Monday, March 2, 2009

ĐƯỜNG LÊN YÊN TỬ NẶNG TRĨU NỖI BUỒN

Đường lên đất Phật nặng trĩu nỗi buồn
(Chủ nhật , 01/03/2009, 10:06)
http://www.congan.com.vn/phong_su_dieu_tra/20081230.85897/copy2_of_20081230.58655/20090227.32710.html
(BNS) Hai năm trở lại đây, chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử đã thành tâm điểm lôi cuốn nhiều người hành hương về đây cúng bái, chiêm ngưỡng. Việc chinh phục độ cao 1.068m so với mực nước biển bằng cách leo bộ thay vì đi cáp treo cũng là một cách để cảm nhận được những giá trị Phật giáo mà đức vua Trần Nhân Tông cùng các vị tổ sư thiền phái Trúc Lâm đã bao năm tu luyện, gây dựng ở nơi này. Quãng đường leo từ chân núi đến chùa Đồng dài 6km ai cũng mệt mỏi, nhưng với chúng tôi đó còn là hành trình của nỗi buồn với bao cảnh chướng tai gai mắt diễn ra nơi đất Phật.

TỆ NẠN BÁM CHÂN DỌC ĐƯỜNG
Chúng tôi và đoàn leo núi vừa xuất phát được vài chục mét đã bắt gặp giữa đường vài đám đông chụm đầu vào nhau hò hét, thách đố. Mọi người ngó qua mới biết đó là những sới úp xu đỏ đen. Một vài tên trong bọn đóng giả khách nhảy vào chơi và thách thức đặt cược ván úp với chủ sới. Chúng cho nhau thắng đôi ván để lừa người xem thấy dễ ăn mà nhảy vào. Người nào tinh ý sẽ nhận ra ngay điều đó, nhưng vẫn có người mắc bẫy. Cho đến khi thua vài ván úp xu, có người chẳng buồn leo núi lễ Phật gì nữa mà quyết ở lại bên sới cố gỡ lại.
Khi cuộc hành trình của đoàn bắt đầu đặt chân tới những đoạn dốc cao, ai cũng mệt mỏi, mồ hôi vã ra như tắm. Lúc này hai bên đường chỉ còn những khóm cây âm u, thỉnh thoảng nước mưa đọng trên tán lá lại rơi xuống đầu và mặt người leo núi. Đã mệt mỏi, nhìn sang hai bên đường mọi người lại bắt gặp cảnh những đứa bé mặt mũi nhem nhuốc ngồi, nằm ngổn ngang. Chúng chẳng nói gì, cứ chìa tay về phía đoàn khách xin tiền. Có một số người trong đoàn đã từng đi Yên Tử cho biết mấy đứa trẻ ăn xin đó ghê lắm, không xin được tiền là có thể bám theo để nhân lúc người đi mệt mỏi sơ ý sẽ móc túi lấy tiền, điện thoại, máy ảnh...
Mưa ngày càng nặng hạt, lên đến chùa Hoa Yên hầu như ai cũng phải trang bị cho mình một chiếc áo mưa. Do chưa mua nên chúng tôi cũng tìm đến một hàng áo mưa di động bên đường. Anh thanh niên bán áo mưa mặc bộ đồng phục thanh niên tình nguyện rất tử tế, vậy nhưng giá bán những chiếc áo mưa dùng 1 lần của anh ta thì chẳng rẻ chút nào: 10.000đ/chiếc, trong khi giá thực chỉ có 2.000đ.

