Monday, April 27, 2009

NGHĨ VÊ MÔT "HỘI NON SÔNG"

Qua kiến nghị dừng dự án bauxite, nghĩ về một "Hội Non Sông"
Nguyễn Hoàng Quang
Đăng ngày 27-4-2009
http://danchimviet.com/articles/1067/1/Qua-kin-ngh-dng-d-an-bauxite-ngh-v-mt-Hi-Non-Song/Page1.html

Kiến nghị của trí thức Việt Nam trong và ngoài nước ngày 17/4/2009 đã được gửi đến Quốc Hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ với yêu cầu xem xét, dừng lại dự án bauxite. Qua đợt đầu, đã có 135 người ký tên; qua đợt 2 danh sách công bố đã thành 400 người và hiện nay vẫn còn hàng trăm, hàng ngàn người tiếp tục đăng ký. Theo thông báo của ban soạn thảo, tính đến ngày 22.4, đã có trên 1.100 người đăng ký và ban soạn thảo đang rất bận rộn với công việc kiểm chứng lại trước khi đưa vào danh sách chính thức. Trong lúc đó, thống kê cho thấy blog bauxite Việt Nam do nhóm soạn thảo kiến nghị (gồm giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và GSTS Nguyễn Thế Hùng) lập ra, chỉ trong mấy ngày đã có hơn 20 nghìn lượt người truy cập. Đó là những con số thể hiện tình cảm nhân dân hân hoan như trẩy hội, như Hà sỹ Phu đã dự cảm: “Đã thấy Hồn thiêng gọi giống nòi, Thấp thoáng Diên Hồng loe đỉnh núi”.

Kiến nghị đã được gửi đến Chủ tịch Nước, Quốc Hội, Thủ tướng chính phủ với những yêu cầu sau:
1) Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc Hội quyết định;
2) Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp. Kính mong Quốc Hội thấu suốt được tinh thần của đại đa số dân chúng không muốn dự án này tiếp tục vì tất cả những hệ lụy nặng nề của nó;
3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi.

Trí thức là tinh hoa, trí tuệ của dân tộc, là những người có “tâm” với đất nước, có “tầm nhìn” thấu suốt được hiện tại và tương lai; đó là những người công dân-trí thức Việt Nam đàng hoàng đi trên đại lộ thênh thang chứ không phải chỉ đi trên lề đường bên phải hoặc bên trái !.

Qua việc gửi kiến nghị ta thấy nổi lên điều gì?

