự án khai thác và chế biến khoáng sản khác, trong đó có các dự án khai thác bauxite và sản xuất alumina. Công ty Trung Quốc sẽ cung cấp toàn bộ dây chuyền thiết bị và công nghệ.

Nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng, thuộc tổ hợp Sin Quyền, được tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV) khởi công xây dựng vào thời điểm giá đồng thỏi trên thị trường thế giới đang sốt. Khi ấy, nhiều doanh nghiệp sản xuất dây và cáp điện đã hy vọng, nhà máy ra đời sẽ tạo nguồn cung đồng ổn định, giảm bớt sự lệ thuộc vào bên ngoài.
Tuy nhiên, kỳ vọng đó đã không được đáp ứng. Đồng của Tằng Loỏng sản xuất gần như chỉ để xuất khẩu sang Trung Quốc với giá thấp, còn doanh nghiệp sản xuất dây và cáp điện Việt Nam thì tiếp tục phải nhập đồng của các nước khác.
Kinh phí xây dựng nhà máy luyện đồng này tới gần 1.000 tỉ đồng và toàn bộ dây chuyền thiết bị cũng như công nghệ do Công ty cổ phần Kim loại màu Bắc Kinh cung cấp. Theo chủ đầu tư, công nghệ luyện đồng sử dụng cho dự án này là mới nhất của Trung Quốc. Thế nhưng, sản phẩm của nhà máy sản xuất ra chỉ đạt độ tinh khiết 99,96%, trong khi tiêu chuẩn đối với đồng nguyên liệu để làm dây, cáp điện của thế giới là phải đạt tối thiểu 99,99%.
Ngoài ra, công nghệ này còn gây lãng phí lớn với tỷ lệ đồng bị thất thoát trong quá trình tinh luyện quá cao, lên đến 7%, thay vì chỉ 1% như yêu cầu trong thiết kế kỹ thuật.

Công nghệ và thiết bị của Trung Quốc có ưu điểm là giá rẻ, suất đầu tư ban đầu thấp, nên được nhiều công ty Việt Nam ưa chuộng.
Tuy nhiên, khi cân nhắc việc lựa chọn thiết bị và công nghệ cho các dự án, nhất là đối với các công trình quan trọng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư, không nên đặt nặng vấn đề chi phí đầu tư ban đầu, mà cần xem xét đến yếu tố hiệu quả cuối cùng.
Việc chọn thiết bị, công nghệ giá rẻ tuy có giảm được mức khấu hao trong giá thành sản phẩm, nhưng sẽ phải trả giá bằng nhiều loại chi phí khác phát sinh trong quá trình sản xuất, như suất tiêu hao năng lượng, chi phí vận hành và bảo dưỡng, tỷ lệ phế phẩm cao và chất lượng sản phẩm kém, nên chưa chắc đã hiệu quả hơn.
Bên cạnh tính hiệu quả của bản thân dự án, cũng phải tính đến hiệu quả chung của cả nền kinh tế.
Trong trường hợp của nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng, dù có khả năng sinh lợi, nhưng nếu xét đến khía cạnh hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên của quốc gia thì vấn đề lại khác. Với tỷ lệ thất thoát cao hơn yêu cầu đến 6 điểm phần trăm, lượng đồng bị mất đi từ dự án này sẽ lên đến 30.000 tấn.
Thêm vào đó, do chất lượng thành phẩm không đạt độ tinh khiết theo tiêu chuẩn quốc tế, nên chỉ xuất khẩu được với giá thấp. Vì vậy, dù vẫn sinh lợi, nhưng không thể xem dự án khai thác và tinh chế đồng Sin Quyền là có hiệu quả được.

Sin Quyền không phải là bài học đầu tiên đối với TKV cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác. Trước đó, không ít công ty đã từng thất bại với những dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng, nhà máy đường và thiết bị nhà máy nhiệt điện nhập từ Trung Quốc.

Hiện nay, TKV đang tiếp tục hợp tác với các nhà đầu tư Trung Quốc để triển khai những dự án khai thác và chế biến khoáng sản khác, trong đó có các dự án khai thác bauxite và sản xuất alumina. Công ty Trung Quốc sẽ cung cấp toàn bộ dây chuyền thiết bị và công nghệ.

Tuy Trung Quốc là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ nhôm hàng đầu thế giới, nhưng sản xuất nhiều nhôm không có nghĩa là có thể cung cấp công nghệ luyện nhôm tốt, nhất là với những quốc gia không nắm trong tay công nghệ nguồn.

Ngoài ưu thế về giá cả, thiết bị và công nghệ của Trung Quốc chưa được đánh giá cao trên thị trường thế giới, nên nhiều nhà khoa học lo ngại bài học từ dự án Sin Quyền sẽ lại tái diễn với các dự án.

Theo Tấn Đức
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

No comments:

Post a Comment