Monday, April 27, 2009

CHỊ NGUYỄN TẤN DŨNG CHÊ TIỀN TỶ

Trồng cao su ở Bình Dương
Everywhere land blog
Sunday, April 26, 2009
http://everywhereland.blogspot.com/2009/04/trong-cao-su-o-binh-duong.html

Bài viết của
Huy Đức trên SGTT là một sự việc khá lạ lùng.
Lạ lùng là ở chỗ bài này lại lên báo được. Mặc dù bài viết có vẻ "khen" chính quyền địa phương huyện Bến Cát đã mạnh tay, dám cưỡng chế cả đất của anh Hai, chị Hai đương kim Thủ tướng nhưng có lẽ nội dung bài này không dừng ở chỗ đấy.
Đọc bài viết này, người ta có thể suy ra nhiều điều (đúng hay sai). Tại sao người nhà Thủ tướng lại dính vào một vụ làm ăn nhập nhằng như thế? Làm thế nào mà hơn 600 ha đất trồng cao su đã tăng từ giá 50 triệu/ha lên 1 tỷ/ha (giá đền bù)? Tức là số tiền chênh lệch mà các hộ gia đình này trong đó có nhà chị Hai Thủ tướng được nhận đã lên tới gần 600 tỷ đồng. Bàn tay ai phù phép cho việc số đất này đầu tiên được bán với danh nghĩa vườn cây rồi cuối cùng trở thành bán quyền sử dụng đất và được cấp sổ đỏ?
Một câu hỏi nữa là tại sao thanh tra Bình Dương đã kết luận việc cấp sổ đỏ là trái luật pháp mà người ta không có những biện pháp xử lý những người làm trái đó. Cũng không làm rõ xem ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho các vi phạm pháp luật này, có dấu hiệu tham nhũng, hối lộ hay cố ý làm trái hay không?
Riêng điều 141 Luật Đất đai sửa đổi năm 2003 đã có quy định đối với việc vi phạm pháp luật về đất đai của người quản lý.

"Điều 141. Xử lý đối với người quản lý vi phạm pháp luật về đất đai
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai; thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. "

Thay vào đó chính quyền chấp nhận sự đã rồi. Và các hộ gia đình kia được nhận 1 tỷ trên mỗi ha, gấp 20 lần giá mua của họ. Trồng cao su mà lãi thế, trách gì toàn thấy người nhà quan chức đi trồng.

Trong bài báo của Huy Đức cũng nêu ý sau: "Từ năm 2006, một số bài báo đã coi đây là “tham nhũng”; gần đây, một số bài báo đề nghị Nhà nước cũng nên giữ chữ tín, Nhà nước sai thì Nhà nước chịu không nên thu lại tiền đền bù đã chi hay thu hồi sổ đỏ."

Tôi thấy lập luận trong một số bài báo "gần đây" mà anh Huy Đức dẫn lại là vô lý. Trước hết không có khái niệm Nhà nước chung chung mà phải cụ thể, ví dụ như chính quyền tỉnh Bình Dương. Sự nhập nhằng về khái niệm như thế cũng sẽ dẫn tới nhập nhằng về trách nhiếm. Việc xử lý theo kiểu vì chính quyền tỉnh đã sai nên chính quyền tỉnh không thu hồi sổ đỏ cũng là không hợp lý. Nếu sổ đỏ này được cấp một cách trái pháp luật thì chính quyền cần vô hiệu hóa nó. Những thiệt hại của các hộ gia đình do chính quyền tỉnh Bình Dương gây ra (vì cấp sổ đỏ sai trái) sẽ được giải quyết trên cơ sở thỏa thuận giữa chính quyền tỉnh với các hộ (và những thỏa thuận này, cũng như số tiền chính quyền đền bù, cần nêu công khai để chịu sự giám sát của dư luận và báo chí) hoặc qua con đường tòa án (các hộ này có thể kiện chính quyền tỉnh Bình Dương vì làm sai, gây thiệt hại cho họ). Đó là cách giải quyết rõ ràng, minh bạch và cũng sẽ tạo nên một tiền lệ tốt cho việc làm của chính quyền các cấp, bởi chính quyền sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp luật với những gì họ làm. Chứ cứ giải quyết kiểu bùng nhùng như hiện nay thì tình trạng chính quyền "bán" đất cho một số đại gia hay người nhà các quan chức một cách bất hợp pháp sẽ còn kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, bởi lẽ sẽ chẳng có ai phải chịu trách nhiệm trước những việc làm sai trái và tham nhũng đó cả.