1. Bản Kiến nghị đã không gửi đến Đảng CSVN như thông lệ từ bấy lâu nay(!). Vì sao ? Có phải vì chính Tổng bí thư Đảng CSVN đã ký kết với TBT Đảng CSTQ cho phép khai thác bauxite tại Tây nguyên Việt Nam như đã thể hiện trong nội dung của "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc” nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ngày 3.12.2001, trong “Thông báo chung tháng 11.2006” giữa TBT hai Đảng khi TBT Hồ Cẩm Đào thăm Việt Nam và được tiếp tục nhắc lại trong “Thông báo chung ngày 1.6.2008” khi TBT Đảng CSVN chính thức thăm Trung Quốc? Có phải đó là “chủ trương lớn” của Đảng CSVN mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hô hào cần phải thực hiện? Khi ký kết Thông báo chung, phải chăng Đảng CSVN đã đứng trên Hiến Pháp, Luật pháp, đi ngược lại lợi ích của đất nước, nhất là trong vấn đề khai thác bauxite ở Tây nguyên?
Điều 4 Hiến pháp năm 1992 sắp đặt vai trò Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo “Nhà nước và xã hội” nhưng không quy định đảng CS có quyền đối nội đối ngoại, cũng không quy định quyền đại diện cho toàn thể nhân dân và đất nước Việt Nam. “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” chứ không phải “Đảng được phép đứng trên Hiến pháp và Pháp luật”.
Trong thực tế, nhân dân Việt Nam không bầu ra ban lãnh đạo của Đảng CS. Việc ký kết giữa Đảng CSVN với bất cứ ai đều không mang tính pháp lý, không đại diện cho chủ quyền của nhân dân, đất nước Việt Nam… nên những văn bản được gọi là “thông báo” hay “cam kết” đó không thể là “chủ trương lớn” mà Nhà nước và nhân dân phải thực hiện! Có phải chăng ”được thì làm Vua…”(?), mà đã thành “Vua” rồi thì không có bất cứ người nào có thể khống chế quyền của Vua? Ngày nay, thế giới tiến đến thời đại dân chủ chứ đâu còn nấn ná ở thời phong kiến. Xét riêng về vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN, thật ra cho đến nay cũng chưa có một căn cứ nào cho thấy Nhân dân Việt Nam tự nguyện thừa nhận vai trò lãnh đạo ấy mà chỉ có thực tế là sự áp đặt bằng điều 4 trong Hiến pháp, thông qua một Quốc hội với một tuyệt đại đa số là đảng viên CS. Đảng CS đâu phải là “Tổ quốc”, mà cho dù Đảng có công to lớn đến đâu (nếu thật sự là có công) thì Đảng cũng không thể đứng trên Tổ quốc Việt Nam.
Bản kiến nghị của trí thức không gửi cho Đảng CSVN, theo tôi là hợp lý, vì chính người đứng đầu Đảng CSVN đã dẫm đạp lên “quyền lợi” nhân dân, đi ngược lại lợi ích của dân tộc Việt Nam, nói cách khác là đã dẫm đạp lên quyền làm chủ của mỗi công dân Việt Nam. Một “đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động” mà trong thực tế lại phản bội lại lợi ích của người lao động và giai cấp công nhân thì có xứng đáng là đại biểu trung thành cho quyền lợi của nhân dân Việt Nam hay không? Bản thân những người lãnh đạo Đảng CSVN hiện nay là ai? Họ đại diện cho lợi ích của ai? Qua những điều cam kết với Đảng CSTQ trong Thông báo chung của 2 bên, ta thấy Đảng CSVN đã coi rẻ lợi ích của nhân dân, dân tộc, đất nước. Cho nên có thể đi đến kết luận: những tuyên bố ấy là hoàn toàn phạm pháp.

2. Bản Kiến nghị cũng không gửi đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hẳn là có lý do! Lý do đó là: Mặt Trận chỉ là cánh tay nối dài của Đảng CSVN. Đảng CSVN vừa là thành viên, lại là “hạt nhân lãnh đạo” Mặt trận. Mặt trận và các đoàn thể gọi là “chính trị-xã hội” đứng trong Mặt trận lại bao gồm những cán bộ công chức của nhà nước, ăn lương của nhà nước, xài tiền thuế của nhân dân, và trong thực tế làm việc cho Đảng CS nhưng nhân danh là đại diện của các tầng lớp nhân dân. Tất cả những tổ chức nằm trong hệ thống ấy đâu có phải là “đại diện” cho quyền và lợi ích của Đoàn viên, hội viên của mình mà thật ra chỉ là cơ quan nhà nước mang danh đoàn thể để quản lý nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng CS và sự “phối hợp” của Nhà nước. Các tổ chức đó không nói lên tiếng nói, không thể hiện nguyện vọng của nhân dân. Mặt trận và những tổ chức chính trị hay chính trị-xã hội nằm trong Mặt trận ấy không phải là tổ chức của xã hội dân sự. “Ý Đảng - lòng dân” chỉ là một khẩu hiệu nhằm áp đặt “ý Đảng”. Có phải bắt đầu từ “ý Đảng” rồi cả một hệ thống - từ bộ máy của Mặt trận, các công cụ thông tin truyền thông báo chí đồ sộ cùng với cả hệ thống tuyên truyền của Đảng CS, các đoàn thể dày đặc cùng nhau tạo thành một “sức mạnh tổng hợp” để áp đặt “ý Đảng” vào “lòng dân”? Bằng các hình thức tập huấn, tổ chức học tập nghị quyết vô cùng mất thời giờ, làm lãng phí tiền bạc của nhân dân, hệ thống ấy bắt nhân dân phải tin rằng đó là “lòng dân, ý đảng”! Đất nước Việt Nam hiện nay đang cần một xã hội dân sự thật sự chứ không cần những cái bánh vẽ do một thế lực nào đó nhào nặn lên.
Nếu Mặt trận là Đại biểu thật sự của nhân dân thì hãy lên tiếng về Hoàng sa, Trường sa, về dự án bauxite mà trí thức đang kiến nghị. Hãy tổ chức cho các tầng lớp nhân dân biểu thị bằng hành động dân chủ để bảo vệ biên cương, biển đảo, tài nguyên đất nước…chứ đâu phải ngồi đó chầu chực, chờ Đảng “cho phép” rồi mới ra tuyên cáo. Mặt trận không nói, không “kiến nghị”, không đại biểu, đại diện cho nguyện vọng của nhân dân cho nên trí thức không gửi kiến nghị cho Mặt trận; đó cũng là điều hoàn toàn hợp lý, dễ hiểu.

