Monday, March 23, 2009

MỘT CUỘC CHIẾN MỚI ?

Một cuộc chiến mới?

Trần Khải
Đăng ngày 23/03/2009 lúc 01:38:46 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3634

Trong khi Việt Nam hưởng lợi nhờ hữu hảo giao thương với Trung Quốc, vẫn cần phải cảnh giác rằng cuộc chiến sắp tới do nhà nước Bắc Kinh khởi động hướng về phương nam có thể sẽ không cần tới mặt trận quân sự chút nào, mà nguy cơ dường như sẽ là các mạng lưới kinh tế gài sẵn từ nhiều năm qua để chờ tới một thời cơ cùng phát động. Có thể xảy ra một cuộc chiến kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam hay không? Trong khi thế trận Tây Nguyên và Biển Đông chỉ là hai áp lực thấy được, nhưng thế trận kinh tế mới có thể sẽ là một mặt trận tàng hình?

Cuộc chiến kinh tế không phải là cái gì xa lạ với thế giới. Nó xảy ra thường xuyên, từ chuyện nhỏ như khi các nước áp đặt thuế bảo hộ mậu dịch, hay khi nước này nước kia kiếm cớ chê thịt bò Mỹ hay ngăn cản chuối Mỹ Latin, cho tới mức độ trầm trọng như cấm vận Cuba, hay lấy cớ dịch bệnh phải kiểm định y tế hành khách qua phi trường từ các chuyến bay nào đó, vân vân. Nhưng Việt Nam thì quá nhiều kinh nghiệm với Trung Quốc về các trận chiến kinh tế, từ tiền giả đưa qua biên giới, cho tới hàng giả, hàng dỏm, gà lậu các thứ bán rẻ mạt về phương nam… Nhưng các trận chiến kinh tế sắp tới, chắc chắn phải thập phần hiểm độc hơn nhiều.

Điều thực tế là Việt Nam cần kết thân giao thương với Trung Quốc, cũng như với bất kỳ quốc gia nào khác. Nhất là trong thời buổi khủng hoảng, tìm ra thị trường khổng lồ để bán hàng sang là mừng rồi.

Tờ Nhân Dân Nhật Báo của nhà nước Bắc Kinh tuần trước ghi nhận rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 5 năm liền, theo tin của đài VOA hôm 10-3-2009. Bản tin còn nói rằng Việt Nam là thị trường lớn nhất của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á về hợp đồng kỹ thuật. Trong khi đó, ngày càng nhiều các doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư ở thị trường Việt Nam.
Bản tin viết là, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và tổng kim ngạch thương mại song phương đã đạt 19,46 tỉ đô la trong năm 2008, tức là tăng 28,8% một năm. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng 27,2% và đạt 15,12 tỉ đô la, và nhập khẩu đạt 4,34 tỉ đô tức là tăng 34,6%.
Bản tin ghi thêm: "Số liệu thống kê của Bộ Thương mại Trung quốc cho thấy tính đến tháng 9 năm 2008, Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp 540 triệu đô la vào Việt Nam chủ yếu là các lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp, sản xuất phụ tùng xe hơi, xe máy, chế biến thức ăn gia súc, phát triển tài nguyên khoáng sản và điện lực."

Như thế, cũng nhờ Trung Quốc, hàng chục ngàn công nhân Việt Nam có được việc làm. Nếu tính cả khối giao thương song phương khổng lồ, số lượng công nhân cho thị trường này phải là hàng trăm ngàn người. Do vậy, bất kỳ biến động nào trong quan hệ hai nước, cũng có thể gây bất ổn cho thị trường lao động, và làm mất sức cho một số khu vực kỹ nghệ. Nhưng Trung Quốc có thể lợi dụng lợi thế kinh tế này để làm khó Việt Nam hay không? Và có thể sẽ cùng lúc, vừa đánh võ cận chiến tàng hình bằng giao thương và đầu tư kinh doanh, vừa dàn quân hữu hình ở Biển Đông và Tây Nguyên hù doạ hay không? Không thể nói rằng TQ không hề nghĩ tới một thế trận như thế.