Một khía cạnh khác từ bài này: phải chăng với việc bài viết này được đăng báo, thế của ông Dũng đang yếu dần? Trước kia, thỉnh thoảng chúng ta vẫn được nghe về các phi vụ làm ăn của vợ ông K, con ông K, con ông M...nhưng đó đều là các thông tin ngoài luồng, không nằm trong hệ thống báo chí XHCN. Còn trong trường hợp này là những thông tin được đăng tải trên báo chí chính thức về vụ mua bán và chuyển quyền sử dụng đất đai trái pháp luật liên quan tới gia đình chị ruột Thủ tướng!

Ở Anh, Bộ trưởng Nội Vụ Anh từng phải xin lỗi vì liệt kê nhầm mấy bộ phim người lớn do chồng bà xem vào số tiền Internet chính phủ phải thanh toán, với số tiền là 10 bảng Anh. Còn ở Việt Nam, người đọc thở phào (và ngạc nhiên) khi nghe tin cho dù vợ chồng chị ruột Thủ tướng phản đối, "chính quyền vẫn tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật và lực lượng cưỡng chế đã không gặp phải bất cứ sự can thiệp nào."

Tin liên quan:
Bình Dương: Cấp sai thẩm quyền hàng nghìn hecta đất công?
"Biếu" hơn 50 ha cao su cho cán bộ


Chị ruột Nguyễn Tấn Dũng “chê” tiền bồi thường hơn 10 triệu đô la khi bị thu hồi đất vườn cao su
Sunday, April 26, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=93997&z=1

SÀI GÒN (NV) - Báo Sài Gòn Tiếp Thị, hôm Thứ Sáu, 24 Tháng Tư, ở mục “Góc Nhìn”, có bài bình luận của nhà báo Huy Đức về vụ chính quyền tỉnh huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương “cưỡng chế” thu hồi đất trồng cây cao su để làm khu công nghiệp An Tây, mà qua đó, người ta có thể thấy được một phần nào tài sản của bà Hai Tâm, người chị gái của đương kim Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng.

Bài báo cho biết, vào sáng ngày 17 tháng Tư, chồng bà Hai Tâm (tức anh rể của Nguyễn Tấn Dũng) đã bị “áp giải ra khỏi hiện trường” khi chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 280 héc ta cao su còn lại ở xã An Tây để làm khu công nghiệp”.
Tác giả bài báo dẫn lời anh Huỳnh Ngọc Sang, người tự giới thiệu đang quản lý vườn cao su rộng 185 héc ta cho bà Hai Tâm, kể: “Lực lượng cưỡng chế với khoảng 150 người, đã “đưa đi” ít nhất 3 người trong đó có “ông Hai”, chồng bà Tâm.”
Việc “cưỡng chế” có cả công an (nhiều khi cả quân đội) tham gia, vốn là việc trong nhiều năm trở lại đây chính quyền địa phương hoặc trung ương tiến hành khi người dân bị thu hồi đất đai chống lại vì số tiền đền bù quá thấp (hoặc không thỏa đáng) so với giá trị thực của nó trên thị trường.