3. ‘”Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, đó là truyền thống, trách nhiệm của trí thức đối với đất nước. Kiến nghị của những người trí thức Việt Nam trong và ngoài nước chỉ gửi đến Quốc Hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ. Đó là những cơ quan mà hầu như tất cả các thành viên đều là đảng viên có chức quyền của đảng CS. Mặc dù bắt nguồn từ một thứ dân chủ “hình thức”, nhưng các cơ quan, chức vụ đó lại do nhân dân “miễn cưỡng” bầu ra, cho nên dù muốn, dù không, trí thức cũng phải tìm nơi để gửi kiến nghị của mình. Xét về pháp lý hiện hành, dù sao thì các cơ quan đó cũng là “đại biểu”, “đại diện” của nhân dân, là những cơ quan có thẩm quyền quyết định những vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của đất nước. Đó chính là lý do trí thức chọn những cơ quan đó làm nơi đề đạt kiến nghị.
Ở đây có vấn đề trách nhiệm của Chính phủ. Trong thời gian qua, chính phủ đã có những việc làm sai trái, đã tin rằng đó là “chủ trương lớn của Đảng” nên không cần nghe ý kiến của nhân dân: một đằng chỉ đạo chuẩn bị Hội thảo về dự án bauxite, đằng kia lại chỉ đạo “cứ tiếp tục triển khai”; làm ngơ trước những tiếng nói cảnh báo từ nhiều phía. Những thông tin về dự án bauxite, về những tác hại đối với môi trường, về nguy cơ đối với an ninh quốc phòng của dự án đó, về lao động người Trung quốc nhập cư trái phép, về các dự án do Trung quốc “trúng thầu” trên các lĩnh vực khác v.v…, các cơ quan ngôn luận nằm ở “lề bên phải” bị chỉ đạo không được nói, không được thông tin. Thử hỏi: quyền thông tin của nhân dân ở đâu? Quyền “dân biết, dân bàn”… ở đâu?
Bản Kiến nghị với 135 trí thức ký tên đợt đầu dù sao cũng đã được gửi đến tận nơi. Cũng may, Đoàn đại biểu gửi kiến nghị đã được Phó Văn phòng Quốc Hội tiếp nhận; khác hẳn với Văn phòng Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, nơi mà đoàn đại biểu phải gửi Kiến nghị vòng qua đường bưu điện vì lý do những nơi này từ mấy chục năm nay “chưa hề có tiền lệ nhận kiến nghị". Lạ thật! Nhà nước dân chủ “của dân, do dân, vì dân” sao lại ngăn cách với nhân dân như vậy. Nhà nước này là của ai? Qua việc gửi Kiến nghị lần này, bản chất của Nhà nước hiện tại cũng là vấn đề đáng cho mọi người quan tâm suy nghĩ…