Chính ngay như Hoa Kỳ, trong giây phút cả nước suy thoaí kinh tế, Bộ Quốc Phòng Mỹ vẫn ngồi bàn mưu xem có nên mở một "cuộc chiến tài chánh" để phục vụ cho quyền lợi Hoa Kỳ hay không. Tờ báo Wired hôm 16-3-2009 đã có bài viết của Noah Shachtman, nhan đề "US Could Use Crisis to Wage 'Financial Warfare'" (Mỹ Có Thể Lợi Dụng Khủng Hoảng Để Mở 'Cuộc Chiến Tài Chánh'), trong đó cho biết một nhóm học giả và các chuyên gia hoạch định chính sách ở Bộ Quốc Phòng Mỹ đã họp ở Phòng Danger tại Pentagon để bàn về viễn ảnh này, tuy là có nỗi lo suy thoaí làm hại kinh tế Mỹ, nhưng thời buổi naỳ lại cho Mỹ:
"…...các cơ hội mới để áp lực các đối thủ xuyên qua ứng dụng chiến lược của giao dịch thị trường và lưu chuyển tiền ở ngân hàng. Họ gọi lý thuyết của họ là 'cuộc chiến tài chánh.'
"Một viên chức Pentagon nói tại Danger Room, 'Các nước đang bị căng thẳng. Dân chúng của họ đang ngày càng dao động. Do vậy, họ càng lệ thuộc thêm vào đầu tư của chúng ta. Hình thức này của cuộc chiến tàì chánh -- nó có thể là một công cụ khác trong các công cụ của chúng ta.'"

Nhưng có vẻ như Trung Quốc đã gài sẵn gián điệp nghe ngóng, nên mới hôm Thứ Sáu, Thủ Tướng TQ Ôn Gia Bảo nói là ông có "một chút lo ngại" rằng tiền đầu tư cuả TQ vào Mỹ, trong đó có hơn 1 ngàn tỉ đô là mua công khố phiếu Mỹ, sẽ không an toàn. Nghĩa là, họ Ôn sợ Mỹ bày kế đốt tiền của TQ.

Báo Wired viết rằng, James Rickards, chuyên gia taì chánh và là cố vấn cho Giám Đốc Sở Tinh Báo Quốc Gia DNI, noí với đài phát thanh NPR, rằng Mỹ có thể cũng bị một cú đánh taì chánh, cỡ như trận Trân Châu Cảng, nhắm vào đồng Mỹ Kim, hoặc nhẹ hơn thì, trích, "không tới nỗi như thế. Có thể chỉ là Trung Quốc tự lo kiếm lợi, trong một cách làm lãi suất tăng, và đồng đô la phải sụt giá."

Bài báo kể rằng trong cuôc5 khủng hoảng Kênh Đào Suez năm 1956, Tổng Thống Dwight Eisenhower dùng áp lực thị trường để giữ không cho Pháp và Anh tấn công Ai Cập, nên ra lệnh Bộ Ngân Khố Mỹ đổ ra đồng Sterling của Anh ra thị trường qúôc tế, làm ép giá đồng Bảng Anh, gây thiếu hụt trữ kim cần thiết để nhập cảng, thế là Anh và Pháp mau chóng rút khỏi kênh đào này.

Thực tế, bây giờ Mỹ vẫn đang mở mặt trận taì chánh để cấm vận một số nước, niêm phong taì khoản nhiều công ty và tổ chức liên hệ khủng bố hay ma túy. Gần đây nhất, khi Nga tấn công Georgia, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC) của Mỹ đã bàn tới trừng phạt Nga bằng cách niêm phong tất cả các tích sản của các đaị gia tư bản Nga từng bơm tiền đưa Putin lên ngôi hiện nay nhưng rồi thôi.

Trung Quốc có âm mưu nào với Việt Nam hay không? Chắc chắn là có. Nếu cuộc chiến tương lai bùng nổ, chắc chắn không chỉ quân sự, mà sẽ còn là cuộc chiến kinh tế, kèm với cuộc chiến môi trường (xả bùn đỏ chảy từ mỏ bauxite Tây Nguyên), cuộc chiến phong tỏa đường biển từ Biển Đông ép vào. Thế trận cực kỳ đáng ngại.