NHAN NHẢN THUỐC NAM DỎM, ĐỘNG THỰC VẬT HOANG DÃ
Vùng rừng núi Yên Tử vốn nổi danh là nơi sản sinh ra nhiều loại cây thuốc Nam quý hiếm của nước ta. Nơi đây cũng chính là chỗ An Kỳ Sinh - một đạo sĩ, thầy thuốc đến tu luyện và tìm phương thuốc trường sinh cho nhà vua. Ông đã chết và hóa đá gần đỉnh núi, cách chùa Đồng 500m. Từ câu chuyện về An Kỳ Sinh và đặc thù vùng núi rừng nơi đây đã dẫn đến một nghề cho người dân địa phương, đó là đi hái thuốc Nam về bán. Nghề này càng nở rộ vào những ngày lễ hội khi du khách các nơi ùn ùn kéo về. Nhưng theo Ban quản lý di tích Yên Tử, thuốc thật vô cùng khó mua, còn thuốc giả thì được bày bán nhan nhản dọc đường lên núi.
Loa phóng thanh của Ban quản lý di tích Yên Tử cũng ra rả phát vài câu nhắc nhở đại loại: “Hiện nay tại khu vực Yên Tử có một số kẻ gian lợi dụng địa hình rừng núi cơ quan chức năng không quản lý được mà bán những loại thuốc Nam dỏm, kém chất lượng. Chúng còn dùng thủ đoạn cho đồng bọn giả danh, trà trộn vào khách hành hương để mua hàng và khen tốt nhằm đánh lừa. Mong quý khách thập phương chú ý, không nên mua hàng giả...”.
Ngay gần quầy thuốc dỏm, chúng tôi gặp những kẻ đội nón mặc áo mưa bày bán thuốc Nam với thủ đoạn mời chào giới thiệu rất hấp dẫn cùng một số kẻ đồng bọn mua trước khen tốt, làm những người cả tin xúm vào mua. Giá thuốc có khi được hét lên đến 100.000đ/lạng, nhưng khi mặc cả khách trả 50.000đ/lạng họ cũng bán. Nhiều người lầm tưởng giá thuốc đó là rẻ nên không tiếc tiền bỏ ra mua. Có người chỉ dám mua thử 1- 2 lạng về dùng, nhưng cũng có người mua cả ký với lý do chẳng biết đến bao giờ mới quay lại nơi này. Một sinh viên tên Đăng, học trường Bách Khoa, cho biết đã từng mua thuốc Nam ở Yên Tử về chữa bệnh đau thắt lưng. Uống được vài lần thấy bị đau bụng, buồn nôn, sợ quá Đăng mang thuốc đi hỏi một thầy thuốc Đông y mới biết đó chỉ là các loại rễ, lá cây linh tinh mà ở núi nào cũng có!
Không chỉ thuốc Nam dỏm nhan nhản mà động thực vật hoang dã cũng được bày bán công khai. Ngay dưới khu chợ đồ lưu niệm và thuốc Nam ở chân núi Yên Tử có thể mua ngay được một số loài động vật hoang dã tươi sống. Một thanh niên dắt theo đôi con dũi chạy lòng vòng để câu khách. Anh ta nói loại này ngâm rượu rất tuyệt, hầm cho người mới sinh ăn thì không gì bằng. Giá hai con tổng trọng lượng khoảng 1kg là 350.000đ, không bớt. Rất nhiều người xúm lại xem, nhưng ai cũng nghi ngờ sự thật giả của nó nên chưa dám mua. Ngay bên cạnh đó lại có vài phụ nữ với những con sóc, cầy hương, chồn trong lồng, trên mặt đất đang chạy nhảy.
Trúc là nét đặc trưng của Yên Tử. Thế nhưng ngay dưới chân chùa Vân Tiêu, chùa Hoa Yên, nhà ga cáp treo Yên Tử hay dọc đường leo núi, măng trúc được bày bán tràn lan như một chợ “đặc sản”. Măng trúc có hai loại: tươi và khô. Loại tươi đã ngâm tẩm sẵn, đựng trong các chai, lọ nhựa bày la liệt ở các cửa hàng. Nhiều người bán hàng ở đây cho biết “trước Tết Nguyên đán cả làng chúng tôi đã kéo nhau vào rừng đào măng trúc”. Hàng nghìn cây trúc lớn được người dân ở đây chặt hạ vô tội vạ để về làm gậy bán cho du khách leo núi. Với sự tàn phá động thực vật rất tàn khốc như hiện nay thì chẳng mấy chốc trúc rừng Yên Tử quý hiếm cùng những loài động vật hoang dã sẽ biến mất khỏi nơi này.