4. Trí thức - tinh hoa của xã hội, đã ký và đã gửi kiến nghị. Có thể Quốc Hội sẽ bàn, sẽ có nhiều ý kiến mạnh mẽ hơn, đồng tình và biểu quyết dừng ngay lại dự án, và như vậy tiếng nói của trí thức Việt Nam sẽ được coi trọng. Nhưng cũng có khả năng bản Kiến nghị sẽ bị “xếp xó” và Quốc Hội lại vội vã “thông qua”, cho phép tiếp tục triển khai dự án bauxite bởi vì đó là “chủ trương lớn” của Đảng!
Trí thức - kẻ thù số một, tầng lớp cần phải “đào tận gốc, trốc tận rễ” thuở trước đến hôm nay có còn bị “trốc” nữa hay không? Có bị dìm như ở “Thiên an môn”, hay bị bóp chết như bọn Pôn Pốt diệt chủng đã làm hay không? Hay đảng sẽ dùng sự độc quyền thông tin kiểu “lề bên phải”, dùng đội ngũ “trí thức xã hội chủ nghĩa” không đứng về phía lợi ích nhân dân, dân tộc, đất nước, dùng các phương tiện truyền thông “hiện đại hóa” để xuyên tạc, bôi nhọ những người ký kiến nghị, gây nhiễu loạn chính trị rằng trí thức đã bị địch lợi dụng, rằng đây là “âm mưu diễn biến hòa bình”?
Dù sao thì chúng ta cũng có thể tin chắc một điều: với những người đã ký tên, nhân dân trong nước và thế giới đều biết họ là ai, họ có phải là những kẻ cơ hội chính trị hay không, họ có vì lợi quyền cá nhân hay phe phái hay không? Cả cuộc đời của họ đã chứng minh: họ luôn là người vì dân, vì sự tiến bộ của đất nước chứ không phải là kẻ bán rẻ lợi ích đất nước cho ngoại bang. Họ là những “kẻ sỹ” Việt Nam có đạo đức và lương tâm trong sáng…

Tâm thế nhân dân, tâm thế xã hội nay đã khác. Nếu không đáp lại ý nguyện của trí thức, của nhân dân, dân tộc thì Quốc Hội, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam hiện nay sẽ tự bộc lộ mình là ai?

Lịch sử đang chuẩn bị sang trang!
Trí thức không phải là những người hèn!
Ngày hội Diên Hồng Việt Nam thời đại mới đang đến!

Một Hội nghị Diên Hồng của thời đại mới – thời đại dân chủ, không cần phải chờ đợi Đảng (tức Vua đời mới) triệu tập. Bởi vì “vua” nhu nhược, nhân dân phải tự mình đứng dậy biểu thị lòng quyết tâm bảo vệ môi trường, bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước. Một Hội nghị Diên Hồng từ dưới lên thay vì từ trên xuống. Chính đó mới thật sự là ý chí, là nguyện vọng của nhân dân, bất chấp sự phản bội của một số người do lòng tham cá nhân, do bạc nhược về ý chí đã để cho kẻ xấu chen chân vào mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, hủy diệt môi trường sống và đe dọa chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Khởi xuất từ đội ngũ trí thức (chứ không từ bô lão) và sinh lực bắt nguồn từ bên dưới để thuyết phục và gây sức ép với bộ máy quyền lực bên trên, đó là đặc điểm Dân chủ và đặc điểm Hiện đại của Diên Hồng mới.

“Thước sông tấc núi giục lòng tôi” (HSP), giục lòng anh, lòng em, lòng bạn, lòng anh công nhân, nông dân, chị tiểu thương, sinh viên học sinh; giục lòng chúng ta, lòng của mọi tầng lớp nhân dân tụ hội “đi trẩy hội non sông”, “mở Hội Diên Hồng” làm chủ đất nước!

© 2009 Đàn Chim Việt Online

No comments:

Post a Comment