Việt Nam – Campuchia hợp tác ngăn chặn tài liệu lịch sử?
Nguyễn Bình, thông tín viên RFA
2009-03-01
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-cambodia-cooperate-to-block-historical-books-nbinh-03012009145043.html
Thưa quí thính giả, một người gốc Khmer Nam Bộ đang bị công an địa phương Campuchia và Việt Nam truy lùng, với nguyên nhân được cho là do ông này gửi tài liệu lịch sử về Việt Nam.
Từ Campuchia, thông tín viên Nguyễn Bình có bài tường trình như sau.
Vì 2 quyển sách và 1 tờ tạp chí
Một người đàn ông Khmer Krom đang sinh sống ở tỉnh Svay Rieng của Campuchia hiện đang lẫn trốn do bị công an Campuchia và Việt Nam truy lùng tìm bắt từ ngày 24 tháng 2 vừa qua.
Các nhân chứng ở tỉnh Svay Rieng giáp biên giới Việt Nam cho biết ông Srey Sothy, người gốc Khmer Krom, có quê quán ở tỉnh Trà Vinh. Vừa qua, ông có gửi 2 quyển sách và một tờ tạp chí tiếng Khmer cho người thân ở miền Nam Việt Nam - bao gồm sách lịch sử Campuchia, lớp 3, do Bộ Giáo Dục biên soạn, sách chuyện cổ tích Kampuchea Krom, tức của người Khmer ở miền Nam Việt Nam, và một tờ tạp chí của hội Phụ nữ Khmer Kampuchea Krom có trụ sở ở thủ đô Phnom Penh.
Khi tài liệu tiếng Khmer này vừa đến nơi thì bị công an địa phương phát hiện, và truy tìm tông tích biết là do ông Srey Sothy gửi về.
Vào ngày 24 tháng 2 vừa qua, trong lúc ông Srey Sothy đang ở Phnom Penh thì có một công an Việt Nam và một số công an tỉnh Svay Rieng của Campuchia đến tìm bắt ông tại nhà. Vợ ông Srey Sothy cho biết, sau khi tìm không thấy chồng bà, họ chụp hình những người thân trong gia đình và nói rằng chồng bà đang có tội, nhưng không cho biết là tội gì.
Một công an huyện nói trong điều kiện xin dấu tên cho biết là ông có nhận lệnh từ lãnh đạo công an tỉnh cho đi bắt ông Srey Sothy, nhưng không cho biết ông này phạm tội gì. Còn lãnh đạo công an tỉnh thì từ chối không trả lời.
Ông Khieu Sopheak, phát ngôn viên Bộ Nội Vụ Campuchia nói rằng ông không biết sự việc này. Theo ông thì đây là vụ việc của công an cấp tỉnh. Ông còn cho rằng nếu chỉ gửi 2 quyển sách và một tờ tạp chí nói trên về Việt Nam thì không thể kết tội gì được. Do đó ông khuyên người đàn ông Khmer Krom này nên ra trình diện và mời luật sư giúp đỡ về mặt pháp lý.
Còn ông Thuon Saren, lãnh đạo tổ chức bảo vệ nhân quyền Khmer Kampuchea Krom đang theo dõi vụ việc này thì khuyên ông Srey Sothy tiếp tục lẫn trốn, không nên về địa phương. Và càng không thể ra trình diện theo hướng dẫn của ông Khieu Sopheak, vì cộng đồng Khmer Krom của ông thuộc dạng mà cả chính quyền Phnom Penh và Hà Nội đều không thích. Mặc dù việc làm của họ không phạm luật nhưng khi lỡ bắt chính quyền sẽ bịa ra nhiều vụ việc khác, mà trường hợp nhà sư Tim Sakhorn là một minh chứng.
Tuyên truyền lịch sử?
Được biết, hiện chính quyền ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ đang tuyên truyền lịch sử vùng đất Nam bộ khác với
tài liệu của Campuchia rằng vùng đất này hình thành là do công khai phá của người Việt và người Hoa. Còn người Khmer chỉ là người đến sau để tránh họa diệt chủng. Đồng thời không thừa nhận người Khmer ở miền Nam Việt Nam là người bản địa theo nhận định của các tổ chức Khmer Krom ở hải ngoại.
Ngoài ra một số địa danh có gốc Phạn ngữ theo cách hiểu của người Khmer, cũng được thay bằng Hán ngữ, như địa danh Cần Thơ trước đây được người Khmer cho rằng được gọi trại từ tên một nhánh sông ở gần thành phố Cần Thơ ngày nay, có tên Phạn ngữ là Kantho. Nay được thay bằng Hán ngữ là Cầm Thi Giang theo giả sử thời Nguyễn.
Ông Thuon Saren cho rằng hiện tượng này đã vượt ra ngoài tầm chính trị. Do mặt bằng dân trí ở miền Tây Nam bộ còn thấp nên thường diễn ra hiện tượng dị ứng với nền văn minh phi Trung Hoa.
Theo ông biết, hiện chính quyền tỉnh An Giang, còn cấm người Khmer ở đó không cho xem đài truyền hình của Đảng Nhân Dân, mặc dù đảng này có quan hệ đặc biệt với Đảng Cộng Sản Việt Nam.
No comments:
Post a Comment