Monday, March 23, 2009

VIỆT NAM NÊN BẮT CHƯỚC PHILIPPINES

Cộng Sản Việt Nam Nên Bắt Chước Phi Luật Tân

Trung Điền

Cập nhật ngày: 22/03/2009

http://viettan.org/spip.php?article8407

Ngày 11 tháng 3 vừa qua, Tổng Thống Phi Luật Tân bà Gloria Macapagal Arroyo đã ký một đạo luật xác nhận chủ quyền của Phi Luật Tân trên những quần đảo thuộc Biển Đông. Theo đạo luật này, Phi Luật Tân tái xác định chủ quyền của họ trên 7,100 quần đảo lớn nhỏ trong vùng biển của Phi bao gồm cả những chùm đảo Trường sa và Scarborough Shoal đang nằm trong khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Cộng sản Việt Nam.

Trong một cuộc họp báo công bố đạo luật này, Bộ trưởng hành pháp Phi Luật Tân, ông Eduardo Ermita đã nói rằng: “Việc Phi Luật Tân ký văn kiện luật nhằm gửi một thông điệp đến toàn thế giới là Phi đang tái xác định chủ quyền quốc gia… vì ích lợi quốc gia của chúng tôi”.

Ngay sau khi Phi Luật Tân công bố đạo luật tái xác định chủ quyền các quần đảo trên biển Đông, tòa đại sứ Trung Quốc đã lên tiếng phản đối và cho đây là hành động khiêu khích. Phía Cộng sản Việt Nam thì kêu gọi chính quyền Phi kềm chế hành động có thể làm sự tranh chấp trở nên nghiêm trọng. Nói chung phản ứng của các quốc gia liên hệ trong vụ tranh chấp các quần đảo ở Biển Đông chỉ mới lên tiếng chừng mực. Trong khi đó, thái độ của Phi Luật Tân là hòa nhã giải thích với các nước lên tiếng chống đối. Bộ ngoại giao Phi Luật Tân đã cho biết là việc Phi thông qua đạo luật không những nhằm tái khẳng định chủ quyền của họ trên quần đảo Trường Sa và Scarborough Shoal mà còn để xác định đường biên giới cơ bản và thềm lục địa mở rộng của Phi.

Sự kiện Phi ban hành đạo luật nói trên nhằm đáp ứng yêu cầu của Liên Hiệp Quốc đòi hỏi các quốc gia đã ký vào Hiệp ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (1982) phải nộp bản đăng ký thềm lục địa mở rộng trước ngày 13 tháng 5 năm 2009. Theo Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, mỗi quốc gia ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước đó. Trong vùng đặc quyền kinh tế này, mỗi quốc gia ven biển có quyền khai thác kinh tế đối với biển và đáy biển. Công ước này còn quy định là nếu thềm lục địa của nước ven biển kéo dài ra xa hơn 200 hải lý thì nước đó có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng bên ngoài 200 hải lý là thềm lục địa mở rộng.

Thời gian gần đây, Cộng sản Việt Nam qua phát ngôn nhân Lê Dũng của Bộ ngoại giao hay lên tiếng xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa mỗi khi có những va chạm với Trung Quốc. Thật ra sự lên tiếng này cũng chỉ bắt đầu từ năm 2008 sau khi bùng nổ phong trào thanh niên sinh viên chống Trung Quốc lập đơn vị hành chánh Tam Sa trực thuộc đảo Hải Nam để quản trị hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa vào cuối năm 2007. Nếu không có cuộc chống đối rộng lớn này, Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn im hơi lặng tiếng trước những thái độ bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông từ nhiều thập niên qua.

Hoàng sa và Trường sa là của Việt Nam từ ngàn xưa. Nhưng chính công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng ký vào năm 1958 công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo vùng Biển Đông đã làm cho Cộng sản Việt Nam ở vào thế lúng túng. Tháng 9 năm ngoái, một số đông cựu chiến binh Cộng sản Việt Nam đã gửi thư yêu cầu nhà cầm quyền hủy công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng nhưng lãnh đạo Hà Nội không dám làm. Nếu Cộng sản Việt Nam thật sự muốn bảo vệ đất nước và nhất là bảo vệ những vùng lãnh hải của Việt Nam trên biển Đông, lãnh đạo Hà Nội nên học theo cách làm của Phi Luật Tân. Chính thức công bố một đạo luật tái xác nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng sa – Trường sa.