Mà âm mưu từ phương bắc không phải là chuyện mới lạ gì. Nhà bình luận Trần Bình Nam trong bài
"Mao và Việt Nam" ghi nhận rằng:
"Trong cuốn sách mới nhất về Mao Trạch Đông của bà Jung Chang viết chung với ông Jon Halliday nhan đề Mao: The Unknown Story (Những Câu Chuyện Chưa Được Tiết Lộ về Mao) (1) bà Jung Chang đã để dành một chương để nói về các ý đồ của Mao đối với Việt Nam (trang 560 -566)...."
Thậm chí, theo bà Jung Chang, "Trung Quốc còn dùng mỹ nhân kế giới thiệu một thiếu phụ trẻ đẹp làm vợ Hồ Chí Minh, nhưng Hồ từ chối không nhận".


Điều chúng ta suy nghĩ rằng, với mạng lưới kinh tế TQ đã gài xôi đậu khắp nước VN để đạt vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, thử hỏi Trung Quốc đã tặng bao nhiêu gáí đẹp và đô la cho các ông trung ương, thành ủy, tỉnh ủy và huyện ủy CSVN?

Tình hình hiện nay nguy ngập tới mức nhà báo lão thành Bùi Tín đã lên tiếng qua bài
"Bôxít - Stop!" rằng TQ đã đưa công nhân (hay gián điệp, hay binh lính cải trang?) vào Tây Nguyên với tốc độ chóng mặt:
"....Người ta hẹn sẽ sớm tổ chức hội nghị khoa học thảo luận kỹ về khai thác bô-xít. Vậy mà hàng trăm xe ủi, xe ben, xe tải vẫn chạy ầm ầm ở huyện Đak Nông; mặt bằng tuần trước là 50 héc-ta, nay đã là hơn một trăm héc-ta đỏ chót. Mới đó, người Trung quốc lạ lẫm mới có đó 500, nay đã hơn 1 nghìn, sắp vọt lên 6 nghìn.. .."

Hãy hình dung: Nếu Trung Quốc có thể đưa biển người vào Tây Nguyên, thì đây sẽ là một mặt trận mới, một kiểu kết thân lâu dài sẽ đáng ngại, nếu nhà nước CSVN sơ xuất để kích động các nỗi bất mãn từ lâu của đồng bào Thượng. Và đây là một quả bom nổ chậm rất khó gỡ ngòi. Hoặc ở một chiều khác: có thể TQ sẽ xúi giục và đỡ đầu cho một số người Thượng đòi ly khai? Chúng ta không thể nào tiên đoán nổi đối với nhà nước CSTQ trăm mưu nghìn kế này.

Vậy rồi chúng ta nên làm gì? Nhà văn Đào Hiếu từ Sài Gòn, trên mạng talawas với bài viết
"Dựa Vào Ai?", đã kêu gọi CSVN rời bỏ sự bảo kê của TQ để trở về dựạ vào dân Việt:
"…. ..Chính quyền HÃY DỰA VÀO DÂN. Có chỗ dựa ở dân thì ngoại bang dù hùng mạnh và gian ác đến đâu cũng không dám lộng hành như hiện nay.
Muốn dựa vào dân thì hãy dẹp bỏ cái quốc hội bù nhìn đi. Hãy can đảm chấp nhận một quốc hội có đối lập, và quốc hội đó sẽ soạn thảo một bản hiến pháp mới, trong đó không có điều 4, vì điều 4 chủ trương độc tài đảng trị, hủy diệt nhân quyền và dân chủ....(.. ..)
Hiện nay các anh có 2 con đường để chọn lựa: hoặc là mãi quốc cầu vinh, hoặc là DÂN CHỦ (tức là đứng về phía nhân dân) để có chỗ dựa vững chắc, để phục hồi tư thế và sức mạnh dân tộc.
Quay đầu là bờ. Nếu không các anh sẽ chết chìm trong ô nhục!"


Thế đấy, đất nước chưa bao giờ bị mai phục nhiều hướng như hiện nay. Từ ngoàì biển lấn vào, từ núi cao Tây Nguyên lấn xuống, và một mạng lưới kinh tế cận chiến tinh vi. Cuộc chiến tàng hình này bắt đầu lộ ra móng vuốt rồi. Nhà nước CSVN chỉ còn cách duy nhất tốt đẹp là quay đầu về với dân mà thôi.

Trần Khải

No comments:

Post a Comment