Nếu bỏ qua những chi tiết về vụ “cưỡng chế” mà tác giả Huy Đức cho rằng đó là sự “ngay thẳng trong thực thi công vụ của chính quyền huyện Bến Cát”, người ta nhận thấy, trong số 280 héc ta đất trồng cao su bị thu hồi thì bà Hai Tâm có đến 185 héc ta.
Vậy nguồn gốc 185 hec ta đất cao su này có từ đâu và trị giá của nó là bao nhiêu?

Huy Đức kể tiếp: “Vườn cao su kể trên thuộc 642 ha đất cao su vốn của công ty quốc doanh Sobexco. Trước đây, do làm ăn thua lỗ, Sobexco đã được tỉnh Bình Dương cho phép “bán vườn cây không gồm quyền sử dụng đất” để trả nợ, với giá bình quân 50 triệu/ha. Tiến trình mua bán kéo dài tới năm 2001, thì có những thay đổi, giấy tờ mua bán được ghi là “bên A (Sobexco) chuyển nhượng vườn cây cao su gắn liền với quyền sử dụng đất”. Hơn 40 người mua vườn cây cao su ở đây về sau được cấp sổ đỏ.
Tháng 6-2006, Thanh tra tỉnh Bình Dương cho rằng việc cấp “sổ đỏ” cho 40 hộ này là trái luật. Cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ nhưng tỉnh vẫn cho phép công ty Xuất Nhập Khẩu Bình Dương thực hiện dự án xây dựng Khu công Nghiệp An Tây trên khu đất này. Số đất mà 6 năm trước đó tỉnh “bán” với giá 50 triệu đồng/ha, nay để làm Khu Công Nghiệp, XNK Bình Dương, một công ty quốc doanh, đền bù với giá 1tỷ/ha. Chỉ trong vòng từ tháng 7 đến tháng 10-2007, công ty XNK Bình Dương đã chi ra hơn 500 tỷ để đền bù cho chủ của những vườn cao su ấy.”

Tóm tắt những thông tin trên cho thấy, bà Hai Tâm cùng với 40 người khác, cách đây hơn 8 năm, đã “mua” mỗi héc ta đất với giá 50 triệu đồng Việt Nam (khoảng 4 ngàn đô la-theo thời giá lúc ấy), và nay mỗi hec ta đất này được “đền bù” 1 tỷ đồng Việt Nam (tức hơn 60,000 đô la). Bà Hai Tâm hiện có 185 héc ta do đó sẽ được bồi thường 185 tỷ đồng Việt Nam (tức hơn 10 triệu đô la), tuy nhiên gia đình bà vẵn chưa đồng ý nên bị “cưỡng chế”.

Lợi dụng chức quyền, hay thông đồng với chính quyền để mua đất đai của nông dân hoặc của nhà nước với giá rẻ mạt sau đó chờ “dự án” mở ra để được “đền bù” với giá gấp hàng chục lần là thủ đoạn làm giàu bất chính rất phổ biến ở Việt Nam, như tác giả Huy Đức cho biết: “Trong số 40 người “dân” đứng tên trong các sổ đỏ ấy, có một số là người nhà của quan chức địa phương; và, tới cuối năm 2008, tuy không đứng tên quyền sử dụng đất ở An Tây, có người thân của Thủ tướng cũng lên gặp chính quyền địa phương khiếu nại.”

Dù bài báo của Huy Đức có ý khen chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã hành xử “ngay thẳng” trong việc “cưỡng chế” cả người thân của Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đây là một trong số rất ít tờ báo đã dám đưa ra ánh sáng một phần tài sản của những người thân trong giới lãnh đạo chóp bu ở Việt Nam, cũng như cách làm giàu bất chính của họ. (Th.)

Hình chụp bài báo của Huy Đức trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị Online hôm 24 Tháng Tư, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/93997-medium_Dung-1.jpg

Nhà thờ họ của gia đình Nguyễn Tấn Dũng tại Kiên Giang. Nguồn: Internet
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/93997-medium_Dung-2.jpg


No comments:

Post a Comment