CHÙA ĐỒNG ĐANG BỊ HÀNH XÁC
Chùa Đồng nằm ở độ cao 1.068m như một điểm nhấn quan trọng nhất của khu di tích Yên Tử. Chùa có diện tích gần 20m2, nặng 70 tấn làm bằng đồng nguyên chất và là một công trình Phật giáo có giá trị nghệ thuật, tâm linh rất lớn. Chùa được khánh thành trên đỉnh Yên Tử và chính thức đi vào sử dụng từ ngày 30-1-2007.

Chỉ mới hai năm sử dụng mà chùa Đồng đã bị biến đổi hình hài. Leo bộ lên được chùa Đồng thực sự là một cuộc chinh phục thử thách và chiến thắng chính mình. Đó cũng là cuộc đi để trở về với thiên nhiên, với Phật. Nhưng có mấy ai leo lên chùa Đồng hiểu được ý nghĩa cao đẹp đó, nhận ra giá trị đích thực của nghệ thuật đúc, chạm khắc đồng tinh xảo của các nghệ nhân làng nghề Ý Yên, Nam Định. Thay vào đó, người ta leo lên đây chỉ cốt cầu xin, khấn vái, ném tiền mua sự bình an cho mình. Họ chà, xát những đồng tiền vào ngôi chùa để lấy may. Họ nhét tiền vào mái, tường hay bất cứ chỗ nào của chùa để mong mình sẽ giàu sang, hạnh phúc. Để rồi một cơn gió thoảng qua tiền bay tứ tung. Họ cũng đâu biết rằng đồng tiền thần thánh hóa chùa Đồng đó còn rất dễ rơi vào tay đội quân cái bang đang lăm le đợi sẵn xung quanh để lấy đi.
Trong những lúc đông đúc, người ta chen nhau bằng mọi giá để đến sờ, nắm, ôm... được lấy ngôi chùa. Họ còn đu bám lên chùa một cách không thương tiếc. Ngôi chùa nặng 70 tấn nằm trên mỏm đá dường như với sự mê tín thái quá của chúng sinh cũng bị ngả nghiêng phần nào.

Nhưng hành động thiếu văn hóa nhất mà nhiều người đày đọa chùa Đồng chính là việc chạm, khắc, vẽ linh tinh lên tường đồng. Trớ trêu thay, ngay gần tấm biển đỏ “Nơi thờ tự linh thiêng, quý khách không khắc vẽ lên chùa” lại nhan nhản bao hình, chữ của những người đã từng lên đây. Họ vẽ, viết không rõ nên dùng những vật sắc nhọn để khắc sâu vào tường chùa bằng đồng. Nào là tên, tuổi của người này người kia, hình trái tim, lời hẹn ước, điều cầu khấn... hiện diện đầy đủ khiến cho bức tường của chùa trở nên vô cùng nhem nhuốc. Một nhà sư đang nhận tiền công đức của khách thập phương ở đây cho biết: “Bản tự đã tìm mọi cách để ngăn cản tình trạng khắc vẽ lên chùa Đồng nhưng không thể kiểm soát hết được. Lợi dụng lúc đông đúc hoặc lúc vắng vẻ không có người trong ban quản lý di tích trông coi, nhiều kẻ vô ý thức, thiếu văn hóa vẫn cố tình trèo lên chùa để khắc...”. Những hành động mê tín thái quá cho đến các hành vi có tính chất phá hoại, hủy đi vẻ đẹp của di tích chùa Đồng nói trên cần phải được chấm dứt ngay. Cần có biện pháp, hình phạt nghiêm khắc với những hành động phá hoại di tích để làm gương cho người khác. Nếu các ban ngành chức năng Quảng Ninh không sớm có hành động, biện pháp quản lý thì chẳng mấy chốc chùa Đồng sẽ biến thành một cục đồng 70 tấn với những đống chữ nghĩa, hình hài lộn xộn, vô văn hóa cùng sự sứt mẻ đáng tiếc.



No comments:

Post a Comment