Trên mặt công pháp quốc tế, từ năm 1945 cho đến nay, Cộng sản Việt Nam chưa có một văn kiện pháp lý nào để xác định chủ quyền của mình trên vùng tranh chấp biển Đông trong khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam đã có Bạch Thư xác nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng sa và Trường sa. Ngay cả việc đệ đơn thỉnh nguyện đến Ủy ban phân định thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc vào năm 1999, nhằm yêu cầu mở rộng thềm lục địa từ 200 hải lý đến 350 hải lý theo Công ước của Liên Hiêp Quốc về Luật Biển, Hà Nội cũng không làm. Sau 10 năm (1999- 2009), Liên Hiêp Quốc cho triển hạn việc nộp đơn thỉnh nguyện, Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục im lặng không chịu nộp đơn. Hành động này của Cộng sản Việt Nam chỉ có thể giải thích qua hai trường hợp.

Thứ nhất, Cộng sản Việt Nam không quan tâm gì đến chủ quyền trên Biển Đông. Những sự lên tiếng tái xác nhận chủ quyền qua phát ngôn nhân Lê Dũng của Bộ ngoại giao chỉ mang tính xoa dịu và trấn an dư luận mà thôi. Nếu thật sự quan tâm đến chủ quyền, đảng Cộng sản Việt Nam đã có rất nhiều cách để lên tiếng trước công luận thế giới như hủy bỏ công hàm Phạm Văn Đồng, ra đạo luật tái xác định đường cơ sở như Phi Luật Tân và nhất là nộp đơn cho Ủy ban phân định thềm lục địa Liên Hiệp Quốc để yêu cầu mở rộng thềm lục địa trên 200 hải lý. Với những hành động này, Việt Nam đã chính thức xác định chủ quyền của mình trước dư luận quốc tế, làm cơ sở cho những cuộc đàm phán về tranh chấp chủ quyền giữa các nước trong hiện tại và tương lai. Không có những nỗ lực này, Việt Nam sẽ không chỉ mất hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa mà còn lần lượt mất chủ quyền trên nhiều quần đảo khác ở Biển Đông do thái độ vô ý thức và vô trách nhiệm này của lãnh đạo Hà Nội.

Thứ hai, Cộng sản Việt Nam không dám làm phật lòng đàn anh Bắc Kinh. Sau khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, Cộng sản Việt Nam đã tìm đến Trung Quốc như chỗ dựa mới. Gần hai thập niên qua, Cộng sản Việt Nam đã rập khuôn theo các bước đi cải cách của Bắc Kinh và hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại. Không những thế, Bắc Kinh đã dùng tiền và quyền lợi để lôi kéo một thành phần cán bộ rất lớn trong đảng Cộng sản Việt Nam ngã theo Bắc Kinh để phục vụ các quyền lợi của Bắc Kinh. Hai hiệp ước về biên giới ký với Trung Quốc năm 1999 và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Việt ký với Trung Quốc năm 2000 cũng như cho phép Trung Quốc hợp tác khai thác mỏ Bauxite tại Tây Nguyên từ năm 2008 trở đi trong vòng 25 năm là những sản phẩm khấu tấu của lãnh đạo Hà Nội đối với đàn anh Phương Bắc. Chính sự lệ thuộc quá nặng nề này, thành phần lãnh đạo Hà Nội hiện nay không dám làm bất cứ điều gì gây khó chịu cho Bắc Kinh.

Sự kiện 5 tàu Trung Quốc vây quanh tàu USNS Impeccable của Hoa Kỳ hôm mồng 8 tháng 3 dẫn đến những căng thẳng quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên biển Đông hiện đang làm cho dư luận thế giới quan tâm. Điều đáng chú ý là sau ba ngày xảy ra sự vụ nói trên, Tổng Thống Phi Luật Tân đã ký đạo luật xác nhận chủ quyền trên Biển Đông cho thấy là Phi Luật Tân đã không hề lo ngại về thái độ hung hãn của hải quân Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đang hung hăng chứng tỏ uy quyền trên vùng biển Đông, nhưng chắc chắn là các quốc gia Đông Nam Á sẽ không chấp nhận và sẽ có phản ứng. Liệu Cộng sản Việt Nam có dám đứng thẳng người bênh vực quyền lợi của dân tộc như Phi Luật Tân đã làm hay không?

Trung Điền
March 19 2009

No comments:

Post a Comment